Giải đáp về vi-rút corona

Đài NHK xin giới thiệu ý kiến chuyên gia giải đáp một số câu hỏi về vi-rút corona chủng mới.

Câu hỏi 558: Phát hiện mới nhất về hậu COVID (9) Vướng mắc về cơ chế khám chữa

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản đã công bố hướng dẫn, theo đó đề nghị người có triệu chứng nghi là di chứng COVID đến khám ở các cơ sở y tế địa phương hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ mà mình thường xuyên đến khám. Tuy nhiên, có một số cơ sở tiến hành khám một cách miễn cưỡng, hoặc nói với người đến khám rằng những triệu chứng đó chỉ là tưởng tượng thôi.

Bác sỹ Morioka Shinichiro thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế Toàn cầu Nhật Bản nói rằng điều quan trọng là phải thiết lập cơ chế để những người nói là bị di chứng có thể được khám chữa.

Bác sỹ Morioka cho biết nghiên cứu của trung tâm cho thấy sau khi nhiễm COVID được 18 tháng, khoảng 1/4 bệnh nhân vẫn bị một số triệu chứng. Vì thế, cần có nhiều cơ sở hơn để tiếp nhận những người này. Cũng theo bác sỹ Morioka, vì phải tìm hiểu các triệu chứng cũng như các chi tiết khác, nên thời gian khám cho 1 người kéo dài hơn, khiến một số cơ sở y tế khám được cho ít bệnh nhân hơn. Bác sỹ cho rằng cần phải cân nhắc nhiều yếu tố để xây dựng cơ chế, bao gồm cả yếu tố về chi phí khám chữa.

Bộ y tế đang đề nghị tất cả các tỉnh trên cả nước lập danh sách cơ sở y tế có thể khám chữa di chứng COVID và công bố thông tin, muộn nhất là ngày 28/4.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/4/2023).

Câu hỏi 557: Phát hiện mới nhất về hậu COVID (8) Các bác sĩ làm gì cho bệnh nhân

Trả lời:
Viện nghiên cứu Y học Kitano ở thành phố Osaka là một trong những cơ sở y tế có một đơn vị ngoại trú chuyên về di chứng COVID. Các bác sĩ tại đây hỏi bệnh nhân kỹ lưỡng về tình trạng của họ để xác định xem liệu các triệu chứng của bệnh nhân có liên quan đến COVID-19 hay là do các bệnh khác gây ra.

Bác sĩ Marumo Satoshi tại bệnh viện cho biết điều quan trọng là trước tiên phải quyết định liệu bệnh nhân đang bị di chứng của COVID-19 hay các bệnh khác, bởi vì các bệnh mãn tính, chẳng hạn như thấp khớp, có thể xấu đi do nhiễm trùng vi-rút corona. Ông cho biết việc chẩn đoán chính xác cho phép bệnh nhân được điều trị tại chuyên khoa phù hợp với tình trạng của họ.

Bác sĩ Marumo cũng cho biết một số người bị di chứng COVID cho biết họ bị trầm cảm do luôn lo lắng bởi cơ thể không được khỏe.

Bác sĩ Marumo nói, trong một số trường hợp, các triệu chứng là do lo lắng về di chứng gây ra. Ông cho biết khoảng 60% người lao động trong độ tuổi 40 đến 50 được điều trị tại bệnh viện vì nhiễm vi-rút corona đã không thể đi làm trở lại ngay sau khi khỏi bệnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/4/2023).

Câu hỏi 556: Phát hiện mới nhất về hậu COVID (7) Phương pháp điều trị

Trả lời:
Ông Kutsuna Satoshi, Giáo sư Đại học Osaka cho biết vấn đề là chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị các di chứng. Theo ông thì nếu muốn tránh nguy cơ mắc di chứng hậu COVID thì quan trọng hơn hết là cần thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm hoặc đi tiêm chủng.

Bác sĩ Morioka Shinichiro thuộc Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu cho biết một số phương pháp điều trị đang được thử nghiệm lâm sàng. Kết quả của các thử nghiệm này cho thấy một số biện pháp có tiềm năng điều trị di chứng, trong đó có liệu pháp oxy cao áp, có hiệu quả đối với các triệu chứng thần kinh, và thuốc uống Paxlovid của Pfizer.

Bên cạnh đó, công ty Shionogi của Nhật Bản đang nghiên cứu liệu loại thuốc uống mới Xocova có thể giảm nhẹ một số di chứng hậu COVID hay không. Theo kết quả hiện có, vào thời điểm 6 tháng sau khi khỏi bệnh, 14,5% bệnh nhân được điều trị bằng Xocova cho biết mắc ít nhất 1 trong 14 triệu chứng liên quan đến di chứng hậu COVID như ho hoặc mệt mỏi. Con số này ở các bệnh nhân dùng giả dược cao hơn, ở mức 26,3%. Shionogi cho biết nguy cơ mắc di chứng thấp hơn 45% ở những bệnh nhân được điều trị bằng Xocova.

Cũng ở Nhật Bản, một số báo cáo cho biết liệu pháp kích thích vòm họng trên bằng bông tăm qua đường mũi giúp giảm một số triệu chứng liên quan đến di chứng hậu COVID. Hiệu quả của liệu pháp này vẫn đang trong quá trình xác minh một cách khoa học. Tuy nhiên, một số cơ sở y tế đang sử dụng liệu pháp này để điều trị bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID.

Hiện chưa có biện pháp điều trị nào được chỉ định vì tất cả các biện pháp nêu trên đều đang trong giai đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị cho thấy tiềm năng có thể điều trị di chứng hậu COVID trong tương lai.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/4/2023).

Câu hỏi 555: Phát hiện mới nhất về hậu COVID (6) Chẩn đoán hậu COVID

Trả lời:
Giáo sư Iwasaki Akiko của Đại học Yale là chuyên gia miễn dịch học và nghiên cứu về COVID. Bà và các đồng nghiệp hiện đang xem xét các biện pháp xét nghiệm để xác định di chứng COVID. Các chuyên gia đang nghiên cứu xem liệu có thể phát hiện được có những chất cụ thể gì trong máu người bệnh hay lượng hormone của họ có cao quá hay không. Cách nghiên cứu này là để tạo ra phương pháp chẩn đoán bằng xét nghiệm máu.

Các chuyên gia hiện nay tập trung nghiên cứu về lượng hormone nội tiết tố, còn gọi là cortisol. Hormone vốn hoạt động với vai trò nhằm ức chế hệ miễn dịch, đồng thời giúp làm giảm viêm nhiễm. Chúng ta đều biết rằng lượng cortisol trong máu tăng lên khi thức dậy buổi sáng. Cortisol tăng cũng làm đường trong máu và huyết áp tăng theo, giúp cho cơ thể vận động khỏe khoắn.

Nghiên cứu của bà Iwasaki và đồng nghiệp cho thấy lượng cortisol trong máu của người bị di chứng COVID khi thức dậy buổi sáng có xu hướng thấp hơn nhiều so với người bình thường. Nghiên cứu này hé lộ phần nào về đặc điểm di chứng COVID. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có thể tìm ra cơ chế hoạt động của hậu COVID.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/4/2023).

Câu hỏi 554: Phát hiện mới nhất về hậu COVID (5) Giả thuyết về cơ chế xuất hiện di chứng

Trả lời:
Hiện vẫn chưa rõ cơ chế xuất hiện di chứng hậu COVID-19. Chuyên gia miễn dịch học Iwasaki Akiko, giáo sư Đại học Yale, đã nghiên cứu về các tác động dài hạn của COVID. Giáo sư đưa ra một số giả thuyết như sau:

- Giả thuyết 1: Ngay cả khi các triệu chứng ban đầu như ho hoặc sốt đã biến mất, vi-rút hoặc các mảnh vi-rút vẫn còn tồn tại trong cơ thể, gây ra tình trạng viêm nhiễm trong thời gian dài.

- Giả thuyết 2: Hệ thống miễn dịch vốn bảo vệ cơ thể nhưng lại bắt đầu tấn công cơ thể sau khi bị nhiễm vi-rút.

- Giả thuyết 3: Các cơ quan nội tạng bị tổn thương do COVID cần thời gian dài để phục hồi.

- Giả thuyết 4: Vi-rút herpes hoặc các loại vi-rút khác vốn có trong cơ thể đã được kích hoạt khi nhiễm COVID.

Giáo sư Iwasaki nói: “Trong các giả thuyết trên, giả thuyết cho rằng người bệnh vẫn bị nhiễm vi-rút trong một thời gian dài đang được đặc biệt chú ý, bởi vì nghiên cứu cho thấy kháng nguyên vi-rút (tức các bộ phận của vi-rút), hoặc RNA (tức gen vi-rút corona) còn vẫn tồn tại trong cơ thể đến vài tháng sau khi bị nhiễm bệnh. Phòng thí nghiệm của chúng tôi dự định tiến hành nghiên cứu về cách điều trị di chứng bằng cách sử dụng thuốc COVID”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/4/2023).

Câu hỏi 553: Phát hiện mới nhất về hậu COVID (4) Tỷ lệ di chứng tương quan với thời gian sau khi khỏi bệnh

Trả lời:
Một cuộc khảo sát ở Nhật Bản cho thấy tỷ lệ những người bị di chứng hậu COVID là khác nhau tùy thuộc thời gian tính từ khi khỏi bệnh.

Giáo sư Kutsuna Satoshi của Đại học Osaka phối hợp với thành phố Toyonaka ở tỉnh Osaka tiến hành khảo sát qua thư và ứng dụng điện thoại đối với khoảng 26.000 người dân thành phố đã nhiễm vi-rút corona tính đến cuối tháng 3 năm 2022. Hơn 4.000 người đã trả lời.

Trong số đó, 47,7% cho biết vẫn có triệu chứng sau 10 ngày tự cách ly, 5,2% cho biết vẫn còn một số di chứng một tháng kể từ khi phát bệnh và 3,7% còn di chứng sau hai tháng.

Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ bị di chứng có xu hướng cao hơn ở những người có triệu chứng nghiêm trọng, và thấp hơn ở những người đã được tiêm phòng.

Giáo sư Kutsuna nói rằng khi phân tích kết quả, cần cân nhắc đến việc khảo sát như thế này thường nhận được nhiều câu trả lời hơn từ những người mắc di chứng. Tuy nhiên, khảo sát ở Toyonaka có kết quả tương tự như các nghiên cứu được thực hiện ở nước ngoài, chẳng hạn như kết quả liên quan đến những người có triệu chứng nghiêm trọng và những người đã được tiêm phòng. Trong nhiều trường hợp, di chứng sẽ biến mất dần dần, nhưng vẫn có một số người phải chịu đựng trong thời gian dài.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/4/2023).

Câu hỏi 552: Phát hiện mới nhất về hậu COVID (3) Các nguy cơ

Trả lời:
Một nhóm do Giáo sư Hirata Akimasa của Viện Công nghệ Nagoya đứng đầu tiến hành phân tích chứng nhận chi trả chi phí y tế có thông tin về loại bệnh và phương pháp điều trị. Đối tượng nghiên cứu là 1,25 triệu người trả chi phí y tế hằng năm dưới 200.000 yên, là dấu hiệu cho thấy những người này không mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng. Nghiên cứu được tiến hành trên 2 nhóm đối tượng: đã nhiễm và chưa nhiễm vi-rút corona, nhằm xem xét sự khác biệt về tỷ lệ những người báo cáo 10 triệu chứng thường được xem là di chứng hậu COVID, trong đó có kiệt sức và đau đầu.

Trước hết, nhóm phân tích dữ liệu 1 năm tính đến mùa xuân năm 2021, tương ứng với giai đoạn từ đợt lây nhiễm đầu tiên đến đợt thứ 3 ở Nhật Bản. Trong số những người chưa nhiễm, khoảng 3% phải đến bệnh viện vì các triệu chứng nói trên. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở những người từng bị nhiễm COVID-19 lên tới khoảng 16%, cao hơn khoảng 5 lần so với những người chưa từng nhiễm COVID.

Trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 và thứ 5, tỷ lệ này ở những người từng nhiễm cao hơn khoảng 6 lần những người chưa nhiễm. Trong làn sóng thứ 6 khi biến thể Omicron lan rộng nhanh chóng, sự khác biệt là tương đối nhỏ, chỉ khoảng 3 lần tính đến tháng 3/2023.

Theo Giáo sư Hirata, phân tích này chỉ dựa trên hóa đơn y tế và chưa đủ để tìm ra mối liên hệ giữa vi-rút corona và các triệu chứng. Tuy nhiên, ông nói kết quả này cho thấy những người nhiễm thường phải đến bệnh viện vì các triệu chứng được cho là di chứng hậu COVID. Sự khác biệt là tương đối nhỏ trong làn sóng lây nhiễm thứ 6 khi biến thể Omicron chiếm ưu thế, có thể là do hiệu quả của vắc-xin cũng như vi-rút suy giảm độc lực.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/4/2023).

Câu hỏi 551: Phát hiện mới nhất về hậu COVID (2) Tỷ lệ bị di chứng

Trả lời:
Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Morioka Shinichiro thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế Toàn cầu Nhật Bản đã tiến hành phỏng vấn khảo sát về các di chứng hậu COVID. Đối tượng khảo sát là 502 người từ 20 đến 79 tuổi bị nhiễm vi-rút, bao gồm cả những người đi khám ở các cơ sở y tế, trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 11 năm 2021.

Tỷ lệ người bị di chứng sau 6 tháng là 32,3%, sau 12 tháng là 30,5%. Tỷ lệ người bị di chứng sau 18 tháng là 25,8%, tức là cứ 4 người thì có 1 người bị di chứng.

Nhóm nghiên cứu cũng hỏi xem sau khi khỏi bệnh được 1 năm thì bị những loại di chứng gì. Có 11,7% gặp vấn đề về trí nhớ, 11,4% cho biết khó tập trung, 10,3% gặp vấn đề về khứu giác và 9,1% bị sương mù não hoặc cảm giác không thể suy nghĩ rõ ràng như trước đây. 7,5% cảm thấy chán nản, 5,9% có vấn đề về vị giác, 5,6% cảm thấy khó thở, 3,8% cảm thấy mệt mỏi và 3,5% bị rụng tóc. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các vấn đề về vị giác, rụng tóc và khó tập trung có xu hướng kéo dài ở phụ nữ, còn vấn đề về khó thở, ho và cảm giác mệt mỏi có xu hướng kéo dài ở những bệnh nhân COVID thể trung bình và thể nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/4/2023).

Câu hỏi 550: Phát hiện mới nhất về hậu COVID (1) Triệu chứng hậu COVID là gì?

Trả lời:
Hiện nay nhiều quốc gia đã coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường. Tuy nhiên, các nước vẫn đang phải giải quyết ảnh hưởng trung và dài hạn của hậu COVID. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ nói về những phát hiện mới nhất liên quan tới triệu chứng hậu COVID.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa về hậu COVID như sau. Các triệu chứng hậu COVID thường xuất hiện trong vòng 3 tháng kể từ khi COVID-19 tấn công cơ thể. Triệu chứng kéo dài ít nhất là 2 tháng. Tuy nhiên, không thể lý giải được các triệu chứng này vì chúng có thể do bệnh khác gây nên. Nếu xác định được có 3 đặc điểm trên thì đó sẽ được coi là triệu chứng hậu COVID.

Cụ thể thì triệu chứng hậu COVID gồm có mệt mỏi, khó thở, giảm trí nhớ, khó tập trung cũng như rối loạn khứu giác và vị giác.

Tuy vậy, 1 nghiên cứu phát hiện ra rằng có đến 50 loại triệu chứng ở người bệnh. Hiện tại thì vẫn chưa thể xác định được tỷ lệ bị triệu chứng hậu COVID. Nếu người bệnh gặp phải 1 số triệu chứng sau khi mắc vi-rút corona thì cũng rất khó để kết luận rằng đó là triệu chứng của COVID-19 hay do nguyên nhân khác.

Bác sĩ Morioka Shinichiro thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế Toàn cầu của Nhật Bản cho biết hiện nay vẫn chưa thể lý giải vì sao xuất hiện triệu chứng hậu COVID sau khi mắc vi-rút corona cũng như cơ chế phát triển của triệu chứng. Ông cho biết cần phải khám thật kỹ thì mới có thể xác định được liệu các triệu chứng này có phải do vi-rút corona gây ra hay không rồi từ đó mới có thể tìm biện pháp điều trị.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/4/2023).

Câu hỏi 549: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (7) Quan điểm của chuyên gia

Trả lời:
Vào ngày 8 tháng 5 năm nay, chính phủ Nhật Bản sẽ phân loại lại COVID-19 xuống nhóm 5, cùng nhóm với các truyền nhiễm như cúm mùa. Trong phần này, chúng tôi giới thiệu quan điểm của một chuyên gia nói về tác động có thể xảy ra sau khi phân loại lại.

Giáo sư Tateda Kazuhiro của trường Đại học Toho là thành viên của hội đồng tư vấn vi-rút corona của chính phủ. Ông cho biết ông không nghĩ việc chấm dứt xét nghiệm và điều trị vi-rút corona miễn phí sẽ khiến mọi người không đi khám bệnh dù có ngờ là bị lây nhiễm. Lý do là vì số tiền khám bệnh mà bệnh nhân phải thanh toán cũng sẽ gần giống như khi đi khám bệnh cúm mùa. Nhưng theo ông nếu phải nhập viện và điều trị thì sẽ tốn kém hơn cho bệnh nhân vì vậy chính phủ nên hỗ trợ đầy đủ trong một thời gian trong khi thực hiện việc chuyển đổi dần dần.

Sau khi phân loại lại COVID-19, chính phủ tìm cách có thêm nhiều phòng khám và bệnh viện điều trị bệnh nhân bị nhiễm vi-rút corona. Về vấn đề này, giáo sư Tateda cho biết điều này có thể dẫn đến sự hiểu nhầm rằng có thể các cơ sở y tế chưa hề tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 bao giờ nay đột nhiên được yêu cầu chấp nhận những bệnh nhân này. Theo ông thì nên yêu cầu các tổ chức y tế hợp tác trong phạm vi có thể để tình hình của họ không bị quá căng thẳng. Theo ông thì hầu hết các cơ sở y tế đã điều trị bệnh nhân cúm nên điều quan trọng là phải tăng dần số lượng các cơ sở chấp nhận bệnh nhân COVID-19 bằng cách yêu cầu họ tăng cường chút ít các biện pháp chống lây nhiễm mà họ đã áp dụng đối với bệnh nhân cúm. Các biện pháp này bao gồm đảm bảo giãn cách giữa các bệnh nhân và thông gió thích hợp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/4/2023).

Câu hỏi 548: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (6) Thích ứng của cơ sở y tế

Trả lời:
Dự kiến từ ngày 8/5, Chính phủ Nhật Bản sẽ phân loại lại COVID-19 xuống nhóm 5, cùng nhóm với các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Trong phần này, chúng ta cùng tìm hiểu xem các bệnh viện thích ứng thế nào với thay đổi này, qua trường hợp một phòng khám ở Tokyo.

Một số cơ sở y tế trước đây không thể thì nay đang cân nhắc tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vì sẽ có thể làm như vậy sau khi bệnh này được phân loại lại. Bác sỹ Kijima Fujio là người đứng đầu Phòng khám Kijima ở quận Shinjuku, Tokyo. Khi dịch bắt đầu lan rộng ở Nhật Bản, ông đã nghĩ đến việc tiếp nhận bệnh nhân dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, ông đã quyết định không làm như vậy để đảm bảo an toàn cho những bệnh nhân khác, vì không thể bố trí cách ly người bệnh do thiết kế cấu trúc của phòng khám.

Tuy nhiên, sau khi chính phủ công bố kế hoạch phân loại lại COVID-19, ông nghĩ đến việc khám chữa cho bệnh nhân COVID-19. Về tiếp nhận khám chữa, phòng khám sẽ yêu cầu người nghi nhiễm gọi điện đặt hẹn khám vào khung giờ lệch với các bệnh nhân khác. Sau khi khám xong, nhân viên cần tiến hành thông gió và sát khuẩn phòng.

Dù có thực hiện các biện pháp phòng ngừa như vậy thì bệnh nhân COVID-19 và bệnh nhân khác sẽ vẫn sử dụng chung không gian. Vì thế, không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm, nên nhân viên phòng khám không khỏi lo lắng.

Bác sỹ Kijima nói rằng nhân viên phòng khám có thể được chuẩn bị đề phòng lây nhiễm, nhưng người bệnh thì có thể không. Vì vậy, ông cho biết phải thực hiện các biện pháp thận trọng để hết sức hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân, đặc biệt là những người có bệnh lý nền.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 31/3/2023).

Câu hỏi 547: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (5) Ai sẽ phụ trách tìm bệnh viện sẽ tiếp nhận bệnh nhân

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản dự kiến vào ngày 8 tháng 5 năm nay, sẽ hạ cấp COVID-19 xuống loại 5, tức là cùng loại với bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Trong phần 5, chúng tôi sẽ giải thích những thay đổi về việc ai sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm các bệnh viện sẽ tiếp nhận người bệnh.

Hiện tại, các tổ chức như trung tâm y tế công cộng sẽ điều phối để những người bị nhiễm vi-rút corona được nhập viện. Nhưng chính phủ Nhật Bản nói rằng sau khi phân loại lại, trên nguyên tắc, việc điều phối nhập viện sẽ dần dần được chuyển giao cho các bệnh viện. Các bệnh viện sẽ tự bố trí với nhau xem nơi nào sẽ tiếp nhận bệnh nhân, nhưng trước tiên, chỉ đối với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Kể từ mùa thu trở đi, việc tìm bệnh viện cho những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng cũng sẽ là trách nhiệm của các bệnh viện.

Để làm được việc này, các bệnh viện được khuyến khích tận dụng tốt công nghệ thông tin để có thể nhanh chóng chia sẻ thông tin về tình trạng có giường bệnh trống. Đồng thời, chính quyền cấp tỉnh có thể duy trì các hệ thống hiện có, chẳng hạn như lực lượng chuyên trách để bố trí bệnh nhân đến các bệnh viện tùy thuộc vào tình trạng của các bệnh viện để đảm bảo quá trình chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ.

Bộ Y tế sẽ yêu cầu cho tới cuối tháng 4, chính quyền các tỉnh lập kế hoạch chuyển tiếp để đảm bảo mở rộng cung cấp dịch vụ y tế và phối hợp nhịp nhàng giữa các bệnh viện. Kế hoạch chuyển tiếp sẽ kéo dài đến cuối tháng 9, trước khi thời tiết trở lạnh có thể khiến số ca nhiễm tăng đột biến. Sau khoảng thời gian đó, Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá lại những vấn đề cần thiết dựa trên tiến độ của mỗi tỉnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/3/2023).

Câu hỏi 546: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (4) Những thay đổi trong hệ thống y tế

Trả lời:
Dự kiến từ ngày 8/5, Chính phủ Nhật Bản sẽ phân loại lại COVID-19 xuống nhóm 5, cùng nhóm với các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Trong phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu các thay đổi về các cơ sở y tế mà bệnh nhân nhiễm vi-rút có thể đến thăm khám.

Chính phủ đặt mục tiêu thiết lập hệ thống để những người có triệu chứng nhiễm vi-rút corona có thể đến khám tại nhiều cơ sở y tế hơn. Bộ y tế cho biết sẽ thiết lập hệ thống này theo từng giai đoạn, từ nay cho đến tháng 4/2024. Hiện nay, có khoảng 42.000 cơ sở trên cả nước tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú. Giới chức đặt mục tiêu sau khi phân loại lại sẽ tăng lên thành 64.000 cơ sở. Bộ có kế hoạch kêu gọi các cơ sở y tế tiếp nhận cả bệnh nhân mới chứ không chỉ những bệnh nhân thường đến khám. Bộ cũng cho biết các văn phòng tỉnh sẽ tiếp tục thông báo về các cơ sở y tế chấp nhận bệnh nhân nhiễm vi-rút.

Đối với bệnh nhân điều trị nội trú, cho đến nay, chính phủ đã bảo đảm giường bệnh tại khoảng 3.000 cơ sở y tế. Mục tiêu của giới chức sau khi phân loại lại là thiết lập hệ thống để bệnh nhân có thể nhập viện tại tất cả khoảng 8.200 bệnh viện trên khắp Nhật Bản. Đặc biệt, giới chức dự kiến sẽ hỗ trợ các cơ sở chăm sóc toàn diện có dịch vụ phục hồi chức năng cho bệnh nhân cao tuổi để các cơ sở này có thể tiếp nhận bệnh nhân nhiễm vi-rút.

Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ để các cơ sở có thể xem xét lại quy định riêng và có được các thiết bị cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm trong bệnh viện. Biện pháp này nhằm tăng số lượng các cơ sở y tế chấp nhận bệnh nhân nhiễm vi-rút corona.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/3/2023).

Câu hỏi 545: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (3) Viện phí hoặc chi phí dưỡng bệnh tại cơ sở lưu trú

Trả lời:
Dự kiến từ ngày 8/5, Chính phủ Nhật Bản sẽ phân loại lại COVID-19 xuống nhóm 5, cùng nhóm với các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Phần 3 nói đến thay đổi chi phí mà người bệnh phải trả nếu nhập viện hoặc dưỡng bệnh tại các cơ sở lưu trú do địa phương bố trí.

Hiện nay, viện phí hoàn toàn được công quỹ chi trả. Tuy nhiên bộ y tế cho biết sau khi phân loại lại COVID-19 sẽ yêu cầu người bệnh cùng chia sẻ viện phí và tiền ăn tại bệnh viện. Mặc dù viện phí là rất cao, nhưng để tránh đột ngột phát sinh chi phí khám chữa bệnh cho người dân, cũng như để ứng phó với khả năng lây nhiễm gia tăng vào mùa hè, bộ y tế sẽ hỗ trợ bổ sung nhiều nhất là 20.000 yên (khoảng 150 đôla) cho đến hết tháng 9.

Với những người từ 75 tuổi trở lên, bộ sẽ hỗ trợ viện phí. Đối với người có thu nhập hằng năm dưới 3,83 triệu yên (khoảng 29.000 đôla) mà có đóng thuế, nếu nhập viện 10 ngày với triệu chứng không nặng thì sẽ phải trả 37.600 yên (khoảng 290 đôla) tiền điều trị và 13.800 yên (khoảng 105 đôla) tiền ăn tại bệnh viện.

Bộ y tế sẽ ngừng hỗ trợ cho những người bị triệu chứng nhẹ tự cách ly và dưỡng bệnh tại khách sạn và cơ sở lưu trú vì lý do không thể ở nhà hoặc do thiếu giường bệnh. Tuy vậy, từ nay đến cuối tháng 9, chính quyền địa phương có thể tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở lưu trú dành cho bệnh nhân cao tuổi và phụ nữ có thai miễn là tự trả tiền.

Nhằm ứng phó với khả năng lây nhiễm tăng trở lại vào mùa hè, bộ y tế sẽ tiếp tục trả tiền thuốc COVID-19, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm giảm viện phí.

Bộ cho biết đến cuối tháng 9 sẽ cân nhắc xem có nên tiếp tục các biện pháp hỗ trợ hay không, để đảm bảo công bằng với các bệnh khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/3/2023).

Câu hỏi 544: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (2) Chi phí điều trị ngoại trú và xét nghiệm

Trả lời:
Dự kiến, vào ngày 8/5, Chính phủ Nhật Bản sẽ phân loại lại COVID-19 xuống nhóm 5, cùng nhóm với các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu những thay đổi đối với chi phí y tế của bệnh nhân nhiễm COVID-19, cũng như các cơ sở y tế mà họ có thể đến khám. Trong phần 2, chúng ta cùng tìm hiểu về chi phí điều trị ngoại trú cũng như xét nghiệm.

Hiện tại, chi phí y tế điều trị ngoại trú COVID-19 sau khi xét nghiệm dương tính là do chính phủ chi trả toàn bộ. Tuy nhiên, sau khi phân loại lại, bệnh nhân sẽ phải tự thanh toán.

Những người dưới 70 tuổi, theo quy định phải tự chi trả 30% tổng chi phí điều trị sẽ thanh toán chi phí thuốc hạ sốt và thuốc trị COVID-19 theo đơn nhiều nhất là 4.170 yên, tương đương khoảng 31 đôla. Đây là số tiền tương đương chi phí điều trị ngoại trú cho bệnh cúm mùa. Bệnh nhân cúm mùa chi trả tối đa 4.450 yên, khoảng 33 đôla, cho thuốc hạ sốt và thuốc Tamiflu theo đơn.

Với cùng một đơn thuốc điều trị COVID-19, những người từ 75 tuổi trở lên phải tự thanh toán 10% chi phí y tế, tức là tối đa 1.390 yên, tương đương khoảng 10 đôla. Số tiền này cũng tương đương chi phí điều trị cúm mùa ngoại trú là tối đa 1.480 yên, khoảng 11 đôla.

Chính phủ sẽ ngừng hỗ trợ chi phí xét nghiệm, vì bộ dụng cụ tự xét nghiệm đang được bán rộng rãi cũng như để đảm bảo công bằng cho bệnh nhân mắc các bệnh khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/3/2023).

Câu hỏi 543: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (1) Người bệnh phải trả bao nhiêu tiền cho thuốc điều trị?

Trả lời:
Dự kiến, vào ngày 8/5, Chính phủ Nhật Bản sẽ phân loại lại COVID-19 xuống nhóm 5, cùng nhóm với các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu những thay đổi đối với chi phí y tế của bệnh nhân nhiễm COVID-19, cũng như các cơ sở y tế mà họ có thể đến khám. Trong phần đầu tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chính sách của chính phủ và chi phí thuốc.

Người dân sẽ phải trả nhiều hơn cho các chi phí liên quan. Hôm 10/3, bộ y tế quyết định xem xét lại chính sách của chính phủ và về cơ bản chấm dứt xét nghiệm vi-rút corona và điều trị ngoại trú miễn phí. Hiện nay, bệnh nhân không phải đóng khoản phí nào vì về nguyên tắc chi phí điều trị sẽ do quỹ công chi trả. Để duy trì công bằng với bệnh nhân nhiễm các bệnh khác, mức hỗ trợ sẽ giảm xuống khi COVID-19 được phân loại lại xuống nhóm 5. Tuy nhiên, chính phủ dự kiến tiếp tục sử dụng ngân sách thực hiện một số biện pháp để tránh việc phần chi phí mà người dân phải đóng tăng đột ngột.

Chính phủ cũng sẽ dùng ngân sách để chi trả cho các loại thuốc điều trị đắt tiền, do số ca nhiễm có thể tăng lên vào mùa hè. Dự kiến, giới chức sẽ đánh giá tình hình lây lan của các bệnh truyền nhiễm khác, cũng như dự trữ thuốc của chính phủ để chuẩn bị phản ứng trong trường hợp bùng phát lây nhiễm vào mùa đông.

Trong trường hợp không còn được quỹ công hỗ trợ để mua thuốc điều trị COVID-19, một bệnh nhân ngoại trú phải trả tới 32.470 yên, tương đương khoảng 250 đôla cho thuốc uống Lagevrio.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/3/2023).

Câu hỏi 542: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (8) Ứng phó của mỗi người

Trả lời:
Kể từ ngày 8/5 năm nay, chính phủ Nhật Bản sẽ hạ COVID-19 xuống nhóm 5, tức cùng nhóm với các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Trong phần này, chúng ta cùng xem việc này sẽ thay đổi cách ứng phó với dịch bệnh như thế nào.

Ngày 25/1, hội đồng thuộc bộ y tế chuyên đề xuất các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm cho biết: “Các tổ chức và cá nhân nên tự lựa chọn biện pháp ngăn ngừa tùy vào tình hình và nguy cơ lây nhiễm chứ không nhất thiết phải thực hiện theo các biện pháp của chính phủ”.

Hội đồng nói thêm rằng: “Có thể hiện nay có những nơi đang tiếp tục các biện pháp kiểm soát lây nhiễm không cần thiết hoặc có tác dụng không rõ ràng. Điều này gây trở ngại vì sẽ có quá nhiều hạn chế tới hoạt động kinh tế xã hội, giáo dục, đồng thời hạn chế sinh hoạt hằng ngày của trẻ em”.

Hội đồng của bộ y tế cho biết: “Công sở hoặc các tổ chức nên thảo luận biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm để tìm sự đồng thuận. Không nên ép buộc mọi người phải áp dụng hay ngừng áp dụng biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, đồng thời cần tôn trọng quyền lựa chọn biện pháp phù hợp của mỗi người”.

Hội đồng cũng lưu ý rằng ở những nơi đông người luôn có nguy cơ mắc bệnh và nhiều người muốn tránh lây nhiễm nên cần phải có biện pháp an toàn cho họ. Quan trọng là không để cho vi-rút lây ở bệnh viện và cơ sở chăm sóc người cao tuổi vì đây là nơi lây lan nhanh và gây hậu quả khó lường”.

Hội đồng bộ y tế cho biết sẽ sớm đưa ra các biện pháp cụ thể.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/2/2023).

Câu hỏi 541: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (7) Phản ứng của các cơ sở y tế

Trả lời:
Kể từ ngày 8/5 năm nay, chính phủ Nhật Bản sẽ hạ bệnh dịch COVID-19 xuống hạng 5, tức cùng hạng với các loại bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Trong phần này, chúng ta xem xét cách các tổ chức y tế phán ứng trước thay đổi này.

Một cơ sở y tế ở thành phố Kasukabe, tỉnh Saitama, đã thiết lập một phòng khám sốt tạm thời ở ngoài trời để khám cho những bệnh nhân có triệu chứng như sốt, trong khi vẫn thực hiện việc khám chữa thông thường cho các bệnh như tiểu đường và hen suyễn.

Hiện nay, khi bệnh nhân COVID-19 cần phải nhập viện, các trung tâm y tế công cộng sẽ tìm một bệnh viện đủ điều kiện tiếp nhận họ. Nhưng đối với bệnh nhân không mắc COVID-19 thì các bác sĩ và y tá chịu trách nhiệm bố trí nhập viện. Rất vất vả khi tìm bệnh viện cho những bệnh nhân này vì nhiều nơi không tiếp nhận vì những lý do như thiếu giường bệnh. Đôi khi họ phải chăm sóc cho bệnh nhân như cho thở oxy và truyền tĩnh mạch trong một thời gian dài, cho đến khi có thể tìm thấy một bệnh viện chấp nhận họ.

Một bác sĩ tại cơ sở y tế ở Kasukabe nói rằng khi COVID-19 được xếp vào hạng 5 thì nhân viên y tế sẽ cần phải chuẩn bị bố trí nhập viện cho bệnh nhân mắc COVID-19, và họ sẽ bị quá tải.

Vị bác sĩ nói trên bày tỏ hy vọng vai trò bố trí nhập viện của các trung tâm y tế công cộng sẽ dừng lại dần chứ đừng dừng lại ngay lập tức.

Một cơ sở y tế khác, cho đến nay chưa thành lập phòng khám sốt, cho biết không thể tiếp nhận bệnh nhân COVD-19 ngay lập tức vì cần thời gian để thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm. Cơ sở này cho biết nếu bệnh nhân nghĩ rằng họ tới khám ở đâu cũng được thì sẽ gây ra sự rắc rối. Nhân viên tại cơ sở này bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ tiến hành phân loại lại trong khi xem xét cẩn thận những gì có thể xảy ra tại các cơ sở y tế.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/2/2023).

Câu hỏi 540: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (6) Lo ngại của chuyên gia

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định phân loại lại COVID-19 xuống cùng cấp bệnh truyền nhiễm với cúm mùa, bắt đầu từ ngày 8/5. Trong phần này, chúng tôi giới thiệu ý kiến chuyên gia về việc phân loại này sẽ có thể có những tác động gì.

Hội đồng chuyên gia của bộ y tế bày tỏ lo ngại rằng việc hạ cấp COVID-19 có thể gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc can thiệp và ngăn ngừa tình trạng y tế quá tải khi số ca nhiễm tăng vọt. Hiện nay, chính quyền địa phương đang phối hợp với nhau để bệnh nhân có thể nhập viện ở nơi có khả năng cung cấp chăm sóc chữa trị cần thiết.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sau khi hạ cấp COVID-19 và chính phủ ngừng chi trả chi phí y tế, thì có khả năng người nhiễm bệnh không thể hoặc ngại xét nghiệm cũng như điều trị.

Khi được xếp xuống nhóm 5, COVID-19 sẽ không còn là đối tượng điều chỉnh của luật đặc biệt cho phép chính phủ thực thi các biện pháp phòng dịch cứng rắn. Hội đồng chuyên gia của chính phủ lo ngại điều này sẽ tước đi cơ sở pháp lý của các thống đốc tỉnh về việc yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch, do đó có khả năng người dân sẽ không thực hiện các biện pháp phòng dịch như trước nữa. Các chuyên gia của chính phủ lo ngại rằng người dân có thể coi là đại dịch đã kết thúc.

Các chuyên gia cũng bày tỏ một lo ngại nữa liên quan đến việc không thể phản ứng nhanh khi xuất hiện các biến thể mới của vi-rút corona có khả năng lây nhiễm cao hay khả năng gây bệnh nặng hoặc cả hai. Các chuyên gia lo ngại việc hạ cấp COVID dẫn tới giải tán ban chuyên trách COVID-19 của trung ương và địa phương có thể cản trở phản ứng nhanh khi có nguy cơ nói trên. Các chuyên gia cũng lo ngại về khả năng tỷ lệ bao phủ vắc-xin sẽ giảm nếu chính phủ thu hẹp quy mô biện pháp tiêm chủng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/2/2023).

Câu hỏi 539: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (5) COVID-19 có được điều trị như cúm mùa không?

Trả lời:
Bắt đầu từ ngày 8 tháng 5, chính phủ Nhật Bản sẽ xếp COVID-19 vào hạng 5, tức là cùng loại bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Trong phần này, chúng ta xem xét sự khác biệt giữa COVID-19 và cúm mùa, và các loại thuốc chữa bệnh khi nhiễm vi-rút corona.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng việc đối phó với COVID-19 rất khó vì mức độ và thời gian lây nhiễm là không thể đoán trước bởi vi-rút corona lây lan bất kể mùa nào, không giống như cúm mùa thường lây lan trong những tháng mùa đông. Họ cũng nói rằng đột biến của vi-rút corona xảy ra với tốc độ nhanh hơn so với cúm, dẫn đến nguy cơ xuất hiện các chủng hoàn toàn mới.

Thuốc uống được sử dụng để điều trị COVID-19 nhưng các chuyên gia cho rằng các thủ tục sử dụng các loại thuốc này phức tạp hơn so với việc sử dụng các loại thuốc kháng vi-rút chống bệnh cúm, ví dụ như Tamiflu. Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng thuốc chống COVID ở những người có bệnh nền, vì thế việc điều trị không hề đơn giản.

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện việc khám bệnh cho bệnh nhân COVID miễn là họ có đủ biện pháp chống lây nhiễm. Nhưng số các có sở như vậy vẫn còn hạn chế so với những cơ sở điều trị bệnh nhân cúm.

Các chuyên gia cho biết sẽ mất nhiều thời gian nữa mới có thể điều trị bệnh COVID-19 tương tự như bệnh cúm. Họ nói rằng cần thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm ngay cả sau khi COVID-19 bị phân loại xuống hạng 5.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/2/2023).

Câu hỏi 538: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (4) Thay đổi về tiêm chủng vắc-xin

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản sẽ phân loại lại COVID-19 xuống cấp 5, cùng cấp bệnh truyền nhiễm với cúm mùa, bắt đầu từ ngày 8/5. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các thay đổi đối với việc tiêm chủng vắc-xin.

Cho đến nay, thể theo luật về tiêm chủng, chính phủ đã tiến hành tiêm chủng vắc-xin miễn phí.

Có lo ngại rằng tỉ lệ tiêm chủng sẽ giảm nếu người dân phải trả tiền cho việc tiêm chủng. Hiện ban chuyên gia thuộc bộ y tế đang thảo luận xem ai sẽ là người chi trả cho việc tiêm chủng, cũng như sẽ chi trả bằng cách nào. Dự kiến, ban chuyên gia sẽ đưa ra kết luận về nhiều vấn đề, trong đó có việc chương trình tiêm chủng miễn phí hiện nay có được tiếp tục sau tháng 4 hay không, và nếu được tiếp tục thì những đối tượng nào được hưởng.

Chính phủ cho biết sẽ đảm bảo tất cả những người cần được tiêm vắc-xin sẽ được tiêm miễn phí.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/2/2023).

Câu hỏi 537: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (3) Sẽ có thay đổi gì về việc đeo khẩu trang?

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định phân loại lại COVID-19 xuống cùng cấp bệnh truyền nhiễm với cúm mùa, bắt đầu từ ngày 8/5. Trong phần này, chúng ta cùng tìm hiểu những thay đổi về việc đeo khẩu trang.

Đeo khẩu trang trong nhà luôn được khuyến khích nếu không thể giữ khoảng cách cần thiết với những người xung quanh. Khi nói chuyện thì dù ở bất kỳ khoảng cánh nào cũng nên đeo khẩu trang.

Tại một cuộc họp về công tác ngăn ngừa vi-rút corona hôm 27/1, chính phủ cho biết sẽ xem xét thay đổi quy định về việc đeo khẩu trang, theo đó mọi người sẽ được tự quyết định có cần đeo khẩu trang hay không, cả trong nhà lẫn ngoài trời. Chính phủ sẽ xem xét thời gian cụ thể để đưa ra quy định mới.

Hội đồng chuyên gia của bộ y tế nêu quan điểm rằng, kể cả sau khi phân loại lại COVID-19, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao vẫn phải đeo khẩu trang để ngăn ngừa khả năng làm lây lan vi-rút.

Theo các chuyên gia, những người dương tính với COVID-19 hoặc đang có triệu chứng, những người tiếp xúc gần với người bệnh hoặc thuộc nhóm có nguy cơ cao cần phải đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc ở bên ngoài.

Các trường hợp khác cần tiếp tục thực hiện biện pháp ngăn ngừa vi-rút corona dựa trên yêu cầu và tình hình dịch bệnh thực tế, trong đó cần luôn chú ý đảm bảo môi trường thông thoáng. Ở những nơi như trung tâm chăm sóc người cao tuổi cũng cần phải đeo khẩu trang.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/2/2023).

Câu hỏi 536: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (2) Thay đổi về các hạn chế

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định phân loại lại COVID-19 xuống cùng cấp bệnh truyền nhiễm với cúm mùa, bắt đầu từ ngày 8/5. Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu những thay đổi về các hạn chế sau khi phân loại lại COVID-19.

Việc hạ cấp COVID-19 xuống cấp 5 đồng nghĩa với việc không thể áp đặt hạn chế đi lại đối với người dân như chính quyền trung ương và địa phương đã áp dụng trước đó. Tương tự, giới chức cũng không thể thực hiện một số biện pháp như tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đưa ra các khuyến nghị hoặc hướng dẫn nhập viện, yêu cầu những người bị nhiễm bệnh và những người tiếp xúc gần ở nhà.

Cho đến nay, chính phủ đang áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới bao gồm yêu cầu những người đến từ nước ngoài xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm 3 mũi vắc-xin. Những yêu cầu như vậy về cơ bản sẽ được loại bỏ sau khi hạ cấp COVID-19.

Bệnh nhân COVID-19 vốn chỉ có thể đến và điều trị ở một số ít cơ sở y tế, chẳng hạn như các tổ chức y tế được chỉ định và phòng khám chuyên về sốt. Giới chức có kế hoạch tăng theo từng giai đoạn số lượng cơ sở y tế có thể điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Chính phủ vốn chi trả tất cả các chi phí cho thời gian nằm viện và xét nghiệm. Sau khi phân loại lại COVID-19, về nguyên tắc, bệnh nhân sẽ phải chi trả một phần chi phí. Trong bối cảnh có lo ngại rằng điều này sẽ khiến một số người không đi khám, giới chức có kế hoạch là trước mắt vẫn hỗ trợ tài chính và sẽ xem xét chính sách theo từng giai đoạn.

Cho đến nay, các tổ chức y tế và trung tâm y tế địa phương phải báo cáo tổng số ca nhiễm. Sau khi phân loại lại, chỉ có bệnh viện lớn cần phải báo cáo tỷ lệ số ca nhiễm so với tổng dân số của từng khu vực.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/2/2023).

Câu hỏi 535: Những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19 (1) Lý do cho thời điểm phân loại lại

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định phân loại lại COVID-19 xuống cùng cấp bệnh truyền nhiễm với cúm mùa, bắt đầu từ ngày 8/5. Trong loạt bài mới, chúng tôi sẽ giới thiệu những thay đổi sau khi phân loại lại COVID-19. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lý do tại sao việc phân loại lại bắt đầu từ ngày 8/5.

Chính phủ cho biết đặt mục tiêu bắt đầu phân loại lại COVID-19 vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Theo các nguồn tin bên trong bộ y tế, có một số lý do dẫn đến quyết định của chính phủ về thời điểm của việc này.

Các địa phương và các cơ sở y tế kêu gọi cần có giai đoạn chuẩn bị. Hôm 27/1, ban chuyên gia của Bộ Y tế đã gửi văn bản nêu ý kiến về vấn đề này. Họ cho biết: “Việc thay đổi chính sách sẽ có tác động lớn đến đời sống của người dân cũng như đối với các doanh nghiệp và cơ sở y tế. Vì vậy, cần có khoảng ba tháng để chuẩn bị cho sự thay đổi”.

Sau đó đã diễn ra các cuộc thảo luận về việc nên phân loại lại COVID-19 trước hay sau kì nghỉ xuân của Nhật Bản từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.

Có những lo ngại rằng nếu phân loại lại trước kì nghỉ lễ thì có thể dẫn đến việc người dân sẽ đi lại nhiều hơn và làm lây lan vi-rút, gây sức ép đối với các cơ sở y tế trong dịp nghỉ lễ.

Sau khi thảo luận, chính phủ ấn định ngày phân loại lại COVID-19 là ngày 8/5.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/2/2023).

Câu hỏi 534: Biến thể phụ Omicron XBB.1.5 (5) Khả năng tái bùng phát lây nhiễm

Trả lời:
Đây là loạt bài tập trung vào biến thể phụ mới XBB.1.5 của Omicron. Các chuyên gia lo ngại biến phụ này có khả năng tránh miễn dịch cao nhất từ trước tới nay. Trong phần cuối hôm nay, chúng tôi giới thiệu ý kiến chuyên gia về khả năng tái bùng phát lây nhiễm với biến phụ XBB.1.5 chiếm đa số.

Liệu XBB.1.5 có tiếp tục lan rộng ở Nhật Bản không? Giáo sư Nishiura Hiroshi của Đại học Kyoto kêu gọi cần cảnh giác vì XBB.1.5 có khả năng tránh miễn dịch cao. Ông cho biết trong khi số ca nhiễm mới ở Nhật Bản gần đây đang giảm, vẫn có nguy cơ XBB.1.5 gây ra tái bùng phát ca nhiễm.

Còn Giáo sư Hamada Atsuo của Bệnh viện Đại học Y Tokyo, người đang phân tích tình hình vi-rút corona ở nước ngoài, cho biết nếu XBB.1.5 xâm nhập nhiều, có khả năng làn sóng thứ 8 hiện nay sẽ kéo dài hoặc có khả năng xuất hiện làn sóng thứ 9.

Giáo sư Hamada cho biết sau khi số ca nhiễm giảm, chúng ta cũng nên chuẩn bị tinh thần là số ca nhiễm sẽ tăng trở lại. Tiêm vắc-xin vẫn có hiệu quả ở một mức độ nhất định, nhưng điều quan trọng là phải tăng cường khả năng miễn dịch của chúng ta bằng cách tiêm vắc-xin ngừa các biến thể phụ của Omicron.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ công bố ngày 25 tháng 1, vắc-xin ngừa các biến thể phụ của Omicron có hiệu quả ở một mức độ nhất định trong việc ngăn chặn xuất hiện triệu chứng khi nhiễm biến thể phụ dòng XBB của Omicron, trong đó có cả XBB.1.5.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/2/2023).

Câu hỏi 533: Biến thể phụ Omicron XBB.1.5 (4) Tình hình lây nhiễm hiện nay

Trả lời:
Đây là loạt bài tập trung vào biến thể phụ mới XBB.1.5 của Omicron mà các chuyên gia lo ngại có thể là biến thể của vi-rút corona có khả năng tránh miễn dịch cao nhất từ trước tới nay. Trong phần thứ tư của loạt bài này, chúng ta cùng tìm hiểu về tình hình lây nhiễm biến thể phụ XBB.1.5 hiện nay.

Trừ Mỹ thì số ca nhiễm XBB.1.5 hiện vẫn chưa lan rộng trên toàn cầu. Ở Nhật Bản và hầu hết các nước khác, hiện vẫn chưa có biến thể nào là biến thể phụ lây nhiễm chủ đạo.

Chính quyền Thủ đô Tokyo cho biết tính đến nay vẫn chưa ghi nhận nhiều ca nhiễm XBB.1.5 ở Tokyo. Cho đến ngày 19/1 mới ghi nhận 22 ca nhiễm biến thể này, chỉ chiếm 0,3% tổng số ca nhiễm vi-rút corona được ghi nhận trong tuần tính đến ngày 2/1.

Các ca nhiễm ghi nhận được cùng kỳ toàn bộ đều nhiễm các biến thể phụ của Omicron. Kể từ mùa hè năm 2022, số ca nhiễm biến thể phụ BA.5 chiếm 50,6%, tiếp theo là BQ.1.1 chiếm 16,2%, BF.7 chiếm 14,2% và BN.1 chiếm 10,4%.

Ông Takeuchi Hiroaki, Phó Giáo sư tại Đại học Y Nha khoa Tokyo, hiện đang tiến hành phân tích gien đối với các biến thể của vi-rút corona. Ông cho biết, tuy biến thể phụ XBB.1.5 sẽ không lây lan ngay lập tức, hiện vẫn chưa rõ nếu xảy ra đợt bùng phát tiếp theo thì biến thể nào sẽ là biến thể phụ lây nhiễm chính. Theo ông Takeuchi thì tình trạng nhiều biến thể khác nhau trong số các ca nhiễm vi-rút có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/2/2023).

Câu hỏi 532: Biến thể phụ Omicron XBB.1.5 (3) Khả năng lẩn tránh miễn dịch

Trả lời:
Đây là loạt bài tập trung vào biến thể phụ mới XBB.1.5 của Omicron mà các chuyên gia lo ngại có thể là biến thể của vi-rút corona có khả năng tránh miễn dịch cao nhất từ trước tới nay. Trong phần thứ ba của loạt bài này, chúng ta cùng tìm hiểu khả năng lẩn tránh miễn dịch của biến thể phụ XBB.1.5.

Nhóm nghiên cứu G2P-Japan, đứng đầu là Giáo sư Sato Kei thuộc Đại học Y khoa Tokyo mới đây đã công bố báo cáo về hiệu quả miễn dịch ngăn ngừa XBB.1.5 dựa trên nghiên cứu mẫu máu của những người nhiễm BA.5 đã được tiêm vắc-xin. Tuy vậy, tài liệu này chưa được chính thức bình duyệt khoa học.

Báo cáo nêu rằng so với sức ngăn ngừa biến thể phụ BA.5, các kháng thể trung hòa chỉ đáp ứng được một phần mười sức mạnh trong việc ngăn ngừa XBB.1.5. Điều này cho thấy rõ biến thể phụ XBB.1.5 có khả năng chống lại miễn dịch.

Ngoài ra, đột biến protein gai làm cho tốc độ lây nhiễm của XBB.1.5 nhanh gấp 4,3 lần so với các biến thể phụ khác do khả năng bám lên tế bào của biến thể phụ này.

Không giống các biến thể phụ trước đây, XBB.1.5 kết hợp được khả năng lẩn tránh miễn dịch trung hòa cũng như khả năng bám dính mạnh mẽ lên protein của tế bào.

Tuy nhiên, vẫn còn 1 số thông tin chưa rõ về độc lực của XBB.1.5 cũng như liệu biến thể này có khả năng gây ra triệu chứng nặng hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/2/2023).

Câu hỏi 531: Biến thể phụ Omicron XBB.1.5 (2) Đánh giá rủi ro

Trả lời:
Đây là loạt bài tập trung vào biến thể phụ mới XBB.1.5 của Omicron mà các chuyên gia lo ngại có thể là biến thể của vi-rút corona có khả năng tránh miễn dịch cao nhất từ trước tới nay. Trong phần thứ hai của loạt bài này, chúng tôi đề cập tới việc đánh giá rủi ro.

Vào ngày 11 tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố đánh giá rủi ro của mình đối với biến thể phụ XBB.1.5. WHO cho biết biến thể phụ này đã lây lan tương đối mạnh ở Hoa Kỳ và cho biết rằng cần phải phân tích thêm.

WHO cho biết những số liệu xét nghiệm ban đầu cho thấy so với các biến thể trước thì biến thể phụ này có khả năng tránh miễn dịch cao hơn ở những người đã bị nhiễm COVID trước đó hoặc đã được tiêm vắc-xin.

WHO cho biết họ chưa có bất kỳ số liệu lâm sàng nào về tỷ lệ người bị bệnh nặng sau khi bị lây nhiễm và nói thêm rằng chưa xác nhận bất kỳ đột biến nào của XBB.1.5 liên quan đến khả năng khiến người bị bệnh chuyển nặng.

WHO cho biết “XBB.1.5 có thể khiến tỷ lệ ca nhiễm trên toàn cầu tăng lên” mặc dù cho tới nay mới chỉ có số liệu hạn chế.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 31/1/2023).

Câu hỏi 530: Biến thể phụ Omicron XBB.1.5 (1) Lây lan nhanh chóng ở Mỹ

Trả lời:
Một dòng biến thể Omicron mới, được gọi là XBB.1.5, đang nhanh chóng lan rộng khắp nước Mỹ kể từ cuối tháng 12. Các chuyên gia lo ngại đây có thể là biến thể có khả năng tránh miễn dịch cao nhất từ trước đến nay.

Trong phần đầu tiên của loạt bài về XBB.1.5, chúng tôi nói về biến thể phụ này đang lan rộng như thế nào ở Mỹ và trên toàn thế giới.

XBB.1.5 có nguồn gốc từ XBB, được gọi là vi-rút tái tổ hợp mang dữ liệu di truyền từ 2 biến phụ Omicron BA.2. Biến phụ BA.2 đã lan rộng khắp thế giới kể từ mùa xuân năm 2022.

Tại Mỹ, kể từ tháng 12 năm 2022, tỷ lệ ca nhiễm XBB.1.5 trong số ca dương tính với vi-rút corona đã gia tăng ở New York và các bang khác thuộc miền đông. Hiện đây là biến phụ chiếm đa số ở nước này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết trong tuần tính đến ngày 21/1, ước tính 49,1% số ca COVID ở Mỹ là nhiễm biến phụ này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết kể từ ngày 11/1, có 38 nước báo cáo ca nhiễm COVID liên quan đến XBB.1.5, trong đó có cả Nhật Bản. Mặc dù dữ liệu về biến phụ này còn hạn chế, song báo cáo của WHO công bố vào ngày 19/1 cho thấy vào tuần cuối cùng của năm 2022, dòng XBB nói chung chiếm 8,36% số ca COVID ghi nhận trên toàn cầu.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/1/2023).

Câu hỏi 529: 3 năm sau ca nhiễm đầu tiên (5) Biện pháp ứng phó trong thời gian tới

Trả lời:
Trong phần cuối cùng, chúng ta cùng nghe ông Omi Shigeru, trưởng ban cố vấn của chính phủ, nói về chúng ta nên đối mặt như thế nào với vi-rút corona.

Ông Omi cho biết: "COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cả thế kỷ mới có một lần. Năm 2003, Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) đã lan rộng khắp thế giới. Đây được gọi là đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21 và được coi là một đại dịch cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa tới sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng, căn bệnh này đã được kiểm soát. Còn vi-rút corona chủng mới, 3 năm trôi qua kể từ xuất hiện, vi-rút này vẫn hoạt động. Không những thế, đã xuất hiện các biến thể mới có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Có một điều tốt là người trẻ tuổi hiếm khi bị triệu chứng nghiêm trọng, tuy nhiên một số người bị di chứng kéo dài. Số trường hợp bị viêm phổi nặng do vi-rút trực tiếp gây ra gần đây đã ít hơn, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vi-rút đang ảnh hưởng đến các cơ quan của hệ tuần hoàn.

Ông Omi cũng cho biết: “Tất cả chúng ta cần nắm rõ các đặc điểm của vi-rút corona, để từ đó cân nhắc biện pháp cần thực hiện. Điều quan trọng là cần tiếp tục các hoạt động kinh tế xã hội, đồng thời duy trì hệ thống y tế. Cần thảo luận chuyên sâu để tìm ra cách tốt nhất để đạt được cả 2 mục đích này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/1/2023).

Câu hỏi 528: 3 năm sau ca nhiễm đầu tiên (4) Quá tải công việc tại trung tâm y tế

Trả lời:
Các cơ sở y tế công đã và đang nỗ lực ứng phó kể từ khi đại dịch bắt đầu, và luôn trong tình trạng căng thẳng do khối lượng công việc nặng nề.

Các trung tâm y tế trên khắp Nhật Bản đã tham gia vào các nhiệm vụ như kiểm đếm tổng số ca nhiễm, theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và điều phối quá trình nhập viện.

Vào đầu đại dịch, nhân viên tại một cơ sở ở quận Kita của Tokyo có các nhiệm vụ như tư vấn qua điện thoại cho người bị sốt và các triệu chứng khác, đồng thời chuyển mẫu thu được từ những người được cho là mắc bệnh đến các cơ sở xét nghiệm.

Vào tháng 9, chính phủ đã đơn giản hóa yêu cầu kiểm đếm tổng số ca nhiễm, vì vậy khối lượng công việc tại trung tâm này đã giảm khoảng 70%. Tuy nhiên, trong làn sóng lây nhiễm thứ 8 hiện nay, trung tâm này vẫn phải điều phối quá trình nhập viện cũng như gọi điện thoại hoặc thăm bệnh nhân tại nhà. Điều đó có nghĩa là nhiệm vụ liên quan đến việc theo dõi sức khỏe của bệnh nhân tăng lên. Nhân viên trung tâm cũng phải làm việc cả vào cuối tuần.

Trung tâm này cho biết tình trạng tại đây là vô cùng căng thẳng, khối lượng công việc quá tải do số ca nhiễm tăng mạnh. Trong hoàn cảnh như vậy, trung tâm đã ký thêm hợp đồng với các tổ chức tư nhân để chuyển giao một số công việc, nhờ đó có thể bố trí nhân sự một cách hiệu quả. Theo trung tâm, nhân viên tại đây đã làm việc liên tục suốt ngày đêm trong 3 năm qua và không thể không thừa nhận đây là tình trạng cực kỳ khắc nghiệt.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/1/2023).

Câu hỏi 527: 3 năm sau ca nhiễm đầu tiên (3) Áp lực lên hệ thống y tế

Trả lời:
Ba năm đã trôi qua kể từ khi Nhật Bản ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Từ khi xảy ra đại dịch, các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân vi-rút corona luôn phải chịu áp lực mỗi khi có làn sóng lây nhiễm mới.

Bệnh viện Minamitama ở thành phố Hachioji, thủ đô Tokyo bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân vi-rút corona kể từ tháng 2/2020 khi cụm lây nhiễm được phát hiện trên 1 con tàu du lịch ở cảng Yokomaha.

Khi đó, khoảng 14% số giường bệnh, tức là 23 trên tổng số 170 giường của bệnh viện được dành cho bệnh nhân mắc COVID vừa và nhẹ. Tính đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân vi-rút corona.

Sau làn sóng lây nhiễm thứ 6 bùng phát biến thể Omicron vào đầu năm ngoái, số bệnh nhân bị viêm phổi và trở nặng đã giảm.

Mặc dù vậy, số bệnh nhân COVID phải nhập viện vẫn quá tải và tạo áp lực đối với bệnh viện khiến ảnh hưởng tới việc chữa trị bệnh nhân khác.

Trong làn sóng lây nhiễm thứ 8, toàn bộ giường bệnh đã phải dành để chữa trị bệnh nhân COVID từ đầu tháng 12/2022. Một số khu vực khác tại bệnh viện cũng đã được sử dụng để chữa trị bệnh nhân vi-rút corona và gây khó khăn cho việc cấp cứu bệnh nhân nhập viện không phải do COVID. Trước đây, bệnh viện có thể tiếp nhận trên 90% bệnh nhân cấp cứu nhưng kể từ đầu năm nay, tỷ lệ tiếp nhận giảm xuống chỉ còn khoảng 50%.

Bệnh viện cho biết sẽ tiếp tục khó khăn và phải chịu áp lực mỗi khi xảy ra làn sóng lây nhiễm mới. Trong tình hình buộc phải thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, bệnh viện vẫn cần tìm ra phương thức thay đổi biện pháp kiểm soát tối đa để có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/1/2023).

Câu hỏi 526: 3 năm sau ca nhiễm đầu tiên (2) Biến thể nguy hiểm không ngừng xuất hiện

Trả lời:
Chủng vi-rút corona đầu tiên được xác nhận ở Nhật Bản cũng là chủng được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc khi bắt đầu đại dịch. Vào mùa xuân năm 2020 khi các biến thể bắt đầu xuất hiện, các biến thể phổ biến ở châu Âu cũng lan rộng ở Nhật Bản.

Kể từ đầu năm 2022, biến thể Omicron chiếm phần lớn số ca nhiễm tại Nhật Bản. Do biến thể này rất dễ lây lan, cho nên số ca nhiễm tăng mạnh, kéo theo số ca tử vong cũng tăng cao.

Sau đó, một số biến thể phụ của Omicron đã xuất hiện, làm tăng khả năng tránh miễn dịch của vi-rút. Số ca nhiễm biến thể phụ BQ.1 đang gia tăng trong làn sóng thứ 8 hiện nay ở Nhật Bản.

Biến thể phụ XBB.1.5 cũng đã được phát hiện ở Nhật Bản. Biến thể này hiện đang lan rộng ở Mỹ và có lo ngại là dễ lây lan hơn những biến thể khác.

Giáo sư Sato Kei, một chuyên gia về vi-rút thuộc Viện Khoa học Y tế của Đại học Tokyo, cho biết các biến thể phụ mới liên tục xuất hiện để tránh khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm vắc-xin.

Theo ông Sato, kháng thể trung hòa ít hiệu quả hơn đối với các biến thể phụ thuộc nhóm XBB so với bất kỳ biến thể nào khác.

Ông cho rằng cuộc chiến chống biến thể của vi-rút corona đã bước sang một giai đoạn mới. Ông nói giờ đây chúng ta cần phải tìm ra phương pháp sống chung với đại dịch, thay vì mong đợi đại dịch kết thúc.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/1/2023).

Câu hỏi 525: 3 năm sau ca nhiễm đầu tiên (1) Số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong

Trả lời:
Ba năm đã trôi qua kể từ khi Nhật Bản ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Trong loạt bài này, chúng ta cùng tìm hiểu tình hình lây nhiễm vi-rút corona đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua.

Theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins của Mỹ công bố, tính đến ngày 20/1, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới ở mức khoảng 668 triệu và 6,7 triệu ca tử vong.

Cách đây 3 năm, vào ngày 15/1, Nhật Bản ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 trong nước. Bộ y tế Nhật Bản cho biết tính đến ngày 20/1 năm nay, tổng số ca mắc COVID-19 là khoảng 32 triệu và hơn 64.000 ca tử vong.

Đặc biệt trong năm vừa qua, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh kể từ khi biến thể Omicron bắt đầu lan rộng vào tháng 1 năm 2022. Tổng số ca mắc COVID-19 trong năm qua chiếm gần 95% tổng số ca nhiễm trong 3 năm.

Trong 3 năm qua, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 ở Nhật Bản đã giảm đáng kể nhờ sự phát triển của phương pháp điều trị và vắc-xin.

Trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên vào tháng 1 năm 2020, tỷ lệ tử vong là 5,34%. Biến thể Omicron bắt đầu lan rộng vào tháng 1 năm 2022. Sau đó, từ làn sóng thứ 6 cho đến làn sóng thứ 8 hiện nay, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể, xuống mức 0,1%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/1/2023).

Câu hỏi 524: Phân loại lại COVID-19 theo luật bệnh truyền nhiễm (7) Triển vọng thảo luận

Trả lời:
Bộ y tế cho biết hiện vẫn chưa có lịch trình cụ thể về thời điểm đưa ra kết luận liên quan đến các cuộc thảo luận xem xét lại việc phân loại.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, chẳng hạn như về khả năng lây nhiễm của vi-rút, có thể tiến hành các cuộc thảo luận cụ thể hơn bao gồm cả về chi phí điều trị. COVID-19 hiện đang được xếp vào bệnh truyền nhiễm loại 2 và chi phí điều trị sẽ hoàn toàn do công quỹ chi trả.

Dự kiến các cuộc thảo luận sẽ bàn về việc có tiếp tục dùng công quỹ chi cho chương trình tiêm chủng miễn phí hay không.

Để tiến hành sửa đổi nhằm xếp COVID-19 thành bệnh truyền nhiễm loại 5, chính phủ cần trình vấn đề này lên ban chuyên gia của bộ y tế và phải sửa đổi quy định của các bộ ngành liên quan.

Ngay cả khi COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm loại 5, chính phủ vẫn có thể có biện pháp để tiếp tục chi trả chi phí y tế bằng công quỹ.

Nếu muốn phân loại COVID-19 thành một 1 dạng bệnh mới, chính phủ cần sửa đổi luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm và thảo luận trước Quốc hội.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/12/2022).

Câu hỏi 523: Phân loại lại COVID-19 theo luật bệnh truyền nhiễm (6) Thuốc và chăm sóc y tế

Trả lời:
Tại Nhật Bản, 2 loại thuốc COVID-19, Lagevrio và Paxlovid, đã được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ trở nặng. Trong tháng 11, Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp thuốc uống Xocova, loại thuốc đầu tiên ở Nhật Bản có thể được sử dụng cho tất cả bệnh nhân ở mọi mức độ nguy cơ. Thuốc do công ty dược phẩm Shionogi của Nhật Bản phát triển.

Về chăm sóc và điều trị y tế, hiện bất kỳ cơ sở y tế nào ở Nhật Bản đều có thể tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19, miễn là có thể thực hiện đủ các biện pháp chống lây nhiễm. Số lượng bệnh viện và phòng khám cho bệnh nhân COVID đã tăng lên.

Trong khi đó, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại. Vào tháng 10, Giáo sư Oshitani Hitoshi thuộc Đại học Tohoku, Giáo sư Nishiura Hiroshi thuộc Đại học Kyoto và các nhà nghiên cứu khác đã gửi báo cáo lên ủy ban chuyên gia của bộ y tế, dự báo hướng phát triển của đại dịch vi-rút corona. Các nhà khoa học kêu gọi cảnh giác với một đợt lây nhiễm bất ngờ và nhanh chóng do các biến thể mới của vi-rút, cũng như khả năng số ca tử vong hoặc tỷ lệ bệnh nhân trở nặng sẽ tăng mạnh trở lại nếu việc tiêm chủng không tiến triển như mong đợi.

Trả lời báo giới hôm 30/11, ông Wakita Takaji, người đứng đầu ban chuyên gia, cho biết cần theo dõi những thay đổi về các triệu chứng của COVID-19. Ông Wakita cho biết các ca lây nhiễm thường xuất hiện triệu chứng về hô hấp nhưng gần đây, các bác sĩ ghi nhận nhiều biến chứng liên quan đến tim mạch. Theo ông thì điều này có thể cho thấy COVID đã trở thành một bệnh liên quan đến tuần hoàn máu.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/12/2022).

Câu hỏi 522: Phân loại lại COVID-19 theo luật bệnh truyền nhiễm (5) Tỷ lệ tiêm vắc-xin

Trả lời:
Ông Omi Shigeru, trưởng tiểu ban đánh giá về vi-rút corona của chính phủ cho biết, 1 số điều kiện cần thiết để phân loại lại COVID-19 cần xét theo ưu tiên để sao cho các biện pháp ngăn ngừa vi-rút được áp dụng không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Trả lời phỏng vấn NHK hồi tháng 7, ông đã nêu rằng các điều kiện này gồm có việc tiêm vắc-xin rộng rãi, chi phí thấp và dễ tiếp cận, đồng thời cần có thêm nhiều cơ sở y tế để điều trị bệnh nhân.

Điều quan trọng nhất là tỷ lệ tiêm vắc-xin. Theo số liệu trên trang web của văn phòng Thủ tướng tính đến 20/12, có 81,4% dân số Nhật Bản đã tiêm vắc-xin COVID-19 mũi thứ nhất, 80,4% tiêm mũi thứ 2 và 67,5% tiêm mũi 3. Mặc dù vậy, chỉ có 30,6% được tiêm vắc-xin ngừa biến thể Omicron. Cho đến hết năm, chính phủ sẽ tiếp tục tiêm vắc-xin ngừa Omicron cho những người có nguyện vọng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/12/2022).

Câu hỏi 521: Phân loại lại COVID-19 theo luật bệnh truyền nhiễm (4) Thay đổi tỷ lệ tử vong

Trả lời:
Vào thời điểm đợt bùng phát lây nhiễm vi-rút corona đầu tiên vào tháng 1 năm 2020, tức là khi vi-rút này lần đầu tiên được phát hiện ở Nhật Bản, tỷ lệ tử vong là 5,34%. Tỷ lệ này giảm xuống còn 0,93% vào mùa hè năm đó trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, một phần là nhờ vào sự tiến bộ trong cách điều trị bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng.

Tỷ lệ tử vong một lần nữa lại tăng lên thành 1,82% vào đầu năm 2021 trong đợt lây nhiễm thứ ba khi các cơ sở y tế trở nên quá tải do sự lây lan nhanh chóng của vi-rút. Tỷ lệ này tăng nhẹ lên thành 1,88% trong đợt lây nhiễm thứ tư vào mùa xuân năm 2021 sau khi biến thể Alpha lây lan nhanh chóng. Đây là biến thể đáng kể đầu tiên của vi-rút corona. Tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 0,32% trong đợt bùng phát của biến thể Delta vào mùa hè năm 2021, gây ra làn sóng lây nhiễm thứ năm do có nhiều người bị nhiễm nhưng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng.

Tỷ lệ tử vong giảm hơn nữa trong làn sóng lây nhiễm thứ sáu mặc dù xuất hiện biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao vào đầu năm 2022. Số người tử vong đã tăng lên, nhưng tỷ lệ tử vong lại giảm do số người bị lây nhiễm đã tăng với mức độ chưa từng thấy.

Tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát thứ sáu là 0,17%. Con số này giảm xuống còn 0,11% trong mùa hè năm nay trong làn sóng lây nhiễm thứ bảy. Mặc dù tỷ lệ tử vong đã giảm nhưng số người tử vong trong năm nay do vi-rút corona đã lên tới mức kỷ lục là 31.000 ca do biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Những ca tử vong này chiếm khoảng 60% tổng số ca tử vong ở Nhật Bản vì vi-rút corona trong gần 3 năm kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/12/2022).

Câu hỏi 520: Phân loại lại COVID-19 theo luật bệnh truyền nhiễm (3) Xếp COVID-19 vào nhóm 5 thì sẽ có thay đổi gì?

Trả lời:
Hiện nay, chỉ có các cơ sở y tế được chỉ định điều trị bệnh truyền nhiễm mới được tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nội trú. Nếu COVID-19 được phân loại vào nhóm 5, thì các bệnh viện thông thường cũng sẽ có thể tiếp nhận bệnh nhân nội trú. Khi đó, số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 sẽ tăng lên và giảm được gánh nặng cho hệ thống y tế của đất nước nếu lây nhiễm lan rộng.

Tuy nhiên, có lo ngại rằng một số bệnh viện có thể không tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vì những lý do như thiếu biện pháp chống lây nhiễm.

Cũng có lo ngại về chi phí điều trị. Hiện nay, toàn bộ chi phí, bao gồm cả xét nghiệm và nhập viện, đều do nhà nước chi trả. Tuy nhiên, sau khi phân loại lại COVID-19, mọi người sẽ phải thanh toán một phần chi phí y tế vì sẽ không còn được bảo hiểm y tế công cộng chi trả. Điều này có thể khiến một số người trì hoãn đi khám, dẫn đến việc chẩn đoán bị chậm trễ.

Ngoài ra, sẽ không thể áp đặt hạn chế đối với hoạt động của người dân. Tất cả những gì chính phủ có thể làm sẽ chỉ là yêu cầu mọi người hành động một cách có trách nhiệm khi bị nhiễm bệnh.

Ông Kamayachi Satoshi, thành viên ban điều hành của Hiệp hội Y tế Nhật Bản, cho biết ông phản đối kế hoạch cắt giảm mạnh chi tiêu công vào thời điểm vẫn chưa rõ tình hình bệnh dịch sẽ diễn biến thế nào. Theo ông, thay vì phân loại COVID-19 sang nhóm 5, nên có biện pháp mới để ứng phó với tình hình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/12/2022).

Câu hỏi 519: Phân loại lại COVID-19 theo luật bệnh truyền nhiễm (2) Tại sao lại tái phân loại vào thời điểm này?

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi các luật liên quan tới bệnh cúm mới vào tháng 2 năm 2020 và phân loại COVID-19 là “đại dịch cúm” (cúm mới hoặc cúm tái xuất hiện).” Việc phân loại này được coi là tương ứng với Loại 2, thể theo luật bệnh truyền nhiễm hiện hành vì những nguy cơ xuất hiện các triệu chứng tăng nặng cũng như các tiêu chuẩn khác. Tuy nhiên, khác với đợt bùng phát của một bệnh nhiễm trùng Loại 2, đối với dịch lần này chính phủ được phép thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm cứng rắn hơn, chẳng hạn như kêu gọi mọi người ở nhà hoặc ban hành tình trạng khẩn cấp.

Sau đó, chúng ta được biết rằng biến thể Omicron của vi-rút corona, loại biến thể chủ đạo trong đợt lây nhiễm thứ 6 và 7 ở Nhật Bản trong năm nay, không có nhiều nguy cơ khiến người bệnh bị trở nặng. Nhật Bản cũng đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân loại vắc-xin mới nhắm vào biến thể Omicron. Những điều này khiến chính phủ Nhật Bản rút ngắn thời gian cách ly cho những người được xác định dương tính, đơn giản hóa hệ thống báo cáo lây nhiễm và nới lỏng các kiểm soát biên giới.

Ngày 2 tháng 12, Quốc hội Nhật Bản thông qua một sửa đổi khác của luật về các bệnh truyền nhiễm. Một điều khoản bổ sung cho việc sửa đổi kêu gọi chính phủ nhanh chóng thảo luận về phân loại lại COVID-19 theo luật hiện hành. Bộ y tế đã thông báo sẽ thảo luận về việc xem xét phân loại COVID-19. Bộ ngụ ý cho biết sẽ xem xét hạ cấp COVID-19 xuống Loại 5, cùng một loại như cúm mùa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/12/2022).

Câu hỏi 518: Phân loại lại COVID-19 theo luật bệnh truyền nhiễm (1) Các nhóm bệnh truyền nhiễm

Trả lời:
Hiện nay, Nhật Bản bắt đầu thảo luận về việc phân loại lại vi-rút corona theo luật về các bệnh truyền nhiễm. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu những thay đổi có thể xảy ra, bao gồm các hạn chế xã hội cũng như chi phí y tế.

Luật Nhật Bản phân loại bệnh truyền nhiễm theo 5 nhóm từ 1 đến 5, tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm và nguy cơ bệnh nhân trở nặng. Luật này quy định những biện pháp mà chính quyền trung ương và địa phương có thể thực hiện.

Nhóm 1 bao gồm các bệnh đe dọa đến tính mạng và cực kỳ nguy hiểm như dịch hạch hoặc Ebola.

Nhóm 2 bao gồm các bệnh có khả năng lây nhiễm cao và người bệnh có nguy cơ trở nặng, chẳng hạn như bệnh lao và hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). COVID-19 hiện được coi là tương đương với nhóm 2.

Khi có người mắc các bệnh thuộc nhóm 2, cơ sở y tế phải báo cáo tổng số ca mắc cho cơ quan y tế địa phương. Chính quyền địa phương có thể khuyến cáo những người nhiễm bệnh nhập viện hoặc hạn chế làm việc. Chi phí y tế cũng được quỹ công chi trả.

Nhóm 5 bao gồm các bệnh như cúm mùa và giang mai. Chính quyền địa phương không thể yêu cầu những người bị nhiễm bệnh nhập viện cũng như hạn chế làm việc. Người bệnh phải trả một phần chi phí y tế. Đa phần các cơ sở y tế có thể tiếp nhận những người mắc bệnh thuộc nhóm 5. Không phải tất cả các cơ sở y tế đều phải báo cáo tổng số ca nhiễm, và thông tin cần báo cáo cũng tùy thuộc từng bệnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/12/2022).

Câu hỏi 517: Hiệu quả và đặc tính của Xocova (7) Áp dụng cơ chế phê duyệt khẩn cấp mới

Trả lời:
Ở Nhật Bản, việc cấp phép sử dụng thuốc hoặc vắc-xin mới là quá trình mất nhiều thời gian và thường cần 1 năm để thẩm định và phê duyệt. Các chuyên gia nói rằng việc tốn thời gian là nguyên nhân chính khiến cho phê duyệt vắc-xin ở Nhật Bản thường chậm hơn các nước khác.

Để khắc phục tình trạng này, Nhật Bản đưa vào áp dụng cơ chế phê duyệt khẩn cấp mới kể từ tháng 5 năm 2022 nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, ví dụ trường hợp bùng phát bệnh truyền nhiễm và khi chưa có vắc-xin hoặc biện pháp điều trị.

Vì vậy, bộ y tế đã quyết định kiểm duyệt đăng ký cấp phép thuốc Xocova theo cơ chế mới và có 1 hội đồng chuyên gia thẩm định loại thuốc uống này. Tuy nhiên, đã 2 lần các chuyên gia không đưa ra được quyết định phê duyệt thuốc Xocova bởi lý do cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của thuốc. Sau khi thảo luận lại lần thứ 3 vào tháng 11, thuốc mới được phê duyệt.

Giáo sư Ono Shunsuke thuộc Trường đại học Tokyo, người hiểu rõ cơ chế phê duyệt thuốc, cho biết các chuyên gia và giới chức đã không thống nhất được về mức độ thông tin cần có liên quan tới hiệu quả và độ an toàn của thuốc dựa trên cơ chế phê duyệt khẩn cấp mới.

Ông nhận thấy các tranh luận có vẻ đã gây hiểu nhầm và quan điểm của chuyên gia dường như quá thận trọng và đi sâu vào chi tiết. Do quá trình thẩm định cũng gần giống so với trước đây, giáo sư nhấn mạnh nhu cầu phải cân bằng giữa 2 mục đích là "làm sao để đẩy nhanh việc phê duyệt" đồng thời "phải xác định được hiệu quả và độ an toàn của thuốc hoặc biện pháp điều trị".

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/12/2022).

Câu hỏi 516: Hiệu quả và đặc tính của Xocova (6) Ý kiến của chuyên gia điều trị COVID-19

Trả lời:
Giáo sư Morishima Tsuneo thuộc Đại học Y khoa Aichi là chuyên gia về điều trị COVID-19. Ông cho biết: “Việc dự đoán liệu bệnh nhân sẽ chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc sẽ trở nặng là rất khó, nên các nhân viên y tế ở tuyến đầu rất mong đợi vào loại thuốc có thể điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ trở nặng”.

Về hiệu quả của Xocova, ông cho biết: “Theo kết quả các thử nghiệm lâm sàng, Xocova có thể giúp giảm các triệu chứng như ho hoặc sốt sớm 1 ngày. Thuốc cho thấy mức độ hiệu quả tương tự như thuốc chống cúm và được cho là đủ tốt. Do Xocova có thể giảm lượng vi-rút trong cơ thể, nên có thể kỳ vọng thuốc sẽ ngăn việc bệnh nhân có triệu chứng nặng. Khi được sử dụng trong các viện dưỡng lão hoặc bệnh viện, nơi nhiều người có nguy cơ cao bệnh trở nặng, Xocova sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng xấu đi, ngăn chặn vi-rút lây lan và góp phần tránh để các cơ sở này bị quá tải”.

Đối với những vấn đề cần khắc phục, ông cho rằng: ”Xocova được cho là hiệu quả nhất nếu dùng trong vòng 3 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Điều quan trọng là chính phủ và chính quyền địa phương phải thiết lập một khuôn khổ cho phép chẩn đoán và giao thuốc nhanh cho những người cần. Cũng cần tiếp tục theo dõi sau khi thuốc được sử dụng rộng rãi để xem liệu thuốc có gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng bất ngờ hoặc liệu có xuất hiện các biến thể mới kháng thuốc hay không”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/12/2022).

Câu hỏi 515: Hiệu quả và đặc tính của Xocova (5) Thay đổi trong phòng dịch sau khi thuốc được phê duyệt

Trả lời:
Ngày 22 tháng 11, bộ y tế Nhật Bản đã phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng một loại thuốc uống trị COVID-19 mới có tên là Xocova. Đây là loại thuốc uống đầu tiên do một công ty dược phẩm Nhật Bản bào chế. Xocova có đặc điểm là sử dụng được cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc ít có khả năng trở bệnh nặng.

Đã 3 năm kể từ khi vi-rút corona bắt đầu lây lan. Vắc-xin và thuốc được coi là hai trụ cột trong cuộc chiến chống COVID ngay từ những ngày đầu.

Mặc dù nhiều người đã được tiêm vắc-xin, nhưng điều quan trọng vẫn là khi nhiễm bệnh thì không để vi-rút gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Nếu có những loại thuốc dùng trong giai đoạn mới nhiễm bệnh thì có thể giảm số người bị bệnh nặng.

Trong bối cảnh chúng ta vẫn phải sống chung với vi-rút corona, điều cần thiết là phải có một loại thuốc uống, vốn được cho là dễ kê đơn hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta đã tiêm vắc-xin và chuẩn bị một loại thuốc dễ sử dụng hơn, điều đó không có nghĩa là không có khả năng trở bệnh nặng khi bị nhiễm vi-rút. Các chuyên gia đang kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện biện pháp phòng dịch, chẳng hạn như đeo khẩu trang khi thấy cần thiết và tránh đám đông cũng như không gian kín. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần phải tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/12/2022).

Câu hỏi 514: Hiệu quả và đặc tính của Xocova (4) Lộ trình phân phối thuốc Xocova

Trả lời:
Ngày 22 tháng 11, bộ y tế Nhật Bản đã phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng một loại thuốc uống trị COVID-19 mới có tên là Xocova.

Bộ y tế ký hợp đồng với Shionogi, công ty dược của Nhật bào chế Xocova, để có đủ thuốc cho 1 triệu bệnh nhân. Ban đầu, bộ dự định bắt đầu phân phối rộng rãi thuốc đến các cơ sở y tế vào đầu tháng 12, tuy nhiên kế hoạch trên đã được bắt đầu sớm hơn từ ngày 28 tháng 11.

Thuốc Xocova bị cấm chỉ định cho phụ nữ đang hoặc dự định mang thai và bệnh nhân đang dùng một số loại thuốc đặc biệt. Với những hạn chế như vậy, để đảm bảo an toàn, trong 2 tuần đầu hoặc lâu hơn, bộ y tế dự kiến sẽ chỉ phân phối hạn chế loại thuốc này cho các cơ sở y tế và nhà thuốc từng kê đơn thuốc Paxlovid. Đây là loại thuốc uống do hãng dược Pfizer của Mỹ bào chế, có cơ chế hoạt động tương tự như Xocova .

Sau khoảng thời gian nói trên, việc cung cấp Xocova sẽ không kèm theo điều kiện cụ thể nào. Bộ sẽ thiết lập hệ thống cho phép các cơ sở y tế và hiệu thuốc do chính quyền cấp tỉnh chỉ định được kê đơn các loại thuốc nói trên. Danh sách các cơ sở này sẽ được công bố trên trang web của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/12/2022).

Câu hỏi 513: Hiệu quả và đặc tính của Xocova (3) Cơ chế hoạt động của thuốc

Trả lời:
Ngày 22 tháng 11, bộ y tế Nhật Bản đã phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng một loại thuốc uống trị COVID-19 mới có tên là Xocova. Trong loạt bài này, chúng tôi tập trung vào đặc tính và hiệu quả của Xocova. Bài hôm nay nói về cơ chế hoạt động của thuốc.

Khi bệnh nhân nhiễm vi-rút corona, vi-rút xâm nhập tế bào và tự sao chép RNA để nhân lên. Thuốc Xocova ngăn chặn quá trình sao chép này bằng cách ức chế việc sử dụng một loại enzyme cần thiết cho quá trình sao chép của vi-rút.

Cơ chế này tương tự như Paxlovid, loại thuốc uống do công ty Pfizer của Mỹ bào chế. Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng uống Xocova mỗi ngày một lần trong khoảng thời gian 5 ngày. Vào ngày thứ tư, lượng vi-rút giảm xuống còn khoảng 1/30 so với ban đầu và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Xocova cũng có hiệu quả cao đối với các biến thể phụ, trong đó có Omicron BA.5 hiện vẫn đang chiếm phần lớn số ca nhiễm.

Tuy nhiên, thử nghiệm trên động vật cho thấy Xocova ảnh hưởng đến thai nhi, cho nên thuốc chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai và những người có khả năng mang thai. Bộ y tế cũng kêu gọi những người mắc bệnh mãn tính thận trọng khi dùng thuốc, vì có thể có tác dụng phụ khi dùng cùng với các loại thuốc khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/12/2022).

Câu hỏi 512: Hiệu quả và đặc tính của Xocova (2) Hiệu quả điều trị

Trả lời:
Ngày 22 tháng 11, Bộ Y tế Nhật Bản đã phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng một loại thuốc uống điều trị COVID-19 mới có tên là Xocova. Điều cần lưu ý là thuốc chỉ dùng cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và ít nguy cơ chuyển nặng. Đây là loại thuốc uống đầu tiên do 1 công ty dược phẩm Nhật Bản bào chế. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về hiệu quả của thuốc Xocova trong việc chữa trị triệu chứng COVID-19.

Cuối tháng 9, công ty dược phẩm Shionogi đã công bố hiệu quả của thuốc Xocova sau khi xác định được kết quả thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn sau cùng. Theo công ty Shionogi, thuốc đạt hiệu quả cải thiện các triệu chứng liên quan tới COVID, cụ thể là sẽ sớm kết thúc các triệu chứng, ví dụ như sốt.

Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 7, công ty Shionogi đã thử nghiệm lâm sàng thuốc Xocova ở Nhật Bản và 2 quốc gia khác. Việc thử nghiệm được thực hiện trên 1.821 người từ 12 đến trên 60 tuổi, bị các triệu chứng nhẹ và trung bình, trong đó có những người ít nguy cơ chuyển nặng và đã tiêm vắc-xin.

Thử nghiệm cho thấy, với nhóm người bệnh sử dụng Xocova trong vòng 3 ngày kể từ khi mới xuất hiện triệu chứng thì toàn bộ 5 triệu chứng thường thấy của Omicron gồm ho, đau họng, sổ mũi và ngạt mũi, mệt mỏi, sốt và sốt cao đã biến mất sau khoảng 7 ngày. Điều này có nghĩa là thời gian bị triệu chứng COVID đã rút ngắn được 24 tiếng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/12/2022).

Câu hỏi 511: Hiệu quả và đặc tính của Xocova (1) Xocova là gì?

Trả lời:
Ngày 22 tháng 11, Bộ Y tế Nhật Bản đã phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng một loại thuốc uống trị COVID-19 mới có tên là Xocova. Trong loạt bài này, chúng tôi tập trung vào đặc tính và hiệu quả của loại thuốc uống Xocova.

Xocova là một loại thuốc uống, dạng viên chống COVID-19. Thuốc do công ty dược phẩm Nhật Bản Shionogi bào chế. Loại thuốc này có thể được sử dụng để điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Các loại thuốc COVID-19 trước đây dành cho bệnh nhân có nguy cơ cao chuyển bệnh nặng nhưng loại thuốc Xocova này có thể sử dụng ngay cả đối với những bệnh nhân có nguy cơ thấp.

Cho đến nay, Nhật Bản đã chấp nhận 9 loại thuốc chống COVID-19, bao gồm thuốc viên và thuốc truyền tĩnh mạch. Một vài loại trong số này có thể được sử dụng để điều trị bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, nhưng việc sử dụng những loại thuốc này được giới hạn ở những bệnh nhân có nguy cơ cao có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như người vốn mắc bệnh tiểu đường, bệnh hô hấp, và béo phì. Việc thử nghiệm lâm sàng không được tiến hành đối với những người ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và hơn nữa, nguồn cung thuốc cũng bị hạn chế.

Xocova có thể được sử dụng rộng rãi, tương tự như Tamiflu để điều trị cúm mùa. Thuốc có thể được sử dụng để điều trị cho những người từ 12 tuổi trở lên, bao gồm cả những người ít có nguy cơ gặp các triệu chứng nghiêm trọng.

Vào ngày 22 tháng 11, ban chuyên gia của Bộ Y tế đã phê duyệt việc sử dụng Xocova. Hội đồng đánh giá thuốc được cho là có hiệu quả, thông qua các số liệu lâm sàng cho thấy loại thuốc viên này có tác dụng khi bệnh nhân bị sốt và có các triệu chứng khác của vi-rút corona. Xocova là loại thuốc COVID-19 được phát triển trong nước đầu tiên được phê duyệt tại Nhật Bản. Người ta hy vọng rằng việc Xocova được chấp nhận sẽ dẫn đến việc đảm bảo nguồn cung thuốc COVID ổn định cho các cơ sở y tế.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/12/2022).

Câu hỏi 510: Làn sóng lây nhiễm thứ 8 (7) Ngăn chặn lây nhiễm lan rộng

Trả lời:
Hội đồng chuyên gia của bộ y tế đang kêu gọi những người từ 12 tuổi trở lên và người đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa vi-rút corona đi tiêm vắc-xin ngừa biến thể Omicron trong năm nay để các cơ sở y tế không rơi vào tình trạng căng thẳng.

Hội đồng khuyến cáo trẻ sơ sinh và học sinh tiểu học cũng nên tiêm phòng.

Giáo sư Hamada Atsuo của Bệnh viện Đại học Y khoa Tokyo cho biết một số người có thể nghĩ rằng tiêm chủng không hiệu quả vì các biến thể mới được cho là có khả năng né tránh miễn dịch, nhưng điều đó không đúng.

Theo giáo sư Hamada, vắc-xin đặc hiệu ngừa một biến thể phụ của Omicron có khả năng có hiệu quả chống lại các biến phụ BQ.1 và XBB, những biến thể này có thể lan rộng trong những tháng tới. Ông kêu gọi từ nay đến cuối năm, mọi người nên đi tiêm chủng để đề phòng làn sóng lây nhiễm thứ 8 trong mùa đông này.

Giáo sư Hamada cũng khuyến cáo người dân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay và tránh đến những nơi đông người.

Giáo sư cho biết thêm rằng sắp đến mùa của liên hoan tất niên, tân niên, hoặc mọi người về quê đón năm mới. Tuy nhiên, các kế hoạch này có thể phải hủy bỏ tùy vào tình hình lây nhiễm. Điều quan trọng là phải theo dõi tình hình và hành động phù hợp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/12/2022).

Câu hỏi 509: Làn sóng lây nhiễm thứ 8 (6) Bùng phát kép với cúm

Trả lời:
Một số chuyên gia nói rằng cần chuẩn bị cho một đợt bùng phát kép của vi-rút corona và cúm khi mùa đông đến gần.

Số bệnh nhân cúm ở Nhật Bản hiện vẫn còn thấp hơn mức trước đại dịch. Một đợt bùng phát cúm trên toàn quốc được cho là bắt đầu khi các cơ sở y tế được chỉ định báo cáo trung bình có hơn một bệnh nhân mỗi tuần. Con số trong tuần đến ngày 20/11 đứng ở mức 0,11.

Tại Australia ở Nam bán cầu, các ca cúm đã tăng lên trong tháng 5 và tháng 6 của mùa đông năm nay.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca cúm tăng ở Mỹ và Canada trong vài tuần qua. WHO cho biết số ca cúm ở Châu Âu vẫn còn thấp, nhưng đang có xu hướng tăng lên.

Giáo sư Nishiura Hiroshi, thuộc Đại học Kyoto cho biết bệnh cúm hiện đang lan rất chậm ở Nhật Bản, vì vậy thời gian sớm nhất khi số ca nhiễm có thể lên tới đỉnh điểm là vào thời điểm khi học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ đông. Ông hy vọng đỉnh điểm của dịch cúm sẽ không trùng với đỉnh điểm của đợt lây nhiễm thứ 8 của vi-rút corona.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/12/2022).

Câu hỏi 508: Làn sóng lây nhiễm thứ 8 (5) Khả năng bùng phát số ca nhiễm dịp lễ cuối năm và năm mới

Trả lời:
Giáo sư Hamada Atsuo thuộc Bệnh viện Đại học Y Tokyo nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi tình hình lây nhiễm ở các nước khác, trong bối cảnh Nhật Bản đã nới lỏng biện pháp kiểm soát biên giới.

Vào giữa tháng 11, số ca mắc COVID-19 không chỉ tăng lên ở Nhật Bản mà còn ở các nước Đông Á và Đông Nam Á, như Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia. Giáo sư Hamada cảnh báo về khả năng bùng phát trở lại các ca bệnh ở Mỹ, nơi vừa đón Lễ Tạ ơn vào cuối tháng 11, cũng như ảnh hưởng của World Cup hiện đang diễn ra tại Qatar.

Ông Hamada cho biết trước đây số ca nhiễm tại Mỹ cũng gia tăng trong dịp Lễ Tạ ơn, là khoảng thời gian nhiều gia đình quây quần và dùng bữa cùng nhau. Bên cạnh đó, cũng theo ông thì World Cup ước tính sẽ thu hút khoảng 1,2 triệu người đến Qatar từ khắp nơi trên thế giới. World Cup được tổ chức mà không có nhiều hạn chế như tại Thế vận hội Tokyo hoặc Bắc Kinh. Ông cho biết vi-rút corona có thể lây lan trong thời gian diễn ra World Cup. Ông nói không thể loại trừ khả năng người hâm mộ có thể bị nhiễm COVID ở đó rồi mang vi-rút trở lại quốc gia của mình, và có thể làm bùng phát bệnh trong cộng đồng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/12/2022).

Câu hỏi 507: Làn sóng lây nhiễm thứ 8 (4) Dự báo lây nhiễm bằng AI

Trả lời:
Giáo sư Hirata Akimasa thuộc Đại học Công nghệ Nagoya và các đồng nghiệp của ông đã vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo về tình hình lây nhiễm dựa trên giả thiết BQ.1 và các biến phụ mới có thể sẽ lây lan. Dự báo căn cứ trên dữ liệu về hiệu quả vắc-xin và tình hình đi lại của người dân.

Với giả thiết BQ.1 và các biến phụ mới lây nhiễm mạnh hơn BA.5 là 20% và miễn dịch không có tác dụng ngăn ngừa, dự báo thủ đô Tokyo mỗi ngày sẽ có thêm khoảng 30.000 ca nhiễm vào giữa tháng 12 và có thể lên tới khoảng 36.000 ca vào giữa tháng 1, cao hơn con số ở đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 7. Nếu dự báo này xảy ra, số ca tử vong ở Tokyo có thể lên đến ít nhất 20 ca mỗi ngày trong thời gian từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2.

Trường hợp BQ.1 và các biến phụ mới chỉ lây nhiễm ở mức độ như các biến thể phụ trước đây và miễn dịch vẫn có tác dụng ngăn ngừa nhất định, số ca nhiễm ở Tokyo có thể lên cao nhất là khoảng 25.000 ca một ngày vào giữa tháng 1.

Giáo sư Hirata cho biết với dự báo về khả năng lây lan của BQ.1 và các biến phụ mới, số ca nhiễm mới có thể sẽ sớm tăng. Ông nói thêm rằng do hoạt động kinh tế xã hội đang dần trở lại như cũ, cộng với thời tiết lạnh, gần như không có yếu tố nào cho thấy các ca nhiễm sẽ giảm xuống. Ông cũng cho biết nếu các biến phụ mới lây nhiễm tràn lan và tinh khôn hơn, tốc độ lây nhiễm có khả năng sẽ tăng đáng kể từ nay đến cuối năm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/11/2022).

Câu hỏi 506: Làn sóng lây nhiễm thứ 8 (3) Các biến thể mới của vi-rút

Trả lời:
Một trong những quan ngại lớn là khả năng gia tăng các biến thể phụ của Omicron như biến thể BQ.1. Theo các chuyên gia thì các biến thể phụ này nhiều khả năng có thể né tránh miễn dịch ở những người từng nhiễm và tiêm vắc-xin. Tại Mỹ, các biến thể phụ mới của Omicron đang bắt đầu thay thế biến thể phụ BA.5 để trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo.

Theo dữ liệu của Chính quyền Thủ đô Tokyo công bố hôm 24/11, trong tháng 11, biến thể phụ BA.5 là biến thể lây nhiễm chính, chiếm 80,1% số ca nhiễm. Tuy nhiên, số ca nhiễm các biến thể phụ khác đang dần tăng lên, với biến thể phụ BQ.1.1 chiếm 6,2%, BN.1 4,2%, BF.7, BA.2.75 và BQ.1 đều chiếm khoảng 2%, BA.2 và XBB chiếm khoảng 1%, và BQ.4.6 chiếm 0,3%.

Giáo sư Hamada Atsuo thuộc Bệnh viện Đại học Y Tokyo cho biết tâm điểm chú ý hiện nay là các biến thể phụ XBB và BQ.1 của Omicron nhưng biến thể phụ XBB không lan rộng trên thế giới. Tại Mỹ và các nước châu Âu, biến thể phụ BQ.1 đang thay thế BA.5.

Theo ông Hamada, tính đến giữa tháng 11, Mỹ và các quốc gia châu Âu không ghi nhận việc số ca nhiễm tăng mạnh. Tuy nhiên, ông cho rằng mức đỉnh của làn sóng lây nhiễm thứ 8 ở Nhật Bản có thể sẽ cao nếu xuất hiện nhiều biến thể phụ mới. Ông cảnh báo rằng Nhật Bản cần tiếp tục theo dõi số ca nhiễm vì có thể đối mặt với tình hình trên trong tháng 12.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/11/2022).

Câu hỏi 505: Làn sóng lây nhiễm thứ 8 (2) Các dấu hiệu của đợt bùng phát lây nhiễm mới

Trả lời:
Trong tháng 10, số ca nhiễm biến thể phụ BA.5 tại châu Âu đã gia tăng. Theo Our World in Data, ấn phẩm khoa học trực tuyến của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh, vào giữa tháng 10, tại Đức, số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày tính trên 1 triệu dân là khoảng 1.300 ca. Con số này vượt mức đỉnh của đợt lây nhiễm trước đó vào tháng 7. Cùng kỳ, số liệu ở Pháp là khoảng 840 ca, cao nhất kể từ tháng 7.

Vào ngày 17/11, Giáo sư Wakita Takaji, người đứng đầu ban chuyên gia của Bộ Y tế, cho biết làn sóng lây nhiễm biến thể BA.5 hiện có thể đạt đỉnh trong năm nay.

Giáo sư Nishiura Hiroshi thuộc Đại học Kyoto là thành viên của ban chuyên gia thuộc bộ y tế và là một chuyên gia về áp dụng toán học vào dịch tễ học. Ông cho rằng sau khi làn sóng lây nhiễm trùng đạt đỉnh, tốc độ giảm có thể sẽ chậm, bởi vì lây nhiễm sẽ tăng cả về số lượng và phạm vi, như trong trường hợp của Hokkaido.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/11/2022).

Câu hỏi 504: Làn sóng lây nhiễm thứ 8 (1) Tại sao số ca nhiễm tăng mạnh ở thời điểm này

Trả lời:
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm vi-rút corona đang tăng mạnh gần đây. Vào ngày 15/11, lần đầu tiên sau khoảng 2 tháng, số ca nhiễm mới mỗi ngày lên tới 100.000 ca. Câu hỏi đặt ra là có phải Nhật Bản đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 8? Chúng tôi giới thiệu đến các bạn loạt bài mới dự báo tình hình lây nhiễm cũng như các biện pháp phòng ngừa.

Tại sao số ca nhiễm mới tăng mạnh ở thời điểm này? Các chuyên gia cho rằng đầu mối đáp án có thể liên quan đến sự gia tăng số ca nhiễm ở các địa phương không phải là thành phố lớn. Cho đến gần đây, các đợt bùng phát thường bắt đầu ở khu vực Thủ đô Tokyo đông dân và lan rộng ra cả nước thông qua những người đi lại giữa các khu vực. Tuy nhiên lần này, số ca nhiễm bắt đầu gia tăng ở các địa phương như Hokkaido và Tohoku, đều ở xa Tokyo.

Ban chuyên gia của bộ y tế đã trình bày quan điểm về xu hướng trên tại cuộc họp hôm 17/11. Theo các chuyên gia, tại những khu vực có nhiều người bị nhiễm biến thể BA.5 trong làn sóng lây nhiễm thứ 7, một tỷ lệ lớn người dân đã có khả năng miễn dịch. Các chuyên gia cho biết lây nhiễm hiện đang lan rộng ở các khu vực có ít người từng mắc biến thể BA.5, tức là chưa có nhiều người có khả năng miễn dịch.

Theo Giáo sư Hamada Atsuo của Bệnh viện Đại học Y khoa Tokyo, sự gia tăng số ca nhiễm ở thời điểm hiện tại có thể được xem là tác động kéo dài của làn sóng lây nhiễm thứ 7. Giáo sư cho biết các thành phố lớn cũng ghi nhận số ca nhiễm gia tăng, nhưng xu hướng này không rõ ràng như ở các địa phương. Giáo sư Hamada nói "tàn dư" của làn sóng thứ 7 đang bùng phát trở lại ở những nơi có tương đối ít người từng bị ảnh hưởng và nhiều người chưa có khả năng miễn dịch.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/11/2022).

Câu hỏi 503: Các biến thể phụ mới của Omicron (5) Ảnh hưởng tới tình hình lây nhiễm hiện tại

Trả lời:
Các nhà nghiên cứu tại Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản cho biết chưa có bằng chứng cho thấy XBB hoặc BQ.1.1 sẽ gây ra các ca nhiễm COVID-19 với triệu chứng nặng. Tuy nhiên, họ nói rằng có một số nghiên cứu chỉ ra các biến thể phụ này có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Họ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.

Tại Nhật Bản, số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày là khoảng 26.000 ca vào ngày 11 tháng 10. Con số này tăng dần và lên tới khoảng 88.000 ca vào ngày 22 tháng 11.

Giáo sư Hamada Atsuo của Bệnh viện Đại học Y khoa Tokyo cho biết biến thể phụ BQ.1 được cho là lẩn tránh miễn dịch hơn BA.5, và người từng nhiễm vi-rút corona hoặc đã tiêm chủng vẫn có nhiều khả năng bị nhiễm lại. Vì thế, nếu biến thể phụ BQ.1 lây lan vào mùa đông, có thể số ca nhiễm sẽ tăng mạnh. Ông Hamada nói rằng hiện đã có vắc-xin đặc trị cho biến thể Omicron và mọi người nên tiêm loại vắc-xin này. Theo ông, vắc-xin đặc trị có tác dụng bảo vệ trước các biến thể phụ BA.5, BQ.1 và XBB, bởi chúng đều thuộc biến thể Omicron. Điều này sẽ giúp giảm số ca bệnh nặng trong mùa đông này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/11/2022).

Câu hỏi 502: Các biến thể phụ mới của Omicron (4) Liệu vi-rút có tiếp tục biến đổi?

Trả lời:
Ngày 26 tháng 10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu 1 hiện tượng đáng quan tâm được phát hiện trên các biến thể phụ mới. Đó là các biến thể phụ này có cùng đặc điểm biến đổi mặc dù chúng có nhiều loại và xuất hiện vào thời gian khác nhau. Hiện tượng này gọi là “tiến hóa đồng quy”, theo đó các cá thể khác nhau tiến hóa riêng biệt nhưng cuối cùng vẫn có chung đặc điểm. WHO cho biết 1 số bộ phận của các biến thể phụ mới có sự biến đổi và điều này được cho là cần thiết giúp chúng có thể thay đổi để thích nghi, rồi sau đó lại biến đổi tiếp.

Giáo sư Furuse Yuki chuyên nghiên cứu về vi-rút thuộc Trường đại học Nagasaki nói rằng với 1 nửa dân số thế giới cho biết hiện nay bị nhiễm chủng Omicron, các biến thể phụ này có thể đã có chung đặc điểm biến đổi nhằm né tránh miễn dịch. Ông cũng cho biết vi-rút corona đã biến đổi nhiều nhưng cũng chưa rõ liệu vi-rút sẽ tiếp tục thích nghi hay sẽ còn tiếp tục biến đổi thêm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/11/2022).

Câu hỏi 501: Các biến thể phụ mới của Omicron (3) Biến thể phụ XBB

Trả lời:
Số ca Covid-19 do nhiễm biến thể phụ XBB của Omicron đang ngày càng tăng ở Singapore và Ấn Độ.

Bộ y tế Singapore cho biết hiện biến thể phụ XBB chiếm tới 54% số ca nhiễm trong tuần tính đến ngày 9 tháng 10, tăng 22% so với tuần trước đó và trở thành nguyên nhân gây lây nhiễm chính.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tính đến cuối tháng 10, đã phát hiện được biến thể phụ XBB tại 35 quốc gia.

Một nhóm chuyên gia của WHO cho biết mặc dù người ta cho rằng nguy cơ nhiễm XBB cao hơn nhưng không thể nói rằng tỷ lệ né tránh được hệ miễn dịch của người hoặc tỷ lệ bệnh chuyển nặng của biến thể phụ này cao hơn so với các biến thể phụ khác của Omicron từ trước tới nay.

Nhóm cũng cho biết các trường hợp tái nhiễm chủ yếu chỉ giới hạn ở những người từng bị nhiễm lần đầu trong giai đoạn trước khi có biến thể Omicron, đồng thời không có dữ liệu cho thấy biến thể phụ này né tránh được hệ miễn dịch của con người do các biến thể phụ khác của Omicron tạo ra.

Tại Singapore, số ca nhiễm biến thể phụ XBB đã giảm kể từ khi đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 10.

Giáo sư Hamada Atsuo, thuộc Bệnh viện Đại học Y khoa Tokyo, cho biết đã không có tình trạng lây nhiễm lớn của biến thể phụ XBB từ Singapore sang các nước láng giềng. Ông cho biết biến thể phụ này cũng đã được phát hiện ở Nhật Bản, nhưng số ca nhiễm vẫn còn thấp, do đó mức độ lo ngại về sự lây lan của biến thể phụ này không cao như trước đây.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/11/2022).

Câu hỏi 500: Các biến thể phụ mới của Omicron (2) Biến thể phụ BQ.1 và BQ.1.1

Trả lời:
Mùa hè năm nay, ở Nhật Bản đã xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID chủ yếu do biến phụ BA.5 gây ra. BQ.1 là đột biến của BA.5 và BQ.1.1 là đột biến của BQ.1. Tại Mỹ, trong tuần tính đến ngày 29 tháng 10, BQ.1 chiếm khoảng 14% ca nhiễm mới còn BQ.1.1 chiếm 13,1%.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã ghi nhận BQ.1 và các dòng phụ của biến thể này ở 65 quốc gia vào đầu tháng 10.

Một nhóm chuyên gia của WHO cho biết tỷ lệ ca nhiễm các biến thể phụ mới đang tăng lên, có thể các đột biến bổ sung của chúng có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn so với các dòng phụ Omicron từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhóm cho biết tại thời điểm hiện nay chưa có dữ liệu cho thấy nếu bị nhiễm thì có nguy cơ cao chuyển nặng hay né tránh miễn dịch.

Các chuyên gia cho biết, nhìn chung đối với vi-rút có khả năng tránh miễn dịch, dù tiêm phòng rồi thì vẫn có thể nhiễm, hoặc nguy cơ tái nhiễm tăng, tuy nhiên điều này vẫn cần được khảo sát thêm.

Cũng theo các chuyên gia, khi tiêm vắc-xin ban đầu cũng như vắc-xin đặc hiệu ngừa Omicron, hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm đối với các biến thể phụ mới có thể giảm nhưng hiệu quả phòng ngừa chuyển nặng thì không thay đổi lớn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/11/2022).

Câu hỏi 499: Các biến thể phụ mới của Omicron (1) Các biến thể phụ mới của Omicron đang gia tăng

Trả lời:
Các biến thể phụ của Omicron hiện đang lan rộng trên toàn thế giới. Trong loạt bài mới này, chúng ta xem xét các nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng do các biến thể phụ mới gây ra và hiệu quả của vắc-xin hiện nay.

Mùa hè này, Nhật Bản đã hứng chịu một làn sóng nhiễm Covid-19 thứ bảy do biến thể phụ BA.5 của Omicron gây ra. Mặc dù BA.5 đã thống trị trên toàn thế giới trong một thời gian nhưng tỷ lệ nhiễm đang giảm dần. Ngược lại, số ca nhiễm Covid-19 do các biến thể phụ mới của Omicron, ví dụ như BQ.1, BQ.1.1 và XBB đang dần lan rộng trên toàn cầu.

Giáo sư Hamada Atsuo, thuộc Bệnh viện Đại học Y khoa Tokyo chuyên về các bệnh truyền nhiễm cho biết trong khi vẫn chưa rõ biến thể nào sẽ trở thành nguyên nhân lây nhiễm chính trong tương lai, các biến thể mới đều cho thấy chúng có khả năng gắn vào tế bào con người đồng thời có khả năng tốt hơn tránh khỏi hệ miễn dịch của chúng ta. Giáo sư Hamada nói ngay cả khi các biến thể mới xuất hiện, điều quan trọng là phải theo dõi cẩn thận nếu những biến thể này tránh khỏi hệ miễn dịch của chúng ta, và giám sát xem chúng có lây nhiễm và gây bệnh như thế nào.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/11/2022).

Câu hỏi 498: Tiêm chủng cho trẻ em từ 4 tuổi trở xuống (8) Quan điểm của các chuyên gia

Trả lời:
Trong phần cuối cùng của loạt bài, chúng tôi xin giới thiệu quan điểm của các chuyên gia.

Chúng tôi hỏi quan điểm của hai chuyên gia về việc tiêm chủng cho trẻ em.

Giáo sư Saitoh Akihiko thuộc Đại học Niigata cho biết rất khó để thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho trẻ nhỏ, bao gồm đeo khẩu trang và rửa tay. Ông nói rằng đối với nhóm tuổi này, tiêm chủng là biện pháp duy nhất để chủ động ngăn ngừa COVID-19 từ sớm và tránh khả năng bệnh trở nặng.

Giáo sư Nakayama Tetsuo thuộc Đại học Kitasato cho biết tác dụng phụ là một trong những mặt tiêu cực của việc tiêm chủng. Tuy nhiên theo ông thì nếu không tiêm vắc-xin, người nhiễm vi-rút có thể xuất hiện các biến chứng có khả năng dẫn đến tử vong. Trong số các biến chứng này có bệnh não cấp tính và viêm cơ tim.

Giáo sư Nakayama kêu gọi mọi người cân nhắc rủi ro và lợi ích, cũng như đưa ra quyết định dựa trên các bằng chứng khoa học.

Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản cũng khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Họ cho biết lợi ích của việc ngăn ngừa COVID-19 từ sớm lớn hơn nguy cơ các phản ứng phụ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/11/2022).

Câu hỏi 497: Tiêm chủng cho trẻ em từ 4 tuổi trở xuống (7) Tiêm vắc-xin cho trẻ từng nhiễm vi-rút và tiêm song song với các loại vắc-xin khác

Trả lời:
Chúng ta cùng tìm hiểu về việc tiêm vắc-xin cho trẻ đã từng nhiễm vi-rút cũng như liệu tiêm vắc-xin nhiều lần có an toàn hay không.

Về vấn đề này, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vắc-xin COVID ngay cả khi trẻ đã từng nhiễm vi-rút trước đó.

Theo Giáo sư Saito Akihiko của Đại học Niigata, việc từng bị nhiễm vi-rút không có nghĩa là người nhiễm sẽ có khả năng miễn dịch đủ mạnh nếu chỉ bị các triệu chứng nhẹ. Bên cạnh đó, lượng kháng thể chống lại vi-rút corona sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, tiêm vắc-xin sau khi nhiễm vi-rút sẽ đảm bảo khả năng miễn dịch cho trẻ. Về thời điểm tiêm vắc-xin, Giáo sư Saito cho biết có thể tiêm khi các triệu chứng đã thuyên giảm và tình trạng sức khỏe của trẻ đã bình thường trở lại.

Trẻ có thể tiêm vắc-xin COVID song song với các loại vắc-xin khác trong chương trình tiêm chủng cơ bản cho trẻ em. Ngoài ra, vắc-xin COVID và vắc-xin cúm cũng có thể được tiêm trong cùng một ngày. Về nguyên tắc, nên tiêm các loại vắc-xin khác cách vắc-xin COVID ít nhất là 2 tuần.

Về vấn đề nên ưu tiên tiêm vắc-xin nào trước cho trẻ, Giáo sư Saito của Đại học Niigata cho biết các loại vắc-xin khác thường được tiêm theo lịch ấn định sẵn. Ông khuyến cáo phụ huynh về cơ bản nên tuân theo lịch này và lên kế hoạch tiêm vắc-xin COVID 2 tuần trước hoặc sau khi tiêm các loại vắc-xin khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/11/2022).

Câu hỏi 496: Tiêm chủng cho trẻ em từ 4 tuổi trở xuống (6) Các ca bệnh nặng ở trẻ em

Trả lời:
Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản cho biết trên 95% trẻ em bị nhiễm vi-rút corona chỉ có các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm ở trẻ em gia tăng do biến thể Omicron bùng phát, số ca tử vong và nghiêm trọng ở trẻ em cũng tăng theo.

Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm đã tiến hành một nghiên cứu đối với 41 người dưới 20 tuổi đã tử vong sau khi nhiễm vi-rút corona trong khoảng từ tháng 1 tới tháng 8 năm nay, thời điểm đa số ca nhiễm là do biến thể Omicron. Viện đã nghiên cứu chi tiết 29 trường hợp tử vong và ghi nhận 14 trường hợp là trẻ dưới 4 tuổi, trong đó có 6 trường hợp không có bệnh nền.

Hiện không có dữ liệu chuyên về các trường hợp nặng ở trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi. Tuy nhiên, Hiệp hội về Y học Chăm sóc Tích cực Nhật Bản đã thu thập dữ liệu như tuổi và triệu chứng của các bệnh nhân nhiễm vi-rút corona dưới 20 tuổi tại các bệnh viện có cơ sở điều trị riêng cho trẻ em trên cả nước, trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 8 năm nay.

Hiệp hội cho biết có tổng cộng 220 bệnh nhân được ghi nhận là có triệu chứng từ vừa tới nặng, nghĩa là cần dùng bình oxi hoặc máy thở. Trẻ mẫu giáo dưới 6 tuổi chiếm 58,6% các trường hợp này. Hiệp hội cho biết nhiều ca nặng bị bệnh não cấp tính, tức não bị sưng phồng và có thể gây suy giảm nhận thức. Tình trạng viêm phổi và co giật cũng thường xuyên xảy ra ở các trường hợp này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/11/2022).

Câu hỏi 495: Tiêm chủng cho trẻ em từ 4 tuổi trở xuống (5) Vắc-xin có ảnh hưởng tới sinh sản không?

Trả lời:
Ở Nhật Bản, trẻ em được tiêm vắc-xin vi-rút corona do Công ty dược phẩm Mỹ Pfizer phát triển. Đây là loại vắc-xin mới gọi là vắc-xin mRNA. Vắc-xin mRNA hoạt động theo cơ chế nhằm tạo ra protein. Khi tiêm vắc-xin mRNA, 1 phần protein của vi-rút corona được đưa vào tế bào cơ thể. Các protein này kích hoạt hệ miễn dịch để sản sinh ra kháng thể.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết sau khi tiêm vắc-xin, mRNA sẽ bị tiêu hủy và đào thải khỏi cơ thể trong vòng vài phút hoặc vài ngày. Cũng theo Bộ Y tế, mRNA trong vắc-xin sẽ không xâm nhập vào ADN cơ thể mang thông tin di truyền. Cơ thể tự sản sinh ra mRNA từ ADN. Tuy nhiên, luồng thông tin di truyền là 1 chiều nên không thể tạo ra ADN từ mRNA.

Vì vậy các chuyên gia cho rằng khi tiêm vắc-xin mRNA, sẽ không có nguy cơ thông tin di truyền của mRNA tồn tại lâu trong cơ thể hoặc cũng không có nguy cơ mRNA xâm nhập vào mã di truyền của tinh trùng và trứng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/11/2022).

Câu hỏi 494: Tiêm chủng cho trẻ em từ 4 tuổi trở xuống (4) Nguy cơ phản ứng phụ nghiêm trọng

Trả lời:
Các bác sỹ đã báo cáo tác dụng phụ hiếm gặp và nghiêm trọng của vắc-xin COVID là viêm cơ tim hoặc màng bao quanh tim ở nam giới trẻ tuổi, chủ yếu ở thiếu niên và ngoài 20 tuổi.

Các bác sỹ vẫn chưa có đủ dữ liệu về nguy cơ mắc các tình trạng tim mạch như vậy ở trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi. Tuy nhiên, bộ y tế Nhật Bản cho biết không ghi nhận tình trạng này trong số khoảng 600.000 trẻ cùng độ tuổi đã được tiêm vắc-xin Pfizer ở Mỹ tính đến cuối tháng 8.

Đối với ở Nhật Bản, dữ liệu về trẻ 5 đến 11 tuổi cho thấy trong 1 triệu mũi tiêm, thì có 2 - 3 trường hợp nghi bị các bệnh tim mạch nói trên.

Chúng tôi đã hỏi Giáo sư Nakayama Tetsuo của Đại học Kitasato, một chuyên gia về vắc-xin. Giáo sư Nakayama cho biết tỷ lệ mắc các chứng bệnh tim mạch như vậy sau khi tiêm phòng ở trẻ nhỏ là rất thấp so với nam giới ở độ tuổi thiếu niên và ngoài 20. Ông nói rằng ngay cả khi mắc, thì hầu hết trẻ chỉ có các triệu chứng nhẹ và sau đó hồi phục hoàn toàn.

Tuy nhiên, giáo sư cho biết nếu vài ngày sau khi tiêm mà trẻ có vẻ khó thở hoặc kêu đau ngực, thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức, vì đây là 2 triệu chứng nghi viêm tim hoặc màng quanh tim.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/11/2022).

Câu hỏi 493: Tiêm chủng cho trẻ em từ 4 tuổi trở xuống (3) Phản ứng phụ

Trả lời:
Các chuyên gia cho biết hầu hết các tác dụng phụ đều ở mức nhẹ đến trung bình và chỉ xảy ra nhất thời, do đó không gây lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn.

Khi thử nghiệm lâm sàng, Pfizer đã theo dõi các phản ứng phụ trong hơn một tuần ở trẻ đã được tiêm vắc-xin. Kết quả cho thấy trung bình 3 lần tiêm, trong nhóm trẻ từ 2 - 4 tuổi, có 5,1% bị sốt từ 38 độ trở lên, 26,6% thấy mệt mỏi, 2,7% bị nôn và 6,5% bị tiêu chảy. Đối với nhóm trẻ từ 6 tháng - 1 tuổi, có 7,1% bị sốt từ 38 độ trở lên, 21,5% có dấu hiệu chán ăn, 47,4% cảm thấy bực bội khó chịu.

Giáo sư Saito Akihiko của Đại học Niigata, người nắm rõ về vắc-xin, nói rằng mặc dù khó so sánh chính xác, nhưng tần suất xảy ra tác dụng phụ ở nhóm trẻ từ 6 tháng - 4 tuổi thấp hơn so với ở người lớn. Tần suất xảy ra tác dụng phụ ở nhóm trẻ này cũng thấp hơn hoặc bằng với nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi và nhóm từ 12 - 15 tuổi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/11/2022).

Câu hỏi 492: Tiêm chủng cho trẻ em từ 4 tuổi trở xuống (2) Hiệu quả của vắc-xin

Trả lời:
Tiêm chủng cho trẻ nhỏ được kỳ vọng sẽ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa phát bệnh. Công ty dược phẩm Pfizer đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Kết quả cho thấy khi tiêm 3 mũi thì mức độ kháng thể ở những trẻ này cũng tương tự như trong các thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ lớn hơn và người lớn.

Công ty cũng tiến hành thử nghiệm trên hơn 1.100 trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi ở Hoa Kỳ và châu Âu khi biến thể Omicron hoành hành. Một nhóm các em được tiêm vắc-xin còn nhóm kia được tiêm giả dược bằng dung dịch muối sinh lý vô hại.

Khi so sánh tình trạng lây nhiễm, kết quả cho thấy tính đến ngày 17 tháng 6 năm 2022, trong số 794 trẻ em được tiêm vắc-xin, có 13 em bị nhiễm bệnh, trong khi đó, trong số 351 trẻ em được tiêm giả dược thì có 21 em đã bị nhiễm bệnh. Công ty cho biết sau ba mũi tiêm, vắc-xin đã đạt 73,2% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng bệnh xuất hiện.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết không có đủ trẻ em bị nhiễm bệnh để phân tích được vắc-xin ngăn ngừa bệnh chuyển nặng đến mức nào.

Giáo sư Nakayama Tetsuo, thuộc Đại học Kitasato, một chuyên gia về vắc-xin, cho biết ông hy vọng vắc-xin sẽ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng vì nó ngăn ngừa các triệu chứng phát triển. Ông cho biết trong khi số liệu khác nhau tùy theo nghiên cứu nhưng đã xác nhận được rằng vắc-xin có hiệu quả từ 40% đến 80% trong việc phòng ngừa bệnh chuyển biến nặng ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/11/2022).

Câu hỏi 491: Tiêm chủng cho trẻ em từ 4 tuổi trở xuống (1) Thông tin cơ bản

Trả lời:
Chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi bắt đầu từ tháng 10. NHK gửi đến các bạn loạt bài về hiệu quả cũng như nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ của việc tiêm vắc-xin cho trẻ em.

Chương trình tiêm chủng sử dụng vắc-xin do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ cung cấp. Lượng hoạt chất trong mỗi liều bằng 1/10 so với vắc-xin cho người lớn và bằng khoảng 1/3 so với vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Vắc-xin được bào chế dựa trên các biến thể thường chứ không chứa các thành phần đặc trị biến thể Omicron.

Vắc-xin được tiêm miễn phí. Mọi chi phí đều do ngân sách công chi trả.

Cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin. Mũi thứ 2 được tiêm sau mũi đầu tiên 3 tuần, còn mũi thứ 3 tiêm cách mũi 2 ít nhất là 8 tuần.

Về nguyên tắc, chính quyền địa phương sẽ gửi phiếu tiêm chủng và trẻ có thể đến tiêm tại các phòng khám nhi khoa hoặc điểm tiêm chủng do chính quyền địa phương lập ra.

Bộ y tế khuyến cáo tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi do số ca nhiễm cũng như số ca nặng ngày càng tăng trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng. Ngoài ra, tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin cũng đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin là không bắt buộc và trẻ em cũng như gia đình có quyền quyết định xem có nên tiêm vắc-xin hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/11/2022).

Câu hỏi 490: Bùng phát kép với cúm mùa (7) Ứng phó với khả năng bùng phát kép

Trả lời:
Vi-rút Corona và cúm mùa đều là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu ảnh hưởng đến hệ hô hấp và có cùng cách thức lây nhiễm. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa 2 loại vi-rút này không khác nhau nhiều.

Trước hết, cần thường xuyên sát khuẩn tay và ngón tay khi ở trong nhà và đeo khẩu trang khi nói chuyện với người khác ở khoảng cách gần. Việc thường xuyên khử khuẩn ở các địa điểm như nhà hàng và quán bar cũng rất quan trọng.

Nếu bị sốt và có các triệu chứng khác, nên hạn chế đi học hoặc đi làm và cố gắng tránh tiếp xúc với mọi người. Điều cũng rất quan trọng là cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Để hạn chế lây nhiễm kép vi-rút Corona và cúm mùa, các chuyên gia khuyên chúng ta nên thực hiện các biện pháp đề phòng cơ bản nói trên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/11/2022).

Câu hỏi 489: Bùng phát kép với cúm mùa (6) Ý kiến chuyên gia về tiêm vắc-xin

Trả lời:
Cả hai loại vắc-xin ngừa vi-rút corona và cúm đều được công nhận là có hiệu quả phòng tránh lây nhiễm. Ngay cả khi bị nhiễm bệnh, thì những người đã tiêm ngừa có ít hơn đáng kể nguy cơ trở bệnh nặng.

NHK đã xin tư vấn của Giáo sư Osaka Ken thuộc Đại học Tohoku, hiện đang là thành viên ban chuyên gia của bộ y tế. Giáo sư Osaka cho biết rằng không có vấn đề gì khi tiêm cùng một lúc hai loại vắc-xin ngừa vi-rút corona và cúm. Ông nói người dân đã có thể tiêm đồng thời 2 loại này ở một số cơ sở y tế, và quan trọng là nên tiêm cả hai trước mùa đông.

Giáo sư Osaka kêu gọi người dân tiêm mũi thứ 3 hoặc thứ 4 của vắc-xin ngừa vi-rút corona, cũng như tiêm phòng cúm.

Ông Wakita Takaji, người đứng đầu ban chuyên gia của bộ y tế, cho biết việc tăng cường tiêm vắc-xin ngừa biến thể Omicron của vi-rút corona cũng như vắc-xin cúm là vô cùng quan trọng. Theo ông, nếu làm như vậy, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm và hạn chế được số bệnh nhân trở bệnh nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/11/2022).

Câu hỏi 488: Bùng phát kép với cúm mùa (5) Những điều nên làm khi bị sốt cao

Trả lời:
Ngày 13/10, chính phủ Nhật Bản đưa ra một loạt khuyến nghị về những điều nên làm nếu cảm thấy không khỏe, chẳng hạn như bị sốt. Những người có nguy cơ cao trở bệnh nặng, chẳng hạn như trẻ em từ 12 tuổi trở xuống, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền và người cao tuổi, được khuyến nghị đi khám ngay khi cảm thấy không khỏe, sau đó xét nghiệm cả vi-rút corona và cúm. Tùy vào kết quả xét nghiệm mà bệnh nhân sẽ được điều trị tương ứng như sử dụng thuốc kê đơn nếu cần thiết.

Các đối tượng có ít nguy cơ trở bệnh nặng, chẳng hạn như những người trẻ tuổi, khi cảm thấy không khỏe thì được khuyến nghị tự xét nghiệm vi-rút corona bằng bộ xét nghiệm kháng nguyên được chính phủ phê duyệt. Nếu âm tính, chúng ta có thể xin tư vấn y tế qua điện thoại hoặc các dịch vụ trực tuyến, cũng như từ các bác sỹ tại nơi thường đi khám và nhận thuốc chống cúm nếu cần thiết.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, nên thông báo cho trung tâm theo dõi sức khỏe và dưỡng bệnh tại nhà. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng nghiêm trọng và muốn đi khám, nên đến phòng khám chuyên về sốt hoặc tại nơi thường đi khám.

Các chuyên gia khuyến nghị chúng ta nên chuẩn bị sẵn bộ xét nghiệm và thuốc hạ sốt để có thể tự điều trị khi bị sốt.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 31/10/2022).

Câu hỏi 487: Bùng phát kép với cúm mùa (4) Những tình huống có thể xảy ra

Trả lời:
Từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, Nhật Bản trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 7. Đây là đợt lây nhiễm lớn nhất từ trước đến nay, với gần 12 triệu ca nhiễm và khoảng 13.500 ca tử vong. Trong khi đó, Viện Quốc gia về các Bệnh Truyền nhiễm ước tính có khoảng 12 triệu người nhiễm cúm từ mùa thu năm 2018 đến mùa xuân năm 2019.

Trong làn sóng lây nhiễm thứ 7, nhiều cơ sở y tế tiếp nhận điều trị ngoại trú cho những người bị sốt đã ghi nhận tình trạng quá tải. Điều này khiến người dân gặp khó khăn trong việc liên hệ với các cơ sở y tế và trung tâm y tế công cộng. Nhiều khu vực gặp khó khăn khi muốn chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Ngay cả những trường hợp có nguy cơ trở nặng cũng khó gọi xe cấp cứu.

Các chuyên gia lo ngại rằng nếu bùng phát kép xảy ra có thể dẫn tới tình huống tương tự hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn.

Người nhiễm COVID-19 và cúm mùa thường có triệu chứng tương tự nhau như sốt cao, ho, đau họng và đau khớp. Do đó, rất khó để phân biệt nếu không tiến hành xét nghiệm. Dự kiến sẽ có nhiều người tập trung đến các cơ sở điều trị ngoại trú để thăm khám khi bị sốt, và gây căng thẳng cho dịch vụ y tế.

Giáo sư Tateda Kazuhiro thuộc Đại học Toho là thành viên ban cố vấn của chính phủ về vi-rút corona. Ông cho biết giới chức nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu tình trạng quá tải ở các cơ sở điều trị ngoại trú còn nghiêm trọng hơn so với làn sóng lây nhiễm thứ 7.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/10/2022).

Câu hỏi 486: Bùng phát kép với cúm mùa (3) Tại sao nhiều khả năng xảy ra bùng phát kép?

Trả lời:
Ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng bùng phát kép vi-rút corona và cúm mùa. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao điều này có thể xảy ra.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm dự báo Nhật Bản sẽ có đợt bùng phát cúm mùa đầu tiên trong ba năm vì những lý do sau đây.

Đầu tiên, Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác đã bắt đầu mở cửa trở lại và nới lỏng các hạn chế phòng dịch từ mùa xuân đến mùa hè năm 2022. Điều này khiến hoạt động đi lại giữa các nước ngày càng gia tăng.

Do Nhật Bản cũng nới lỏng đáng kể hạn chế nhập cảnh từ tháng 10, số người nhập cảnh gia tăng nhiều khả năng sẽ tạo điều kiện cho cả vi-rút corona và cúm mùa lây lan.

Thứ hai, tại Nhật Bản không xảy ra dịch cúm trong 2 mùa qua. Điều này có nghĩa là hầu hết mọi người không có được miễn dịch đối với cúm mùa.

Một tài liệu do các chuyên gia soạn thảo cảnh báo rằng mức kháng thể thấp của người dân có thể dẫn đến một đợt bùng phát cúm mùa nghiêm trọng.

Vì những lý do này, cúm mùa có thể bùng phát tại Nhật Bản vào mùa đông năm nay, song song với khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 8.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, việc tiếp xúc trực tiếp ở khoảng cách gần vẫn chưa hoàn toàn trở lại mức trước đại dịch. Bởi thế vẫn có khả năng tình hình sẽ không nghiêm trọng như một số mùa trước đây.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/10/2022).

Câu hỏi 485: Bùng phát kép với cúm mùa (2) Tình hình trong 2 năm qua

Trả lời:
Kể từ khi đại dịch bắt đầu và trong suốt 2 mùa đông vừa qua, chưa từng ghi nhận bùng phát kép COVID và cúm mùa. Chúng ta cùng tìm hiểu xem lý do tại sao.

Trước khi xảy ra đại dịch vi-rút corona, mùa đông năm nào cúm mùa cũng bùng phát ở Nhật Bản. Giới chức y tế ước tính mỗi năm có từ 10 đến 20 triệu người mắc cúm mùa.

Tuy nhiên, số người mắc cúm mùa giảm mạnh sau khi vi-rút corona bắt đầu lây lan. Theo Viện Quốc gia về các Bệnh truyền nhiễm, từ mùa đông năm 2020 đến đầu năm 2021, có khoảng 14.000 người mắc cúm mùa. Mùa đông năm sau đó, có khoảng 3.000 người mắc. Đây là số liệu của khoảng 5.000 cơ sở y tế trên toàn quốc cung cấp.

Cúm mùa chỉ phổ biến về mùa đông ở Nhật Bản, dù nó diễn ra quanh năm ở các khu vực đông dân cư ở các nước nhiệt đới Đông Nam Á và các nước cận nhiệt đới Châu Phi.

Vi-rút cúm mùa được cho là lây nhiễm do việc đi lại qua biên giới giữa các quốc gia. Nguyên nhân cúm mùa bùng phát vào mùa đông ở Nhật Bản là bởi vì mùa đông là mùa vi-rút cúm dễ lây lan.

Các chuyên gia cho rằng cúm mùa đã không bùng phát trong 2 mùa đông vừa qua có thể là do việc kiểm soát biên giới và giãn cách xã hội vì vi-rút corona.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/10/2022).

Câu hỏi 484: Bùng phát kép với cúm mùa (1) Cảnh báo của chuyên gia về khả năng cao có bùng phát kép

Trả lời:
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm vi-rút corona hàng ngày đã giảm kể từ mùa hè năm nay. Vào ngày 11 tháng 10, những hạn chế biên giới để phòng chống vi-rút đã được nới lỏng đáng kể. Một chương trình trợ cấp du lịch của chính phủ để thúc đẩy du lịch toàn quốc cũng bắt đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang lên tiếng lo ngại về sự bùng phát đồng thời của vi-rút corona và cúm trong mùa đông này. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ gửi tới quý thính giả và các bạn thông tin dự báo tình hình, làm thế nào để đối phó cũng như các biện pháp của chính phủ để đáp ứng với tình hình.

Trong 2 mùa đông vừa qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, không có thông tin gì về sự bùng phát kép của cả COVID-19 và cúm. Vậy sự khác biệt giữa mùa đông năm nay và những năm trước đó là gì?

Vào ngày 5 tháng 10, một số chuyên gia dẫn đầu trong nỗ lực đối phó đại dịch đã cùng trình lên ban chuyên gia của bộ y tế một văn bản dự báo về tình trạng lây nhiễm. Báo cáo nói rằng rất có thể việc lây nhiễm vi-rút corona sẽ lan rộng đồng thời với việc bùng phát cúm mùa trong khoảng thời gian 6 tháng, tức từ giữa tháng 10 năm nay tới tháng 3 năm 2023.

Đáp lại, ban chuyên gia chỉ ra rằng họ cần phải đưa ra các biện pháp để đối phó với một đợt bùng phát kép có thể xảy ra.

Ngày 13 tháng 10, ban cố vấn về vi-rút corona của chính phủ đã biên soạn một loạt các biện pháp để chuẩn bị đối phó với khả năng một đợt bùng phát kép với cúm sẽ xảy ra. Các biện pháp này dựa trên giả định rằng trường hợp xấu nhất, mỗi ngày sẽ có 450.000 ca Covid-19 và 300.000 ca cúm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/10/2022).

Câu hỏi 483: Hai loại vắc-xin ngừa biến thể phụ của Omicron (3) Lịch tiêm chủng

Trả lời:
Tất cả người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm mũi thứ 2 của một loại vắc-xin thông thường được ít nhất 3 tháng thì đều đủ điều kiện để tiêm vắc-xin ngừa các biến thể phụ của Omicron.

Bộ y tế ước tính trong năm nay sẽ có khoảng 100 triệu người đủ điều kiện được tiêm.

Bộ dự kiến từ nay đến cuối tháng 11 sẽ cung cấp cho các địa phương trên cả nước tổng cộng khoảng 99 triệu liều, bao gồm vắc-xin của Pfizer ngừa biến phụ BA.1 và BA.5 và vắc-xin của Moderna ngừa biến phụ BA.1.

Ngoài ra, bộ đã đảm bảo 5 triệu liều vắc-xin của Moderna ngừa BA.1 cho công tác tiêm chủng tại nơi làm việc. Để chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ 8 có thể xảy ra vào kỳ nghỉ cuối năm và đầu năm mới, bộ cho biết sẽ đảm bảo tiêm chủng cho tất cả những người có nguyện vọng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/10/2022).

Câu hỏi 482: Hai loại vắc-xin ngừa biến thể phụ của Omicron (2) Vắc-xin nào hiệu quả hơn

Trả lời:
Bạn nên tiêm loại vắc-xin nào, loại ngừa biến thể phụ BA.5 hoặc BA.1? Bộ y tế Nhật Bản cho biết cả hai loại vắc-xin này đều chứa các thành phần của biến thể Omicron, và có hiệu quả hơn rất nhiều so với các loại vắc-xin trước đó. Người ta cho rằng các loại vắc-xin mới nhất này cũng sẽ có hiệu quả chống lại các biến thể trong tương lai. Bộ cũng cho biết thêm rằng vì hiện không có dữ liệu nào so sánh hiệu quả của hai loại vắc-xin này, nên người dân nên nhanh chóng tiêm 1 trong 2 loại vắc-xin, càng sớm càng tốt.

Ông Nakayama Tetsuo, Giáo sư Đại học Kitasato, một chuyên gia vắc-xin, cho biết: “Các vắc-xin mới nhất này có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa lây nhiễm biến thể phụ BA.5, là biến thể phụ phổ biến hiện nay, cũng như ngăn chặn những người bị nhiễm vi-rút phát bệnh. Sự khác biệt giữa biến thể phụ BA.5 và BA.1 không nhiều như sự khác biệt giữa vi-rút corona chủng mới với các biến thể ban đầu. Loại vắc-xin nhắm vào biến thể phụ BA.1 cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng. Những người nào đã đăng ký tiêm phòng vắc-xin ngừa BA.1 thì theo tôi, cứ nên đi tiêm chủng”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/10/2022).

Câu hỏi 481: Hai loại vắc-xin ngừa biến thể phụ của Omicron (1) Có thể tự chọn loại để tiêm hay không?

Trả lời:
Vào tháng 10, Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng vắc-xin COVID-19 ngừa biến thể phụ BA.5 của Omicron, cùng lúc với việc tiêm chủng vắc-xin ngừa biến thể phụ BA.1. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về việc tiêm chủng hai loại vắc-xin này.

Bộ y tế Nhật Bản kêu gọi các chính quyền địa phương triển khai tiêm chủng ưu tiên sử dụng loại vắc-xin nào sớm hết hạn. Ví dụ, trong trường hợp vắc-xin ngừa biến thể phụ BA.5 được chuyển đến các điểm tiêm vẫn còn vắc-xin ngừa biến thể BA.1, bộ đề nghị các bác sĩ tiêm vắc-xin ngừa BA.1 trước do vắc-xin này sẽ hết hạn sớm hơn, để không lãng phí vắc-xin.

Câu hỏi đặt ra là liệu những người muốn tiêm chủng có thể chọn loại vắc-xin để tiêm hay không.

Theo bộ y tế thì quyết định có thông báo cho người dân về việc họ được tiêm loại vắc-xin nào hay không là tùy thuộc vào các chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, bộ nhấn mạnh rằng, theo kế hoạch tiêm chủng, mỗi chính quyền địa phương sẽ nhận đủ vắc-xin để tiêm chủng cho người dân. Tổng số vắc-xin nhận được bao gồm cả vắc-xin ngừa biến thể phụ BA.1 và vắc-xin ngừa biến thể phụ BA.5.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/10/2022).

Câu hỏi 480: Đơn giản hóa hệ thống ghi nhận số ca nhiễm (7) Lập trường của chính phủ

Trả lời:
Bộ trưởng y tế Kato Katsunobu đã nói về những ưu điểm và nhược điểm của hệ thống báo cáo các ca lây nhiễm đã được đơn giản hóa. Ông nói: “Những địa phương sớm áp dụng hệ thống này cho biết đã giảm được gánh nặng cho hệ thống y tế của địa phương. Nhưng mặt khác, hệ thống mới đã bỏ đi việc cần thiết phải thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe và thông tin để liên lạc khi cần thiết của những người xét nghiệm dương tính. Khi không có dữ liệu và nếu như những người này bị trở nặng thì có thể việc tiến hành điều trị thích hợp hoặc bố trí cho họ nhập viện sẽ mất nhiều thời gian hơn”. Ông Kato nói tiếp Bộ y tế sẽ làm việc với các chính quyền địa phương và cải thiện hệ thống nếu cần thiết để có thể thực hiện tốt các biện pháp phòng chống vi-rút corona.

Ông Yamagiwa Daishiro, bộ trưởng phụ trách các biện pháp đối phó với vi-rút corona cho biết Nhật Bản có thể bị làn sóng lây nhiễm thứ 8 trong mùa thu và mùa đông năm nay. Ông cảnh báo rằng trong giai đoạn này, cũng có thể có trường hợp nhiễm vi-rút corona trùng với nhiễm vi-rút cúm mùa. Ông kêu gọi cần chuẩn bị cẩn thận để đảm bảo xử lý đúng đắn trong trường hợp những tình huống này xảy ra. Ông nói: “Cần phải thảo luận kỹ lưỡng những gì nên làm và đưa ra những kế hoạch cụ thể”. Ông nói thêm rằng ông sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia và xem xét các tác động xã hội trong khi thực hiện việc này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/10/2022).

Câu hỏi 479: Đơn giản hóa hệ thống ghi nhận số ca nhiễm (6) Quan ngại về hệ thống mới

Trả lời:
Tại Nhật Bản, một hệ thống đơn giản hóa về ghi nhận số ca nhiễm vi-rút corona đã có hiệu lực trên toàn quốc từ ngày 26/9.

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem hệ thống ghi nhận số ca nhiễm thay đổi ra sao và những mối quan ngại có thể có. Chúng tôi giới thiệu quan ngại của một chuyên gia về những thay đổi hệ thống sẽ khiến việc phân tích chi tiết tình hình lây nhiễm trở nên khó khăn.

Trước khi thay đổi, thông tin về tất cả những người dương tính với vi-rút, bao gồm cả nơi ở, thời điểm bắt đầu có triệu chứng, cũng như các cách mà họ bị lây nhiễm đều được đăng ký trên cơ sở dữ liệu HER-SYS của bộ y tế. Các chuyên gia đã sử dụng dữ liệu để phân tích chi tiết, ví dụ như khu vực có số ca nhiễm cao nhất, các cách lây nhiễm phổ biến, cũng như tốc độ lây lan của vi-rút ở mỗi khu vực. Trên cơ sở các phân tích này, chính phủ đã xây dựng các biện pháp ứng phó với vi-rút corona.

Tuy nhiên, ở các tỉnh áp dụng hệ thống ghi nhận số ca nhiễm đơn giản trước khi thực hiện trên toàn quốc, số ca nhiễm vi-rút corona được nhập vào cơ sở dữ liệu thấp hơn nhiều so với số người dương tính trên thực tế .

Giáo sư Nishiura Hiroshi thuộc Đại học Kyoto đã phân tích dữ liệu về vi-rút corona. Ông cho biết sẽ rất khó để ngay lập tức tìm ra hệ số lây nhiễm cơ bản, tức là số người bị nhiễm bởi một người nhiễm vi-rút. Ông cho rằng sẽ không thể phân tích hiệu quả của các biện pháp phòng chống lây nhiễm, cũng như tác động của việc người dân thay đổi thói quen đi lại đối với tình hình lây nhiễm.

Ông Nishiura cũng chỉ ra việc hệ thống mới không ghi nhận xem người nhiễm vi-rút đã tiêm chủng vắc-xin hay chưa, khiến không thể nghiên cứu hiệu quả của vắc-xin và tỷ lệ những người có khả năng miễn dịch chống lại vi-rút. Ông cho rằng việc này có thể ảnh hưởng đến quyết định về thời điểm tiêm mũi bổ sung vắc-xin.

Giáo sư Nishiura nói rằng cần thu thập dữ liệu theo nhiều lớp và từ đó mới có thể thảo luận đánh giá rủi ro.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/10/2022).

Câu hỏi 478: Đơn giản hóa hệ thống ghi nhận số ca nhiễm (5) Thay đổi của chính phủ về cách ứng phó với đại dịch

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản đã thay đổi chính sách về đại dịch vi-rút corona trước sự biến đổi của các biến thể vi-rút chủ đạo, đặc tính của chúng, cũng như tiến độ tiêm vắc-xin. Ví dụ, khi tình hình dịch bệnh thay đổi, chính phủ đã chuyển đổi chính sách, theo đó cho phép những người không có triệu chứng được dưỡng bệnh tại nhà, đồng thời xem xét lại việc hạn chế các hoạt động bên ngoài xã hội và hoạt động kinh doanh.

Vào thời điểm biến thể phụ Omicron chiếm vai trò chủ đạo tại Nhật Bản, chính phủ đã quyết định không áp dụng thêm các biện pháp hạn chế. Lý do là vì các chuyên gia nhận thấy, với biến thể phụ Omicron, những người trẻ tuổi ít có nguy cơ bị triệu chứng nặng và lây nhiễm chủ yếu là ở trong gia đình, trường học, cơ sở chăm sóc người già chứ không phải tại những nơi ăn uống. Vì vậy, chính phủ đã chọn cách để vừa ngăn ngừa dịch bệnh tiếp tục lây lan, vừa duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội.

Kể từ đó, chính phủ bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Omicron cho người dân. Nhiều nước trên thế giới cũng dần dần phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội như ở thời điểm trước đại dịch. Những thay đổi này buộc chính phủ phải đơn giản hóa hệ thống báo cáo các ca lây nhiễm, tập trung nguồn lực y tế cho người cao tuổi và những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, rút ngắn thời gian cách ly của người bệnh và nới lỏng hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài.

Chính phủ cho biết sẽ giữ cho hoạt động phát triển kinh tế và xã hội ở mức độ hiện nay, đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở chăm sóc sức khỏe và y tế để sẵn sàng ứng phó nếu lây nhiễm lại tiếp tục xảy ra. Chính phủ sẽ đánh giá chính sách ngăn ngừa lây nhiễm trong thời kỳ phải chung sống với vi-rút corona, đồng thời tiếp tục theo dõi ý kiến của các chuyên gia và tình hình lây nhiễm trên thế giới.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/10/2022).

Câu hỏi 477: Đơn giản hóa hệ thống ghi nhận số ca nhiễm (4) Giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế

Trả lời:
Ông Maeda Hideo đứng đầu trung tâm y tế công cộng của quận Kita tại Tokyo. Ông cũng là thành viên của hội đồng chuyên gia chính phủ về vi-rút corona.

Ông cho biết trong làn sóng lây nhiễm thứ bảy, rất nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng không phải ai cũng có thể đi khám. Theo ông, một trong những ưu điểm của việc đơn giản hóa hệ thống báo cáo là người cao tuổi và những người có bệnh nền sẽ có thể đến phòng khám và bệnh viện dễ dàng hơn.

Về gánh nặng đối với các trung tâm y tế công cộng, ông Maeda cho biết số đầu việc đơn giản sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên theo ông, vì thông tin cụ thể của những người có triệu chứng nhẹ không còn được lưu lại, cho nên nếu tình trạng của họ xấu đi và cần trợ giúp thì các trung tâm sẽ phải kiểm tra chi tiết, như vậy công việc sẽ phức tạp hơn. Vì thế, ông cho rằng không thể nói khối lượng công việc đã thực sự giảm đi.

Theo hệ thống được đơn giản hóa, những người thuộc diện không cần lưu thông tin chi tiết có thể đăng ký với “các trung tâm theo dõi sức khỏe”. Nếu tình hình sức khỏe xấu đi trong thời gian dưỡng bệnh ở nhà, họ có thể liên lạc và tham vấn với trung tâm này và được giới thiệu đến các cơ sở y tế.

Ở Tokyo, những người từ 64 tuổi trở xuống có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút corona cũng có thể đăng ký trực tuyến trên hệ thống của chính quyền thủ đô để được hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông Maeda khuyên những người cảm thấy khó khăn khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến đừng ngại liên hệ và đến các cơ sở y tế và phòng khám.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/10/2022).

Câu hỏi 476: Đơn giản hóa hệ thống ghi nhận số ca nhiễm (3) Xử lý bệnh nhân ở thể vừa và nhẹ

Trả lời:
Chính phủ đã áp dụng trên phạm vi toàn quốc hệ thống đơn giản hóa về báo cáo số ca nhiễm vi-rút corona từ ngày 26/9 vừa qua. Trong loạt bài này, chúng tôi giới thiệu những thay đổi trong hệ thống báo cáo này và những quan ngại liên quan đến hệ thống.

Theo hệ thống nói trên, những người tự xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi-rút corona song không có triệu chứng hoặc ở thể vừa và nhẹ sẽ có thể đăng ký với “các trung tâm theo dõi sức khỏe” và có thể bắt đầu dưỡng bệnh tại nhà mà không cần tham vấn với bất kỳ cơ sở y tế nào.

Những trường hợp này sẽ có thể nhận được hỗ trợ như được cung cấp chỗ ở cách ly với người nhà hoặc được cung cấp lương thực thực phẩm. Họ cũng có thể liên lạc hoặc tham vấn với các trung tâm theo dõi sức khỏe nói trên nếu tình hình sức khỏe xấu đi trong thời gian dưỡng bệnh ở nhà. Sau đó, họ có thể được giới thiệu đến một cơ sở y tế nào đó.

Do các trung tâm y tế công cộng sẽ không thể theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân như trước đây, nên giới chức sẽ đẩy mạnh nỗ lực để nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế nếu họ có dấu hiệu trở nặng trong thời gian cách ly tại nhà.

Một thách thức mà giới chức phải đối mặt là việc cung cấp thông tin về những địa chỉ liên lạc cho các trung tâm theo dõi sức khỏe và những cơ sở hỗ trợ khác. Ngoài ra, một khó khăn khác là việc tuyên truyền những biện pháp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm như yêu cầu người bệnh tự cách ly.

Bộ y tế lưu ý việc nới lỏng yêu cầu báo cáo chi tiết các ca COVID sẽ gây khó khăn cho việc xác định cụm lây nhiễm. Hiện bộ này đang kêu gọi các tỉnh thành tiếp tục nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của vi-rút tại các trung tâm dưỡng lão và các cơ sở y tế khác có nguy cơ lây nhiễm cao.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/10/2022).

Câu hỏi 475: Đơn giản hóa hệ thống ghi nhận số ca nhiễm (2) Cách theo dõi số ca nhiễm

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản triển khai một hệ thống đơn giản hóa để báo cáo ca nhiễm mới trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng. Hệ thống này nhằm giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế và giúp các cơ sở này tập trung vào việc điều trị cho người cao tuổi và những đối tượng có nguy cơ trở nặng cao.

Các cơ sở y tế đang sử dụng một hệ thống của chính phủ được gọi là "HER-SYS". Hệ thống này cho phép báo cáo với trung tâm y tế công cộng thông tin liên quan đến người nhiễm vi-rút, bao gồm họ tên và các thông tin khác như thời điểm xuất hiện triệu chứng và cách thức liên lạc. Theo hệ thống mới, các cơ sở y tế sẽ chỉ cần báo cáo thông tin của những đối tượng có nguy cơ cao, chẳng hạn như người từ 65 tuổi trở lên hay những người cần phải nhập viện.

Hệ thống "HER-SYS" sẽ tiếp tục theo dõi tổng số ca nhiễm theo từng nhóm tuổi, bao gồm cả những người không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, giới chức cũng triển khai một số biện pháp để hỗ trợ cho những người phải dưỡng bệnh tại nhà, chẳng hạn như bỏ quy định cấm bán bộ xét nghiệm kháng nguyên vi-rút corona qua Internet. Chính quyền các tỉnh cũng thành lập các trung tâm hỗ trợ y tế và bắt đầu chương trình tiêm chủng nhắm vào biến thể Omicron. Giới chức hy vọng những biện pháp này sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona trong tương lai.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/9/2022).

Câu hỏi 474: Đơn giản hóa hệ thống ghi nhận số ca nhiễm (1) Điều gì đã được đơn giản hóa?

Trả lời:
Một hệ thống đơn giản hóa về ghi nhận số ca nhiễm vi-rút corona đã có hiệu lực từ ngày 26/9. Theo đó, chính phủ Nhật Bản hiện yêu cầu các cơ sở y tế trên cả nước chỉ báo cáo chi tiết về các bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh trở nặng.

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem hệ thống ghi nhận số ca nhiễm thay đổi ra sao và những mối quan ngại có thể có. Bài này sẽ nói về việc hệ thống được đơn giản hóa ở điểm nào.

Để giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế, chính phủ trung ương đã giới hạn yêu cầu báo cáo chi tiết chỉ còn những đối tượng sau:
- Người từ 65 tuổi trở lên
- Những cá nhân cần phải nhập viện
- Phụ nữ mang thai và những người khác có nguy cơ cao bệnh trở nặng

Đối với những ca nhiễm không thuộc các nhóm này, các cơ sở y tế chỉ cần báo cáo tổng số ca và nhóm tuổi.

Hệ thống báo cáo trước đây yêu cầu các cơ sở phải nhập thông tin chi tiết của tất cả các ca nhiễm được xác nhận vào một mạng lưới máy tính do nhà nước điều hành. Các tỉnh áp dụng hệ thống đơn giản hóa cho biết gánh nặng đối với các cơ sở y tế đã được giảm bớt.

Tuy nhiên, bác sĩ và các chuyên gia khác chỉ ra rằng cần chuẩn bị các mạng lưới để bệnh nhân ở mức tương đối nhẹ có thể nhanh chóng được bác sỹ khám nếu tình trạng của họ xấu đi.

Chính phủ trung ương kêu gọi chính quyền các tỉnh sắp xếp để thực hiện điều này, đồng thời yêu cầu bệnh nhân dù có triệu chứng tương đối nhẹ cũng phải tự cách ly trong một thời gian nhất định.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/9/2022).

Câu hỏi 473: Những điều cần lưu ý khi rút ngắn thời gian tự cách ly (5) Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm

Trả lời:
Ông Wakita Takaji, người đứng đầu hội đồng chuyên gia của bộ y tế nói rằng, sau việc rút ngắn thời gian tự cách ly thì điều quan trọng là cần tiếp tục khuyến cáo công chúng về nguy cơ lây nhiễm. Ông nói mỗi người chúng ta nên thực hiện các biện pháp ngăn ngừa vi-rút theo cách riêng để từ đó có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Các chuyên gia tham dự cuộc họp nhấn mạnh rằng những người đã nhiễm vi-rút corona vẫn có thể truyền bệnh cho tới tận ngày thứ 10 và kêu gọi sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm khi ở bên ngoài. Các chuyên gia cũng kêu gọi việc tăng cường đề phòng ở những người thường xuyên tiếp xúc với đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm nhân viên y tế và những người làm việc tại cơ sở chăm sóc người cao tuổi, đồng thời nói rằng những người này cần phải cóxét nghiệm âm tính trước khi đi làm trở lại.

Bộ y tế cũng kêu gọi chính quyền địa phương toàn trên quốc cần yêu cầu những người bị nhiễm vi-rút corona không được lơ là kể cả tới ngày thứ 10. Các biện pháp nên làm là kiểm tra tình hình sức khỏe, bằng cách đo thân nhiệt, tránh tiếp xúc với những người có nguy cơ cao, ví dụ người cao tuổi và không đến cơ sở chăm sóc họ khi không cần thiết. Nên tránh những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, tránh tụ tập ăn uống và luôn đeo khẩu trang.

Dù giai đoạn tự cách ly được rút ngắn thì điều này cũng không giúp làm thay đổi đặc tính của vi-rút corona. Luôn phải lưu ý rằng, kể cả sau ngày thứ 7 thì vẫn còn nguy cơ lây nhiễm vi-rút.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/9/2022).

Câu hỏi 472: Những điều cần lưu ý khi rút ngắn thời gian tự cách ly (4) Quan điểm của các chuyên gia

Trả lời:
Ý kiến về việc rút ngắn thời gian cách ly đã bị chia rẽ tại buổi họp của các chuyên gia Bộ Y tế tổ chức hôm 7 tháng 9.

Những người đồng ý với việc rút ngắn thời gian cách ly cho biết rằng vi-rút lây nhiễm nhiều nhất trong 7 ngày, kể từ khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Họ cũng cho biết việc này là cần thiết để duy trì các chức năng y tế và xã hội.

Trong khi đó, những người phản đối nói rằng đã không tổ chức các cuộc thảo luận về đánh giá rủi ro. Họ cũng cho biết quyết định rút ngắn thời gian cách ly được đưa ra khi mà nguy cơ lây nhiễm đang vượt quá 10%, tức là vượt quá mức độ có thể chấp nhận được về mặt khoa học.

Một số chuyên gia cho biết không nên rút ngắn thời gian cách ly tại các bệnh viện và cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi.

Giáo sư Nishiura Hiroshi của Đại học Kyoto đã bày tỏ sự quan ngại của mình. Ông cho biết tình hình sẽ khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào việc từ ngày thứ 8 trở đi, việc tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm được thực hiện triệt để đến mức nào vì vậy rất khó để đưa ra con số cụ thể về mức độ ảnh hưởng của tình trạng lây nhiễm. Tuy nhiên ông nói ít nhất thì tỷ lệ cho thấy số người mà một bệnh nhân có thể gây lây nhiễm sẽ tăng lên. Theo Giáo sư Nishiura nếu có một làn sóng lây nhiễm mới trong tương lai thì số bệnh nhân sẽ tăng nhanh hơn trước đây và như vậy có thể gây căng thẳng cho các dịch vụ y tế hoặc sẽ khó gọi xe cấp cứu hơn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/9/2022).

Câu hỏi 471: Những điều cần lưu ý khi rút ngắn thời gian tự cách ly (3) Nguy cơ lây nhiễm sau ngày thứ 8

Trả lời:
Như đã giới thiệu trong phần trước, Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản đã tiến hành khảo sát từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022 nhằm xác định xem vi-rút còn trong cơ thể người nhiễm có triệu chứng đến ngày thứ mấy.

Nếu tính ngày xuất hiện triệu chứng là ngày số 0, thì tỷ lệ bệnh nhân còn vi-rút trong người vào ngày thứ nhất là 96,3%, vào ngày thứ 4 là 60,3%, vào ngày thứ 7 là 23,9%. Vào ngày thứ 8, tỷ lệ này giảm xuống 16%, vào ngày thứ 9 còn 10,2% và vào ngày thứ 10 là 6,2%. Sau đó, tỷ lệ này tiếp tục giảm, cụ thể vào ngày thứ 11 là 3,6%, vào ngày thứ 12 là 2%, vào ngày thứ 13 là 1,1% và vào ngày thứ 14 chỉ có 0,6% bệnh nhân còn vi-rút trong người.

Như vậy, vào ngày thứ 8, tức là thời điểm hết thời gian tự cách ly theo quy định mới, thì hơn 10% bệnh nhân vẫn còn vi-rút trong người.

Tại cuộc họp hội đồng chuyên gia vào ngày 7/9, Giáo sư Nishiura Hiroshi của Đại học Kyoto đã trình bày kết quả của một nhóm nghiên cứu, bao gồm cả Đại học Harvard của Mỹ. Theo đó, từ ngày thứ 5 trở đi, hơn 50% bệnh nhân vẫn còn vi-rút trong người. Vào ngày thứ 8, tỷ lệ này là 25%. Giáo sư Nishiura cảnh báo rằng ngay cả khi người bệnh xuất hiện triệu chứng đã được một thời gian rồi thì vẫn có nguy cơ lây truyền cho người khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/9/2022).

Câu hỏi 470: Những điều cần lưu ý khi rút ngắn thời gian tự cách ly (2) Cơ sở khoa học

Trả lời:
Thời gian tự cách ly đối với những người có triệu chứng đã được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Quyết định này dựa trên những số liệu nào?

Số liệu của 59 bệnh nhân COVID-19 có phát triệu chứng đã được trình bày tại một cuộc họp của hội đồng chuyên gia Bộ Y tế vào ngày 7 tháng 9.

Nếu gọi ngày xuất hiện các triệu chứng là ngày 0 thì lượng vi-rút từ ngày thứ 7 đến ngày 13 chỉ vào khoảng 1/6 lượng vi-rút tính đến ngày thứ 3. Con số này dựa trên một nghiên cứu của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản tiến hành từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022 khi biến thể phụ BA.1 của Omicron đang lan rộng.

Các nhà nghiên cứu nói rằng mặc dù từ ngày thứ 7 trở đi, vi-rút từ cơ thể bệnh nhân vẫn tiếp tục phát tán nhưng nguy cơ lây bệnh cho người khác có khả năng giảm.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/9/2022).

Câu hỏi 469: Những điều cần lưu ý khi rút ngắn thời gian tự cách ly (1) Những thay đổi so với quy định cũ

Trả lời:
Bắt đầu từ ngày 7/9, Chính phủ Nhật Bản nới lỏng hạn chế đối với bệnh nhân nhiễm vi-rút corona, trong đó bao gồm việc rút ngắn thời gian tự cách ly. Những người có triệu chứng hiện được yêu cầu tự cách ly 7 ngày thay vì 10 ngày.

Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu cơ sở khoa học, các lập luận về tính an toàn và quan điểm của chuyên gia về các quy định mới.

Kể từ ngày 7/9, chính phủ ban hành quy định mới về tự cách ly:

Đối với những người có triệu chứng, trong trường hợp các triệu chứng này được cải thiện ít nhất 24 giờ thì thời hạn cách ly là 8 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Đối với những người không có triệu chứng, nếu kết quả xét nghiệm vào ngày thứ 5 là âm tính với vi-rút thì thời hạn cách ly là 6 ngày kể từ sau khi có kết quả xét nghiệm ban đầu.

Tuy nhiên, những người tiếp xúc với người cao tuổi hoặc dùng bữa với người khác nên thực hiện toàn diện các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Những người có triệu chứng có thể lây nhiễm vi-rút cho người khác trong vòng 10 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, còn những người không có triệu chứng có thể lây lan vi-rút trong vòng 7 ngày.

Quy định đối với các bệnh nhân phải nhập viện và người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc không thay đổi. Trong trường hợp các triệu chứng được cải thiện ít nhất 72 giờ thì thời hạn cách ly là 11 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/9/2022).

Câu hỏi 468: Thông tin mới nhất về thuốc điều trị COVID-19 - (5) Các loại thuốc ban đầu được bào chế điều trị các bệnh khác

Trả lời:
Thuốc kháng vi-rút remdesivir ban đầu được bào chế để điều trị bệnh Ebola. Tháng 5/2020, remdesivir là loại thuốc đầu tiên được cấp phép khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút corona ở Nhật Bản. Ban đầu, loại thuốc này được dùng để điều trị cho người bệnh từ trung bình đến nặng. Vào tháng 3/2022, bộ y tế đã mở rộng đối tượng được sử dụng loại thuốc trên cho cả người bệnh có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình nhưng có nguy cơ trở nặng.

Tháng 7/2020, bộ y tế đề xuất dùng thuốc steroid dexamethasone để điều trị bệnh nhân nhiễm vi-rút corona. Ở thời điểm đó, thuốc chủ yếu được dùng cho bệnh nhân bị viêm phổi hoặc thấp khớp nặng. Loại thuốc này được dùng để điều trị cho bệnh nhân COVID có triệu chứng từ trung bình đến nặng sau khi bệnh tiến triển thành viêm phổi và cần bổ sung oxy.

Thuốc chống viêm baricitinib được phê duyệt vào tháng 4/2021 cũng được dùng cho các bệnh nhân có triệu chứng trung bình hoặc nặng. Ban đầu thuốc baricitinib dạng viên uống được chỉ định để điều trị thấp khớp. Tại Nhật Bản, việc sử dụng loại thuốc này bị hạn chế và chỉ được dùng kết hợp với remdesivir.

Thuốc điều trị thấp khớp Actemra (còn gọi là tocilizumab) được phê duyệt vào tháng 1/2022 để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút corona. Thuốc được dùng chung với steroid để điều trị cho bệnh nhân COVID từ trung bình đến nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/9/2022).

Câu hỏi 467: Thông tin mới nhất về thuốc điều trị COVID-19 - (4) Điều trị kháng thể

Trả lời:
Các loại kháng thể nhân tạo trong thuốc kháng thể liên kết với các protein gai trên bề mặt vi-rút corona, ngăn vi-rút xâm nhập vào tế bào con người. Hồi tháng 7/2021, ủy ban của bộ y tế Nhật Bản đã phê duyệt một loại hỗn hợp kháng thể để điều trị COVID-19, có tên là Ronapreve. Đây là loại thuốc đầu tiên ở Nhật Bản được cấp phép sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng tương đối nhẹ. Hỗn hợp thuốc gồm 2 loại kháng thể trung hòa vi-rút là casirivimab và imdevimab, được sử dụng bằng cách tiêm hoặc truyền dịch. Tháng 9/2021, ủy ban cấp phép sử dụng một loại thuốc kháng thể khác là Xevudy, thường được gọi là sotrovimab. Thuốc bao gồm một loại kháng thể và được truyền dịch cho bệnh nhân.

Cả hai loại thuốc trên đều được dùng cho bệnh nhân cao tuổi, hoặc bệnh nhân có bệnh nền với triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, ví dụ như viêm phổi, nhưng có nguy cơ bệnh chuyển nặng.

Bệnh nhân được cho dùng thuốc một lần trong vòng 7 ngày kể từ khi có triệu chứng COVID-19. Ủy ban cũng cấp phép sử dụng thuốc với mục đích phòng ngừa, theo đó thuốc được dùng cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 và có hệ miễn dịch yếu khiến bệnh có nguy cơ chuyển nặng nếu nhiễm vi-rút.

Kết quả thí nghiệm lâm sàng cho thấy những bệnh nhân dùng Ronapreve có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong giảm khoảng 70%. Trong khi đó, nguy cơ này ở những người dùng Xevudy giảm khoảng 85%.

Tuy nhiên, các loại thuốc kháng thể cũng có điểm yếu là thường kém hiệu quả hơn đối với các biến thể mới của vi-rút đột biến. Có báo cáo rằng các loại thuốc kháng thể hiện nay có hiệu quả thấp hơn nhiều đối với biến thể Omicron, loại biến thể gây ra đợt lây nhiễm đỉnh điểm gần đây nhất. Phiên bản mới nhất của hướng dẫn điều trị COVID-19 do bộ y tế soạn thảo khuyến nghị các bác sỹ chỉ nên cân nhắc sử dụng các loại thuốc này khi không còn lựa chọn nào khác.

Vào ngày 30/8, Nhật Bản cũng phê duyệt một loại thuốc mới tên là Evusheld để điều trị kháng thể, do hãng dược Anh AstraZeneca phát triển. Loại thuốc này chủ yếu được sử dụng cho những người có hệ miễn dịch suy yếu để ngăn bệnh và triệu chứng nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/9/2022).

Câu hỏi 466: Thông tin mới nhất về thuốc điều trị COVID-19 - (3) Xocova

Trả lời:
Công ty dược phẩm Nhật Bản Shionogi đã xin cấp phép thuốc Xocova, dành cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thể nhẹ, thậm chí ít có nguy cơ chuyển nặng.

Thuốc Xocova có tác dụng ức chế 1 loại enzyme mà vi-rút cần trong quá trình sao chép cấu trúc di truyền RNA.

Tháng 4 vừa qua, công ty Shionogi đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng thực hiện hồi tháng 1 và tháng 2. Việc thử nghiệm được tiến hành trên 428 bệnh nhân từ 12 đến 70 tuổi có triệu chứng vừa và nhẹ.

Kết quả cho thấy, sau 3 ngày, nhóm bệnh nhân được dùng Xocova với 1 liều 1 ngày cho thấy đã đỡ 4 trong 5 triệu chứng trong đó có ho, đau họng, sổ mũi và sốt. Đây là khác biệt so với nhóm bệnh nhân chỉ dùng giả dược.

Công ty Shionogi cho biết, trong nhóm dùng thuốc thì số lượng bệnh nhân còn tải lượng vi-rút trong người giảm đến 90% so với nhóm dùng giả dược.

Tuy nhiên không có khác biệt nào lớn giữa 2 nhóm về 12 biểu hiện, trong đó có nôn ói và tiêu chảy.

Trong tháng 6 và 7, một ủy ban thuộc bộ y tế đã họp để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của thuốc Xocova. Một số thành viên ủy ban này cho biết có thể cho là thuốc có hiệu quả ngăn ngừa tình trạng chuyển bệnh nặng. Tuy nhiên, vẫn có hoài nghi về hiệu quả của loại thuốc này trong việc ngăn ngừa các triệu chứng của biến thể phụ Omicron.

Quyết định phê duyệt thuốc Xocova tạm thời phải ngừng lại để xem xét tiếp.

Công ty Shionogi cho biết sẽ công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cùng của thuốc Xocova vào cuối tháng 9.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 31/8/2022).

Câu hỏi 465: Thông tin mới nhất về thuốc điều trị COVID-19 - (2) Paxlovid

Trả lời:
Cho tới nay, chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận hai loại thuốc uống để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm cả những người có triệu chứng nhẹ. Một trong số đó là Lagevrio của công ty dược phẩm Merck, một công ty lớn của Mỹ và loại thứ 2 là Paxlovid của công ty dược phẩm Pfizer, cũng của Mỹ. Cả hai loại thuốc đều được sử dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng và có hiệu quả ngăn chặn sự nhân lên của vi-rút trong tế bào.

Công ty Pfizer cho biết phân tích của các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Paxlovid đã giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở bệnh nhân được điều trị trong vòng 3 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng và 88% khi dùng thuốc trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Công ty cũng cho biết tác dụng phụ sau khi điều trị bằng Paxlovid và giả dược hầu như đều nhẹ về cường độ. Giấy hướng dẫn sử dụng thuốc có ghi rằng thuốc được sử dụng để điều trị COVID-19 nhẹ đến trung bình ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên có nguy cơ cao bị các triệu chứng nghiêm trọng, và được uống với liều ngày 2 lần, uống trong 5 ngày.

Paxlovid không được sử dụng rộng rãi do có khoảng 40 loại thuốc bị cấm dùng cùng với thuốc này. Ngoài ra cũng cần điều chỉnh liều lượng đối với một số bệnh nhân suy thận.

Bộ y tế cho biết đã có đủ thuốc để điều trị cho 2 triệu người và tính đến ngày 26/7 đã có khoảng 17.600 người được sử dụng thuốc này. Người ta tin rằng cũng giống như Lagevrio, Paxlovid sẽ có hiệu quả chống lại các loại biến thể của vi-rút corona.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/8/2022).

Câu hỏi 464: Thông tin mới nhất về thuốc điều trị COVID-19 - (1) Lagevrio

Trả lời:
Chúng tôi gửi tới quý vị thông tin cập nhật về các loại thuốc đã được phê duyệt ở Nhật Bản và tác dụng của các loại thuốc này.

Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt 2 loại thuốc uống để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút corona, bao gồm cả bệnh nhân thể nhẹ.

Đó là thuốc Lagevrio do hãng dược lớn Merck của Mỹ bào chế và thuốc Paxlovid do hãng dược lớn Pfizer cũng của Mỹ bào chế. Cả 2 loại thuốc này đều được sử dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng.

Lagevrio, có tên thông thường là Molnupiravir, được chính phủ Nhật Bản cấp phép khẩn cấp đặc biệt vào ngày 24 tháng 12 năm 2021. Thuốc có tác dụng ngăn vi-rút lây lan bên trong cơ thể bằng cách ức chế một loại enzyme mà vi-rút cần trong quá trình sao chép cấu trúc di truyền RNA.

Theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và các thông tin khác, đối tượng có thể dùng thuốc là người từ 18 tuổi trở lên có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình và có nguy cơ chuyển nặng, bao gồm người cao tuổi và người béo phì hoặc người bị tiểu đường. Liệu trình bắt đầu trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng, dùng thuốc hai lần mỗi ngày trong 5 ngày. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai hoặc có thể đang mang thai vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Lagevrio được cho là làm giảm 30% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng. Tần suất tác dụng phụ giữa nhóm dùng giả dược và nhóm dùng thuốc là như nhau.

Cho đến nay, Lagevrio đã được dùng để điều trị cho hơn 380.000 người ở Nhật Bản. Nhà sản xuất cho biết sẽ có thể cung cấp thuốc ổn định vì đã có hệ thống sản xuất. Toàn bộ tiền thuốc do ngân sách nhà nước chi trả, bệnh nhân không phải chịu gánh nặng tài chính.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/8/2022).

Câu hỏi 463: Vắc-xin phòng ngừa biến thể phụ của Omicron (5) Hiệu lực của mũi vắc-xin thứ 4 của văc-xin hiện có – Phần 2

Trả lời:
Lần này, chúng tôi xin trình bày về những số liệu thu thập được tại Nhật Bản về hiệu quả của các loại vắc-xin hiện có khi tiêm mũi vắc-xin thứ tư.

Tháng 7 năm nay, Viện Khoa học Y học của Thủ đô Tokyo đã công bố số liệu về nồng độ kháng thể trung hòa trong các mẫu máu được thu thập từ các nhân viên y tế đã được tiêm mũi vắc-xin thứ tư.

Phân tích những nhân viên y tế trong độ tuổi 60 và 70 cho thấy mức trung bình của kháng thể trung hòa 4 tháng sau mũi vắc-xin thứ ba là ở mức 855, nhưng sau khi tiêm mũi thứ tư, mức độ này đã tăng lên 3.942.

Trung bình thì nồng độ kháng thể trung hòa ở những người đã tiêm 3 mũi vẫn tương đối cao so với những người chỉ tiêm 2 mũi. Nhưng tùy người mà mức độ này cũng khác nhau khá lớn. Tuy nhiên, sau mũi tiêm thứ tư, mức kháng thể của họ đều tăng lên mức cao.

Giáo sư Tateda Kazuhiro, thuộc trường Đại học Toho, là một thành viên trong hội đồng chuyên gia của chính phủ về đại dịch. Ông cho biết sau đây, một biến thể khác có thể sẽ thay thế cho Omicron trở thành tác nhân chính gây bệnh. Ông nói điều quan trọng là những người chưa được tiêm mũi thứ ba và cả những người đã nhận được phiếu tiêm chủng mũi thứ tư nên đi tiêm chủng càng nhanh càng tốt, để ngăn chặn sự lây lan hiện tại của vi-rút.

Người ta tin rằng việc tiêm chủng nhiều lần như hiện nay có hiệu quả trong việc giúp cho bệnh nhân bị COVID-19 không bị trở nặng cũng như ngăn ngừa việc lây nhiễm ở một mức độ nhất định. Các chuyên gia về miễn dịch học, vi-rút học và các bệnh truyền nhiễm cũng đồng ý rằng mọi người nên xem xét việc đi tiêm chủng nếu đủ điều kiện và không nên băn khoăn nhiều về việc sẽ được tiêm loại vắc-xin nào.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/8/2022).

Câu hỏi 462: Vắc-xin phòng ngừa biến thể phụ của Omicron (4) Hiệu quả của việc tiêm mũi thứ 4

Trả lời:
Trong phần tiếp theo của loạt bài về vắc-xin ngừa các biến thể phụ của Omicron, chúng tôi sẽ giới thiệu các số liệu về hiệu quả của việc tiêm mũi vắc-xin thứ 4 tại Israel và Mỹ.

Các báo cáo trên thế giới cho thấy việc tiêm mũi thứ 4 có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Israel đã phân tích hiệu quả việc tiêm mũi thứ 4 đối với hơn 29.000 nhân viên y tế. Kết quả được công bố trên tạp chí y khoa JAMA Network Open vào ngày 2/8. Báo cáo cho thấy trong số hơn 5.300 nhân viên y tế đã tiêm mũi thứ 4 vào tháng 1, thời điểm các biến thể phụ của Omicron đang lây lan nhanh chóng, có 368 người bị nhiễm vi-rút sau khi tiêm. Trong số hơn 24.000 người mới tiêm 3 mũi vắc-xin thì có 4.802 người nhiễm vi-rút. Tỷ lệ lây nhiễm trong số những người được tiêm chủng 3 mũi là 19,8%, còn tỷ lệ lây nhiễm ở những người được tiêm mũi thứ 4 thấp hơn, chỉ là 6,9%.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đánh giá hiệu quả của vắc-xin mRNA COVID-19 đối với người lớn ở 10 bang, trong bối cảnh các biến thể phụ của Omicron lây lan, bao gồm cả biến thể phụ BA.2. CDC công bố báo cáo vào tháng 7. Kết quả cho thấy trong số những người từ 50 tuổi trở lên, hiệu quả vắc-xin trong việc ngăn ngừa nhập viện là 55% tại thời điểm hơn 4 tháng sau khi tiêm mũi thứ 3. Hiệu quả của vắc-xin tăng lên 80%, hơn một tuần sau khi tiêm mũi thứ 4. CDC kêu gọi mọi người nên đi tiêm mũi bổ sung khi được khuyến nghị.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/8/2022).

Câu hỏi 461: Vắc-xin phòng ngừa biến thể phụ của Omicron (3) Khi nào nên tiêm

Trả lời:
Trong loạt bài về vắc-xin ngừa các biến thể phụ của Omicron, lần này chúng tôi sẽ nói về thời điểm tiêm mũi tăng cường tiếp theo.

Dự kiến sớm nhất vào giữa tháng 10, chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu cung cấp vắc-xin ngừa các biến thể phụ của Omicron. Những người chưa tiêm mũi thứ 3 hoặc mũi thứ 4 đang băn khoăn và không rõ liệu họ nên đợi vắc-xin mới hay nên tiêm ngay vắc-xin hiện sẵn có.

Theo trang thông tin của Văn phòng Thủ tướng, tính đến ngày 22/8, có khoảng 81,01 triệu người, tương đương 64% dân số đã tiêm 3 mũi vắc-xin. Thông tin cũng cho biết, mũi thứ 4, vốn được khuyến cáo dành cho người nhiều tuổi, đã được tiêm cho 21,54 triệu người.

Hôm 10/8, ông Wakita Takaji, Viện trưởng Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm, đồng thời là người đứng đầu hội đồng chuyên gia về vắc-xin thuộc bộ y tế, nói với báo giới rằng, kể cả khi có vắc-xin ngừa các biến thể phụ của Omicron vào giữa tháng 10, cũng chưa rõ về khả năng liệu có đủ vắc-xin để mọi người có thể tiêm ngay hay không. Ông cho biết các loại vắc-xin hiện nay chỉ có tác dụng ngăn việc trở bệnh nặng nếu bị nhiễm Omicron. Vì vậy, nếu được thì mọi người cần cân nhắc việc khẩn trương tiêm ngay mũi thứ 3 hoặc mũi thứ 4.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/8/2022).

Câu hỏi 460: Vắc-xin phòng ngừa biến thể phụ của Omicron (2) Hiệu quả của vắc-xin mới

Trả lời:
Tiếp tục loạt bài về các loại vắc-xin mới chống lại biến thể phụ của chủng Omicron, lần này chúng tôi tập trung vào hiệu quả của vắc-xin này.

Công ty Pfizer tiến hành thử nghiệm lâm sàng mũi thứ 4 trên hơn 1.200 người từ 56 tuổi trở lên với loại vắc-xin được điều chỉnh để chống lại biến thể Omicron. Kết quả cho thấy lượng kháng thể trung hòa chống biến thể phụ BA.1 tăng 1,56 lần so với vắc-xin hiện tại của Pfizer. Công ty này cho biết không có vấn đề đối với tính an toàn của vắc-xin mới.

Trước đó, công ty Moderna công bố một báo cáo chưa được bình duyệt. Theo đó, các thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ cho thấy sau khi tiêm mũi thứ 4 bằng loại vắc-xin đặc hiệu với Omicron, lượng kháng thể trung hòa chống lại BA.1 đã tăng lên 1,75 lần so với vắc-xin hiện tại.

Moderna cho biết các tác dụng phụ sau khi tiêm hầu hết từ nhẹ đến trung bình. 77% cảm thấy đau nhức ở cánh tay xung quanh vết tiêm, 55% cảm thấy mệt mỏi và 44% bị đau đầu.

Các loại vắc-xin này được cho là làm tăng các kháng thể trung hòa chống lại biến thể phụ BA.5 của Omicron, tác nhân làm tăng số ca nhiễm hiện nay.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/8/2022).

Câu hỏi 459: Vắc-xin phòng ngừa biến thể phụ của Omicron (1) Cách thức hoạt động của các loại vắc-xin mới

Trả lời:
Bộ Y tế Nhật Bản quyết định bắt đầu cung cấp vắc-xin mới ngừa vi-rút corona nhắm vào các biến thể phụ của Omicron sớm nhất là vào giữa tháng 10. Trong loạt bài này, chúng tôi cung cấp thông tin về cơ chế hoạt động của vắc-xin mới, hiệu quả của chúng và khoảng thời gian chờ cần thiết trước khi tiêm mũi tiếp theo.

Hiện các loại vắc-xin đang được 2 hãng dược phẩm Pfizer và Moderna của Mỹ phát triển. Vắc-xin được gọi là vắc-xin nhị giá là loại kết hợp các thành phần trong vắc-xin hiện có và các thành phần có nguồn gốc từ biến thể phụ BA.1 của chủng Omicron.

Các loại vắc-xin được sử dụng hiện nay và do Pfizer và Moderna bào chế đều giúp cơ thể sản xuất ra những “protein gai”. Sau đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra nhiều kháng thể chống lại những protein gai này và sẽ chống lại vi-rút corona khi xâm nhập vào cơ thể.

Tuy nhiên, do vi-rút corona liên tục biến đổi nên hình dạng của những protein gai cũng đã thay đổi. Điều này đã làm cho hiệu quả của vắc-xin suy giảm trước những biến thể phụ của Omicron trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và khởi phát các triệu chứng.

Người ta tin rằng việc nâng cấp vắc-xin sử dụng thông tin di truyền của biến thể Omicron để điều chỉnh protein gai sẽ cải thiện hiệu quả của vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/8/2022).

Câu hỏi 458: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi-rút corona (9) Việc cần làm khi số ca nhiễm tái bùng phát

Trả lời:
Biến thể Omicron được cho là có đường lây nhiễm giống như các biến thể khác của vi-rút corona, chẳng hạn như truyền qua giọt bắn, khí dung hoặc siêu giọt bắn, đặc biệt là trong không gian thông gió kém.

Chúng ta có thể ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách thực hiện các biện pháp phòng chống triệt để. Biến thể Omicron được cho là gây lây nhiễm trong gia đình dễ hơn trước. Vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng tránh triệt để tại nhà cũng rất quan trọng. Kể từ khi biến thể Omicron chiếm phần lớn số ca nhiễm, các hạn chế đã được nới lỏng đối với những người tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Người đứng đầu ban cố vấn của chính phủ về vi-rút corona, ông Omi Shigeru cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NHK rằng các tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao vẫn không thay đổi. Ông Omi yêu cầu mọi người cố gắng tránh những không gian đông đúc, hoặc những nơi người ta có xu hướng nói to. Ông cũng yêu cầu mọi người xét nghiệm COVID-19 trước khi gặp người cao tuổi. Theo ông, mỗi người nên thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm bằng cách vận dụng kiến thức từ trải nghiệm của mình trong đại dịch này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/8/2022).

Câu hỏi 457: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi-rút corona (8) Tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần

Trả lời:
Điều gì sẽ xảy ra nếu một thành viên trong gia đình trở thành "người tiếp xúc gần" với một bệnh nhân vi-rút corona? Giới chức tại bộ phận phụ trách các biện pháp phòng dịch thuộc Chính quyền Thủ đô Tokyo cho biết không có quy định nào về "người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần". Họ nói rằng chính quyền thủ đô không áp dụng bất cứ hạn chế đi lại nào đối với các thành viên trong gia đình, ngoài những người được coi là "người tiếp xúc gần".

Tuy nhiên, giới chức cho biết người dân nên xác nhận với nơi làm việc và trường học, bởi một số nơi có quy định riêng về "người tiếp xúc gần".

Giới chức cho biết họ muốn các thành viên trong gia đình của “người tiếp xúc gần” thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây, trong trường hợp người đó đã nhiễm vi-rút nhưng chưa có triệu chứng.

- Tránh dùng chung khăn tắm, ăn riêng và cố gắng tách không gian sống giữa các thành viên trong gia đình hết mức có thể.
- Đeo khẩu trang trong nhà, rửa và khử trùng tay một cách cẩn thận.
- Khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa và điều khiển từ xa của các thiết bị điện.
- Thường xuyên thông gió cho các phòng.

Chúng ta dễ chủ quan do nguy cơ bệnh chuyển nặng được cho là thấp hơn đối với biến thể Omicron so với các biến thể khác. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng nếu trong gia đình có người cao tuổi hoặc người có bệnh nền.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/8/2022).

Câu hỏi 456: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi-rút corona (7) Nên làm gì và không nên làm gì trong thời gian tự cách ly

Trả lời:
Trước hết, những người thuộc diện tiếp xúc gần cần tránh tối đa việc đi ra ngoài khi không cần thiết. Nếu nhất thiết phải ra ngoài, nên thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm như đeo khẩu trang, rửa tay và tránh tiếp xúc với người khác. Cũng không nên đi làm hoặc đi học trong thời gian cách ly.

Theo hướng dẫn của Chính quyền Thủ đô Tokyo thì:

Những người tiếp xúc gần nên tránh ra ngoài khi không cần thiết, không đi làm, đi học và nên ở nhà.
Hằng ngày nên kiểm tra thân nhiệt vào buổi sáng và buổi tối.
Nếu có triệu chứng như sốt và ho, nên hỏi bác sĩ nơi thường đi khám bệnh hoặc các cơ sở y tế chuyên cung cấp xét nghiệm và chăm sóc y tế về vi-rút corona.
Nên tránh tối đa việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Bà Sakamoto Fumie, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Quốc tế St Luke’s ở Tokyo khuyên những người đã tiếp xúc gần chuẩn bị những thứ mà theo bà là cần thiết bởi vì có thể chúng ta sẽ không đi khám được ngay do tình hình lây nhiễm đang tăng mạnh. Những thứ cần chuẩn bị gồm:

Thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau bán sẵn ở các hiệu thuốc mà không cần kê đơn.
Nước điện giải để bù nước cho cơ thể.
Các loại thực phẩm tiện lợi ví dụ như đồ uống dinh dưỡng cô đặc.
Bổ sung thêm đồ dùng hằng ngày.
Bổ sung thêm thuốc chữa bệnh với những người có bệnh nền.

Bà Sakamoto Fumie cũng kêu gọi mọi người tiêm vắc-xin và ghi lại thông tin liên lạc của các cơ sở y tế nơi sinh sống để có thể được tư vấn khi cần trong thời gian cách ly.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/8/2022).

Câu hỏi 455: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi-rút corona (6) Tiếp xúc gần tại nơi làm việc

Trả lời:
Theo bộ y tế, về nguyên tắc nếu ai đó bị nhiễm vi-rút corona tại nơi làm việc, đồng nghiệp của người đó không bị yêu cầu phải tự cách ly ở nhà hoặc những nơi khác. Tuy nhiên, những người đã tiếp xúc gần với người bị nhiễm được yêu cầu tránh các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ như tới thăm người già hoặc các cơ sở dành cho người già, tránh ăn uống với nhiều người và không tham gia các sự kiện lớn trong khoảng 7 ngày tính từ ngày cuối cùng tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh.

Nếu ai đã ăn uống với người bị nhiễm vi-rút tại nơi làm việc mà không có biện pháp bảo vệ, ví dụ không đeo khẩu trang, thì được khuyến khích cố gắng ngăn ngừa lây lan dịch bệnh bằng cách tự cách ly 5 ngày hoặc tự nguyện xét nghiệm.

Mặt khác, cần có các biện pháp tăng cường đề phòng nếu trường hợp lây nhiễm xảy ra tại những nơi tập chung những người có khả năng cao chuyển bệnh nặng, ví dụ các cơ sở y tế và cơ sở dành cho người già. Trong trường hợp này, những người tiếp xúc gần được yêu cầu phải tự cách ly 5 ngày. Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính trở lại vào ngày thứ 2 và ngày thứ 3, người tiếp xúc gần có thể kết thúc cách ly vào ngày thứ 3 và những trường hợp tiếp xúc gần trong gia đình cũng vậy.

Hướng dẫn này áp dụng chung cho tất cả mọi người chứ không chỉ với những người có công việc quan trọng trong xã hội.

Bộ y tế cho biết nhân viên y tế và điều dưỡng viên vẫn có thể đi làm kể cả khi được coi là tiếp xúc gần, miễn là hằng ngày họ xét nghiệm âm tính.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/8/2022).

Câu hỏi 454: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi-rút corona (5) Sinh hoạt sau thời gian tự cách ly

Trả lời:
Theo quy định, những trường hợp được chỉ định là “tiếp xúc gần” cần tự cách ly. Tuy nhiên, khi giai đoạn cách ly kết thúc, thì những trường hợp này được phép đi làm hoặc đi học trở lại.

Trong một báo cáo được đưa ra hôm 13/1, Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm cho biết khi một người bị lây nhiễm biến thể Omicron, khả năng phát triển triệu chứng trong vòng 3 ngày là 53,05%, trong vòng 5 ngày là 82,65% và trong vòng 7 ngày là 94,53%. Điều này có nghĩa là giai đoạn tự cách ly 5 ngày theo quy định hiện nay có thể không đủ thời gian để đảm bảo rằng người đó không bị lây nhiễm.

Vì vậy, đối với những người được chỉ định là “tiếp xúc gần” thì lời khuyên là cần thận trọng theo dõi thân nhiệt và những điều kiện sức khỏe khác cũng như tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa toàn diện như tránh đến những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao và tránh đi ăn bên ngoài theo nhóm cho đến khi hết 7 ngày. Và thường thì mọi người nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm ngay cả sau giai đoạn này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/8/2022).

Câu hỏi 453: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi-rút corona (4) Nếu thêm một thành viên trong gia đình bị nhiễm thì sao?

Trả lời:
Theo hướng dẫn của chính phủ thì nếu trong gia đình có thêm một người bị lây nhiễm nữa thì tất cả mọi thành viên trong gia đình phải cách ly lại từ đầu. Giả sử trong gia đình có một trẻ bị nhiễm và tự điều trị ở nhà với các triệu chứng nhẹ, thì những hướng dẫn của chính phủ cho biết như sau:

▼ Ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm thì ngày mà trẻ phát triệu chứng được tính là ngày 0 và các biện pháp chống lây nhiễm được thực hiện trong gia đình kể từ ngày đó. Những người khác trong gia đình cần tự cách ly trong vòng 5 ngày.

▼ Nếu không thực hiện bất cứ biện pháp chống lây nhiễm nào cho đến khi có kết quả xét nghiệm, thì ngày có kết quả dương tính sẽ được tính là ngày 0. Các thành viên khác trong gia đình cần tự cách ly trong 5 ngày, kể từ sau ngày có kết quả xét nghiệm.

▼ Trường hợp không tiến hành xét nghiệm thì thời gian cách ly của trẻ bị nhiễm là 10 ngày kể từ sau ngày có triệu chứng hoặc là ít nhất 72 giờ kể từ khi hết các triệu chứng bệnh. Trong trường hợp các triệu chứng xấu đi, cha mẹ nên liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn.

▼ Nếu trẻ không có triệu chứng thì ngày lấy mẫu được tính là ngày 0 và thời gian cách ly của trẻ sẽ kéo dài 7 ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu không thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm cho tới khi có kết quả xét nghiệm thì ngày có kết quả được coi là ngày 0 để tính thời gian cách ly cho các thành viên khác trong gia đình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/8/2022).

Câu hỏi 452: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi-rút corona (3) Thời hạn tự cách ly nếu tiếp xúc gần

Trả lời:
Chủ đề lần này là thời gian những người tiếp xúc gần phải cách ly tại nhà nếu trong nhà có người nhiễm vi-rút.

Khi một thành viên trong nhà có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút và các thành viên khác được chỉ định là có tiếp xúc gần, họ được yêu cầu tự cách ly tại nhà.

Trước đây, về nguyên tắc thì các trường hợp tiếp xúc gần sẽ phải tự cách ly 7 ngày. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 22/7, bộ y tế rút ngắn thời gian tự cách ly xuống còn 5 ngày để duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội.

Để tính thời gian tự cách ly thì cần biết đâu là ngày số 0. Ngày số 0 là ngày sau cùng trong 3 ngày sau:
-Ngày người bị nhiễm bắt đầu có các triệu chứng.
-Trong trường hợp người nhiễm không có triệu chứng thì sẽ sử dụng ngày lấy mẫu xét nghiệm.
-Ngày bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm sau khi có kết quả dương tính.

Những người tiếp xúc gần cần phải tự cách ly cho tới ngày thứ 5 và có thể ra ngoài vào ngày thứ 6.

Tuy nhiên, trong trường hợp có kết quả âm tính vào cả ngày thứ 2 và ngày thứ 3 khi sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên được chính phủ phê duyệt, việc tự cách ly có thể được dỡ bỏ vào ngày thứ 3.

Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong trường hợp này bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay và thông khí thường xuyên. Các thành viên trong gia đình không nhất thiết phải ngừng tất cả các tiếp xúc với người nhiễm vi-rút, ví dụ như sử dụng các phòng hoàn toàn riêng biệt.

Nếu khó có thể đeo khẩu trang cho trẻ nhỏ, hãy thực hiện các biện pháp khác như rửa tay thật kỹ và tránh dùng chung khăn tắm. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm, bao gồm thông khí trong phòng và tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/8/2022).

Câu hỏi 451: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi-rút corona (2) Thế nào là tiếp xúc gần

Trả lời:
Khi vi-rút corona lây lan, bộ y tế cho phép các tỉnh và thành phố quyết định một cách linh hoạt khi xác định việc tiếp xúc gần giữa một người bình thường với người nhiễm bệnh. Theo bộ thì việc xác định này sẽ rất khác nhau tùy vào nơi xảy ra dịch bệnh.

Nếu người nhiễm bệnh là thành viên trong gia đình, cơ quan y tế sẽ quyết định những ai là đối tượng tiếp xúc gần và yêu cầu họ giới hạn hoạt động vì những người khác trong gia đình sẽ có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, cơ quan y tế sẽ không thực hiện phỏng vấn từng người.

Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc được cho là tương đối thấp hơn so với tại gia đình. Vì vậy, cơ quan y tế sẽ không xác minh toàn bộ các tiếp xúc gần tại nơi làm việc. Nếu có người bị nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc, những người khác cần tự xác định là mình có tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh hay không.

Mặt khác, cơ quan y tế sẽ nhanh chóng xác định trường hợp tiếp xúc gần tại các cơ sở y tế, cũng như cơ sở dành cho người già và người khuyết tật vì nhiều người thuộc nhóm này có nguy cơ bệnh trở nặng nếu bị lây nhiễm.

Bộ y tế cho biết các tỉnh và thành phố và các sở giáo dục cần phải tự quyết định các quy định về tiếp xúc gần tại nhà trẻ, mẫu giáo, các trường tiểu học và trung học cơ sở. Các biện pháp, ví dụ như đeo khẩu trang, có thể sẽ khác nhau tùy thuộc nhóm các em chưa đến tuổi đi học hoặc đã đi học.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/8/2022).

Câu hỏi 450: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi-rút corona (1) Định nghĩa

Trả lời:
Các cơ quan y tế Nhật Bản đã thay đổi yêu cầu đối với những người được coi là có tiếp xúc gần để giảm thiểu tác động đến các hoạt động kinh tế và xã hội. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ giải thích những ai thì được coi là có tiếp xúc gần và phải thực hiện những yêu cầu gì.

Người có tiếp xúc gần là người tiếp xúc ở cự ly gần hoặc tiếp xúc trong một thời gian dài với người bị nhiễm vi-rút. Những người này được cho là đã tiếp xúc với vi-rút và do đó có thể bị nhiễm bệnh.

Sau đây là một số tiêu chí để xác định xem bạn có phải là người tiếp xúc gần hay không.

- Thời điểm được tính là có tiếp xúc gần là trong vòng 2 ngày trước khi người nhiễm xuất hiện triệu chứng, hoặc trong vòng 10 ngày sau khi triệu chứng xuất hiện. Tuy nhiên, nếu sau 7 ngày các triệu chứng của người nhiễm không hết, thì thời gian tiếp xúc gần này sẽ được kéo dài thêm 3 ngày tính từ sau khi các triệu chứng không còn nữa. Trong trường hợp người nhiễm không có triệu chứng, thời gian được coi là có tiếp xúc gần này sẽ được tính từ 2 ngày trước khi người nhiễm làm xét nghiệm đến 7 ngày sau khi xét nghiệm.

- Sẽ được coi là có tiếp xúc gần nếu không đeo khẩu trang khi chạm vào bệnh nhân hoặc chạm vào vật dụng có dính dịch của bệnh nhân, hoặc khi ở trong cự ly có thể chạm tay với người bệnh trong hơn 15 phút.

- Tuy nhiên, có thể không bị coi là người tiếp xúc gần dù trong nhà có người nhiễm bệnh hoặc đang phải chăm sóc người nhiễm bệnh. Có thể tránh được việc bị xếp vào diện tiếp xúc gần nếu thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch như ở các cơ sở y tế và viện dưỡng lão.

- Cũng có thể không bị coi là người tiếp xúc gần dù đã ở gần với người nhiễm bệnh trong hơn 15 phút, tùy theo các yếu tố như có nói chuyện hay không, phòng có được thông khí tốt hay không, và có đeo khẩu trang hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/8/2022).

Câu hỏi 449: Biến thể phụ BA.5 của Omicron là gì? - Phần 6: Các biến thể phụ cần quan tâm

Trả lời:
Ngày 12/7, Thành phố Kobe ở phía Tây Nhật Bản ghi nhận ca đầu tiên trong nước lây nhiễm biến thể phụ BA.2.75 của Omicron, không tính các ca phát hiện tại điểm kiểm dịch. BA.2.75 đã lác đác xuất hiện ở Anh, Đức và Mỹ sau khi biến thể phụ này được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 6.

Tương tự như BA.5, biến thể phụ BA.2.75 được cho là có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Báo cáo cho thấy tại Ấn Độ, BA.2.75 lây lan nhanh hơn BA.5.

Giáo sư Hamada Atsuo thuộc Đại học Y khoa Tokyo cho biết biến thể phụ BA.2.75 có khả năng né tránh hệ miễn dịch cao hơn hẳn BA.2. Theo ông, điều này nghĩa là những người đã có miễn dịch vẫn có nhiều khả năng mắc BA.2.75. Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa BA.2.75 vào danh mục dòng Biến thể phụ cần quan tâm và phải được giám sát (VOC-LUM).
Giáo sư nói rằng các cơ quan y tế tại Nhật Bản nên theo dõi sát sao các đặc tính của biến thể mới BA.2.75.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/7/2022).

Câu hỏi 448: Biến thể phụ BA.5 của Omicron là gì? - Phần 5: Hiệu quả của vắc-xin

Trả lời:
Trong phần tiếp theo của loạt bài về biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron, chúng ta cùng xem xét hiệu quả của vắc-xin đối với biến thể này.

Giới chức y tế tại Anh phân tích dữ liệu về những người bị nhiễm vi-rút corona trong vòng 1 tháng tính đến cuối tháng 5 và công bố báo cáo vào ngày 24/6. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về hiệu quả của vắc-xin đối với các biến thể phụ BA.5 và BA.2.

Trong khi đó, hôm 30/6, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đề nghị các công ty dược đưa thêm vào vắc-xin dùng để tiêm mũi tăng cường các protein có đột biến bổ sung được điều chỉnh để chống lại các biến thể phụ BA.4 và BA.5. Tuy nhiên, FDA không yêu cầu thay đổi vắc-xin hiện đang được sử dụng do tác dụng chính của vắc-xin là nhằm ngăn xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng ở người bị nhiễm vi-rút.

Giáo sư Hamada Atsuo của Đại học Y khoa Tokyo cảnh báo Nhật Bản có thể phải chứng kiến làn sóng lây nhiễm lớn hơn trong mùa thu này. Ông cũng kêu gọi chính phủ tiến hành thảo luận trước về việc xây dựng chương trình tiêm chủng cho mùa thu, cũng như sắp xếp để đảm bảo đủ nguồn cung vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/7/2022).

Câu hỏi 447: Biến thể phụ BA.5 của Omicron là gì? - Phần 4: Biến thể BA.5 có nhiều khả năng gây bệnh hơn hay không?

Trả lời:
Trong phần 4 của loạt bài nói về biến thể phụ Omicron BA.5, chúng tôi giải đáp câu hỏi liệu biến thể phụ này có nhiều khả năng gây bệnh hơn hay không.

Nhóm G2P-Japan do Giáo sư Sato Kei thuộc Viện Khoa học Y khoa, Đại học Tokyo, dẫn đầu, đã trình bày kết quả nghiên cứu dưới dạng một bài báo khoa học đăng trên mạng. Bài báo này chưa được bình duyệt chính thức.

Các nhà nghiên cứu tạo ra một loại vi-rút có đặc điểm của biến thể phụ BA.5 và một loại vi-rút khác có đặc điểm của biến thể phụ BA.2.

Sau đó, họ cho tế bào nuôi cấy nhiễm từng loại biến thể nói trên để kiểm tra mức độ phát triển của vi-rút.

Họ phát hiện ra rằng sau 24 giờ, mức độ vi-rút trong những tế bào nhiễm BA.5 cao gấp 34 lần so với các tế bào nhiễm BA.2.

Cũng theo nhóm nghiên cứu này, thí nghiệm trên chuột hamster cho thấy chuột nhiễm biến thể phụ BA.2 chỉ giảm cân một chút, nhưng chuột nhiễm biến thể phụ BA.5 mất khoảng 10% trọng lượng ban đầu.

Nhóm cho biết mức độ viêm phổi của chuột nhiễm BA.5 cao hơn đáng kể so với mức độ viêm phổi của chuột nhiễm BA.2.

Ngoài ra, nhóm lưu ý rằng những thí nghiệm của họ cho thấy BA.5 có nhiều khả năng gây bệnh hơn BA.2 và cần nghiên cứu thêm về những triệu chứng ở người khi bị lây nhiễm.

Theo Giáo sư Sato, độc lực của vi-rút không phải lúc nào cũng suy yếu. Ông cho biết vi-rút tiếp tục đột biến vì vậy mọi người vẫn cần phải thận trọng và cảnh giác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/7/2022).

Câu hỏi 446: Biến thể phụ BA.5 của Omicron là gì? - Phần 3: Nguy cơ của các triệu chứng nghiêm trọng

Trả lời:
Trong phần ba của loạt bài nói về biến thể phụ Omicron BA.5, chúng tôi đề cập tới những nguy cơ về bị bệnh nặng.

Về vấn đề này thì trong báo cáo hàng tuần, công bố vào ngày 6 tháng 7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không có bằng chứng nào cho thấy biến thể phụ BA.5 đã thay đổi đáng kể so với BA.2. Tuy nhiên, báo cáo cho biết số ca bệnh gia tăng ở nhiều quốc gia, và số người phải nhập viện hoặc điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt, cũng như số người chết, đang tăng mạnh.

Ngoài ra trong báo cáo của mình vào ngày 13 tháng 6, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết rằng tuy dữ liệu còn hạn chế nhưng không có bằng chứng cho thấy rằng biến thể phụ này khiến nhiều người có các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Đồng thời, báo cáo cũng nói thêm rằng có khả năng tử vong nhiều hơn và nhiều người cần phải nhập viện nếu số ca bị nhiễm tăng lên.

Giáo sư Hamada Atsuo của Đại học Y Tokyo, một chuyên gia về truyền nhiễm ở nước ngoài, cho biết BA.5 có khả năng lây nhiễm hơn một chút so với các loại biến thể phụ trước đó, và thậm chí nó có thể lây nhiễm cho những người đã có miễn dịch. Không chỉ là biến thể phụ BA.2 đang bị thay thế mà có thể không tránh khỏi tình trạng số ca lây nhiễm sẽ tăng lên. Ông nói rằng chúng ta nên cảnh giác vì nếu có nhiều người bị nhiễm bệnh hơn thì số trường hợp người mắc các triệu chứng nặng sẽ tăng lên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/7/2022).

Câu hỏi 445: Biến thể phụ BA.5 của Omicron là gì? - Phần 2: Các đặc điểm của biến thể phụ

Trả lời:
Trong phần thứ hai của loạt bài về biến thể phụ BA.5 của Omicron, chúng tôi giới thiệu về đặc điểm của biến thể này.

Protein gai trên biến thể phụ BA.5 có đột biến L452R và một số thay đổi khác. Protein gai trên bề mặt của vi-rút đóng vai trò quan trọng trong việc gây lây nhiễm cho tế bào. Đột biến L452R được biết đến là giúp vi-rút tránh phản ứng miễn dịch trên người. Thông báo cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào đầu tháng 7 cho thấy biến thể phụ BA.5 làm giảm hiệu quả kháng thể trung hòa hơn 7 lần so với biến thể phụ BA.1.

Các chuyên gia cũng cho rằng khả năng miễn dịch thông qua tiêm vắc-xin có thể đã giảm theo thời gian, góp phần vào việc vi-rút lây lan gần đây.

Tại cuộc họp ngày 30 tháng 6 của hội đồng chuyên gia thuộc Bộ Y tế, Giáo sư Nishiura Hiroshi của Đại học Kyoto đã trình bày một số dữ liệu cho thấy tại Nhật Bản, phần trăm số người miễn dịch với biến thể Omicron đang giảm. Dữ liệu cho thấy, tính đến cuối tháng 6, 44,6% những người ở độ tuổi 20 có thể miễn dịch. Con số này là 37,4% trong số những người ở độ tuổi 70.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/7/2022).

Câu hỏi 444: Biến thể phụ BA.5 của Omicron là gì? - Phần 1: Sự lây lan của BA.5

Trả lời:
Trong phần đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về vi-rút biến chủng BA.5, hiện nay đang trở thành chủng chủ đạo tại Mỹ và các nước Châu Âu. BA.5 cũng đang lây lan tại Nhật Bản.

BA.5 là chủng phụ của Omicron, được ghi nhận đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 2/2022. Từ tháng 5, BA.5 bắt đầu lây lan chủ yếu ở Mỹ và Châu Âu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến giữa tháng 6, BA.5 chiếm khoảng 40% tổng số các ca vi-rút corona mới được phát hiện trên toàn thế giới.
Theo báo cáo tuần của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cập nhật đến ngày 2/7, BA.5 chiếm tới 53,6% số ca mắc mới trên toàn nước Mỹ. Chủng phụ BA.5 được cho là một phần nguyên nhân của sự gia tăng gần đây về số ca nhiễm.

Hôm 24/6, Cơ quan y tế Anh cho biết BA.5 được cho là đang lây lan nhanh hơn chủng phụ BA.2 tới 35,1%. Trước đó, BA.2 là chủng chủ đạo.

Nhóm chuyên gia của chính quyền thủ đô Tokyo đánh giá về tình hình vi-rút corona cho biết 33,4% các ca nhiễm ở thủ đô trong tuần tính đến ngày 27/6, được cho là mắc chủng phụ BA.5.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/7/2022).

Câu hỏi 443: Di chứng COVID-19 - Phần 8: Tầm quan trọng của chăm sóc phù hợp cho bệnh nhân

Trả lời:
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều điều chưa rõ về di chứng COVID như các triệu chứng kéo dài thành di chứng như thế nào và nguyên nhân là gì, 2 chuyên gia đã điều trị cho bệnh nhân COVID nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc cho người có những triệu chứng như vậy.

Giáo sư Yokoyama Akihito của Đại học Kochi nói rằng dù nguyên nhân là gì, thực tế là có những người vẫn tiếp tục bị các triệu chứng sau khi nhiễm vi-rút. Giáo sư nhấn mạnh cần chăm sóc điều trị thích hợp cho những bệnh nhân này.

Giáo sư Shimohata Takayoshi của Đại học Gifu cho biết có những người có biểu hiện viêm trong tế bào não, cũng có người bất ổn về tinh thần vì phải đối mặt với các triệu chứng dai dẳng, và điều này có thể khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Theo Giáo sư Shimohata, các bác sĩ phải hỗ trợ triệt để cho bệnh nhân dù nguyên nhân của các triệu chứng là gì. Ông nhấn mạnh rằng để cung cấp hỗ trợ y tế cần thiết cho người bệnh và để công chúng hiểu được thực trạng này, chính phủ phải đầu tư kỹ lưỡng cho công tác nghiên cứu và thành lập trung tâm y tế chuyên điều trị di chứng COVID.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/7/2022).

Câu hỏi 442: Di chứng COVID-19 - Phần 7: Ít có khả năng xảy ra với biến thể Omicron

Trả lời:
Chính quyền thành phố Tokyo soạn thảo một danh sách những di chứng COVID do hơn 2.000 bệnh nhân cung cấp. Đây là những người bị lây nhiễm biến thể Omicron trong vòng 4 tháng, tính đến hết tháng 4 vừa qua.

Theo danh sách này, có 38,6% số người phàn nàn vẫn bị ho; 34% cho biết vẫn mệt mỏi, 10,6% gặp khó khăn về vị giác và 9,5% có vấn đề về khứu giác.

Sau khi phân tích dữ liệu, giới chuyên gia kết luận rằng những triệu chứng như khó khăn về vị giác và khứu giác cũng như rụng tóc xuất hiện ít hơn đáng kể so với những người bị lây nhiễm chủng Delta và những biến thể khác.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu cũng công bố nghiên cứu so sánh giữa bệnh nhân bị lây nhiễm biến thể Omicron và những người bị nhiễm biến thể khác lây lan trước đây. Những tiêu chí so sánh gồm tuổi tác, giới tính và tình trạng tiêm chủng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân bị lây nhiễm biến thể Omicron xuất hiện 1/10 những triệu chứng được cho là di chứng COVID so với những người bị lây nhiễm biến thể khác.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo số bệnh nhân phải chịu di chứng COVID do biến thể Omicron gây ra có thể sẽ gia tăng vì số ca lây nhiễm biến thể này lớn hơn đáng kể so với số ca lây nhiễm biến thể khác.

Dữ liệu do chính phủ Anh công bố cho thấy trong số những người đã tiêm 2 mũi vắc-xin, tỷ lệ số người báo cáo di chứng COVID sau khi lây nhiễm biến thể Omicron thấp hơn khoảng 50% so với tỷ lệ những người báo cáo di chứng tương tự sau khi lây nhiễm biến thể Delta.

Cho đến nay, dữ liệu nghiên cứu vẫn chưa đưa ra thông tin nào về việc di chứng COVID sẽ tiếp tục kéo dài đối với những người bị lây nhiễm Omicron.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/7/2022).

Câu hỏi 441: Di chứng COVID-19 - Phần 6: “Sương mù não”

Trả lời:
“Sương mù não”, một trong những di chứng COVID thường gặp nhất, là tình trạng khi chúng ta cảm thấy não không hoạt động bình thường, như thể bị sương mù bao phủ. Giáo sư Shimohata Takayoshi thuộc Đại học Gifu là một nhà thần kinh học não bộ đã tham gia biên soạn sách hướng dẫn điều trị di chứng COVID của Bộ Y tế. Ông cho biết “sương mù não” rất khó chẩn đoán vì trong nhiều trường hợp, không có chỉ số bất thường nào khi chụp cộng hưởng từ MRI hoặc xét nghiệm máu.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nghiên cứu về nguyên nhân của tình trạng này đã có những tiến bộ nhất định. Ông cho biết các thử nghiệm ở nước ngoài trên động vật chỉ ra rằng khi nhiễm vi-rút, toàn bộ cơ thể sẽ bị viêm, dẫn đến việc sinh ra các chất như tự kháng thể hoặc cytokine. Tự kháng thể tấn công chính cơ thể của chúng ta, còn cytokine gây viêm. Các chất như vậy theo máu lên não và gây viêm ở đó.

Ông Shimohata nói thêm rằng tình trạng này hiện chưa có phương pháp chữa trị, chỉ có thể điều trị triệu chứng. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu quá trình xảy ra tình trạng này và đưa ra cách điều trị tốt hơn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/7/2022).

Câu hỏi 440: Di chứng COVID-19 - Phần 5: Nguy cơ có di chứng

Trả lời:
Bà Iwasaki Akiko, giáo sư về sinh học miễn dịch tại Đại học Yale của Mỹ, bày tỏ lo ngại rằng các di chứng hậu COVID không chỉ giới hạn ở những người mắc bệnh nặng do vi-rút corona.

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 75% những người bị di chứng hậu COVID không cần phải nhập viện khi nhiễm vi-rút. Các nhà nghiên cứu cho rằng những người không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ vẫn có thể bị di chứng.

Giáo sư Iwasaki cho biết lý do khả thi nhất là vi-rút corona tiềm ẩn ở đâu đó trong cơ thể, gây viêm và gây ra các triệu chứng ở các cơ quan nội tạng khác.

Bà nói rằng có trường hợp người không có triệu chứng vẫn bắt đầu có dấu hiệu của di chứng COVID vào 2 đến 3 tháng sau khi nhiễm vi-rút. Có báo cáo rằng tỷ lệ có di chứng COVID thấp hơn ở những người đã tiêm vắc-xin, nhưng tỷ lệ này khác nhau tùy báo cáo. Bà Iwasaki cho biết chúng ta không thể cảm thấy an toàn chỉ vì đã được tiêm phòng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/7/2022).

Câu hỏi 439: Di chứng COVID-19 - Phần 4: Các triệu chứng của di chứng xuất hiện như thế nào?

Trả lời:
Chúng ta biết tới mức độ nào về triệu chứng của tình trạng hậu COVID-19. Bà Iwasaki Akiko, Giáo sư chuyên ngành miễn dịch học tại Trường đại học Yale ở Mỹ, đưa ra 4 giả thuyết sau.

Các phần nhỏ của vi rút gây ra sự bội nhiễm trong một giai đoạn dài ngay cả sau khi các triệu chứng ban đầu như ho hoặc sốt cao đã biến mất.
Hệ miễn dịch, vốn sinh ra để bảo vệ cơ thể, tấn công các vi rút đó.
Các bộ phận cơ thể tổn thương do bị nhiễm vi rút corona phục hồi chậm.
Một số loại vi rút khác như vi rút herpes phát triển và đã tồn tại trong cơ thể trước khi COVID-19 xâm nhập.

Bà Iwasaki cho biết có khả năng các loại triệu chứng của di chứng COVID là do các yếu tố trên kết hợp gây ra.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/7/2022).

Câu hỏi 438: Di chứng COVID-19 - Phần 3: Di chứng được xác định như thế nào?

Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa di chứng COVID-19 là tình trạng xảy ra ở những người từng nhiễm hoặc có khả năng đã nhiễm vi-rút corona, thường là trong vòng 3 tháng kể từ khi phát bệnh COVID-19 và kéo dài ít nhất 2 tháng. WHO cũng cho biết các triệu chứng và ảnh hưởng của tình trạng này không chẩn đoán được bằng các bệnh lý khác.

Tuy nhiên, có nhiều loại triệu chứng khác nhau theo định nghĩa của WHO, và một số chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu tất cả những triệu chứng đó có thực sự là do nhiễm vi-rút corona hay không.

Giáo sư Yokoyama Akihito của Đại học Kochi, đứng đầu một nhóm nghiên cứu tại Bộ Y tế Nhật Bản cho biết: "Khảo sát của chúng tôi cho thấy rất khó xác định liệu đó có phải là hậu quả của nhiễm vi-rút corona hay không, vì chúng tôi không có dữ liệu về những người không có tiền sử nhiễm bệnh nhưng lại có các triệu chứng như vậy. Nhiều khả năng bệnh nhân bị di chứng do vi-rút nếu người bệnh khó thở và phim chụp phổi có bất thường. Tuy nhiên, khó xác định được triệu chứng như rối loạn giấc ngủ và sức khỏe tâm thần có phải do nhiễm vi-rút corona hay không. Có thể các triệu chứng này là do các nguyên nhân khác, nếu không được chẩn đoán chính xác thì bất lợi cho người bệnh. Một số triệu chứng được xác định là di chứng COVID-19 thực tế có thể là do các bệnh khác gây ra và có thể được chữa khỏi. Theo tôi, trong tương lai, sẽ cần hiểu đúng về di chứng COVID-19 bằng cách so sánh các triệu chứng của những người nhiễm vi-rút corona với người khỏe mạnh hoặc người bị viêm phổi nhưng không phải do vi-rút corona.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/7/2022).

Câu hỏi 437: Di chứng COVID-19 - Phần 2: Nghiên cứu của bộ y tế

Trả lời:
Một nhóm nghiên cứu của bộ y tế Nhật Bản do Giáo sư Fukunaga Koichi thuộc Đại học Keio dẫn đầu, đã tiến hành khảo sát với đối tượng là hơn 1.000 bệnh nhân COVID từng có triệu chứng vừa hoặc nặng. Các nhà nghiên cứu hỏi họ về những kiểu triệu chứng mà họ gặp phải trong vòng 1 năm sau khi mắc bệnh.

Kết quả cho thấy khoảng 12,8% bệnh nhân được hỏi cho biết vẫn cảm thấy mệt mỏi trong vòng 1 năm sau khi mắc COVID; 8,6% cho biết bị khó thở; 7,5% cho biết bị yếu cơ bắp và khó tập trung; 7,2% cho biết bị suy giảm trí nhớ; 7% cho biết bị rối loạn giấc ngủ; 6,4% cho biết bị đau khớp; 5,5% cho biết bị đau cơ; 5,4% cho biết gặp phải những vấn đề về khứu giác; 5,2% có đờm; 5,1% cho biết bị rụng tóc; 5% cho biết bị đau đầu; 4,7% cho biết có những khó khăn về vị giác; 4,6% cho biết vẫn bị ho; 3,9% cho biết bị tê bì chân tay và 3,6% cho biết gặp phải vấn đề về mắt. Số người cho biết gặp phải một vài trong những triệu chứng nói trên chiếm 33% tổng số người trong diện khảo sát.

Giống như nghiên cứu mà bộ y tế công bố trước đó, các nhà nghiên cứu không khảo sát so sánh với những người chưa từng nhiễm vi-rút corona. Do đó, họ nói rằng khó có thể khẳng định mỗi triệu chứng nói trên là di chứng kéo dài của COVID-19.

Nhiều phương pháp đã được thử nghiệm để điều trị những triệu chứng nói trên song chỉ dừng lại ở mức điều trị triệu chứng chung mà không điều trị cho từng di chứng cụ thể.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/7/2022).

Câu hỏi 436: Di chứng COVID-19 - Phần 1: Nghiên cứu của bộ y tế

Trả lời:
Tính đến cuối tháng 6/2022, ở Nhật Bản đã có trên 9,3 triệu ca nhiễm COVID-19. Trong số đó có nhiều người vẫn phải chống chọi với tình trạng sức khỏe không tốt ngay cả sau khi đã khỏi bệnh. Các chuyên gia gọi tình trạng này là hậu quả của việc nhiễm vi-rút corona, hay còn gọi là di chứng COVID. Trong loạt bài này chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin mà các nhà khoa học đã biết được từ trước tới nay về những dấu hiệu của di chứng COVID và tại sao lại có những di chứng này.

Một nhóm nghiên cứu của bộ y tế Nhật Bản do giáo sư Yokoyama Akihito dẫn đầu, đã tiến hành một cuộc khảo sát trong thời gian một năm tính đến tháng 9/2021, với đối tượng là trên 1.000 bệnh nhân trên cả nước, phải nhập viện vì có triệu chứng vừa phải hoặc nặng. Các nhà nghiên cứu kiểm tra các bệnh nhân này 3 tháng 1 lần, dựa trên những số liệu trong bệnh án cũng như những gì mà bệnh nhân trả lời. Kết quả cho thấy 3 tháng sau khi bị nhiễm bệnh, khoảng 50% bệnh nhân được hỏi cho biết cơ bắp bị yếu, 30% cho biết bị khó thở, 25% cho biết bị mệt mỏi, trên 20% cho biết khó ngủ và khoảng 18% cho biết khó tập trung, đau cơ và bị ho. Một số người cho biết có nhiều triệu chứng khác nhau.

Số người cho biết bị những triệu chứng nói trên có xu hướng giảm theo thời gian. Một năm sau khi bị nhiễm, 10,1% cho biết bị khó ngủ, 9,3% cho biết cơ bắp bị yếu, 6.0% cho biết bị khó thở, 5,3% bị khó tập trung, 5,0% cho biết bị ho, 4,9% bị mệt mỏi và 4,6% bị đau cơ bắp.

Số người cho biết gặp phải một vài trong những triệu chứng nói trên chiếm 13,6% tổng số người trong diện khảo sát.

Các nhà nghiên cứu cho biết những người bị các triệu chứng nghiêm trọng về đường hô hấp thường có xu hướng mắc phải di chứng Covid hơn so với những người khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/7/2022).

Câu hỏi 435: Những nguy cơ khi đeo khẩu trang - Phần 3

Trả lời:
Chúng ta cùng tìm hiểu những điểm cần chú ý khi quyết định có đeo khẩu trang hay không trong những tình huống cụ thể.

Chúng tôi phỏng vấn giáo sư Hirata Akimasa của Đại học Công nghiệp Nagoya và là thành viên nhóm nghiên cứu về nguy cơ sốc nhiệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo giáo sư Hirata, cần thường xuyên cảnh giác trước sốc nhiệt, đặc biệt là trong mùa này, khi cả nhiệt độ và độ ẩm đều cao. Ông cảnh báo khi đeo khẩu trang mọi người khó nhận ra mình bị khát nước, nên có thể không bù đủ nước. Giáo sư Hirata giải thích rằng sốc nhiệt được cho là xảy ra khi thân nhiệt tăng và cơ thể mất nước. Ông khuyên nên chủ động uống nhiều nước, vì nguy cơ sốc nhiệt tăng cao nếu không uống đủ nước và cơ thể gần như bị mất nước.

Về việc đeo khẩu trang, ông Hirata cho biết nếu ở cách xa người xung quanh thì tháo khẩu trang cũng được, còn ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao thì nên đeo khẩu trang. Điều quan trọng nhất là tùy thuộc vào địa điểm và tình hình mà quyết định có đeo khẩu trang hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/6/2022).

Câu hỏi 434: Những nguy cơ khi đeo khẩu trang - Phần 2

Trả lời:
Chúng ta tìm hiểu về việc liệu đeo khẩu trang có làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt hay không.

Giải đáp câu hỏi này là Giáo sư Hirata Akimasa thuộc Đại học Công nghệ Nagoya đồng thời là thành viên nhóm nghiên cứu nguy cơ sốc nhiệt thuộc Tổ chức Y tế Thế giới. Ông Hirata cho biết những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng ngoại trừ phần khuôn mặt đeo khẩu trang và xung quanh đó, nhiệt độ cơ thể hầu như không đổi khi so sánh giữa trạng thái đeo khẩu trang và không đeo khẩu trang. Ông nói thêm rằng khi một người đeo khẩu trang thì thân nhiệt trung tâm tăng thêm khoảng từ 0,06 đến 0,08 độ C. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với 1 độ C vốn là mức cho thấy có nguy cơ sốc nhiệt.

Giáo sư Hirata nói rằng điều này cho thấy việc đeo khẩu trang có thể sẽ không làm gia tăng đáng kể nguy cơ sốc nhiệt. Tuy nhiên, ông cho biết nguy cơ sốc nhiệt có thể gia tăng nếu vừa đeo khẩu trang vừa vận động mạnh.

Ngoài ra, ông cho biết hiện hầu như không có dữ liệu về việc đeo khẩu trang và nguy cơ sốc nhiệt đối với trẻ nhỏ. Cho nên Giáo sư Hirata kêu gọi cần hết sức chú ý nguy cơ sốc nhiệt, thể theo hướng dẫn của chính phủ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/6/2022).

Câu hỏi 433: Những nguy cơ khi đeo khẩu trang - Phần 1

Trả lời:
Việc đeo khẩu trang là một trong các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi-rút corona. Tuy nhiên, khi thời tiết nóng hơn, khẩu trang có thể khiến ta thấy nóng và khó thở. Trong loạt bài này, chúng tôi cung cấp thông tin để có thể vừa đeo khẩu trang hiệu quả vừa đề phòng sốc nhiệt trong bối cảnh nhiệt độ đang gia tăng.

Vào ngày 23/5, chính phủ Nhật Bản đã thay đổi chính sách cơ bản về ứng phó với vi-rút corona.

Giới chức cho biết việc đeo khẩu trang vẫn là biện pháp quan trọng để phòng dịch, nhưng họ nói rằng có thể chấp nhận việc tháo khẩu trang trong một số bối cảnh nhất định.

Khi ở ngoài trời, chúng ta có thể tháo khẩu trang nếu duy trì được khoảng cách ít nhất 2m với người khác. Kể cả khi có người khác ở gần, chúng ta không nhất thiết phải đeo khẩu trang nếu không nói chuyện. Chính phủ khuyến nghị chúng ta đặc biệt nên tháo khẩu trang vào mùa hè để đề phòng sốc nhiệt.

Khi ở trong nhà, chúng ta có thể tháo khẩu trang nếu duy trì được khoảng cách ít nhất 2m với người khác, đồng thời nói chuyện rất ít với nhau.

Khi ở trường học, học sinh có thể tháo khẩu trang trong các giờ thể dục. Hướng dẫn này cũng được áp dụng đối với các hoạt động câu lạc bộ sau giờ học.

Đối với giải đấu các môn thể thao tiếp xúc, người tham gia cần tuân thủ hướng dẫn của các hiệp hội thể thao.

Việc đeo khẩu trang không được khuyến nghị đối với trẻ dưới 2 tuổi. Đối với trẻ mẫu giáo và nhà trẻ từ 2 tuổi trở lên, việc đeo khẩu trang là không cần thiết ở trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ, bất kể khoảng cách.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/6/2022).

Câu hỏi 432: Tiêm chủng cho trẻ em – Phần 9:Có nên tiêm vắc-xin vi-rút corona cho trẻ em?

Trả lời:
Giáo sư Nakayama Tetsuo thuộc Đại học Kitasato, một chuyên gia nhi khoa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêm vắc-xin, khuyên rằng nên tiêm cho trẻ em vốn có bệnh, ví dụ như hen suyễn nặng. Ông Nakayama cũng khuyên các gia đình có trẻ em không gặp vấn đề gì về sức khỏe thì có thể tự quyết định việc tiêm vắc-xin dựa trên lối sống của trẻ và hoàn cảnh gia đình. Ông gợi ý nên tiêm vắc-xin cho các em hay đến những nơi đông người, như đi học ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ trong trường hoặc tham gia hoạt động thể thao. Trẻ em sống với ông bà nên tiêm để bảo vệ người thân.

Ông Nakayama nói nhìn chung vắc-xin giúp chúng ta sống khỏe mạnh. Ví dụ trường hợp bệnh sởi, trong 1.000 người bị nhiễm thì chỉ có 1 người chuyển triệu chứng nặng, gồm có viêm não. Cho dù vậy, mọi người vẫn sẽ tiêm vắc-xin và hiếm khi nhiễm bệnh.

Ông Nakayama cho biết nên coi vắc-xin vi-rút corona như các loại vắc-xin khác, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mọi người hiểu rõ về vắc-xin và các bệnh truyền nhiễm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/5/2022).

Câu hỏi 431: Tiêm chủng cho trẻ em - Phần 8: Vắc-xin sử dụng công nghệ mới

Trả lời:
Vắc-xin COVID-19 là vắc-xin đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA). Khả năng áp dụng công nghệ này trong việc điều trị bệnh tật đã được nghiên cứu trong hơn 30 năm qua. RNA thông tin là loại vật chất dễ bị phân hủy. Chúng bị phá vỡ và biến mất vài ngày sau khi tiêm vắc-xin.

Theo bộ y tế Nhật Bản, mRNA sẽ không lưu lại trong cơ thể người cũng như không gây ra các phản ứng phụ. Bộ cũng cho biết thêm khả năng vắc-xin gây ra các vấn đề về sức khỏe nhiều năm sau khi tiêm là rất thấp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/5/2022).

Câu hỏi 430: Tiêm chủng cho trẻ em - Phần 7: Khả năng xảy ra phản ứng phụ nghiêm trọng

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản cho biết chứng viêm cơ tim gây ảnh hưởng đến chức năng tim được ghi nhận có xảy ra đối với trẻ em sau khi tiêm vắc-xin. Tính tới ngày 1/4, Nhật Bản đã tiêm 534.000 mũi vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Chỉ có một trẻ có triệu chứng viêm cơ tim.

Mỹ bắt đầu tiêm vắc-xin cho trẻ em trước Nhật Bản, và có nhiều nghiên cứu về phản ứng phụ sau tiêm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ CDC, trong số 1 triệu bé trai được tiêm vắc-xin, không có trường hợp nào xảy ra phản ứng phụ ảnh hưởng đến tim sau khi tiêm mũi thứ nhất. Tuy nhiên sau khi tiêm mũi thứ 2, có 4,3 trường hợp gặp phản ứng phụ.

Đối với các bé gái, số liệu về phản ứng phụ sau khi tiêm mũi đầu tiên là chưa đầy đủ. Sau mũi thứ 2, cứ mỗi 1 triệu trẻ được tiêm thì có 2 em gặp phản ứng phụ. Hầu hết các em có triệu chứng nhẹ và đã hồi phục.

Mỹ cho biết có 2 trẻ đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, 2 em này có bệnh nền và không khỏe trước khi tiêm. Không có dữ liệu cho thấy việc các em tử vong là do liên quan tới vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/5/2022).

Câu hỏi 429: Tiêm chủng cho trẻ em - Phần 6: Tác dụng phụ có thể xảy ra

Trả lời:
Tiêm vắc-xin có thể gây ra tác dụng phụ. Sau khi tiêm chủng, cũng có người xuất hiện triệu chứng như sốt hoặc cảm thấy đau tại vị trí tiêm.

Điều này xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng với vắc-xin, hoặc khi hệ thống miễn dịch "học" cách xác định vi-rút corona.

Chúng ta cùng xem các triệu chứng cụ thể là gì nhé.

Theo một nghiên cứu của công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ về trẻ em được tiêm vắc-xin, 74% trường hợp bị đau quanh vị trí tiêm sau mũi đầu tiên và 71% bị đau sau mũi thứ hai.

Có 34% trường hợp mệt mỏi sau mũi đầu tiên và 39% sau mũi thứ hai.
Sốt từ 38 độ C trở lên được ghi nhận ở 3% trường hợp sau mũi đầu tiên và 7% sau mũi thứ hai.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ít xuất hiện tác dụng phụ hơn so với người lớn. Hầu hết các em chỉ bị triệu chứng nhẹ, như đau cơ hoặc khó di chuyển cánh tay. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường biến mất sau một hoặc hai ngày.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/5/2022).

Câu hỏi 428: Tiêm chủng cho trẻ em - Phần 5: Hiệu quả của vắc-xin

Trả lời:
Năm 2021, công ty dược phẩm Mỹ Pfizer đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng về vắc-xin đối với trẻ từ 5 tới 11 tuổi. Theo công ty, kết quả cho thấy vắc-xin có hiệu quả 90,7% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm có triệu chứng ở trẻ em sau khi trẻ tiêm mũi thứ 2 được 7 ngày hoặc hơn.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng vắc-xin có hiệu quả thấp hơn đối với Omicron, một biến thể của vi-rút corona hiện đang lây lan ở Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới.

Trong một báo cáo công bố ngày 11/3 năm nay, các nhà khoa học của Mỹ cho biết nghiên cứu của họ cho thấy 2 liều vắc-xin Pfizer giảm 31% nguy cơ nhiễm Omicron ở trẻ từ 5 tới 11 tuổi.

Trong một nghiên cứu công bố vào ngày 30/3, các nhà khoa học Mỹ cho biết vắc-xin có hiệu quả 68% trong việc ngăn nhập viện ở trẻ em từ 5 tới 11 tuổi, kể cả nếu nhiễm Omicron. Theo nghiên cứu này, hầu như tất cả trẻ em có triệu chứng nặng đều chưa được tiêm chủng.

Các dữ liệu này cho thấy mặc dù việc tiêm chủng không thể ngăn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm, vắc-xin vẫn có hiệu quả trong việc không để trẻ có triệu chứng nặng tới mức cần nhập viện.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/5/2022).

Câu hỏi 427: Tiêm chủng cho trẻ em - Phần 4: Triệu chứng vi-rút corona ở trẻ em

Trả lời:
Riêng trong tuần tính đến ngày 19/4, Bộ y tế Nhật Bản cho biết đã ghi nhận thêm 314.370 ca nhiễm vi-rút corona trên cả nước, trong đó số trẻ em dưới 10 tuổi là 47.659 ca, tương đương 15,2% và cao nhất trong các nhóm tuổi.

Trong 2 năm từ khi bắt đầu đại dịch, có 959.662 trẻ em dưới 10 tuổi đã nhiễm vi-rút corona, trong đó 4 trẻ đã tử vong.

Riêng trong tuần tính đến ngày 19/4, 4 trẻ có triệu chứng nặng.

Hầu hết ca bệnh ở trẻ em có triệu chứng nhẹ, dù đôi lúc xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, nôn ói, và khó thở do xưng họng.

Một nhóm bác sĩ nhi khoa thuộc Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản cho biết trẻ em bị các bệnh tim hoặc phổi có nguy cơ cao chuyển nặng. Ngay cả những ca không có triệu chứng vẫn có thể bị di chứng như ho và khó thở.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/5/2022).

Câu hỏi 426: Tiêm chủng cho trẻ em - Phần 3: Trẻ em có nên tiêm vắc-xin không?

Trả lời:
Mỗi một gia đình có hoàn cảnh và cách suy nghĩ khác nhau. Vậy khi phải quyết định có cho trẻ em tiêm vắc-xin hay không ta nên tính tới những yếu tố gì?

Điều quan trọng là phải cân nhắc giữa những lợi ích có thể có và những rủi ro có thể xảy ra sau khi tiêm.

Lợi ích của việc tiêm vắc-xin bao gồm cả việc ngăn không cho trẻ bị nhiễm bệnh hoặc không bị trở nặng nếu mắc bệnh cũng như ngăn không để vi-rút lây lan cho người khác, đồng thời khiến các em cảm thấy yên tâm khi đến trường hoặc tới những nơi khác. Rủi ro bao gồm cả những phản ứng phụ, là phản ứng không mong muốn của vắc-xin. Các chuyên gia cho biết cũng cần cân nhắc đến những điểm như trên thực tế việc lây nhiễm vi-rút corona lan rộng ở trẻ em và những ca trẻ em bị nhiễm bệnh mà bị trở nặng ở Nhật Bản là khá hiếm. Họ cũng cho biết rằng cần cân nhắc một thực tế là vắc-xin ít có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Omicron, biến thể hiện đang hoành hành tại Nhật Bản và trên thế giới.

Việc chủng ngừa vi-rút corona cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cũng miễn phí giống như ở các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên không giống như việc chủng ngừa các bệnh như sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, việc tiêm chủng ngừa corona không có điều khoản pháp lý yêu cầu người giám hộ cần phải để cho trẻ được tiêm chủng.

Điều quan trọng là các gia đình cần thận trọng bàn bạc với con mình xem cần làm gì. Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa ra những số liệu để giúp mọi người đưa ra quyết định cho chính mình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/5/2022).

Câu hỏi 425: Tiêm chủng cho trẻ em - Phần 2: Vắc-xin hoạt động thế nào?

Trả lời:
Vắc-xin bảo vệ chúng ta khỏi vi-rút bằng cách kích hoạt phản ứng trong "‘hệ miễn dịch" của cơ thể. Hệ miễn dịch sẽ tấn công các yếu tố xâm nhập từ bên ngoài như vi-rút và vi khuẩn. Vi-rút corona có các ‘‘protein gai" nhô lên từ trên bề mặt. Các vắc-xin ngừa vi-rút corona chứa RNA thông tin, là vật chất chỉ dẫn cách sản sinh ‘‘protein gai". Khi tiêm vắc-xin, "protein gai" được sinh ra trong cơ thể dựa trên các chỉ dẫn đó. ‘‘Protein gai" này là bộ phận của vi-rút corona và ‘‘hệ miễn dịch" nhận diện chúng là thành phần lạ nên sản sinh ra một chất gọi là ‘‘kháng thể’’. Kháng thể có vai trò như vũ khí tấn công vi-rút. Theo cách này, cơ thể chúng ta học được cách chống lại khi vi-rút thật xâm nhập.

Khi bị nhiễm vi-rút corona mà chưa được tiêm phòng, ‘‘hệ miễn dịch" sẽ tìm cách chống lại vi-rút bằng cách sản sinh ra ‘‘kháng thể’’ phù hợp với hình dạng vi-rút đã xâm nhập. Tuy nhiên, cơ thể có thể không kịp sản sinh ra đủ "kháng thể’’ hoặc vi-rút có thể quá mạnh đến mức không thể chống lại được. Đó là lúc chúng ta xuất hiện các triệu chứng như ho, mệt mỏi, đôi khi còn chuyển nặng. Tiêm vắc-xin sẽ giúp cơ thể sản sinh trước các "kháng thể’’ chống lại vi-rút. Bằng việc chuẩn bị cho cơ thể trước khi vi-rút thật tấn công, ta có thể hạn chế việc bị lây nhiễm, xuất hiện các triệu chứng và chuyển biến nặng do vi-rút gây ra.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/5/2022).

Câu hỏi 424: Tiêm chủng cho trẻ em - Phần 1: Bao nhiêu trẻ đã được tiêm?

Trả lời:
Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi từ cách đây 2 tháng. Khoảng 9% trẻ em trong độ tuổi này đã được tiêm 2 mũi. Trẻ em nhiễm vi-rút ít bị triệu chứng nặng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số ca nhiễm ở trẻ em vẫn chưa giảm. Trong tiêm chủng cho trẻ em, lợi ích có lớn hơn rủi ro hay không? Trong loạt bài mới này, chúng tôi cung cấp thông tin với những dữ liệu mới để giúp trẻ em và người giám hộ cùng nhau quyết định có nên tiêm phòng hay không.

Chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Nhật Bản bắt đầu vào tháng 2/2022 bằng vắc-xin do công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ bào chế. Trẻ được tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần với liều lượng bằng 1/3 so với người lớn.

Tính đến ngày 2/5/2022, hơn 998.000 trẻ em từ 5 đến 11 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Con số này chiếm khoảng 13,5% trong tổng số 7.410.000 trẻ em ở độ tuổi này. Gần 660.000 trẻ em đã tiêm 2 mũi, tương đương 8,9%.

Một số nước bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em sớm hơn Nhật Bản. Tại Mỹ, tính đến ngày 20/4, có 28,3% trẻ em đã được tiêm 2 mũi. Tại Canada, tính đến ngày 10/4, tỷ lệ này là 40,7%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/5/2022).

Câu hỏi 423: Biến thể BA.2 và XE (6)

Trả lời:
Trong phần 6 của loạt bài nói về các biến thể mới của vi-rút corona, chúng tôi xin nói về những biện pháp chống lây nhiễm cần thực hiện hàng ngày.

Ngoài những biến thể phụ và những biến thể tái tổ hợp mà chúng tôi đã đề cập tới trong các phần trước, hiện còn có biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Những biến thể phụ này được phát hiện ra tại Nam Phi và một số nơi khác. Tuy nhiên hiện các chuyên gia chưa xác định được những biến thể phụ này có mức độ lây nhiễm đến đâu và độc lực của chúng ra sao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm các biến thể mới kết hợp của nhiều loại biến thể khác nhau của vi-rút corona. WHO cho biết chính vì vậy mà cần phải tiếp tục phân tích gen của những biến thể này và chia sẻ số liệu.

Giáo sư Hamada Atsuro, thuộc Bệnh viện trường Đại học Y khoa Tokyo cho biết BA.4 và BA.5 là biến thể phụ của Omicron, giống như biến thể phụ BA.2. Ông cho biết tất cả mọi biến thể này đều hình thành khi biến thể Omicron đột biến trong quá trình lây nhiễm và tự nhân lên.

Ông cho biết điều quan trọng là chúng ta cần theo dõi mỗi khi có biến thể mới xuất hiện ngay cả khi chúng ta chưa biết rõ biến thể đó có là mối đe dọa lớn hay không. Ông nói trong khi các chuyên gia đang cho rằng biến thể XE có khả năng lây nhiễm mạnh hơn trong số các biến thể tái tổ hợp thì chúng ta cũng chưa thể nói được rằng biến thể này có thể gây ra một làn sóng lây nhiễm mạnh khác hay không. Theo Giáo sư Hamada, chúng ta cần cảnh giác với khả năng một biến thể hoàn toàn mới có thể xuất hiện. Ông nói đó là lý do vì sao chúng ta cần duy trì hệ thống giám sát và tiếp tục thực hiện việc phân tích gen của vi-rút này.

Trong khi đó, Giáo sư Wada Koji thuộc trường Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế cho biết việc đột biến của các biến thể vi-rút corona mà chúng ta đã biết tới từ trước tới nay không nằm ngoài phán đoán của các nhà khoa học. Ông nói trong khi vẫn lưu ý tới những diễn biến mới ông nghĩ rằng sẽ không có những thay đổi lớn trong các biện pháp đối phó với việc lây nhiễm.

Giáo sư Wada cho biết BA.2 hiện đang là biến thể chủ yếu trong số các ca nhiễm mới và từ nay XE có thể sẽ trở thành biến thể chủ yếu. Tuy nhiên sự thay đổi các biến thể không dẫn tới việc thay đổi các biện pháp phòng chống mà chúng ta áp dụng hàng ngày và việc tiêm các mũi vắc-xin bổ sung ngừa COVID-19 vẫn là cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/4/2022).

Câu hỏi 422: Biến thể BA.2 và XE (5)

Trả lời:
Trong bài trước, chúng tôi giới thiệu biến thể XE, tái tổ hợp từ biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron. Tuy nhiên, XE không phải là biến thể tái tổ hợp duy nhất.

Các biến thể XD và XF đều là tái tổ hợp của biến thể Delta và biến thể phụ BA.1 của Omicron. Biến thể Delta là biến thể chủ đạo trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 ở Nhật Bản vào mùa hè năm 2021.

Biến thể XD hầu như giống với Delta tuy nhiên có các protein gai của BA.1.

Một tài liệu của cơ quan y tế Anh cho biết biến thể XD được phát hiện đầu tiên vào ngày 13/12/2021. Theo tài liệu này, tính đến ngày 1/4/2022, đã có 66 ca nhiễm biến thể XD ghi nhận tại Pháp, 8 ca nhiễm tại Đan Mạch và 1 ca tại Bỉ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa XD vào danh sách biến thể đang được theo dõi (VUM). VUM được định nghĩa là các biến thể COVID-19 chưa rõ ảnh hưởng, như mức độ nghiêm trọng của triệu chứng hoặc hiệu quả của vắc-xin hiện có. WHO cho biết mức độ lây lan của biến thể XD là hạn chế.

Biến thể XF hầu như giống với BA.1, bao gồm việc có các protein gai, nhưng có một số yếu tố giống với Delta. Cơ quan y tế Anh cho biết có 39 ca nhiễm biến thể XF được phát hiện ở Anh tính từ ngày 7/1 năm nay. Tuy nhiên, họ cho biết không có thêm ca nào từ sau ngày 14/2.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/4/2022).

Câu hỏi 421: Biến thể BA.2 và XE (4)

Trả lời:
Tại Anh và các nước khác đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể XE tái tổ hợp của các dòng phụ.

Hôm 11/4, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo phát hiện ca nhiễm biến thể XE đầu tiên tại điểm kiểm dịch ở sân bay.

Vi-rút có các đặc điểm mới khi chúng lặp lại các đột biến nhỏ, nhưng sẽ xuất hiện biến thể tái tổ hợp mới khi nhiều biến thể cùng xâm nhập vào 1 người và kết hợp các yếu tố gen di truyền của nhau.

XE là biến thể tái tổ hợp của 2 biến phụ BA.1 và BA.2 của Omicron. Hầu hết các bộ phận của biến thể XE, bao gồm cả protein gai trên bề mặt của vi-rút, đóng vai trò quan trọng khi nhiễm vào tế bào người, tương tự như biến phụ BA.2. Còn các bộ phận còn lại tương tự như BA.1.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể XE là một loại Omicron.

Trong một báo cáo, cơ quan y tế Anh cho biết kể từ lần đầu tiên phát hiện ra biến thể XE vào ngày 19/1/2022 cho đến ngày 5/4 đã ghi nhận được 1.179 trường hợp nhiễm biến thể tái tổ hợp này. Đã có cụm lây nhiễm nhỏ, nhưng kết quả phân tích vi-rút cho thấy biến thể XE chiếm chưa đến 1% tổng số ca phân tích tại nước này.

Cơ quan y tế Anh đã tiến hành phân tích bằng cách sử dụng mô hình toán học dựa trên dữ liệu cập nhật đến ngày 30/3, và ước tính tốc độ lây nhiễm của biến thể XE nhanh hơn 12,6% so với BA.2.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/4/2022).

Câu hỏi 420: Biến thể BA.2 và XE (3)

Trả lời:
Phần 3 nói về khả năng lây lan ở Nhật Bản trong thời gian tới đây của biến thể phụ "BA.2" của biến thể Omicron.

Ông Suzuki Motoi là người đứng đầu Trung tâm Giám sát, Tiêm chủng và Nghiên cứu Dịch tễ học tại Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm. Ông nói BA.2 dự kiến sẽ là biến thể chủ đạo trong làn sóng lây nhiễm thứ 7.

Ông Suzuki cho biết do "BA.2" được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn một chút so với BA.1, nên việc chuẩn bị để tăng cường hệ thống y tế là cần thiết, nếu tính đến khả năng số ca nhiễm trong làn sóng thứ 7 còn cao hơn so với làn sóng trước đó.

Khi biến thể Omicron "BA.1" bắt đầu lây lan trong làn sóng lây nhiễm thứ 6, dường như mọi người trở nên ít thận trọng hơn vì Omicron được cho là có nguy cơ khiến bệnh nhân chuyển nặng thấp hơn so với biến thể Delta. Tuy nhiên, số ca nhiễm trong làn sóng thứ 6 cao hơn đáng kể so với các đợt trước, dẫn đến số ca tử vong cao hơn. Có những lo ngại rằng điều tương tự có thể xảy ra với "BA.2".

Giáo sư Hamada Atsuo thuộc Bệnh viện Đại học Y Tokyo cho biết chủng BA.2 được cho là đã thay thế các biến thể khác, trở thành nguồn lây nhiễm chính ở hầu hết các nước trên thế giới. Ông lưu ý rằng biến thể này chiếm hơn 90% số ca nhiễm ở một số nước châu Âu. Ông cũng chỉ ra rằng điều quan trọng là Nhật Bản phải có biện pháp chống lây nhiễm triệt để hơn một chút, thông qua giảm tiếp xúc giữa người với người, cũng như thúc đẩy tiêm vắc-xin mũi bổ sung.

Theo Giáo sư Hamada, do số ca nhiễm mới đang tăng lên, đặc biệt là ở những người trong độ tuổi 20, các biện pháp hướng đến nhóm tuổi này có thể là chìa khóa để kiềm chế lây nhiễm tái bùng phát.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/4/2022).

Câu hỏi 419: Biến thể BA.2 và XE (2)

Trả lời:
Phần 2 loạt bài về biến thể của vi-rút corona giới thiệu đặc điểm biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron cũng như hiệu quả vắc-xin đối với biến thể này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể BA.2 dễ lây nhiễm hơn BA.1, vốn chiếm đa số trên thế giới trong làn sóng lây nhiễm thứ 6. Kết quả phân tích dữ liệu từ Đan Mạch cho thấy BA.2 có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn BA.1 là 15%. Cũng theo nghiên cứu này, hệ số lây nhiễm cơ bản của BA.2, tức là số người bị lây từ một người nhiễm vi-rút, dường như cao hơn BA.1 là 26%.

Tuy nhiên, nguy cơ trở bệnh nặng có vẻ thấp. WHO trích dẫn một phân tích từ Anh cho thấy tỷ lệ nhập viện của nhóm người nhiễm BA.1 và BA.2 không khác nhau. Cũng theo WHO, những người từng nhiễm BA.1 vẫn có thể nhiễm BA.2.

Nghiên cứu tại Anh cho thấy 71,3% số người nhiễm BA.1 sau khi tiêm mũi vắc-xin tăng cường ít nhất 1 tuần không xuất hiện triệu chứng. Con số này tăng nhẹ lên 72,2% đối với BA.2. Hiệu quả của vắc-xin sau khi tiêm mũi 3 ít nhất 15 tuần giảm xuống 45,5% đối với BA.1 và 48,4% đối với BA.2.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/4/2022).

Câu hỏi 418: Biến thể BA.2 và XE (1)

Trả lời:
BA.2 là một biến thể phụ của biến thể Omicron và có năng lực lây nhiễm mạnh hơn. Vào ngày 11/4, Nhật Bản đã xác nhận được ca lây nhiễm đầu tiên với biến thể XE, một biến thể phụ khác của Omicron. Đó là một người phụ nữ từ Mỹ tới Nhật. Chúng tôi xin giới thiệu phần 1 của loạt bài nói về các biến thể mới của vi-rút corona và các biện pháp cần có để ngăn chặn lây nhiễm và lây lan.

Vi-rút corona thường xuyên biến đổi trong khi lây lan trên toàn thế giới. Hiện nay, những biến thể chủ yếu đang phổ biến trên thế giới là biến thể phụ BA.2 của Omicron. Đây là biến thể phụ từ biến thể BA.1. Người ta đã phát hiện ra một phần gen bị biến đổi trong gai protein trên bề mặt của vi-rút. Những gai protein này đóng vai trò chính trong việc gây ảnh hưởng tới tế bào con người.

Tỷ lệ người bị nhiễm BA.2 đang gia tăng. Các cơ quan y tế của Anh cho biết những người bị nhiễm biến thể này hiện chiếm tới 93,9% các ca nhiễm trong tuần tính tới ngày 27/3. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ ước tính trong tuần tính đến ngày 2/4, các ca nhiễm biến thể này lên tới 72,2%.

Theo con số ước tính của Viện Nghiên cứu Quốc gia Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, được dựa trên số liệu của các cơ sở xét nghiệm tư nhân, số ca nhiễm BA.2 chiếm khoảng 30% các ca nhiễm tính tới giữa tháng Ba. Tuy nhiên, Viện này cho rằng số ca nhiễm biến thể này sẽ tăng lên 93% vào tuần đầu tiên của tháng 5 và sẽ lên gần 100% vào tuần đầu của tháng 6.

Tình trạng nhiễm BA.1 trong cộng đồng được xác nhận lần đầu tiên tại Nhật Bản là vào cuối tháng 12/2021. Chỉ trong vòng vài tuần tính tới giữa tháng 1 năm nay, biến thể này thực tế đã thay thế Delta, trở thành biến thể lây nhiễm chủ yếu. Tình trạng lây nhiễm cộng đồng của BA.2 được xác nhận lần đầu tiên tại Tokyo vào giữa tháng 2. Tốc độ lây nhiễm chuyển từ BA.1 sang BA.2 không nhanh bằng việc lây nhiễm chuyển từ biến thể Delta sang biến thể BA.1, nhưng hiện nay tốc độ lây nhiễm của BA.2 đang dần tăng lên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/4/2022).

Câu hỏi 417: Di chứng của vi-rút corona (5)

Trả lời:
Trong phần cuối của loạt bài về di chứng của vi-rút corona, chúng tôi xin giới thiệu các biện pháp điều trị cho bệnh nhân sẽ được áp dụng trong tương lai.

Giới chức tỉnh Saitama và Hiệp hội Y tế Saitama đã tiến hành phân tích các bệnh nhân có di chứng của vi-rút corona. Phần lớn các bệnh nhân này bị nhiễm trước khi số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh. Giới chức đã đưa kết quả phân tích thành hướng dẫn để chẩn đoán và điều trị. Dự kiến, giới chức cũng sẽ nghiên cứu về các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron và có di chứng của vi-rút.

Giới chức tỉnh Saitama dự kiến sẽ tăng số cơ sở y tế trong tỉnh có khả năng điều trị cho bệnh nhân có di chứng của vi-rút lên hơn 140 cơ sở. Họ muốn các cơ sở này phân bổ đều trên toàn tỉnh.

Ông Maruki Yuichi, quan chức cấp cao thuộc Hiệp hội Y tế Saitama, dự báo số lượng bệnh nhân có di chứng trong làn sóng lây nhiễm tiếp theo sẽ tăng ít nhất là 2 lần so với làn sóng lây nhiễm thứ năm. Ông cho biết các kết quả phân tích từ việc điều trị cho các bệnh nhân này sẽ được thêm vào hướng dẫn. Ông hi vọng điều này sẽ giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn tình trạng của bệnh nhân và điều trị cho các bệnh nhân này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/4/2022).

Câu hỏi 416: Di chứng của vi-rút corona (4)

Trả lời:
Trong phần 4, chúng tôi giới thiệu một trường hợp bệnh tình cải thiện nhờ kiên nhẫn điều trị.

Bệnh nhân là một học sinh 16 tuổi ở tỉnh Saitama. Cô bị nhiễm vi-rút vào tháng 5 năm 2021, ngay sau khi nhập trường cấp 3. Cô bị đau đầu dữ dội, khó thở và sốt cao gần 39 độ. Cô cách ly dưỡng bệnh tại khách sạn theo quy định, phục hồi và đi học trở lại. Nhưng chẳng bao lâu sau, cô bị chóng mặt, nhức đầu, vô cùng mệt mỏi và thấy vị giác và khứu giác thay đổi.

Đến mùa thu năm đó, cô chóng mặt quá, không thể đến trường, hầu như chỉ nằm trên giường. Cô đến khám ở 4 cơ sở y tế, nhưng các triệu chứng vẫn không cải thiện. Sau đó, cô đến một phòng khám tai mũi họng có khoa chuyên về di chứng hậu COVID. Một bác sĩ ở đây đã đề xuất cô tập luyện để giảm chóng mặt và phục hồi khứu giác.

Để chữa chóng mặt, cô tập nhìn vào một điểm trên tường rồi di chuyển mắt lên, xuống, trái và phải mà vẫn giữ nguyên vị trí đầu và các bộ phận khác của cơ thể. Bài tập này nhằm khôi phục lại cảm giác thăng bằng.

Trong bài tập phục hồi khứu giác, cô vừa ngửi các loại tinh dầu có mùi hương như mùi hoa oải hương hoặc mùi chanh vừa xem ảnh các cây này. Bài tập này để cô ghi nhớ lại được mùi hương. Cô đã tập hàng ngày ở nhà và dần hồi phục.

Ông Sakata Hideaki, giám đốc phòng khám nói trên, cho biết những bệnh nhân đến gặp bác sĩ sớm và được điều trị thích hợp có xu hướng hồi phục tương đối tốt. Còn một số bệnh nhân nào sau 3-6 tháng mới đi khám thì bệnh tình cải thiện rất ít. Ông nói rằng có khả năng có thêm nhiều bệnh nhân bị di chứng hậu COVID từ làn sóng lây nhiễm thứ 6, không thể chủ quan trong tình hình như vậy.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/4/2022).

Câu hỏi 415: Di chứng của vi-rút corona (3)

Trả lời:
Phần 3 của loạt bài về di chứng lâu dài của vi-rút corona nói về các trường hợp vẫn phải chịu các di chứng hậu COVID ngay cả khi đã bình phục được hơn 6 tháng.

Một bệnh nhân là nam giới trong độ tuổi 60 sống tại tỉnh Saitama, bị nhiễm vi-rút corona vào tháng 8/2021. Ông bị mệt mỏi, có triệu chứng viêm phổi và sốt cao gần 39 độ. Ông được điều trị tại nhà, nhưng bị mất vị giác và khứu giác nên hầu như không ăn uống được gì và bị sút hơn 10kg. Sau khi bình phục, ông quay lại làm việc tại công trường xây dựng. Tuy nhiên, ông thường phàn nàn rằng mình bị mệt mỏi kéo dài và mất ngủ. Ông nghỉ việc vào tháng 12 cùng năm và chưa thể quay lại làm việc.

Bệnh nhân này cho biết sau khi đi ngủ, ông có thể ngủ khoảng 1 tiếng, nhưng sau đó thức giấc và không thể ngủ lại được cho đến sáng. Ông cũng không đủ sức để làm việc liên tục. Ông nói mặc dù vẫn biết là mình phải làm gì, nhưng ông bắt đầu cảm thấy mơ hồ và không thể cử động tay chân. Ông cho biết mình không thể làm việc trong tình trạng như vậy.

Theo một chuyên gia về các di chứng hậu COVID, người đàn ông nói trên mắc phải triệu chứng gọi là sương mù não, tức là tình trạng cảm thấy mơ hồ, giảm sút trí nhớ và khả năng tập trung. Ông hiện đang dùng thuốc và được bác sĩ hướng dẫn điều trị hằng ngày, tuy nhiên tình trạng của ông vẫn chưa cải thiện sau 7 tháng. Ông vẫn phàn nàn về tình trạng mệt mỏi và mơ hồ. Bệnh nhân này cho biết mình không nghĩ là tình trạng này lại kéo dài như vậy, và cảm thấy bất an về tương lai.

Bác sĩ Kodaira Makoto, hiện đang điều trị cho bệnh nhân trên cho biết mệt mỏi và sương mù não là 2 di chứng hậu COVID phổ biến, thường có xu hướng kéo dài, trong một số trường hợp có thể đến 6 tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Ông nói bệnh nhân mắc các di chứng này cần được hỗ trợ lâu dài.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/4/2022).

Câu hỏi 414: Di chứng của vi-rút corona (2)

Trả lời:
Phần 2 của loạt bài về di chứng lâu dài của vi-rút corona giới thiệu các hướng dẫn y tế nhằm cải thiện tình trạng của bệnh nhân.

Đây là kết quả của một nghiên cứu do tỉnh Saitama và Hiệp hội Y tế Saitama tiến hành từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022 trên 422 bệnh nhân.

Trước hết, các bác sỹ nội khoa đưa ra hướng dẫn như sau:

1. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như mệt mỏi và chứng não sương mù, tức là tình trạng choáng váng, rối loạn trí nhớ và mất tập trung.

2. Bệnh nhân có thể mất tới 6 tháng hoặc lâu hơn để phục hồi. Các triệu chứng thường ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

3. Bác sỹ nên hướng dẫn các bệnh nhân đang hồi phục cách cân bằng giữa nghỉ ngơi và các hoạt động khác của đời sống.

4. Bác sỹ nên hỗ trợ bệnh nhân theo dõi và chung sống với các di chứng.

Tiếp theo là chỉ dẫn từ các bác sỹ tai-mũi-họng:

1. Các triệu chứng hậu COVID thường phổ biến hơn ở lứa tuổi thiếu niên.

2. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị giảm sút do suy giảm khứu giác và vị giác. Hỗ trợ tinh thần và tâm lý từ các bác sỹ là rất quan trọng để bệnh nhân hồi phục.

3. Một trong các lựa chọn điều trị được bác sỹ đưa ra là việc rèn luyện nhằm tăng cường khứu giác bằng cách ngửi nhiều loại mùi hương khác nhau.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/4/2022).

Câu hỏi 413: Di chứng của vi-rút corona (1)

Trả lời:
Tỉnh Saitama và Hiệp hội Y tế Saitama đã công bố một nghiên cứu được tiến hành từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022 về các bệnh nhân có di chứng của vi-rút corona. Nghiên cứu đã xem xét các triệu chứng của 422 bệnh nhân ngoại trú của 7 bệnh viện trong tỉnh.

Theo nghiên cứu, 25,6% bệnh nhân cho biết gặp vấn đề về khứu giác, 16,6% gặp vấn đề về hô hấp như bị thở dốc, 15,6% cảm thấy mệt mỏi, và 14,7% bị ho và có đờm.

Có 9,7% cho biết bị rụng tóc, 9,0% bị sốt, đau đầu hoặc cảm thấy khó chịu ở sau đầu, và 7,1% cảm thấy bất thường về vị giác.

Nghiên cứu cũng cho thấy một số bệnh nhân tiếp tục có các triệu chứng về lâu dài, khoảng 1 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/4/2022).

Câu hỏi 412: Lý do ca nhiễm vẫn cao trong làn sóng thứ 6 và tình hình tới đây (5)

Trả lời:
Tại Nhật Bản, làn sóng lây nhiễm thứ 6 đã qua đỉnh điểm nhưng tốc độ giảm số ca nhiễm vẫn chậm. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài tìm hiểu nguyên nhân số ca nhiễm không giảm nhanh. Phần 5 cũng là phần cuối sẽ nói về những điều có thể chuẩn bị cho thời gian tới.

Ông Omi Shigeru, người đứng đầu ban cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về vi-rút corona cho biết hôm 17/3 rằng số ca nhiễm mới có thể tăng lên sau khi dỡ bỏ biện pháp phòng dịch trọng điểm. Ông nói điều quan trọng là đảm bảo số bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng ở mức thấp và tránh để hệ thống y tế quá tải.

Ông Omi cho biết việc tiêm vắc-xin là cần thiết, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Ông nói số ca tử vong do COVID-19 sẽ tăng, tương tự một số quốc gia châu Âu, nếu chúng ta không tiếp tục các biện pháp phòng dịch. Ông kêu gọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và người khác, vì số ca nhiễm do giọt bắn và khí dung đang tăng lên.

Giáo sư Wada Koji thuộc Đại học Y tế Phúc lợi Quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm mũi vắc-xin tăng cường càng sớm càng tốt để bảo vệ bản thân, gia đình và bạn bè. Ông kêu gọi tất cả mọi người, kể cả giới trẻ hãy tiêm chủng đầy đủ, do họ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn sau khi nới lỏng các hạn chế. Ông cũng kêu gọi chính phủ làm rõ yêu cầu của mình đối với người dân và doanh nghiệp sau khi dỡ bỏ biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Ông Takayama Yoshihiro thuộc Bệnh viện Okinawa Chubu cho biết khả năng cao là có làn sóng lây nhiễm thứ 7, bởi vì tương tự 2 năm trước, số ca nhiễm tăng vọt sau khi các trường học kết thúc kỳ nghỉ xuân. Ông nói chúng ta cần chuẩn bị cho điều này.

Ông hy vọng chúng ta sẽ vượt qua làn sóng thứ 7 mà không cần áp dụng hạn chế nghiêm ngặt. Theo ông, cần phải có các biện pháp ngay khi xác nhận có người nhiễm vi-rút tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi để phòng tránh lây lan, song song với việc đẩy nhanh quá trình tiêm mũi tăng cường.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/4/2022).

Câu hỏi 411: Lý do ca nhiễm vẫn cao trong làn sóng thứ 6 và tình hình tới đây (4)

Trả lời:
Tại Nhật Bản, làn sóng lây nhiễm thứ 6 đã quá đỉnh điểm nhưng tốc độ giảm số ca nhiễm vẫn chậm. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài tìm hiểu nguyên nhân số ca nhiễm không giảm nhanh và tình hình tới đây sẽ như thế nào. Phần 4 nói về việc liệu biến thể Omicron BA.2 có thay thế biến thể Omicron ban đầu hay không.

Biến thể Omicron BA.2 là yếu tố gây quan ngại trong làn sóng lây nhiễm mới nhất ở Nhật Bản. Hôm 15/3, ban chuyên gia của bộ y tế đã họp và trình bày dự đoán về việc biến thể này sẽ lây lan ra sao ở Nhật Bản.

Giáo sư Nishiura Hiroshi của Đại học Kyoto đã phân tích dữ liệu xét nghiệm ở Tokyo và ước tính rằng cho tới ngày 1/4, tại thủ đô, biến thể BA.2 sẽ chiếm 82% tất cả các ca nhiễm Omicron và thay thế biến thể Omicron ban đầu.

Ông Suzuki Motoi là người đứng đầu Trung tâm Theo dõi, Tiêm chủng và Nghiên cứu Dịch tễ thuộc Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm. Ông đã phân tích các mẫu kết quả xét nghiệm tại 2 cơ sở xét nghiệm tư nhân và dự đoán tỷ lệ số ca nhiễm BA.2 trên khắp Nhật Bản. Theo ước tính của ông, biến thể này sẽ chiếm 70% tất cả số ca nhiễm trong tuần đầu tháng 4 và 97% tổng số ca nhiễm trong tuần đầu tháng 5.

Biến thể BA.2 được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn 20% so với biến thể BA.1, hiện đang chiếm đa số. Nếu BA.2 bắt đầu thay thế BA.1 thì các biện pháp phòng dịch hiện tại có thể không đủ để kiểm soát lây nhiễm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 31/3/2022).

Câu hỏi 410: Lý do ca nhiễm vẫn cao trong làn sóng thứ 6 và tình hình tới đây (3)

Trả lời:
Tại Nhật Bản, làn sóng lây nhiễm thứ 6 có đặc điểm là lây nhiễm biến thể Omicron đạt đỉnh. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm giảm chậm. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài tìm hiểu nguyên nhân số ca nhiễm không giảm nhanh và tình hình tới đây sẽ như thế nào.

Phần 3 nói về khả năng tái bùng phát lây nhiễm mà số ca nhiễm mới cứ tiếp tục không giảm.

Một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Hirata Akimasa thuộc Đại học Công nghệ Nagoya dẫn đầu đã tiến hành mô phỏng tình hình trong tương lai ở Tokyo bằng cách nhập nhiều dữ liệu khác nhau vào hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Những dữ liệu này bao gồm lưu lượng người đi lại, xu hướng lây nhiễm trước đây và tác động của việc tiêm chủng COVID-19.

Một giả định là sau khi các biện pháp phòng dịch trọng điểm kết thúc, lưu lượng người đi lại sẽ trở về mức cùng kỳ năm ngoái. Trong trường hợp này, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Tokyo được dự đoán sẽ giảm xuống còn hơn 5.400 ca vào đầu tháng 4, sau đó tăng nhẹ và đi ngang, đến cuối tháng 4 là hơn 5.600 ca.

Một giả định khác là lưu lượng người đi lại sẽ tăng 20% so với năm ngoái. Nếu như vậy, số ca nhiễm mới tính theo ngày dự kiến sẽ tăng dần từ đầu tháng 4 và lên đến hơn 7.700 ca vào giữa tháng 4.

Mô phỏng này cũng được tiến hành với giả định rằng lưu lượng người sẽ tăng và số lượng các buổi tiệc tùng ăn uống sẽ tăng ngang với dịp cuối năm đầu năm mới. Trong trường hợp này, số ca nhiễm mới mỗi ngày sẽ bắt đầu tăng từ cuối tháng 3 và lên đến hơn 13.000 ca vào giữa tháng 4.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu xét tác động của việc tiêm mũi vắc-xin thứ 3, không có khả năng số bệnh nhân nặng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, họ nói rằng có thể cần hạn chế số người tụ tập ăn uống để kiềm chế lây nhiễm tái bùng phát.

Giáo sư Hirata cho biết lưu lượng người đi lại và việc tụ tập ăn uống đông người có xu hướng tăng vào thời điểm này trong năm. Điều này khiến số ca nhiễm khó có thể giảm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/3/2022).

Câu hỏi 409: Lý do ca nhiễm vẫn cao trong làn sóng thứ 6 và tình hình tới đây (2)

Trả lời:
Ở Nhật Bản, làn sóng lây nhiễm thứ 6 đã qua điểm đỉnh nhưng tốc độ giảm số ca nhiễm vẫn chậm và có lo ngại cho rằng tình hình lây nhiễm này có thể dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ 7.

Trong loạt bài này, chúng tôi tập trung vào vấn đề tại sao số ca nhiễm không giảm nhanh và từ nay tình hình sẽ diễn biến ra sao. Trong phần 2 hôm nay, chúng ta cùng xem xét tình trạng lây nhiễm ở trẻ em.

Bộ y tế Nhật Bản cho biết trong tuần tính đến hết ngày 15/3, đã có trên 65.000 em dưới 10 tuổi bị nhiễm vi-rút corona mặc dù làn sóng lây nhiễm thứ 6 đã qua đỉnh điểm. Con số này cao so với số 10.380 ca nhiễm mới của trẻ trong độ tuổi này trong tuần tính tới hết ngày 31/8 năm ngoái, trong làn sóng lây nhiễm thứ 5.

Tỷ lệ ca nhiễm ở trẻ em so với toàn bộ số ca nhiễm mới cũng tăng. Đầu tháng 1, tỷ lệ này là khoảng 5%, nhưng trong tuần tính tới hết ngày 15/3, tỷ lệ này là 21%, vượt qua các lứa tuổi khác mặc dù số ca nhiễm nói chung trên cả nước bắt đầu giảm từ giữa tháng 2.

Số cụm lây nhiễm tại các cơ sở như nhà trẻ tăng lên con số cao kỷ lục là 229 cụm trong tuần tính tới hết ngày 14/3, tức tăng hơn 56 cụm so với tuần trước đó. Trong cùng thời kỳ này, cụm lây nhiễm tại các trường học cũng tăng thêm 59 cụm, lên thành 318 cụm.

Các chuyên gia cho biết với đối tượng là trẻ em tại các cơ sở như trường học, nhà trẻ, thì biến thế Omicron dễ dàng lây nhiễm hơn so với biến thể Delta. Họ cũng lưu ý rằng tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp hơn so với các độ tuổi khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/3/2022).

Câu hỏi 408: Lý do ca nhiễm vẫn cao trong làn sóng thứ 6 và tình hình tới đây (1)

Trả lời:
Tại Nhật Bản, làn sóng lây nhiễm thứ 6 có đặc điểm là lây nhiễm biến thể Omicron đạt đỉnh. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm giảm chậm và số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao. Có lo ngại rằng tình tình lây nhiễm có thể dẫn tới làn sóng thứ 7. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài tìm hiểu nguyên nhân số ca nhiễm không giảm nhanh và tình hình tới đây sẽ như thế nào.

Các chuyên gia chỉ ra những lý do chính dẫn đến số ca nhiễm giảm chậm. Theo các chuyên gia, thứ nhất là do công tác tiêm chủng mũi thứ 3 diễn ra chậm khiến lây nhiễm ở người cao tuổi vẫn tiếp diễn. Một lý do khác là lây nhiễm ở trẻ em bùng phát mạnh hơn bao giờ hết.

Hãy cùng xem tình hình lây nhiễm ở người cao tuổi trong làn sóng thứ 5. Tính đến cuối tháng 7/2021, khi số ca nhiễm tăng mạnh, hơn 70% người từ 65 tuổi trở lên đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2. Vào thời điểm đó, vi-rút đang lây lan rộng rãi trong thanh niên, nhưng lại không ảnh hưởng đến người cao tuổi, nên kết quả phân tích cho thấy số ca nhiễm giảm nhanh.

Trong khi đó, trong làn sóng lây nhiễm thứ 6 vào đầu tháng 1/2022, tác dụng bảo vệ của vắc-xin COVID-19 đã giảm sau một thời gian tiêm mũi thứ 2. Hơn nữa, số người từ 65 tuổi trở lên được tiêm mũi thứ 3 chưa đến 1%.

Tính đến ngày 5/2, thời điểm ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, mới chỉ có 15% người cao tuổi tiêm mũi 3 nên lây nhiễm dường như xảy ra ở nhóm người này sau khi lây lan trong thanh niên.

Hiện nay, lây nhiễm vẫn diễn ra ở người cao tuổi. Bộ y tế cho biết trong tuần tính đến hết ngày 14/3 có tới 341 cụm lây nhiễm được ghi nhận tại các cơ sở phúc lợi dành cho người cao tuổi trên cả nước.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/3/2022).

Câu hỏi 407: Phân biệt dị ứng phấn hoa và COVID-19 (8) Đi khám sớm nếu có các triệu chứng dị ứng phấn hoa

Trả lời:
Nếu năm nay đột nhiên xuất hiện các triệu chứng có thể do dị ứng phấn hoa, bạn không nên chủ quan và tự cho rằng đó là triệu chứng dị ứng.

Trang web thông tin về phấn hoa của Bộ Môi trường cho biết phấn hoa tuyết tùng đã bắt đầu phát tán trên khắp Nhật Bản.

Theo dự báo phấn hoa mùa này của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, lượng phấn hoa phát tán sẽ ít nhiều cao hơn so với năm ngoái tại nhiều khu vực, chủ yếu là miền Đông Nhật Bản.

Nếu bạn hắt hơi thường xuyên hoặc sổ mũi khi đang ở ngoài, mọi người xung quanh có thể lo lắng không biết đó là triệu chứng của dị ứng hay của COVID-19.

Khi xuất hiện triệu chứng, bạn nên đi khám và điều trị dị ứng phấn hoa sớm nhất có thể.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/3/2022).

Câu hỏi 406: Phân biệt dị ứng phấn hoa và COVID-19 (7) Cần làm gì khi không biết rõ là dị ứng hay nhiễm COVID-19

Trả lời:
Bác sĩ Kimura Yurika là người đứng đầu nhóm phụ trách các biện pháp đối phó vi-rút corona tại Hiệp hội Tai mũi họng và Phẫu thuật đầu cổ Nhật Bản.

Bà cho biết nếu chúng ta có những dấu hiệu dị ứng như mọi khi mà không có những triệu chứng đặc biệt nào khác, ví dụ như sốt cao, và xung quanh không có ai bị nhiễm COVID-19 thì có thể đi bác sĩ để được điều trị dị ứng mà không có vấn đề gì.

Bà cho biết nếu bị hắt hơi và chảy nước mũi như mọi khi nhưng năm nay lại có thêm những triệu chứng như sốt cao, đau họng hoặc đau đầu thì nên thông báo với phòng khám trước khi đến khám bệnh.

Bà cho biết bà mong muốn những ai bị dị ứng phấn hoa hãy sớm đi bác sĩ để được điều trị để tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ những người xung quanh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/3/2022).

Câu hỏi 405: Phân biệt dị ứng phấn hoa và COVID-19 (6) Những điều cần làm khi xuất hiện triệu chứng hắt hơi hoặc sổ mũi

Trả lời:
Hiệp hội Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ Nhật Bản kêu gọi những người bị dị ứng phấn hoa đi khám bác sĩ sớm hơn thường lệ.

Các bác sĩ cho biết việc điều trị sớm có thể giảm các triệu chứng dị ứng phấn hoa. Theo các bác sĩ, nhiều nghiên cứu cho thấy việc bắt đầu điều trị trước khi triệu chứng xuất hiện, hoặc khi triệu chứng vẫn còn nhẹ sẽ giúp giảm triệu chứng trong tương lai.

Hiện có nhiều thuốc trị dị ứng phấn hoa. Các chuyên gia cho biết những người bị dị ứng phấn hoa có thể được điều trị thích hợp tùy theo triệu chứng và tình hình sức khỏe nếu đi khám bác sĩ tai-mũi-họng.

Nếu có triệu chứng như đau họng, đau đầu hoặc cực kì mệt mỏi mặc dù đã được điều trị các triệu chứng dị ứng, bạn có thể nghi ngờ rằng mình đã nhiễm vi-rút corona.

Bạn cũng có thể nhiễm vi-rút nếu các triệu chứng mà bạn nghĩ là do dị ứng phấn hoa gây ra không thuyên giảm sau khi đã được điều trị.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/3/2022).

Câu hỏi 404: Phân biệt dị ứng phấn hoa và COVID-19 (5) Nguy cơ vô tình làm lây lan vi-rút corona

Trả lời:
Khuyến cáo của Hiệp hội Tai mũi họng và Phẫu thuật Đầu Cổ Nhật Bản đề cập đến những vấn đề có thể xảy ra trong bối cảnh bùng phát ca nhiễm biến thể Omicron vào mùa dị ứng phấn hoa.

Một trong số đó là nguy cơ làm lây lan vi-rút khi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết do nghĩ rằng bản thân có các triệu chứng bị dị ứng phấn hoa chứ không phải bị nhiễm vi-rút corona. Đặc biệt, những người vừa bị dị ứng phấn hoa vừa bị nhiễm biến thể Omicron cần phải cẩn thận khi hắt hơi. Hiệp hội cho biết khi hắt hơi làm phát tán lượng giọt bắn nhiều hơn gấp 10 lần so với khi ho.

Hiệp hội cũng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm gia tăng nếu để tình trạng dị ứng tiếp diễn. Nguyên nhân là người bị dị ứng có thể dùng tay bị nhiễm vi-rút dụi mắt dụi mũi cho đỡ ngứa, dẫn tới nhiễm bệnh qua niêm mạc.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/3/2022).

Câu hỏi 403: Phân biệt dị ứng phấn hoa và COVID-19 (4) Lo lắng khi không phân biệt được nguyên nhân

Trả lời:
Trong bài tư vấn của mình, Hiệp hội Tai-Mũi-Họng Nhật Bản đã liệt kê một số vấn đề mà mọi người sẽ gặp trong mùa dị ứng phấn hóa, giữa lúc biến thể Omicron lây lan.

Đầu tiên, họ liệt kê việc người có triệu chứng sẽ lo lắng vì không thể biết liệu mình bị dị ứng phấn hoa hay nhiễm COVID-19. Theo các chuyên gia thì người bị dị ứng phấn hoa khó có thể biết được rằng liệu mình có nhiễm vi-rút hay không. Ngay cả các bác sĩ, chuyên gia cũng khó có thể suy luận xem triệu chứng của bệnh nhân là do dị ứng phấn hoa hay nhiễm biến thể Omicron. Việc bệnh nhân không thể xác định nguyên nhân dẫn đến triệu chứng là điều dễ hiểu.

Khi bị sổ mũi, người bệnh sẽ vẫn có thể đến hoặc đi làm nếu nguyên nhân là do dị ứng phấn hoa. Nhưng nếu nghi nhiễm biến thể Omicron thì người bệnh nên ở nhà và đi khám bác sĩ. Việc không biết mình bị dị ứng hay nhiễm vi-rút khiến nhiều người lo lắng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/3/2022).

Câu hỏi 402: Phân biệt dị ứng phấn hoa và COVID-19 (3) Không thể xét nghiệm COVID-19 cho tất cả người bị dị ứng phấn hoa

Trả lời:
Một nhóm bao gồm Hiệp hội Miễn dịch và Dị ứng Tai-Mũi-Họng Nhật Bản đã tiến hành khảo sát trên toàn quốc vào năm 2019. Kết quả cho thấy có 42,5% số người trả lời cho biết họ bị một loại dị ứng phấn hoa nào đó, và 38,8% cho biết họ bị dị ứng phấn hoa tuyết tùng. Theo kết quả trên, cứ 3 người ở Nhật Bản thì có hơn 1 người bị dị ứng phấn hoa. Tuy nhiên, việc xét nghiệm COVID-19 cho nhiều người như vậy là không dễ trong trường hợp những người này xuất hiện triệu chứng như hắt hơi hay sổ mũi.

Dự phòng trường hợp này, Hiệp hội Tai-Mũi-Họng Nhật Bản đăng tải tư vấn lên trang web vào ngày 25/1, trước thời điểm mùa dị ứng phấn hoa bắt đầu.

Họ cho biết các triệu chứng ở người bị dị ứng phấn hoa như sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, mất khứu giác và mệt mỏi cũng là các triệu chứng thường gặp của người nhiễm COVID-19 và đặc biệt là biến thể Omicron. Họ cho biết điều này khiến những người bị dị ứng khó có thể xác định xem liệu họ có nhiễm vi-rút corona hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/3/2022).

Câu hỏi 401: Phân biệt dị ứng phấn hoa và COVID-19 (2) Ngay cả bác sĩ cũng khó phân biệt

Trả lời:
Bác sĩ Kimura Yurika đứng đầu một nhóm phụ trách các biện pháp phòng ngừa vi-rút corona thuộc Hiệp hội Tai – Mũi – Họng Nhật Bản. Bà cho biết ngay cả các chuyên gia y tế cũng gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa dị ứng phấn hoa và nhiễm biến thể Omicron.

Bà cho biết về một trường hợp bệnh nhân đến khám để nhận thuốc điều trị dị ứng phấn hoa như hắt hơi và sổ mũi như thường lệ. Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, bệnh nhân tái khám do bị họng đau nặng hơn và được chẩn đoán nhiễm vi-rút.

Bác sĩ Kimura cho biết trường hợp trên khiến bà nhận ra mức độ khó khăn của việc phân biệt triệu chứng nhiễm vi-rút corona ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Bà cho biết về mặt chuyên môn thì dị ứng phấn hoa có đặc điểm là sẽ khiến màng dịch ở mũi trở thành màu trắng, nhưng có nhiều trường hợp triệu chứng này không xuất hiện ở giai đoạn đầu. Cũng theo bà thì nếu không xét nghiệm vi-rút cho bệnh nhân thì ngay cả các bác sĩ cũng khó có thể phân biệt giữa dị ứng phấn hoa và COVID-19.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/3/2022).

Câu hỏi 400: Phân biệt dị ứng phấn hoa và COVID-19 (1) Nhiễm biến thể Omicron và dị ứng phấn hoa có triệu chứng tương tự

Trả lời:
Nhật Bản đang bước vào mùa dị ứng phấn hoa tuyết tùng và hoa của cây bách Nhật, trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh. Khi hắt hơi hay sổ mũi, chúng ta có thể băn khoăn không biết liệu mình bị dị ứng phấn hoa hay nhiễm COVID-19. Xin gửi đến quý vị loạt bài về những điều cần làm khi không rõ nguyên nhân dẫn đến triệu chứng của mình, cũng như những điều cần lưu ý và chuẩn bị.

Các bác sĩ tai mũi họng đã liệt kê một số triệu chứng chủ yếu của hiện tượng dị ứng phấn hoa: Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mắt, mệt mỏi, gặp vấn đề về khứu giác, sốt, đau họng, ngứa họng, ho, đau đầu nhẹ và ngứa tai.

Trong khi đó, theo Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản thì người nhiễm biến thể Omicron có những triệu chứng sau: 66,6% bị sốt, 41,6% bị ho, 22,5% bị mệt mỏi, và 21,1% bị đau đầu. Viện cũng cho biết có 12,9% có các vấn đề khác về hô hấp ngoài ho, 2,7% bị nôn mửa, 2,3% bị tiêu chảy, và 0,8% gặp các vấn đề về khứu giác và vị giác.

Một khảo sát khác của viện cho thấy 45,1% bệnh nhân bị ho, 32,8% bị sốt, 32,8% bị đau họng, 20,5% bị sổ mũi, 1,6% gặp vấn đề về khứu giác và 0,8% gặp vấn đề về vị giác. Một khảo sát khác do một nhóm các nhà nghiên cứu ở Anh cho thấy 60% các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron bị hắt hơi.

Từng người sẽ có các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, người bị dị ứng phấn hoa và người nhiễm biến thể Omicron thường có triệu chứng giống nhau như hắt hơi hay sổ mũi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/3/2022).

Câu hỏi 399: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (10) Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ

Trả lời:
Giáo sư Nakayama Tetsuo thuộc Đại học Kitasato là bác sĩ nhi khoa và là chuyên gia về tiêm chủng. Ông cho biết người dân nên hiểu về các lợi ích của việc tiêm chủng, cũng như nguy cơ như tác dụng phụ hoặc trong trường hợp trẻ bị nhiễm vi-rút.

Ông Nakayama liệt kê một số yếu tố cần cân nhắc. Theo ông thì nếu trẻ bị nhiễm, các em sẽ phải ở nhà trong thời gian dài ngay cả khi chỉ có triệu chứng nhẹ. Các em sẽ cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.

Giáo sư Nakayama cho biết vắc-xin không hoàn toàn ngăn ngừa lây nhiễm, nhưng có thể giữ cho các triệu chứng ở mức độ nhẹ. Ông cho biết vắc-xin cũng có thể ngăn trẻ mang vi-rút về nhà và lây lan cho bố mẹ hoặc ông bà.

Theo giáo sư thì cần tích cực khuyến khích tiêm chủng cho các em có bệnh lý nền và có nguy cơ trở nặng. Tuy nhiên, ông cho biết các chuyên gia vẫn bất đồng về việc liệu có nên khuyến khích tiêm chủng cho tất cả mọi người hay không.

Ông cho biết người dân có thể nghĩ rằng tuy số ca nhiễm ở trẻ em đang tăng nhưng số ca nặng không nhiều nên không cần tiêm vắc-xin cho trẻ em. Tuy nhiên, theo ông thì không thể biết trước được trường hợp nào sẽ trở nặng.

Giáo sư Nakayama cho biết không nên ép buộc mọi người tiêm vắc-xin. Theo ông thì điều quan trọng là người dân nên hiểu và tự đưa ra quyết định. Ông mong muốn mọi người có được thông tin chính xác và góc nhìn khoa học để tự đưa ra quyết định.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/3/2022).

Câu hỏi 398: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (9) Ý kiến phụ huynh

Trả lời:
Quận Koto của Tokyo tiến hành khảo sát đối với những người có con từ 5-11 tuổi và đăng ký trên tài khoản ứng dụng LINE của quận. Khảo sát được tiến hành từ 10-13/2 với hơn 2.000 người trả lời.

Khi được hỏi liệu có muốn tiêm vắc-xin cho trẻ em hay không, có 31,3% cho biết “có cho tiêm, càng sớm càng tốt”, và 48,7% trả lời rằng “chờ một khoảng thời gian và nếu không có vấn đề gì thì sẽ cho tiêm”. Trong khi đó, có 20% cho biết họ không muốn tiêm vắc-xin cho con em mình.

Khi được hỏi liệu có cảm thấy lo lắng khi cho trẻ tiêm vắc-xin hay không, có 39,6% cho biết họ “rất bất an”, và 49,7% trả lời “bất an một chút”. Kết quả này cho thấy nhiều người cảm thấy lo lắng khi cân nhắc tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/3/2022).

Câu hỏi 397: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (8) Có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện ở trẻ em

Trả lời:
Hôm 1/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố kết quả nghiên cứu về hiệu quả của vắc-xin Pfizer-BioNTech đối với trẻ em và trẻ vị thành niên từ 5-17 tuổi. Nghiên cứu trên được thực hiện từ đầu tháng 4 năm ngoái đến cuối tháng 1 năm nay. Đối tượng nghiên cứu là khoảng 40.000 trẻ em và trẻ vị thành niên nhiễm COVID-19 được chăm sóc y tế khẩn cấp hoặc nhập viện tại các cơ sở y tế trên toàn nước Mỹ.

Theo nghiên cứu, đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, vắc-xin có hiệu quả ngăn ngừa nhập viện ở mức 74% với các em đã tiêm đủ 2 mũi. Trong nhóm từ 12-17 tuổi, tỉ lệ ngăn ngừa nhập viện là từ 73-94% tùy theo thời điểm tiêm chủng.

CDC tiếp tục khuyến nghị tiêm chủng cho trẻ trong nhóm tuổi trên. Cơ quan này cho biết hiệu quả bảo vệ chống lây nhiễm của vắc-xin suy giảm theo thời gian, nhưng vắc-xin vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhập viện.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/3/2022).

Câu hỏi 396: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (7) Có thể giúp trẻ em không trở bệnh nặng

Trả lời:
Giới chức y tế bang New York của Mỹ công bố báo cáo cho thấy hiệu quả của vắc-xin của Pfizer trong việc ngăn ngừa lây nhiễm đối với trẻ em từ 5-11 tuổi đã suy giảm nghiêm trọng khi Omicron trở thành biến thể chủ đạo. Giáo sư Nakayama Tetsuo thuộc Đại học Kitasato, bác sĩ nhi khoa chuyên về tiêm chủng vắc-xin, cho biết liều lượng vắc-xin tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi bằng 1/3 so với liều tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên. Ông cho biết thường thì không có gì quá khác biệt về kích thước cơ thể giữa một em 11 tuổi và một em 12 tuổi. Theo ông thì liều lượng vắc-xin càng ít thì hiệu quả của vắc-xin càng thấp. Vì vậy, ông cho rằng có thể dễ dàng kết luận là thời hạn hiệu quả của vắc-xin sẽ ngắn hơn ở trẻ dưới 12 tuổi.

Giáo sư Nakayama cho biết mục tiêu ban đầu của tiêm chủng là giúp những người bị nhiễm không trở bệnh nặng. Với quan điểm này thì theo ông, vắc-xin của Pfizer vẫn có tác dụng ở một mức độ nhất định, vì hiệu quả bảo vệ người nhiễm không phải nhập viện được xác định là ít nhất khoảng 50%. Ông cho rằng nên tiêm vắc-xin để có miễn dịch chống lại vi-rút hơn là bị nhiễm khi không có cơ chế phòng vệ nào.

Ông cũng cho biết việc quyết định liều lượng vắc-xin tiêm cho trẻ em là một vấn đề khó. Theo ông thì việc cần thiết là phải cân nhắc cẩn thận về việc liều tiêm cho trẻ em nên bằng bao nhiêu phần liều tiêm cho người lớn, cũng như dựa trên căn cứ nào để cắt giảm. Ông cho biết nên cân nhắc không chỉ về tuổi mà cả kích thước cơ thể trẻ. Theo ông thì có thể cân nhắc việc giảm dần liều vắc-xin theo độ tuổi của trẻ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/3/2022).

Câu hỏi 395: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (6) Hiệu quả vắc-xin có thể giảm theo thời gian

Trả lời:
Hôm 28/2, giới chức y tế bang New York của Mỹ công bố báo cáo về hiệu quả của vắc-xin của Pfizer trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và nhập viện đối với trẻ em từ 5-17 tuổi.

Báo cáo cho thấy đối với nhóm từ 12-17 tuổi, hiệu quả bảo vệ chống lây nhiễm của vắc-xin giảm từ mức 66% vào giữa tháng 12, thời điểm biến thể Omicron trở nên phổ biến, xuống còn 51% vào cuối tháng 1.

Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian trên, hiệu quả bảo vệ chống lây nhiễm của vắc-xin đối với nhóm từ 5-11 tuổi có mức suy giảm rõ rệt, từ 68% xuống còn 12%.

Các nhà nghiên cứu cho biết sự suy giảm này có thể là do trẻ trong nhóm tuổi trên chỉ được tiêm liều vắc-xin bằng 1/3 so với liều tiêm cho các em từ 12 tuổi trở lên.

Tính đến cuối tháng 1, hiệu quả của vắc-xin Pfizer trong việc phòng tránh cho trẻ không phải nhập viện là 73% đối với nhóm từ 12-17 tuổi, và 48% đối với nhóm từ 5-11 tuổi.

Theo các nhà nghiên cứu thì không có đủ dữ liệu để đưa ra phân tích chính xác do không có nhiều trẻ trở bệnh nặng.

Mặc dù kết quả trên chưa được kiểm chứng bởi bên thứ 3, các chuyên gia cho rằng kết quả này cho thấy khả năng cần phải nghiên cứu về phương án thay đổi liều lượng vắc-xin tiêm cho trẻ em, cũng như việc tiêm mũi tăng cường.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/3/2022).

Câu hỏi 394: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (5) Đánh giá của CDC Mỹ

Trả lời:
Giới chức y tế Mỹ khuyến cáo tiêm vắc-xin nếu các lợi ích của việc tiêm nhiều hơn nguy cơ, như khả năng xảy ra các triệu chứng nặng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi và cho biết việc tiêm vắc-xin an toàn, hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích hơn nguy cơ.

Giới chức y tế ở Canada và Pháp cũng có chung quan điểm. Trong khi đó, giới chức Anh và Đức cho biết chỉ nên tiêm vắc-xin cho các em có nguy cơ cao nhiễm vi-rút, hoặc trong gia đình có người có hệ miễn dịch yếu.

Vào tháng 11/2021, Ủy ban Cố vấn về Các biện pháp miễn dịch của CDC nêu ra một số lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ em. Họ cho biết việc tiêm chủng sẽ ngăn lây nhiễm ở trẻ em và nếu bị nhiễm thì sẽ ngăn xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng. Vắc-xin còn có nhiều tác dụng khác như giúp ngăn chặn vi-rút lây lan thông qua trẻ em, và khiến các em cảm thấy an toàn để đến trường. Về các nguy cơ của vắc-xin thì ủy ban nêu ra các phản ứng phụ ngắn hạn, cùng với một số tác dụng phụ hiếm gặp như viêm cơ tim.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/3/2022).

Câu hỏi 393: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (4) Báo cáo của CDC Mỹ về tác dụng phụ

Trả lời:
Mỹ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào tháng 11. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố phân tích 4.249 báo cáo ghi nhận triệu chứng ở trẻ được tiêm vắc-xin trước ngày 19/12. Trong khoảng thời gian trên, có khoảng 8,7 triệu liều vắc-xin đã được tiêm cho trẻ em.

Theo phân tích của CDC Mỹ, có 4.149 trường hợp, tương đương 97,6%, không nghiêm trọng. Sau đây là một số triệu chứng cụ thể. Có 316 trường hợp, tương đương 7,6%, bị nôn mửa. Có 291 trường hợp, tương đương 7%, bị sốt và 255 trường hợp, tương đương 6,2%, bị đau đầu. Số trường hợp bị ngất cũng là 255 trường hợp. Có 244 trường hợp, tương đương 5,9%, bị chóng mặt, và 201 trường hợp, tương đương 4,8%, bị mệt mỏi. Trong số 100 trường hợp được CDC coi là các trường hợp nghiêm trọng thì có 29 trường hợp, tương đương 29% bị sốt, 21 trường hợp, tương đương 21%, bị nôn mửa, và 12 trường hợp, tương đương 12%, bị co giật.

Trong số các em được tiêm vắc-xin, có 11 trường hợp được chẩn đoán bị viêm cơ tim, tuy nhiên theo báo cáo thì tất cả các em đều đã hồi phục. Phân tích của CDC cho thấy số ca bị viêm cơ tim ở nhóm tuổi này thấp hơn nhiều so với số ca trong nhóm từ 12 tuổi trở lên.

Có 2 em tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, CDC cho biết cả 2 em đều có tiền sử bệnh lý phức tạp, và có tình trạng sức khỏe xấu trước khi tiêm. Phân tích của CDC cũng cho biết thêm rằng không có bằng chứng cho thấy vắc-xin gây tử vong.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/3/2022).

Câu hỏi 392: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (3) Các triệu chứng ghi nhận trong thử nghiệm lâm sàng

Trả lời:
Hai công ty Pfizer và BioNTech đã tiến hành thử nghiệm đối với hơn 2.200 em nhỏ từ 5-11 tuổi ở Mỹ, Tây Ban Nha và một số nơi khác. Có ghi nhận về một số triệu chứng như đau ở chỗ tiêm và mệt mỏi, nhưng đa số các triệu chứng đều ở mức từ nhẹ đến vừa và tình trạng của các em đều cải thiện trong vòng 1-2 ngày.

Sau đây là một số triệu chứng cụ thể.

Có 74% số trẻ tham gia thử nghiệm cho biết bị đau ở chỗ tiêm sau khi tiêm mũi thứ nhất. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 71%.

Có 34% cho biết cảm thấy mệt mỏi sau khi tiêm mũi thứ nhất. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 39%.

Có 22% cho biết bị đau đầu sau khi tiêm mũi thứ nhất. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 28%.

Có 15% cho biết chỗ tiêm bị đỏ sau khi tiêm mũi thứ nhất. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 19%.

Có 10% cho biết chỗ tiêm bị sưng tấy sau khi tiêm mũi thứ nhất. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 15%.

Có 9% cho biết bị đau cơ sau khi tiêm mũi thứ nhất. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 12%.

Có 5% cho biết cảm thấy ớn lạnh sau khi tiêm mũi thứ nhất. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 10%.

Có 3% cho biết bị sốt từ 38 độ C trở lên sau khi tiêm mũi thứ nhất. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 7%.

Có 14% cho biết đã uống thuốc hạ sốt sau khi tiêm mũi thứ nhất. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 20%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/3/2022).

Câu hỏi 391: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (2) Thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả 90,7% trong ngăn ngừa triệu chứng

Trả lời:
Công ty dược phẩm Pfizer đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với hơn 2.200 trẻ em từ 5-11 tuổi tại một số nước như Mỹ và Tây Ban Nha. Họ cho biết theo kết quả thử nghiệm thì vắc-xin có hiệu quả 90,7% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng lây nhiễm. Pfizer cũng cho biết vắc-xin an toàn do các triệu chứng ở trẻ sau khi tiêm đa phần là các triệu chứng từ nhẹ đến vừa.

Trong thử nghiệm, hơn 1.500 em nhỏ đã được tiêm 2 liều vắc-xin, mỗi liều 10 microgram, tương đương 1/3 liều vắc-xin dành cho người lớn. Khoảng cách giữa 2 liều vắc-xin là 3 tuần. Có 750 em được tiêm giả dược. Các nhà nghiên cứu xác nhận rằng nồng độ kháng thể trung hòa trong số các em được tiêm vắc-xin ngang với người từ 16-25 tuổi được tiêm vắc-xin với liều lượng bình thường. Trong nhóm được tiêm vắc-xin, có 3 em xuất hiện triệu chứng nhiễm COVID sau ít nhất 7 ngày từ khi tiêm mũi thứ 2. Con số này ở nhóm được tiêm giả dược là 16 em. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng vắc-xin có hiệu quả 90,7% trong việc ngăn ngừa triệu chứng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/3/2022).

Câu hỏi 390: Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em (1) Chính sách về việc tiêm vắc-xin cho trẻ

Trả lời:
Ngày 21/2, Chính phủ Nhật Bản chính thức phê duyệt tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Liều vắc-xin dành cho nhóm tuổi này sẽ bằng 1/3 liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên. Các em sẽ được tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần. Chính phủ không khuyến khích tiêm chủng đại trà tại trường học. Các em sẽ được tiêm tại điểm tiêm chủng của chính quyền địa phương hoặc các phòng khám nhi khoa.

Hiện tại, trẻ em từ 5-11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vắc-xin COVID-19 do không có đủ dữ liệu để kiểm chứng hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron. Cần phải có sự đồng thuận từ cha mẹ hoặc người giám hộ khi trẻ trong độ tuổi này được tiêm vắc-xin. Bộ y tế khuyến cáo cha mẹ hoặc người giám hộ thảo luận kĩ lưỡng với trẻ về việc tiêm vắc-xin trước khi đi tiêm, dựa trên số liệu về tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin. Họ cũng khuyến nghị tham vấn bác sĩ gia đình trước khi quyết định liệu có nên tiêm vắc-xin hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/3/2022).

Câu hỏi 389: Tiêm trộn vắc-xin (3) Cân nhắc giữa hiệu quả và tác dụng phụ

Trả lời:
Giáo sư Ito Suminobu thuộc khoa y của Đại học Juntendo là người đứng đầu nhóm nghiên cứu của bộ y tế. Giáo sư cho biết tiêm trộn vắc-xin với mũi thứ 3 của Moderna cung cấp lượng kháng thể cao hơn so với tiêm cả 3 mũi đều bằng vắc-xin của Pfizer. Mặc dù ghi nhận nhiều tác dụng phụ hơn khi tiêm trộn như vậy, nhưng hầu như không có khác biệt về số người phải xin nghỉ ốm. Theo giáo sư, mọi người nên cân nhắc cả hiệu quả lẫn tác dụng phụ khi lựa chọn vắc-xin để tiêm mũi bổ sung.

Giáo sư Hamada Atsuo là giáo sư tại Bệnh viện Đại học Y khoa Tokyo và là một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm. Giáo sư cho biết các nước như Mỹ và châu Âu đang nhanh chóng quay trở lại cuộc sống và các hoạt động kinh tế xã hội như trước đại dịch. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng số ca nhiễm mới tại Nhật Bản chỉ vừa mới qua đỉnh dịch và mới chỉ khoảng hơn 10% dân số được tiêm mũi tăng cường. Ông cho biết tại các khu vực không ghi nhận quá nhiều ca nhiễm mới, việc khôi phục lại các hoạt động kinh tế xã hội là không có vấn đề gì. Tuy nhiên, tại các khu vực vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm mới như Tokyo và Osaka, trước khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm, giới chức nên cân nhắc tình trạng hệ thống y tế, cụ thể là tỷ lệ người cao tuổi đã được tiêm mũi tăng cường.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/2/2022).

Câu hỏi 388: Tiêm trộn vắc-xin (2) Các tác dụng phụ

Trả lời:
Một báo cáo của nhóm nghiên cứu của Bộ y tế Nhật Bản tổng hợp các tác dụng phụ mọi người gặp phải sau khi tiêm mũi tăng cường. Trong số những người tiêm 3 mũi đều bằng vắc-xin của Pfizer, 21,4% bị sốt từ 38 độ trở lên, 69,1% cảm thấy mệt mỏi và 55% bị đau đầu. Đối với những người tiêm 2 mũi đầu bằng vắc-xin của Pfizer và mũi tăng cường bằng vắc-xin của Moderna, 49,2% bị sốt từ 38 độ trở lên, 78% cảm thấy mệt mỏi và 69,6% bị đau đầu. Trong tất cả các trường hợp, tác dụng phụ xảy ra mạnh nhất 1 ngày sau khi tiêm và thường biến mất trong khoảng từ 2 đến 3 ngày.

Trong số những người được tiêm 3 mũi đều là vắc-xin của Pfizer, có 2 trường hợp nghi ngờ bị viêm cơ tim, nhưng các triệu chứng được cho là không nghiêm trọng. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận trong số những người được tiêm 2 mũi đầu bằng vắc-xin của Pfizer và mũi tăng cường bằng vắc-xin của Moderna.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/2/2022).

Câu hỏi 387: Tiêm trộn vắc-xin (1) Hiệu quả của mũi tiêm tăng cường

Trả lời:
Nhóm nghiên cứu của bộ y tế Nhật Bản phân tích dữ liệu từ các nhân viên y tế, là những người đầu tiên được tiêm mũi thứ 3. Tất cả các nhân viên này đều tiêm 2 mũi trước đó bằng vắc-xin của Pfizer. Tính đến ngày 28/1, có 2.826 người được tiêm mũi tăng cường bằng vắc-xin của Pfizer, còn 773 người tiêm vắc-xin của Moderna.

Các nhà nghiên cứu đo ở những người được tiêm lượng kháng thể chống lại biến thể gốc cũng như tìm hiểu các tác dụng phụ. Nhóm nghiên cứu trình bày kết quả tại cuộc họp ban chuyên gia của bộ y tế vào ngày 18/2.

Theo đó, nhóm nghiên cứu xem xét lượng kháng thể sinh ra sau khi tiêm mũi thứ 3 được 1 tháng ở đối tượng là những người không có loại kháng thể sinh ra sau khi nhiễm vi-rút. Những người tiêm mũi tăng cường bằng vắc-xin Pfizer có lượng kháng thể cao hơn trung bình 54,1 lần so với trước khi tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, những người tiêm mũi tăng cường bằng vắc-xin của Moderna có lượng kháng thể cao hơn trung bình 67,9 lần so với trước khi tiêm.

Sau khi xem xét thêm kết quả của các thử nghiệm ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu cho biết dường như tiêm mũi tăng cường bằng vắc-xin của Moderna có hiệu quả cao hơn trong việc chống lại biến thể Omicron.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/2/2022).

Câu hỏi 386: Hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày ở Nhật Bản – Những điều đã biết về biến thể Omicron (4) Hiệu quả của vắc-xin

Trả lời:
Trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn nhiễm biến thể Omicron đang được ghi nhận.

Trong báo cáo tuần công bố vào ngày 11/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về việc nguy cơ tái nhiễm gia tăng. Báo cáo cũng cho biết khi nhiễm biến thể Omicron hiệu quả của vắc-xin giảm trong việc phòng ngừa lây nhiễm, xuất hiện triệu chứng cũng như ngăn bệnh trở nặng.

Tại buổi họp báo hôm 31/12, giới chức y tế của Anh cho biết sau khi tiêm đủ 2 liều vắc-xin mRNA, chẳng hạn như vắc-xin của Pfizer và Moderna, từ khoảng 2 đến 4 tuần, vắc-xin sẽ có hiệu quả từ 65% đến 70% trong việc ngăn ngừa xuất hiện triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron. Hiệu quả sẽ giảm còn khoảng 10% sau 20 tuần.

Dữ liệu cũng cho thấy ở những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin của Pfizer, sau khi tiêm mũi tăng cường của Pfizer hoặc Moderna được 2 đến 4 tuần sẽ có hiệu quả từ 65% đến 75% trong việc ngăn ngừa xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, hiệu quả giảm còn 55% đến 70% sau 5 đến 9 tuần và còn 40% đến 50% sau 10 tuần.

Trong khi đó, dữ liệu cho thấy so với ngăn xuất hiện triệu chứng, vắc-xin có hiệu quả hơn trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng cũng như phải nhập viện. Đối với những người đã tiêm 2 mũi vắc-xin của Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca, vắc-xin có hiệu quả 72% trong việc ngăn nhập viện trong vòng từ 2 đến 24 tuần sau khi tiêm, sau đó giảm còn 52% sau 25 tuần. Dữ liệu cũng cho thấy vắc-xin có hiệu quả 88% trong việc giảm nguy cơ nhập viện sau khi tiêm mũi vắc-xin thứ 3 được 2 tuần.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/1/2022).

Câu hỏi 385: Hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày ở Nhật Bản – Những điều đã biết về biến thể Omicron (3) Thận trọng dù nguy cơ chuyển nặng thấp – 2

Trả lời:
Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 31/12 năm ngoái, giới chức y tế tại Anh cho biết nguy cơ những người bị nhiễm biến thể Omicron phải nhập viện bằng khoảng 1/3 so với biến thể Delta. Giới chức cũng nói những người đã tiêm vắc-xin mũi 2 được 14 ngày trở lên có nguy cơ phải nhập viện thấp hơn 65% so với những người không tiêm vắc-xin. Trong khi đó, những người đã tiêm mũi thứ 3 được 14 ngày được cho là có nguy cơ nhập viện thấp hơn 81% so với những người không tiêm vắc-xin.

Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng trong việc xem xét dữ liệu. Giới chức tại Anh cho biết tiêm mũi tăng cường có hiệu quả trong việc ngăn bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Tại Anh, tính đến ngày 10/1, có 62,3% dân số đã được tiêm mũi thứ 3.

Trong khi đó tại Nhật Bản, tính đến ngày 17/1, chỉ 1,1% dân số đã được tiêm mũi tăng cường. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết biến thể Omicron đang gây áp lực lớn cho hệ thống y tế tại nhiều quốc gia, mặc dù nguy cơ nhập viện thấp hơn. Nguyên nhân là khi ca nhiễm tăng thì số ca bệnh nặng và số ca tử vong cũng tăng theo.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/1/2022).

Câu hỏi 384: Hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày ở Nhật Bản – Những điều đã biết về biến thể Omicron (2) Thận trọng dù nguy cơ chuyển nặng thấp

Trả lời:
Ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy biến thể Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác.

Trong báo cáo tuần công bố ngày 11/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong giai đoạn Omicron là biến thể chủ đạo, tỷ lệ nhập viện dường như thấp hơn và có ít bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn. Hôm 4/1, giới chức WHO cho biết so với các biến thể khác, có khả năng Omicron ảnh hưởng nhiều hơn đến đường hô hấp trên, bao gồm mũi và họng, nhưng ít lan đến phổi và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, giới chức cũng cảnh báo cần phải nghiên cứu thêm để chứng minh cho nhận định trên.

Tại Nhật Bản, dữ liệu sơ bộ thu thập được tại Okinawa giúp cung cấp một số thông tin nguy cơ bệnh chuyển nặng do các chủng vi-rút corona khác nhau gây ra.

Giới chức tiến hành khảo sát đối với bệnh nhân COVID-19 trong tỉnh khi số ca mắc lên đến 650 ca ở một số thời điểm của đại dịch.

Theo đó, tính đến ngày 1/4 năm ngoái, khi biến thể ban đầu chiếm ưu thế, có 84,8% bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, còn 0,6% bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng.

Đến ngày 18/7, ở giai đoạn biến thể Alpha chiếm ưu thế, có 72,8% bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, còn 0,9% bệnh nhân chuyển nặng.
Vào ngày 4/1 năm nay, khi Omicron là biến thể chủ đạo,
92,3% bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và không có ai chuyển nặng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng ở thời điểm hiện tại, hầu hết bệnh nhân ở Okinawa là người trẻ tuổi và số ca nghiêm trọng có thể tăng cao nếu vi-rút lây nhiễm sang đối tượng người cao tuổi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/1/2022).

Câu hỏi 383: Hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày ở Nhật Bản – Những điều đã biết về biến thể Omicron (1) Biến thể Omicron

Trả lời:
Biến thể Omicron đang nhanh chóng lan rộng với tốc độ lây nhiễm chưa từng có. Liên tục có các báo cáo từ khắp nơi trên thế giới cho thấy khả năng lây nhiễm cao của biến thể Omicron. Số ca nhiễm biến thể Omicron cũng đang tăng mạnh tại Nhật Bản, với số ca nhiễm mỗi ngày ở mức 20.000 ca. Chúng tôi giới thiệu đến các bạn loạt bài mới về những điều đã biết về biến thể Omicron: nguy cơ lây nhiễm, các triệu chứng nghiêm trọng và tác động đối với hệ thống y tế. Trong phần đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về khả năng lây nhiễm của biến thể Omicron.

Ngày 11/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo tuần cho biết biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Báo cáo đề cập đến nghiên cứu được tiến hành ở Đan Mạch vào tháng 12/2021, cho thấy tỷ lệ lây nhiễm thứ cấp tại các hộ gia đình là 31% đối với Omicron. Con số này ở biến thể Delta là 21%.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến thể Delta tối đa là 3 lần.

Tại Mỹ và các nước châu Âu, biến thể Omicron đã nhanh chóng thay thế biến thể Delta để trở thành biến thể chủ đạo.

Tại Anh, tính đến ngày 30/12/2021, biến thể Omicron chiếm khoảng 95% các số ca nhiễm mới và được ghi nhận ở hầu hết các khu vực của nước này.

Trong khi đó, CDC Mỹ cho biết tính đến ngày 8/1, tại Mỹ có khoảng 98,3% các ca nhiễm mới là biến thể Omicron, cho thấy Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo và gần như đã thay thế tất cả các chủng vi-rút corona khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/1/2022).

Câu hỏi 382: Làm sao để phân biệt cảm lạnh với COVID-19? (4) Bộ xét nghiệm kháng nguyên

Trả lời:
Theo các chuyên gia, bộ xét nghiệm kháng nguyên bán tại các hiệu thuốc sẽ giúp ích khi bạn xuất hiện triệu chứng vào ban đêm hoặc vào thời điểm khó có thể quyết định xem liệu có nên đi khám bác sĩ hay không. Tuy nhiên, nếu bạn không có triệu chứng thì không nên dùng bộ xét nghiệm kháng nguyên vì khi đó các xét nghiệm này sẽ kém chính xác hơn.

Khi có triệu chứng, bộ xét nghiệm kháng nguyên được cho là sẽ đưa ra kết quả đáng tin cậy nếu được sử dụng trong vòng 9 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng bộ xét nghiệm có dán nhãn “chẩn đoán trong ống nghiệm (in vitro)” hay còn được gọi là bộ xét nghiệm IVD. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên mua một bộ để phòng sẵn.

Tuy nhiên, bộ xét nghiệm kháng nguyên cũng có thể cho kết quả âm tính giả. Để cho chắc chắn, chúng ta cần phải đi khám bác sĩ nếu vẫn còn triệu chứng sau khi xét nghiệm âm tính. Ông Otsuka Yoshihito thuộc Trung tâm Y tế Kameda cho biết bộ xét nghiệm kháng nguyên được chính phủ cấp phép có giá chưa đến 2.000 yên (20 đôla) một bộ và có thể mua được dễ dàng. Ông cho biết người dân nên có sẵn bộ xét nghiệm ở nhà. Tuy nhiên, ông Otsuka cũng cảnh báo rằng xét nghiệm kháng nguyên có thể cho ra kết quả âm tính giả nếu nồng độ vi-rút không đạt đến một mức nhất định. Ông kêu gọi mọi người nên đi khám bác sĩ nếu vẫn có triệu chứng và cảm thấy lo lắng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/1/2022).

Câu hỏi 381: Làm sao để phân biệt cảm lạnh với COVID-19? (3) Những điều cần làm khi có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng

Trả lời:
Chính phủ trung ương đã chỉ thị cho chính quyền địa phương tại các khu vực “đặc biệt cần các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm” cung cấp xét nghiệm vi-rút corona miễn phí, ngay cả trong trường hợp người yêu cầu xét nghiệm không có triệu chứng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đang cung cấp xét nghiệm miễn phí cho những người không thể tiêm chủng vắc-xin. Tuy nhiên, xét nghiệm miễn phí dành cho những người không có triệu chứng lây nhiễm vi-rút.

Sau đây là những điều cần làm khi xuất hiện triệu chứng nhẹ.

Ban chuyên gia của bộ y tế kêu gọi mọi người đến các cơ sở y tế nếu bị sốt nhẹ, cảm thấy mệt mỏi hoặc cảm thấy không khỏe.

Ông Otsuka Yoshihito thuộc Trung tâm Y tế Kameda là thành viên ban chuyên gia đề xuất hướng dẫn về xét nghiệm vi-rút corona. Theo ông thì cần xét nghiệm cho những người có các triệu chứng cúm như đau họng, sổ mũi, sốt, đau đầu hoặc mệt mỏi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/1/2022).

Câu hỏi 380: Làm sao để phân biệt cảm lạnh với COVID-19? (2) Các triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron

Trả lời:
Ban chuyên gia thuộc bộ y tế đã họp vào ngày 6/1 và nghe báo cáo về 50 bệnh nhân tại tỉnh Okinawa được phát hiện nhiễm biến thể Omicron tính đến ngày 1/1.

Báo cáo cho thấy có 72% bệnh nhân sốt từ 37,5 độ C trở lên, còn 58% bị ho và 50% bị mệt mỏi. Cũng theo báo cáo, có 44% bị đau họng, 36% bị nghẹt mũi hoặc sổ mũi, 32% bị đau đầu và 24% bị đau khớp. Có 8% bị buồn nôn, nôn mửa, 6% cảm thấy khó thở và 2% bị mất khứu giác hoặc vị giác. Báo cáo cho biết chỉ có 4% không có triệu chứng nào.

Ông Wakita Takaji, người đứng đầu ban chuyên gia và là Viện trưởng Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm cho biết mặc dù các bệnh nhân COVID-19 được cho là thường có các triệu chứng về tiêu hóa hoặc bị mất khứu giác hay vị giác, báo cáo từ Okinawa cho thấy các ca nhiễm biến thể Omicron thường không có các triệu chứng này. Ông cho biết các triệu chứng của biến thể Omicron giống với cảm lạnh thông thường hơn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/1/2022).

Câu hỏi 379: Làm sao để phân biệt cảm lạnh với COVID-19? (1) Các triệu chứng COVID-19 thường gặp

Trả lời:
Nhật Bản đang ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng mạnh. Mùa đông cũng là mùa dễ bị cảm lạnh. Nhiều người khi bị cảm nhưng lại lo không biết mình có mắc COVID-19 hay không.

Người nhiễm COVID-19 sẽ có triệu chứng khác nhau. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có một số triệu chứng chung của những người nhiễm vi-rút như sốt, ho khan, mệt mỏi và mất khứu giác hoặc vị giác. Ngoài ra, một số người còn bị các triệu chứng khác như đau họng, đau đầu, tiêu chảy, mẩn ngứa, tay chân tím tái và mắt đỏ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng cho biết một số triệu chứng của COVID-19 bao gồm thở dốc, khó thở, bị đau cơ, đau người, bị nghẹt mũi, sổ mũi, buồn nôn, nôn mửa và ớn lạnh.

Câu hỏi được đặt ra là liệu các ca nhiễm biến thể Omicron có các triệu chứng như trên hay không.

Phát biểu hôm 4/1, một quan chức của WHO cho biết ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng biến thể Omicron ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, không giống như các biến thể khác gây ảnh hưởng đến phổi và gây ra bệnh viêm phổi nặng. Ông cho biết biến thể Omicron chủ yếu gây viêm ở mũi và họng. Điều này cho thấy các triệu chứng nổi bật của từng biến thể có thể khác nhau.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/1/2022).

Câu hỏi 378: Số ca nhiễm tăng mạnh tại Tokyo dịp cuối năm, đầu năm mới (2) Số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng

Trả lời:
Tokyo ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên hôm 16/12. Trong vòng 2 tuần kể từ thời điểm đó đến ngày 28/12, tổng số ca nhiễm biến thể Omicron là 13 ca. Chỉ riêng trong ngày 30/12 đã ghi nhận 9 ca nhiễm biến thể này, còn ngày 3/1 ghi nhận 25 ca nhiễm.

Đến ngày 28/12, chỉ có 1 ca được cho là nhiễm biến thể này trong cộng đồng. Tuy nhiên, con số này của cả 2 ngày 30/12 và 3/1 là 12 ca.

Một quan chức trong Chính quyền Thủ đô Tokyo cho biết số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh sau dịp Giáng sinh, và có thể biến thể này sẽ lây lan nhanh chóng trong dịp cuối năm, đầu năm mới.

Trong hệ thống y tế, tối đa 6.919 giường bệnh đã được đảm bảo cho những người nhiễm vi-rút corona. Tỉ lệ sử dụng giường bệnh tính đến ngày 3/1 là 3,5%. Chuyên gia thuộc chính quyền thủ đô cho biết theo tình hình hiện tại thì các cơ sở y tế có thể cân bằng ổn định trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm vi-rút corona và những bệnh nhân mắc các bệnh khác. Tuy nhiên, họ cảnh báo các cơ sở y tế có thể thiếu hụt giường bệnh, tùy thuộc vào tốc độ lây lan của biến thể Omicron.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/1/2022).

Câu hỏi 377: Số ca nhiễm tăng mạnh tại Tokyo dịp cuối năm, đầu năm mới (1) Tốc độ gia tăng số ca nhiễm

Trả lời:
Trong dịp cuối năm, đầu năm mới, Tokyo đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Số ca được cho là lây nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng cũng đang tăng. Chúng tôi giới thiệu thống kê số ca nhiễm từ ngày 29/12 đến ngày 5/1.

Ngày 29/12, Tokyo ghi nhận 76 ca nhiễm mới, chấm dứt 73 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới dưới mức 50 ca. Ngày 30/12, Tokyo ghi nhận 64 ca nhiễm. Trong ngày 31/12, số ca nhiễm mới được ghi nhận là 78 ca, cao nhất trong tháng 12. Số ca nhiễm mới trong cả 3 ngày này đều cao gần gấp đôi so với 1 tuần trước đó.

Vào đầu năm mới, số ca nhiễm mới trong ngày còn tăng cao hơn nữa. Trong 2 ngày 1/1 và 2/1, số ca nhiễm mới được ghi nhận lần lượt là 79 và 84 ca. Ngày 3/1, Tokyo ghi nhận 103 ca nhiễm mới, lần đầu tiên vượt 100 ca kể từ ngày 8/10/2021. Ngày 5/1, số ca nhiễm mới lên đến 390 ca. Một quan chức trong Chính quyền Thủ đô Tokyo cho biết số ca nhiễm mới đang trên đà tăng, và giới chức đang chuẩn bị cho khủng hoảng.

Cũng trong giai đoạn cuối năm, đầu năm mới, số ca lây nhiễm trong gia đình chiếm phần lớn. Trong 6 ngày tính đến ngày 3/1, trong số 484 ca nhiễm được ghi nhận thì đã xác định được đường lây nhiễm đối với 175 ca, tương đương 36,2%. Trong số này, có 101 ca là các ca lây nhiễm trong gia đình, chiếm phần lớn nhất, tương đương 57,7%. Có 12% là các ca nhiễm ở nơi làm việc. Các ca nhiễm khi ăn ngoài nhà hàng chiếm 9,1%, còn các ca nhiễm ở các cơ sở khác chiếm 7,4%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/1/2022).

Câu hỏi 376: Những điều biết được về biến thể Omicron (2) Vẫn phải cảnh giác trước mức độ nghiêm trọng của biến thể

Trả lời:
Có ý kiến cho rằng nếu bị nhiễm biến thể Omicron thì các bệnh nhân sẽ có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đây. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo vẫn cần cảnh giác trước mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron.

Các báo cáo từ châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc cho thấy đa số bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron không xuất hiện triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ cho biết “các dữ liệu sơ bộ cho thấy ca nhiễm biến thể Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đây; tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu dữ liệu lâm sàng đáng tin cậy về mức độ nghiêm trọng của biến thể này. Ngay cả khi tỉ lệ ca nhiễm triệu chứng nặng thấp hơn so với các biến thể trước đây, do số ca nhiễm có khả năng sẽ tăng nên có thể vẫn có nhiều người bị nặng”.

Bên cạnh đó, sau khi số ca nhiễm tăng một thời gian mới đến thời điểm số ca nặng và tử vong tăng.

Trong báo cáo hằng tuần công bố ngày 21/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dữ liệu lâm sàng về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron vẫn còn hạn chế. Họ cũng cho biết: “Số ca phải nhập viện tại Anh và Nam Phi tiếp tục tăng. Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh, có nguy cơ hệ thống y tế sẽ bị quá tải”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/12/2021).

Câu hỏi 375: Những điều biết được về biến thể Omicron (1) Các báo cáo cho thấy biến thể có tính lây nhiễm cao

Trả lời:
Các báo cáo trên toàn cầu cho thấy biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các biến thể trước đây. Biến thể này đang nhanh chóng trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại các nước như Anh và Mỹ, những nơi mà biến thể Delta từng chiếm phần lớn các ca nhiễm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tại những nước ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, số ca nhiễm đã tăng gấp đôi trong vòng từ 1 ngày rưỡi đến 3 ngày. Tại buổi họp báo hôm 20/12, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện đã có bằng chứng vững chắc về việc biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều so với biến thể Delta. Ông cũng cho biết có khả năng những người đã được tiêm vắc-xin hoặc đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 cũng có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/12/2021).

Câu hỏi 374: Hiệu quả của mũi tiêm tăng cường với biến thể Omicron (7) Tiêm mũi tăng cường có thể giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ - phần 4

Trả lời:
Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, mũi tăng cường sử dụng vắc-xin ngừa vi-rút corona của hãng dường như có hiệu quả cao đối với biến thể Omicron.

Theo các kết quả sơ bộ mà công ty công bố vào ngày 20/12, những người tiêm 2 mũi vắc-xin có lượng kháng thể trung hoà thấp đối với biến thể Omicron.

Mũi tăng cường có liều lượng 50 microgram của hãng được cấp phép tại Mỹ và Nhật Bản giúp tăng lượng kháng thể trung hoà chống lại biến thể Omicron lên khoảng 37 lần so với trước khi tiêm mũi tăng cường.

Nếu tiêm mũi tăng cường có liều lượng tương đương với 2 mũi trước là 100 microgram thì lượng kháng thể trung hoà sinh ra sẽ cao gấp khoảng 83 lần so với mức trước khi tiêm.

Theo hãng Moderna, biện pháp đầu tiên trong việc chống lại biến thể Omicron là tiêm mũi tăng cường của các loại vắc-xin hiện có. Công ty cho biết sẽ tiếp tục phát triển một loại vắc-xin đặc hiệu dùng cho biến thể Omicron. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, vắc-xin chống lại biến thể này là chưa cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/12/2021).

Câu hỏi 373: Hiệu quả của tiêm mũi tăng cường với biến thể Omicron (6) Tiêm mũi tăng cường có thể giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ - phần 3

Trả lời:
Hôm 15/12, cố vấn y khoa hàng đầu của Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết tiêm mũi thứ 3 các loại vắc-xin hiện có là đủ để ngăn ngừa biến thể Omicron.

Ông Fauci nói biến thể có thể làm giảm đáng kể khả năng ngăn ngừa lây nhiễm cũng như ngăn bệnh trở nặng nếu chỉ tiêm 2 mũi vắc-xin của Pfizer-BioNTech hoặc vắc-xin của Moderna.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng một số nghiên cứu gần đây cho thấy mũi thứ ba có thể giúp tăng đáng kể lượng kháng thể trung hòa, từ đó tăng khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron.

Theo ông Fauci, ở thời điểm hiện tại, ông không nghĩ rằng cần phải tiêm vắc-xin bào chế riêng cho từng loại biến thể cụ thể. Trước đó, Pfizer và Moderna thông báo đang nghiên cứu một loại vắc-xin mới dành riêng cho biến thể Omicron. Ông Fauci nhắc lại lời kêu gọi người dân Mỹ đi tiêm vắc-xin và tiêm mũi tăng cường các loại vắc-xin hiện có.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/12/2021).

Câu hỏi 372: Hiệu quả của tiêm mũi tăng cường với biến thể Omicron (5) Tiêm mũi tăng cường có thể giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ - phần 2

Trả lời:
Phòng thí nghiệm do giáo sư Alex Sigal đứng đầu thuộc Viện Nghiên cứu Y tế Châu Phi khuyến cáo mạnh mẽ rằng biến thể Omicron làm giảm đáng kể lượng kháng thể có được sau khi tiêm vắc-xin của Pfizer-BioNTech. Nghiên cứu huyết tương của 12 người đã tiêm vắc-xin cho thấy khả năng trung hòa biến thể Omicron của kháng thể thu được từ vắc-xin giảm đi 40 lần.

Một ước tính gần đây của viện cho thấy vắc-xin có thể chỉ có hiệu quả 22,5% trong việc phòng ngừa biến thể Omicron.

Theo kết quả nghiên cứu của viện, trong số mẫu máu của 6 người đã từng nhiễm vi-rút và tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, 5 mẫu có mức kháng thể trung hòa tương đối cao. Người phát ngôn của viện cho biết tiêm mũi tăng cường có nhiều khả năng giúp tăng lượng kháng thể và ngăn bệnh trở nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/12/2021).

Câu hỏi 371: Hiệu quả của tiêm mũi tăng cường với biến thể Omicron (4) Tiêm mũi tăng cường có thể giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ

Trả lời:
Hôm 8/12, hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức công bố kết quả nghiên cứu ban đầu về hiệu quả của vắc-xin đối với biến thể Omicron. Kết quả cho thấy mũi thứ 3 giúp tăng 25 lần lượng kháng thể so với 2 mũi vắc-xin và cung cấp mức độ bảo vệ tương đương như với chủng vi-rút ban đầu. Trong nghiên cứu nói trên, các công ty đã xét nghiệm mẫu máu của những người đã tiêm mũi thứ 3 được 1 tháng để xem xét lượng kháng thể trung hòa có khả năng chống lại biến thể Omicron. Họ phát hiện ra rằng lượng kháng thể của những người này tương đương với những người đã tiêm mũi thứ 2 để phòng ngừa chủng vi-rút ban đầu. Theo các công ty, mũi thứ 3 được cho là có khả năng bảo vệ cao trước biến thể Omicron.

Các công ty cũng cho biết 80% các bộ phận của protein gai, vốn là mục tiêu của các tế bào miễn dịch, không bị ảnh hưởng bởi các đột biến của biến thể Omicron. Điều này có nghĩa là tiêm đủ 2 liều vắc-xin có thể vẫn giúp ngăn bệnh chuyển biến nghiêm trọng. Theo các công ty, mũi thứ 3 được cho là giúp tăng lượng tế bào miễn dịch và bảo vệ người nhiễm COVID-19 không chuyển nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/12/2021).

Câu hỏi 370: Hiệu quả của tiêm mũi tăng cường với biến thể Omicron (3) Tế bào miễn dịch có thể giúp bệnh nhân không chuyển nặng

Trả lời:
Giáo sư Nakayama Tetsuo thuộc Đại học Kitasato là chuyên gia về vi-rút và vắc-xin. Ông chỉ ra rằng mặc dù biến thể Omicron có 30 đột biến ở các protein gai, vốn bám vào tế bào trong cơ thể người, số protein gai có đột biến chỉ chiếm 3% trong tổng số. Ông Nakayama lập luận vắc-xin không thể hoàn toàn vô hiệu đối với biến thể Omicron. Ông cho biết hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa lây nhiễm có thể suy giảm một phần, nhưng khả năng ngăn bệnh nhân nhiễm vi-rút chuyển nặng sẽ không suy giảm nhiều.

Ông Nakayama cho biết mũi tăng cường có khả năng tăng nồng độ kháng thể, cũng như giúp các tế bào miễn dịch nâng cao khả năng tấn công vi-rút xâm nhập. Theo ông thì mặc dù các đột biến có thể giúp vi-rút tránh kháng thể, nhưng khả năng bảo vệ nhờ các tế bào miễn dịch có thể phản ứng trước nhiều loại đột biến. Việc tiêm mũi tăng cường sẽ duy trì khả năng bảo vệ ở mức cao, dẫn đến số ca bệnh nặng giảm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/12/2021).

Câu hỏi 369: Hiệu quả của tiêm mũi tăng cường với biến thể Omicron (2) Chiến lược tiêm chủng mũi cơ bản – mũi bổ sung

Trả lời:
Ông Taniguchi Kiyosu là người đứng đầu khoa nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Quốc gia Mie, đồng thời là thành viên ban chuyên gia về vi-rút corona của chính phủ. Ông cho biết việc tiêm mũi tăng cường vừa có tác dụng tăng cường số lượng kháng thể, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập vững chắc bộ nhớ của hệ miễn dịch.

Khi tiêm mũi đầu tiên, còn được gọi là mũi cơ bản, cơ thể sẽ xác định vi-rút là mục tiêu và hướng dẫn hệ miễn dịch tấn công. Mũi thứ hai được tiêm sau đó sẽ giúp hệ miễn dịch củng cố bộ nhớ nhận diện vi-rút nào là mục tiêu. Mũi thứ ba, còn được gọi là mũi tăng cường, được tiêm để tăng cường và giúp bộ nhớ nhận diện vi-rút tồn tại lâu hơn. Chiến lược tiêm mũi cơ bản – mũi bổ sung nhờ vậy có thể huấn luyện hệ miễn dịch nhận biết đâu là “kẻ thù” và tăng cường bộ nhớ nhận diện.

Ông Taniguchi cho biết chiến lược tiêm chủng để có đủ khả năng miễn dịch là nhằm đề phòng xuất hiện triệu chứng nặng. Do vậy, chiến lược này cũng sẽ có tác dụng đối với bất cứ biến thể mới nào, trong đó có biến thể Omicron. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xúc tiến các biện pháp để tiêm mũi tăng cường.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/12/2021).

Câu hỏi 368: Hiệu quả của tiêm mũi tăng cường với biến thể Omicron (1) Gia tăng lượng kháng thể giúp chống lại biến thể mới

Trả lời:
Ngày càng có nhiều quan ngại về việc các vắc-xin COVID-19 hiện hành sẽ giảm hiệu quả trước biến thể Omicron. Ngày càng có nhiều ca nhiễm biến thể mới này được ghi nhận trên toàn cầu. Quan ngại về biến thể mới xuất hiện trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đang tiến hành tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm đủ 2 mũi. Loại vắc-xin dùng để tiêm mũi tăng cường cũng là loại được dùng để tiêm 2 mũi trước đây, và được bào chế để chống lại các thể vi-rút trước đây. Chúng tôi phỏng vấn chuyên gia về lý do cần phải tiêm mũi thứ 3, cũng như việc tiêm mũi tăng cường có hiệu quả đến đâu trong việc chống lại biến thể Omicron.

Biến thể Omicron có một số đột biến ở các protein gai. Các protein gai này đóng vai trò quan trọng trong việc xâm nhập tế bào ở vật chủ. Việc xuất hiện đột biến đồng nghĩa với việc các kháng thể trung hòa có thể gặp khó khăn hơn trong việc kết hợp với các gai này và ngăn ngừa lây nhiễm.

Ông Taniguchi Kiyosu là người đứng đầu khoa nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Quốc gia Mie, đồng thời là thành viên ban chuyên gia về vi-rút corona của chính phủ. Ông cho biết việc tiêm mũi tăng cường vẫn có ý nghĩa, ngay cả khi vắc-xin giảm hiệu quả đối với biến thể Omicron. Theo ông Taniguchi thì trong trường hợp ngay cả khi biến thể mới làm suy giảm ¼ hiệu quả của các kháng thể trung hoà, vẫn sẽ có hiệu quả bảo vệ tương đương nếu nồng độ kháng thể tăng lên 4 lần sau khi mũi vắc-xin giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ông cho rằng thông qua việc tiêm mũi tăng cường và gia tăng tổng số lượng kháng thể, sẽ có thể có được nhiều kháng thể hơn để chống lại biến thể Omicron.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/12/2021).

Câu hỏi 367: Tác dụng của các loại thuốc với biến thể Omicron – Phần 4: Thuốc ức chế phản ứng miễn dịch quá mức “được kỳ vọng có hiệu quả chống lại biến thể Omicron”

Trả lời:
Các loại thuốc dexamethasone và baricitinib ức chế phản ứng miễn dịch quá mức khi lượng vi-rút gia tăng. Cả 2 loại thuốc này đều được cho là sẽ có hiệu quả khi điều trị COVID-19, bất kể bệnh nhân bị nhiễm biến thể nào.

Giáo sư Morishima Tsuneo thuộc Đại học Y khoa Aichi cho biết không phải các loại thuốc kháng thể sẽ không có tác dụng chống lại biến thể mới Omicron. Tuy nhiên, ông cho rằng chúng ta không thể hiểu rõ về mức độ suy giảm hiệu quả của thuốc điều trị đối với biến thể này khi chưa tìm hiểu thực tế các bệnh nhân đã dùng thuốc.

Về các loại thuốc điều trị dạng uống, ông cho biết các loại thuốc này được cho là sẽ có hiệu quả chống lại biến thể Omicron tương tự như đối với các biến thể khác, do các loại thuốc này ngăn ngừa vi-rút nhân bản trong tế bào.

Ông Morishima cho biết theo chiến lược hiện tại thì một khi được cấp phép, cần sử dụng thuốc điều trị dạng uống và thuốc kháng thể trong giai đoạn đầu mới nhiễm vi-rút. Theo ông thì chiến lược này sẽ không đổi, ngay cả khi hiệu quả của thuốc thay đổi trong điều trị các ca nhiễm biến thể Omicron.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/12/2021).

Câu hỏi 366: Tác dụng của các loại thuốc với biến thể Omicron – Phần 3: Thuốc ngăn vi-rút phát triển trong tế bào có hiệu quả đối với biến thể hay không?

Trả lời:
Trong số các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, một số loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa sản sinh enzym cần thiết cho sự phát triển của vi-rút trong tế bào. Một trong những loại thuốc này là thuốc remdesivir đã được giới chức y tế Nhật Bản phê duyệt. Thuốc này sẽ được truyền cho bệnh nhân có triệu chứng từ vừa đến nặng.

Việc phát triển thuốc dạng uống sử dụng chủ yếu trong điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ dưỡng bệnh tại nhà cũng đang được tiến hành. Trong số này có thuốc Molnupiravir do công ty dược Merck của Mỹ bào chế và đã nộp đơn lên bộ y tế Nhật Bản xin phê duyệt. Ngoài ra còn có thuốc Paxlovid do công ty dược Pfizer của Mỹ bào chế, đã nộp đơn lên cơ quan quản lý của Mỹ để xin sử dụng khẩn cấp. Công ty dược Shionogi của Nhật Bản cũng đang bào chế một loại thuốc dạng uống tương tự.

Ông Morishima Tsuneo thuộc Đại học Y khoa Aichi cho biết các loại thuốc điều trị này nhằm vào vi-rút đã xâm nhập vào tế bào cơ thể nên sẽ giữ nguyên tác dụng đối với biến thể Omicron.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/12/2021).

Câu hỏi 365: Tác dụng của các loại thuốc với biến thể Omicron – Phần 2: Lo ngại về việc thuốc ngăn vi-rút xâm nhập tế bào bị giảm hiệu quả

Trả lời:
Trong số các loại thuốc đã được cấp phép sử dụng tại Nhật Bản, liệu pháp hỗn hợp kháng thể và thuốc sotrovimab được gọi là các loại thuốc kháng thể. Loại thuốc này ngăn không cho vi-rút corona xâm nhập bằng cách nhắm vào các protein gai trên bề mặt vi-rút, vốn là công cụ giúp vi-rút xâm nhập vào tế bào trong cơ thể người. Các loại thuốc trên được truyền vào cơ thể bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, nhằm ngăn bệnh trở nặng. Các chuyên gia cho biết biến thể Omicron có khoảng 30 đột biến ở protein gai, và điều này có thể làm giảm hiệu quả của quá trình điều trị nhằm ngăn vi-rút xâm nhập tế vào.

Ông Morishima Tsuneo thuộc Đại học Y khoa Aichi cho biết thuốc điều trị kháng thể nhắm vào các protein gai nên ông tin rằng các đột biến mới nhất sẽ có ảnh hưởng lớn đối với hiệu quả của điều trị. Tuy nhiên, ông cũng cho biết hiệu quả của thuốc điều trị có thể không bị ảnh hưởng nếu các đột biến không phải ở những protein gai mà thuốc nhắm đến.

Thuốc Sotrovimab được cho là có hiệu quả đối với biến thể Omicron do công ty sản xuất thuốc này là GlaxoSmithKline, một công ty dược lớn của Anh, đã thử nghiệm đối với vi-rút giống với biến thể Omicron và thấy thuốc có hiệu quả.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/12/2021).

Câu hỏi 364: Tác dụng của các loại thuốc với biến thể Omicron – Phần 1: Sự khác biệt giữa thuốc truyền tĩnh mạch và thuốc uống

Trả lời:
Các ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận trên khắp thế giới. Liệu các loại thuốc hiện nay có hiệu quả đối với biến thể này hay không? Chúng tôi tham vấn ý kiến của các chuyên gia về hiệu quả của nhiều loại thuốc trong việc điều trị các ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có các loại thuốc đang được sử dụng cũng như các loại thuốc đang trong quá trình phát triển.

Hiện tại, có 3 loại thuốc đang được dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút corona, bao gồm thuốc ngăn không cho vi-rút xâm nhập tế bào, thuốc ngăn vi-rút nhân lên sau khi xâm nhập vào tế bào và thuốc chặn phản ứng miễn dịch quá mức sau khi vi-rút đã nhân lên.

Ông Morishima Tsuneo của Đại học Y khoa Aichi là chuyên gia trong việc điều trị các ca nhiễm vi-rút corona. Ông cho biết hiệu quả của liệu pháp truyền tĩnh mạch, vốn nhằm vào các “protein gai” trên bề mặt vi-rút, có thể thay đổi tùy vào vị trí các gai nhô ra. Trong khi đó, các loại thuốc uống dùng cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được bào chế nhằm ngăn không cho vi-rút nhân lên dường như vẫn có hiệu quả. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về vấn đề này trong loạt bài tiếp theo.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/12/2021).

Câu hỏi 363: Nhật Bản bắt đầu tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 – Phần 3: Công tác chuẩn bị tại các địa phương

Trả lời:
Mũi thứ 3 vắc-xin ngừa vi-rút corona đã bắt đầu được triển khai tiêm từ ngày 1/12 với đối tượng là nhân viên y tế trên khắp Nhật Bản.

Các địa phương (thành phố, thị trấn, làng xã) trên khắp Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm tiêm vắc-xin cho cư dân. Việc triển khai tiêm 2 mũi trước đây từng gặp phải khó khăn do nhiều người khó đặt lịch hẹn qua điện thoại hoặc mạng internet khi đường truyền bị quá tải.

Vào ngày 26/11, NHK đã khảo sát 23 quận ở Thủ đô Tokyo về kế hoạch giải quyết vấn đề này khi triển khai tiêm mũi thứ 3.

19 quận cho biết đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn các vấn đề tương tự. 6 quận cho biết sẽ quy định thời gian, địa điểm tiêm mũi thứ 3 và gửi thông báo cho người dân. 8 quận cho biết sẽ tăng số lượng đường truyền điện thoại để đặt lịch hẹn, cũng như tăng số lượng các điểm hỗ trợ người dân đặt lịch tiêm vắc-xin.

Quận Edogawa ở Tokyo dự kiến sẽ tiêm cho những người cao tuổi đã tiêm mũi thứ 2 tại các điểm tiêm đại trà của quận được tiêm mũi thứ 3 vào thời gian đúng 8 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Những người này cũng sẽ được tiêm mũi thứ 3 tại cùng địa điểm, hoặc tại các điểm tiêm gần đó.

Người dân cũng có thể thay đổi thời gian và địa điểm tiêm vắc-xin qua điện thoại hoặc truy cập trang web của quận. Giới chức quận cho biết đang cân nhắc áp dụng các biện pháp tương tự cho những nhóm đối tượng khác nếu việc triển khai tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi theo kế hoạch nói trên diễn ra suôn sẻ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/12/2021).

Câu hỏi 362: Nhật Bản bắt đầu tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 – Phần 2: Sử dụng vắc-xin khác với loại đã tiêm

Trả lời:
Mũi thứ 3 vắc-xin ngừa vi-rút corona đã bắt đầu được triển khai tiêm từ ngày 1/12 với đối tượng là nhân viên y tế trên khắp Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản quyết định cho phép tiêm mũi tăng cường bằng vắc-xin khác với loại vắc-xin được dùng để tiêm 2 mũi trước đó. Giới chức đưa ra quyết định nói trên do hiện vẫn chưa rõ liệu có đủ vắc-xin Pfizer trong thời gian sớm nhất để tiêm mũi thứ 3 cho những người được tiêm 2 mũi đầu bằng vắc-xin này hay không.

Bộ y tế cho biết đã đảm bảo lượng vắc-xin Pfizer cho khoảng 4 triệu người, là đối tượng được tiêm mũi thứ 3 trong tháng 12 và tháng 1 năm tới. Tuy nhiên, có nhiều khả năng chính phủ sẽ chỉ có thể chuẩn bị đủ vắc-xin Pfizer cho 20 triệu người, trong khi có đến 34 triệu người đủ điều kiện tiêm mũi thứ 3 trong tháng 2 và tháng 3 năm sau.

Khi đó, bộ y tế sẽ cho phép sử dụng vắc-xin Moderna nếu loại vắc-xin này được xác nhận là hiệu quả và an toàn, cũng như được cấp phép sử dụng để tiêm mũi thứ 3.

Theo bộ y tế, hiện vẫn chưa rõ liệu sẽ có đủ vắc-xin Pfizer cho tất cả những người có nguyện vọng được tiêm mũi thứ 3 sau khi đã tiêm mũi thứ 2 được 8 tháng hay không. Bộ cho biết khi đó sẽ cân nhắc sử dụng vắc-xin của Moderna.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/12/2021).

Câu hỏi 361: Nhật Bản bắt đầu tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19– Phần 1: Thời điểm tiêm mũi tăng cường

Trả lời:
Mũi thứ 3 vắc-xin ngừa vi-rút corona đã bắt đầu được triển khai tiêm từ ngày 1/12 với đối tượng là nhân viên y tế trên khắp Nhật Bản. Từ tháng 1/2022, người từ 65 tuổi trở lên cũng là đối tượng được tiêm mũi thứ 3.

Ban đầu, bộ y tế Nhật Bản cho biết về nguyên tắc, đối tượng được tiêm mũi thứ 3 là những người đã tiêm mũi thứ 2 được ít nhất 8 tháng. Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ Nhật Bản dự kiến rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm. Thời điểm tiêm mũi tăng cường ở mỗi nhóm đối tượng sẽ được quyết định dựa trên tình hình công tác chuẩn bị tại mỗi địa phương, cũng như lượng vắc-xin hiện có. Người dân cũng sẽ được chính quyền địa phương phát phiếu tiêm chủng trước khi tiêm mũi thứ 3.

Trước đó, bộ y tế cho biết trong tháng 12 có 1,04 triệu nhân viên y tế đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường. Từ tháng 1, người từ 65 tuổi trở lên và một số người dưới 65 tuổi được tiêm 2 liều từ sớm cũng sẽ đủ điều kiện được tiêm mũi thứ 3. Trong tháng 3, việc tiêm mũi tăng cường sẽ được bắt đầu tại nơi làm việc và các trường đại học.

Bộ y tế cho biết sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường ít nhất là cho đến tháng 9/2022.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/12/2021).

Câu hỏi 360: Cần theo dõi tình hình lây nhiễm tại Hokkaido (4) Cần thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản

Trả lời:
Số ca nhiễm mới tại Nhật Bản hiện đang ở mức thấp nhất trong năm nay, tuy nhiên vào những thời điểm nhiệt độ thấp, số ca nhiễm thường có xu hướng tăng ở Hokkaido trước khi gia tăng tại các tỉnh còn lại. Theo các chuyên gia, cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm tại đây. Chúng tôi xin gửi đến các bạn phần tiếp theo trong loạt bài về tình hình lây nhiễm tại Hokkaido.

Giáo sư Tateda Kazuhiro thuộc đại học Toho là thành viên ban cố vấn ứng phó đại dịch của chính phủ. Ông cho biết trong năm 2020, Hokkaido là một trong những tỉnh tại Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trong tháng 11 và tháng 12.

Ông cho biết khi thời tiết trở lạnh, vi-rút ra khỏi cơ thể người sẽ trôi nổi lâu hơn trong không khí. Theo ông thì khi thời tiết khô, lớp màng nhầy trong đường hô hấp sẽ dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến dễ lây nhiễm vi-rút hơn. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết người dân thường có xu hướng ở trong không gian kín lâu hơn khi trời lạnh. Điều này theo ông có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Giáo sư Tateda cho biết vi-rút corona vẫn tồn tại ở khắp nơi, và chúng có thể nhân bản và lây nhiễm vào thời điểm ít ngờ tới nhất. Theo ông thì mùa đông là mùa cao điểm của lây nhiễm, và chúng ta cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, thông khí phòng ốc đầy đủ và tránh các địa điểm có 3 yếu tố là không gian kín, đông người và có tiếp xúc gần.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/12/2021).

Câu hỏi 359: Cần theo dõi tình hình lây nhiễm tại Hokkaido (3) Chưa có dấu hiệu số ca nhiễm tăng trở lại

Trả lời:
Số ca nhiễm mới tại Nhật Bản hiện đang ở mức thấp nhất trong năm nay, tuy nhiên vào những thời điểm nhiệt độ thấp, số ca nhiễm thường có xu hướng tăng ở Hokkaido trước khi gia tăng tại các tỉnh còn lại. Theo các chuyên gia, cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm tại đây. Chúng tôi xin gửi đến các bạn phần tiếp theo trong loạt bài về tình hình lây nhiễm tại Hokkaido.

Ban chuyên trách ứng phó vi-rút corona của Hokkaido cho biết số ca nhiễm đang gia tăng do có một số cụm lây nhiễm. Theo họ thì chưa có các ca nhiễm cộng đồng và đến thời điểm hiện tại thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy số ca nhiễm sẽ tăng nhanh.

Họ cũng cho biết đa số các ca nhiễm mới là những người chưa được tiêm vắc-xin.

Giới chức tại các trung tâm y tế công cộng của Hokkaido đang tiến hành các biện pháp đề phòng cụm lây nhiễm, trong đó có việc truy vết bệnh nhân nhiễm vi-rút và những người có tiếp xúc gần. Họ cũng đang cố gắng tìm kiếm nguồn lây nhiễm để tránh việc số ca nhiễm gia tăng. Giới chức kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản.

Ban chuyên trách ứng phó vi-rút corona cho biết nếu số ca nhiễm mới tiếp tục tăng thì có thể sẽ là khởi đầu cho làn sóng lây nhiễm thứ 6, nên họ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/12/2021).

Câu hỏi 358: Cần theo dõi tình hình lây nhiễm tại Hokkaido (2) Khuyến cáo thông khí và các tình huống cần tránh

Trả lời:
Số ca nhiễm mới tại Nhật Bản hiện đang ở mức thấp nhất trong năm nay, tuy nhiên vào những thời điểm nhiệt độ thấp, số ca nhiễm thường có xu hướng tăng ở Hokkaido trước khi gia tăng tại các tỉnh còn lại. Theo các chuyên gia, cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm tại đây. Xin gửi đến các bạn phần tiếp theo trong loạt bài về tình hình lây nhiễm tại Hokkaido.

Vi-rút sẽ dễ lây lan hơn trong không gian kín, không có thông khí. Nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn vào mùa đông, thời điểm nhiệt độ thấp và thông khí được thực hiện ít hơn.

Việc vi-rút dễ lây lan trong môi trường kín lần đầu được ghi nhận sau khi phát hiện các ca nhiễm, trong đó có một số ca nhiễm tại khu nghỉ trong nhà ở Lễ hội Tuyết Sapporo tháng 2/2020. Theo phân tích của các chuyên gia thì trong không gian kín, các giọt bắn siêu nhỏ chứa vi-rút trôi lơ lủng trong không khí trong một khoảng thời gian nhất định, và mọi người sẽ bị nhiễm vi-rút nếu hít phải các giọt bắn này. Dựa trên kết quả này, người dân được khuyến cáo rửa tay, sử dụng dung dịch sát khuẩn, tránh nói chuyện khi không mang khẩu trang và tránh các nơi có các yếu tố như không gian kín, đông người và tiếp xúc gần. Thông khí cũng sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.

Tuy nhiên, vào mùa đông khi nhiệt độ thấp, người dân thường sẽ ở trong nhà nhiều hơn, và mọi người sẽ tiếp xúc với nhau nhiều hơn trong dịp nghỉ lễ cuối năm và đầu năm mới. Ban chuyên gia thuộc bộ y tế cho biết có thể nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng. Họ cũng kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cơ bản như thông khí.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/12/2021).

Câu hỏi 357: Cần theo dõi tình hình lây nhiễm tại Hokkaido (1) Hokkaido có thể là chỉ dấu cho làn sóng thứ 6

Trả lời:
Số ca nhiễm mới tại Nhật Bản hiện đang ở mức thấp nhất trong năm nay, nhưng tại tỉnh Hokkaido ở cực Bắc, số ca nhiễm tính theo ngày trong tháng 11 có lúc đã tăng. Khi nhiệt độ xuống thấp, số ca nhiễm thường có xu hướng tăng ở Hokkaido trước khi gia tăng tại các tỉnh còn lại. Theo các chuyên gia, cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm tại Hokkaido, do đây có thể là chỉ dấu cho thời điểm bắt đầu làn sóng lây nhiễm thứ 6 tại Nhật Bản.

Vào cuối tháng 2/2020, Hokkaido là địa phương đầu tiên tại Nhật Bản ghi nhận lây nhiễm vi-rút corona. Sau đó, số ca nhiễm mới bắt đầu gia tăng tại Tokyo vào giữa tháng 3.

Trong làn sóng lây nhiễm thứ 3 vào mùa đông năm 2020, số ca nhiễm gia tăng tại Hokkaido 2 tuần trước khi vi-rút lan rộng tại các tỉnh còn lại, bao gồm Tokyo. Cuối tháng 10 năm ngoái, Hokkaido bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm trung bình 7 ngày tăng so với tuần trước đó. Tại Tokyo thì con số này bắt đầu tăng vào giữa tháng 11, và dần tăng mạnh hơn khoảng 1 tháng sau đó.

Phải đến tận giữa tháng 11 thì số ca nhiễm trung bình trên cả nước mới bắt đầu tăng một cách rõ ràng. Vào đầu tháng 11, số ca nhiễm mới trong ngày vẫn ở mức dưới 1.000 ca, nhưng đến cuối tháng 11 đã lên đến 2.000 ca và cuối tháng 12 là 4.000 ca. Vào ngày 8/1/2021, số ca nhiễm mới trong ngày lên đến gần 8.000 ca.

Theo các chuyên gia thì có thể vi-rút corona được kiềm chế ở một mức nào đó trong mùa đông năm nay, nhờ tiến triển trong việc tiêm chủng vắc-xin. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng việc ở lâu trong không gian kín sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm vi-rút. Các chuyên gia cũng cho rằng cần theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm tại Hokkaido để phát hiện các chỉ dấu của làn sóng lây nhiễm thứ 6.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/12/2021).

Câu hỏi 356: Ý kiến chuyên gia về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm tiếp theo (9) Làm thế nào để ngăn số ca nhiễm tăng trở lại vào mùa đông

Trả lời:
Trong các phần trước, tất cả các chuyên gia đều cảnh báo về khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 6 vào mùa đông này. Nhiều chuyên gia cho biết việc người dân gia tăng tiếp xúc sẽ là nhân tố chính để dự báo về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm.

Ông Omi Shigeru, trưởng ban cố vấn cho chính phủ về các biện pháp ứng phó vi-rút corona, và ông Wakita Takaji, trưởng ban chuyên gia thuộc bộ y tế, đều khuyến cáo người dân cảnh giác trong dịp nghỉ lễ cuối năm và đầu năm mới, thời điểm các hoạt động xã hội gia tăng. Họ kêu gọi mọi người tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cơ bản như đeo khẩu trang và tránh các tình huống có thể dẫn đến không gian kín, đông người và có tiếp xúc gần.

Giáo sư Wada Koji thuộc Đại học Quốc tế về Y tế và Phúc lợi cho biết không dễ để dự đoán về khả năng số ca nhiễm sẽ tăng cao trở lại, do có nhiều yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, ông cho biết vắc-xin COVID-19 và việc phát triển các biện pháp điều trị mới là các nhân tố mang lại hi vọng.

Để tránh việc số ca nhiễm gia tăng trở lại vào mùa đông, điều quan trọng là mọi người phải rút ra bài học kinh nghiệm từ khi đại dịch bắt đầu đến lúc xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 5, và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/11/2021).

Câu hỏi 355: Ý kiến chuyên gia về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm tiếp theo (8) Bà Chiba Asako

Trả lời:
Xin tiếp tục giới thiệu ý kiến của bà Chiba Asako, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Tokyo.

Bà Chiba cho biết làn sóng lây nhiễm thứ 6 khả năng cao sẽ xảy ra vào thời điểm hiệu quả của vắc-xin suy giảm, cũng như số lượng người ra ngoài gia tăng. Bà cũng chia sẻ về những biện pháp cần thực hiện để ứng phó với làn sóng lây nhiễm tiếp theo.

Theo bà thì quan trọng là phải tận dụng tối đa “chương trình kết hợp tiêm vắc-xin và xét nghiệm PCR”. Chính phủ đặt mục tiêu sử dụng chứng nhận tiêm chủng vắc-xin kết hợp với chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính để nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội. Bà Chiba đã tiến hành mô phỏng trong mô hình “Tokyo thu nhỏ”. Kết quả cho thấy số ca nhiễm mới có khả năng sẽ giảm, ngay cả khi số lượng người đã được tiêm vắc-xin, hoặc có kết quả âm tính, khôi phục lại mức độ đi lại như trước đại dịch. Tuy nhiên, điều kiện để có kết quả này là số người ra ngoài khi chưa được tiêm vắc-xin, không có kết quả xét nghiệm chỉ ở mức 50% so với trước đại dịch.

Bà Chiba cũng cho biết có thể kiềm chế lây nhiễm hiệu quả thông qua giảm đồng loạt sự đi lại của người dân. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng nhằm cân bằng các hoạt động kinh tế và các biện pháp phòng chống lây nhiễm, một biện pháp hiệu quả là hạn chế đi lại đối với những người có nguy cơ cao lây nhiễm, trong đó có những người chưa được tiêm vắc-xin. Theo bà thì chính phủ cần tiếp tục thảo luận về việc áp dụng hiệu quả “chương trình kết hợp vắc-xin và xét nghiệm”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/11/2021).

Câu hỏi 354: Ý kiến chuyên gia về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm tiếp theo (7) Bà Chiba Asako

Trả lời:
Xin giới thiệu ý kiến của bà Chiba Asako, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Tokyo.

Bà Chiba bày tỏ quan ngại về việc số ca nhiễm có thể tăng cao trở lại vào mùa đông này. Bà cho rằng nguyên nhân dẫn đến làn sóng lây nhiễm thứ 6 sẽ là tổng hòa của việc hiệu quả vắc-xin suy giảm, cũng như lưu lượng người di chuyển tăng. Bà đang nỗ lực nghiên cứu cách giảm thiểu số ca nhiễm thông qua mô phỏng “Tokyo thu nhỏ”. Bà tiến hành mô phỏng tốc độ lây nhiễm tại một thành phố giả tưởng với dân số khoảng hơn 70.000 người. Dựa trên khảo sát dân số và các số liệu khác, thành phố ảo này là phiên bản thu nhỏ của Tokyo, với cấu trúc nhóm tuổi, nghề nghiệp và cấu trúc hộ gia đình của người dân tương tự như ở thủ đô.

Trong mô phỏng, bà giả định số ca nhiễm mới mỗi ngày kể từ tháng 10/2021 trở đi là 4 ca, tương đương với khoảng 800 ca nhiễm tại Tokyo thật. Theo kịch bản này, nếu lưu lượng người di chuyển thấp hơn 30% so với mức trước đại dịch thì số ca nhiễm mới sẽ không tăng kể cả khi hiệu quả của vắc-xin suy giảm. Trong bối cảnh có thêm nhiều người được tiêm mũi vắc-xin thứ 3 thì số ca nhiễm sẽ bắt đầu giảm.

Tuy nhiên, nếu lưu lượng người chỉ thấp hơn 20% so với mức trước đại dịch thì số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục gia tăng, kể cả khi có thêm nhiều người tiêm mũi thứ 3.

Bà Chiba cho biết mô phỏng này cho thấy nếu lưu lượng người gia tăng, dù chỉ rất nhỏ, nhưng cũng có thể thay đổi đáng kể tình hình lây nhiễm. Theo bà thì nếu tâm lý chung của người dân là sẽ tổ chức các buổi tiệc tất niên thì có khả năng số ca nhiễm sẽ tăng. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng xét về góc độ kinh tế thì sẽ khó mà giữ cho lưu lượng người đi lại không tăng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/11/2021).

Câu hỏi 353: Ý kiến chuyên gia về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm tiếp theo (6) Bác sĩ Takayama Yoshihiro

Trả lời:
Xin tiếp tục giới thiệu ý kiến của ông Takayama Yoshihiro thuộc Bệnh viện Okinawa Chubu.

Ông Takayama cảnh báo số ca nhiễm có thể tăng cao trở lại trong kỳ nghỉ cuối năm và năm mới sắp tới. Ông cho rằng bất kể có thực hiện biện pháp phòng ngừa nào thì trong kỳ nghỉ lễ vi-rút sẽ vẫn thâm nhập vào các địa phương ở một mức độ nhất định. Có nhiều người cao tuổi mong muốn được đón năm mới với con cháu sau khi không gặp được người thân trong thời gian dài. Điều quan trọng là cả người cao tuổi và con cháu của họ đều cần xác nhận rằng họ đã được tiêm vắc-xin, cũng như thực hiện các biện pháp đề phòng để có thể dành thời gian bên gia đình mà không cần lo lắng.

Ông Takayama cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường chuẩn bị cho khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 6.

Theo ông thì dựa trên tình hình lây nhiễm hiện nay tại Mỹ và châu Âu thì Nhật Bản cần tăng cường chuẩn bị, dựa trên giả định rằng làn sóng lây nhiễm sắp tới sẽ còn lớn hơn. Ông cho biết không dễ để tăng số giường bệnh, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, trong bối cảnh số bệnh nhân mắc các bệnh khác tăng khi mùa đông đến. Trên cơ sở này, ông cho rằng việc tăng cường số cơ sở để bệnh nhân dưỡng bệnh sau khi ra viện là rất quan trọng, nhằm rút ngắn thời gian điều trị nội trú. Nếu thời gian bệnh nhân nằm viện được rút ngắn 1 nửa thì cũng có nghĩa là số giường bệnh cũng sẽ tăng gấp đôi. Ông Takayama kêu gọi chính quyền địa phương và các bệnh viện thảo luận nhằm đảo bảo chuẩn bị đầy đủ trước khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm mới.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/11/2021).

Câu hỏi 352: Ý kiến chuyên gia về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm tiếp theo (5) Bác sĩ Takayama Yoshihiro

Trả lời:
Xin giới thiệu ý kiến của ông Takayama Yoshihiro thuộc Bệnh viện Okinawa Chubu. Ông là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là thành viên ban chuyên gia thuộc bộ y tế.

Ông Takayama nêu ra các điểm khác biệt trong cách vi-rút lây lan ở khu vực thành thị và nông thôn.

Theo ông thì khu vực thành thị và nông thôn cần có cách tiếp cận khác nhau đối với lây nhiễm vi-rút. Một số khu vực thành thị có các điểm mà lây nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra. Khi người dân bắt đầu tiếp xúc với nhau nhiều hơn tại các điểm lây nhiễm trên thì có thể nhanh chóng xảy ra đợt bùng phát, tương tự như khi châm ngòi nổ. Trái lại, đa phần các khu vực nông thôn, bao gồm tỉnh Okinawa, đã cơ bản kiểm soát được lây nhiễm. Một số khu vực không ghi nhận ca nhiễm nào. Người dân tại các khu vực này nên cẩn thận với việc người bị nhiễm vi-rút tại thành phố trở về nông thôn. Điều quan trọng là “chương trình kết hợp vắc-xin và xét nghiệm PCR” có được áp dụng đối với người đến từ các khu vực bên ngoài hay không, cũng như liệu chính quyền địa phương có thể yêu cầu người dân không đi lại giữa các tỉnh khi có đợt bùng phát hay không. Người dân sống tại khu vực nông thôn cảnh giác hơn đối với lây nhiễm và ủng hộ lời kêu gọi cảnh giác. Tuy nhiên, sự ủng hộ này sẽ là vô nghĩa nếu thông điệp của họ không đến được với người dân sống tại thành thị. Hiện nay khi số ca nhiễm vẫn còn ở mức tương đối thấp thì ít người coi trọng thông điệp này. Điều quan trọng là giới chức tại khu vực thành thị phải liên tục nhắc nhở người dân đề cao cảnh giác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/11/2021).

Câu hỏi 351: Ý kiến chuyên gia về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm tiếp theo (4) Giáo sư Wada Koji

Trả lời:
Xin giới thiệu ý kiến của ông Wada Koji, giáo sư thuộc Đại học Quốc tế về Y khoa và Phúc lợi và là chuyên gia về y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm. Ông là thành viên ban cố vấn cho bộ y tế.

Giống như các chuyên gia khác, ông Wada cảnh báo rằng người dân cần cảnh giác vào cuối năm và đầu năm mới, thời điểm lưu lượng người đi lại gia tăng.

Ông chỉ ra rằng với nhiều yếu tố mùa vụ như thời tiết lạnh, độ ẩm và lưu lượng người đi lại thì nhiều khả năng vi-rút sẽ lây lan nhanh vào thời điểm cuối năm và đầu năm mới, khi người dân ra ngoài nhiều hơn trong dịp nghỉ lễ. Đặc điểm này giống với bệnh cúm mùa và cần phải đặc biệt lưu tâm.

Giáo sư Wada cho biết ngay cả các chuyên gia cũng khó có thể đưa ra dự đoán về khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 6, vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng như tiến độ tiêm chủng, việc nới lỏng hạn chế đối với các hoạt động xã hội, cũng như hiệu quả vắc-xin qua thời gian. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều yếu tố chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng do tiêm chủng vắc-xin có tiến triển nên khả năng người nhiễm vi-rút chuyển nặng có thể sẽ giảm, không ở mức tương tự như các làn sóng lây nhiễm trước đây.

Giáo sư Wada cho biết qua quá trình nghiên cứu các ca nhiễm ở nước ngoài, có thể khẳng định rằng những người bị nhiễm vi-rút và chuyển nặng có thể chủ yếu sẽ là những người chưa được tiêm vắc-xin. Tại Tokyo, cứ 5 người trong độ tuổi 40 thì có 1 người chưa được tiêm vắc-xin. Ông cho biết cần phải tăng cường tiêm chủng để mỗi người dân và cả khu vực đều an toàn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/11/2021).

Câu hỏi 350: Ý kiến chuyên gia về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm mới ở Nhật Bản (3) Giáo sư Hirata Akimasa

Trả lời:
Giáo sư Hirata Akimasa của Viện Công nghệ Nagoya xây dựng một chương trình mô phòng tình trạng lây nhiễm ở Tokyo bằng cách cung cấp dữ liệu lây nhiễm trước đây cho hệ thống AI. Hàng loạt dữ liệu sẽ được sử dụng, trong đó có diễn biến số ca nhiễm mới, nhiệt độ, độ ẩm, lưu lượng đi lại của người dân cũng như việc tình trạng khẩn cấp có được ban bố hay không.

Với giả thiết rằng lưu lượng đi lại của người dân sẽ dần hồi phục, AI thực hiện 27 mô hình mô phỏng với nhiều điều kiện khác nhau, chẳng hạn như tỉ lệ người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, cũng như thời điểm bắt đầu tiêm mũi tăng cường. Trong tất cả các mô hình, kết quả mô phỏng cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ 6 sẽ xảy ra vào khoảng đầu tháng 1.

Giáo sư Hirata cho biết trong tất cả các tình huống, dự báo của AI đều cho thấy đỉnh dịch lần này sẽ rơi vào khoảng đầu tháng 1. Sau khi xem xét đến thời gian ủ bệnh, mức độ lây nhiễm sẽ được quyết định bởi lưu lượng đi lại của người dân trong khoảng thời gian từ Giáng sinh đến Năm mới, cũng như việc tụ tập gia đình và người thân.

Đồng thời, dự báo của AI cũng cho thấy nếu việc tiêm mũi tăng cường diễn ra nhanh chóng, số ca nhiễm sẽ bắt đầu giảm khá sớm, cũng như sẽ hạn chế được số bệnh nhân nặng.

Cũng theo giáo sư Hirata, việc tiêm mũi bổ sung là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hiệu quả của vắc-xin cho toàn bộ dân số. Tại Nhật Bản, công tác tiêm chủng diễn ra nhanh chóng, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc hiệu quả của vắc-xin cũng sẽ giảm nhanh. Ông nói có thể sẽ rất khó để duy trì hiệu quả của vắc-xin nếu Nhật Bản không sớm bắt đầu tiêm mũi tăng cường.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/11/2021).

Câu hỏi 349: Ý kiến chuyên gia về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm mới ở Nhật Bản (2) Tiến sĩ Dịch tễ học Furuse Yuki

Trả lời:
Tiến sĩ Furuse cho biết có thể trì hoãn thời điểm bùng phát của làn sóng lây nhiễm thứ 6 nếu giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Tuy nhiên, kết quả mô phỏng cho thấy ngay cả khi chúng ta có thể hạn chế 40%, hoặc lên đến 60% mức độ tiếp xúc gần so với thời điểm trước đại dịch, vẫn có nhiều khả năng làn sóng lây nhiễm tiếp theo sẽ xảy ra trong khoảng 5 tháng tới. Mô phỏng trên chưa xét đến hiệu quả của việc tiêm mũi vắc-xin tăng cường. Tiến sĩ Furuse cho biết tiêm mũi thứ 3 có thể giảm bớt ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm thứ 6.

Tuy nhiên, rất khó để xác định chính xác tiếp xúc giữa người với người giảm đến mức độ nào. Theo tiến sĩ Furuse, điểm mấu chốt là nâng cao nhận thức của người dân trước thềm dịp cuối năm và năm mới.

Tiến sĩ Furuse nói mùa đông là thời gian dễ xảy ra bùng phát các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Đây cũng là thời điểm mọi người thường tổ chức tiệc tùng. Việc nhiều người tụ tập ăn uống và đi lại với mức độ như thời điểm trước đại dịch có thể kích hoạt làn sóng lây nhiễm mới. Trong khi một số người lên tiếng lo ngại về việc đã dần dần nới lỏng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, thì nhiều người vẫn đeo khẩu trang, ít tụ tập ăn uống và tham gia các cuộc họp trực tuyến thay vì gặp trực tiếp. Tiến sĩ Furuse cho biết cuộc sống của chúng ta đa phần đã dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh đại dịch, giảm mức độ tiếp xúc trực tiếp. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì được như vậy, mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn nhưng có thể giảm thiểu tác động của làn sóng lây nhiễm thứ 6 và hệ thống y tế sẽ bớt phải chịu nhiều áp lực.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/11/2021).

Câu hỏi 348: Ý kiến chuyên gia về khả năng và thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm mới ở Nhật Bản (1) Tiến sĩ Dịch tễ học Furuse Yuki

Trả lời:
Số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản đang ở mức thấp nhất trong năm nay. Tuy nhiên, hôm 12/11, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch để chuẩn bị cho khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm mới. Chúng tôi giới thiệu đến các bạn loạt bài phỏng vấn các chuyên gia về khả năng cũng như thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 6.

Chuyên gia đầu tiên là Tiến sĩ Furuse Yuki, nhà dịch tễ học về các bệnh truyền nhiễm, đồng thời là chuyên gia sử dụng các mô hình tính toán để phân tích. Ông Furuse cũng là cố vấn cho nhóm chuyên trách của bộ y tế xử lý các cụm lây nhiễm. Ông cho biết nhiều khả năng làn sóng lây nhiễm mới sẽ xảy ra trong mùa đông năm nay.

Tiến sĩ Furuse phụ trách việc mô phỏng tình hình lây nhiễm cho ban chuyên trách về vi-rút corona của bộ y tế. Việc này được thực hiện bằng cách định lượng nhiều yếu tố góp phần khiến vi-rút lây lan, sau đó đưa các yếu tố này vào mô hình tính toán để dự đoán tình hình.

Dưới đây là các giả thiết được dùng cho việc mô phỏng.

1. Tỉ lệ tiêm chủng là 90% đối với người từ 60 tuổi trở lên, 80% đối với người trong độ tuổi 40 và 50, 75% ở người trong độ tuổi 20 và 30.
2. Tiêm phòng đầy đủ, nghĩa là tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, có hiệu quả 70% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm.
3. Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người ở mức bằng khoảng 80% so với trước đại dịch (nghĩa là thấp hơn 20% so với trước đây).

Kết quả mô phỏng cho thấy số ca nhiễm mới ban đầu ở mức thấp, nhưng sau đó sẽ bắt đầu tăng sau 1 tháng và tăng nhanh sau 2 tháng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/11/2021).

Câu hỏi 347: Bồi thường cho người lao động bị di chứng COVID-19 – Phần 2: Những ai đủ điều kiện?

Trả lời:
Người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản cũng sẽ được hưởng bảo hiểm bồi thường lao động, bất kể quốc tịch. Các đối tượng này không chỉ gồm những người có tư cách lưu trú được phép làm việc, mà còn cả sinh viên làm việc bán thời gian. Chính phủ Nhật Bản cho biết điều kiện để được hưởng bồi thường lao động là bị nhiễm vi-rút corona ở nơi làm việc hoặc không đủ sức khỏe để làm việc do di chứng của COVID-19.

Bộ y tế kêu gọi người dân tham vấn với văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động ở địa phương khi bị nhiễm vi-rút hoặc bị các triệu chứng kéo dài.

Theo bộ y tế, tính đến cuối tháng 9, đã có 14.567 người được công nhận đủ điều kiện được nhận bồi thường lao động sau khi bị nhiễm vi-rút ở nơi làm việc. Hơn 70% trong số này, tương đương 11.214 người, là nhân viên y tế hoặc phúc lợi, trong đó có bác sĩ, y tá và nhân viên chăm sóc. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có 376 người làm việc trong ngành dịch vụ vận tải và bưu chính, 315 người làm việc trong ngành chế tạo và 245 người thuộc ngành dịch vụ, bao gồm ngành khách sạn và nhà hàng. Nói tóm lại, người lao động thuộc nhiều nhóm ngành nghề được công nhận đủ điều kiện nhận bồi thường.

Một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại tỉnh Hyogo hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cũng như tìm cách cải thiện điều kiện làm việc. Tổng thư ký Nishiyama Kazuhiro của tổ chức cho biết những người phải chịu di chứng kéo dài sau khi nhiễm vi-rút đủ điều kiện để được nhận bồi thường thêm một lần nữa. Theo ông Nishiyama, chính phủ cần làm nhiều hơn để thông tin trên được nhiều người biết đến.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/11/2021).

Câu hỏi 346: Bồi thường cho người lao động bị di chứng COVID-19 – Phần 1: Trường hợp 1 nhân viên viện dưỡng lão

Trả lời:
Ngày càng có thêm nhiều người lao động được nhận bồi thường sau khi bị nhiễm vi-rút corona ở nơi làm việc. Bên cạnh đó, có trường hợp bị di chứng sau khi nhiễm COVID-19 cũng được nhận bồi thường. Chúng ta cùng tìm hiểu về các trường hợp được nhận bồi thường do di chứng COVID-19.

Một nam giới trong độ tuổi 40, nhân viên vật lý trị liệu làm việc tại một cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở tỉnh Hyogo, được công nhận là đối tượng được bồi thường do di chứng của COVID-19. Nhân viên này nhiễm COVID-19 sau khi có tiếp xúc gần với một người sống tại cơ sở trước đó bị nhiễm vi-rút. Sau khi xét nghiệm PCR vào tháng 12/2020 cho kết quả dương tính, nhân viên này được công nhận là đủ điều kiện để nhận bồi thường. Sau khi hồi phục khoảng 2 tháng, người này quay trở lại làm việc, nhưng sau đó đã xin nghỉ việc từ tháng 4/2021 do gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và có vấn đề về khứu giác. Anh được bác sĩ chẩn đoán là bị di chứng của COVID-19.

Nhân viên này sau đó nộp đơn xin bồi thường một lần nữa. Đến tháng 8/2021, các thanh tra về tiêu chuẩn an toàn lao động xác nhận nguyên nhân của các triệu chứng trên là do nhiễm vi-rút corona ở nơi làm việc. Đến nay nhân viên này vẫn chưa thể quay làm việc và hiện đang dưỡng bệnh tại nhà với sự hỗ trợ của vợ và con gái 5 tuổi.

Người này cho biết anh cảm thấy được giải tỏa sau khi biết sẽ được nhận bồi thường do di chứng COVID-19. Anh nói rằng bản thân cảm thấy thật tồi tệ vì không đủ sức lực để chơi đùa cùng con gái. Anh cũng bày tỏ muốn làm tất cả những gì có thể để được quay lại làm việc càng sớm càng tốt.

Liên quan đến việc có thuộc đối tượng nhận bồi thường do di chứng của COVID-19 hay không, chính phủ kêu gọi các trường hợp tương tự tham vấn với giới chức lao động.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/11/2021).

Câu hỏi 345: Việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tại Nhật Bản và các nước khác – Phần 9: Bài học từ làn sóng lây nhiễm thứ 5

Trả lời:
Giáo sư Oka Hideaki thuộc Đại học Y khoa Saitama cho biết đa số cac bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 là những người chưa tiêm vắc-xin hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi. Tuy nhiên, ông cũng cho biết một bệnh nhân trong độ tuổi 80 mặc dù đã tiêm mũi thứ 2 vào tháng 7 nhưng vẫn bị nhiễm vi-rút, xuất hiện triệu chứng nặng phải nhập viện và qua đời vào giữa tháng 8. Bệnh nhân này vốn có hệ miễn dịch yếu do phải điều trị ung thư.

Ông Oka cho biết không may là bệnh nhân này chuyển nặng mặc dù đã được tiêm 2 mũi vắc-xin. Các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu không nhận được lợi ích từ 2 mũi tiêm vắc-xin. Cũng theo các nghiên cứu thì có khả năng hiệu quả của vắc-xin giảm đối với những người này.

Ông Oka cũng cho biết có khả năng là kể cả sau khi tiêm 2 mũi vắc-xin thì các bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong lộ trình điều trị các bệnh khác cũng không có đủ số kháng thể trung hòa.

Theo giáo sư Oka, các nhà khoa học đang thu thập dữ liệu về vắc-xin COVID-19, và hiện họ biết được rằng hai mũi tiêm là không đủ để bảo vệ những người có hệ miễn dịch yếu, nhưng số kháng thể sẽ tăng lên sau khi tiêm mũi thứ 3. Ông Oka cho biết trong bối cảnh đã có nhiều vắc-xin và cần chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm kế tiếp, chúng ta cần cân nhắc các cách bảo vệ những người có nguy cơ chuyển nặng, cũng như giải quyết các điểm yếu. Ông cho rằng bằng cách này, chúng ta sẽ có thể ngăn số bệnh nhân nặng tăng mạnh, đồng thời bảo vệ hệ thống y tế.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/11/2021).

Câu hỏi 344: Việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tại Nhật Bản và các nước khác – Phần 8: Một số người không thể tiêm mũi bổ sung

Trả lời:
Ông Ikeda Masahiro 49 tuổi, điều hành một quán bar tại khu vực Roppongi thuộc quận Minato của Tokyo. Ông vẫn chưa tiêm vắc-xin do bị viêm da cơ địa và một số triệu chứng dị ứng khác.

Ông từng không khoẻ sau khi tiêm vắc-xin cúm 9 năm trước. Theo bác sĩ thì ông bị sốc phản vệ.

Trả lời phỏng vấn của NHK, ông kể về trải nghiệm tồi tệ ở thời điểm đó. Ông nói rằng khi đứng dậy để về nhà sau khi tiêm, ông không thể đi thẳng. Ông cho biết cảm thấy có điều gì đó không ổn khi tim bắt đầu đập nhanh.

Ông Ikeda đã tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc tiêm vắc-xin COVID-19. Theo bác sĩ thì nhiều khả năng là không có vấn đề gì, nhưng quyết định có tiêm hay không là tùy ở ông, do ông đã từng bị sốc phản vệ.

Ông cũng bị hen suyễn nên có nguy cơ chuyển nặng nếu bị nhiễm vi-rút corona. Ông cho biết muốn được tiêm vắc-xin vì chính bản thân ông và cả khách hàng, nhưng không thể đưa ra quyết định.

Ông chia sẻ thật lòng về việc cảm thấy ghen tị đối với những người có thể được tiêm 3 mũi vắc-xin. Ông Ikeda cho biết ông cũng sẽ đi tiêm nếu khỏe mạnh. Ông cho biết cảm thấy căng thẳng và chơi vơi khi các quy định dần được dỡ bỏ và mọi người có thể đi du lịch nếu có chứng nhận tiêm chủng. Ông mong muốn mọi người biết rằng có những người không thể tiêm vắc-xin như ông, và thảo luận về các biện pháp dành cho họ.


(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/11/2021).

Câu hỏi 343: Việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tại Nhật Bản và các nước khác – Phần 7: Kì vọng của các cơ sở dưỡng lão vào mũi tiêm bổ sung

Trả lời:
Trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 diễn ra trong năm nay, ở một số viện dưỡng lão đã ghi nhận các cụm lây nhiễm có các ca nhiễm đột phá, tức là trường hợp nhiễm vi-rút sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Vào tháng 11 năm ngoái, ở một cơ sở dưỡng lão tại quận Setagaya, Tokyo đã phát hiện hơn 10 trường hợp, bao gồm cả nhân viên và người sống tại đây, dương tính với vi-rút dù không ai có triệu chứng nào. Cơ sở này có 90 người cao tuổi và có hơn 100 nhân viên làm việc theo ca.

Cơ sở dưỡng lão này khuyến khích tiêm vắc-xin, và trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5, hầu hết người cao tuổi và nhân viên đều đã được tiêm 2 mũi. Họ cũng tăng cường các biện pháp đề phòng lây nhiễm, nên không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào. Gần đây họ mới nới lỏng quy định về thăm hỏi. Trước đây, khách đến thăm chỉ có thể gặp người thân cách một lớp cửa sổ hoặc qua hình thức trực tuyến.

Kể từ tháng 10, người cao tuổi sống tại cơ sở dưỡng lão này có thể trực tiếp gặp khách đến thăm sau khi đã thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Cơ sở này cho biết họ đặt kỳ vọng lớn vào hiệu quả của việc tiêm mũi bổ sung trong việc bảo vệ người cao tuổi, những người có nguy cơ chuyển nặng cao hơn. Họ cho biết việc tiêm mũi thứ 3 là cần thiết để duy trì việc thăm hỏi gần như bình thường.

Bà Tanaka Misa, người đứng đầu cơ sở dưỡng lão Hakusui-no Sato, bày tỏ tin tưởng vào hiệu quả của tiêm chủng trong việc bảo vệ người cao tuổi. Các thành viên gia đình đang yêu cầu được tiêm mũi thứ 3 để họ có thể tiếp tục gặp người cao tuổi đang sống tại cơ sở dưỡng lão. Bà Tanaka cho biết tháng 1 sẽ là tròn 8 tháng những người liên quan đến cơ sở dưỡng lão tiêm mũi thứ 2 vắc-xin. Bà cũng bày tỏ hi vọng chính quyền địa phương sẽ có các biện pháp nhanh chóng để tiêm mũi thứ 3.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/11/2021).

Câu hỏi 342: Việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tại Nhật Bản và các nước khác – Phần 6: Thứ tự ưu tiên và đối tượng nào đủ điều kiện tiêm mũi thứ 3 ở Nhật Bản?

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản có kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vắc-xin COVID-19 đối với những người đã được tiêm 2 mũi và có nguyện vọng được tiêm mũi thứ 3.

Tại Nhật Bản, nhân viên y tế được tiêm vắc-xin đầu tiên vào tháng 2 năm nay. Từ tháng 4, người cao tuổi là đối tượng tiếp theo được tiêm vắc-xin, sau đó là những người có bệnh nền.

Bộ y tế không có kế hoạch đặt thứ tự ưu tiên tiêm mũi bổ sung. Kế hoạch hiện tại là bộ sẽ tiêm mũi thứ 3 khoảng 8 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2.

Như vậy, nhân viên y tế sẽ đủ điều kiện tiêm mũi thứ 3 vào tháng 12 năm nay, người cao tuổi sẽ đủ điều kiện tiêm từ tháng 1 năm sau, còn sau đó là những người không thuộc 2 nhóm trên.

Bộ y tế kêu gọi chính quyền địa phương chuẩn bị cho việc tiêm mũi bổ sung. Các biện pháp chuẩn bị bao gồm thảo luận về cách tiếp nhận đặt chỗ, thiết lập địa điểm tiêm, cũng như gửi phiếu tiêm chủng cho những người đã tiêm mũi thứ 2 được gần 8 tháng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/11/2021).

Câu hỏi 341: Việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tại Nhật Bản và các nước khác – Phần 5: Đối tượng nào nên được tiêm mũi bổ sung trước tiên?

Trả lời:
Giáo sư Tateda Kazuhiro thuộc Đại học Toho là thành viên ban cố vấn về vi-rút corona của chính phủ. Trả lời đài NHK, ông Tateda cho biết nên ưu tiên tiêm mũi thứ 3 cho những người có nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng nếu bị nhiễm. Ông cho biết có thể quyết định liệu có tiêm mũi bổ sung cho các nhóm có nguy cơ thấp hơn, bao gồm người trẻ hay không, sau khi có thêm kết quả nghiên cứu.

Giáo sư cũng cho biết đã có báo cáo về những trường hợp gọi là ca nhiễm đột phá, trong bối cảnh người dân đã tiêm vắc-xin được một khoảng thời gian. Tuy nhiên, theo ông thì các báo cáo cũng cho thấy vắc-xin có hiệu quả trong việc ngăn bệnh nhân bị nặng và tử vong. Ông vẫn cảnh báo rằng trong trường hợp ca nhiễm đột phá là người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch thì vẫn có khả năng người nhiễm sẽ bị bệnh nặng và có thể tử vong.

Cũng theo ông Tateda thì các nhân viên y tế, mặc dù không thuộc các nhóm có nguy cơ cao, có thể cần phải tiêm mũi bổ sung vì có thể họ sẽ làm lây lan vi-rút cho các bệnh nhân có nguy cơ cao. Ông cho biết khi quyết định chính sách của Nhật Bản về tiêm chủng, chính phủ cần cân nhắc thứ tự ưu tiên, cũng như theo dõi tiến triển của chương trình tiêm chủng và kết quả của nghiên cứu trên thế giới.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/11/2021).

Câu hỏi 340: Việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tại Nhật Bản và các nước khác – Phần 4: Nên sử dụng loại vắc-xin nào?

Trả lời:
Hiện vẫn chưa rõ về việc nên tiêm mũi bổ sung cùng loại vắc-xin với 2 mũi đầu, hay có thể tiêm loại khác. Mỹ và Anh đang thử nghiệm lâm sàng tiêm kết hợp các loại vắc-xin khác nhau để xem tiêm mũi bổ sung loại vắc-xin nào có thể tăng cường hệ miễn dịch cho những người đã tiêm đủ 2 mũi.

Vào đầu tháng 10, Viện Y tế Quốc gia (NIH) của Mỹ công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ đối với 458 người trưởng thành đã tiêm đủ liều vắc-xin của Pfizer-BioNTech, Moderna hoặc Johnson & Johnson. Các nhà khoa học chia những người thử nghiệm thành 2 nhóm, một nhóm được tiêm cùng loại vắc-xin với các mũi tiêm trước đây, nhóm còn lại tiêm loại vắc-xin khác. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành đo nồng độ kháng thể. Theo các nhà khoa học, ở những người được tiêm mũi bổ sung là vắc-xin của Moderna hoặc của Pfizer-BioNTech, bất kể các mũi tiêm trước đây dùng vắc-xin gì thì nồng độ kháng thể trung hòa đều tăng từ 10 đến 30 lần trong 2 tuần. Kết quả này cho thấy là cho dù 2 mũi đầu tiêm loại vắc-xin nào đi nữa thì khi tiêm mũi bổ sung 2 loại vắc-xin trên, hệ miễn dịch sẽ đều được tăng cường.

NIH cho biết quy mô của thử nghiệm vẫn nhỏ, nhưng không có lo ngại về tính an toàn. Họ cũng cho biết sẽ công bố nồng độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/11/2021).

Câu hỏi 339: Việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tại Nhật Bản và các nước khác – Phần 3: Vắc-xin còn có hiệu quả trong trường hợp kháng thể suy giảm theo thời gian hay không?

Trả lời:
Theo một số báo cáo thì sau khi tiêm mũi thứ 2, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin suy giảm sau một khoảng thời gian do nồng độ kháng thể trung hòa giảm. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cho thấy mặc dù nồng độ kháng thể trung hòa giảm nhưng vắc-xin vẫn có hiệu quả trong việc giúp những người bị nhiễm vi-rút không phải nhập viện hoặc chuyển nặng.

Vào tháng 9, một nhóm các nhà khoa học thuộc nhiều trường đại học Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu hiệu quả vắc-xin trong báo cáo hằng tuần của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Nghiên cứu này được thực hiện tại 21 bệnh viện ở 18 bang của Mỹ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong khoảng thời gian từ 14 đến 120 ngày sau khi tiêm mũi thứ 2 thì vắc-xin của Pfizer-BioNTech có hiệu quả 91%, còn từ ngày 121 trở đi thì có hiệu quả 77%. Đối với vắc-xin của Moderna thì hiệu quả là 93% trong khoảng thời gian từ 14 đến 120 ngày sau khi tiêm mũi thứ 2, và 92% từ ngày 121 trở đi.

Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, nhưng vẫn bị nhiễm vi-rút sau 2 tuần kể từ khi tiêm mũi thứ 2, hay còn được gọi là các ca nhiễm đột phá. Tuy nhiên, theo ghi nhận được thì tỉ lệ bệnh nhân nặng trong số ca nhiễm này ở mức thấp.

Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khoẻ Toàn cầu của Nhật Bản đã phân tích dữ liệu của hơn 3.400 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tại hơn 600 cơ sơ y tế trên khắp cả nước. Kết quả phân tích cho thấy trong số những người cần điều trị trong khu điều trị tích cực thì số lượng người đã tiêm vắc-xin chỉ bằng 1/8 so với những người chưa tiêm, kể cả ở nhóm người cao tuổi. Cũng theo kết quả phân tích thì tỉ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân cao tuổi đã tiêm vắc-xin chỉ bằng 1/3 so với nhóm chưa tiêm. Kết quả này cho thấy vắc-xin có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh nhân có triệu chứng nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/11/2021).

Câu hỏi 338: Việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tại Nhật Bản và các nước khác – Phần 2: Nồng độ kháng thể trung hòa tăng trở lại

Trả lời:
Chúng tôi giới thiệu đến các bạn loạt bài mới liên quan đến việc tiêm mũi bổ sung. Chủ đề lần này là về nồng độ kháng thể trung hòa do các công ty sản xuất vắc-xin công bố.

Cơ sở để các quốc gia triển khai hoặc cân nhắc triển khai tiêm mũi thứ 3 là các báo cáo về hiệu quả của vắc-xin đối với những người tiêm đủ 2 mũi. Các báo cáo này cho thấy hiệu quả của vắc-xin có thể suy giảm theo thời gian, do nồng độ kháng thể trung hòa bảo vệ cơ thể chống lại vi-rút suy giảm.

Pfizer, Moderna và AstraZeneca cho biết việc tiêm mũi bổ sung sẽ tăng cường hơn nữa hiệu quả của vắc-xin thông qua gia tăng nồng độ kháng thể trung hòa.

Pfizer cho biết đã tiến hành thử nghiệm so sánh nồng độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta giữa những người được tiêm mũi thứ 3 và những người đã tiêm 2 mũi. Thử nghiệm cho thấy đối với nhóm từ 55 tuổi trở xuống thì nồng độ kháng thể của những người tiêm mũi thứ 3 tăng gấp hơn 5 lần, còn đối với nhóm từ 65 đến 85 tuổi thì nồng độ kháng thể tăng hơn 11 lần. Thử nghiệm này được tiến hành một tháng sau khi cả 2 nhóm được tiêm vắc-xin.

Moderna cũng cho biết sau 2 tuần từ khi tiêm mũi thứ 3, nồng độ kháng thể chống lại biến thể Delta ở những người được tiêm tăng khoảng 42 lần so với nồng độ kháng thể của những người đã tiêm 2 mũi được 6-8 tháng.

AstraZeneca cũng công bố báo cáo cho thấy nồng độ kháng thể trung hòa tăng sau khi tiêm mũi bổ sung.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/11/2021).

Câu hỏi 337: Việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tại Nhật Bản và các nước khác – Phần 1: Có nên chuẩn hóa việc tiêm mũi bổ sung?

Trả lời:
Mỹ và một số nước sớm triển khai chương trình tiêm chủng hiện đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 hay còn được gọi là mũi tiêm bổ sung. Họ cho biết hiệu quả của vắc-xin suy giảm theo thời gian. Chúng tôi giới thiệu đến các bạn loạt bài mới liên quan đến việc tiêm mũi bổ sung.

Vào ngày 11/10, các cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo những người có hệ miễn dịch yếu nên tiêm mũi bổ sung vắc-xin COVID-19 như vắc-xin của Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

Theo các chuyên gia thì những người có hệ miễn dịch yếu từ mức trung bình đến nghiêm trọng có nguy cơ cao trở bệnh nặng ngay cả khi đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, do 2 mũi này là không đủ để bảo vệ cơ thể.

Chính phủ Mỹ công bố kế hoạch tiêm mũi bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 mũi sau một khoảng thời gian nhất định kể từ mũi thứ 2. Chính phủ Mỹ cho biết hiệu quả của vắc-xin COVID-19 có thể suy giảm theo thời gian.

Vào tháng 9, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với mũi bổ sung vắc-xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Những người đủ điều kiện tiêm mũi thứ 3 bao gồm người từ 65 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao bị bệnh nặng, nhân viên y tế hoặc những đối tượng khác có nguy cơ tiếp xúc cao với vi-rút.

FDA cho biết mũi bổ sung được tiêm ít nhất 6 tháng sau mũi thứ 2. Việc tiêm mũi bổ sung đã bắt đầu được triển khai.

Ngày 14/10, ban cố vấn của FDA cũng khuyến cáo tương tự đối với vắc-xin của Moderna, đề nghị tiêm mũi thứ 3 loại vắc-xin này cho người từ 65 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao bị bệnh nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/11/2021).

Câu hỏi 336: Di chứng hậu COVID-19 – Phần 4: Phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vắc-xin

Trả lời:
Chúng tôi giới thiệu đến các bạn phần cuối trong loạt bài liên quan đến kết quả của các khảo sát ở Nhật Bản về những di chứng sau khi nhiễm vi-rút corona.

Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu cùng với các bên khác tiến hành khảo sát đối với những người đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 từ tháng 2/2020. Có 457 người trong độ tuổi từ 20 đến 70 đã trả lời khảo sát.

Ông Morioka Shinichiro, một trong những nghiên cứu viên của trung tâm tiến hành khảo sát, cho biết nữ giới được cho là có khả năng bị di chứng cao hơn. Kết quả khảo sát cho thấy nữ giới đúng là có khả năng bị di chứng rụng tóc, mệt mỏi và các vấn đề về vị giác và khứu giác cao hơn. So sánh với giai đoạn nhiễm bệnh thì nam giới cao tuổi thừa cân là nhóm có khả năng chuyển nặng cao hơn khi nhiễm vi-rút. Ông Morioka cho biết vẫn chưa rõ tại sao nữ giới lại là nhóm ghi nhận nhiều hơn các trường hợp mắc di chứng như vấn đề khứu giác và vị giác.

Ông cũng nói thêm rằng ngay cả nữ giới trẻ và gầy cũng không nên coi nhẹ các di chứng hậu COVID. Trên thực tế, họ nên coi trọng vấn đề này do kết quả khảo sát cho thấy đây là nhóm có khả năng cao hơn gặp vấn đề về khứu giác hoặc vị giác. Ông Morioka cho biết các vấn đề này thường phổ biến hơn ở nhóm người trẻ. Di chứng hậu COVID là vấn đề lớn đối với cả những người trẻ và những người chỉ có triệu chứng nhẹ.

Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy là trong số những người nhiễm vi-rút thì so với những người chưa được tiêm vắc-xin, những người đã tiêm đủ 2 mũi ít gặp triệu chứng quá 28 ngày. Điều này có nghĩa là vắc-xin có khả năng ngăn ngừa di chứng, nên việc người trẻ tiêm 2 mũi vắc-xin là rất quan trọng. Thêm vào đó, việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản kể cả sau khi đã tiêm đủ 2 mũi là rất quan trọng, do vẫn có nguy cơ nhiễm vi-rút và gặp di chứng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/10/2021).

Câu hỏi 335: Di chứng hậu COVID-19 – Phần 3: Ảnh hưởng của thuốc điều trị và so sánh di chứng giữa nam giới và nữ giới

Trả lời:
Chúng tôi giới thiệu đến các bạn loạt bài mới liên quan đến kết quả của các khảo sát ở Nhật Bản về những di chứng sau khi nhiễm vi-rút corona. Chủ đề lần này là về ảnh hưởng của thuốc điều trị COVID-19, cũng như so sánh di chứng COVID-19 giữa nam giới và nữ giới.

Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu cùng với các bên khác tiến hành khảo sát đối với những người đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 từ tháng 2/2020. Có 457 người trong độ tuổi từ 20 đến 70 đã trả lời khảo sát.

Các nghiên cứu viên đã hỏi về việc liệu các biện pháp điều trị triệu chứng COVID-19, như thuốc kháng vi-rút hoặc steroid, có ảnh hưởng đến di chứng hậu COVID hay không. Họ không phát hiện mối tương quan rõ ràng nào giữa hai yếu tố này. Các nghiên cứu viên khuyến cáo người dân nên đi tiêm vắc-xin và tiến hành các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vì nếu không bị nhiễm vi-rút thì cũng sẽ không có di chứng.

Khảo sát cũng cho thấy có sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới về các di chứng hậu COVID-19.

Dữ liệu cho thấy so với nam giới, nữ giới có khả năng gặp vấn đề về khứu giác cao gấp khoảng 1,9 lần, và có khả năng gặp vấn đề về vị giác cao gấp khoảng 1,6 lần. Khả năng nữ giới có di chứng mệt mỏi và rụng tóc đều cao hơn lần lượt là khoảng 2 lần và 3 lần so với nam giới.

Khảo sát cũng cho thấy người càng trẻ và càng gầy thì sẽ càng có khả năng gặp vấn đề về khứu giác và vị giác hơn. Những người này cũng sẽ có khả năng cao gặp di chứng hậu COVID hơn ngay cả khi chỉ có triệu chứng nhẹ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/10/2021).

Câu hỏi 334: Di chứng hậu COVID-19 – Phần 2: Khó thở, rụng tóc và hay quên

Trả lời:
Chúng tôi giới thiệu đến các bạn loạt bài mới liên quan đến kết quả của các khảo sát ở Nhật Bản về những di chứng sau khi nhiễm vi-rút corona.

Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khoẻ Toàn cầu cùng với các bên khác tiến hành khảo sát đối với những người đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 từ tháng 2/2020. Có 457 người trong độ tuổi từ 20 đến 70 đã trả lời khảo sát.

Chúng ta hãy cùng tiếp tục xem xét dữ liệu đối với các loại triệu chứng khác.

4. Khó thở
Trong số những người trả lời, số người bị khó thở trong vòng 1 tháng sau khi có triệu chứng nhiễm vi-rút là khoảng 20%, sau 100 ngày là khoảng 5%, sau 6 tháng là 3,9% và sau 1 năm là 1,5%.

5. Rụng tóc
Hầu như không có ai bị rụng tóc ngay sau khi nhiễm vi-rút. Số người bị rụng tóc sau một vài tháng là khoảng 10%, sau 100 ngày là 8%, sau 6 tháng chiếm 3,1% và sau 1 năm là 0,4%.

6. Hay quên và các vấn đề khác
Trong số những người mắc chứng hay quên sau khi nhiễm vi-rút, số người có triệu chứng này sau 6 tháng là 11,4% và sau 1 năm là 5,5%.

Đối với những người mắc chứng giảm khả năng tập trung, sau 6 tháng là 9,8% và sau 1 năm là 4,8%.

Một số người gặp phải tình trạng trầm cảm sau khi nhiễm vi-rút, sau 6 tháng là 8,1% và sau 1 năm là 3,3%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/10/2021).

Câu hỏi 333: Di chứng hậu COVID-19 – Phần 1: Mất khứu giác, mất vị giác và mệt mỏi

Trả lời:
Chúng tôi giới thiệu đến các bạn loạt bài mới liên quan đến kết quả của các khảo sát về những di chứng sau khi nhiễm vi-rút corona.

Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khoẻ Toàn cầu cùng với các bên khác tiến hành khảo sát đối với những người đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 từ tháng 2/2020. Có 457 người trong độ tuổi từ 20 đến 70 đã trả lời khảo sát.

Kết quả cho thấy trong số này, số người cho biết vẫn còn thấy một số triệu chứng sau 6 tháng tính từ khi được chẩn đoán nhiễm vi-rút chiếm 26,3% và sau 12 tháng là 8,8%. Chúng ta hãy cùng xem xét dữ liệu đối với mỗi loại triệu chứng.

1. Có vấn đề về khứu giác
Trong số những người trả lời, số người vẫn gặp phải vấn đề về khứu giác sau khoảng 100 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng nhiễm vi-rút là hơn 10%, sau 6 tháng là 7,7%, sau 200 ngày là 5% và sau 1 năm là 1,1%.

2. Có vấn đề về vị giác
Số người cho biết vẫn gặp phải vấn đề về vị giác sau khi có triệu chứng khoảng 100 ngày là khoảng 5%, sau 6 tháng là 3,5% và sau 1 năm là 0,4%.

3. Mệt mỏi
Số người cảm thấy mệt mỏi ngay sau khi có triệu chứng chiếm khoảng 50%, sau 100 ngày là 10%, sau 6 tháng là 6,6% và sau 1 năm là 3,1%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/10/2021).

Câu hỏi 332: Có nên tiêm vắc-xin cho trẻ em hay không? – Phần 6: Lợi ích và nguy cơ

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét mở rộng triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa vi-rút corona cho học sinh tiểu học. Trong phần tiếp theo của loạt bài này, chúng ta cùng xem xét các lợi ích và rủi ro của việc tiêm vắc-xin đối với trẻ em.

Sau khi xác nhận tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin đối với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, các công ty dược Pfizer của Mỹ và đối tác là BioNTech của Đức đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin cho nhóm tuổi này lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Sau động thái này, Nhật Bản có thể cũng sẽ xem xét việc tiêm vắc-xin cho trẻ em trong nhóm tuổi nói trên.

Giáo sư Nakayama Tetsuo thuộc Đại học Kitasato cho biết cần xem xét sự khác biệt giữa xu hướng ở Mỹ và Nhật Bản khi thảo luận về vấn đề này trong thời gian tới.

Theo giáo sư Nakayama, tại Mỹ, giới chức đang triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học do ngày càng có nhiều cụm lây nhiễm ở trường học trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng toàn thể đang tăng chậm lại. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, tỷ lệ tiêm chủng ở những người trong độ tuổi 20 và 30, cũng như phụ huynh của trẻ em trong độ tuổi tiểu học có thể tăng lên. Do đó, giới chức có thể chờ theo dõi tình hình thêm một khoảng thời gian nữa.

Nếu lây nhiễm tiếp tục lan rộng, vắc-xin sẽ có ý nghĩa đáng kể trong việc bảo vệ người dân. Ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc mở rộng nhóm tuổi được tiêm vắc-xin như một cách để phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ em. Quan trọng là giới chức phải đưa ra quyết định sau khi cân nhắc sự cân bằng giữa hiệu quả cũng như các lợi ích khác của việc tiêm vắc-xin với các rủi ro, chẳng hạn như phản ứng phụ. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc xem liệu phụ huynh và chính các em có muốn tiêm vắc-xin hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/10/2021).

Câu hỏi 331: Có nên tiêm vắc-xin cho trẻ em hay không? – Phần 5: Các tác dụng phụ của vắc-xin

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét mở rộng triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa vi-rút corona cho học sinh tiểu học. Trong phần tiếp theo của loạt bài này, chúng ta cùng tìm hiểu các tác dụng phụ của vắc-xin đối với trẻ em.

Trong báo cáo công bố ngày 20/9, công ty dược Pfizer của Mỹ chỉ cho biết rằng theo kết quả thử nghiệm, các tác dụng phụ của vắc-xin ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 là tương tự với nhóm tuổi từ 16 đến 25 được tiêm với liều lượng như của người trưởng thành.

Bác sĩ Nhi khoa Nakayama Tetsuo, đồng thời là giáo sư tại Đại học Kitasato cho biết ông tin rằng vắc-xin không nguy hiểm đối với trẻ em, nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ.

Ông nói thêm rằng một trong các tác dụng phụ có thể có là sốt và lưu ý rằng một số trẻ dễ bị co giật khi bị sốt. Giáo sư Nakayama nhấn mạnh phụ huynh cần hiểu rõ điều này trước khi cho trẻ tiêm vắc-xin, đồng thời nói thêm rằng việc trẻ em được tiêm vắc-xin bởi các bác sĩ thường xuyên thăm khám, là những người hiểu rõ tình trạng thể chất của các em, là rất quan trọng.

Trong khi đó, theo Giáo sư Okada Kenji của Trường Điều dưỡng Fukuoka, đồng thời cũng là chủ tịch Hiệp hội Vắc-xin Nhật Bản, cần tiêm vắc-xin cho trẻ em có bệnh lý nền, cũng như học sinh chuẩn bị tham dự các kỳ thi tuyển sinh và có nguyện vọng tiêm. Tuy nhiên, giáo sư cũng cho biết việc tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 12 tuổi không phải là ưu tiên hàng đầu.

Giáo sư Okada cũng nói nếu trẻ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng, điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai của các em. Do đó, khi tiêm vắc-xin cho trẻ khoẻ mạnh, điều quan trọng là cần cân nhắc giữa mức độ nghiêm trọng nếu bị nhiễm vi-rút, hiệu quả của vắc-xin và sự an toàn của các em.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/10/2021).

Câu hỏi 330: Có nên tiêm vắc-xin cho trẻ em hay không? – Phần 4: Lợi ích của việc tiêm vắc-xin cho trẻ em

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét mở rộng triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa vi-rút corona cho học sinh tiểu học. Trong phần tiếp theo của loạt bài này, chúng ta cùng tìm hiểu những lợi ích từ việc tiêm vắc-xin cho trẻ em.

Khi xem xét các tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19 ở một mức độ nhất định, lợi ích của việc tiêm vắc-xin ở trẻ em được cho là thấp hơn so với người trưởng thành, do trẻ em ít khi bị nặng sau khi nhiễm vi-rút.

Như vậy, tiêm vắc-xin mang lại lợi ích gì?
Thứ nhất là phòng ngừa lây nhiễm và ngăn bệnh trở nặng. Các loại vắc-xin đang được sử dụng hiện nay cho thấy hiệu quả cao trong việc phòng ngừa lây nhiễm và ngăn bệnh trở nặng đối với biến chủng Delta.

Thứ hai là giảm nguy cơ bùng phát lây nhiễm tại trường học và các lớp học phụ đạo. Trong làn sóng lây nhiễm thứ 5, nhiều trường hợp bùng phát lây nhiễm xảy ra ở trẻ em tại các trường học và các lớp học ngoài giờ, chẳng hạn như tại các lớp luyện thi. Theo đó, vắc-xin được cho là có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bùng phát các cụm lây nhiễm như vậy.

Thứ ba là giảm nguy cơ lây nhiễm trong gia đình. Tiêm vắc-xin cho trẻ em còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình chưa được hoặc không thể tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/10/2021).

Câu hỏi 329: Có nên tiêm vắc-xin cho trẻ em hay không? – Phần 3: Ít ca nhiễm nặng ở trẻ em

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét mở rộng triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa vi-rút corona cho học sinh tiểu học. Trong phần tiếp theo của loạt bài này, chúng ta cùng xem xét tỉ lệ các ca bệnh chuyển nặng ở trẻ em.

Thông thường, khi bị nhiễm vi-rút corona, phần lớn trẻ em chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và chỉ một số ít bệnh chuyển nặng. Dữ liệu của bộ y tế Nhật Bản cho thấy tính đến ngày 15/9/2021, Nhật Bản ghi nhận khoảng 1.625.000 ca nhiễm vi-rút corona với 14.229 ca tử vong, tương ứng với tỉ lệ khoảng 0,9%. Trong tổng số ca nhiễm, số trẻ em dưới 10 tuổi là khoảng 84.000 ca, còn số trẻ em trong độ tuổi thiếu niên là khoảng 163.000 ca. Có một em trong độ tuổi từ 11-19 đã tử vong. Theo một thống kê khác của bộ, trong số các ca nhiễm được ghi nhận từ tháng 6 đến tháng 8 năm ngoái, tỉ lệ ca nặng ở trẻ em dưới 10 tuổi là 0,09%, và hầu như không ghi nhận ca nặng nào đối với trẻ em trong độ tuổi thiếu niên. Các chuyên gia cho biết trẻ em có bệnh nền có thể chuyển bệnh nặng sau khi nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, đến nay chỉ có vài trường hợp như vậy từng được ghi nhận.

Ban chuyên gia của bộ y tế cho biết trong phần lớn các trường hợp, trẻ em nhiễm vi-rút từ người lớn trong gia đình, và có rất ít trường hợp trẻ em lây bệnh cho người lớn. Theo ban chuyên gia, tình hình dường như không giống với bệnh cúm thông thường, khi trẻ em thường lây bệnh cho người thân trong gia đình sau khi bị lây cúm ở trường học.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/10/2021).

Câu hỏi 328: Có nên tiêm vắc-xin cho trẻ em hay không? – Phần 2: Nhật Bản bắt đầu thảo luận

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét mở rộng triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa vi-rút corona cho học sinh tiểu học. Trong phần tiếp theo của loạt bài này, chúng ta cùng tìm hiểu chương trình tiêm chủng cho trẻ em tại Nhật Bản.

Vào ngày 28/5, bộ y tế Nhật Bản thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa vi-rút corona cho thiếu niên trong độ tuổi từ 12 dến 15. Giới chức đưa ra quyết định trên sau khi hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức xin cấp phép sử dụng vắc-xin cho nhóm tuổi này. Ngày 31/5, Nhật Bản chính thức bổ sung nhóm tuổi từ 12-15 vào đối tượng được tiêm vắc-xin và bắt đầu triển khai tiêm chủng cho nhóm tuổi này.

Sau khi Pfizer và BioNTech thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng xác nhận tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin đối với trẻ em trong độ tuổi từ 5-11, Nhật Bản có thể cũng sẽ xem xét bổ sung nhóm tuổi trên vào chương trình tiêm chủng.

Việc vắc-xin được cấp phép sử dụng cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học nên được nhìn nhận như thế nào? Về vấn đề này, chúng tôi tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa Nakayama Tetsuo, đồng thời là giáo sư tại đại học Kitasato. Giáo sư Nakayama cho biết đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có loại vắc-xin ngừa vi-rút corona nào dành riêng cho trẻ em. Do đó, điều đặc biệt quan trọng là cần phải có biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona sau khi ghi nhận các ca nhiễm tại trường học, chương trình quản lý học sinh sau giờ học hay các lớp học phụ đạo.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/10/2021).

Câu hỏi 327: Có nên tiêm vắc-xin cho trẻ em hay không? – Phần 1: Mỹ xem xét hạ độ tuổi tiêm chủng xuống còn 5 tuổi

Trả lời:
Mỹ đã bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa vi-rút corona cho học sinh tiểu học. Xin giới thiệu đến các bạn loạt bài mới về các vấn đề liên quan đến tiêm chủng cho trẻ em. Trong phần đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về “chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa vi-rút corona cho trẻ em tại Mỹ”.

Vào ngày 20/9, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác là công ty BioNTech của Đức công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa vi-rút corona tiến hành tại Mỹ và các nước khác đối với 2.268 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11. Các em được tiêm 2 mũi vắc-xin với liều lượng bằng 1/3 liều dành cho người lớn. Sau đó 1 tháng, các nhà nghiên cứu xác nhận đáp ứng miễn dịch mạnh khi các em được xét nghiệm kháng thể trung hòa kiềm chế hoạt động của vi-rút. Theo đó, đáp ứng miễn dịch và các tác dụng phụ được cho là tương đương với thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 16 đến 25 được tiêm vắc-xin với liều lượng thông thường. Vào ngày 7/10, 2 công ty thông báo chính thức nộp đơn lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Ban đầu, vắc-xin của Pfizer chỉ được phép tiêm cho người từ 16 tuổi trở lên. Trong tháng 5, giới chức hạ độ tuổi được phép tiêm vắc-xin, bao gồm cả thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 15. Quyết định trên được đưa ra sau khi vào ngày 31/3, các công ty dược thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng xác nhận vắc-xin hiệu quả và an toàn đối với nhóm tuổi trên. Vào này 9/4, các công ty dược nộp đơn xin cấp phép tiêm vắc-xin cho nhóm tuổi này lên FDA, và được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 10/5. Sau đó từ ngày 13/5, vắc-xin được bắt đầu tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/10/2021).

Câu hỏi 326: Ý kiến chuyên gia về số ca nhiễm giảm mạnh – Phần 5: Ông Wakita Takaji – Viện trưởng Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm

Trả lời:
Tại Nhật Bản, kể từ cuối tháng 8, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm mạnh. Xin giới thiệu đến các bạn phần tiếp theo trong loạt bài ý kiến của chuyên gia về nguyên nhân số ca nhiễm mới giảm mạnh.

Ông Wakita Takaji, Viện trưởng Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản, đồng thời là người đứng đầu ban cố vấn của bộ y tế về ứng phó vi-rút corona. Ông cho biết có một số chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến việc số ca nhiễm giảm mạnh là do số người ra ngoài vào buổi tối để đến các khu vực giải trí giảm, và chương trình tiêm chủng vắc-xin có tiến triển. Tuy nhiên, theo ông thì các nhân tố này là không đủ để giải thích lý do tại sao số ca nhiễm giảm mạnh.

Ông cho biết trong làn sóng lây nhiễm mới nhất, những người trẻ bị nhiễm vi-rút không làm lây lan sang người cao tuổi một phần là do vắc-xin có hiệu quả. Ông cho biết số ca nhiễm trong giới trẻ luôn có xu hướng tăng rất nhanh và giảm cũng rất nhanh. Ông cho biết có thể xu hướng lây nhiễm trong giới trẻ đã trở thành xu hướng lây nhiễm chính trong làn sóng mới nhất. Theo ông thì cần nghiên cứu và phân tích thêm vì hiện vẫn chưa rõ trong số rất nhiều nhân tố thì từng nhân tố có ảnh hưởng ở mức độ nào đối với việc số ca nhiễm mới giảm mạnh.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng vi-rút corona đã tiếp tục đột biến, ông Wakita cho biết ông không nghĩ như vậy. Ông cho biết viện của ông đã tiến hành phân tích mẫu gen của vi-rút corona nhưng phát hiện rất ít điểm khác biệt giữa mẫu vi-rút trong thời điểm hiện tại khi số ca nhiễm giảm và mẫu vi-rút vào thời điểm số ca nhiễm tăng mạnh. Ông Wakita cho biết hiện tại ông không nghĩ rằng vi-rút đã yếu hơn trước.

Khi được hỏi về các biện pháp cần thực hiện từ bây giờ trở đi, ông Wakita cho biết tại một số khu vực trên cả nước, số ca nhiễm là người nước ngoài đang gia tăng, do đây là nhóm có tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin thấp hơn. Theo ông thì điều quan trọng là về mặt y tế công cộng thì chính phủ cần phải có biện pháp để thúc đẩy tiêm chủng đối với những người được coi là có nguy cơ cao, cũng như tại các khu vực và các cộng đồng mà người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận tiêm chủng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/10/2021).

Câu hỏi 325: Ý kiến chuyên gia về số ca nhiễm giảm mạnh – Phần 4: Giáo sư Nishiura Hiroshi – Đại học Kyoto

Trả lời:
Tại Nhật Bản, kể từ cuối tháng 8, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm mạnh. Xin giới thiệu đến các bạn phần tiếp theo trong loạt bài ý kiến của chuyên gia về nguyên nhân số ca nhiễm mới giảm mạnh.

Giáo sư Nishiura Hiroshi thuộc Đại học Kyoto là thành viên ban cố vấn của bộ y tế về ứng phó vi-rút corona. Ông cho biết có thể giải thích được nguyên nhân đằng sau việc số ca nhiễm giảm mạnh một khi có được kết quả phân tích hiện đang tiến hành.

Tuy nhiên, theo ông Nishiura, có một điều ông có thể nói chắc chắn là hệ số lây nhiễm có xu hướng tăng sau kì nghỉ lễ hoặc nghỉ cuối tuần dài. Hệ số lây nhiễm là chỉ số cho thấy một người nhiễm vi-rút có thể lây thêm cho bao nhiêu người. Theo giáo sư Nishiura thì ngay cả khi nhiều khu vực trên cả nước áp dụng tình trạng khẩn cấp thì hệ số này vẫn tăng sau kì nghỉ lễ. Ông cho biết có thể khẳng định rằng hành vi của từng cá nhân trong kì nghỉ, như gặp những người ít gặp thường ngày, hoặc đi chơi xa và ăn ngoài nhà hàng, đã góp phần làm gia tăng các ca nhiễm thứ cấp.

Theo giáo sư Nishiura thì việc gia tăng tiếp xúc trực tiếp không được kiểm soát chắc chắn sẽ dẫn đến một đợt bùng phát lây nhiễm lớn khác, kể cả khi chương trình tiêm chủng vắc-xin tại Nhật Bản tiếp tục có tiến triển. Ông cho biết cần chuẩn bị cho khả năng xảy ra đợt bùng phát mới vào mùa đông.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/10/2021).

Câu hỏi 324: Ý kiến chuyên gia về số ca nhiễm giảm mạnh – Phần 3: Giáo sư Yamamoto Taro - Viện Y học Nhiệt đới Đại học Nagasaki

Trả lời:
Tại Nhật Bản, kể từ cuối tháng 8, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm mạnh. Chúng tôi giới thiệu đến các bạn phần tiếp theo trong loạt bài ý kiến của chuyên gia về nguyên nhân số ca nhiễm mới giảm mạnh. Chúng ta cùng lắng nghe ý kiến của giáo sư Yamamoto Taro thuộc Viện Y học Nhiệt đới Đại học Nagasaki.

Về vấn đề này, Giáo sư Yamamoto cho biết ông không thể đánh giá chính xác xem yếu tố nào là nguyên nhân dẫn đến việc số ca nhiễm giảm mạnh nếu không biết được mối liên hệ chính xác giữa số ca nhiễm mới mỗi ngày ở các địa phương với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, Giáo sư Yamamoto cũng cho rằng ngày càng có nhiều người có kháng thể do được tiêm vắc-xin hoặc đã từng nhiễm vi-rút. Theo giáo sư, nếu vi-rút corona dần trở thành một phần cuộc sống hằng ngày và nếu mọi người chấp nhận chung sống với vi-rút ở một mức độ nhất định xét từ góc độ cá nhân, xã hội và kinh tế, thì cần phải có thảo luận về mức độ sống chung với dịch bệnh.

Ông cho rằng Nhật Bản đang bước vào một giai đoạn mới, theo đó các tiêu chuẩn để đánh giá tình hình lây nhiễm dần chuyển sang tập trung vào số ca bệnh nghiêm trọng và số ca tử vong hơn là số ca nhiễm mới mỗi ngày.

Theo Giáo sư Yamamoto, trong tương lai, nếu vi-rút tiếp tục biến đổi và dễ lây lan hơn trong khi vẫn theo đuổi các biện pháp phòng ngừa và hạn chế triệt để để không có ca nhiễm nào, người dân có thể phải sống trong hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều so với hiện tại. Ông cho rằng trong khi từ góc độ bao quát cần xem xét về việc chung sống với vi-rút như thế nào, thì từ góc độ cá nhân vẫn tồn tại nguy cơ bản thân mọi người hay gia đình có thể chuyển nặng hoặc tử vong do vi-rút. Do đó, Giáo sư Yamamoto cho rằng cần thiết lập các phương pháp điều trị cũng như hệ thống y tế để giảm thiểu các ca tử vong.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/10/2021).

Câu hỏi 323: Ý kiến chuyên gia về số ca nhiễm giảm mạnh – Phần 2: Giáo sư Wada Koji

Trả lời:
Tại Nhật Bản, kể từ cuối tháng 8, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm mạnh. Chúng tôi giới thiệu đến các bạn phần tiếp theo trong loạt bài ý kiến của chuyên gia về nguyên nhân số ca nhiễm mới giảm mạnh.

Giáo sư Wada Koji thuộc Đại học Quốc tế về Y tế và Phúc lợi là thành viên ban cố vấn của bộ y tế về ứng phó vi-rút corona. Ông cho biết số ca nhiễm giảm có thể là do tiến triển trong công tác tiêm chủng, cũng như các yếu tố liên quan đến thời tiết. Theo giáo sư, nhiệt độ giảm góp phần làm giảm các hoạt động trong nhà sử dụng máy điều hoà nhiệt độ, đồng nghĩa với việc mọi người có thể giữ khoảng cách với nhau dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông cũng nói rất khó để định lượng xem mỗi yếu tố có ảnh hưởng như thế nào đến việc giảm số ca nhiễm mới.

Dự đoán về tình hình trong những tháng sắp tới, giáo sư Wada nói số ca nhiễm mới có thể lại tăng lên khi nhiệt độ giảm hơn nữa trong mùa đông. Ông cho biết lây nhiễm có thể xảy ra trước hết ở thanh thiếu niên và những người trong độ tuổi 20, là nhóm tuổi có tỉ lệ người có khả năng miễn dịch nhờ vào tiêm vắc-xin hoặc do đã từng bị nhiễm thấp hơn. Theo đó, vi-rút có thể lây từ người trẻ sang những người trong độ tuổi trung niên hay người cao tuổi chưa được tiêm vắc-xin, vốn là các đối tượng có nguy cơ cao xuất hiện triệu chứng nặng. Giáo sư cho biết hiện cũng có nhiều lo ngại cho rằng vi-rút có thể lây lan trong nhóm người cao tuổi do lượng kháng thể sụt giảm sau khi tiêm vắc-xin được một thời gian.

Đề cập đến các biện pháp phòng ngừa, giáo sư Wada nói khi mùa đông tới, tỉ lệ tiêm chủng càng cao thì càng dễ tránh được tình trạng quá tải cho hệ thống y tế. Ông đề nghị những người chưa tiêm vắc-xin hãy tiêm trước cuối tháng 10. Tuy nhiên, ông cũng cho biết những tiến triển trong công tác tiêm chủng đồng nghĩa với việc ngay cả khi số ca nhiễm mới tăng lên ở một mức độ nhất định, hệ thống y tế cũng sẽ không phải đối mặt với sức ép lớn như trước đây.

Ông cũng chỉ ra rằng cần thảo luận về việc làm sao hiểu thêm về vi-rút corona cũng như cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa đến mức độ nào.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/10/2021).

Câu hỏi 322: Ý kiến chuyên gia về số ca nhiễm giảm mạnh – Phần 1: Trưởng ban cố vấn chính phủ Omi Shigeru

Trả lời:
Trong thời gian xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 5 vào mùa hè vừa qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Nhật Bản đã tăng lên mức chưa từng có, có lúc vượt 25.000 ca vào giữa tháng 8. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8, số ca nhiễm bắt đầu giảm mạnh. Tính đến ngày 5/10, số ca nhiễm mới mỗi ngày đều thấp hơn 1.000 ca trong 3 ngày liên tiếp, tức là chỉ bằng khoảng 1/25 so với giai đoạn đỉnh dịch. Chúng ta cùng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về việc số ca nhiễm mới giảm mạnh.

Vào ngày 28/9, Chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Trong buổi họp báo tổ chức cùng ngày, ông Omi Shigeru, trưởng ban cố vấn của chính phủ trình bày một số lý do dẫn tới quyết định nói trên.

Nguyên nhân đầu tiên là do hầu như không có các kỳ nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ dài hơn thông thường, chẳng hạn như nghỉ hè, là những dịp lưu lượng đi lại của người dân có xu hướng gia tăng. Điều này có đồng nghĩa với việc có ít nguy cơ lây lan vi-rút từ người sang người hơn.

Thứ hai là người dân nhận thức được tình trạng khủng hoảng sau khi biết có nhiều người buộc phải dưỡng bệnh tại nhà khi các bệnh viện bị quá tải do số ca nhiễm tăng lên.

Thứ ba, số lượng người đến các khu giải trí ban đêm, là nơi thường có nguy cơ lây nhiễm cao, giảm đi.

Thứ tư là công tác tiêm chủng đạt nhiều tiến triển, góp phần làm giảm số ca nhiễm mới, không chỉ ở người cao tuổi mà còn ở các nhóm tuổi trẻ hơn.

Cuối cùng là do điều kiện thời tiết thay đổi, chẳng hạn như nhiệt độ và lượng mưa, vốn được coi là các yếu tố rủi ro.

Theo ông Omi, khi thời tiết mát mẻ hơn, người dân thường dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời hơn, góp phần làm giảm tiếp xúc trong không gian kín vốn dễ xảy ra lây nhiễm. Tuy nhiên, ông cho biết điều này chưa được kiểm chứng một cách khoa học. Ông nói sẽ tiếp tục xem xét các yếu tố có thể góp phần làm giảm việc lây nhiễm tới mức độ nào.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/10/2021).

Câu hỏi 321: Những người có nguy cơ chuyển nặng – Phần 2: Nguy cơ xếp theo nhóm tuổi trên thang đánh giá mới

Trả lời:
Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu của Nhật Bản cùng với nhiều đơn vị khác xây dựng một thang đo sử dụng các mức điểm để đánh giá nguy cơ bệnh nhân nhiễm vi-rút corona có dễ chuyển nặng hay không. Trong phần tiếp theo của loạt bài này, chúng ta cùng xem xét các đối tượng có nguy cơ cao xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng xếp theo nhóm tuổi dựa trên thang đánh giá mới.

Thang đánh giá mới chia người bệnh thành 3 nhóm tuổi: 18-39, 40-64 và từ 65 trở lên.

Theo thang đo này, nam giới trong độ tuổi 18-39 sẽ được tính 1 điểm. Những người từ 30 tuổi trở lên cũng sẽ được tính 1 điểm, bất kể giới tính. Những người có chỉ số khối cơ thể BMI trong khoảng 23-29,9 sẽ được tính 1 điểm, còn những người có chỉ số này từ 30 trở lên sẽ được tính 2 điểm. Chỉ số khối BMI dùng để xác định xem một người có bị quá cân hay không và được tính bằng cách lấy trọng lượng cơ thể (tính theo kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng m). Trong khi đó, những người mắc bệnh ung thư được tính thêm 3 điểm.

Cũng theo thang đánh giá mới, bệnh nhân COVID-19 trong nhóm tuổi này sẽ được tính thêm 2 điểm nếu bị sốt từ 37,5 độ C. Những người thở khò khè được tính thêm 2 điểm, còn bệnh nhân bị khó thở sẽ được tính 1 điểm.

Theo đó, những người trong nhóm tuổi này có điểm từ 6 trở lên trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh sẽ được xếp vào nhóm có nguy cơ cao bệnh trở nặng và cần được điều trị một cách thích hợp.

Trong khi đó, đối với những người độ tuổi từ 40-64, nam giới sẽ được tính 1 điểm. Những người từ 50-59 tuổi sẽ được tính 1 điểm, còn người từ 60-64 sẽ được tính 3 điểm. Những người có chỉ số BMI từ 25 trở lên sẽ được tính thêm 2 điểm. Người bị bệnh tiểu đường được tính thêm 1 điểm.

Bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm tuổi từ 40-64 bị sốt từ 37,5 độ C trở lên sẽ được tính thêm 21 điểm, thở khò khè được tính thêm 2 điểm, 1 điểm nữa nếu bị ho hay cảm thấy mệt mỏi.

Theo thang đánh giá mới, những người trong nhóm tuổi này nếu có từ 5 điểm trở lên trong giai đoạn bùng phát lây nhiễm sẽ được xếp vào nhóm có nguy có cao xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng và cần được điều trị thích hợp.

Đối với nhóm từ 65 tuổi trở lên, người bệnh sẽ được tính 2 điểm nếu từ 75 tuổi trở lên. Những người có chỉ số BMI từ 25 trở lên sẽ được tính thêm 2 điểm.

Người bệnh sẽ được tính thêm 2 điểm nếu có tiền sử bị suy tim, tiểu đường hoặc cao huyết áp. Những người có bệnh về mạch máu não sẽ được tính thêm 1 điểm.

Ngoài ra, trong nhóm tuổi này, người bệnh sẽ được tính thêm 4 điểm nếu bị sốt từ 37,5 độ C trở lên hay bị khó thở. Bệnh nhân bị ho sẽ tính thêm 1 điểm.

Như vậy, theo thang đánh giá mới, bệnh nhân trong nhóm tuổi từ 65 trở lên có từ 3 điểm hoặc cao hơn sẽ được xếp vào nhóm có nguy cơ cao bệnh trở nặng và cần được điều trị kịp thời. Nhân viên y tế cũng cần chú ý để tránh bỏ sót các đối tượng này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/10/2021).

Câu hỏi 320: Những người có nguy cơ chuyển nặng – Phần 1: Xây dựng thang đo mới – Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu

Trả lời:
Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu của Nhật Bản cùng với nhiều đơn vị khác xây dựng một thang đo sử dụng các mức điểm để đánh giá nguy cơ bệnh nhân nhiễm vi-rút corona có dễ chuyển nặng hay không. Bệnh nhân nào có số điểm cao hơn đồng nghĩa với việc có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Thang đo này có thể dùng để đánh giá mức độ ưu tiên nhập viện cho người nhiễm vi-rút. Chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn phần đầu tiên trong loạt bài về chủ đề này.

Các nhà nghiên cứu khảo sát gần 4.500 bệnh nhân phải nhập viện trên khắp Nhật Bản trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2020. Họ phân tích đặc điểm của các bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc trung bình cần phải thở oxy, sau đó xây dựng thang điểm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của người bệnh.

Thang đánh giá này phân loại bệnh nhân theo các nhóm tuổi. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân là nam giới trong độ tuổi 40-64 sẽ được tính 1 điểm. Những người có chỉ số tình trạng thể chất BMI trên 25 sẽ được xếp vào nhóm béo phì và được tính 2 điểm. Người bị bệnh tiểu đường sẽ được tính thêm 1 điểm, trong khi người bị sốt cao trên 37,5 độ C sẽ được tính 2 điểm. Người bệnh sẽ được tính thêm 2 điểm nếu thấy khó thở, 1 điểm nếu bị ho và 1 điểm nếu cảm thấy mệt mỏi.

Khi áp dụng thang điểm này đối với dữ liệu thu được từ làn sóng lây nhiễm thứ 3, có 23% bệnh nhân trong độ tuổi 40-64 có mức điểm là 5 đã chuyển nặng sau khi nhiễm vi-rút. Con số này đối với người bệnh có mức điểm 10 là 76%.

Từ đó, các nhà nghiên cứu cho biết người bệnh có điểm cao hơn 5 được xếp vào nhóm có nguy cơ chuyển nặng cao nếu vi-rút lây lan nhanh chóng. Những người này cần được theo dõi thường xuyên và đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Ông Yamada Gen, thành viên của Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu cho biết trong trường hợp xảy ra một đợt bùng phát lây nhiễm khác và số người phải dưỡng bệnh tại nhà tăng lên, ông hy vọng thang đo này sẽ có thể phát huy hiệu quả trong việc xác định bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng cao và giúp họ được nhập viện để điều trị. Ông nói thêm rằng thang đo này không bao gồm tất cả các loại nguy cơ, nhưng có thể được dùng để đánh giá xem người bệnh thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/10/2021).

Câu hỏi 319: Khảo sát của NHK về đại dịch – Phần 8: Tới đây sẽ ứng phó vi-rút corona như thế nào?

Trả lời:
Xin giới thiệu phần tiếp theo trong loạt bài về khảo sát của NHK được tiến hành đầu tháng 9 nhằm tìm hiểu thái độ và hành vi của người dân trong đại dịch. Có 1.200 người trong độ tuổi từ 15-69 trên toàn Nhật Bản đã tham gia khảo sát. Chủ đề lần nay là về cách ứng phó với vi-rút corona trong thời gian tới đây.

Về vấn đề này, phần đông người tham gia trả lời khảo sát, chiếm 63,6%, cho rằng mọi người nên đặt ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu chấm dứt đại dịch thông qua tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế, trong khi 7,5% cho biết nên ưu tiên khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội bằng cách nới lỏng hạn chế. Điều này có nghĩa là số người cho rằng cần tiếp tục thực hiện các hạn chế để đại dịch kết thúc cho dù phải hy sinh các hoạt động kinh tế - xã hội nhiều gấp 8 lần số người cho rằng cần nới lỏng hạn chế.

Khảo sát cũng cho thấy mọi người đều hết sức mong muốn sớm được quay lại cuộc sống bình thường, mặc dù nhiều người thuộc nhiều nhóm có độ tuổi và địa vị khác nhau đều có nhiều suy nghĩ và lo ngại tác động của đại dịch, chương trình tiêm chủng và các biện pháp hạn chế đến đời sống hằng ngày.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/10/2021).

Câu hỏi 318: Khảo sát của NHK về đại dịch – Phần 7: Cần phải làm gì để người dân thay đổi hành vi

Trả lời:
Xin giới thiệu phần tiếp theo trong loạt bài về khảo sát của NHK được tiến hành đầu tháng 9 nhằm tìm hiểu thái độ và hành vi của người dân trong đại dịch. Có 1.200 người trong độ tuổi từ 15-69 trên toàn Nhật Bản đã tham gia khảo sát. Chủ đề lần này là ý kiến của người dân về việc chính phủ cần làm gì để người dân thay đổi hành vi trong đại dịch.

Bên cạnh việc tiêm chủng, thay đổi hành vi của người dân được coi là chìa khóa để kiềm chế vi-rút lây lan. Trong khảo sát của đài NHK, một câu hỏi được đặt ra là người dân nghĩ rằng cần có biện pháp hay hệ thống nào để mọi người thay đổi hành vi của mình. Có thể chọn nhiều phương án trả lời.

Hỗ trợ tài chính là câu trả lời được nhiều người chọn nhất, với 69,2%. Có 45% cho biết cần phải biến các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thành các biện pháp bắt buộc và phạt những người vi phạm. Có 43,7% cho biết cần thúc đẩy làm việc từ xa, 43,2% cho rằng chính phủ và các chuyên gia cần đưa ra giải thích và thông điệp thuyết phục. Có 34,9% ủng hộ các trường tiến hành dạy và học trực tuyến.

Khảo sát cũng hỏi về các biện pháp bắt buộc đi kèm hình phạt mà người dân có thể chấp nhận được.

Có 66,5% cho biết cần phải bắt buộc đeo khẩu trang. Có 54,4% cho biết cần thắt chặt hạn chế đối với các sự kiện và hoạt động giải trí, 40,3% cho biết cần bắt buộc tiêm vắc-xin. Có 34,8% ủng hộ thắt chặt hạn chế đối với giờ hoạt động của các cửa hàng ăn uống, 24,1% cho biết cần yêu cầu người dân xin giấy phép khi đi ra ngoài. Có 6,8% cho biết họ không muốn có bất cứ biện pháp nào là bắt buộc.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/10/2021).

Câu hỏi 317: Khảo sát của NHK về đại dịch – Phần 6: Ý kiến của người dân về việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19

Trả lời:
Xin giới thiệu phần tiếp theo trong loạt bài về khảo sát của NHK được tiến hành đầu tháng 9 nhằm tìm hiểu thái độ và hành vi của người dân trong đại dịch. Có 1.200 người trong độ tuổi từ 15-69 trên toàn Nhật Bản đã tham gia khảo sát. Chủ đề lần này là ý kiến của người dân về việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19.

Người dân đặt kỳ vọng cao rằng việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 sẽ là bước quyết định để chấm dứt việc tự cách ly và các biện pháp hạn chế phòng ngừa lây nhiễm khác.

Khi được hỏi về ý kiến đối với chương trình tiêm chủng vắc-xin, có 78% số người trả lời cho biết họ nghĩ rằng nên tiêm vắc-xin. Có 2,6% cho biết họ nghĩ rằng không nên tiêm, còn 19,4% cho biết họ không đưa ra được câu trả lời.

Trong số những người có cái nhìn tích cực về tiêm chủng, có gần 70% người thuộc mọi lứa tuổi cho biết họ tin rằng nên tiêm chủng vắc-xin. Ở các nhóm tuổi càng cao thì quan điểm tích cực này càng rõ ràng.

Về phần những người có quan điểm tiêu cực đối với tiêm chủng, có 7,1% người trong nhóm tuổi thiếu niên cho biết không nên tiêm chủng. Con số này là 4,6% ở nhóm tuổi 20, và 4% ở nhóm tuổi 30. Điều này cho thấy có nhiều người trẻ không muốn tiêm vắc-xin hơn là người cao tuổi.

Khi được hỏi tại sao lại có cái nhìn tiêu cực về vắc-xin, một số người tỏ ra quan ngại về tính an toàn, cũng như về các tác dụng phụ của vắc-xin.

Một nhân viên công ty trong độ tuổi 20 cho biết vẫn chưa rõ về tính an toàn của vắc-xin, cũng như khả năng vắc-xin có di chứng sau nhiều năm. Một học sinh trong độ tuổi vị thành niên cho biết lo ngại về khả năng xảy ra tác dụng phụ, cũng như việc vắc-xin có thể chứa dị vật.

Nhiều người trả lời khảo sát cho biết họ vẫn đang phân vân không biết có nên tiêm vắc-xin hay không. Một nhân viên văn phòng trong độ tuổi 20 cho biết vẫn chưa có đủ thông tin kể từ khi chương trình tiêm chủng được khởi động. Một phụ nữ trong độ tuổi 50 cho biết sẽ rất khó để đưa ra kết luận nhanh chóng rằng có nên tiêm vắc-xin hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/10/2021).

Câu hỏi 316: Khảo sát của NHK về đại dịch – Phần 5: Người dân cho rằng có thể tiếp tục tự hạn chế phòng ngừa vi-rút trong bao lâu?

Trả lời:
Xin giới thiệu phần tiếp theo trong loạt bài về khảo sát của NHK được tiến hành đầu tháng 9 nhằm tìm hiểu thái độ và hành vi của người dân trong đại dịch. Có 1.200 người trong độ tuổi từ 15-69 trên toàn Nhật Bản đã tham gia khảo sát. Chủ đề lần này là người dân cho rằng có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp tự hạn chế phòng ngừa vi-rút trong bao lâu.

Hiện có nhiều biện pháp hạn chế được áp dụng để kiểm soát lây nhiễm. Một trong những câu hỏi trong khảo sát của NHK là về việc người dân nghĩ có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế trong vòng bao lâu nữa.

Trong số những người tham gia khảo sát, có 42,5% cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp hạn chế cho đến khi kiểm soát được tình hình lây nhiễm, 18,6% cho biết là đến cuối năm còn 18,1% cho biết họ không biết có thể tiếp tục đến bao giờ. Có 10,7% cho biết họ không thể tiếp tục chịu đựng việc hạn chế, 5,9% cho biết họ chỉ có thể tiếp tục thực hiện trong 6 tháng nữa, và 4,3% cho biết có thể chịu đựng thêm 12 tháng.

Tuy có gần một nửa số người trả lời cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế cho đến khi đại dịch được hoàn toàn kiềm chế, có hơn 25% cho biết họ không thể chịu đựng được hạn chế thêm nữa, hoặc chỉ có thể chịu đựng đến cuối năm, tức là còn khoảng 4 tháng nữa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/10/2021).

Câu hỏi 315: Khảo sát của NHK về đại dịch – Phần 4: Lý do người dân tự hạn chế thấp hơn

Trả lời:
Xin giới thiệu phần tiếp theo trong loạt bài về khảo sát của NHK được tiến hành đầu tháng 9 nhằm tìm hiểu thái độ và hành vi của người dân trong đại dịch. Có 1.200 người trong độ tuổi từ 15-69 trên toàn Nhật Bản đã tham gia khảo sát. Chủ đề lần này là về lý do mà một số người tự hạn chế ở mức thấp hơn so với năm ngoái.

Khi được hỏi có tự hạn chế ở mức tương tự như tháng 4 năm ngoái, thời điểm tình trạng khẩn cấp đầu tiên được áp dụng, hay không, có khoảng 20% số người tham gia khảo sát trả lời là không. Những người này cũng được đề nghị chọn lý do cho hành động này, và có thể lựa chọn nhiều câu trả lời.

Lý do được nhiều người chọn nhất, với 42,6% số lượt lựa chọn, là do nhiều người cảm thấy mệt mỏi với việc tự hạn chế. Có 33,6% cho biết họ tự hạn chế ở mức thấp hơn do đã có thêm nhiều người được tiêm vắc-xin, còn 32,6% cho biết lý do là bởi họ đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Có 31,1% cho biết họ tuân thủ ở mức thấp hơn là do không còn cách nào khác để kiếm sống.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/9/2021).

Câu hỏi 314: Khảo sát của NHK về đại dịch – Phần 3: Thay đổi trong mức độ tự hạn chế của người dân

Trả lời:
Xin giới thiệu phần tiếp theo trong loạt bài về khảo sát của NHK được tiến hành đầu tháng 9 nhằm tìm hiểu thái độ và hành vi của người dân trong đại dịch. Có 1.200 người trong độ tuổi từ 15-69 trên toàn Nhật Bản đã tham gia khảo sát. Chủ đề lần này là hành vi tự hạn chế của người dân đã thay đổi như thế nào.

Trong bối cảnh tiếp tục có các ca nhiễm vi-rút corona, và nhiều người có các mối bất an khác nhau về đời sống, câu hỏi đặt ra là liệu mức độ tự hạn chế của người dân có thay đổi hay không?

Khi được hỏi về mức độ tuân thủ các biện pháp hạn chế so với khi tình trạng khẩn cấp đầu tiên được áp dụng vào tháng 4/2020, có khoảng 80% số người được hỏi cho biết họ vẫn tuân thủ với mức độ tương tự hoặc thậm chí còn nhiều hơn.

Có 54% cho biết họ vẫn tuân thủ các biện pháp ở mức tương tự, cao nhất trong số các câu trả lời. Có 26,6% cho biết họ tuân thủ ở mức cao hơn, còn 19,4% cho biết họ tuân thủ ở mức thấp hơn.

Kết quả cũng cho thấy số lượng thanh niên cho biết tuân thủ các biện pháp hạn chế ở mức thấp hơn so với năm ngoái cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Có 12,5% số người trong độ tuổi 60, 15,5% số người trong độ tuổi 50 và 17,4% số người trong độ tuổi 40 cho biết họ tuân thủ hạn chế ở mức thấp hơn, thì tỉ lệ này ở các nhóm tuổi 30, 20, và thiếu niên lần lượt là 22%, 28,5% và 28,9%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/9/2021).

Câu hỏi 313: Khảo sát của NHK về đại dịch – Phần 2: Mối bất an hiện tại của người dân

Trả lời:
Xin giới thiệu phần tiếp theo trong loạt bài về khảo sát của NHK được tiến hành đầu tháng 9 nhằm tìm hiểu thái độ và hành vi của người dân trong đại dịch.

Có 1.200 người trong độ tuổi từ 15-69 trên toàn Nhật Bản đã tham gia khảo sát. Kết quả khảo sát cũng cho thấy những mối bất an nhất của người dân hiện nay.

Người được hỏi có thể chọn nhiều phương án trả lời.

Có 61,4% người trả lời khảo sát cho biết họ bất an về hệ thống y tế, cao nhất trong số các mối lo ngại hiện nay. 49,5% trả lời rằng họ thấy bất an về việc bị nhiễm vi-rút ở nhà, hay con cái bị nhiễm vi-rút. 33,3% bất an về việc tiếp tục kéo dài các biện pháp hạn chế của chính quyền trung ương và địa phương, bao gồm cả tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Trong phần tự viết câu trả lời cho câu hỏi trên, nhiều người cho biết họ đặc biệt bất an về việc bản thân sẽ bị nhiễm.

Một nam nhân viên văn phòng ở độ tuổi 40 cho biết anh lo ngại về việc nếu bị nhiễm vi-rút sẽ không được bố trí điều trị trong hệ thống y tế. Một nữ nhân viên bán thời gian ở độ tuổi 50 cho biết bà lo về việc vi-rút lây lan trong nhà, hoặc các triệu chứng nặng chuyển biến nhanh, do đã có nhiều ca nhiễm vi-rút gặp phải tình trạng này trong lúc dưỡng bệnh tại nhà vì không thể nhập viện.

Những người khác bày tỏ bất an về công ăn việc làm và thu nhập, hoặc thấy căng thẳng về tinh thần do các biện pháp hạn chế kéo dài.

Một lao động tự do ở độ tuổi 40 cho biết anh gặp khó khăn trong việc chi trả các chi phí hằng tháng do thu nhập giảm vì có ít việc hơn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/9/2021).

Câu hỏi 312: Khảo sát của NHK về đại dịch – Phần 1: Người dân sợ vi-rút đến mức nào?

Trả lời:
Xin giới thiệu phần đầu tiên trong loạt bài về khảo sát của NHK được tiến hành đầu tháng 9 nhằm tìm hiểu thái độ và hành vi của người dân trong đại dịch.

Có 1.200 người trong độ tuổi từ 15-69 trên toàn Nhật Bản đã tham gia khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy người dân có nhiều lo ngại và suy nghĩ khác nhau, cũng như có sự khác biệt giữa các thế hệ, về các vấn đề như chương trình tiêm chủng hay các hạn chế hoạt động kéo dài.

Khi được hỏi thấy sợ vi-rút corona đến mức nào, có 50,4% trả lời rằng họ rất sợ, 42,4% trả lời là khá sợ, và có 6,1% trả lời rằng không quá sợ. Kết quả cho thấy có gần 93% người trả lời thấy sợ vi-rút corona.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/9/2021).

Câu hỏi 311: Di chứng hậu COVID-19 – Phần 2: Mất khứu giác là triệu chứng thường gặp nhất

Trả lời:
Quận Setagaya, Tokyo đã tiến hành khảo sát với đối tượng là cư dân trong quận bị di chứng hậu COVID-19. Kết quả cho thấy có khoảng 50% trả lời rằng họ thấy mệt mỏi.

Có khoảng 54% trả lời rằng họ bị mất khứu giác, cao nhất trong số các di chứng ghi nhận được. 50% trả lời rằng họ thấy mệt mỏi, 45% cho biết bị mất vị giác và 34% bị ho dai dẳng.

Khảo sát cũng cho thấy với các nhóm tuổi khác nhau thì COVID-19 để lại di chứng khác nhau.

Đối với nhóm tuổi từ vị thành niên đến ngoài 30 tuổi, việc bị mất khứu giác là hiện tượng thường gặp nhất. Trong khi đó, đối với những người ngoài 40 tuổi, hiện tượng mệt mỏi xảy ra nhiều nhất.

Một số người trả lời rằng di chứng của vi-rút có thể kéo dài hơn 6 tháng, bao gồm cả suy giảm trí nhớ và rụng tóc.

Quận Setagaya sẽ tiếp tục phân tích tác động của các di chứng này, cũng như các biện pháp ứng phó trong tương lai.

Ông Hosaka Nobuto, người đứng đầu quận Setagaya, cho biết trong khi nhiều người tiếp tục phải chịu di chứng hậu COVID-19 trong cả công việc lẫn đời sống hằng ngày thì hệ thống hỗ trợ cho họ hiện vẫn còn thiếu. Ông hy vọng việc công bố dữ liệu khảo sát sẽ góp phần kêu gọi chính phủ thiết lập hệ thống phát triển cả liệu pháp điều trị cho những người bị di chứng, song song với việc chữa trị bệnh nhân COVID-19.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/9/2021).

Câu hỏi 310: Di chứng hậu COVID-19 – Phần 1: Một nửa số người nhiễm vi-rút bị di chứng

Trả lời:
Tính đến tháng 4/2021, Quận Setagaya của Tokyo đã tiến hành khảo sát với đối tượng là những người nhiễm COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện trong quận và cư dân quận nhiễm vi-rút tự dưỡng bệnh tại nhà.

Trong số 3.710 người trả lời khảo sát, khoảng 1.800 người, tương đương gần 50%, trả lời rằng họ bị di chứng. Tỉ lệ này đặc biệt cao trong nhóm từ ngoài 30 đến ngoài 50 tuổi, chiếm hơn 50% số người tham gia khảo sát gặp di chứng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/9/2021).

Câu hỏi 309: Thuốc điều trị COVID-19 (11): Các loại thuốc hiện có

Trả lời:
Cho tới nay, chính phủ Nhật Bản đã cấp phép cho 4 loại thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút corona. Bên cạnh đó còn có một số loại thuốc vốn dùng để điều trị cho các loại bệnh khác hiện cũng đang được nghiên cứu để xem liệu chúng có hiệu quả trong việc chống lại vi-rút corona hay không.

Cụ thể, các loại thuốc hiện đang được xem xét gồm có Actemra, Avigan, Alvesco, Futhan và Ivermectin. Trong số này, Actemra được dùng điều trị bệnh thấp khớp, còn Avigan dùng cho một chủng cúm mới. Alvesco dùng để ngăn chặn các triệu chứng hen suyễn, trong khi Futhan thường được dùng để điều trị các loại bệnh gây viêm tụy cấp hay đông máu. Ivermectin có hiệu quả chống lại các bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng.

Ivermectin được bán trực tuyến, hiện đang thu hút sự quan tâm do loại thuốc này được cho là có hiệu quả chống lại COVID-19. Khách hàng cá nhân cũng có thể tự mua được loại thuốc này.

Tuy nhiên, giới chức y tế tại nhiều nước và Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như các công ty dược khuyến cáo rằng hiện vẫn chưa kiểm chứng được hiệu quả của thuốc Ivermectin đối với vi-rút corona. Các chuyên gia cho biết người bệnh không nên tự ý sử dụng loại thuốc này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/9/2021).

Câu hỏi 308: Thuốc điều trị COVID-19 (10): Các loại thuốc đang được phát triển (2) – Roche, Shionogi

Trả lời:
Công ty dược hàng đầu của Thụy Sỹ là Roche đang nghiên cứu xem liệu AT-527, thuốc kháng vi-rút được chỉ định cho bệnh nhân viêm gan C, có hiệu quả trong việc điều trị COVID-19 hay không. Công ty hiện đang tiến hành giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng, với bệnh nhân tại Nhật Bản và các nước khác. Tại Nhật Bản, công ty hợp tác với Roche trong việc phát triển loại thuốc này ở Nhật là Chugai Pharmaceutical bày tỏ hy vọng có thể nộp đơn xin cấp phép lên bộ y tế trong năm tới.

Một công ty dược hàng đầu khác của Nhật Bản là Shionogi cũng đang bào chế một loại thuốc kháng vi-rút corona mới. Trong tháng 7, công ty thông báo bắt đầu giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng nhằm xác nhận xem loại thuốc này có an toàn hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/9/2021).

Câu hỏi 307: Thuốc điều trị COVID-19 (9): Các loại thuốc đang được phát triển – Merck, Pfizer

Trả lời:
Trên khắp thế giới, nhiều người đang phải dưỡng bệnh tại nhà khi bị nhiễm vi-rút corona. Điều này đồng nghĩa với việc có yêu cầu cấp thiết trong việc phát triển một loại thuốc dạng uống để bệnh nhân có triệu chứng nhẹ có thể tự sử dụng tại nhà để ngăn bệnh trở nặng. Đây cũng chính là loại thuốc mà các công ty dược của Nhật Bản và nước ngoài đang tìm cách bào chế.

Công ty dược hàng đầu của Mỹ là Merck & Co. hiện đang phát triển một loại thuốc kháng vi-rút có tên gọi molnupiravir. Loại thuốc này hiện đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng, có sự tham gia của bệnh nhân ở Nhật Bản và nhiều nước khác. Một công ty con ở Nhật Bản của Merck cho biết thử nghiệm sẽ có kết quả sớm nhất là cuối tháng 9 hoặc trong tháng 10. Nếu kết quả khả quan, công ty dự định sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trước cuối năm nay.

Một công ty dược hàng đầu khác của Mỹ là Pfizer cũng đang tiến hành giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài đối với liệu pháp điều trị sử dụng kết hợp 2 loại thuốc kháng vi-rút. Theo công ty, kết quả sơ bộ có thể sẽ được công bố trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12. Pfizer cũng dự định nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp lên FDA sớm nhất là trước cuối năm nay. Công ty hiện đang trong quá trình chuẩn bị để bệnh nhân tại Nhật Bản có thể tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/9/2021).

Câu hỏi 306: Thuốc điều trị COVID-19 (8): Loại 3 – Ngăn chặn phản ứng miễn dịch quá mức

Trả lời:
Các loại thuốc hiện được Chính phủ Nhật Bản cấp phép để điều trị có thể chia làm 3 loại chính, dựa trên cơ chế hoạt động của từng loại thuốc.

Loại 1. Thuốc có tác dụng ngăn chặn vi-rút tấn công xâm nhập vào tế bào.
Loại 2. Thuốc ngăn chặn vi-rút nhân lên sau khi đã xâm nhập vào tế bào.
Loại 3. Thuốc ngăn chặn phản ứng miễn dịch quá mức sau khi vi-rút đã nhân lên.

Theo đó, thuốc Dexamethasone và Baricitinib được xếp vào loại 3, dùng để ngăn chặn phản ứng miễn dịch quá mức. Sau khi bị nhiễm vi-rút, tế bào tiết ra nhiều chất gây phản ứng viêm nhằm kích hoạt các tế bào miễn dịch. Tuy nhiên, khi vi-rút nhân lên, trong một vài trường hợp, cơ thể tiết ra một lượng lớn các chất gây phản ứng viêm khiến hệ miễn dịch được kích hoạt tới mức không thể kiểm soát. Các phản ứng như vậy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi và các bộ phận khác trên cơ thể, khiến người bệnh rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Ở giai đoạn này, các loại thuốc dạng steroid nhiều khả năng sẽ được dùng để kiềm chế hoạt động của hệ miễn dịch và phản ứng viêm kèm theo. Theo đó, thuốc Dexamethasone và Baricitinib được cho là có hiệu quả chủ yếu đối với bệnh nhân nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/9/2021).

Câu hỏi 305: Thuốc điều trị COVID-19 (7): Loại 2 – Ngăn chặn vi-rút nhân lên

Trả lời:
Các loại thuốc hiện được Chính phủ Nhật Bản cấp phép để điều trị có thể chia làm 3 loại chính, dựa trên cơ chế hoạt động của từng loại thuốc.

Loại 1. Thuốc có tác dụng ngăn chặn vi-rút tấn công xâm nhập vào tế bào.
Loại 2. Thuốc ngăn chặn vi-rút nhân lên sau khi đã xâm nhập vào tế bào.
Loại 3. Thuốc ngăn chặn phản ứng miễn dịch quá mức sau khi vi-rút đã nhân lên.

Theo đó, thuốc Remdesivir thuộc loại 2, có tác dụng ngăn chặn vi-rút nhân lên sau khi xâm nhập vào bên trong tế bào. Sau khi xâm nhập, vi-rút sử dụng năng lượng của tế bào và tiếp tục nhân bản. Thuốc điều trị thuộc loại 2, trong đó có Remdesivir, có khả năng ngăn chặn vi-rút nhân lên bằng cách làm giảm chức năng của một loại en-zim liên quan đến quá trình nhân bản. Ngoài ra, một số thuốc dạng uống hiện đang được phát triển để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ cũng được xếp vào loại 2. Thông thường, các loại vi-rút đều nhân bản theo cách thức tương tự nhau. Điều này giúp các công ty dược có thể bào chế các loại thuốc điều trị nhiễm vi-rút corona dựa trên các loại thuốc đã được phát triển trước đó để đối phó các loại vi-rút khác. Giới chức y tế kỳ vọng có thể khuyến nghị sử dụng các loại thuốc này để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID giai đoạn đầu.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/9/2021).

Câu hỏi 304: Thuốc điều trị COVID-19 (6): Loại 1 – Ngăn chặn xâm nhập tế bào

Trả lời:
Các loại thuốc hiện được chính phủ Nhật Bản cấp phép để điều trị có thể chia làm 3 loại chính, dựa trên cơ chế hoạt động của từng loại thuốc.

Loại 1. Thuốc có tác dụng ngăn chặn vi-rút tấn công xâm nhập vào tế bào.
Loại 2. Thuốc ngăn chặn vi-rút nhân lên sau khi đã xâm nhập vào tế bào.
Loại 3. Thuốc ngăn chặn phản ứng miễn dịch quá mức sau khi vi-rút đã nhân lên.

Theo đó, liệu pháp hỗn hợp kháng thể được xếp vào loại 1, tức là giúp ngăn không cho vi-rút corona tấn công tế bào. Thông thường, các protein gai nhô ra khỏi bề mặt vi-rút corona sẽ liên kết với các tế bào cơ thể người trước khi xâm nhập chúng. Thuốc hỗn hợp kháng thể sử dụng kháng thể nhân tạo bám vào các protein gai và ngăn chúng liên kết với các tế bào khác. Thuốc được chỉ định sử dụng ở giai đoạn đầu sau khi nhiễm vi-rút. Loại thuốc này được kỳ vọng có hiệu quả điều trị cao do kháng thể được thiết kế chỉ nhằm mục tiêu vào vi-rút mà không gây tác dụng phụ nào đáng kể.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/9/2021).

Câu hỏi 303: Thuốc điều trị COVID-19 (5): Thuốc Sotrovimab

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản hiện cấp phép sử dụng 4 loại thuốc điều trị vi-rút corona. Một loại thuốc mới do các hãng dược phẩm, gồm cả GlaxoSmithKline của Anh, bào chế hiện đang được chính phủ xem xét.

Thuốc mới này có tên Sotrovimab, là một loại kháng thể trung hòa, truyền vào cơ thể bệnh nhân qua đường tĩnh mạch. Thuốc có tác dụng ức chế vi-rút sinh sôi và được chỉ định cho bệnh nhân nhiễm vi-rút có các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình chưa cần thở oxy, nhưng có nguy cơ cao chuyển biến nặng. Kết quả thử nghiệm lâm sàng ở các nước khác cho thấy thuốc có thể giúp giảm đến 79% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.

Vào ngày 6/9, hãng dược phẩm GlaxoSmithKline đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng loại thuốc này lên bộ y tế Nhật Bản.

Tại Mỹ, thuốc Sotrovimab được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong tháng 5. Tại Nhật Bản, bộ y tế dự định cấp phép sử dụng loại thuốc này vào cuối tháng 9. Cùng với hỗn hợp kháng thể Ronapreve, đây sẽ là loại thuốc thứ 2 được Nhật Bản cấp phép sử dụng cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/9/2021).

Câu hỏi 302: Thuốc điều trị COVID-19 (4): Điều trị bằng hỗn hợp kháng thể

Trả lời:
Liệu pháp điều trị có tên “hỗn hợp kháng thể” được cấp phép từ tháng 7/2021.

Trong liệu pháp này, bệnh nhân được truyền tĩnh mạch đồng thời 2 loại kháng thể là casirivimab và imdevimab. Đây là liệu pháp đầu tiên được Nhật Bản cấp phép để điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và được cho là có tác dụng kiềm chế vi-rút. Kết quả của các thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài cho thấy liệu pháp này giúp giảm khoảng 70% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong nếu các kháng thể đưa vào cơ thể người bệnh trong giai đoạn đầu sau khi nhiễm vi-rút.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp liệu pháp này từ tháng 11/2020. FDA cho biết ở một mức độ nhất định, liệu pháp có hiệu quả trong việc ngăn bệnh trở nặng ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Liệu pháp hỗn hợp kháng thể từng được dùng để điều trị cho Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump sau khi ông xét nghiệm dương tính và phải nhập viện vào tháng 10/2020.

Ban đầu, bộ y tế Nhật Bản chỉ cho phép sử dụng liệu pháp hỗn hợp kháng thể cho bệnh nhân đang nhập viện, viện lẽ các bệnh nhân này cần phải được chuyên gia y tế theo dõi cả trong và sau quá trình điều trị. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng trong đợt bùng phát mới nhất khiến nhiều bệnh nhân không thể nhập viện. Ngày 13/8, bộ sửa đổi hướng dẫn và cho phép những bệnh nhân đang cách ly tại khách sạn hoặc cơ sở y tế tạm thời cũng có thể được điều trị bằng liệu pháp hỗn hợp kháng thể, với điều kiện là họ được theo dõi đầy đủ.

Ngày 25/8, phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Suga Yoshihide nói sẽ cho phép dùng hỗn hợp kháng thể để điều trị cho bệnh nhân ngoại trú.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/9/2021).

Câu hỏi 301: Thuốc điều trị COVID-19 (3): Baricitinib

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản cấp phép sử dụng 4 loại thuốc điều trị vi-rút corona. Trong số này, baricitinib, một loại thuốc kháng viêm thường dùng trong điều trị thấp khớp, được cấp phép sử dụng từ tháng 4/2021. Thuốc có dạng viên và chỉ được phép dùng kết hợp với remdesivir cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình hoặc nghiêm trọng.

Một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên quy mô quốc tế cho thấy sử dụng baricitinib kết hợp với remdesivir giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn trung bình là 1 ngày so với các trường hợp chỉ điều trị bằng remdesivir.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/9/2021).

Câu hỏi 300: Thuốc điều trị COVID-19 (2): Dexamethasone

Trả lời:
Từ tháng 7/2020, dexamethasone được bộ y tế khuyến nghị sử dụng như một loại thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút. Thuốc dexamethasone là loại thuốc dạng steroid, có tác dụng giảm viêm và giảm các phản ứng dị ứng. Thuốc thường được dùng để điều trị thấp khớp cũng như các trường hợp bị viêm phổi nặng.

Một thử nghiệm lâm sàng tại Anh cho thấy thuốc giúp giảm nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng. Tại Nhật Bản, thuốc thường được dùng kết hợp với remdesivir. Các chuyên gia cho biết liệu pháp điều trị này giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong sau đợt bùng phát lây nhiễm thứ nhất vào mùa xuân năm 2020.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/9/2021).

Câu hỏi 299: Thuốc điều trị COVID-19 (1): Remdesivir

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản cấp phép sử dụng 4 loại thuốc điều trị vi-rút corona. Thuốc kháng vi-rút remdesivir được cấp phép đặc biệt để sử dụng khẩn cấp từ tháng 5/2020 và cũng là loại thuốc đầu tiên trong 4 loại được chính phủ phê duyệt.

Remdesivir vốn được phát triển để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút Ebola. Thuốc được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Remdesivir chỉ được dùng cho bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như những người đang phải dùng đến máy thở hay máy tim phổi nhân tạo ECMO. Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2021, Chính phủ Nhật Bản đã cấp phép sử dụng loại thuốc này cho bệnh nhân viêm phổi có các triệu chứng ở mức độ trung bình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/9/2021).

Câu hỏi 298: Gia tăng số ca nhiễm ở trẻ em – Phần 5: Tiêu chuẩn đầu tiên để quyết định việc đóng cửa trường học

Trả lời:
Cho đến nay, khi có một học sinh hoặc nhân viên trong trường được xác nhận nhiễm vi-rút corona thì trung tâm y tế công cộng địa phương sẽ xem xét tình hình và xác định những người có tiếp xúc gần với người bị nhiễm, rồi tham vấn cho hội đồng giáo dục. Hội đồng giáo dục sẽ là bên đưa ra quyết định có đóng cửa lớp học đó hay không. Tuy nhiên, đã có nhiều lo ngại về việc trung tâm y tế công cộng tại các khu vực áp dụng tình trạng khẩn cấp thực hiện việc xem xét tình hình chậm trễ do đang phải đối mặt với sức ép lớn. Bộ y tế và bộ giáo dục đã thảo luận về vấn đề này và đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể về việc đóng cửa lớp học.

Các tiêu chuẩn này đề ra các bước cụ thể về việc các trường nên ứng phó như thế nào trong trường hợp xác định có ca nhiễm vi-rút, và phải lập danh sách những người đã tiếp xúc gần với ca nhiễm hoặc cần phải được xét nghiệm.

Theo đó, nếu khó xác định được ai là người cần phải xét nghiệm thì tất cả học sinh trong một lớp đều phải xét nghiệm vi-rút.

Theo quy định thì cần phải đóng cửa lớp học trong các trường hợp sau:
- Khi một số học sinh trong cùng 1 lớp được xác nhận nhiễm vi-rút.
- Khi chỉ có 1 học sinh được xác nhận nhiễm vi-rút, nhưng một số em khác có triệu chứng giống với nhiễm cúm, hoặc một số em được xác nhận có tiếp xúc gần và có lo ngại lớn về việc vi-rút sẽ lây nhiễm trong lớp
Việc đóng cửa nên kéo dài trong khoảng từ 5 đến 7 ngày.

Bên cạnh đó, theo quy định thì nên cho tất cả các lớp học trong cùng một khối nghỉ nếu có một số lớp phải nghỉ học và có khả năng cao rằng vi-rút đã lây nhiễm trong khối đó. Quy định cũng cho rằng nên đóng cửa tạm thời toàn trường nếu một số khối phải nghỉ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/9/2021).

Câu hỏi 297: Gia tăng số ca nhiễm ở trẻ em – Phần 4: Biến thể Delta có khiến trẻ em dễ nhiễm vi-rút hơn hay không?

Trả lời:
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm đã phân tích dữ liệu của tất cả các ca dương tính tại Nhật Bản từ tháng 4, thuộc tất cả các nhóm tuổi. Kết quả cho thấy tỉ lệ lây nhiễm trong nhóm dưới 18 tuổi không đổi cho đến tháng 7, thời điểm biến thể Delta đã là biến thể lây nhiễm chính. Nghiên cứu này không bao gồm những ca từ 65 tuổi trở lên, vì số ca nhiễm trong nhóm tuổi này đã giảm do được tiêm vắc-xin. Theo các nhà nghiên cứu thì không thể kết luận rằng biến thể Delta nguy hiểm hơn đối với trẻ em.

Chúng tôi đã phỏng vấn ông Wakita Takaji, người đứng đầu Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm, đồng thời là chủ tịch ban chuyên gia về vi-rút corona thuộc bộ y tế. Ông Wakita cho biết số ca nhiễm vi-rút ở trẻ em tăng lên là do tổng số ca nhiễm tăng, và người lớn trong nhà bị lây ở bên ngoài, sau đó về lây cho trẻ nhỏ ở nhà. Ông cho biết ông không nghĩ rằng tình hình lây nhiễm sẽ giống với bệnh cúm mùa là số ca lây nhiễm sẽ tăng mạnh khi vi-rút lây nhiễm ở trẻ em.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/9/2021).

Câu hỏi 296: Gia tăng số ca nhiễm ở trẻ em – Phần 3: Các em ở cấp lớp cao hơn dễ bị lây nhiễm hơn

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản mới công bố báo cáo cho thấy trong trường học thì các em ở các lớp lớn hơn thì có tỷ lệ lây nhiễm ở trường cao hơn.

Giới chức bộ đã phân tích số liệu của khoảng 6.600 em trong độ tuổi từ 3 đến 18, có kết quả dương tính trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến cuối tháng 7 và xác định được nguồn lây nhiễm. Số liệu này được lấy từ hệ thống của bộ, tổng hợp dữ liệu về những người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút. Kết quả phân tích đã được trình bày tại cuộc họp ngày 25/8 của ban chuyên gia thuộc bộ y tế.

Theo báo cáo, có 59,8% các ca nhiễm trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi bị lây ở nhà, 19,8% lây tại trường mầm non hoặc cơ sở phúc lợi cho trẻ em, còn 15,9% lây tại trường học như trường mẫu giáo. Trong nhóm từ 6 đến 12 tuổi, có 76,6% lây ở nhà và 14,6% lây ở trường. Trong nhóm từ 13 đến 15 tuổi, có 60% lây ở nhà và 33% lây ở trường. Trong nhóm từ 16 đến 18 tuổi thì có 45,7% lây ở trường, còn 39,4% lây ở nhà.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng chỉ có thể xác định nguồn lây nhiễm ở chưa đến 20% tổng số ca lây nhiễm ở trẻ em. Báo cáo vẫn cho rằng có vẻ xu hướng lây nhiễm là các em ở lớp lớn hơn thì có tỷ lệ lây nhiễm vi-rút ở trường cao hơn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/9/2021).

Câu hỏi 295: Gia tăng số ca nhiễm ở trẻ em – Phần 2: Cần cân nhắc tình hình địa phương khi quyết định đóng cửa trường học

Trả lời:
Trong bối cảnh tại Nhật Bản ngày càng có nhiều ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em, vào ngày 26/8, Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản và Hiệp hội Y học Nhi khoa Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp trực tuyến và đưa ra quan điểm về các hoạt động của trường học.

Họ cho biết biến thể Delta có tính lây nhiễm cao hiện là biến thể vi-rút lây lan chủ đạo, và ngày càng nhiều trẻ em bị nhiễm biến thể này. Họ bày tỏ quan ngại sâu sắc về số lượng ca nhiễm trong trường học, cũng như nhắc đến việc cần phải có biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm toàn diện tại các cơ sở, trong đó có trung tâm dạy thêm.

Theo hai hiệp hội này thì khi kỳ học mới bắt đầu, các trường học trên cả nước không nhất thiết phải đồng loạt đóng cửa, và cần phải cân nhắc đến tình hình của mỗi địa phương trước khi quyết định đóng cửa trường học hoặc cho học sinh đến vào các giờ khác nhau. Các bác sỹ Nhi khoa đề nghị giới chức hành chính đề xuất các tiêu chuẩn cụ thể, bao gồm khung thời gian.

Do một số phụ huynh sẽ phải nghỉ làm ở nhà trong trường hợp trường tiểu học đóng cửa, các bác sỹ cho rằng các công ty cần phải hỗ trợ và thông cảm trong trường hợp này. Họ cho biết do bản chất lây nhiễm ở trẻ trên 10 tuổi là giống với người lớn, vì vậy nên tích cực sử dụng hình thức giáo dục từ xa, đặc biệt là với cấp trung học phổ thông.

Khẩu trang dùng 1 lần làm từ vải không dệt đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa lây nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, do cần phải sử dụng số lượng lớn khẩu trang, hai hiệp hội nhi khoa cho biết nên cân nhắc cung cấp khẩu trang miễn phí cho trẻ em để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình các em.

Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản Oka Akira cho biết việc đảm bảo trẻ em có thể đến trường là rất quan trọng. Ông cho biết nếu thực hiện các biện pháp như đóng cửa trường học thì cần phải có chính sách khác nhau dành các cấp từ tiểu học, trung học cơ sở tới trung học phổ thông, nên mỗi cấp học đều cần có tiêu chuẩn riêng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 31/8/2021).

Câu hỏi 294: Gia tăng số ca nhiễm ở trẻ em – Phần 1: Các biện pháp phòng dịch cơ bản cho trường học

Trả lời:
Trong bối cảnh tại Nhật Bản ngày càng có nhiều ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em, vào ngày 25/8, Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm đã công bố báo cáo, tóm tắt các biện pháp phòng dịch cơ bản trong trường học nhằm ứng phó với lây nhiễm vi-rút corona. Báo cáo dựa trên khảo sát của viện về các cụm lây nhiễm trong trường học.

Liên quan đến việc biến thể Delta lây lan, báo cáo cho biết số ca nhiễm là trẻ em dưới 19 tuổi đang tăng, nhiều ca trong trường tiểu học có liên quan đến các cụm lây nhiễm tương đối lớn bắt nguồn từ giáo viên, và không có cụm lây nhiễm nào bắt nguồn từ trẻ em.

Báo cáo khuyến nghị tất cả các trường, bao gồm mầm non, mẫu giáo, cho đến các trường đại học, cùng với các trung tâm dạy thêm, quản lý hoạt động của học sinh bằng cách kiểm tra tình trạng sức khỏe của từng em một. Các trường cần tiến hành toàn diện các bước để quản lý những học sinh cảm thấy không khỏe, thông qua liên lạc với những em xin nghỉ học, cũng như quản lý hoạt động của các em khi ở nhà. Báo cáo cũng khuyến nghị các giáo viên không có vấn đề sức khỏe gì đặc biệt nên chủ động tiêm chủng vắc-xin.

Cũng theo báo cáo, các trường học nên cân nhắc hoãn hoặc hủy các sự kiện của trường như lễ hội văn hóa hoặc ngày hội thể thao, được cho là có nguy cơ lây nhiễm cao vì tạo ra môi trường có đông người tụ tập. Đối với các hoạt động câu lạc bộ của trường cần phải đi sang các tỉnh khác, báo cáo khuyến nghị học sinh nên xét nghiệm PCR trong vòng 3 ngày trước khi đi.

Báo cáo đề nghị các trường tích cực sử dụng công nghệ thông tin, bao gồm bố trí các lớp học trực tuyến, lắp máy giám sát nồng độ CO2 để đảm bảo phòng học được thông khí toàn diện, tích cực sử dụng các ứng dụng để theo dõi tình hình sức khỏe học sinh, cũng như sử dụng các bộ xét nghiệm kháng nguyên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/8/2021).

Câu hỏi 293: Những điểm chung của các cụm lây nhiễm tại trung tâm thương mại lớn

Trả lời:
Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản đã cử chuyên gia đến các trung tâm thương mại và mua sắm xảy ra tình trạng lây nhiễm vi-rút để hỗ trợ các trung tâm này tìm hiểu lý do nhân viên bị lây nhiễm.

Theo các trung tâm này thì họ vẫn đang điều tra nguyên nhân xảy ra cụm lây nhiễm, và mỗi cơ sở đều đang tăng cường các biện pháp phòng chống vi-rút.

Các chuyên gia đã soạn thảo báo cáo về các điểm chung lớn của các trung tâm nói trên, cũng như đề xuất biện pháp để đề phòng lây nhiễm.

Theo báo cáo thì đa số nhân viên tại các trung tâm thương mại đều đeo khẩu trang đúng cách, nhưng cần phải làm tốt hơn trong công tác rửa tay. Báo cáo cho biết vào một số khung giờ trong ngày thì khách hàng tập trung đông tại một số tầng.

Thêm vào đó, báo cáo cũng cho biết trong một số trường hợp thì việc truy vết tiếp xúc với nhân viên bị nhiễm vi-rút không được thực hiện toàn diện, và thông tin về những người có tiếp xúc cũng không được quản lý thích hợp.

Cũng theo báo cáo, đối với một số trường hợp thì nhân viên trong trung tâm thương mại tụ tập ở khoảng cách gần tại nhà ăn hoặc khu vực nghỉ ngơi.

Báo cáo kêu gọi hạn chế lưu lượng người, hoặc số lượng khách hàng tại các điểm hay tập trung đông người.

Báo cáo cũng khuyến nghị các trung tâm thương mại tìm cách tăng cường thông khí, thông qua việc đo nồng độ khí CO2, và yêu cầu nhân viên không nói chuyện trong lúc dùng bữa tại nhà ăn và khu vực nghỉ ngơi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/8/2021).

Câu hỏi 292: Các trường hợp thai phụ nhiễm vi-rút dưỡng bệnh tại nhà cần được chăm sóc y tế

Trả lời:
Tại Nhật Bản, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng mạnh gần đây, có ngày càng nhiều thai phụ bị nhiễm vi-rút. Tại tỉnh Chiba, giáp ranh với Tokyo, một trẻ sinh non đã tử vong sau khi người mẹ, vốn bị nhiễm vi-rút, buộc phải sinh con ở nhà do không có bệnh viện nào tiếp nhận cô. Sau sự việc này, Hiệp hội Sản khoa – Phụ khoa Nhật Bản, cùng với Hiệp hội Bác sĩ khoa Sản và Phụ khoa Nhật Bản đã soạn thảo hướng dẫn, liệt kê các triệu chứng mà thai phụ nếu gặp cần phải liên hệ với chuyên gia y tế hoặc gọi xe cấp cứu. Hướng dẫn được đăng tải trên trang web của các hiệp hội trên.

Theo hướng dẫn, thai phụ có kết quả dương tính với vi-rút corona đang dưỡng bệnh tại nhà được khuyến cáo liên hệ với bác sĩ hoặc trung tâm y tế công cộng địa phương trong các trường hợp sau:
- Nếu thấy khó thở nhiều hơn 2 lần trong vòng 1 giờ.
- Nếu thấy khó thở khi thực hiện các hoạt động như đi bộ ra phòng vệ sinh.
- Khi nhịp tim từ 110 nhịp/phút trở lên, hoặc nhịp thở 20 nhịp/phút trở lên.
- Nồng độ oxy trong máu từ khoảng 93% đến 94%, và không hồi phục lại mức bình thường trong vòng 1 giờ.

Hướng dẫn cũng khuyến cáo nên ngay lập tức gọi cấp cứu trong các trường hợp sau:
- Không thể nói, kể cả các câu ngắn do khó thở.
- Nồng độ oxy trong máu xuống dưới mức 92%.

Các bác sĩ sản khoa và phụ khoa cũng đề nghị các cơ quan hành chính hỗ trợ thai phụ được vào bệnh viện có dịch vụ hỗ trợ thai sản, kể cả khi thai phụ thuộc các trường hợp không cần gọi cấp cứu được liệt kê bên trên. Các bác sĩ cũng đề nghị các cơ quan hành chính tạo điều kiện để thai phụ dưỡng bệnh tại nhà có thể theo dõi nồng độ oxy trong máu mỗi ngày.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/8/2021).

Câu hỏi 291: Những điều cần lưu ý khi tự dưỡng bệnh một mình tại nhà

Trả lời:
Đài NHK phỏng vấn Giáo sư Matsumoto Tetsuya thuộc Đại học Quốc tế về Y tế và Phúc lợi, chuyên gia về các biện pháp ứng phó với bệnh truyền nhiễm. Giáo sư Matsumoto cho biết người bệnh nên giữ liên lạc chặt chẽ với bạn bè hoặc người thân, để những người này có thể biết rằng tình trạng của bệnh nhân chuyển xấu khi không nghe được tin tức gì. Theo ông thì không cần thiết phải trực tiếp gặp mặt thì mới giữ được liên lạc. Giáo sư Matsumoto cho biết có một số người xuất hiện triệu chứng vẫn đang kiên nhẫn và chờ đợi kể cả khi mỗi lần họ gọi trung tâm y tế công cộng thì đường dây đều bận. Ông cho rằng nếu bệnh tình tiếp tục chuyển xấu thì có khả năng bệnh nhân sẽ không thể thực hiện cuộc gọi khẩn cấp để gọi cấp cứu. Theo ông thì để đề phòng tình huống này xảy ra, người bệnh nên chọn trước nhiều người giúp đỡ và đề nghị họ trở thành đầu mối liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Giáo sư Matsumoto cũng kêu gọi mọi người dự trữ thực phẩm, nước uống và thuốc hạ sốt trong trường hợp họ bị nhiễm vi-rút và phải dưỡng bệnh tại nhà. Ông khuyến cáo những người không có sự chuẩn bị trước khi bị nhiễm vi-rút nên gọi cho bạn bè hoặc người thân trong gia đình mang thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đến và đặt ngoài cửa nhà.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/8/2021).

Câu hỏi 290: Những điều cần lưu ý khi dưỡng bệnh tại nhà – Phần 2: Các cách phòng ngừa lây nhiễm tại nhà

Trả lời:
Vào ngày 17/8, nhóm tình nguyện gồm các chuyên gia y tế và vệ sinh công cộng tham gia vào nỗ lực phòng chống vi-rút corona đã liệt kê 8 cách để phòng ngừa lây nhiễm cho thành viên khác trong nhà. Các cách này bao gồm:
1 – Bệnh nhân và người nhà nên ở trong các phòng khác nhau
2 – Cả bệnh nhân và người chăm sóc cần đeo khẩu trang
3 – Chỉ nên để 1 người chăm sóc cho bệnh nhân
4 – Cả bệnh nhân và người chăm sóc cần phải thường xuyên rửa tay
5 – Thông khí càng nhiều càng tốt trong ngày
6 – Lau rửa và khử trùng các bề mặt chung mà người trong nhà thường xuyên chạm vào
7 – Giặt ga trải giường và quần áo
8 – Khi đổ rác thì buộc chặt miệng túi

Các chuyên gia cũng cho biết ngày càng có nhiều bệnh nhân nhiễm vi-rút corona phải dưỡng bệnh tại nhà mà không có liên lạc gì với trung tâm y tế công cộng hay nhận được bất cứ chỉ dẫn nào từ phòng khám về những điều cần làm, nên nhóm cho rằng họ cần phải truyền tải thông tin cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/8/2021).

Câu hỏi 289: Những điều cần lưu ý khi dưỡng bệnh tại nhà – Phần 1: Các triệu chứng nguy cấp

Trả lời:
Tại Nhật Bản, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng mạnh gần đây, số bệnh nhân nhiễm vi-rút corona đang dưỡng bệnh tại nhà đã lên mức kỷ lục.

Vào ngày 17/8, một nhóm tình nguyện gồm các chuyên gia y tế và vệ sinh công cộng tham gia vào nỗ lực phòng chống vi-rút corona đã đăng tải trên Twitter danh sách các điểm cần lưu ý khi dưỡng bệnh tại nhà.

Các chuyên gia liệt kê 13 “triệu chứng nguy cấp”, là dấu hiệu cảnh báo cần phải gọi cấp cứu. Trong đó, bệnh nhân có thể tự kiểm tra 9 triệu chứng:
1 – Môi tím tái
2 – Thở dốc
3 – Đột ngột thở hụt hơi
4 – Thở hụt hơi ngay cả khi thực hiện các cử động đơn giản
5 – Đau ngực
6 – Không thể thở khi nằm xuống
7 – Thở dốc khi vươn vai
8 – Đột ngột thở khò khè
9 – Cảm giác mạch đập rối loạn

Ngoài ra, người thân trong gia đình hoặc những người sống chung với bệnh nhân cần phải chú ý đến 4 triệu chứng gồm:
10 – Mặt tím tái rõ ràng
11 – Vẻ ngoài và hành vi khác với thường ngày
12 – Phản ứng yếu khi gọi hoặc chạm vào
13 – Không có phản ứng gì khi gọi hay chạm vào

Các chuyên gia cũng cho biết ở các địa phương có hệ thống y tế quá tải nghiêm trọng thì có thể sẽ mất nhiều tiếng đồng hồ để một bệnh nhân nhiễm vi-rút corona có thể được nhập viện, kể cả khi bệnh nhân có bất cứ triệu chứng nào kể trên và đã gọi cấp cứu. Họ cũng khuyến cáo rằng khi người dân lo lắng rằng tình trạng có thể tệ hơn thì cần phải gọi cho bác sĩ riêng, bác sĩ chẩn đoán nhiễm vi-rút corona, trung tâm y tế công cộng địa phương hoặc đường dây nóng về vi-rút corona của chính quyền địa phương.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/8/2021).

Câu hỏi 288: Giới thiệu về biến thể Delta – Phần 4: Biến thể Delta khác biến thể Lambda như thế nào?

Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Lambda lần đầu được xác nhận tại Peru, một quốc gia Nam Mỹ, vào tháng 8/2020. Theo WHO, biến thể này lây lan chủ yếu tại các nước Nam Mỹ như Peru, Chile và Ecuador.

Trên trang web GISAID có cơ sở dữ liệu về cấu trúc gen của tất cả các biến thể vi-rút corona phát hiện trên toàn thế giới. Theo đó, tính đến ngày 15/8 đã có 34 nước ghi nhận biến thể Lambda. Tuy nhiên, trong vòng 4 tuần qua, hầu hết các ca nhiễm biến thể này đều ở Chile.

Biến thể Lambda có một số đột biến có thể khiến nó có tính lây nhiễm cao hơn chủng vi-rút gốc, hoặc làm giảm hiệu quả của kháng thể trung hoà khống chế hoạt động của vi-rút.

Do vậy, WHO xếp Lambda vào danh sách biến thể đáng quan tâm (VOI). Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, Lambda chưa lây lan rộng như các biến thể Delta và Alpha, 2 loại nằm trong danh sách biến thể đáng lo ngại (VOC) của WHO. Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản vẫn chưa nhận định Lambda là biến thể đáng quan tâm hay biến thể đáng lo ngại.

Vẫn chưa rõ biến thể Lambda có tính lây nhiễm như thế nào hay gây triệu chứng nặng đến đâu. WHO cho biết cần nghiên cứu thêm xem biến thể này có thể làm ảnh hưởng đến các biện pháp phòng dịch hay làm giảm hiệu quả của vắc-xin hay không.

Trên thực tế, biến thể Lambda được phát hiện sớm hơn biến thể Delta nhưng biến thể Delta lại lây lan nhanh hơn và là mối nguy đang đe doạ nhiều quốc gia.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/8/2021).

Câu hỏi 287: Giới thiệu về biến thể Delta – Phần 3: Hiệu quả của vắc-xin

Trả lời:
Theo báo cáo công bố vào ngày 27/7 năm nay của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liên quan đến hiệu quả của vắc-xin, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy lượng kháng thể tạo ra nhờ vắc-xin giảm trước biến thể Delta.

Tuy nhiên, WHO cho biết điều này không có nghĩa là biến thể Delta làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Các loại vắc-xin hiện có đã được chứng minh có hiệu quả bảo vệ cao.

Theo WHO, trong trường hợp vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer, một đánh giá so sánh biến thể Delta và biến thể Alpha cho thấy hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và ngăn xuất hiện triệu chứng khi nhiễm biến thể Delta thấp hơn so với khi nhiễm biến thể Alpha. Và đánh giá không thấy có khác biệt lớn trong việc ngăn chuyển biến nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/8/2021).

Câu hỏi 286: Giới thiệu về biến thể Delta – Phần 2: Biến thể có khiến triệu chứng nặng hơn không?

Trả lời:
Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Delta có gây ra triệu chứng nặng hơn so với chủng gốc hay không.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kết quả nghiên cứu ở Canada, phân tích dữ liệu của hơn 200.000 ca nhiễm vi-rút corona, chỉ ra rằng so với chủng vi-rút ban đầu, biến thể Delta làm gia tăng 120% nguy cơ nhập viện, tăng 287% nguy cơ phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực, và tăng 137% nguy cơ tử vong.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/8/2021).

Câu hỏi 285: Giới thiệu về biến thể Delta – Phần 1: Độ lây nhiễm của biến thể

Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta lần đầu tiên được ghi nhận tại Ấn Độ vào tháng 10/2020 và hiện đã được ghi nhận trên toàn thế giới. Tính đến đầu tháng 8, biến thể này đã được phát hiện tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO xếp biến thể này vào danh sách biến thể đáng lo ngại (VOC), là các biến thể có khả năng gây nguy hiểm nhất trong số các biến thể được phát hiện.

Biến thể Delta được cho là có tính lây nhiễm cao hơn cả chủng vi-rút ban đầu, lẫn biến thể Alpha phát hiện đầu tiên ở Anh. Theo một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp ngày 21/7 của ban chuyên gia thuộc bộ y tế Nhật Bản, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao gấp 1,87 lần chủng vi-rút ban đầu và gấp 1,3 lần biến thể Alpha. Các nghiên cứu khác cả trong và ngoài Nhật Bản cũng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 2 lần so với chủng ban đầu và hơn khoảng 50% so với biến thể Alpha.

WHO cho biết theo nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc, nồng độ vi-rút trong các bệnh nhân nhiễm biến thể Delta cao gấp 1.200 lần so với các bệnh nhân nhiễm chủng thường. Phát hiện này có thể lý giải phần nào lý do biến thể Delta có tính lây nhiễm cao.

Ngày 26/7, theo ước tính của Viện Quốc gia về các Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, tính đến cuối tháng 7, biến thể Delta chiếm khoảng 80% số ca nhiễm vi-rút tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Saitama, Chiba và Kanagawa. Còn tại các tỉnh Osaka, Kyoto và Hyogo, biến thể này chiếm gần 40% số ca nhiễm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/8/2021).

Câu hỏi 284: Có cần phải tiêm bổ sung mũi thứ 3 hay không? – Phần 5: Có thể dùng loại vắc-xin khác để tiêm bổ sung không?

Trả lời:
Giáo sư Hamada Atsuo thuộc Đại học Y Tokyo cho biết không có quy định chính xác về việc liệu mũi tiêm thứ 3 có cần phải tiêm cùng loại vắc-xin với mũi 1 và mũi 2 hay không.

Chính phủ Anh cho biết đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để tìm hiểu xem liệu việc tiêm mũi bổ sung sau mũi thứ 2 từ 10 đến 12 tuần có giúp tăng cường hệ miễn dịch hay không.

Họ cho biết đang so sánh hiệu quả mũi tiêm bổ sung của 7 loại vắc-xin khác nhau.

Giáo sư Hamada cho biết không có vấn đề gì trong việc tiêm chung vắc-xin của Pfizer và Moderna vì cả hai loại này đều là vắc-xin mRNA. Tuy nhiên, ông kêu gọi cần nghiên cứu thêm về việc tiêm mũi thứ 3 do thiếu dữ liệu. Ông cũng chỉ ra rằng cần phải cân nhắc sử dụng vắc-xin hiện có, hoặc vắc-xin mới để ứng phó với các biến thể.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/8/2021).

Câu hỏi 283: Có cần phải tiêm bổ sung mũi thứ 3 hay không? – Phần 4: Lập trường của Moderna

Trả lời:
Vào ngày 5/8, Moderna, công ty công nghệ sinh học của Mỹ, công bố các thông tin cập nhật về tính hiệu quả của vắc-xin, cũng như việc phát triển loại vắc-xin mới ứng phó với các biến thể.

Họ cho biết những người đã được tiêm có khả năng sẽ cần tiêm mũi thứ 3, với nguyên nhân chính là do biến thể Delta có tính lây nhiễm cao.

Moderna cho biết vắc-xin của họ “có hiệu quả 93% và ổn định trong vòng 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2”.

Tuy nhiên, công ty cũng cho biết dự kiến hiệu quả của vắc-xin sẽ giảm và “có thể cần phải tiêm mũi bổ sung” trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh biến thể Delta lây lan.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/8/2021).

Câu hỏi 282: Có cần phải tiêm bổ sung mũi thứ 3 hay không? – Phần 3: Thử nghiệm lâm sàng về kháng thể

Trả lời:
Các công ty sản xuất vắc-xin đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để tìm hiểu hiệu quả của việc tiêm mũi vắc-xin thứ 3. Ngày 28/7, Pfizer công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng. Họ cho biết đối với người đã tiêm mũi thứ 2 và trong độ tuổi từ 18 đến 55 thì việc tiêm bổ sung mũi thứ 3 làm tăng gấp 5 lần nồng độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta. Cũng theo kết quả thử nghiệm thì nồng độ kháng thể tăng 11 lần trong nhóm từ 65 đến 85 tuổi.

Giáo sư Hamada Atsuo thuộc Đại học Y Tokyo cho biết kết quả này chỉ là của một công ty và cần phải thận trọng khi phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, ông cho rằng có thể cần phải tiêm mũi thứ 3 để tăng cường hệ miễn dịch chống lại biến thể Delta.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/8/2021).

Câu hỏi 281: Có cần phải tiêm bổ sung mũi thứ 3 hay không? – Phần 2: Trường hợp Israel

Trả lời:
Israel là nước có chương trình tiêm chủng vắc-xin nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học nước này công bố báo cáo về việc hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm xuất hiện triệu chứng đã giảm, từ 94% trong tháng 5/2021 xuống còn 64% trong tháng 6, giữa lúc biến thể Delta lây lan. Điều này khiến một số chuyên gia Israel nhận định rằng hiệu quả của vắc-xin suy giảm theo thời gian. Chính phủ nước này đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho người dân để tăng cường khả năng miễn dịch chống lại vi-rút.

Giáo sư Hamada Atsuo thuộc Đại học Y Tokyo là chuyên gia về các biến thể vi-rút. Ông cho biết hiệu quả bảo vệ của các vắc-xin hiện đang được sử dụng để phòng ngừa vi-rút corona được cho là sẽ suy giảm sau khoảng 6 tháng. Ông cũng cho biết vắc-xin cúm, sử dụng công nghệ khác với các vắc-xin COVID-19, được cho là cũng sẽ suy giảm tác dụng sau khoảng 6 tháng. Giáo sư Hamada cho rằng dựa trên các kết luận này thì việc tiêm mũi bổ sung sau khoảng thời gian trên là hợp lý.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/8/2021).

Câu hỏi 280: Có cần phải tiêm bổ sung mũi thứ 3 hay không? – Phần 1: Hiệu quả của 2 mũi vắc-xin

Trả lời:
Có 3 loại vắc-xin được Nhật Bản phê duyệt là Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Cả 3 loại này đều phải tiêm 2 mũi cách nhau một vài tuần. Thông qua thử nghiệm với chủng vi-rút ban đầu, vắc-xin của Pfizer và Moderna đã được chứng minh là có hiệu quả ngăn người bị nhiễm phát triệu chứng hoặc trở nặng trong hơn 90% số ca. Con số này đối với vắc-xin AstraZeneca là khoảng 70%.

Báo cáo đăng trên số ra vào tháng 7/2021 của tạp chí y khoa quốc tế “New England Journal of Medicine” cho biết vắc-xin Pfizer có hiệu quả 93,7% đối với biến thể Alpha, còn vắc-xin AstraZeneca có hiệu quả 74,5%. Báo cáo cũng cho biết vắc-xin Pfizer có hiệu quả 88% đối với biến thể Delta, còn vắc-xin AstraZeneca có hiệu quả 67%.

Cũng theo báo cáo thì vắc-xin có thể giúp phòng ngừa các ca chuyển biến nặng, nhưng không hoàn toàn ngăn lây nhiễm vi-rút. Điều này có nghĩa là trong một số trường hợp thì ngay cả khi có đông người đã tiêm vắc-xin thì cũng không thể có được miễn dịch cộng đồng.

Chính phủ Anh cho biết vắc-xin Pfizer có hiệu quả 96% trong việc ngăn các ca nhiễm biến thể Delta có triệu chứng phải nhập viện, còn vắc-xin AstraZeneca có hiệu quả 92%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/8/2021).

Câu hỏi 279: Các tin đồn thất thiệt về tiêm chủng (5) – Đối sách của các công ty internet

Trả lời:
Các công ty internet đang thực hiện nhiều biện pháp để tránh tình trạng thông tin sai lệch hoặc tin đồn thất thiệt khiến người dân hiểu nhầm về tiêm chủng. Yahoo Japan đang nỗ lực lan toả thông tin chính xác để trực tiếp đáp trả các tin đồn thất thiệt. Trong phần tin tức của trang Yahoo Japan có mục chủ đề được nhiều người dùng đọc nhất. Mục này đang đăng tải các bài viết kiểm tra thông tin sai lệch và tin đồn về vắc-xin, cũng như các bài viết tổng hợp giải thích và bình luận của chuyên gia y tế.

Khi người dùng sử dụng chức năng tìm kiếm trực tuyến, Yahoo sẽ hiển trị thông tin do các tổ chức công hoặc thông tin dựa trên bằng chứng khoa học trên đầu. Ví dụ, khi tìm kiếm các từ khóa “tử vong” hoặc “tác dụng phụ” cùng với từ khóa “vắc-xin”, các liên kết được hiển thị đầu tiên là bài viết giải đáp thắc mắc đăng trên trang web bộ y tế Nhật Bản, cũng như bài viết và video do Yahoo thực hiện, kết hợp cùng với một số chuyên gia y tế về cách xử lý khi cảm thấy không khỏe sau khi tiêm vắc-xin.

Ông Kataoka Hiroshi, nhân viên của Yahoo, cho biết trong bối cảnh chương trình tiêm chủng đang được triển khai toàn diện thì người dân ngày càng quan tâm về vắc-xin, thể hiện qua các từ khóa được tìm kiếm nhiều và số lượng người đọc các bài viết liên quan. Ông Kataoka cho biết do người dùng rất khó có thể xác minh được thông tin nào về vắc-xin là chính xác, nên điều quan trọng là tổng hợp toàn diện các thông tin đáng tin cậy, cũng như lan toả những thông tin này một cách dễ hiểu. Ông cho biết Yahoo hy vọng sẽ tiếp tục giúp giảm bớt lo ngại, hoang mang và giải đáp thắc mắc của người dân.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/8/2021).

Câu hỏi 278: Các tin đồn thất thiệt về tiêm chủng (4) – Ví dụ về tin đồn thất thiệt – phần 3

Trả lời:
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người được tiêm vắc-xin, vẫn có một số người cảm thấy lo lắng hoặc nghi ngờ về việc đi tiêm. Nhiều thông tin không có cơ sở và tin đồn thất thiệt về việc tiêm chủng đã lan truyền, đặc biệt là trên mạng xã hội. Chúng tôi tiếp tục giới thiệu một số ví dụ về các tin đồn nói trên.

Tin đồn thứ năm: “Trong vắc-xin có chip siêu nhỏ”

Một trong những tin giả được lan truyền trên mạng xã hội và các nơi khác là trong vắc-xin có chip siêu nhỏ để điều khiển con người. Thành phần của vắc-xin COVID-19 được công khai trên trang web của các công ty và giới chức y tế của nhiều nước như bộ y tế Nhật Bản và Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ. Trong vắc-xin rõ ràng là không có chip siêu nhỏ.

Tin đồn thứ sáu: “Vắc-xin khiến nam châm dính lên người”

Một tin đồn thất thiệt khác trên mạng xã hội là vắc-xin khiến nam châm dính lên người. Trên trang web của mình, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ cho biết trong vắc-xin không có chất từ tính và phủ định mạnh mẽ tin đồn trên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/8/2021).

Câu hỏi 277: Các tin đồn thất thiệt về tiêm chủng (3) – Ví dụ về tin đồn thất thiệt – phần 2

Trả lời:
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người được tiêm vắc-xin, vẫn có một số người cảm thấy lo lắng hoặc nghi ngờ về việc đi tiêm. Nhiều thông tin không có cơ sở và tin đồn thất thiệt về việc tiêm chủng đã lan truyền, đặc biệt là trên mạng xã hội. Chúng tôi tiếp tục giới thiệu một số ví dụ về các tin đồn nói trên.

Tin đồn thứ ba: “Vắc-xin gây biến đổi gen”

Một trong những tin giả được lan truyền nhiều nhất là các thành phần của vắc-xin sẽ tồn tại lâu dài trong cơ thể sau khi tiêm và gây biến đổi gen. Trên trang web của mình, bộ y tế Nhật Bản cho biết chuỗi gen mRNA có trong vắc-xin của Pfizer-BioNTech và Moderna sẽ phân huỷ trong một thời gian ngắn sau khi được tiêm vào cơ thể nên sẽ không kết hợp với ADN của người được tiêm. Bộ cũng cho biết không có việc vắc-xin gây biến đổi gen.

Tin đồn thứ tư: “Vắc-xin khiến người được tiêm bị nhiễm vi-rút”

Hiện đã có thông tin sai lệch về việc người cao tuổi bị nhiễm vi-rút corona sau khi tiêm, dẫn đến từng người một bị lây nhiễm và qua đời tại viện dưỡng lão. Vắc-xin không chứa vi-rút và sẽ không gây lây nhiễm. Bộ y tế cho biết chưa từng biết đến việc vắc-xin làm gia tăng số lượng ca tử vong vì bệnh.

Bộ y tế cũng kêu gọi cảnh giác trước tin đồn trên mạng xã hội và những nơi khác, theo đó đổ lỗi cho vắc-xin về các trường hợp tử vong sau khi được tiêm. Bộ kêu gọi người dân không nên diễn giải sai lầm về số liệu báo cáo chính phủ về các ca tử vong sau khi tiêm vì trong đó có những ca không liên quan đến việc tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/8/2021).

Câu hỏi 276: Các tin đồn thất thiệt về tiêm chủng (2) – Ví dụ về tin đồn thất thiệt – phần 1

Trả lời:
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người được tiêm vắc-xin, vẫn có một số người cảm thấy lo lắng hoặc nghi ngờ về việc đi tiêm. Nhiều thông tin không có cơ sở và tin đồn thất thiệt về việc tiêm chủng đã lan truyền, đặc biệt là trên mạng xã hội. Chúng tôi giới thiệu một số ví dụ về các tin đồn nói trên.

Tin đồn thứ nhất: “Vắc-xin gây vô sinh”

Một trong những tin giả được lan truyền nhiều nhất là vắc-xin gây vô sinh. Theo tin đồn này thì các kháng thể sinh ra sau khi tiêm vắc-xin sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nhau thai. Một chuyên gia về vắc-xin COVID-19 cho biết đã tìm chứng thực được việc các kháng thể sẽ không tấn công protein liên quan đến nhau thai. Ông Kono Taro, bộ trưởng phụ trách tiêm chủng vắc-xin của Nhật Bản, cũng nhấn mạnh rằng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc-xin gây vô sinh.

Tin đồn thứ hai: “Vắc-xin gây sảy thai”

Một tin đồn thất thiệt khác là việc vắc-xin khiến các thai phụ bị sảy thai. Trên trang web của mình, bộ y tế Nhật Bản cho biết không có dữ liệu về việc số ca sảy thai gia tăng trong nhóm phụ nữ đã tiêm vắc-xin. Một nhóm các nghiên cứu viên thuộc Trung tâm về Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch của Mỹ cũng tiến hành nghiên cứu thu thập số liệu đối với hơn 35.000 sản phụ được tiêm vắc-xin trong thời gian mang thai. Kết quả cho thấy so với trước đại dịch thì tỉ lệ sảy thai, thai chết lưu, và sinh con thiếu cân, thiếu tháng không thay đổi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/8/2021).

Câu hỏi 275: Các tin đồn thất thiệt về tiêm chủng (1) – Cách ứng phó với các tin đồn thất thiệt

Trả lời:
Tuy ngày càng có nhiều người được tiêm vắc-xin nhưng vẫn còn nhiều người ngần ngại trong việc đăng ký tiêm. Mạng xã hội đã góp phần lan truyền các tin giả, không có cơ sở và các tin đồn thất thiệt về việc tiêm chủng vắc-xin.

Vào ngày 15/7, một hội nghị trực tuyến về cách ứng phó với vấn đề này đã được tổ chức. Phó Giáo sư Yamaguchi Shinichi thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản trình bày cách mà các tin đồn thất thiệt và thông tin không có cơ sở về tiêm chủng đã tăng mạnh, bằng chứng là việc số bài đăng liên quan trên Twitter đã tăng 8 lần trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung lan toả các thông tin chính xác. Ông Yamaguchi giới thiệu một trường hợp, sau khi truyền thông đăng tải các bài viết xác minh dữ kiện, kiểm tra tính chính xác của các nguồn thông tin thì đã có thêm nhiều bài viết trên mạng xã hội chỉ trích các tin đồn thất thiệt.

Tại hội thảo, các công ty internet cũng giới thiệu những biện pháp mà họ đang thực hiện. Một nhân viên của Twitter giải thích cách công ty triển khai hệ thống, gắn mác cho các bài đăng tạo ra hiểu lầm về vi-rút corona, cũng như không cho phép mọi người phản hồi, chia sẻ hoặc bấm vào nút thích các bài đăng này.

Một nhân viên LINE giới thiệu cách công ty sắp xếp để người dùng nhận được thông tin chính xác, thông qua việc gửi thông tin cho người dùng từ các tài khoản chính thức của chính quyền trung ương và địa phương.

Trong thông điệp video chiếu tại hội thảo, bộ trưởng của Nhật Bản phụ trách công tác tiêm chủng vắc-xin, ông Kono Taro cho biết trên mạng internet có rất nhiều thông tin sai lệch về việc tiêm chủng. Ông cho biết chính phủ quan ngại sâu sắc về việc những thông tin này gây hiểu lầm và hoang mang về việc tiêm vắc-xin, đặc biệt là với giới trẻ. Ông Kono cho biết các nguồn thông tin sai lệch thường sử dụng những từ ngữ gây hoang mang cho người dân như “chúng tôi có được thông tin mật từ các công ty dược phẩm”. Bộ trưởng Kono kêu gọi mọi người cân nhắc tiêm vắc-xin dựa trên thông tin chính xác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/8/2021).

Câu hỏi 274: Các biện pháp phòng ngừa vi-rút tại Thế vận hội Tokyo 2020: Tokyo 2020 Playbooks (9) – Quy định phòng dịch cho giới truyền thông – Phần 2

Trả lời:
Theo hướng dẫn dành cho báo giới, trong vòng 96 giờ trước khi khởi hành, các phóng viên cần thực hiện 2 lần xét nghiệm COVID-19 vào 2 ngày khác nhau. Thêm vào đó, trong vòng 14 ngày đầu tiên ở Nhật, họ sẽ không được sử dụng phương tiện công cộng và chỉ được đến các điểm thi đấu Thế vận hội và các địa điểm khác nằm trong Kế hoạch Hoạt động. Hướng dẫn cũng cho biết chức năng định vị toàn cầu (GPS) trong máy điện thoại thông minh của các phóng viên sẽ được sử dụng để ghi lại thông tin về địa điểm trong thời gian họ ở Nhật.

Tokyo 2020 Playbooks cũng quy định số lần xét nghiệm của thành viên trong đội ngũ truyền thông sẽ tùy thuộc vào vai trò họ đảm nhận. Các phóng viên và phóng viên ảnh tiếp xúc gần với vận động viên tại điểm thi đấu cần phải xét nghiệm hằng ngày. Những người có thể tiếp xúc với các vận động viên và những người liên quan đến Thế vận hội sẽ được xét nghiệm 4 ngày 1 lần. Những người ít hoặc không tiếp xúc với vận động viên và những người liên quan đến Thế vận hội sẽ được xét nghiệm 7 ngày 1 lần.

Tất cả những ai vi phạm quy định trong hướng dẫn có thể phải chịu nhiều hình thức xử phạt như tước quyền hoạt động và phạt tiền. Tư cách lưu trú tại Nhật Bản của họ cũng có thể bị tước bỏ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/7/2021).

Câu hỏi 273: Các biện pháp phòng ngừa vi-rút tại Thế vận hội Tokyo 2020: Tokyo 2020 Playbooks (8) – Quy định phòng dịch cho giới truyền thông

Trả lời:
Nhiều đội ngũ truyền thông nước ngoài đã đến Nhật để đưa tin về Thế vận hội.

Theo ban tổ chức, tính đến ngày 21/6, dự kiến có hơn 16.000 nhân viên thuộc khoảng 2.000 tổ chức truyền thông của hơn 200 nước và vùng lãnh thổ sẽ đến Nhật Bản.

Ban tổ chức cho biết khoảng 70 - 80% số lượng nhân viên truyền thông người Nhật và người nước ngoài dự kiến sẽ được tiêm vắc-xin trước Thế vận hội.

Theo Tokyo 2020 Playbooks, trong vòng 14 ngày đầu tiên tại Nhật Bản, các phóng viên sẽ không được sử dụng phương tiện công cộng và chỉ được đến các điểm thi đấu Thế vận hội và các địa điểm khác đã được liệt kê trong Kế hoạch Hoạt động.

Tuy nhiên, một số người phản đối các quy định này. Khoảng 10 hãng truyền thông của Mỹ đã cùng gửi thư phản đối đến ban tổ chức và cho rằng các hoạt động của họ sẽ bị giới hạn.

Hồi đáp những ý kiến này, ban tổ chức cho biết tình hình hiện tại yêu cầu phải có những biện pháp nghiêm ngặt, và các biện pháp này rất quan trọng đối với cả những người tham dự Thế vận hội và người dân Nhật Bản. Ban tổ chức cho biết họ tôn trọng tự do báo chí và hỗ trợ các phóng viên đưa tin thuận lợi nhất có thể.

Các đội ngũ truyền thông sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi tác nghiệp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/7/2021).

Câu hỏi 272: Các biện pháp phòng ngừa vi-rút tại Thế vận hội Tokyo 2020: Tokyo 2020 Playbooks (7) – Quy định ứng xử trong làng vận động viên

Trả lời:
Làng Olympic và Paralympic là nơi các vận động viên có thể giao lưu với nhau bất kể quốc gia, khu vực và kể cả với đối thủ. Nơi đây cũng là biểu tượng của Olympic và Paralympic. Tuy nhiên, tại Thế vận hội Tokyo, nhiều quy định ứng xử không như thường lệ được áp dụng để ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona.

Tại các kì Thế vận hội trước, các nước đều được quyền quyết định xem đoàn thể thao của nước mình sẽ ở trong làng vận động viên bao lâu. Tuy nhiên, tại Thế vận hội Tokyo, các vận động viên được yêu cầu phải giới hạn thời gian ở trong làng vận động viên. Các vận động viên tham dự Olympic được yêu cầu nhận phòng 5 ngày trước khi thi đấu, và phải rời làng vận động viên trong vòng 2 ngày sau khi nội dung thi đấu kết thúc. Các vận động viên Paralympic được yêu cầu nhận phòng 7 ngày trước khi thi đấu.

Có nhiều quy định được đặt ra đối với những người lưu trú trong làng. Các vận động viên được yêu cầu tránh tiếp xúc trực tiếp, như ôm hoặc bắt tay. Thêm vào đó, họ cũng phải tránh các không gian kín, lưu thông khí kém, đông người và có tiếp xúc gần.

Theo Tokyo 2020 Playbooks, vận động viên được yêu cầu đeo khẩu trang khi tập luyện tại trung tâm thể thao trong làng. Họ cũng được yêu cầu giữ khoảng cách 2m với người khác tại nhà ăn chính và nên ăn một mình nhiều nhất có thể.

Tại các kì Olympic và Paralympic trước đây, vận động viên được phép uống đồ uống có cồn trong phòng riêng. Tại Thế vận hội Tokyo, ban tổ chức quyết định cho phép uống rượu bia trong phòng, nhưng cấm uống theo nhóm ở khu vực công cộng và tại công viên trong làng vận động viên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/7/2021).

Câu hỏi 271: Các biện pháp phòng ngừa vi-rút tại Thế vận hội Tokyo 2020: Tokyo 2020 Playbooks (6) – Hình thức xử phạt khi không tuân thủ quy định

Trả lời:
Theo Tokyo 2020 Playbooks, nếu không tuân thủ quy định, người tham dự có thể bị xử phạt. Các trường hợp được tính là vi phạm quy định bao gồm không tuân thủ quy định về đeo khẩu trang, đến các địa điểm không nằm trong bản lịch trình đã nộp, hoặc từ chối xét nghiệm COVID-19.

Nếu có thông tin nghi ngờ vi phạm, ban tổ chức sẽ tiến hành điều tra. Nếu xác nhận có vi phạm, ban tổ chức, Ủy ban Olympic Quốc tế và các cơ quan hữu quan sẽ tiến hành thảo luận và có thể đưa ra hình thức xử phạt, bao gồm truất quyền thi đấu và phạt tiền. Hướng dẫn cho biết những người vi phạm cũng sẽ phải chấp hành các biện pháp hành chính nghiêm ngặt do giới chức Nhật Bản đưa ra, bao gồm tự cách ly 14 ngày hoặc tước giấy phép lưu trú tại Nhật Bản.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/7/2021).

Câu hỏi 270: Các biện pháp phòng ngừa vi-rút tại Thế vận hội Tokyo 2020: Tokyo 2020 Playbooks (5) – Xét nghiệm vi-rút corona – Phần 2

Trả lời:
Tokyo 2020 Playbooks tập hợp các quy định ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona, trong đó có chi tiết về chương trình xét nghiệm vi-rút.

Hướng dẫn cho biết về nguyên tắc, các vận động viên, huấn luyện viên và những người khác trong đoàn phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 hằng ngày, kể cả khi có xét nghiệm âm tính ở sân bay.

Ban đầu, họ sẽ được xét nghiệm định lượng kháng nguyên trong nước bọt và phải nộp mẫu nước bọt vào 9 giờ sáng hoặc 6 giờ tối. Nếu kết quả xét nghiệm không rõ ràng hoặc dương tính, mẫu nước bọt đó sẽ được dùng để tiến hành xét nghiệm PCR.

Thời gian xử lý và cho ra kết quả cuối cùng dự kiến là khoảng 12 tiếng đồng hồ. Nếu kết quả xét nghiệm PCR mẫu nước bọt tiếp tục không rõ ràng hoặc dương tính, người đó sẽ phải tiếp tục xét nghiệm PCR tại Trung tâm COVID-19 ở Làng Olympic và Paralympic. Xét nghiệm này sẽ dùng mẫu phẩm quét qua đường mũi. Nếu kết quả âm tính, người đó sẽ được phép tham dự Thế vận hội. Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 cho biết đã cân nhắc toàn diện nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của việc xét nghiệm đối với Thế vận hội.

Vận động viên và các quan chức sẽ phải cung cấp mẫu nước bọt tại phòng dưới sự giám sát của điều phối viên COVID-19 của từng đoàn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ban tổ chức có thể đảm bảo không có gian lận. Ban tổ chức và Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết họ đảm bảo việc lấy mẫu sẽ được giám sát thích hợp, và đang cân nhắc tiến hành thị sát không báo trước.

Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ nói về các hình thức xử phạt đối với vận động viên và quan chức trong trường hợp không chấp hành các quy định đề ra trong hướng dẫn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/7/2021).

Câu hỏi 269: Các biện pháp phòng ngừa vi-rút tại Thế vận hội Tokyo 2020: Tokyo 2020 Playbooks (4) – Xét nghiệm vi-rút corona – Phần 1

Trả lời:
Tokyo 2020 Playbooks tập hợp các quy định ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona, trong đó có chi tiết về chương trình xét nghiệm vi-rút.

Theo hướng dẫn, các vận động viên, huấn luyện viên và những người khác trong đoàn đến Nhật trong vòng 96 giờ trước khi lên máy bay cần phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 2 lần trong 2 ngày khác nhau. Trong số 2 lần xét nghiệm này, phải tiến hành ít nhất 1 lần trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Người tham dự Thế vận hội sẽ được yêu cầu tiến hành xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm định lượng kháng nguyên được Chính phủ Nhật Bản cấp phép. Các xét nghiệm sử dụng mẫu nước bọt hoặc quét mẫu phẩm từ mũi.

Khi đến Nhật, người tham dự cũng sẽ phải tiến hành xét nghiệm ở sân bay, và phải đợi cho đến khi có kết quả. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, người đó sẽ được đưa đến Trung tâm COVID-19 tại Làng Olympic và Paralympic để xét nghiệm một lần nữa.

Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu về việc xét nghiệm vi-rút corona tại Nhật Bản được quy định trong hướng dẫn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/7/2021).

Câu hỏi 268: Các biện pháp phòng ngừa vi-rút tại Thế vận hội Tokyo 2020: Tokyo 2020 Playbooks (3) – Quy định về hoạt động của người dự Thế vận hội – Phần 2

Trả lời:
Tokyo 2020 Playbooks tập hợp các quy định ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona, trong đó có quy định về hoạt động trong thời gian ở Nhật Bản của người tham dự Thế vận hội.

Về nguyên tắc, vận động viên và huấn luyện viên không được sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển. Họ phải sử dụng dịch vụ đi lại do ban tổ chức cung cấp. Trong trường hợp không thể sử dụng dịch vụ này thì phải dùng taxi thuê bao.

Trong trường hợp người tham dự tự bố trí nơi lưu trú ngoài làng vận động viên thì về nguyên tắc họ sẽ không được thuê địa điểm do cá nhân cung cấp. Nếu các cơ sở lưu trú này không đạt tiêu chuẩn do ban tổ chức đề ra thì người tham dự Thế vận hội sẽ được yêu cầu tìm cơ sở mới.

Trong việc ăn uống, người tham dự ở trong làng vận động viên bắt buộc phải ăn tại làng hoặc tại điểm thi đấu Thế vận hội. Những người khác phải lựa chọn ăn tại điểm thi đấu, hoặc nhà hàng tại nơi lưu trú, hoặc phải gọi đồ ăn về phòng.

Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu về việc xét nghiệm vi-rút corona được quy định trong hướng dẫn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/7/2021).

Câu hỏi 267: Các biện pháp phòng ngừa vi-rút tại Thế vận hội Tokyo 2020: Tokyo 2020 Playbooks (2) – Quy định về hoạt động của người dự Thế vận hội

Trả lời:
Sách hướng dẫn Tokyo 2020 Playbooks đưa ra các quy định nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona, bao gồm quy định về hoạt động những người tham dự Thế vận hội trong thời gian ở tại Nhật Bản.

Các vận động viên và huấn luyện viên được yêu cầu lên “Kế hoạch hoạt động” và nộp cho ban tổ chức trước khi đến Nhật Bản. Hồ sơ này phải trình bày cụ thể lịch trình hoạt động trong 14 ngày đầu tiên sau khi đến Nhật, thông tin về địa chỉ nơi ở cũng như các địa điểm trong lịch trình, kèm theo họ tên và thông tin hộ chiếu. Họ cũng phải tải và cài đặt ứng dụng theo dõi tình trạng sức khoẻ, cũng như ứng dụng xác nhận liên lạc COCOA, đồng thời phải bật dịch vụ định vị và lịch sử di chuyển trên điện thoại thông minh.

Sau khi đến Nhật Bản, các vận động viên và huấn luyện viên cũng cần tuân thủ lịch trình đã nộp trước đó cho ban tổ chức. Họ cũng cần được theo dõi chặt chẽ nếu muốn tiến hành các hoạt động liên quan đến Thế vận hội trong 3 ngày đầu sau khi tới Nhật, chẳng hạn bằng cách cử người giám sát hoặc theo dõi dữ liệu GPS. Họ được phép di chuyển giữa cơ sở tập luyện và nơi ở, nhưng không được phép đến những nơi khác như điểm du lịch.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/7/2021).

Câu hỏi 266: Các biện pháp phòng ngừa vi-rút tại Thế vận hội Tokyo 2020: Tokyo 2020 Playbooks (1) – Các quy định áp dụng từ 1/7

Trả lời:
Hôm 15/6, Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) cùng ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo công bố bản thứ 3, và cũng là bản mới nhất của sách hướng dẫn Tokyo 2020 Playbooks. Nội dung của hướng dẫn liên quan đến các quy định phòng ngừa vi-rút corona mà những người tham gia, bao gồm các vận động viên, phải tuân thủ. Bản đầu tiên của sách hướng dẫn này ra mắt vào tháng 2, còn bản thứ hai được giới thiệu vào tháng 4.

Bản mới nhất của hướng dẫn cung cấp thêm một số thông tin chi tiết nhằm làm rõ hơn về các thủ tục và các biện pháp. Chẳng hạn, bản mới nhất hướng dẫn các thủ tục xét nghiệm vi-rút hằng ngày cho các vận động viên để ít gây ảnh hưởng nhất đến lịch thi đấu của họ. Sách cũng cho biết các biện pháp cách ly có thể được thắt chặt sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản nhằm ứng phó với lo ngại về việc lây lan các biến thể vi-rút. Ngoài ra, sách cũng trình bày các biện pháp xử phạt hành chính nếu vi phạm quy định, cũng như các biện pháp xử phạt khác như truất tư cách thi đấu hay thu hồi giấy phép lưu trú tại Nhật Bản.

Các quy định trong sách hướng dẫn bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7, và có thể được thay đổi.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét các quy định liên quan đến hoạt động sau khi đến Nhật của thành viên các đoàn dự Thế vận hội.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/7/2021).

Câu hỏi 265: Có loại thực phẩm chức năng nào phòng ngừa COVID-19?

Trả lời:
Ngày 25/6, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng công bố kết quả một cuộc khảo sát được tiến hành trong tháng 4 và tháng 5 về các sản phẩm bán qua mạng được quảng cáo có hiệu quả phòng ngừa nhiễm vi-rút corona. Cơ quan này thực hiện các cuộc khảo sát như vậy kể từ năm ngoái.

Giới chức cơ quan cho biết phát hiện 49 mặt hàng có sai phạm trong việc quảng cáo hoặc cung cấp thông tin trên nhãn sản phẩm.

Chẳng hạn, một sản phẩm gây tranh cãi khi quảng cáo mọi người có thể tránh bị nhiễm vi-rút nếu bổ sung vitamin D. Một quảng cáo cho biết đã kiểm chứng được kẹo có chứa chất tannin từ quả hồng có thể vô hiệu hoá hoạt động của vi-rút corona. Một quảng cáo khác nói trà chaga làm từ một loại nấm đen có công dụng tốt trong việc ngăn ngừa vi-rút corona.

Giới chức cho biết các quảng cáo như vậy thường không có bằng chứng rõ ràng và có thể gây hiểu lầm. Họ kêu gọi 43 công ty bán các sản phẩm này đính chính lại thông tin trên nhãn hoặc các quảng cáo. Cơ quan này cũng đăng trên trang web một số quảng cáo như vậy, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng cảnh giác trước các thông tin dễ gây hiểu lầm.

Theo ông Nishikawa Koichi, người phụ trách bộ phận nhãn hàng thực phẩm của cơ quan, có nhiều khảo sát về những chất mà các nhà nghiên cứu tuyên bố có công dụng phòng ngừa COVID-19, nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phòng thí nghiệm. Ông nói chưa có ai thực sự dùng và xác nhận các sản phẩm này có hiệu quả. Ông cũng cho biết cơ quan hy vọng người tiêu dùng nhận thức vấn đề một cách bình tĩnh và thực hiện các biện pháp được khuyến nghị để ngăn ngừa vi-rút.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/6/2021).

Câu hỏi 264: Các loại thuốc được dùng sau khi tiêm vắc-xin – Phần 2: Những ai cần lưu ý khi dùng thuốc giảm đau hạ sốt sau khi tiêm vắc-xin?

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản lần đầu tiên công bố hướng dẫn về thành phần của các loại dược phẩm được dùng trong trường hợp bị sốt sau khi tiêm vắc-xin ngừa vi-rút corona.

Sốt thường xảy ra trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi tiêm vắc-xin. Nếu cần thiết, mọi người có thể dùng thuốc giảm đau và hạ sốt, cũng như theo dõi tình trạng cơ thể.

Tuy nhiên, theo bộ y tế, một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc giảm đau và hạ sốt không kê đơn. Các đối tượng này bao gồm phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, những người đang dùng thuốc, người từng có phản ứng dị ứng hoặc bị hen suyễn do dược phẩm hoặc các tác nhân khác, người cao tuổi, bệnh nhân đang được điều trị viêm loét dạ dày hoặc các bệnh khác. Bộ khuyến cáo các đối tượng trên cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Theo bộ y tế, mọi người nên tham vấn những người có chuyên môn nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau dữ dội, sốt cao hoặc các triệu chứng kéo dài.

Bộ không khuyến cáo sử dụng liên tục các loại thuốc giảm đau hay hạ sốt nhằm ngăn ngừa các triệu chứng đau hoặc sốt sau khi tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/6/2021).

Câu hỏi 263: Các loại thuốc được dùng sau khi tiêm vắc-xin – Phần 1: Có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt nào sau khi tiêm vắc-xin?

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản lần đầu tiên công bố hướng dẫn về thành phần của các loại dược phẩm được dùng trong trường hợp bị sốt sau khi tiêm vắc-xin ngừa vi-rút corona.

Sốt sau khi tiêm vắc-xin thường xảy ra trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi tiêm. Nếu cần thiết, mọi người có thể tự uống thuốc và theo dõi tình trạng cơ thể. Bộ y tế cho biết một số loại thuốc có thể được dùng sau khi tiêm, trong đó có acetaminophen, ibuprofen và loxoprofen. Các thông tin này chưa từng được công bố trước đó. Tuy nhiên, vào đầu tháng 6, nhiều đơn vị vận hành các cửa hàng thuốc báo cáo sắp hết các loại thuốc không cần kê đơn có thành phần chính là acetaminophen. Trước tình hình này, bộ y tế cập nhật thông tin trên trang web về việc có thể dùng một số loại thuốc không cần kê đơn khác, bên cạnh acetaminophen. Bộ y tế cũng thông báo cho các cửa hàng thuốc và cơ quan dược phẩm trên khắp Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo bộ y tế, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý nền cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc, do có thể có một số hạn chế liên quan đến các thành phần thuốc dành cho các đối tượng này.

Bộ cũng cung cấp thông tin về cách nhận biết các triệu chứng là do tiêm vắc-xin hay do nhiễm vi-rút corona. Theo đó, người nhiễm vi-rút thường xuất hiện các triệu chứng như ho, đau họng, mất khả năng nhận biết mùi vị và khó thở. Trong khi đó, sốt sau khi tiêm vắc-xin thường không kèm theo các triệu chứng kể trên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/6/2021).

Câu hỏi 262: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 12: Hiện tượng ngất do phản xạ thần kinh phế vị là gì và xử lý như thế nào?

Trả lời:
Sau khi tiêm vắc-xin, người được tiêm có thể gặp hiện tượng ngất do phản xạ thần kinh phế vị, với nguyên nhân là do bị đau khi tiêm và bị căng thẳng thần kinh. Các triệu chứng của hiện tượng này bao gồm chóng mặt và khó thở.

Một phòng khám ở Quận Inage thuộc thành phố Chiba đã tiêm vắc-xin COVID-19 cho khoảng 5.000 người, đa số là người cao tuổi. Bác sĩ Kochi Fumio thuộc phòng khám này cho biết hồi tháng 5, một phụ nữ trong độ tuổi 60 thấy không khoẻ khi ngồi chờ sau khi tiêm.

Bà dần bị mất ý thức và mạch đập chậm, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đây là phản ứng dị ứng. Bác sĩ Kochi chẩn đoán bà bị ngất do phản xạ thần kinh phế vị, do bị đau khi tiêm và căng thẳng khiến hạ huyết áp và gây ra hiện tượng chóng mặt. Các nhân viên y tế ngay lập tức tiến hành sơ cứu, bao gồm việc đưa bà nằm lên giường. Sau khoảng 5 phút, tình hình sức khỏe của bà đã cải thiện và bà đã về nhà. Theo ông Kochi thì thanh niên là nhóm hay xảy ra hiện tượng ngất do phản xạ thần kinh phế vị. Ông cho biết một số người cũng gặp hiện tượng này sau khi tiêm vắc-xin phòng cúm. Tuy nhiên, theo ông thì các triệu chứng của hiện tượng sẽ giảm nếu được chữa trị thích hợp. Ông đề nghị những người được tiêm vắc-xin ở lại điểm tiêm chủng một lúc sau khi tiêm để nhân viên y tế có thể theo dõi nếu có phản ứng sau khi tiêm. Ông cũng cho biết việc ngủ đủ giấc trước khi tiêm, cũng như có thể trạng tốt sẽ giúp làm giảm triệu chứng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/6/2021).

Câu hỏi 261: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 11: Đặt hy vọng vào việc tiêm chủng ở người trẻ

Trả lời:
Vào ngày 21/6, các công ty và trường đại học triển khai kế hoạch tiêm chủng cho nhân viên và sinh viên. Sau đây là ý kiến của các chuyên gia về hy vọng kế hoạch này sẽ khuyến khích những người trẻ tiêm vắc-xin.

Ông Kutsuna Satoshi thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu của Nhật Bản đã điều trị cho một số bệnh nhân nhiễm vi-rút và trở nặng. Theo ông thì lây nhiễm thường bắt nguồn từ thanh niên. Ông hy vọng có thêm nhiều người trẻ được tiêm vắc-xin theo kế hoạch của các công ty và trường đại học, cũng như kỳ vọng việc này sẽ giúp làm chậm tốc độ lây lan của vi-rút.

Theo ông thì nhiều người có thể nghĩ rằng việc tiêm vắc-xin cho thanh niên, nhóm có ít khả năng có triệu chứng nặng, là không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, các biến thể của vi-rút hiện đang lây lan đã làm gia tăng khả năng bệnh trở nặng. Nhiều người cũng lo ngại về di chứng sau khi nhiễm bệnh. Ông Kutsuna kêu gọi thanh niên cân nhắc tiêm vắc-xin để tránh làm lây lan vi-rút.

Thanh niên là đối tượng sẽ thường gặp chứng ngất do phản xạ thần kinh phế vị, với nguyên nhân là do bị đau khi tiêm kết hợp với tâm lý căng thẳng. Hai yếu tố này kết hợp khiến nhịp tim tăng, gây khó thở, chóng mặt, hoặc tăng thông khí. Đây là phản ứng chung khi tiêm tất cả các loại vắc-xin chứ không chỉ có vắc-xin COVID-19.

Giáo sư Kutsuna cho biết theo một nghiên cứu được trung tâm tiến hành, sau khi tiêm chủng thì cứ khoảng 200 hoặc 300 người lại có 1 người bị ngất do phản xạ thần kinh phế vị.

Theo ông thì có nhiều biện pháp có thể thực hiện để phòng ngừa các triệu chứng này, như tạo môi trường tiêm chủng thoải mái, hoặc để người được tiêm nằm trong tư thế thoải mái khi tiến hành tiêm. Ông cho rằng nếu những người từng bị các triệu chứng này trong quá khứ thông báo trước với nhân viên y tế thì có thể thực hiện được các biện pháp đề phòng. Theo ông thì mọi người không nên chần chừ trong việc tiêm chủng chỉ vì nguyên nhân này, do các biện pháp thích hợp để kiểm soát tình hình có thể được thực hiện mà không tốn thời gian.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/6/2021).

Câu hỏi 260: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 10: Khuyến nghị của chuyên gia dành cho các công ty và trường đại học

Trả lời:
Vào ngày 21/6, các chuyên gia y tế thuộc 2 tổ chức hàn lâm của Nhật Bản đã công bố khuyến nghị về tiêm chủng vắc-xin COVID-19 dành cho các doanh nghiệp. Hai tổ chức nói trên là Hội Y học Xuất ngoại Nhật Bản và Hiệp Sức khỏe Nghề nghiệp Nhật Bản. Bản khuyến nghị được đăng tải trên trang web của 2 tổ chức này.

Trong bản khuyến nghị, các chuyên gia kêu gọi các doanh nghiệp chuẩn bị trong trường hợp có thể xảy ra các tác dụng phụ, bao gồm sốc phản vệ, hiện tượng nghiêm trọng hiếm gặp. Theo các chuyên gia thì những người trẻ dễ gặp phản ứng dị ứng hơn, và các đơn vị tổ chức tiêm vắc-xin cần chuẩn bị thuốc sơ cứu dị ứng để ứng phó tại các điểm tiêm chủng.

Cũng theo hướng dẫn, đa số các tác dụng phụ như sốt sẽ hết trong vòng 1-2 ngày, nhưng các tác dụng phụ sau liều vắc-xin thứ 2 sẽ nặng hơn liều đầu tiên. Các chuyên gia đề nghị doanh nghiệp tránh trường hợp nhân viên nghỉ hàng loạt sau khi tiêm liều thứ 2 thông qua thực hiện nhiều biện pháp, ví dụ như bố trí các nhân viên trong cùng một nhóm tiêm vắc-xin vào các ngày khác nhau.

Hướng dẫn cũng đề cập đến các vấn đề khác như cách xử lý thông tin cá nhân của nhân viên được tiêm vắc-xin, cũng như đảm bảo mỗi nhân viên đều tiêm vắc-xin trên cơ sở tự nguyện.

Giáo sư Hamada Atsuo thuộc Đại học Y khoa Tokyo là người đứng đầu một nhóm soạn thảo hướng dẫn. Trả lời đài NHK, ông cho biết việc có nhiều trường đại học và công ty tổ chức tiêm chủng sẽ là biện pháp quan trọng để kiểm soát lây nhiễm. Tuy nhiên, theo ông thì các đơn vị tổ chức cần phải đặc biệt cẩn trọng trong việc ứng phó với tác dụng phụ. Ông bày tỏ mong muốn các đơn vị đọc bản hướng dẫn kĩ lưỡng trước khi triển khai kế hoạch tiêm chủng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/6/2021).

Câu hỏi 259: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 9: Các công ty và trường đại học có thể yêu cầu người được tiêm vắc-xin chi trả chi phí hay không?

Trả lời:
Bộ y tế cho biết thể theo luật tiêm chủng của Nhật Bản, việc tiêm chủng vắc-xin tại công ty và trường đại học được coi là tiêm chủng trong trường hợp khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh. Vì vậy, các công ty và trường đại học không được thu phí của người được tiêm vắc-xin.

Theo bộ thì các công ty và trường đại học có trách nhiệm đảm bảo nhân viên y tế và địa điểm tổ chức tiêm chủng. Bộ cho rằng sẽ là không thích hợp nếu các nhân viên, sinh viên và những người được tiêm khác phải chi trả một phần chi phí tiêm chủng. Tuy nhiên, cũng không sao nếu các công ty và trường đại học chịu một phần chi phí tổ chức tiêm. Nếu một số công ty và trường đại học cùng tổ chức tiêm chủng thì họ có thể tự điều chỉnh phần chi phí đóng góp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/6/2021).

Câu hỏi 258: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 8: Người dân khu vực lân cận có nằm trong kế hoạch tiêm chủng hay không?

Trả lời:
Bộ y tế công bố hướng dẫn các câu hỏi thường gặp về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa vi-rút corona tại các công ty và trường đại học, dựa trên các câu hỏi mà bộ nhận được.

Theo bản hướng dẫn, bộ y tế cho biết các đơn vị tổ chức tiêm chủng cần phải quản lý thông tin cá nhân của người được tiêm, cũng như tiến hành các bước để họ được tiêm mũi thứ 2. Bộ đề nghị các công ty và trường đại học cân nhắc kĩ càng trước khi quyết định đối tượng được tiêm vắc-xin.

Đối với câu hỏi về việc trong trường hợp người đã tiêm vắc-xin có phản ứng phụ thì liệu chính phủ có cung cấp thiết bị y tế và thuốc men hay không, bộ cho biết các công ty và trường đại học sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị thiết bị và thuốc men. Bộ cũng khuyến cáo các đơn vị nên tham vấn trước với cơ sở y tế, chuẩn bị mọi thiết bị và thuốc men cần thiết, cũng như quản lý thích hợp các dụng cụ sơ cứu để có thể ứng phó với tình huống khẩn cấp bất cứ lúc nào.

Bộ y tế cũng cho biết không có vấn đề gì nếu bắt đầu tiến hành tiêm chủng trước thời gian đặt ra trong kế hoạch ban đầu, miễn là các đơn vị chuẩn bị đầy đủ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/6/2021).

Câu hỏi 257: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 7: Nhân viên người nước ngoài có được tiêm vắc-xin hay không?

Trả lời:
Tại Nhật Bản, từ ngày 8/6, các công ty và trường đại học đã bắt đầu được đăng ký để tổ chức tiêm vắc-xin cho nhân viên và sinh viên.

Bộ y tế công bố hướng dẫn các câu hỏi thường gặp về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa vi-rút corona tại các công ty và trường đại học dựa trên các câu hỏi mà bộ nhận được.

Về đối tượng được tiêm vắc-xin, hướng dẫn cho biết các công ty được phép tiêm vắc-xin cho nhân viên không chỉ của công ty mình, mà còn có thể tiêm cho nhân viên các công ty có liên quan. Các trường đại học cũng được phép tiêm cho sinh viên của nhau.

Đối với nhân viên người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản, hướng dẫn cho biết tất cả những người có tên trong danh sách Đăng ký Thường trú Cơ bản của Nhật Bản đều được tiêm vắc-xin.

Cũng theo hướng dẫn, những nhân viên chưa nhận được phiếu tiêm chủng vẫn có thể được tiêm vắc-xin theo chương trình nói trên. Trong trường hợp này, các nhân viên phải điền thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ và ngày tháng năm sinh vào phiếu câu hỏi trước khi tiêm, cũng như xuất trình giấy tờ tùy thân. Các phiếu câu hỏi này cần được lưu trữ tại công ty hoặc cơ sở y tế nơi tiến hành tiêm vắc-xin cho đến khi nhân viên này nhận được phiếu tiêm chủng và nộp lại.

Một số công ty hỏi bộ y tế liệu có phải tiêm vắc-xin cho tất cả nhân viên khi triển khai tiêm chủng hay không. Hướng dẫn cho biết các công ty được yêu cầu tôn trọng nguyện vọng của nhân viên về việc có muốn được tiêm vắc-xin hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/6/2021).

Câu hỏi 256: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 6: Tiêm vắc-xin cho toàn bộ nhân viên

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản công bố một loạt hướng dẫn cho các cơ quan – tổ chức trước khi các công ty và trường đại học chính thức triển khai tiêm chủng từ ngày 21/6.

Hướng dẫn nhấn mạnh cần tiêm vắc-xin cho tất cả nhân viên, bất kể hợp đồng lao động là nhân viên chính thức hay không chính thức. Xét từ quan điểm xây dựng các biện pháp ứng phó với tình trạng lây nhiễm theo cụm tại nơi làm việc, bộ y tế kêu gọi các doanh nghiệp sắp xếp việc tiêm vắc-xin một cách phù hợp, bao gồm ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Hướng dẫn cũng kêu gọi các công ty tìm hiểu trước mong muốn của nhân viên, để việc tiêm chủng không đi ngược lại nguyện vọng của họ. Hướng dẫn cũng cho biết không được dùng thông tin cá nhân của những người tiêm vắc-xin cho bất kỳ mục đích nào khác.

Bộ y tế khuyến nghị các công ty triển khai tiêm chủng tại nơi làm việc cần chuẩn bị trước, chẳng hạn như lập ra 1 ban chuyên trách.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/6/2021).

Câu hỏi 255: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 5: Khả năng nới lỏng yêu cầu về số lượng tối thiểu

Trả lời:
Chính phủ thông báo nhằm đảm bảo hiệu quả, chương trình tiêm chủng tại nơi làm việc và trường đại học nên được bắt đầu triển khai tại các đơn vị có hơn 1.000 người.

Hôm 11/6, phát biểu tại cuộc họp của một ủy ban Hạ viện, bộ trưởng y tế Tamura Norihisa cho biết điều này là do các doanh nghiệp với hơn 1.000 nhân viên có khả năng sớm đảm bảo được nhân lực y tế để tiến hành tiêm vắc-xin cũng như khám sàng lọc trước tiêm, chẳng hạn bằng cách huy động các bác sĩ trong ngành của họ.

Tuy nhiên, ông Tamura nói thêm rằng khi chương trình được thực hiện, chính phủ sẽ không nhất nhất áp dụng một cách cứng nhắc các điều kiện tiên quyết về số người tối thiểu khi tiến hành tiêm chủng. Ông nói chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và khi các điểm tiêm chủng có thể tiến hành tiêm trên quy mô nhỏ hơn, chính phủ sẽ xem xét hạ bớt yêu cầu là có tối thiểu 1.000 người. Ông nói chính phủ đang chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với những thay đổi có thể có.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/6/2021).

Câu hỏi 254: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 4: Tiêm chủng tại các công ty vừa và nhỏ

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch đẩy nhanh triển khai tiêm chủng tại các trường đại học và công ty có hơn 1.000 nhân viên. Trong khi đó, đối với các công ty vừa và nhỏ, mặc dù các công ty này cũng có kế hoạch đăng ký tổ chức tiêm, nhưng vấp phải khó khăn trong việc đảm bảo nhân lực y tế để tiến hành tiêm vắc-xin.

Theo những công ty này, nhiều nơi không có nhân viên y tế làm việc toàn thời gian. Bên cạnh đó, các công ty này cũng gặp khó khăn trong việc điều phối tiêm vắc-xin trong trường hợp số người đăng ký tiêm nhiều hơn 1.000 người. Do đó, so với các công ty lớn và trường đại học, có ít công ty vừa và nhỏ đăng ký triển khai tiêm vắc-xin hơn.

Trong bối cảnh đó, hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ tại Tokyo với khoảng hơn 2.500 công ty thành viên cho biết đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các công ty thành viên đề nghị tổ chức tiêm chủng chung. Theo hiệp hội, thách thức lớn nhất của các công ty này là đảm bảo đủ nhân lực y tế. Mặc dù hiệp hội đã đề nghị sự hỗ trợ từ các hiệp hội y khoa, tuy nhiên tình hình vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Một vấn đề khác là làm cách nào để có thể nắm được chính xác số người đăng ký tiêm để tránh lãng phí vắc-xin, cũng như chi phí cần thiết để vận hành các điểm tiêm chủng.

Một nhân viên của hiệp hội cho biết khoảng cách giữa các công ty lớn và công ty vừa và nhỏ trong việc triển khai tiêm chủng có thể sẽ ngày càng tăng. Ông nói thay vì chờ cho đến khi đáp ứng được các điều kiện, hiệp hội cần có hành động để phân bổ vắc-xin. Nhân viên các công ty nhỏ cũng cần được tiêm ngừa do có nhiều người làm việc bên ngoài chứ không ở văn phòng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/6/2021).

Câu hỏi 253: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 3: Tiêm chủng ở trường đại học

Trả lời:
Bộ giáo dục lập nhóm chuyên trách với khoảng 40 thành viên vào hôm 4/6. Bộ khảo sát ý kiến của khoảng 800 trường đại học trên cả nước để xem họ có nguyện vọng tổ chức tiêm vắc-xin hay không. Giới chức của bộ cho biết sẽ hỗ trợ để bắt đầu chương trình với khoảng 20 trường đại học, trước khi triển khai tới các trường khác.

Nhóm chuyên trách nhận được rất nhiều câu hỏi từ các trường vào hôm 8/6, khi bắt đầu nhận đăng ký.

Một số trường đưa ra câu hỏi về thủ tục đăng ký, trang thiết bị cần thiết và ai sẽ là đối tượng của chương trình tiêm chủng. Một số trường không có khoa y hay các khoa liên quan muốn biết làm cách nào để có thể đảm bảo nhân lực y tế cho việc tiêm vắc-xin, mặc dù đã có sẵn địa điểm dành cho việc tiêm chủng.

Bộ giáo dục cho biết khoảng 40% các trường đại học ở Nhật có khoa y, điều dưỡng hoặc nha khoa. Giới chức của bộ đang tìm cách để những trường có các khoa này hỗ trợ các trường lân cận. Bộ hy vọng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người trẻ bằng cách mở điểm tiêm chủng ở các trường đại học. Giới chức cũng muốn tận dụng kỳ nghỉ hè. Họ cho rằng nhân viên của các trường mẫu giáo, trường tiểu học, cấp 2 và cấp 3, cũng như các trường đặc biệt cho trẻ em cũng cần được tiêm vắc-xin ở điểm tiêm tại các trường đại học địa phương, trước khi học kỳ mới bắt đầu vào tháng 9.

Bộ cũng lập kế hoạch để những người sắp đi du học nước ngoài muốn tiêm vắc-xin sẽ được tiêm ở các điểm tiêm chủng tại trường đại học trước khi đi. Bộ dự kiến sẽ cấp cho những người này giấy chứng nhận tiêm chủng bằng tiếng Anh do bộ trưởng giáo dục cấp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/6/2021).

Câu hỏi 252: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 2: Khi nào bắt đầu?

Trả lời:
Tại Nhật Bản, từ ngày 8/6, các công ty và trường đại học đã bắt đầu được đăng ký để tiến hành tiêm vắc-xin cho nhân viên và sinh viên.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến bắt đầu cho phép các nơi làm việc và trường đại học tổ chức tiêm vắc-xin từ ngày 21/6. Bộ y tế cho biết các địa phương có chương trình tiêm chủng cho người cao tuổi tiến triển thuận lợi có thể bắt đầu tiêm vắc-xin tại nơi làm việc và trường đại học trước thời hạn trên. Các cơ sở y tế thực hiện công tác tiêm chủng sẽ đề nghị chính quyền địa phương chi trả chi phí.

Dữ liệu từ những người đã được tiêm vắc-xin, chẳng hạn như thời gian và địa điểm sẽ được nhập vào hệ thống hồ sơ tiêm chủng của chính phủ, gọi tắt là VRS.

Các máy tính bảng chuyên dụng cho mục đích trên sẽ được bố trí tại các điểm tiêm chủng, cùng với vắc-xin và các thiết bị khác. Các bác sĩ và nhân viên liên quan sẽ dùng máy tính bảng để nhập các thông tin như ngày tiêm và số liều vắc-xin đã được tiêm. Những thông tin này sau đó sẽ được cung cấp cho địa phương mà người được tiêm vắc-xin cư trú.

Một ban chuyên gia của bộ y tế cho biết nhằm hạn chế lây nhiễm lan rộng, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên khắp Nhật Bản thông qua nhiều nỗ lực, trong đó có tiêm vắc-xin ở nơi làm việc, để có thêm nhiều người được tiêm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/6/2021).

Câu hỏi 251: Kế hoạch tiêm chủng của các công ty và trường đại học – Phần 1: Điều kiện thực hiện là gì?

Trả lời:
Tại Nhật Bản, từ ngày 8/6, các công ty và trường đại học đã bắt đầu được đăng ký để tiến hành tiêm vắc-xin cho nhân viên và sinh viên. Điểm khác biệt giữa chương trình tiêm chủng do các công ty và trường đại học tiến hành so với chương trình tiêm chủng đang diễn ra tại các địa phương là gì.

Chính phủ dự kiến tăng tốc độ tiêm chủng và giảm bớt gánh nặng cho chính quyền địa phương bằng cách cho phép các công ty và trường đại học triển khai tiêm vắc-xin cho nhân viên và sinh viên. Các công ty và trường đại học phải tự chuẩn bị địa điểm cũng như nhân lực y tế để không làm cản trở chương trình tiêm chủng của các chính quyền địa phương.

Các chính quyền địa phương sử dụng vắc-xin do Pfizer-BioNTech phát triển. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng tại các công ty và trường đại học sẽ sử dụng vắc-xin của hãng Moderna. Một trong các điều kiện là các địa điểm tiêm chủng cần đảm bảo tiêm được cho khoảng 1.000 người, cũng như phải tiêm đủ 2 liều vắc-xin cho mỗi người.

Trước khi bắt đầu tiêm chủng, các công ty và trường đại học phải nhận được mã số địa điểm và ký kết hợp đồng. Các đơn vị này cũng cần nhập thông tin vào hệ thống “V-SYS” do bộ y tế phát triển nhằm triển khai chương trình tiêm chủng một cách suôn sẻ. Trong hệ thống có thông tin của bác sĩ và nhân viên tư vấn chịu trách nhiệm theo dõi sau khi tiêm cũng như số lượng vắc-xin cần thiết. Vắc-xin cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 20 độ C. Chính phủ trung ương cho biết có thể chi trả hoặc hỗ trợ chuẩn bị các bước cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/6/2021).

Câu hỏi 250: Tập huấn trước Thế vận hội và các biện pháp ngăn ngừa vi-rút – Phần 3: Vì sao cần tập huấn trước Thế vận hội?

Trả lời:
Hôm 1/6, đoàn vận động viên bóng mềm Australia đã đến Nhật Bản để tập huấn chuẩn bị cho Thế vận hội. Đây là các vận động viên nước ngoài đầu tiên đến Nhật sau khi sự kiện này bị hoãn lại 1 năm do đại dịch vi-rút corona.

Các đội tuyển thi đấu tại Olympic và Paralympic từ các nước thường đến nước chủ nhà một khoảng thời gian trước khi sự kiện chính thức bắt đầu. Điều này nhằm giúp các vận động viên hồi phục do lệch múi giờ cũng như làm quen với thực phẩm và khí hậu địa phương.

Vào năm 2016, trước khi khai mạc Olympic Rio de Janeiro khoảng 2 tuần, các vận động viên Nhật Bản đã lên đường đi tập huấn tại Brazil hoặc Mỹ, là những nơi có cùng múi giờ với địa điểm đăng cai sự kiện. Múi giờ của Nhật Bản và Brazil lệch nhau 12 tiếng.

Đối với Thế vận hội Tokyo, có 528 địa phương trên khắp Nhật Bản đăng ký làm thành phố chủ nhà cho các đoàn vận động viên nước ngoài. Nhiều địa phương trong số này dự kiến đón các đội tuyển đến tập huấn chuẩn bị cho sự kiện. Một số đội tuyển đã hủy lịch tập huấn nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm vi-rút corona trong quá trình di chuyển và lưu trú. Tuy nhiên, Thư ký Nội các Nhật Bản cho biết hàng trăm đội tuyển vẫn giữ nguyên kế hoạch tập huấn chuẩn bị cho Thế vận hội. Nhiều vận động viên sẽ đến Nhật Bản trong tháng 6, nhưng có thể phần lớn sẽ đến trong tháng 7.

Những vận động viên đầu tiên đến tập huấn là khoảng 30 thành viên đội tuyển bóng mềm Australia. Họ đã đến thành phố Ota thuộc tỉnh Gunma hôm 1/6. Giới chức thành phố cho biết toàn đội cũng như các nhân viên đã được tiêm vắc-xin trước khi đến Nhật. Họ cũng được xét nghiệm PCR mỗi ngày trong thời gian tập huấn. Các vận động viên cũng được yêu cầu ở tại khách sạn ngoài thời gian tập luyện tại sân bóng. Giới chức cho biết sẽ thực hiện triệt để các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, cũng như hỗ trợ cho đội tuyển trong thời gian tập huấn 45 ngày tại thành phố.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/6/2021).

Câu hỏi 249: Tập huấn trước Thế vận hội và các biện pháp ngăn ngừa vi-rút – Phần 2: Biện pháp phòng dịch của địa phương chủ nhà

Trả lời:
Hôm 1/6, một đoàn vận động viên nước ngoài đã đến Nhật để tập huấn chuẩn bị cho Thế vận hội. Đây là đoàn nước ngoài đầu tiên đến Nhật kể từ sau khi sự kiện này bị hoãn lại 1 năm do đại dịch vi-rút corona. Trong loạt bài về các biện pháp phòng ngừa vi-rút, chúng ta cùng tìm hiểu các quy định của chính quyền địa phương đăng cai trại tập huấn.

Chính phủ soạn thảo hướng dẫn phòng ngừa vi-rút cho các chính quyền địa phương nơi các đoàn tập huấn chuẩn bị cho Thế vận hội lưu lại. Hướng dẫn nêu rõ các địa phương này phải chịu một phần trách nhiệm trong việc tiếp nhận các đoàn nước ngoài (bao gồm vận động viên và nhân viên).

Theo hướng dẫn, nếu các địa phương này ở xa sân bay hoặc làng vận động viên thì phải sắp xếp các chuyến bay thuê bao, thuê riêng tàu siêu tốc Shinkansen hay các phương tiện khác chứ không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các đoàn nước ngoài được đề nghị sử dụng các nhà ga và sân bay vào các khung giờ và lộ trình khác với việc đi lại của người dân.

Trong thời gian tập huấn tại các địa phương, các đoàn vận động viên được yêu cầu đặt trước địa điểm tập huấn, và không được tập luyện cùng với người dân địa phương. Tại nơi lưu trú, các đoàn được yêu cầu đặt toàn bộ các tầng hoặc tòa nhà và tránh tiếp xúc với bên ngoài.

Nhằm ngăn chặn biến thể vi-rút lây lan, các vận động viên và nhân viên địa phương có khả năng tiếp xúc với vận động viên nước ngoài được yêu cầu xét nghiệm mỗi ngày. Hoạt động giao lưu giữa vận động viên và địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến để tránh tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Chính phủ trung ương phân bổ khoảng 12,7 tỉ yên, tương đương khoảng 116 triệu đôla Mỹ cho các tỉnh để trang trải chi phí cho các biện pháp phòng ngừa vi-rút. Tuy nhiên, một số địa phương bày tỏ khó khăn do các hạn chế nghiệm ngặt trong việc giao lưu cũng như gánh nặng của việc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/6/2021).

Câu hỏi 248: Tập huấn trước Thế vận hội và các biện pháp ngăn ngừa vi-rút – Phần 1: Thời hạn cách ly đối với vận động viên

Trả lời:
Đầu tháng 6, đội tuyển bóng mềm nữ của Australia đã đến Nhật Bản. Đây là các vận động viên nước ngoài đầu tiên đến Nhật để tập huấn chuẩn bị cho Thế vận hội, kể từ sau khi sự kiện hoãn lại 1 năm do đại dịch vi-rút corona. Trong loạt bài này, chúng ta cùng tìm hiểu về biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tại các trại tập huấn trước Thế vận hội.

Những người liên quan đến Olympic và Paralympic Tokyo cũng như các sự kiện thử nghiệm được yêu cầu xét nghiệm vi-rút corona trước khi đến Nhật Bản và phải làm xét nghiệm kháng nguyên tại sân bay sau khi nhập cảnh. Những người này cũng phải cách ly 14 ngày sau khi đến Nhật. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cho phép nới lỏng các hạn chế cách ly trong những “trường hợp ngoại lệ đặc biệt”.

Sau khi đến Nhật, các vận động viên và huấn luyện viên có thể bắt đầu ngay các hoạt động, như tập huấn, với một số điều kiện nhất định, trong đó có xét nghiệm vi-rút corona hằng ngày trong vòng 3 ngày sau khi tới Nhật. Các cá nhân khác, không bao gồm vận động viên và huấn luyện viên, phải tự cách ly trong 3 ngày trước khi bắt đầu các hoạt động. Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo cho biết những người này phải xét nghiệm vi-rút corona vào ngày thứ 3, thứ 8 và thứ 14 sau khi đến Nhật.

Theo ban tổ chức, trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến 16/5 năm nay, có tổng cộng 1.649 người liên quan đến Thế vận hội và các sự kiện thử nghiệm từ 83 nước và vùng lãnh thổ đã đến Nhật Bản. Khoảng 85% trong số này, tương đương 1.432 người, đã được rút ngắn thời gian cách ly. Trong khoảng thời gian này, một huấn luyện viên tham gia sự kiện thử nghiệm môn lặn và một huấn luyện viên tại cuộc thi chèo thuyền quốc tế đã có xét nghiệm dương tính.

Bất kể việc tự cách ly được trong bao lâu, tất cả những người này đều không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong vòng 14 ngày. Họ cũng được đề nghị hạn chế rời nơi tập luyện cũng như các địa điểm thi đấu hay nơi làm việc.

Theo ban tổ chức, tại các địa điểm nói trên sẽ có nhân viên của ủy ban theo dõi và quản lý. Ủy ban cho biết chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp vi phạm nào, chẳng hạn như ra ngoài mà không được phép.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/6/2021).

Câu hỏi 247: Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng (4)

Trả lời:
Tại Nhật Bản, những người muốn tiêm vắc-xin cần phải trả lời bảng hỏi gồm 14 câu trước khi tiêm. Dựa trên bảng hỏi và kết quả khám sàng lọc, bác sỹ sẽ đánh giá xem liệu người đó có đủ tiêu chuẩn để tiêm vắc-xin hay không.

Bạn sẽ là người quyết định cuối cùng về việc có tiêm vắc-xin hay không, sau khi đã nghe đánh giá và giải thích của bác sỹ về lợi ích và tác dụng phụ của vắc-xin.

Bảng hỏi bằng tiếng Nhật. Bộ y tế đã dịch bảng hỏi ra tiếng Anh, tiếng Ả-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ khác. Các bạn có thể đối chiếu với bản dịch khi trả lời bảng hỏi. Tờ rơi giải thích về vắc-xin của Pfizer-BioNTech cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/6/2021).

Câu hỏi 246: Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng (3)

Trả lời:
Tại Nhật Bản, những người muốn tiêm vắc-xin cần phải trả lời bảng hỏi gồm 14 câu trước khi tiêm và lựa chọn 1 trong 2 đáp án là có hoặc không. Chúng tôi xin giới thiệu 7 câu hỏi còn lại trong số 14 câu trong bảng hỏi.

Câu hỏi thứ 8 là bạn có cảm thấy bất thường ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể hay không. Nếu có, bạn sẽ phải ghi rõ tình trạng hiện tại.

Câu hỏi thứ 9 là trước đây bạn có từng bị co giật hay không.

Câu hỏi thứ 10 là bạn có từng bị triệu chứng dị ứng thuốc hoặc thực phẩm nghiêm trọng, như sốc phản vệ, hay không. Nếu đã từng có triệu chứng thì bạn cần phải cho biết tên thuốc hoặc thực phẩm.

Câu hỏi thứ 11 là bạn có từng không khoẻ sau khi tiêm vắc-xin hay không. Nếu có, bạn sẽ phải cung cấp thông tin về loại vắc-xin, cũng như tình trạng sau khi tiêm.

Câu hỏi thứ 12 yêu cầu cho biết bạn có biểu hiện của việc có thai, ví dụ như bị chậm kinh nguyệt, hoặc bạn có đang cho con bú hay không.

Câu hỏi thứ 13 là trong 2 tuần trước thời điểm trả lời, bạn có được tiêm bất cứ loại vắc-xin nào hay không. Nếu có, bạn phải cho biết tên vắc-xin và ngày tiêm.

Câu hỏi thứ 14 là bạn có bất cứ câu hỏi vào về việc tiêm vắc-xin trong ngày hôm đó hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/6/2021).

Câu hỏi 245: Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng (2)

Trả lời:
Tại Nhật Bản, những người muốn tiêm vắc-xin cần phải trả lời bảng hỏi gồm 14 câu trước khi tiêm và lựa chọn 1 trong 2 đáp án là có hoặc không. Chúng tôi xin giới thiệu 7 câu hỏi đầu tiên trong số 14 câu trong bảng hỏi.

Câu hỏi đầu tiên là đây có phải là lần đầu tiên được tiêm vắc-xin COVID-19 hay không. Nếu đã được tiêm trước đó thì bạn sẽ được yêu cầu điền thời gian của lần tiêm trước.

Câu hỏi thứ 2 là thành phố, thị trấn hay làng nơi đăng ký cư trú có giống với địa điểm ghi trên phiếu tiêm chủng hay không.

Câu hỏi thứ 3 là bạn đã đọc bản hướng dẫn về vắc-xin COVID-19 và hiểu các tác dụng, cũng như tác dụng phụ của vắc-xin hay chưa.

Câu hỏi thứ 4 là bạn có thuộc một trong các nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin hay không. Nếu thuộc một trong các nhóm này, bạn sẽ đánh dấu vào ô tương ứng. Có nhiều nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin, ví dụ như nhân viên y tế, người từ 65 tuổi trở lên, người từ 60 đến 64 tuổi, và nhân viên làm việc tại các cơ sở chăm sóc người già. Những người có bệnh nền được yêu cầu ghi tên bệnh.

Câu hỏi thứ 5 là bạn có đang bị ốm hay đang được điều trị hoặc uống thuốc hay không. Nếu có, bạn sẽ đánh dấu vào ô ở trước tên bệnh và phương pháp điều trị. Trong trường hợp bệnh và phương pháp không có trong danh sách, bạn sẽ phải ghi riêng.

Câu hỏi thứ 6 là bác sĩ đang điều trị cho bạn có cho phép bạn tiêm vắc-xin vào ngày đó hay không.

Câu hỏi thứ 7 là bạn có bị sốt hay ốm trong vòng 1 tháng trước thời điểm được hỏi hay không. Nếu có, bạn sẽ phải điền tên bệnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/6/2021).

Câu hỏi 244: Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng (1)

Trả lời:
Tại Nhật Bản, những người muốn tiêm vắc-xin cần phải được khám sàng lọc. Mỗi người dân cần phải điền vào một bảng hỏi, trả lời các câu hỏi liên quan đến tình hình sức khỏe hiện tại và các bệnh từng mắc phải. Bác sỹ phụ trách sẽ kiểm tra bảng hỏi và quyết định xem liệu người đó có được tiêm vắc-xin hay không.

Bước đầu tiên, mọi người cần điền địa chỉ, tên, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, giới tính và mức thân nhiệt đo trước buổi kiểm tra. Sau đó là trả lời 14 câu hỏi, với 2 lựa chọn là có và không.

Bảng hỏi bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, các bản dịch tiếng nước ngoài được đăng trên trang web của bộ y tế để mọi người có thể đối chiếu và điền đúng thông tin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/6/2021).

Câu hỏi 243: Tại sao Nhật Bản chậm triển khai tiêm chủng? (8)

Trả lời:
Theo một cựu quan chức cấp cao của bộ y tế thì các nỗ lực của Nhật Bản trong việc phát triển vắc-xin COVID-19 đã gặp khó khăn ngay từ lúc bắt đầu. Quan chức này cho rằng trong nhiều thập niên qua, người dân Nhật Bản ngày càng trở nên thận trọng trong các vấn đề về vắc-xin nói chung, với nguyên nhân chủ yếu là do những tổn hại về sức khoẻ từng xảy ra ở các đợt tiêm chủng trước đây. Người này cho rằng có một số công ty dược phẩm của Nhật Bản đã rút khỏi quá trình phát triển vắc-xin do tính rủi ro về pháp lý cao, cũng như các vấn đề liên quan đến việc cần phải kiểm soát nhiệt độ của vắc-xin và thời gian bảo quản ngắn. Theo quan chức này thì các công ty sản xuất trong nước đang bị các đối thủ bỏ xa cả về nhân lực lẫn công nghệ.

Tính đến nay, có 4 công ty trong nước đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin tự phát triển. Một số công ty hi vọng sẽ được chính phủ phê duyệt trước cuối năm nay.

Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo đủ vắc-xin.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản duy trì quan điểm rằng so với các nước khác có tình hình lây nhiễm tương đối ngang bằng thì Nhật Bản không bị tụt hậu quá xa, nếu xét về số liều vắc-xin đã đảm bảo được.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 31/5/2021).

Câu hỏi 242: Tại sao Nhật Bản chậm triển khai tiêm chủng? (7)

Trả lời:
Khoảng cách giữa Nhật Bản và các nước khác trong phát triển vắc-xin ngày càng gia tăng.

Một trong những nguyên nhân là do chính phủ các nước khác có hệ thống hỗ trợ các công ty sản xuất dược phẩm. Các sản phẩm này có thể không mang lại lợi nhuận, nhưng được cho là quan trọng đối với quốc gia.

Giáo sư Kunishima Hiroyuki thuộc Khoa Y Đại học St. Marianna đưa ra ví dụ về Anh và Thụy Điển. Chính phủ 2 nước này đã thiết lập hệ thống hỗ trợ một khoản tài chính cho các công ty sản xuất kháng sinh dù dự kiến không bán được nhiều. Các nước này cũng có khuôn khổ cung cấp hỗ trợ tích cực từ chính phủ cho dịch vụ chăm sóc y tế liên quan đến an ninh quốc gia.

Một nguyên nhân khác được các chuyên gia chỉ ra là thái độ của người dân đối với vắc-xin. Họ cũng bày tỏ lo ngại về cách mà truyền thông đưa tin.

Bà Sakamoto Haruka, nghiên cứu viên thuộc dự án của Khoa cao học Y khoa, Đại học Tokyo, cho biết về cơ bản nhiều người Nhật có cảm giác “ngại tiêm vắc-xin”. Truyền thông cũng góp phần gây dựng tâm lý này bằng việc đưa tin. Theo bà Sakamoto thì so với các nước khác, việc này tạo ra tâm lý chung, trong đó nhiều người Nhật khá thận trọng trước việc tiêm chủng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/5/2021).

Câu hỏi 241: Tại sao Nhật Bản chậm triển khai tiêm chủng? (6)

Trả lời:
Trả lời phỏng vấn với NHK, nhiều chuyên gia cho biết một trong những lý do của việc chậm chễ trong tiêm chủng vắc-xin là do Nhật Bản chưa phát triển được vắc-xin trong nước.

Giáo sư Ishii Ken thuộc Viện nghiên cứu Y khoa, Đại học Tokyo cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm phát triển vắc-xin, trong đó có việc chính phủ không hỗ trợ đủ cho quá trình này. Theo ông thì đây là một vấn đề có nguồn gốc sâu xa. Giáo sư Ishii hiện đang phát triển một loại vắc-xin mRNA cùng với một công ty dược phẩm của Nhật Bản.

Ông Ishii cho biết đầu năm 2020, Chính phủ Mỹ và chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng nghìn tỷ yên cho việc phát triển vắc-xin COVID-19, còn Nhật Bản chỉ chi khoảng 10 tỷ yên. Theo ông thì việc này dẫn đến khoảng cách lớn trong quá trình phát triển vắc-xin. Ông cho biết ở Mỹ và châu Âu, chính phủ ủng hộ về mọi mặt cho các dự án về vắc-xin như hỗ trợ các nhà bào chế đảm bảo cơ sở để tiến hành thử nghiệm lâm sàng, cũng như nhà máy để sản xuất hàng loạt. Ông cũng cho biết thêm rằng giới chức quản lý ở những nơi này đã hợp tác nhằm đẩy nhanh quá trình xét duyệt, thông qua việc bắt đầu đánh giá ngay cả khi vắc-xin còn đang trong quá trình phát triển. Giáo sư Ishii cho biết Chính phủ Nhật Bản không hề thực hiện bất cứ hành động nào nêu trên.

Giáo sư Ishii cho rằng Chính phủ Nhật Bản không nhận thức được việc phát triển khẩn cấp vắc-xin ngừa bệnh truyền nhiễm có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia và ngoại giao. Theo ông thì kể từ 20 năm trước, Nhật Bản đã tụt hậu xa so với Mỹ và châu Âu trong nghiên cứu cơ bản về việc bùng phát lây nhiễm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/5/2021).

Câu hỏi 240: Tại sao Nhật Bản chậm triển khai tiêm chủng? (5)

Trả lời:
Vắc-xin thường được tiêm cho người ở nhiều độ tuổi khác nhau, do đó việc cấp phép cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Việc vắc-xin được cấp phép ở các nước khác không có nghĩa là cũng nên được nhanh chóng cấp phép sử dụng tại Nhật Bản. Mặt khác, cũng có quan điểm cho rằng có thể xem xét để đơn giản hóa thử nghiệm lâm sàng trong nước nếu thử nghiệm ở nước ngoài cung cấp đủ dữ liệu liên quan đến người châu Á.

Vấn đề là làm sao để cân bằng giữa sự thận trọng với tốc độ trong cuộc khủng hoảng này. Chính phủ cho biết ban đầu họ bắt đầu tiêm chủng khi nguồn cung vẫn hạn chế. Tuy nhiên, vấn đề dần được giải quyết kể từ tháng 5 và hiện không còn lo ngại đáng kể nào đối với chương trình tiêm chủng trong thời gian tới. Theo chính phủ, hiện nay nhiệm vụ của chính quyền các địa phương là triển khai chương trình tiêm vắc-xin một cách suôn sẻ, và chính phủ trung ương sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực này.

Chúng ta đã hiểu được rằng mỗi giai đoạn, bao gồm cấp phép, phân phối và tiêm vắc-xin, đều có những thách thức và bối cảnh riêng. Mặt khác, nếu quay ngược thời gian và xem xét, có thể thấy những thách thức còn lớn hơn. Trong phần tiếp theo của loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu những tiến triển của chương trình tiêm chủng tại Nhật Bản.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/5/2021).

Câu hỏi 239: Tại sao Nhật Bản chậm triển khai tiêm chủng? (4)

Trả lời:
Dữ liệu từ một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford ở Anh cũng như các nhóm khác cho thấy tính tới ngày 11/5, tại Israel đã có 63% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin. Tỉ lệ này tại Anh là 52% và Mỹ là 46%, còn tại Nhật Bản là 2,91%.

Nhật Bản xếp thứ 131 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong nghiên cứu.

Anh bắt đầu chương trình tiêm chủng vào tháng 12 với vắc-xin của Pfizer-BioNTech, còn Nhật Bản bắt đầu sau đó khoảng 2 tháng. Điều gì là nguyên nhân của sự khác biệt này?

Pfizer nộp đơn xin cấp phép tại Nhật Bản vào tháng 12 năm ngoái sau khi thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành ở nhiều nước. Tuy nhiên, cần thực hiện một thử nghiệm khác trên 160 người Nhật nhằm xem xét dữ liệu đối với người Nhật. Do đó Nhật Bản phải chờ đến khi có kết quả của các thử nghiệm bổ sung.

Một quan chức thuộc bộ y tế Nhật Bản tham gia chương trình tiêm chủng cho biết việc tiêm vắc-xin sẽ diễn ra nhanh hơn nếu Nhật Bản bỏ qua bước thử nghiệm trong nước. Quan chức này nói thử nghiệm lâm sàng trong nước là một trong những yếu tố khiến chương trình tiêm chủng tại Nhật Bản bị chậm trễ.

Tuy nhiên, người này cũng lưu ý rằng tại thời điểm đó vẫn chưa nước nào có thông tin về các tác dụng phụ của vắc-xin. Nếu xuất hiện các trường hợp bị tác dụng phụ ở mức độ không lường trước được do cấp phép vắc-xin một cách nóng vội sẽ phá hỏng mọi thứ.

Theo quan chức này, thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản là kết quả sau các cuộc thảo luận tại Quốc hội. Việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng trong nước, song song với theo dõi tình hình ở các nước khác là một hành động đúng đắn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/5/2021).

Câu hỏi 238: Tại sao Nhật Bản chậm triển khai tiêm chủng? (3)

Trả lời:
Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm chủng vắc-xin vi-rút corona tại Nhật Bản.

Lý giải cho vấn đề này, một số chuyên gia viện dẫn việc thiếu hụt một cơ chế đồng nhất trên cả nước. Không giống với nhiều quốc gia khác, ở Nhật Bản, chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện hầu hết các công tác liên quan đến tiêm chủng, cũng như không có một cơ chế tập trung nào để theo dõi hồ sơ và thủ tục tiêm chủng của người dân.

Dựa theo hồ sơ đăng ký cư trú, chính quyền địa phương lập danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được tiêm vắc-xin, và gửi cho những người này phiếu tiêm chủng. Sau khi nhận được phiếu, người dân có thể đặt lịch tiêm qua điện thoại hoặc interet, rồi đến điểm tiêm và nộp phiếu để được tiêm vắc-xin.

Chúng tôi đã hỏi ý kiến chuyên gia là Giáo sư Saito Akihiko thuộc Đại học Niigata, từng làm công tác nghiên cứu tại nhiều viện nghiên cứu ở Mỹ và tham gia các dự án tiêm chủng tại đó. Theo giáo sư, vấn đề lớn nhất của Nhật Bản là chính phủ trung ương giao tất cả mọi việc cho chính quyền địa phương. Ông nói mặc dù Nhật Bản hiện đang trong tình trạng khẩn cấp, nhưng chính phủ lại triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 giống như cách từng làm, ví dụ với chương trình tiêm bổ sung vắc-xin ngừa bệnh sởi Đức. Theo ông, chính phủ trung ương cần đơn giản hóa thủ tục, chẳng hạn như bằng cách sử dụng hệ thống thẻ căn cước công dân quốc gia “My Number”, nhưng chính phủ không có sự chuẩn bị như vậy.

Giới quan sát cho biết theo dõi hồ sơ tiêm chủng bằng hệ thống điện tử cho phép một số nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Các chuyên gia kiến nghị rằng Nhật Bản cũng cần có một hệ thống tương tự, nhưng hiện chính phủ vẫn chưa có giải pháp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/5/2021).

Câu hỏi 237: Tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn (3)

Trả lời:
Từ thứ Hai (17/5), Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cho người từ 65 tuổi trở lên đặt hẹn để được tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn được mở tại Tokyo và Osaka vào ngày 24/5.

Điểm tại Tokyo sẽ phục vụ cư dân tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận, còn điểm tại Osaka sẽ tiêm cho cư dân tại Osaka và 2 tỉnh giáp ranh.

Sau đây là các điểm khác nhau trong quy trình đăng ký tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn của chính phủ và các chương trình tiêm chủng của chính quyền địa phương.

Các điểm tiêm chủng quy mô lớn do chính phủ thiết lập tại Tokyo và Osaka được vận hành bằng hệ thống độc lập và khác biệt hoàn toàn so với chương trình tiêm chủng của các chính quyền địa phương.

Điều này có nghĩa là những người đủ tiêu chuẩn tiêm chủng có thể tiêm tại các điểm do chính phủ thiết lập, hoặc thông qua chương trình tiêm chủng của địa phương. Người được tiêm sẽ có thể lựa chọn hệ thống tiêm chủng.

Tuy nhiên, những người đã được tiêm liều đầu tiên thông qua chương trình tiêm chủng của địa phương sẽ không được đăng ký tham gia tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn của chính phủ.

Hai hệ thống đặt hẹn sẽ không được kết nối. Vì vậy nếu người dân đã đặt hẹn tại cả 2 trang web của chính phủ và chính quyền địa phương thì cần phải hủy một trong hai lịch đặt hẹn.

Những người gặp khó khăn trong việc tự đặt hẹn được đề nghị hãy nhờ gia đình, người thân hoặc bạn bè hoàn tất thủ tục đăng ký, sử dụng mã số đăng ký trên phiếu tiêm chủng do chính quyền địa phương cấp.

Cơ quan hỗ trợ người tiêu dùng đang cảnh báo về các vụ lừa đảo liên quan đến việc tiêm vắc-xin.

Các trung tâm hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc đang nhận được một số báo cáo về các cuộc điện thoại khả nghi, yêu cầu cho biết thông tin cá nhân, trong đó có tình trạng tài chính. Người gọi cho biết họ đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ người dân đặt hẹn tiêm chủng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/5/2021).

Câu hỏi 236: Tiêm vắc-xin tại cơ sở tiêm chủng quy mô lớn (2)

Trả lời:
Từ thứ Hai (17/5), Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cho người từ 65 tuổi trở lên đặt hẹn để được tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn được mở tại Tokyo và Osaka vào ngày 24/5.

Điểm tại Tokyo sẽ phục vụ người dân sống tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận, còn điểm tại Osaka sẽ tiêm cho cư dân Osaka và 2 tỉnh giáp ranh.

Chúng tôi xin gửi thông tin về lịch trình đặt hẹn tiêm chủng.

Việc tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn sẽ diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 24/5 đến cuối tháng 8. Những người từ 65 tuổi trở lên sẽ đủ tiêu chuẩn để đặt hẹn. Sau đây là lịch trình đặt hẹn đến ngày 6/6.

Nhằm tránh tình trạng bị nghẽn mạng do số lượng người truy cập trang web quá đông, trong tuần đầu tiên kể từ ngày 17/5, chỉ có cư dân cao tuổi tại 23 quận của Tokyo, hoặc tại Thành phố Osaka, là có thể đặt lịch hẹn. Đối tượng có thể đặt hẹn sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn, và từ ngày 24/5 sẽ bao gồm người cao tuổi đang sống tại tất cả các khu vực của Tokyo và trên toàn tỉnh Osaka. Kể từ ngày 31/5, người cao tuổi sống tại 3 tỉnh lân cận của Tokyo là Saitama, Kanagawa và Chiba, cũng như 2 tỉnh giáp ranh với Osaka là Kyoto và Hyogo, cũng sẽ có thể đặt hẹn.

Đối với cả Tokyo và thành phố Osaka, toàn bộ số lượt tiêm chủng từ ngày 24/5 đến ngày 30/5 đều đã được hẹn trước.

Sau khoảng thời gian này, người cao tuổi sinh sống tại các khu vực trên nhưng không có giấy chứng nhận cư trú cũng sẽ có thể đặt hẹn. Ban tổ chức đang cân nhắc việc xác nhận cư trú bằng cách yêu cầu người dân xuất trình phiếu tiêm chủng và các thư tín có ghi địa chỉ.

Với mũi tiêm đầu tiên tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn của chính phủ, người dân sẽ chỉ có thể đặt hẹn qua mạng internet. Sau khi tiêm mũi thứ nhất, người dân sẽ được hẹn lịch tiêm mũi thứ hai ngay tại điểm tiêm chủng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/5/2021).

Câu hỏi 235: Tiêm vắc-xin tại cơ sở tiêm chủng quy mô lớn (1)

Trả lời:
Từ ngày 17/5, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu nhận đặt hẹn để được tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn. Những cơ sở này mở cửa tại Tokyo và Osaka vào ngày 24/5.

Điểm tại Tokyo để phục vụ người dân Tokyo và 3 tỉnh lân cận, còn điểm tại Osaka sẽ tiêm cho người dân Osaka và 2 tỉnh lân cận. Chúng tôi gửi đến các bạn những thông tin cần thiết để tiêm vắc-xin tại các cơ sở nói trên.

Trước hết, để đặt hẹn, mọi người cần có phiếu tiêm chủng do chính quyền địa phương nơi cư trú gửi đến. Mọi người chỉ có thể đặt hẹn qua internet bằng cách đăng nhập vào trang web đặt lịch, nhập thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, mã số trên phiếu tiêm chủng và các thông tin khác.

Từ tháng 4, một số địa phương đã bắt đầu tiêm vắc-xin cho người từ 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên, một số nơi khác vẫn ưu tiên cho người có nguy cơ cao gặp vấn đề về sức khỏe. Chẳng hạn, một số nơi hiện chỉ gửi phiếu tiêm chủng cho người từ 75 tuổi trở lên.

Tại các địa phương này, người dân trong độ tuổi từ 65 đến 74 vẫn chưa được đặt hẹn để tiêm tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn, mặc dù đáp ứng đầy đủ điều kiện. Nhân viên Bộ Phòng vệ phụ trách hoạt động tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn gửi lời xin lỗi đến những người chưa được tiêm, nhưng họ không thể nhận đặt hẹn nếu không có phiếu tiêm. Điều này là do chính phủ cần theo dõi hồ sơ tiêm chủng thông qua mã số trên phiếu.

Trong khi đó, chính phủ cảnh báo khả năng có trường hợp đặt hẹn nhiều lần, như tại phòng khám địa phương và cả tại điểm tiêm quy mô lớn. Giới chức cho biết hiện vẫn chưa có cách kiểm tra nhằm tránh việc đặt hẹn trùng. Giới chức kêu gọi người dân không đặt hẹn nhiều lần như vậy để tránh lãng phí nguồn vắc-xin quý giá.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/5/2021).

Câu hỏi 234: Tại sao Nhật Bản chậm triển khai tiêm chủng? (2)

Trả lời:
Cùng tìm hiểu về nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm chủng vắc-xin vi-rút corona tại Nhật Bản.

Nhiều chuyên gia cho rằng điều này là do cách chính phủ trung ương phân phối vắc-xin về cho chính quyền địa phương. Về cơ bản, chính phủ trung ương đã quyết định phân bổ vắc-xin đồng đều cho tất cả các địa phương trên cả nước. Đây dường như là cách công bằng để nhận được sự đồng tình của công chúng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ý tưởng này cũng có nhiều mặt hạn chế.

Giáo sư Nakayama Tetsuo của Đại học Kitasato cho biết do phân phối đồng đều, mỗi địa phương chỉ được nhận một lượng nhỏ vắc-xin. Các địa phương vẫn phải triển khai chương trình tiêm chủng với lượng nhỏ vắc-xin như vậy. Giáo sư Nakayama nói do đây là lần đầu tiên thực hiện tiêm chủng như vậy, nếu các địa phương không rõ khi nào sẽ nhận được vắc-xin và sẽ nhận được bao nhiêu liều sẽ khiến công tác chuẩn bị gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như việc đảm bảo đủ nhân viên y tế.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho biết nên ưu tiên cho các địa phương có nguy cơ cao, do tình hình lây nhiễm ở mỗi nơi là khác nhau. Theo các chuyên gia này, mặc dù điều này đi ngược lại với ý tưởng phân phối công bằng, nhưng chương trình tiêm chủng có thể được triển khai hiệu quả hơn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/5/2021).

Câu hỏi 233: Tại sao Nhật Bản chậm triển khai tiêm chủng? (1)

Trả lời:
Nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin vi-rút corona. Tại một số nước, khoảng một nửa dân số đã được tiêm vắc-xin. Trong khi đó tại Nhật Bản, số người đã được tiêm vắc-xin chỉ chiếm khoảng vài phần trăm. Trong loạt bài này, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm chủng tại Nhật Bản.

Thành phố Kyoto bắt đầu tiêm vắc-xin cho người cao tuổi từ ngày 11/5. Người dân được yêu cầu đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên thăm khám cho mình qua điện thoại. Tuy nhiên, điều này khiến các phòng khám bị quá tải các cuộc gọi đến. Nhiều người còn trực tiếp đến để đặt lịch tiêm. Thậm chí tại một phòng khám, trước giờ bắt đầu làm việc đã có khoảng 100 người xếp hàng chờ.

Vào tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản quyết định chính quyền mỗi địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc tiêm chủng cho cư dân tại địa phương đó, dựa theo khuôn khổ của các luật liên quan. Do đó, thời gian tiêm chủng và cách đặt lịch hẹn ở các địa phương là khác nhau với nhiều quy trình và cách thức đăng ký. Giới chức đang phải chật vật để tìm ra phương án tối ưu.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương gặp khó khăn do không có đủ số lượng bác sĩ và y tá cần thiết. Nhiều nơi chỉ trích chính phủ đã buộc các địa phương phải tự mình làm tất cả mọi việc.

Các địa phương cũng gặp khó khăn do thiếu thông tin về thời gian và số lượng vắc-xin sẽ được phân phối. Việc thiếu thông tin khiến giới chức không thể bắt đầu triển khai tiêm chủng.

Quan chức của 1 quận thuộc Tokyo nêu ra vấn đề mà nhiều địa phương khác cũng gặp phải. Người này cho biết nhìn sự lúng túng khi tiêm cho người cao tuổi, thật khó để hình dung làm sao để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho toàn dân. Theo quan chức trên, các địa phương cần có những biện pháp nhất định, chẳng hạn như phân bổ vắc-xin dựa theo lượng phiếu đăng kí cuối cùng, thay vì cơ chế ai đăng kí trước được tiêm trước. Tuy nhiên, quan chức trên cũng cho biết các quy trình cụ thể như vậy có xu hướng khiến việc triển khai tiểm chủng bị chậm lại, và tìm ra giải pháp cân bằng thích hợp là điều không dễ dàng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/5/2021).

Câu hỏi 232: Biến thể vi-rút corona được phát hiện tại Ấn Độ (2)

Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tính đến ngày 11/5, biến thể Ấn Độ đã được phát hiện tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.

WHO cho biết biến thể Ấn Độ có 3 loại đột biến chính là L452R, P681R và E484Q, hoặc chỉ có hai loại đầu tiên.

Nhiều nhà khoa học, trong đó có các nghiên cứu viên thuộc Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản cho biết một biến thể vi-rút corona có đột biến L452R được cho là có khả năng lây lan cao hơn 20% so với các chủng trước đây. Biến thể này đã lây lan chủ yếu tại bang California của Mỹ.

Tuy nhiên, theo họ thì hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể này thực sự có khả năng lây lan cao hơn so với các chủng khác hay không, và cần phải tiếp tục nghiên cứu.

Việc vi-rút corona chủng mới bao gồm một hoặc hai đột biến không hề hiếm gặp. Câu hỏi là liệu các đột biến này có ảnh hưởng đến khả năng lây lan của vi-rút hay không.

Ví dụ, biến thể vi-rút được phát hiện đầu tiên ở Anh và đang lây lan tại nhiều khu vực, trong đó có vùng Kansai của Nhật Bản, có ít nhất 5 đột biến trong protein gai.

Một trong số đó là đột biến N501Y, được cho là khiến cho vi-rút lây lan nhanh hơn và làm dấy lên lo ngại.

Các biến thể được phát hiện tại Nam Phi và Brazil cũng có nhiều đột biến, bao gồm đột biến N501Y và đột biến E484K làm suy giảm hệ miễn dịch.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/5/2021).

Câu hỏi 231: Biến thể vi-rút corona được phát hiện tại Ấn Độ (1)

Trả lời:
Tại buổi họp báo ngày 10/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết theo thông tin thì biến thể vi-rút corona được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ có khả năng lây lan cao. WHO thay đổi phân loại biến thể trên từ “biến thể cần quan tâm” sang “biến thể đáng lo ngại”, cũng như sẽ đẩy mạnh việc theo dõi. Chúng tôi xin giới thiệu về loại biến thể này.

Kể từ tháng 4, Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm vi-rút corona tăng mạnh. Nguyên nhân là do biến thể nói trên, cũng như việc người dân tụ tập đông người tham dự các lễ hội tôn giáo và mít-tinh chính trị. Ấn Độ cũng thiếu các biện pháp phòng dịch hiệu quả như giãn cách xã hội.

WHO cho biết biến thể Ấn Độ có 3 loại đột biến chính là L452R, P681R và E484Q, hoặc chỉ có hai loại đầu tiên.

Các loại đột biến trên đều bao gồm một số thay đổi đối với cấu trúc a-xít amin nằm trong các protein gai. Các đột biến này khiến vi-rút có khả năng lây lan cao hơn và làm suy giảm hệ miễn dịch. Hiện đang có thêm nhiều nghiên cứu về loại biến thể này.

Hôm 7/5, giới chức y tế công cộng của Anh cho biết tuy biến thể Ấn Độ dường như có khả năng lây lan ngang với biến thể được phát hiện tại Anh, nhưng họ không tìm thấy bằng chứng cho thấy biến thể Ấn Độ khiến có thêm nhiều ca chuyển biến nặng hơn, hoặc có tác động đến hiệu quả của vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/5/2021).

Câu hỏi 230: So sánh vắc-xin của Pfizer và Moderna (5)

Trả lời:
Trong cuộc họp hôm 30/4 của ban cố vấn về các tác dụng phụ của vắc-xin, nhóm nghiên cứu của bộ y tế và lao động Nhật Bản đã báo cáo dữ liệu về vắc-xin Pfizer.

Theo báo cáo, 23,2% những người được tiêm mũi đầu tiên cảm thấy mệt mỏi, còn đối với những người đã được tiêm 2 mũi, con số này là 69,6%. Có 21,2% bị đau đầu sau khi tiêm mũi thứ nhất, còn con số này là 53,7% sau khi tiêm mũi thứ 2. Có 3,3% trong số những người tiêm mũi đầu tiên báo cáo bị sốt từ 37,5 độ C, con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 38,4%.

Đối với vắc-xin Moderna, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với người trong độ tuổi từ 18 đến 64. Theo đó, trong số những người được tiêm vắc-xin, 38,5% cảm thấy mệt mỏi sau khi tiêm mũi thứ nhất, còn 67,6% cảm thấy mệt sau khi tiêm mũi thứ 2. 35,4% bị đau đầu sau khi tiêm mũi thứ nhất, còn 62,8% bị đau đầu sau khi tiêm mũi thứ 2. Có 0,9% báo cáo bị sốt sau khi tiêm mũi thứ nhất, còn con số này là 17,4% sau khi tiêm mũi thứ 2.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/5/2021).

Câu hỏi 229: So sánh vắc-xin của Pfizer và Moderna (4)

Trả lời:
Cả 2 loại vắc-xin đều cho thấy hiệu quả cao trong việc chống lại biến thể được phát hiện lần đầu tại Anh, hiện đang lây lan nhanh chóng tại Nhật Bản cũng như nhiều nước khác. Theo một tài liệu do Pfizer-BioNTech và các bên khác công bố, kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vắc-xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả tạo kháng thể trung hòa đối với biến thể phát hiện tại Anh và Brazil tương đương với các chủng vi-rút trước đó. Nghiên cứu cho biết vắc-xin cũng đạt hiệu quả cần thiết trong việc chống lại biến thể Nam Phi, mặc dù hiệu quả thấp hơn.

Cũng theo Pfizer, vắc-xin được xác nhận có hiệu quả cao tại Israel, nơi biến thể Anh lây lan rộng. Công ty cũng cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng tại Nam Phi cho thấy vắc-xin có đủ hiệu quả cần thiết trong việc ngăn ngừa biến thể được phát hiện lần đầu tại nước này.

Trong khi đó, theo một tài liệu do Moderna và các bên khác công bố, kết quả thí nghiệm cho thấy vắc-xin của hãng có hiệu quả chống lại biến thể Anh tương đương với hiệu quả ngăn ngừa các chủng phát hiện trước đó. Tuy nhiên, đối với biến thể Nam Phi, lượng kháng thể trung hòa do vắc-xin tạo ra chỉ bằng 1/6 so với các biến thể trước đó, còn đối với biến thể Brazil, lượng kháng thể trung hòa chỉ bằng 1/3. Tuy nhiên, Moderna cho biết mức độ như vậy vẫn đủ để chống lại các biến thể nói trên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/5/2021).

Câu hỏi 228: So sánh vắc-xin của Pfizer và Moderna (3)

Trả lời:
Vắc-xin của cả 2 hãng dược phẩm Pfizer và Moderna đều chứng tỏ có hiệu quả cao trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, thể hiện qua số liệu thực tế từ những người đã tiêm vắc-xin.

Một tài liệu được soạn thảo dựa theo kết quả thử nghiệm lâm sàng cho biết vắc-xin của Pfizer đạt hiệu quả 95% trong việc giảm nguy cơ xuất hiện các triệu chứng. Theo nghiên cứu về kết quả chương trình tiêm chủng tại Israel, một trong những nước triển khai chương trình tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới, vắc-xin của Pfizer đạt hiệu quả 94% trong việc giúp giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, 92% trong việc ngăn xuất hiện triệu chứng nặng. Vắc-xin cũng có hiệu quả 92% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, bao gồm cả các trường hợp lây nhiễm không triệu chứng.

Trong khi đó, theo thông tin từ một nghiên cứu sử dụng kết quả thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin Moderna có hiệu quả 94,1% trong việc ngăn xuất hiện triệu chứng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/5/2021).

Câu hỏi 227: So sánh vắc-xin của Pfizer và Moderna (2)

Trả lời:
Vắc-xin của công ty dược khổng lồ Mỹ Pfizer và của Moderna được bảo quản như thế nào?

Cả 2 loại vắc-xin trên đều có thành phần chính là vật chất mang thông tin di truyền, gọi là mRNA. Trong vắc-xin, mRNA được bọc bằng một lớp chất béo mỏng, nhưng chúng thường không ổn định và dễ bị phá hủy. Do đó, các loại vắc-xin này phải được bảo quản theo quy định nghiêm ngặt.

Ban đầu, Pfizer nói rằng vắc-xin của hãng cần được bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ từ âm 90 độ C đến âm 60 độ C. Tuy nhiên, Bộ Y tế Nhật Bản đã nới lỏng quy định trên, dựa theo thông tin do hãng cung cấp. Theo đó, vắc-xin có thể được giữ ở nhiệt độ từ âm 25 độ C đến âm 15 độ C trong vòng 14 ngày. Sau khi rã đông để chuẩn bị tiêm, vắc-xin phải được cất trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 8 độ C, và phải được dùng trong vòng 5 ngày.

Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm Soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC), vắc-xin của hãng Moderna cần được bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ trong khoảng từ âm 50 độ C đến âm 15 độ C. Tại các cơ sở y tế, vắc-xin có thể được giữ trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong thời gian 30 ngày. Trước khi tiêm, vắc-xin cần được rã đông để đưa về nhiệt độ phòng. Có thể bảo quản các lọ vắc-xin chưa sử dụng ở nhiệt độ phòng, từ 8 đến 25 độ C, trong vòng 24 giờ trước khi tiêm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/5/2021).

Câu hỏi 226: So sánh vắc-xin của Pfizer và Moderna (1)

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản ký hợp đồng mua vắc-xin của các công ty dược Pfizer và Moderna của Mỹ, cũng như công ty AstraZeneca của Anh.

Trong đó, vắc-xin của các công ty Pfizer-BioNTech và vắc-xin của Moderna là vắc-xin chứa mRNA, một loại vật chất di truyền. Do đó, chúng được gọi là vắc-xin “messengerRNA”, hoặc ngắn gọn là “mRNA”.

Chúng ta cùng tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt giữa 2 loại vắc-xin trên, dựa theo thông tin do Bộ Y tế Nhật Bản và Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch Bệnh của Mỹ (CDC) cung cấp, cũng như thông tin từ các công ty dược phẩm.

Cả 2 loại vắc-xin nói trên đều là vắc-xin tiêm bắp, tức là tiêm vào vùng cơ bên trong lớp mỡ dưới da. Mũi kim sẽ được tiêm vuông góc với cánh tay ở vùng bắp tay gần vai.

Tại Nhật Bản, các loại vắc-xin, chẳng hạn như vắc-xin cúm thông thường, thường được tiêm dưới da, hay phần giữa lớp da và cơ. Tuy nhiên, tiêm bắp được cho là giúp vắc-xin được hấp thu nhanh hơn so với tiêm dưới da.

Vắc-xin của hãng Pfizer gồm 2 liều. Liều thứ hai thường được tiêm sau liều thứ nhất 3 tuần.

Vắc-xin của hãng Moderna cũng gồm 2 liều, nhưng liều thứ hai thường được tiêm sau liều thứ nhất 4 tuần.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/5/2021).

Câu hỏi 225: Những điều cần lưu ý khi ra ngoài trong tình trạng khẩn cấp

Trả lời:
Tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng tại Tokyo và 3 địa phương khác. Chính phủ yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết. Tuy nhiên, ở nhà cả ngày lại không tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Sau đây là ý kiến của chuyên gia về những điều có thể thực hiện.

Trong buổi họp báo ngày 23/4, người đứng đầu ban cố vấn của chính phủ, ông Omi Shigeru kêu gọi người dân ở các địa phương đang trong tình trạng khẩn cấp hạn chế đi ra ngoài nếu không thật sự cần thiết nhằm giảm thiểu tiếp xúc có thể có giữa người với người.

Tuy nhiên, ông cũng đề xuất một số hoạt động ngoài trời có ít nguy cơ lây nhiễm mà chúng ta có thể thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong số này có các môn thể thao cá nhân như chạy bộ hay quần vợt. Ngoài ta chúng ta có thể ra ngoài đi bộ hay đi mua sắm, nhưng cần đảm bảo tránh giờ cao điểm và những nơi đông người.

Giáo sư Nakashima Kazutoshi thuộc Đại học Daito Bunka là mọt chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm. Ông cho biết các hoạt động ngoài trời ít nguy cơ lây nhiễm là rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Ông nói không cần thiết phải ngưng hoàn toàn việc đi ra ngoài, đồng thời kêu gọi người dân ở các tỉnh thành đang trong tình trạng khẩn cấp có thể đi bộ hoặc chạy bộ xung quanh nơi ở. Ông cũng khuyến khích chơi các môn thể thao như quần vợt, nhưng với điều kiện là không tụ tập đông người.

Ông Nakashima cũng cho biết khi tránh gặp người khác để giảm nguy cơ lây nhiễm vi-rút corona, mọi người thường nói chuyện ít đi. Ông cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta, đồng thời kêu gọi mọi người nên nói chuyện nhiều hơn với người thân ở xa, chẳng hạn bằng cách gọi điện, ngay cả khi không có chuyện gì đặc biệt.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/4/2021).

Câu hỏi 224: Số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản vượt 10.000 ca - Gần 80% số ca tử vong là từ tháng 12 (2)

Trả lời:
Ông Takeda Shinhiro là người đứng đầu ECMOnet, chuyên nghiên cứu về các biện pháp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng. Ông cho biết thật không may là khi số ca nhiễm tăng lên thì số ca tử vong cũng tăng theo. Đợt bùng phát lây nhiễm trong làn sóng thứ 3 ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến so với các đợt trước, và theo đó số ca tử vong cũng tăng. Do có một khoảng thời gian nhất định kể từ khi bệnh trở nặng đến khi tử vong, chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiên nay sau một thời gian nữa.

Vốn là một bác sĩ, ông Takeda cho biết việc điều trị bằng máy thở và máy tim phổi nhân tạo ECMO ở Nhật Bản có chất lượng tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết nằm ở nhân lực y tế có thể ứng phó với tình hình. Ông cho biết dữ liệu tại nhiều quốc gia cho thấy rõ ràng rằng tỉ lệ người bệnh được cứu sống giảm đi khi hệ thống y tế bị quá tải. Các biến thể lây lan dường như là nguyên nhân của việc gia tăng số bệnh nhân tương đối trẻ, trong độ tuổi từ 40-50 tuổi, xuất hiện các triệu chứng nặng. Ngày càng có nhiều lo ngại về việc số ca tử vong tăng lên đặc biệt là tại khu vực Kansai ở miền Tây Nhật Bản, nơi các cơ sở y tế đang bị quá tải. Do đó, điều quan trọng nhất là cần giảm số ca nhiễm nhằm đảm bảo chất lượng điều trị theo tiêu chuẩn y tế của Nhật Bản.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/4/2021).

Câu hỏi 223: Số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản vượt 10.000 ca - Gần 80% số ca tử vong là từ tháng 12 (1)

Trả lời:
Số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt quá 10.000 ca vào ngày 26/4, với khoảng 80% trong số này là kể từ tháng 12 năm ngoái.

Nhật Bản ghi nhận ca tử vong đầu tiên do vi-rút corona là một phụ nữ trong độ tuổi 80 ở tỉnh Kanagawa vào ngày 13/2 năm ngoái. Số ca tử vong vượt 100 ca vào ngày 8/4, vượt 500 ca vào ngày 2/5 và vượt 1.000 ca vào ngày 28/7. Tính đến ngày 24/11 năm ngoái, tổng số ca tử vong tại Nhật Bản là hơn 2.000 ca.

Kể từ sau thời điểm này, mỗi ngày có hàng chục ca tử vong được ghi nhận. Số ca tử vong tính theo ngày vượt 100 ca lần đầu tiên vào ngày 19/1. Tổng số ca tử vong lên tới 5.000 ca vào hôm 23/1. Như vậy, số ca tử vong chạm mốc 5.000 ca sau gần 1 năm kể từ khi Nhật Bản ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên, nhưng chỉ trong 3 tháng, con số này đã tăng gấp đôi.

Khoảng 80% số ca tử vong, 7.825 ca, là trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm ngoái đến ngày 25/4. Số ca tử vong tăng nhanh khi số ca nhiễm tăng mạnh trong làn sóng lây nhiễm thứ 3.

Viện Nghiên cứu quốc gia về Dân số và An sinh xã hội Nhật Bản tổng hợp dữ liệu về nhóm tuổi các ca tử vong dựa trên số liệu do chính phủ cung cấp, tính đến ngày 19/4. Theo đó, không ghi nhận trường hợp tử vong nào đối với độ tuổi từ 19 trở xuống. Trong số các ca tử vong, người trong độ tuổi 20 chiếm 0,04%, độ tuổi 30 chiếm 0,17%, độ tuổi 40 chiếm 0,72%, độ tuổi 50 chiếm 2,3% và trong độ tuổi 60 chiếm 7,33%. Dữ liệu cho thấy những người trong độ tuổi 70 chiếm 23,29% số ca tử vong, còn người trong độ tuổi 80 chiếm 43,1% và độ tuổi 90 chiếm 23,07%. Điều này có nghĩa là khoảng 2/3 số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản là những người trong độ tuổi từ 80 trở lên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/4/2021).

Câu hỏi 222: Tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần có hiệu quả như thế nào?

Trả lời:
Bắt đầu từ Chủ Nhật ngày 25/4, tình trạng khẩn cấp được áp dụng tại Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto. Đây là lần thứ 3 chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong 2 lần trước đó, tình trạng khẩn cấp kéo dài trong khoảng từ 7 đến 10 tuần. Tuy nhiên, lần này tình trạng khẩn cấp được áp dụng trong 2 tuần cho đến ngày 5/11. Sau đây là ý kiến chuyên gia về vấn đề này.

Ông Omi Shigeru là người đứng đầu ban cố vấn của chính phủ Nhật Bản về vi-rút corona. Trong một chương trình của NHK phát sóng hôm 25/4, ông cho biết mục đích của việc áp dụng tình trạng khẩn cấp lần này là nhằm giúp giảm áp lực cho hệ thống y tế. Ông nói nhân viên y tế và chính quyền địa phương ở Osaka đang cố gắng hết sức, nhưng các nỗ lực của địa phương cũng cần có sự hỗ trợ của cả nước.

Ông Omi cho biết các nỗ lực đang được tiến hành nhằm nâng số giường trống tại bệnh viện. Tuy nhiên, số giường bệnh là có hạn, do đó cần phải giảm số ca nhiễm.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, ông Nakagawa Toshio cho biết, nói chung, tình trạng khẩn cấp nên được ban bố càng sớm càng tốt, và nên được dỡ bỏ từ từ và thận trọng.

Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản, ông Nishimura Yasutoshi là người phụ trách ứng phó đại dịch vi-rút corona. Phát biểu với báo giới vào hôm 25/4, ông cho biết dự kiến sẽ đánh giá tình hình lây nhiễm vài ngày trước khi tình trạng khẩn cấp kết thúc vào ngày 11/5 theo kế hoạch. Ông nói ban cố vấn của chính phủ lưu ý rằng nếu chúng ta thực hiện các biện pháp một cách triệt để thì sẽ có được kế quả như mong đợi.

Theo ông Nishimura, để giảm sự lây lan của các biến thể thì cần hạn chế người dân di chuyển, thậm chí là nghiêm ngặt hơn so với khi tình trạng khẩn cấp được áp dụng vào mùa xuân năm ngoái. Ông nhắc lại yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/4/2021).

Câu hỏi 221: Hai lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo

Trả lời:
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp đầu tiên được áp dụng tại Tokyo từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2020. Trong khoảng thời gian này, nhiều cơ sở có khả năng dẫn đến tụ tập đông người đã được yêu cầu đóng cửa, trong đó có các quán karaoke, các địa điểm nhạc sống, phòng tập thể thao, công viên giải trí và rạp chiếu phim.

Các cơ sở thương mại quy mô lớn, như trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa, được yêu cầu đóng cửa một phần, trừ những khu vực bán đồ nhu yếu phẩm. Các trường học cũng được yêu cầu đóng cửa, còn các đơn vị tổ chức sự kiện phải hủy hoặc hoãn sự kiện.

Các cửa hàng ăn uống được yêu cầu hợp tác trong việc đóng cửa sớm vào 8 giờ tối và ngừng phục vụ đồ uống có cồn sau 7 giờ.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần 2 có hiệu lực từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021 và không bao gồm yêu cầu đóng cửa với các hoạt động kinh doanh. Các địa điểm như cửa hàng ăn uống, quán bar và quán karaoke được yêu cầu đóng cửa trước 8 giờ tối và ngừng phục vụ đồ uống có cồn sau 7 giờ. Các sự kiện được phép tổ chức, nhưng ban tổ chức phải hạn chế số người tham dự xuống một nửa so với sức chứa của địa điểm tổ chức và tối đa là 5.000 người. Các cơ sở vui chơi giải trí được yêu cầu đóng cửa trước 8 giờ tối.

Bên cạnh các yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh, trong thời gian tình trạng khẩn cấp lần 1, giới chức cũng mạnh mẽ kêu gọi người dân Tokyo ở nhà. Trong thời gian tình trạng khẩn cấp lần 2, người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, đặc biệt là sau 8 giờ tối. Trong cả 2 khoảng thời gian, về cơ bản, giới chức khuyến khích người dân ở nhà nhiều nhất có thể, và chỉ ra ngoài trong trường hợp thiết yếu như đến bệnh viện hay đi mua đồ ăn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/4/2021).

Câu hỏi 220: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 49: Quá trình bào chế và thử nghiệm lâm sàng vắc-xin (3)

Trả lời:
Ngoài các công ty trong nước thì nhiều công ty dược phẩm nước ngoài bào chế vắc-xin cũng đang thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản.

Trong số 3 công ty dược phẩm của Mỹ và châu Âu được Chính phủ Nhật Bản kí thỏa thuận mua vắc-xin thì công ty Pfizer của Mỹ đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng tiến hành ở nước ngoài, cũng như kết quả thử nghiệm quy mô nhỏ ở Nhật Bản. Tháng 2 vừa qua, công ty đã được cấp giấy phép cho vắc-xin mRNA, hiện đang được sử dụng.

Cũng trong tháng 2, AstraZeneca, công ty dược phẩm hàng đầu của Anh, đã nộp đơn xin xét duyệt vắc-xin véc-tơ vi-rút do họ bào chế. Loại vắc-xin này sẽ được đưa vào sử dụng sau khi đã được kiểm tra và cấp giấy phép.

Công ty dược phẩm Takeda của Nhật Bản đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản đối với vắc-xin mRNA do công ty Moderna của Mỹ bào chế. Công ty đã đệ đơn xin xét duyệt loại vắc-xin này vào tháng 3.

Bên cạnh đó, công ty Takeda cũng đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin tái tổ hợp protein do công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ bào chế.

Hiện vắc-xin véc-tơ vi-rút do công ty Johnson & Johnson của Mỹ bào chế cũng đang được thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/4/2021).

Câu hỏi 219: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 48: Quá trình bào chế và thử nghiệm lâm sàng vắc-xin (2)

Trả lời:
AnGes, một công ty khởi nghiệp về sinh học tại tỉnh Osaka, hiện đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với khoảng 500 người. Thử nghiệm sử dụng vắc-xin DNA, một loại vắc-xin gen, do công ty bào chế. DNA được tổng hợp sẽ giúp cơ thể sản sinh kháng thể chống lại vi-rút corona.

Shionogi, một công ty dược phẩm có trụ sở tại Osaka, đang tiến hành thử nghiệm đối với 214 người, sử dụng loại mà công ty này gọi là vắc-xin tái tổ hợp protein.

Vào cuối tháng 3, công ty dược phẩm Daiichi Sankyo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin mRNA đối với 152 người. Công ty sản xuất vắc-xin KM Biologics, có trụ sở tại tỉnh Kumamoto, cũng bắt đầu thử nghiệm vắc-xin bất hoạt với 210 người.

Bên cạnh đó, ID Pharma, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sinh học, cũng đang bào chế một loại vắc-xin véc-tơ vi-rút và đặt mục tiêu đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Tuy nhiên, so với các nước phương Tây thì số bệnh nhân COVID-19 tại Nhật Bản vẫn tương đối thấp, nên những người tham gia thử nghiệm lâm sàng ít có khả năng bị nhiễm vi-rút. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng sẽ rất khó để xác nhận hiệu quả của vắc-xin.

Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế (PMDA) là cơ quan kiểm soát dược phẩm tại Nhật Bản. Theo cơ quan này sau khi tiến hành thử nghiệm bước đầu đối với một nhóm nhỏ tại Nhật Bản, các công ty sản xuất vắc-xin có thể tiến hành thử nghiệm quy mô lớn tại nước ngoài.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/4/2021).

Câu hỏi 218: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 47: Quá trình bào chế và thử nghiệm lâm sàng vắc-xin (1)

Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tính đến ngày 9/4, trên thế giới có 87 thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 đang được tiến hành, và 186 dự án bào chế vắc-xin đang trong giai đoạn tiền thử nghiệm.

Trong số 87 cuộc thử nghiệm đang được tiến hành thì có 28 cuộc sử dụng vắc-xin tái tổ hợp protein. Các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành bào chế nhân tạo một phần protein của vi-rút corona thông qua tái tổ hợp gen, sau đó sẽ tiêm cho bệnh nhân để kích thích hình thành kháng thể.

Có 19 thử nghiệm sử dụng vắc-xin véc-tơ. Loại vắc-xin này được bào chế bằng cách đưa một phần gen của vi-rút corona vào một vi-rút không có hại bằng kỹ thuật di truyền.

12 thử nghiệm sử dụng vắc-xin bất hoạt. Đây là loại vắc-xin được bào chế bằng các vi-rút corona đã qua xử lý và khử độc.

Các thử nghiệm khác sử dụng vắc-xin bào chế thông qua tổng hợp nhân tạo mẫu gen của vi-rút corona. Có 12 thử nghiệm sử dụng vắc-xin RNA và 10 thử nghiệm sử dụng vắc-xin DNA.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/4/2021).

Câu hỏi 217: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 46: Các điểm cần lưu ý khi tiêm vắc-xin (3)

Trả lời:
Ông Kutsuna Satoshi là chuyên gia về điều trị bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khoẻ Toàn cầu và là người đang điều trị cho các ca nhiễm vi-rút corona. Theo ông Kutsuna thì sau khi tiêm vắc-xin, người dân có thể bị một số tác dụng phụ như cảm thấy rất mệt mỏi. Ông khuyến cáo mọi người để an toàn thì nên nghỉ một ngày sau khi tiêm vắc-xin. Ông cũng cho biết vào ngày tiêm vắc-xin thì có thể tắm, nhưng nên hạn chế uống đồ uống có cồn hoặc vận động mạnh.

Vắc-xin COVID-19 được cho là thường gây tác dụng phụ hơn so với các loại vắc-xin khác, ví dụ như vắc-xin cúm. Tuy nhiên, vắc-xin COVID-19 giúp chúng ta không có triệu chứng hay chuyển biến nặng. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy vắc-xin có thể có hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể khỏi bị lây nhiễm vi-rút. Ông Kutsuna nhấn mạnh rằng việc tiêm vắc-xin là cần thiết và cho biết các vắc-xin được kỳ vọng sẽ giúp những người có bệnh lý nền không bị nhiễm vi-rút từ người thân. Theo ông thì rõ ràng là lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nhiều so với nguy cơ. Ông kêu gọi mọi người cân nhắc tiêm vắc-xin không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn của những người xung quanh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/4/2021).

Câu hỏi 216: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 45: Các điểm cần lưu ý khi tiêm vắc-xin (2)

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản cho biết người dân cần mang theo phiếu tiêm chủng do chính quyền địa phương cấp cùng với giấy tờ tùy thân như bằng lái xe hoặc thẻ bảo hiểm y tế. Bộ cũng kêu gọi mọi người mặc quần áo thoải mái để dễ lộ phần vai, là vị trí sẽ được tiêm chủng.

Họ cũng đề nghị người dân ở lại điểm tiêm vắc-xin sau khi tiêm ít nhất là 15 phút. Những người trong quá khứ từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, sốc phản vệ hoặc bị ngất được yêu cầu ở lại điểm tiêm ít nhất là 30 phút.

Người dân nên thông báo ngay lập tức cho bác sĩ nếu cảm thấy có gì bất thường.

Bộ y tế cũng kêu gọi người dân sau khi tiêm tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, rửa tay kĩ càng và tránh những địa điểm có 3 yếu tố là đông người, không gian kín và tiếp xúc gần.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/4/2021).

Câu hỏi 215: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 44: Các điểm cần lưu ý khi tiêm vắc-xin (1)

Trả lời:
Hiện Nhật Bản đã bắt đầu tiêm vắc-xin COVID-19 cho người cao tuổi. Tuy nhiên, vẫn có một số người cần chăm sóc đặc biệt, còn một số khác thì không thể tiêm vắc-xin. Người dân cũng cần tuân thủ một số bước trước và sau khi tiêm vắc-xin.

Bộ y tế Nhật Bản cho biết những người thuộc các nhóm sau cần phải đặc biệt cẩn thận khi tiêm vắc-xin: Những người có chứng rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông máu; những người đang được điều trị các bệnh liên quan đến tim, máu, thận, gan hoặc các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Những người có triệu chứng co giật, hoặc bị dị ứng thuốc và thực phẩm cũng cần phải cẩn thận khi tiêm vắc-xin.

Thêm vào đó, bộ y tế cũng khuyến cáo những người thuộc các nhóm sau không được tiêm vắc-xin: những người có triệu chứng sốt từ 37,5 độ C trở lên và những người đang được điều trị các chứng bệnh nặng, hoặc từng bị hội chứng không dung nạp được chất polyethylene glycol.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/4/2021).

Câu hỏi 214: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 43: Các tác dụng phụ có thể có ở người cao tuổi

Trả lời:
Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy nhóm người cao tuổi ít có khả năng bị các tác dụng phụ như sốt so với các nhóm tuổi khác.

Một nhóm nghiên cứu thuộc bộ y tế đã tiến hành khảo sát đối với khoảng 19.000 nhân viên y tế được tiêm vắc-xin của Pfizer từ tháng 2.

Kết quả khảo sát cho thấy sau khi tiêm liều đầu tiên, có 25,2% số người trong độ tuổi 20 cảm thấy mệt mỏi, trong khi tỉ lệ này ở nhóm từ 65 tuổi trở lên là 12,4%. Có 23,3% người trong độ tuổi 20 bị đau đầu so với 11,9% ở nhóm người cao tuổi. Có 5,7% nhóm người trẻ bị sốt, còn tỉ lệ này ở nhóm người cao tuổi chỉ là 0,2%.

Trong số 16.000 người đã được tiêm 2 liều vắc-xin, thì có 76,8% nhóm người trong độ tuổi 20 cảm thấy mệt mỏi, so với 38% nhóm người từ 65 tuổi trở lên. Có 51% nhóm người trong độ tuổi 20 bị sốt, còn tỉ lệ này ở nhóm người cao tuổi là 9,4%. Có 62,7% nhóm người trong độ tuổi 20 bị đau đầu, trong khi tỉ lệ này ở nhóm người cao tuổi là 20,5%. Nghiên cứu cũng cho thấy tác dụng phụ thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới.

Giáo sư Ito Suminobu thuộc Khoa Y Đại học Juntendo là người đứng đầu nhóm nghiên cứu. Ông cho biết mặc dù nhóm chưa xác định được nguyên nhân vì sao những người cao tuổi ít xuất hiện tác dụng phụ hơn, nhưng ông phỏng đoán rằng một trong những lý do là mức độ miễn dịch. Theo ông Ito thì những người được tiêm vắc-xin ở tất cả các nhóm tuổi đều chịu tác dụng phụ ở mức độ nhất định. Giáo sư khuyên mọi người nên giữ bình tĩnh và có các biện pháp cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/4/2021).

Câu hỏi 213: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 42: Sau khi tiêm bao lâu thì vắc-xin có hiệu quả? (3)

Trả lời:
Giáo sư Nakayama Tetsuo, chuyên gia nghiên cứu vi-rút thuộc Đại học Kitasato, cho biết các vắc-xin mRNA, trong đó có loại vắc-xin do Pfizer và BioNTech bào chế, sẽ kích thích tế bào sản sinh protein. Sau một khoảng thời gian nhất định, loại protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Theo giáo sư Nakayama, người ta cho rằng hệ miễn dịch sẽ cần ít nhất từ 10 đến 14 ngày sau khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên để bắt đầu phản ứng. Trong khoảng thời gian trên sẽ không có phản ứng miễn dịch, nên cơ thể hầu như không phòng ngừa được lây nhiễm. Vắc-xin sẽ dần có hiệu quả. Trong vòng 1 tuần sau khi được tiêm liều thứ 2, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể trung hòa nhằm tạo miễn dịch mạnh phòng ngừa lây nhiễm và ngăn các triệu chứng nặng.

Tuy nhiên, Giáo sư Nakayama cũng cho biết kể cả khi đã tiêm 2 liều vắc-xin thì cơ thể cũng không thể ngừa lây nhiễm 100%. Ông cảnh báo người dân không nên ra ngoài thường xuyên và kêu gọi mọi người tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm kể cả sau khi đã được tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/4/2021).

Câu hỏi 212: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 41: Sau khi tiêm bao lâu thì vắc-xin có hiệu quả? (2)

Trả lời:
Vắc-xin nói chung, bao gồm cả vắc-xin COVID-19, đều có hiệu quả trong việc kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể người được tiêm. Tuy nhiên, cần một khoảng thời gian nhất định sau khi tiêm để vắc-xin có hiệu quả.

Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 được tiến hành trong năm 2020.

Họ chia những người tham gia thử nghiệm thành 2 nhóm, một nhóm được dùng giả dược, nhóm còn lại được tiêm vắc-xin. Sau đó, họ tiến hành phân tích số ca lây nhiễm vi-rút của hai nhóm để tìm điểm khác biệt.

Kết quả cho thấy trong một khoảng thời gian sau khi được tiêm liều vắc-xin thứ nhất, số ca nhiễm mới ở hai nhóm là tương đương. Tuy nhiên khoảng 12 ngày sau, số ca nhiễm mới trong nhóm dùng giả dược tiếp tục tăng, trong khi số ca nhiễm mới trong nhóm được tiêm vắc-xin chững lại và giảm.

Thử nghiệm trên cũng cho thấy trong giai đoạn giữa hai lần tiêm, vắc-xin có hiệu quả 52,4%. Trong vòng 7 ngày sau khi tiêm lần 2 thì vắc-xin có hiệu quả 94,8%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/4/2021).

Câu hỏi 211: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 40: Sau khi tiêm bao lâu thì vắc-xin có hiệu quả?

Trả lời:
Nhóm nghiên cứu của bộ y tế Nhật Bản nhận được báo cáo từ một cơ sở y tế cho biết một nhân viên y tế trong độ tuổi 20 bị nhiễm vi-rút sau khi được tiêm vắc-xin của Pfizer vào cuối tháng 2/2021.

Báo cáo được công bố 6 ngày sau khi nhân viên nói trên tiêm liều vắc-xin thứ nhất. Theo giới chức, nhiều khả năng là cô nhiễm vi-rút sau khi tiêm vắc-xin. Hiện cô đã bình phục và xuất viện.

Theo nhóm nghiên cứu, lượng kháng thể sẽ không tăng lên ngay lập tức sau khi tiêm vắc-xin, mà sẽ mất khoảng 14 ngày để đạt được mức độ miễn dịch nhất định sau khi tiêm mũi thứ nhất. Do đó, nhóm kêu gọi mọi người cần tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm ngay cả sau khi tiêm.

Trong tháng 3, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của Mỹ cho biết những người đã được tiêm vắc-xin vẫn có nguy cơ nhiễm vi-rút ở mức thấp, do đó vẫn cần đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/4/2021).

Câu hỏi 210: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 39: Tiêm chủng đối với người bị dị ứng phấn hoa hoặc dị ứng thực phẩm

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản đã chuyển tới chính quyền các địa phương hướng dẫn kiểm tra trước khi tiêm chủng. Theo đó, những người bị viêm mũi dị ứng như dị ứng phấn hoa, viêm da dị ứng, hen phế quản hay dị ứng thực phẩm vẫn có thể được tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, bộ kêu gọi thận trọng đối với các trường hợp có phản ứng dị ứng trong khoảng thời gian ngắn sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Theo hướng dẫn, những người này cần được theo dõi trong 30 phút sau khi tiêm vắc-xin.

Hướng dẫn cũng kêu gọi các bác sĩ xác nhận xem liệu người đi tiêm vắc-xin có tiền sử bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với thuốc và thực phẩm hay không. Nếu một người từng có phản ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin thì không nên tiêm vắc-xin. Chẳng hạn, có nhiều người không biết mình bị dị ứng với polyethylene glycol, một thành phần trong vắc-xin do Pfizer bào chế. Chất này thường được dùng trong nhiều sản phẩm như thuốc, chất tẩy rửa và mỹ phẩm. Các bác sỹ được khuyến cáo cần cẩn thận kiểm tra xem liệu người đi tiêm vắc-xin có bị dị ứng với chất này hay không.

Đối với chính quyền các địa phương, bộ y tế lưu ý rằng những người bị sốc phản vệ sau khi tiêm mũi thứ nhất thì không nên tiêm mũi thứ hai.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/4/2021).

Câu hỏi 209: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 38: Hiệu quả của vắc-xin Sinopharm

Trả lời:
Hãng dược phẩm quốc gia Sinopharm của Trung Quốc đang phát triển các loại vắc-xin bất hoạt, tức vi-rút đã được làm mất khả năng hoạt động trong quá trình bào chế vắc-xin.

Theo trang web của công ty Sinopharm, chương trình tiêm chủng sử dụng vắc-xin của hãng đang được triển khai tại Trung Quốc và một số nước khác, và cũng đang trong giai đoạn cuối của việc thử nghiệm lâm sàng. Vắc-xin được ghi nhận có hiệu quả 86% ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và đạt 79,34% ở Trung Quốc.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/4/2021).

Câu hỏi 208: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 37: Hiệu quả vắc-xin Sputnik V của Nga

Trả lời:
Trung tâm Quốc gia về Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya của Nga công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Sputnik-V sản xuất trong nước. Thử nghiệm được tiến hành với sự tham gia của 19.866 người. Trong số 14.964 người được tiêm vắc-xin, có 16 người được ghi nhận có triệu chứng COVID-19. Trong số 4.902 người được tiêm giả dược, có 62 người xuất hiện triệu chứng. Với kết quả này, trung tâm cho biết vắc-xin đạt hiệu quả 91,6%.

Theo trung tâm, 20 người xuất hiện triệu chứng nặng đều là những người được tiêm giả dược. Như vậy, 21 ngày sau khi tiêm, vắc-xin đạt hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nặng. Chương trình tiêm chủng vắc-xin Sputnik V hiện đang được triển khai ở Nga và các nước khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/4/2021).

Câu hỏi 207: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 36: Hiệu quả của vắc-xin Novavax

Trả lời:
Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại Anh trên hơn 15.000 người tham gia. Trong số những người được tiêm vắc-xin, có 6 người xuất hiện triệu chứng COVID-19. Trong khi đó, có 56 người xuất hiện triệu chứng trong số những người được tiêm giả dược. Theo công ty, kết quả này cho thấy vắc-xin có hiệu quả 89,3%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/4/2021).

Câu hỏi 206: Các biện pháp tăng cường phòng dịch ở Nhật Bản

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch mới đối với các tỉnh Osaka, Hyogo và Miyagi bắt đầu từ ngày 5/4. Thể theo kế hoạch mới, các biện pháp nào sẽ được áp dụng và khác nhau như thế nào so với thời kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp?

Kế hoạch mới dựa trên luật sửa đổi về các biện pháp đặc biệt nhằm ngăn ngừa vi-rút corona có hiệu lực vào ngày 13/2/2021, cho phép áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ hơn ngay cả khi không ban bố tình trạng khẩn cấp. Tình trạng khẩn cấp được áp dụng cho toàn bộ tỉnh. Còn kế hoạch mới cho phép thống đốc các tỉnh do chính phủ trung ương chỉ định được lựa chọn đơn vị hành chính cụ thể là đối tượng áp dụng.

Theo kế hoạch mới, giống như trong thời kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp, các thống đốc có thể đề nghị doanh nghiệp rút ngắn thời gian hoạt động và nếu họ không tuân thủ thì được phép ra lệnh buộc họ làm như vậy. Các nhà chức trách có thể công bố tên các doanh nghiệp không chấp hành.

Giới chức cũng có thể tiến hành kiểm tra tại chỗ khi cần thiết. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới, cơ quan chức năng không thể yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa tạm thời giống như trong tình trạng khẩn cấp.

Theo kế hoạch mới, các doanh nghiệp không tuân thủ lệnh hoặc từ chối cho kiểm tra tại chỗ mà không có lý do chính đáng, có thể bị xử phạt lên tới 200.000 yên, tương đương 1.800 đôla Mỹ. Trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, những đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 300.000 yên, tương đương khoảng 2.700 đôla Mỹ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/4/2021).

Câu hỏi 205: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 35: Hiệu quả của vắc-xin Johnson&Johnson

Trả lời:
Trong một báo cáo sơ bộ, công ty dược hàng đầu của Mỹ cho biết trong số 43.783 người tham gia thử nghiệm lâm sàng, có 468 người xuất hiện triệu chứng COVID-19.

Vắc-xin của Johnson&Johnson là vắc-xin đơn liều. Theo công ty, 28 ngày sau khi tiêm, vắc-xin đạt hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng từ trung bình đến nặng. Công ty cũng cho biết vắc-xin có hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa triệu chứng nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/4/2021).

Câu hỏi 204: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 34: Hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca

Trả lời:
Hãng dược phẩm của Anh AstraZeneca cho biết vắc-xin của công ty đạt hiệu quả 76% trong việc ngăn ngừa triệu chứng COVID-19. Hôm 25/3, hãng ghi nhận trong số 32.449 người tham gia giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng tiến hành ở Mỹ, Chile và Peru, có 190 người xuất hiện triệu chứng COVID-19. Hãng đã so sánh dữ liệu từ những người được tiêm vắc-xin với những người được cho dùng giả dược.

AstraZeneca hạ hiệu quả của vắc-xin xuống 3% so với công bố trước đó sau khi một cơ quan y tế của Mỹ kêu gọi hãng cung cấp dữ liệu mới nhất. Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho biết phân tích tạm thời của AstraZeneca có thể đã sử dụng thông tin chưa được cập nhật, dẫn tới “đánh giá chưa đầy đủ về hiệu quả của vắc-xin”.

Theo AstraZeneca, có 8 trường hợp có triệu chứng nặng. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều thuộc nhóm dùng giả dược. Do đó, vắc-xin của hãng đạt hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nặng hoặc nghiêm trọng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 31/3/2021).

Câu hỏi 203: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 33: Hiệu quả của vắc-xin Moderna

Trả lời:
Theo kết quả thử nghiệm do công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ công bố, có 30.420 người tham gia giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa vi-rút corona. Theo đó, trong số 15.210 người tham gia thử nghiệm được tiêm vắc-xin, có 11 người xuất hiện các triệu chứng COVID-19. Trong khi đó, trong số 15.210 người được tiêm giả dược, có 185 người xuất hiện triệu chứng. Công ty cho biết như vậy, vắc-xin đạt hiệu quả 94,1%.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/3/2021).

Câu hỏi 202: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 32: Hiệu quả của vắc-xin do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức hợp tác bào chế

Trả lời:
Theo một tài liệu về kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc-xin, có 43.448 người đã tham gia giai đoạn cuối của thử nghiệm.

Hiệu quả của vắc-xin được xác định bằng cách so sánh nhóm được tiêm vắc-xin với nhóm sử dụng giả dược.

Theo kết quả phân tích từ 18.198 người trong tổng số 21.720 người chưa từng nhiễm COVID-19 và đã được tiêm vắc-xin, có 8 người xuất hiện các triệu chứng nhiễm vi-rút sau khi thử nghiệm.

Trong khi đó, trong số 18.325 người trên tổng số 21.728 người được cho dùng giả dược, có 162 trường hợp xuất hiện triệu chứng.

Điều này có nghĩa là vắc-xin đạt hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng của COVID-19.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/3/2021).

Câu hỏi 201: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 31: Vắc-xin có hiệu quả như thế nào?

Trả lời:
Nhiều nhà phát triển vắc-xin ngừa vi-rút corona đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng, cho thấy mức độ hiệu quả của mỗi loại sản phẩm.

Mức độ hiệu quả của một loại vắc-xin được đánh giá thông qua việc so sánh một nhóm được tiêm vắc-xin với một nhóm khác được tiêm giả dược.

Nếu tỉ lệ người xuất hiện các triệu chứng nhiễm vi-rút corona trong nhóm tiêm vắc-xin thấp hơn nhóm tiêm giả dược thì loại vắc-xin đó được đánh giá là có hiệu quả trong việc phòng ngừa.

Vắc-xin do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ hợp tác với BioNTech của Đức bào chế, cũng như vắc-xin của một hãng dược khác của Mỹ là Moderna được xác nhận có hiệu quả cao hơn 90% trong các thử nghiệm lâm sàng trên hàng chục nghìn người. Đây cũng là 2 loại vắc-xin mà bộ y tế Nhật Bản đã đặt mua cho chương trình tiêm chủng tại Nhật.

Mức độ hiệu quả 90% ở đây có nghĩa là gì? Lấy ví dụ, có 100 người có các triệu chứng nhiễm bệnh sau khi tiêm giả dược một khoảng thời gian nhất định, thì có dưới 10 người có các triệu chứng như vậy sau khi được tiêm vắc-xin. Khi so sánh 2 con số này, vắc-xin được xem là có tác dụng ngăn ngừa COVID-19 đối với hơn 90% số người được tiêm.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những người đã tiêm vắc-xin vẫn có khả năng bị nhiễm vi-rút. Do đó, điều cần thiết là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, tránh nơi đông người, tránh không gian kín và tránh tiếp xúc gần, ngay cả khi chương trình tiêm chủng được tiến hành đại trà.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng điểm qua từng loại vắc-xin đang được sử dụng trên thế giới cũng như xem xét mức độ hiệu quả của chúng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/3/2021).

Câu hỏi 200: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 30: Cần đặc biệt cảnh giác trước chủng biến thể nào? (6)

Trả lời:
Ông Wada Koji là chuyên gia về y tế công cộng và là giáo sư tại Đại học Quốc tế về Y tế và Phúc lợi. Ông giải thích về tình hình lây nhiễm hiện nay của các biến thể ở Nhật Bản.

Ông Wada nói hiện vẫn có nhiều điều chưa rõ về tình trạng lây nhiễm tại Nhật Bản. Tuy nhiên, dựa trên tình hình ở các nước khác, có thể thấy được rằng rất khó để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể. Giống với nhiều nước, các biến thể cũng sẽ trở thành nguyên nhân chính gây lây nhiễm tại Nhật Bản.

Ông lưu ý rằng trong trường hợp đó, lây nhiễm sẽ xảy ra nhanh hơn và số ca nhiễm cũng sẽ tăng cao.

Theo ông Wada, các biện pháp mà mỗi người cần thực hiện để ngăn ngừa lây nhiễm đối với biến thể cũng giống với các biện pháp đối với vi-rút ban đầu. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng khi năm tài chính mới bắt đầu, nhân sự phụ trách các chương trình ngăn ngừa lây nhiễm ở nhiều cơ quan sẽ có sự thay đổi. Trong một số trường hợp, điều này sẽ khiến việc duy trì các biện pháp một cách liên tục, nhất quán trở nên khó khăn hơn.

Ông cho biết những trường hợp như vậy cũng xảy ra trong cùng khoảng thời gian này vào năm ngoái. Ông kêu gọi tiếp tục thực hiện các biện pháp đang có một cách khẩn trương hơn, đặc biệt là tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, cơ sở y tế và chính quyền địa phương.

Theo ông Wada, việc theo dõi chặt chẽ tình hình lây lan của các biến thể cũng rất quan trọng. Chính phủ nên có quy định nhằm cho phép xét nghiệm biến thể tại các cơ sở xét nghiệm tư nhân.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/3/2021).

Câu hỏi 199: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 29: Cần đặc biệt cảnh giác trước chủng biến thể nào? (5)

Trả lời:
Nhật Bản ghi nhận trường hợp một hành khách từ Philippines nhập cảnh hôm 25/2 nhiễm một loại biến thể vi-rút khác với các chủng từng được ghi nhận trước đó ở Anh, Nam Phi và Brazil. Biến thể này mang đồng thời đột biến N501Y và đột biến gai E484K, giúp vi-rút tránh khỏi sự tấn công của kháng thể.

Viện Nghiên cứu Quốc gia về các Bệnh Truyền nhiễm của Nhật Bản cho biết biến thể này được phát hiện trước đó ở Philippines và cũng có khả năng lây lan dễ dàng hơn vi-rút ban đầu, do đó chúng cũng có nguy cơ lan rộng như các biến thể khác hiện đang xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.

Tính đến ngày 3/3, Nhật Bản cũng ghi nhận được gần 400 trường hợp nhiễm một loại biến thể mới chỉ mang đột biến E484K nhưng không có đột biến N501Y. Điều này có nghĩa là biến thể này có vẻ như không dễ lây hơn so với vi-rút ban đầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết một số đột biến phát hiện được trên biến thể này có thể đã xảy ra ở Nhật Bản.

Viện Nghiên cứu Quốc gia về các Bệnh Truyền Nhiễm của Nhật Bản xếp biến thể mới này thuộc loại “biến thể đáng lưu ý”. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang tìm hiểu thêm về chúng thông qua phân tích gen và các phương pháp khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/3/2021).

Câu hỏi 198: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 28: Cần đặc biệt cảnh giác trước chủng biến thể nào? (4)

Trả lời:
Nhật Bản ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Brazil là một hành khách đến từ Brazil vào ngày 6/1.

Biến thể được cho là xuất hiện lần đầu tiên ở Manaus, phía Bắc Brazil vào ngày 4/12/2020. Tính đến tháng 1 năm nay, 91% số ca nhiễm được ghi nhận tại Manaus là mắc biến thể này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Brazil dễ lây hơn so với các biến thể ghi nhận trước đó. Tính đến ngày 9/3, biến thể được phát hiện tại 32 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, WHO cho biết độ nghiêm trọng của biến thể này “có tác động có giới hạn”.

WHO cũng cho biết đã có báo cáo về tình trạng tái nhiễm đối với biến thể này. Nguyên nhân là cũng giống như biến thể phát hiện lần đầu ở Nam Phi, biến thể này mang đột biến gai gọi là E484K, khiến vi-rút có khả năng tránh được sự tấn công từ kháng thể.

Theo WHO, tác động có thể có đối với vắc-xin hiện đang được nghiên cứu.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/3/2021).

Câu hỏi 197: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 27: Cần đặc biệt cảnh giác trước chủng biến thể nào? (3)

Trả lời:
Biến thể Nam Phi được cho là được phát hiện lần đầu tiên vào đầu tháng 8/2020. Theo phân tích của giới chức y tế Nam Phi vào giữa tháng 11, biến thể này được phát hiện trong hầu hết các ca nhiễm vi-rút corona. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Nam Phi dễ lây hơn 50% so với các biến thể ghi nhận được trước đó. Tính đến ngày 9/3, biến thể Nam Phi đã được phát hiện ở 58 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, WHO cho biết không có bằng chứng cho thấy người nhiễm biến thể Nam Phi có triệu chứng nặng hơn.

Biến thể Nam Phi mang một loại đột biến gọi là E484K, cho phép vi-rút tránh được sự tấn công của các kháng thể trong cơ thể người, từ đó có khả năng khiến nguy cơ tái nhiễm gia tăng.

Cũng có một số nghiên cứu cho thấy các kháng thể trung hòa do vắc-xin tạo ra có hiệu quả thấp hơn trong việc chống lại biến thể Nam Phi. Các nhà sản xuất vắc-xin cho biết sản phẩm của họ vẫn có tác dụng trong việc phòng ngừa biến thể này, nhưng họ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về hiệu quả của vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/3/2021).

Câu hỏi 196: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 26: Cần đặc biệt cảnh giác trước chủng biến thể nào? (2)

Trả lời:
Biến thể vi-rút corona được phát hiện lần đầu tại Anh vào đầu tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, phân tích vi-rút trước đó cho thấy có trường hợp đã bị nhiễm biến thể sớm hơn từ ngày 20/9.

Theo trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, nhiều nghiên cứu cho thấy biến thể này của vi-rút dễ lây hơn từ 36% đến 75% so với các biến thể phát hiện trước đó.

Vào đầu tháng 12, Anh ghi nhận từ 10.000 đến 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tuy nhiên, đến cuối tháng, số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng vượt mức 50.000 ca. Trong tháng 1, có những ngày số ca nhiễm mới cao hơn 60.000 ca. Các nhà nghiên cứu cho rằng số ca nhiễm tăng cao chủ yếu là do biến thể mới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến ngày 9/3 đã ghi nhận biến thể này ở 111 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Chính phủ Anh nghi ngờ biến thể có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng số trường hợp phải nhập viện cũng như số ca tử vong tăng cao hơn so với vi-rút thông thường. Nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm xác minh giả thuyết này.
Tin tốt lành là biến thể được cho là không ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả của vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/3/2021).

Câu hỏi 195: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 25: Cần đặc biệt cảnh giác trước chủng biến thể nào?

Trả lời:
Các biến thể mới của vi-rút corona đã được ghi nhận ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Đối với vi-rút corona chủng mới, cứ mỗi tháng một phần trong thông tin di truyền lại xảy ra đột biến ở khoảng 2 vị trí. Mặc dù vậy, những biến đổi này thường không ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và gây bệnh của vi-rút.

Tuy nhiên, đột biến có thể khiến một số chủng biến thể lây lan dễ dàng hơn hay chống lại sự tấn công của hệ miễn dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính phủ nhiều nước công nhận đây là “những biến thể đáng lo ngại nhất” và tăng cường việc theo dõi.

Có 3 chủng biến thể được xếp vào loại cần cảnh giác cao độ. Một biến thể được phát hiện lần đầu ở Anh, một biến thể khác được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi và một loại đang lây lan tại Brazil. Các biến thể này đều có chung 1 loại đột biến gọi là N501Y. Các nhà nghiên cứu cho rằng đột biến này gây ra thay đổi hình thái bề mặt vi-rút và giúp chúng xâm nhập vào tế bào cơ thể người, do đó các biến thể này có khả năng lây lan mạnh hơn.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét đặc trưng của mỗi loại biến thể và hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa chúng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/3/2021).

Câu hỏi 194: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 24: Miễn dịch cộng đồng là gì?

Trả lời:
Miễn dịch cộng đồng là trạng thái đạt được sau khi một tỉ lệ nhất định dân số có khả năng miễn dịch trước một chủng vi-rút hoặc một mầm bệnh, để nếu có người nhiễm bệnh thì dịch bệnh cũng sẽ không lan rộng. Điều đáng lưu ý là tùy thuộc vào loại bệnh truyền nhiễm mà tỉ lệ dân số cần được tiêm vắc-xin để đạt được miễn dịch cộng đồng là khác nhau.

Theo các chuyên gia, có những trường hợp vắc-xin giúp ngăn bệnh trở nặng, nhưng không hiệu quả trong việc ngăn dịch bệnh lây lan. Điều này có nghĩa là cho dù có nhiều người được tiêm vắc-xin đi chăng nữa thì vẫn không thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Trong trường hợp vi-rút corona, các chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa rõ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc-xin hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/3/2021).

Câu hỏi 193: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 23: Lừa đảo và giả mạo liên quan đến tiêm chủng

Trả lời:
Cục Bảo vệ người tiêu dùng cho biết đã nhận được đề nghị xin tư vấn từ những người bị gọi điện hoặc gửi thư điện tử đáng ngờ liên quan đến việc tiêm vắc-xin COVID-19. Chẳng hạn, có trường hợp một người nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ chính quyền địa phương và yêu cầu nhanh chóng chuyển 100.000 yên đến một tài khoản được chỉ định nếu muốn tiêm vắc-xin, đồng thời cho biết số tiền này sẽ được hoàn lại sau.

Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng quốc gia cũng đưa ra một dẫn chứng khác, theo đó có người cho biết nhận được tin nhắn giả danh một bộ trưởng và yêu cầu người này truy cập vào đường link chỉ định để được ưu tiên tiêm vắc-xin.

Theo giới chức Cục Bảo vệ người tiêu dùng, đối với chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19, chính quyền các địa phương không yêu cầu chi trả hoặc cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hay thư điện tử. Một khảo sát do cơ quan tiến hành cho thấy 80% số người bị lừa hay gặp rắc rối do các vụ lừa đảo liên quan đến vi-rút corona nói rằng, họ từng không nghĩ mình sẽ trở thành nạn nhân lừa đảo do đã đề phòng cẩn thận.

Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng quốc gia cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí qua điện thoại cho những người nhận được các cuộc gọi hoặc thư điện tử đáng ngờ có khả năng liên quan đến chương trình tiêm chủng. Dịch vụ này chỉ có tiếng Nhật.

Số điện thoại tư vấn là 0120-797-188, hoạt động từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều tất cả các ngày.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/3/2021).

Câu hỏi 192: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 22: Tiêm vắc-xin có gây nhiễm vi-rút hay không?

Trả lời:
Vắc-xin COVID-19 đang được sử dụng tại Nhật Bản hiện nay là vắc-xin mRNA (vắc-xin gen). Việc nhiễm vi-rút do tiêm loại vắc-xin này là không thể xảy ra.

Đây là loại vắc-xin có các đoạn vật chất di truyền gọi là “mRNA” mang thông tin di tuyền của các “protein gai” trên bề mặt vi-rút. Các “mRNA” này đóng vai trò bản đồ hướng dẫn tạo ra các protein gai trong tế bào cơ thể người.

Vắc-xin mRNA được cho là có độ an toàn cao do mRNA chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi được đưa vào cơ thể người, lượng mRNA trong vắc-xin sẽ giảm và dần biến mất. Bên cạnh đó, một yếu tố khác khiến vắc-xin mRNA được cho là an toàn là do chúng không xâm nhập vào phần lõi tế bào có chứa các đoạn gen của người.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, người tiêm có thể nhiễm bệnh sau khi tiêm vắc-xin giảm độc lực, chẳng hạn như vắc-xin phòng ngừa bại liệt. Đây là loại vắc-xin được bào chế từ vi-rút còn hoạt động nhưng đã được làm yếu.

Tất cả các loại vắc-xin ngừa vi-rút corona đang được sử dụng đều không phải là vắc-xin giảm độc lực, do đó không tiềm ẩn nguy cơ nói trên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/3/2021).

Câu hỏi 191: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 21: Tiêm bắp có gây đau nhiều hơn hay không?

Trả lời:
Hầu hết các loại vắc-xin COVID-19 đều được chỉ định tiêm bắp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tiêm vắc-xin vào sâu trong bắp không có nghĩa là sẽ gây đau nhiều hơn. Khi tiêm vào bắp, vắc-xin sẽ được đưa vào phần cơ bên trong lớp mỡ dưới da và mũi kim sẽ được tiêm vuông góc với cánh tay.

Tại Nhật Bản, vắc-xin thường được tiêm dưới da, hay phần giữa lớp da và cơ, kể cả đối với vắc-xin cúm thông thường. Tuy nhiên, tiêm bắp được cho là giúp vắc-xin hấp thu nhanh hơn.

Giáo sư Okada Kenji của Trường Điều dưỡng Fukuoka, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Tiêm chủng Nhật Bản, cho biết tại các nước khác, khi tiêm chủng các loại vắc-xin thông thường thì tiêm bắp thường phổ biến hơn. Ông nói không phải lúc nào tiêm bắp cũng gây đau nhiều hơn tiêm dưới da, mà còn phụ thuộc vào thành phần của vắc-xin. Ông cũng cho biết việc bị đau nhiều hay ít là rất khác nhau ở mỗi người.

Theo Giáo sư Okada, báo cáo ở các nước khác cho thấy tiêm vắc-xin corona gây đau tại vị trí tiêm nhiều hơn so với các loại vắc-xin khác. Do đó, nhân viên y tế cần giải thích đầy đủ để mọi người chuẩn bị tinh thần, còn khi tiêm mọi người được khuyên nên cố gắng đừng để ý đến kim tiêm, mà thay vào đó tập trung vào những thứ khác.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/3/2021).

Câu hỏi 190: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 20: Có nên tiêm vắc-xin ngừa vi-rút corona hay không? (2)

Trả lời:
Ông Okabe Nobuhiko là Giám đốc Viện Nghiên cứu An toàn Y tế thành phố Kawasaki, đồng thời cũng là thành viên ban cố vấn của Chính phủ Nhật Bản về ứng phó vi-rút corona. Ông cho biết đến nay dường như chưa có tác dụng phụ cực kỳ đáng lo ngại của vắc-xin COVID-19, ít nhất là khi xem xét dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và thông tin từ các nước đang tiến hành tiêm chủng.

Ông nói nếu so sánh với vắc-xin cúm thông thường hay các loại vắc-xin khác, vắc-xin ngừa vi-rút corona có thể gây đau nhiều hơn khi tiêm và chỗ tiêm bị sưng lâu hơn. Tuy nhiên, theo các dữ liệu thu thập được cho đến nay, trong hầu hết các trường hợp, những triệu chứng này thường biến mất sau một lúc.

Tuy nhiên, ông Okabe cũng cho biết nên có một hệ thống để người dân có thể tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, hoặc được hỗ trợ y tế khi cảm thấy lo lắng.

Ông Okabe nói nếu có ai đó hỏi ông rằng có nên tiêm vắc-xin hay không, thì ông sẽ trả lời là có. Ông cho biết nếu một người nhiễm vi-rút corona, người đó có thể chỉ bị các triệu chứng nhẹ, nhưng cũng có khả năng sẽ bị chuyển biến nặng. Theo ông Okabe, khi so sánh nguy cơ của việc bị chuyển biến nặng do nhiễm vi-rút corona với nguy cơ xuất hiện phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin, ông tin rằng lợi ích của vắc-xin trong việc ngăn ngừa triệu chứng nặng cao hơn nhiều so với nguy cơ gặp phản ứng phụ.

Tuy nhiên, ông Okabe cũng cho biết nhiều người dù muốn cũng không thể tiêm vắc-xin do các yếu tố bẩm sinh, đồng thời cũng có nhiều người từ chối tiêm vắc-xin bất kể vì lý do gì. Theo ông Okabe, tiêm vắc-xin hay không là quyết định của mỗi cá nhân và điều này nên được tôn trọng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/3/2021).

Câu hỏi 189: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 19: Có nên tiêm vắc-xin ngừa vi-rút corona hay không?

Trả lời:
Hiện có rất nhiều thông tin về việc tiêm vắc-xin ngừa vi-rút corona. Điều này có thể khiến nhiều người băn khoăn về việc liệu có nên tiêm vắc-xin hay không?

Giáo sư Ishii Ken thuộc Viện nghiên cứu Y khoa, Đại học Tokyo là một nhà nghiên cứu đầu ngành về vắc-xin và từng làm việc với Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm của Mỹ (FDA). Sau đây là ý kiến của giáo sư về các loại vắc-xin dự kiến sẽ được dùng trong chương trình tiêm chủng tại Nhật Bản.

Giáo sư cho biết hiệu quả và độ an toàn của các loại vắc-xin được xác nhận bằng các dữ liệu minh bạch, do đó dường như chúng không có vấn đề gì. Ông cho biết mình từng lo ngại việc các loại vắc-xin được phát triển chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi xem xét số người tham gia thử nghiệm lâm sàng, cũng như độ chính xác của các cuộc thử nghiệm, ông cho rằng vắc-xin hoàn toàn không có vấn đề gì.

Theo giáo sư, không thể hoàn toàn loại trừ khả năng vắc-xin có tác dụng phụ sau thời gian dài, và hiện vẫn chưa rõ liệu các tác dụng phụ có xuất hiện trong vòng vài năm sau khi tiêm vắc-xin hay không. Tuy nhiên, ngoại trừ các nguy cơ này, mọi thứ đều rất rõ ràng. Ông cho biết lợi ích của việc tiêm vắc-xin cao hơn nhiều so với nguy cơ nhiễm vi-rút và bị các triệu chứng nặng.

Giáo sư Ishii nói hiện tại khi vắc-xin đã sẵn sàng, các cá nhân cũng như xã hội đang đối mặt với câu hỏi liệu có nên tiêm vắc-xin hay không. Ông cho biết nhìn từ khía cạnh khoa học, những người thuộc nhóm có rủi ro cao khi nhiễm vi-rút, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên, thì nên tiêm vắc-xin. Ông cũng khuyến nghị thành viên gia đình những người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền cũng nên tiêm vắc-xin để bảo vệ người thân của mình. Theo giáo sư, mọi người vẫn có nguy cơ nhiễm vi-rút nếu quyết định không tiêm vắc-xin.

Ông nói việc tiêm vắc-xin hay không là do mỗi người tự quyết định, sau khi cân nhắc ảnh hưởng đối với gia đình và cộng đồng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/3/2021).

Câu hỏi 188: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 18: Có cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm sau khi tiêm vắc-xin?

Trả lời:
Các chuyên gia cho biết ở thời điểm hiện tại, mọi người nên tiếp tục thực hiện các biện pháp nói trên cho đến khi xác nhận được hiệu quả của vắc-xin trong cộng đồng.

Khi thử nghiệm lâm sàng, loại vắc-xin đang sử dụng tại Nhật Bản được xác nhận có hiệu quả 95% trong việc giảm triệu chứng. Nhưng điều đó không có nghĩa là tiêm vắc-xin cũng có thể ngăn khởi phát triệu chứng.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu vắc-xin có thể giúp ngăn không bị nhiễm vi-rút hay không. Ngay cả khi đã được tiêm vắc-xin, mọi người vẫn có thể nhiễm vi-rút dù không xuất hiện triệu chứng. Do đó, mọi người vẫn có thể phát tán vi-rút nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Chương trình tiêm chủng ở nhiều nơi trên thế giới chỉ vừa mới bắt đầu. Theo Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC), cần có thêm dữ liệu để xác nhận liệu vắc-xin có hiệu quả lâu dài hay không.

CDC và các chuyên gia cho biết ở thời điểm này, sau khi tiêm vắc-xin, mọi người vẫn nên tiếp tục đeo khẩu trang, khử trùng, tránh nơi đông người và thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/3/2021).

Câu hỏi 187: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 17: Có được dùng thuốc hạ sốt sau khi tiêm vắc-xin hay không?

Trả lời:
Sau khi tiêm vắc-xin, một số người được cho là có thể bị sốt hoặc đau. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng này xảy ra trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi tiêm, nhưng chúng thường chỉ kéo dài trong vài ngày. Theo trang web của bộ y tế, những người gặp các triệu chứng như vậy “nên uống thuốc hạ sốt hoặc giảm đau với liều lượng phù hợp và theo dõi tình hình trong vài ngày”.

Tuy nhiên, nên đến bệnh viện hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nếu bị sốt lâu hơn 2 ngày, hay gặp các triệu chứng nghiêm trọng hoặc triệu chứng chưa từng được báo cáo.

Giáo sư Nakayama Tetsuo thuộc Đại học Kitasato, cũng là chuyên gia về vắc-xin, cho biết các triệu chứng như sốt và đau xảy ra khi chức năng miễn dịch được kích hoạt. Ông cho biết dùng thuốc giảm đau hay hạ nhiệt không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Giáo sư Nakayama cũng cho biết trên thực tế, nếu một người bị sốt cao hơn 38,5 độ C hoặc bị đau dữ dội thì nên uống thuốc hạ sốt hoặc giảm đau.

Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) kêu gọi cần thận trọng khi dùng thuốc hạ sốt hoặc giảm đau trước khi tiêm vắc-xin. CDC “không khuyến khích” dùng các loại thuốc trên do vẫn chưa rõ ảnh hưởng của thuốc đối với vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/3/2021).

Câu hỏi 186: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 16: Phụ nữ mang thai có nên tiêm vắc-xin hay không?

Trả lời:
Vào tháng 1/2021, Hiệp hội Các bệnh Truyền nhiễm trong Sản phụ khoa, cũng như Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản đã đưa ra ý kiến về khả năng vi-rút corona gây ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai.

Theo đó, chưa ghi nhận ca tử vong nào trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, chính sách tiêm chủng ở mỗi nước là khác nhau. Chẳng hạn, Mỹ không hạn chế tiêm chủng đối với phụ nữ mang thai, trong khi Anh khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin do thiếu dữ liệu đầy đủ.

Về việc tiêm chủng đối với phụ nữ có thai, 2 hiệp hội y khoa nói trên của Nhật Bản cho biết các yếu tố như độ an toàn của vắc-xin, tác dụng phụ trung và dài hạn, cũng như liệu vắc-xin có gây ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh hay không vẫn chưa được xác thực. Họ cũng cho biết sẽ không loại trừ phụ nữ mang thai khỏi danh sách đối tượng tiêm chủng, nhưng nếu quyết định tiêm vắc-xin, những người này cần được nhân viên y tế giải thích đầy đủ thông tin cũng như kiểm tra tình trạng thai nhi trước khi tiêm vắc-xin.

Các hiệp hội y khoa nói trên cũng khuyến cáo nếu có thể, phụ nữ nên tiêm vắc-xin trước khi mang thai, đồng thời nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản phụ khoa trước khi quyết định tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/3/2021).

Câu hỏi 185: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 15: Nếu đã từng nhiễm COVID-19 thì có cần tiêm vắc-xin hay không ?

Trả lời:
Trong các bài trước, chúng tôi gửi đến các bạn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc nên tiêm vắc-xin cho cả những người đã từng nhiễm COVID-19. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) cũng kêu gọi những người đã bình phục đi tiêm vắc-xin.

Trang web của CDC giới thiệu vắc-xin mRNA do hãng Pfizer và hãng Moderna bào chế, hiện đang được dùng cho chương trình tiêm chủng tại Mỹ. Theo CDC, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy các loại vắc-xin này đều an toàn đối với những người đã từng mắc COVID-19.

Cơ quan này cho biết: “Nên tiêm vắc-xin bất kể đã từng nhiễm COVID-19 hay chưa. Nguyên nhân là do các chuyên gia vẫn chưa biết sau khi nhiễm COVID-19, cơ thể sẽ được bảo vệ trước vi-rút trong thời gian bao lâu”. Ngoài ra, theo CDC, mức độ miễn dịch tự nhiên có được sau khi nhiễm vi-rút ở mỗi người là khác nhau.

CDC cho biết thêm: “Nếu một người từng được điều trị COVID-19 bằng các loại kháng thể đơn dòng hay huyết tương của những người đã hồi phục sau khi nhiễm, thì nên chờ 90 ngày rồi mới tiêm vắc-xin COVID-19”, đồng thời cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/3/2021).

Câu hỏi 184: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 14: Tiêm vắc-xin có thể gây sốc phản vệ hay không?

Trả lời:
Sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin được báo cáo xảy ra tại Mỹ và những quốc gia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng từ trước đó.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC), có 21 trường hợp sốc phản vệ được báo cáo trong số gần 1,9 triệu liều vắc-xin đầu tiên của Pfizer-BioNTech được tiêm trong khoảng từ ngày 14 đến 23/12.

CDC cũng cho biết có 10 trường hợp sốc phản vệ trong số hơn 4 triệu liều vắc-xin của hãng Moderna được tiêm trong khoảng thời gian từ 21/12 đến 10/1.

Theo CDC, hầu hết các trường hợp sốc phản vệ là những người có tiền sử dị ứng, và tất cả những người có thông tin theo dõi sau đó đều đã bình phục.

CDC cũng cho biết sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin hiếm khi xảy ra, nhưng có nguy cơ đe dọa tính mạng và cần được chữa trị kịp thời.

Theo CDC, tại các điểm tiêm vắc-xin cần có nhân viên và trang thiết bị thích hợp để đảm bảo rằng bất cứ ai có dấu hiệu sốc phản vệ cũng sẽ được cứu chữa kịp thời, chẳng hạn như sử dụng thuốc epinephrine. Trung tâm cho biết cần có hướng dẫn cho tất cả những người đi tiêm vắc-xin để được hỗ trợ y tế ngay lập tức nếu thấy xuất hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng phản ứng dị ứng sau khi rời cơ sở tiêm chủng.

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết sốc phản vệ hiếm khi gây tử vong nếu được chữa trị kịp thời, chẳng hạn như bằng cách tiêm epinephrine.

Theo thông tin từ trang web của bộ y tế Nhật Bản, các điểm tiêm chủng và cơ sở y tế đều được trang bị thuốc và máy móc cần thiết để chữa trị kịp thời các trường hợp sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/2/2021).

Câu hỏi 183: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 13: Có biện pháp hỗ trợ nào cho người bị tác dụng phụ của vắc-xin hay không?

Trả lời:
Chính phủ Nhật Bản có một hệ thống nhằm cung cấp hỗ trợ cho những người bị tác dụng phụ của vắc-xin.

Luật tiêm chủng của Nhật Bản bảo vệ quyền lợi cho cả những người tiêm vắc-xin vi-rút corona. Do đó, chính phủ sẽ chi trả chi phí y tế hay trợ cấp tàn tật cho bất cứ ai bị tác dụng phụ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/2/2021).

Câu hỏi 182: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 12: Vắc-xin có tác dụng phụ hay không? Có trường hợp tử vong nào hay không?

Trả lời:
Tác dụng phụ có thể gặp ở bất kỳ loại vắc-xin nào, kể cả vắc-xin ngừa vi-rút corona. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC), đối với vắc-xin do Pfizer của Mỹ hợp tác bào chế với BioNTech của Đức cũng như vắc-xin Moderna của Mỹ, các tác dụng phụ thường gặp nhất là đau, sưng, tấy đỏ, ớn lạnh, mệt mỏi và đau đầu. Các phản ứng này thường xuất hiện trong vòng 1 hoặc 2 ngày sau khi tiêm vắc-xin và biến mất sau đó vài ngày. Mặc dù hiếm gặp, báo cáo cũng ghi nhận những tác dụng phụ với mức độ từ trung bình đến nặng đủ để gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Theo một báo cáo về vắc-xin của Pfizer-BioNTech dựa trên thông cáo báo chí của công ty và thử nghiệm lâm sàng, trong số các triệu chứng nặng thì mệt mỏi chiếm 3,8%, còn đau đầu chiếm 2%. Có 2 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin trong số 40.000 người tham gia thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết có 4 trường hợp khác tử vong sau khi tiêm giả dược, do đó có khả năng các ca tử vong nói trên không phải do vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/2/2021).

Câu hỏi 181: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 11: Tác dụng phụ của vắc-xin Pfizer-BioNTech

Trả lời:
Ban cố vấn về tiêm chủng của Mỹ đã tổng hợp dữ liệu về những tác dụng phụ được báo cáo của vắc-xin do Pfizer và BioNTech bào chế. Một nghiên cứu được tiến hành đối với khoảng 997.000 người đã được tiêm vắc-xin cho thấy sau khi tiêm mũi đầu tiên, có 67,7% báo cáo bị đau ở chỗ tiêm, 28,6% cảm thấy mệt mỏi, 25,6% bị đau đầu, 17,2% bị đau cơ, 7,4% bị sốt, 7,1% bị đau khớp, 7% bị ớn lạnh, còn 7% khác cảm thấy buồn nôn, và 6,8% bị sưng tấy. Cũng có ghi nhận về phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin.

Theo một nghiên cứu đối với 9.943.247 liều vắc-xin Pfizer-BioNTech được tiêm tính đến ngày 18/1, có 50 trường hợp bị sốc phản vệ, tức là phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Tính trung bình có 1,0057 trường hợp sốc phản vệ trên 200.000 người được tiêm. Sốc phản vệ xảy ra đối với người trong độ tuổi từ 26 đến 63 (tuổi trung vị là 38,5).

Trong số các trường hợp này có 94% là nữ giới. 74% các trường hợp này xuất hiện triệu chứng của sốc phản vệ trong vòng 15 phút sau khi tiêm và 90% xuất hiện trong vòng 30 phút sau tiêm.

80% số trường hợp sốc phản vệ được ghi nhận ở người có tiền sử dị ứng, bao gồm dị ứng với các loại thuốc và thức ăn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/2/2021).

Câu hỏi 180: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 10: Những điều cần lưu ý trước và sau khi tiêm vắc-xin

Trả lời:
Có thể có trường hợp những người không khỏe được khuyên không nên tiêm vắc-xin. Bộ y tế khuyến cáo những người đang bị sốt cao hơn 37,5 độ C hoặc cảm thấy mệt mỏi thì không nên tiêm vắc-xin. Đối với những người có bệnh nền hoặc đang trong quá trình điều trị, bộ kêu gọi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm. Theo bộ y tế, sau khi tiêm nên ở lại điểm tiêm chủng ít nhất là 15 phút để đảm bảo không bị phản ứng dị ứng. Bộ cho biết cần liên hệ bác sĩ nếu nhận thấy có điều gì bất thường. Sau khi tiêm vắc-xin, mọi người có thể tắm nhưng không nên chà xát mạnh ở vết tiêm. Ngoài ra, cần tránh vận động mạnh vào ngày đi tiêm chủng.

Giáo sư Nakayama Tetsuo thuộc Đại học Kitasato là chuyên gia về vắc-xin. Ông cho biết không có vấn đề gì nếu tắm hoặc thậm chí uống một lượng vừa phải đồ uống có cồn (tất nhiên là mọi người không nên uống quá nhiều).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chúng ta có thể sẽ cảm thấy chóng mặt hoặc khó thở do sợ tiêm vắc-xin. Nếu điều này xảy ra ở điểm tiêm chủng công cộng có thể khiến những người khác đi tiêm cảm thấy lo lắng. Về vấn đề này, ông Okabe Nobuhiko, Viện trưởng Viện Y tế Công cộng của Thành phố Kawasaki và cũng là thành viên ban chuyên gia về vi-rút corona của chính phủ, cho biết cần có sẵn hệ thống hỗ trợ tư vấn cho những người cảm thấy lo lắng về việc tiêm chủng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/2/2021).

Câu hỏi 179: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 9: Vai trò của vắc-xin

Trả lời:
Vắc-xin ngừa vi-rút corona chủng mới được cho là có tác dụng giúp giảm triệu chứng hoặc ngăn các triệu chứng trở nặng, hơn là bảo vệ cơ thể không bị nhiễm vi-rút.

Các chuyên gia cho biết các loại vắc-xin nói chung được kỳ vọng giúp cơ thể không nhiễm vi-rút, ngăn xuất hiện các triệu chứng hoặc ngăn các triệu chứng trở nặng, và đạt được miễn dịch cộng đồng.

Khó có thể xác nhận được việc một loại vắc-xin có hiệu quả ngăn nhiễm bệnh hay không. Nguyên nhân là do có nhiều người nhiễm bệnh mà không xuất hiện bất kì triệu chứng nào. Bên cạnh đó cần tiến hành phân tích các tế bào một cách chi tiết để tìm ra loại vi-rút đã xâm nhập vào cơ thể người. Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế (PMDA) là đơn vị phụ trách kiểm định dược phẩm tại Nhật Bản. Cơ quan này cho biết khi kiểm định vắc-xin ngừa vi-rút corona chủng mới, về nguyên tắc cần tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn người nhiễm vi-rút xuất hiện các triệu chứng.

Các thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ và Châu Âu cho thấy vắc-xin không chỉ có hiệu quả trong việc ngăn xuất hiện triệu chứng, mà còn giúp ngăn các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. PMDA cũng xem hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn triệu chứng trở nặng là một trong những tiêu chí để kiểm định vắc-xin ngừa vi-rút corona.

Một mục tiêu khác của chương trình chủng ngừa COVID-19 là giúp đạt được miễn dịch cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cần phải có hơn 70% dân số thế giới được tiêm vắc-xin thì mới tạo được miễn dịch cộng đồng. WHO cho biết khó có thể đạt được con số trên trước cuối năm nay.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/2/2021).

Câu hỏi 178: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 8: Vắc-xin mRNA là gì?

Trả lời:
Vắc-xin mRNA, hay vắc-xin có chứa các đoạn vật chất di truyền của vi-rút corona chủng mới, đã bắt đầu được đưa vào sử dụng trong thực tế. Từ ngày 17/2, Nhật Bản bắt đầu chương trình chủng ngừa COVID-19 sử dụng vắc-xin do công ty Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức hợp tác phát triển. Vắc-xin này và vắc-xin do công ty Moderna của Mỹ bào chế đều là vắc-xin mRNA, hay vắc-xin chứa vật chất di truyền.

Vắc-xin hoạt động bằng cách đưa vào cơ thể người “mRNA” có mang thông tin di truyền của các “protein gai” bề mặt vi-rút corona. Các “mRNA” này sẽ đóng vai trò bản đồ hướng dẫn tạo ta các protein gai trong tế bào cơ thể người.

Hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động tạo ra rất nhiều kháng thể chống lại các protein gai này. Kháng thể sẽ ngay lập tức tấn công khi vi-rút thật sự xâm nhập vào cơ thể.

Tuy nhiên, các mRNA thiếu sự ổn định. Sau khi được đưa vào cơ thể người dưới dạng vắc-xin, mRNA sẽ giảm và dần biến mất khỏi cơ thể người.

Ngoài ra, vắc-xin mRNA được cho là có độ an toàn cao do chúng không xâm nhập vào phần lõi tế bào có chứa các đoạn gen của người.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/2/2021).

Câu hỏi 177: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 7: Những bệnh lý nền được ưu tiên trong chương trình tiêm chủng của Nhật Bản

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản soạn thảo danh sách các bệnh lý được ưu tiên tiêm vắc-xin. Trong đó bao gồm các bệnh mãn tính về tim mạch và thận, rối loạn hô hấp, các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch như ung thư hay hội chứng ngưng thở lúc ngủ. Những người đang nằm viện hoặc phải khám định kỳ do mắc các bệnh lý trên sẽ được ưu tiên tiêm vắc-xin.

Giới chức sẽ không yêu cầu người bệnh nộp giấy chứng nhận bệnh lý mà chỉ cần điền vào phiếu câu hỏi.

Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên cũng được ưu tiên. Theo ước tính, tại Nhật hiện có khoảng 8,2 triệu người thuộc nhóm béo phì hoặc có bệnh lý nền.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/2/2021).

Câu hỏi 176: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 6: Đối tượng ưu tiên tiêm chủng

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản cho biết việc tiêm vắc-xin sẽ được tiến hành theo thứ tự ưu tiên, trong đó nhân viên y tế sẽ là nhóm được tiêm đầu tiên. Tiếp đến là người từ 65 tuổi trở lên, rồi đến người làm việc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Trong một số điều kiện nhất định, bộ y tế dự định cho phép những người làm việc tại cơ sở chăm sóc người cao tuổi được tiêm vắc-xin đồng thời với những người cao tuổi tại đó, chẳng hạn như khi có bác sĩ đến các cơ sở này để tiêm chủng. Theo bộ y tế, việc này sẽ giúp ngăn xuất hiện lây nhiễm theo cụm tại các cơ sở này. Một trong các điều kiện là tại cơ sở phải có bác sĩ theo dõi hằng ngày sức khỏe của người cao tuổi tại đây.

Điều này nhằm mục đích đảm bảo sẽ luôn có người theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi sau khi tiêm được vắc-xin, thay cho nhân viên của các cơ sở, là những người cũng sẽ được tiêm vắc-xin.

Sẽ chỉ tiêm vắc-xin cho những người có nguyện vọng. Đối với người cao tuổi, nhiều trường hợp sẽ khó quyết định liệu họ có muốn tiêm vắc-xin hay không. Khi đó, bộ y tế yêu cầu hỏi ý kiến người thân và bác sĩ trước khi quyết định xem có tiêm vắc-xin cho họ hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/2/2021).

Câu hỏi 175: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 5: Quy trình tiêm chủng

Trả lời:
Khi tiêm chủng được tiến hành hàng loạt, người đến tiêm cần nộp cho bộ phận tiếp đón phiếu tiêm chủng được chính quyền địa phương gửi tới nhà trước đó. Lưu ý cần đem theo giấy tờ tùy thân như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm...

Tiếp đó, người đến tiêm phải điền vào bảng câu hỏi về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý của mình. Các bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định xem có thể tiêm vắc-xin hay không.

Nếu như không có vấn đề gì thì có thể được tiêm vắc-xin sau bước này. Dự kiến sẽ mất khoảng 2 phút để tiêm cho mỗi người.

Sau khi tiêm, mỗi người sẽ nhận được giấy chứng nhận ghi rõ ngày tiêm và tên của loại vắc-xin mà họ đã được tiêm. Giấy chứng nhận này cần thiết khi đi tiêm liều thứ hai.

Điều quan trọng là mọi người không được về nhà ngay sau khi tiêm vắc-xin. Bộ y tế yêu cầu sau khi tiêm phải ở lại một khu vực đặc biệt tại điểm tiêm chủng hơn 15 phút để được theo dõi tình trạng.

Theo báo cáo của các thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài, một số người sau khi tiêm những loại vắc-xin sẽ được dùng ở Nhật Bản đã xuất hiện các triệu chứng như đau đầu hoặc mệt mỏi sau khi tiêm vắc-xin. Tại Mỹ và một số nơi khác trên thế giới cũng ghi nhận các trường hợp sốc phản vệ hiếm gặp liên quan đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc-xin.

Trạm cấp cứu cũng sẽ được thiết lập tại các điểm tiêm chủng để có thể xử lý kịp thời bất kỳ trường hợp nào cảm thấy không khỏe sau khi tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/2/2021).

Câu hỏi 174: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 4: Thủ tục và địa điểm tiêm chủng

Trả lời:
Chính quyền các địa phương sẽ triển khai tiêm chủng theo hướng dẫn của chính quyền trung ương. Những ai có nguyện vọng tiêm vắc-xin sẽ được tiêm tại địa phương nơi đăng ký cư trú. Trong trường hợp ngoại lệ, những người làm việc ở xa nhà hoặc đang phải nằm viện sẽ được phép tiêm vắc-xin ở nơi khác.

Để được tiêm vắc-xin, người dân cần có phiếu tiêm chủng do chính quyền địa phương gửi đến nhà qua đường bưu điện. Người dân cần đem theo phiếu này đến các điểm tiêm chủng để được tiêm miễn phí.

Tuy nhiên, mọi người cần đặt lịch hẹn qua điện thoại hoặc các phương tiện khác trước khi đi tiêm vắc-xin. Địa điểm tiêm chủng sẽ là các cơ sở y tế, nhà văn hóa hoặc các nhà thể chất. Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn quy trình tiêm chủng cụ thể.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/2/2021).

Câu hỏi 173: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 3: Vắc-xin có hiệu quả bao lâu?

Trả lời:
Hiện tại, có nhiều loại vắc-xin COVID-19 đang được phát triển tại Nhật Bản cũng như ở nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa rõ vắc-xin có thể có công hiệu trong bao lâu, do việc thử nghiệm lâm sàng cũng như tiêm vắc-xin trên thực tế ở nước ngoài chỉ vừa mới bắt đầu.

Theo bộ y tế Nhật Bản, vắc-xin có thể cũng có tác dụng đối với biến thể mới của vi-rút corona. Bộ cho biết nói chung vi-rút thường biến đổi liên tục, và ít khả năng những đột biến nhỏ làm mất đi hiệu quả của vắc-xin.

Kết quả của một số cuộc thử nghiệm cho thấy những người được tiêm vắc-xin của Pfizer hay của các hãng khác vẫn có kháng thể giúp chống lại các biến thể của vi-rút corona. Giới chức cho biết sẽ kiểm chứng hiệu quả và tính an toàn của vắc-xin, bao gồm cả hiệu quả đối với các biến thể, trong các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành tại Nhật Bản.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/2/2021).

Câu hỏi 172: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 2: Vì sao cần tiêm vắc-xin?

Trả lời:
Việc tiêm vắc-xin nhằm cung cấp khả năng miễn dịch hoặc giúp tăng cường hệ miễn dịch cho con người. Tiêm vắc-xin được cho là sẽ giúp ngăn xuất hiện các triệu chứng hoặc ngăn bệnh trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc tiêm vắc-xin còn được cho là có tác dụng kiềm chế dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.

Theo bộ y tế Nhật Bản, kết quả từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài cho thấy vắc-xin ngừa vi-rút corona chủng mới có hiệu quả trong việc ngăn bệnh trở nặng hoặc ngăn xuất hiện các triệu chứng, chẳng hạn như sốt.

Nếu tiêm chủng cho nhiều người có thể giúp giảm số bệnh nhân nặng và số ca tử vong, hệ thống y tế cũng sẽ được giảm bớt gánh nặng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/2/2021).

Câu hỏi 171: Tiêm chủng vắc-xin – Phần 1: Tiêm chủng cho người nước ngoài ở Nhật Bản

Trả lời:
Người nước ngoài sống ở Nhật Bản có thể được tiêm vắc-xin phòng ngừa vi-rút corona tại địa phương đăng ký cư trú.

Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu từ 17/2. Nhân viên y tế sẽ là đối tượng được ưu tiên tiêm trước, sau đó mở rộng ra cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và các đối tượng khác. Người cao tuổi dự kiến sẽ bắt đầu được tiêm vắc-xin trong tháng 4.

Về địa điểm tiêm chủng, các điểm tiêm vắc-xin về cơ bản sẽ được bố trí tại cơ quan chính quyền địa phương nơi người dân đăng ký cư trú.

Chính phủ dự kiến sẽ gửi phiếu tiêm chủng đến các hộ dân. Vắc-xin sẽ được tiêm miễn phí.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/2/2021).

Câu hỏi 170: Hỗ trợ tài chính của chính phủ cho người lao động – Phần 2: Cách thức đăng ký

Trả lời:
Chúng tôi giới thiệu phần cuối trong loạt 2 bài về việc chính phủ hỗ trợ tài chính cho người lao động bị buộc phải nghỉ làm do đại dịch COVID-19. Chúng tôi xin giới thiệu cách thức đăng kí và địa chỉ liên hệ để biết thêm thông tin.

Chương trình này dành cho những người làm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bị chủ lao động yêu cầu nghỉ làm vì dịch bệnh và không được trả trợ cấp đúng theo luật định. Thực tập sinh kĩ năng làm việc trong các công ty như vậy cũng là đối tượng của chương trình.

Họ có thể nhận được 80% mức lương trước khi bị bắt nghỉ với mức trợ cấp tối đa là 11.000 yên/ngày trong khoảng thời gian không được đi làm, tính từ tháng 4/2020. Chương trình sẽ được áp dụng đến hết tháng tiếp theo của tháng mà tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Đến ngày 21/1, chính phủ đã chấp nhận gần 810.000 đơn đăng ký và quyết định chi trả trợ cấp với tổng giá trị hơn 63,6 tỷ yên. Người lao động hoặc công ty đều có thể đăng ký nhận hỗ trợ, qua thư hoặc qua mạng Internet.

Trang web của bộ lao động có đăng thông tin hướng dẫn đăng ký bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung. Trang web của Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) có thông tin này bằng tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Tagalog, tiếng Indonesia, tiếng Thái, tiếng Anh, tiếng Campuchia và tiếng Miến Điện.

Bộ lao động có một dịch vụ miễn phí để giải đáp qua điện thoại các câu hỏi về chương trình nhưng chỉ có tiếng Nhật. Số điện thoại là 0120-221-276. Thời gian hoạt động từ 8 giờ 30 phút sáng đến 8 giờ tối từ thứ Hai đến thứ Sáu, và từ 8 giờ 30 phút sáng đến 5 giờ 15 phút chiều vào cuối tuần và ngày lễ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/1/2021).

Câu hỏi 169: Hỗ trợ tài chính của chính phủ cho người lao động – Phần 1: Thời hạn

Trả lời:
Chúng tôi giới thiệu phần đầu trong loạt 2 bài về việc chính phủ hỗ trợ tài chính cho người lao động bị buộc phải nghỉ làm do đại dịch COVID-19.

Trước đây, Bộ lao động từng nói rằng những ai phải nghỉ làm do bùng phát dịch bệnh và không được chủ lao động trả tiền trợ cấp đúng theo quy định thì sẽ đủ điều kiện để được chính phủ hỗ trợ cho đến ngày 28/2. Tuy nhiên hiện nay, theo các quan chức, chương trình hỗ trợ này sẽ được kéo dài đến cuối tháng tiếp theo của tháng mà tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Luật tiêu chuẩn lao động Nhật Bản nêu rõ rằng các doanh nghiệp phải trả ít nhất 60% tiền lương khi họ yêu cầu nhân viên nghỉ làm vì lý do từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số công ty không trả được khoản này do kinh doanh thua lỗ hoặc các lý do khác. Bộ kêu gọi người lao động hãy đăng ký chương trình hỗ trợ nếu điều đó xảy ra.

Chương trình dành cho đối tượng là người lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bị buộc phải nghỉ làm trong một khoảng thời gian nhất định kể từ tháng 4/2020. Họ có thể nhận được 80% mức lương trước khi nghỉ và tối đa là 11.000 yên/ngày.

Việc đăng ký chương trình này có thể do người lao động hoặc công ty thực hiện. Các quan chức của bộ lao động kêu gọi người lao động nộp đơn đăng ký ngay cả khi chủ thuê lao động tỏ ra bất hợp tác.

Trong số tiếp theo, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách đăng ký và địa chỉ liên hệ để biết thêm thông tin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/1/2021).

Câu hỏi 168: Tầm nhìn của WHO về vấn đề tiêm chủng – Phần 7: Có nên tiêm vắc-xin của Pfizer cho người từ 15 tuổi trở xuống?

Trả lời:
Giám đốc chương trình tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Kate O’Brien đã có phát biểu về vấn đề này tại một buổi họp báo trực tuyến hôm 7/1.

Bà cho biết, nói chung ủy ban không khuyến cáo tiêm vắc-xin cho đối tượng dưới 16 tuổi do WHO hiện không có dữ liệu về nhóm tuổi này.

Cho đến nay, các thử nghiệm lâm sàng thường không bao gồm đối tượng dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu đang được tiến hành nhằm tìm hiểu hiệu quả của vắc-xin với người trong độ tuổi từ 12 đến 16. Do đó chúng ta sẽ có nhiều thông tin hơn trong thời gian tới.

Nhưng bà cũng nói đối với trẻ có bệnh nền nghiêm trọng hoặc dễ xảy ra biến chứng nếu bị nhiễm vi-rút, các nhân viên y tế phụ trách tiêm vắc-xin có thể quyết định xem có nên tiêm hay không sau khi bàn bạc với gia đình các em. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh nói chung, WHO không khuyến cáo tiêm vắc-xin cho người dưới 16 tuổi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/1/2021).

Câu hỏi 167: Tầm nhìn của WHO về vấn đề tiêm chủng – Phần 6: Vắc-xin có tác dụng miễn dịch trong bao lâu?

Trả lời:
Giám đốc chương trình tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Kate O’Brien đã có phát biểu về vấn đề này tại một buổi họp báo trực tuyến hôm 7/1.

Bà cho biết thử nghiệm lâm sàng vắc-xin đã bắt đầu từ mùa xuân năm ngoái, và việc tiêm chủng hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu. Bà nói có thể biết được vắc-xin có tác dụng miễn dịch trong bao lâu thông qua việc tiếp tục theo dõi những người đã từng tham gia thử nghiệm lâm sàng. Do đó, hiện tại WHO vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Theo bà O’Brien, WHO kỳ vọng, đồng thời cũng dự đoán, vắc-xin sẽ có tác dụng miễn dịch lâu dài. Bà cũng cho biết WHO hiện đang theo dõi những người bị nhiễm vi-rút COVID-19 một cách tự nhiên. Các trường hợp như vậy có thể giúp cung cấp thông tin về việc liệu miễn dịch tự nhiên có thể kéo dài trong bao lâu, từ đó có thể được áp dụng cho miễn dịch do vắc-xin. Bà nhắc lại rằng hiện vẫn còn quá sớm để kết luận về việc miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/1/2021).

Câu hỏi 166: Tầm nhìn của WHO về vấn đề tiêm chủng – Phần 5: Có thể tiêm chủng mũi thứ nhất và mũi thứ hai bằng các loại vắc-xin khác nhau hay không ?

Trả lời:
Giám đốc chương trình tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Kate O’Brien đã có phát biểu về vấn đề này tại một buổi họp báo trực tuyến hôm 7/1.

Bà cho biết hiện các nước đang bắt đầu đưa vào sử dụng một số loại vắc-xin. Bà thừa nhận WHO không có dữ liệu về việc trộn lẫn hay sử dụng phối hợp các loại vắc-xin khác nhau. Tuy nhiên, bà nói nếu một người được tiêm mũi thứ nhất bằng vắc-xin của Pfizer thì cũng nên được tiêm mũi thứ 2 bằng vắc-xin cùng loại. WHO được biết tại một số nước, các loại vắc-xin khác nhau được dùng cho mũi tiêm thứ nhất và thứ hai. Theo bà O’Brien, đây là một vấn đề rất quan trọng mà WHO sẽ ưu tiên nghiên cứu để sớm đưa ra khuyến cáo.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/1/2021).

Câu hỏi 164: Tầm nhìn của WHO về vấn đề tiêm chủng – Phần 4: Những người đã bình phục sau khi nhiễm vi-rút có cần tiêm vắc-xin hay không?

Trả lời:
Chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Alejandro Cravioto, đã phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến hôm 7/1.

Ông cho biết đây là một trong những điều mà WHO đặc biệt khuyến cáo. Theo WHO, không nên loại trừ ra khỏi danh sách đối tượng được tiêm vắc-xin những người đã từng mắc COVID-19, được chẩn đoán bằng xét nghiệm PCR hay xét nghiệm kháng thể. Ông Cravioto lưu ý rằng hiện vẫn chưa rõ các hiệu quả tự nhiên từ kháng thể sau khi nhiễm vi-rút giúp ngăn không tái nhiễm có thể kéo dài trong bao lâu. Một tài liệu công bố hôm 6/1 cho biết hiệu quả bảo vệ này có thể kéo dài đến 8 tháng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đủ dữ liệu để cho rằng những người từng bị nhiễm thì không cần tiêm vắc-xin.

Ông cũng cho biết, nếu một người đã từng nhiễm vi-rút muốn chờ cho những người có nguy cơ cao được tiêm trước thì điều này phụ thuộc vào quyết định của mỗi cá nhân.

Ngoài ông Cravioto, giám đốc chương trình tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của WHO, bà Kate O’Brien cũng phát biểu.

Bà cho biết các nước trên thế giới chỉ mới bắt đầu chương trình tiêm chủng và đang nỗ lực phân phối vắc-xin cho những đối tượng được ưu tiên nhất. Trong khi đó, ít có khả năng một người từng nhiễm vi-rút bị tái nhiễm trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, WHO không cho rằng là không cần tiêm vắc-xin hoặc hoãn tiêm vắc-xin cho các đối tượng này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/1/2021).

Câu hỏi 163: Tầm nhìn của WHO về vấn đề tiêm chủng – Phần 3: Những người có tiền sử bệnh lý có nên tiêm vắc-xin?

Trả lời:
Chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Alejandro Cravioto, đã phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến hôm 7/1.

Ông Cravioto nói việc một người có nên tiêm vắc-xin hay không phụ thuộc vào tiền sử bệnh lý của người đó. Rõ ràng rằng nếu một người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ loại vắc-xin nào thì không nên tiêm vắc-xin vi-rút corona. Tuy nhiên, nếu một người chỉ bị dị ứng với loại thức ăn hay sản phẩm nào đó thì không cần phải chống chỉ định tiêm vắc-xin. Ông cũng khuyến cáo nên tiêm vắc-xin ở các cơ sở có thể xử lý các ca phản ứng nặng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Sau phát biểu của ông Cravioto, giám đốc chương trình tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của WHO, bà Kate O’Brien, cũng có bài phát biểu.

Bà O’Brien nói những người có bệnh nền, chẳng hạn như bệnh về tim, phổi, bệnh tiểu đường hay béo phì được xếp vào nhóm dễ có triệu chứng nặng nếu bị nhiễm COVID-19. Bà cho biết những người có bệnh lý nền thật sự là những người rất cần được chủng ngừa.

Theo bà O’Brien, hiện vẫn chưa có dữ liệu cho thấy liệu vắc-xin có gây ra nguy cơ nào cho phụ nữ đang mang thai hay không. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh không có lý do gì để cho rằng vắc-xin gây hại cho phụ nữ mang thai hay bào thai. Bà đề nghị những phụ nữ đang mang thai nằm trong nhóm được khuyến nghị tiêm vắc-xin, đặc biệt là nhân viên y tế, cần bàn bạc với cơ sở tiêm vắc-xin và thảo luận về nguy cơ nhiễm COVID-19. Nếu khả năng lây nhiễm cao thì nên tiêm vắc-xin. Bà cho biết thêm rằng những người nhiễm HIV cùng với những người có nguy cơ cao chuyển biến nặng nếu nhiễm COVID-19 cũng nên được tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/1/2021).

Câu hỏi 162: Tầm nhìn của WHO về vấn đề tiêm chủng – Phần 2: Vắc-xin có công hiệu với biến thể mới của vi-rút hay không?

Trả lời:
Thế giới đang chứng kiến sự lây lan của các chủng vi-rút corona đột biến. Bà Kate O’Brien, giám đốc chương trình tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu về vấn đề trên tại buổi họp báo trực tuyến vào ngày 7/1.

Theo bà O’Brien, trong quá trình bào chế và thử nghiệm, hiệu quả của các loại vắc-xin đối với nhiều biến thể khác nhau của vi-rút đã được đánh giá.

Bà cho biết vi-rút biến đổi theo thời gian và đây là điều hết sức bình thường. Theo bà, vấn đề ở đây là liệu vi-rút có thay đổi theo hướng làm ảnh hưởng đến bản thân căn bệnh hoặc cách thức điều trị, hay như trong trường hợp này là ảnh hưởng đến vắc-xin hay không.

Bà O’Brien cho biết hiện chúng ta đang nghe nói tới sự bùng phát của một số biến thể ở nhiều nơi trên thế giới, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây lan. Công tác đánh giá xem liệu các loại vắc-xin hiện nay có hiệu quả đối với các biến thể mới hay không vẫn đang được tiến hành.

Tuy nhiên, bà nói rằng điều chúng ta biết khá chắc chắn là cần tiến hành tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Bà nói những biến đổi của vi-rút mà chúng ta đã quan sát được dường như không ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả của vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/1/2021).

Câu hỏi 161: Tầm nhìn của WHO về vấn đề tiêm chủng – Phần 1: Đánh giá tình hình toàn cầu

Trả lời:
Giám đốc chương trình tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Kate O’Brien đã phát biểu tại một buổi họp báo trực tuyến vào ngày 7/1.

Bà cho biết: “Mọi thứ đang thay đổi hằng ngày. Chúng ta đang ở tại thời điểm chứng thực được một số loại vắc-xin thật sự có hiệu quả.”

Bà nói: “Một số loại vắc-xin đã được cấp phép ở nhiều nước và hiện đang được phân phối, chủ yếu là ở các nước thu nhập cao.” Hy vọng vắc-xin cũng sẽ sớm có mặt tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo bà O’Brien, hiện có ít nhất 3 loại vắc-xin đã được các cơ quan quản lý kiểm định. Đây là các cơ quan có tiêu chuẩn cao nhất trong việc xem xét dữ liệu từ vắc-xin. Bà cho biết các cơ quan này đánh giá vắc-xin dựa trên các dữ liệu về độ an toàn, hiệu quả và chất lượng sản xuất. Hiện tại, vắc-xin của AstraZeneca, Moderna và Pfizer đã được ít nhất một trong các cơ quan quản lý có tiêu chuẩn cao nhất cấp phép.

Bên cạnh đó, bà O’Brien cho biết cũng có một số loại vắc-xin khác đã công bố hiệu quả và đang trong quá trình kiểm định dữ liệu. Trong số này có các loại vắc-xin của Trung Quốc do Sinopharm và Sinovac bào chế, và vắc-xin của Nga do Gamaleya phát triển.

Bà O’Brien nói điều quan trọng nhất là: “Hiện có một lượng lớn vắc-xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người, và chúng ta sẽ tiếp tục được chứng kiến một thị trường tương đối sôi động trong thời gian tới đây.” Bà cũng cho biết cơ quan quản lý sẽ “xác nhận xem các dữ liệu này có đáp ứng đủ điều kiện để vắc-xin được cấp phép sử dụng rộng rãi hay không.”

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/1/2021).

Câu hỏi 160: Tình trạng khẩn cấp – Phần 9: Chính phủ cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực đến hết ngày 7/2. Vậy sau đó sẽ như thế nào?

Trả lời:
Ông Omi Shigeru, trưởng ban chuyên gia của chính phủ phụ trách ứng phó vi-rút corona chủng mới, đã đề cập đến vấn đề này tại phiên họp của Uỷ ban Thượng viện vào ngày 14/1. Ông nói nếu vào những ngày trước 7/2, số ca nhiễm giảm xuống như mong đợi, các biện pháp được thực hiện thể theo tình trạng khẩn cấp sẽ dần dần được nới lỏng. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng nếu số ca nhiễm mới vẫn không thay đổi hoặc tăng nhẹ hay chỉ giảm với mức độ rất vừa phải, điều đó có nghĩa là tình trạng khẩn cấp hiện nay chưa đủ và cần các biện pháp mạnh hơn để phòng ngừa lây nhiễm.

Theo ông Omi, các chuyên gia sẽ theo dõi tình hình lây nhiễm để đánh giá hiệu quả của các biện pháp hiện nay. Ông cho biết đánh giá này có thể được sử dụng để quyết định cụ thể các biện pháp mạnh hơn sẽ áp dụng. Ông nói rằng có khả năng một biện pháp sẽ là yêu cầu các doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động. Ông Omi cho biết trong khi phân tích tình hình lây nhiễm, ban chuyên gia sẽ giả định kịch bản rằng tình trạng khẩn cấp hiện nay không đem lại kết quả như mong đợi và thảo luận các biện pháp bổ sung cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/1/2021).

Câu hỏi 159: Tình trạng khẩn cấp – Phần 8: Chúng ta nên làm gì khi có lịch tiêm chủng và kiểm tra sức khỏe định kỳ trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp?

Trả lời:
Bộ y tế khuyến cáo trên trang web của mình cũng như ở những nơi khác rằng nếu mọi người hạn chế quá mức việc đến cơ sở y tế thì có thể làm gia tăng những rủi ro về sức khỏe. Cụ thể, nếu không tiêm chủng cho trẻ nhỏ đúng theo độ tuổi được quy định có thể khiến trẻ có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bộ y tế cũng kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em mình đi kiểm tra sức khỏe định kỳ vì đây là cơ hội quý báu để nhận được lời khuyên của các chuyên gia về sự phát triển của trẻ. Bộ còn khuyến nghị người dân nên đi khám tầm soát ung thư định kỳ vì ung thư ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng.

Theo bộ y tế, các cơ sở y tế và điểm kiểm tra sức khỏe đều thực hiện triệt để các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như khử trùng và thông khí. Do đó, bộ khuyên mọi người dù đang trong đại dịch vẫn nên tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế thông qua xin tư vấn bác sĩ gia đình và các chuyên gia khác, thay vì tự ý hạn chế thăm khám.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/1/2021).

Câu hỏi 158: Tình trạng khẩn cấp – Phần 7: Tại sao số người đi ra ngoài không giảm xuống giống hồi ban bố tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên?

Trả lời:
Ngày 10/1 là Chủ Nhật đầu tiên kể từ khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp được ban hành. Dữ liệu lớn cho thấy số người đi đến những khu thương mại trung tâm lớn ở Tokyo vào buổi tối đã giảm xuống so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thời gian tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi năm ngoái.

Ông Wada Koji, giáo sư về an toàn vệ sinh cộng đồng thuộc trường Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, nói rằng để kiểm soát được sự lây lan của vi-rút, phải giảm bớt tiếp xúc giữa người với người, nhưng dường như công chúng đang hiểu thông điệp trong tuyên bố tình trạng khẩn cấp là kêu gọi mọi người không đi ra ngoài sau 8 giờ tối. Ông Wada nói rằng có khả năng tình trạng khẩn cấp sẽ bị kéo dài nếu sự di chuyển của người dân và cơ hội tiếp xúc giữa mọi người không giảm xuống.

Thêm vào đó, ông Wada nói rằng điều quan trọng là phải đặt ra các mục tiêu cụ thể, ví dụ như mọi người cần giảm tiếp xúc xuống đến mức nào. Ông nói rằng chính quyền trung ương và địa phương nên theo dõi tình hình trong khoảng 2 đến 3 tuần và sau đó đánh giá tình hình. Nếu tình trạng lây nhiễm không được kiểm soát thì họ cần phải giải thích để thuyết phục người dân giảm mức độ tiếp xúc. Ông nói rằng ông vẫn tin có nhiều người đang thực hiện các biện pháp để phòng tránh dịch bệnh, nhưng để tình trạng khẩn cấp có hiệu quả thì mỗi người đều phải nhớ lại lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp của năm ngoái và suy nghĩ lại về các hành động của mình.

Câu hỏi 157: Tình trạng khẩn cấp – Phần 6: Nguyên nhân đằng sau tình trạng gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản là gì?

Trả lời:
Giáo sư Oshitani Hitoshi thuộc đại học Tohoku là một thành viên trong ban chuyên gia cố vấn của chính phủ. Ông phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 8/1 rằng tình trạng bùng phát ca nhiễm mới gần đây là rất bất bình thường và các chuyên gia cần phải phân tích chi tiết dữ liệu để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng vọt này. Ví dụ như số ca nhiễm mới ở Tokyo đã vượt qua con số 2.000 vào ngày 7 và 8/1.

Ông Oshitani nói rằng số ca nhiễm mới nhất, ví dụ như sự bùng nổ ca nhiễm mới ở Tokyo ngày 31/12 vừa qua, là bất bình thường nếu xét về dịch tễ học. Ông nói rằng số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Tokyo vẫn chưa lên đến con số 1.000 hồi cuối tháng 12 lại vọt lên hơn 2.000 chỉ trong vòng khoảng 10 ngày.

Các ca nhiễm mới ở độ tuổi 18 đến 39 đang tăng lên không chỉ ở Tokyo mà còn cả ở Osaka. Ông Oshitani nói rằng điều này một phần là do nhiều người ra đường chơi vào dịp cuối năm và năm mới. Ông cũng nói thêm rằng kết quả xét nghiệm được thực hiện trong các ngày nghỉ lễ có thể đã được báo cáo gộp vào sau đợt nghỉ. Nhưng giáo sư còn phỏng đoán một lý do khác. Ông nói rằng những người trẻ tuổi trước đó vốn ngại không muốn xét nghiệm đã quyết định đi xét nghiệm sau khi có tin về cái chết của một nghị sĩ hồi cuối năm cũng như thông tin về những người tử vong khi đang cách ly tại nhà.

Ông Oshitani kết luận rằng các chuyên gia phải nghiên cứu bản chất đằng sau sự bùng phát dịnh bệnh và phân tích các nguyên nhân này.

Câu hỏi 156: Tình trạng khẩn cấp – Phần 5: Tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần này, với trọng tâm là yêu cầu các cửa hàng ăn uống rút ngắn thời gian kinh doanh, liệu có hiệu quả ra sao?

Trả lời:
Một trong các điểm gây tranh cãi là làm thế nào để đảm bảo hiệu quả của yêu cầu kiểu như vậy. Yêu cầu đối với những cơ sở ăn uống này sẽ do thống đốc các địa phương ban hành.

Chính phủ dự định sẽ cho phép công khai tên của những cơ sở không tuân thủ yêu cầu, cũng như tăng cường hỗ trợ tài chính cho các cơ sở tuân thủ đúng yêu cầu này.

Các sửa đổi dự kiến áp dụng cho luật biện pháp đặc biệt bao gồm hỗ trợ tài chính cho các cơ sở kinh doanh tuân theo yêu cầu, đồng thời phạt các cơ sở không tuân thủ. Giới chức hy vọng rằng các nội dung sửa đổi sẽ nhanh chóng được thông qua trong kỳ họp thường kỳ của Quốc hội diễn ra trong tháng này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/1/2021).

Câu hỏi 155: Tình trạng khẩn cấp – Phần 4: Trọng tâm của tình trạng khẩn cấp lần này là gì?

Trả lời:
Vào ngày 5/1, ban chuyên gia của Chính phủ Nhật Bản phụ trách vấn đề vi-rút corona đã soạn thảo các đề xuất về tình trạng khẩn cấp. Họ nhấn mạnh sự khẩn thiết của việc làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ở các cửa hàng ăn uống.

Ban chuyên gia đưa ra đề xuất dựa trên báo cáo của một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford và một số khác đăng trên tạp chí khoa học Nature vào cuối tháng 11 năm ngoái.

Dựa trên một mô hình toán học, nhóm này đã xem xét dữ liệu điện thoại di động của khoảng 98 triệu người tại các thành phố lớn ở Mỹ từ tháng 3 cho đến tháng 5 năm ngoái. Mục đích của việc này là để xem vi-rút dễ lây lan ở những nơi nào.

Nhóm kiểm tra xem những cửa hàng nào có nguy cơ cao hơn khi mở cửa trở lại sau quá trình đóng cửa tạm thời. Họ phát hiện ra rằng nguy cơ lây nhiễm cao nhất là ở các nhà hàng phục vụ đầy đủ các dịch vụ. Tiếp theo là phòng tập thể hình, quán cà phê và khách sạn.

Nhóm nói rằng so với các nơi khác, nguy cơ ở các nhà hàng là cao hơn vì phải tiếp đón nhiều khách hàng và khách có thể nán lại lâu.

Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu cũng đồng thời gợi ý cách cải thiện môi trường trong các nhà hàng để phòng tránh lây nhiễm khi mở cửa trở lại. Nhóm nói rằng các nhà hàng và các cửa hiệu khác có thể giảm lượng lây nhiễm đến 80% bằng cách giới hạn số khách hàng có mặt cùng lúc xuống còn 20% sức chứa tổng lượng khách.

Nhóm chỉ ra rằng việc giới hạn số người trong cửa hàng có hiệu quả cao hơn việc đặt ra quy định giới hạn di chuyển.

Ban chuyên gia của chính phủ nói rằng dựa trên báo cáo này cũng như những đánh giá khác về các cụm lây nhiễm xuất hiện ở Nhật Bản, họ kết luận rằng các cửa hàng ăn uống là những nơi trọng yếu mà chính phủ cần phải tập trung các biện pháp phòng dịch.

Điều này không có nghĩa là các địa điểm khác thì không cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Nguy cơ lây nhiễm được cho là gia tăng mỗi khi mọi người tụ tập và ăn uống. Trong khi ăn, mọi người sẽ tháo bỏ khẩu trang và thường hay trò chuyện.

Nếu trong bữa ăn có đồ uống có cồn, mọi người thường sẽ trò chuyện lớn tiếng hơn và trở nên bất cẩn hơn đối với việc phòng ngừa vi-rút.

Vì vậy, đối với dịch COVID-19, người ta cho rằng việc quan trọng nhất là làm giảm nguy cơ lây nhiễm ở cửa hàng ăn uống và những nơi khác mà mọi người tụ tập ăn uống.

Câu hỏi 154: Tình trạng khẩn cấp – Phần 3: Tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng thế nào đến trường học và các kì thi đầu vào?

Trả lời:
Bộ trưởng Giáo dục Hagiuda Koichi đã tổ chức họp báo vào ngày 5/1 để giải thích về các biện pháp sẽ được áp dụng.

Ông nói rằng bộ giáo dục không xem xét đến việc yêu cầu đóng cửa toàn bộ các trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Ông nói rằng tỉ lệ ca nhiễm và ca bệnh nặng ở trẻ em phổ thông cho đến nay vẫn ở mức thấp, và không có trường hợp lây nhiễm từ trường học ra cộng đồng. Ông nói rằng nên tránh đóng cửa trường học, dựa trên xem xét tác động đối với việc học cũng như sức khoẻ tinh thần và thể chất của các em.

Đối với trường đại học, ông yêu cầu các trường thực hiện kết hợp các giờ giảng trực tiếp và qua mạng.

Nhưng ông cũng hối thúc tăng cường các biện pháp phòng tránh lây nhiễm ở các câu lạc bộ của trường. Ông yêu cầu các trường, đặc biệt là trường cấp 3 xem xét tạm thời hạn chế các hoạt động câu lạc bộ có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bộ trưởng giáo dục nói rằng kì thi chuẩn hoá để xét tuyển vào đại học vẫn sẽ được tiến hành vào ngày 16/1 như dự kiến với các biện pháp phòng dịch chặt chẽ. Hơn 530.000 thí sinh trên khắp Nhật Bản sẽ tham dự kì thi này.

Ông cũng đồng ý để các sở giáo dục địa phương được tiến hành các kì thi đầu vào cấp 1, cấp 2 và cấp 3 đúng theo kế hoạch.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/1/2021).

Câu hỏi 153: Tình trạng khẩn cấp – Phần 2: Lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp đầu tiên có hiệu quả đến mức nào?

Trả lời:
Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên vào ngày 7/4/2020 đối với Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka, dựa trên luật đặc biệt về ứng phó vi-rút corona. Đến ngày 16/4, phạm vi tuyên bố tình trạng khẩn cấp được mở rộng ra toàn quốc.

Trong khoảng thời gian này, chính quyền kêu gọi người dân giảm ít nhất 70% tiếp xúc giữa người với người, và giảm 80% nếu có thể, dựa trên lời khuyên từ ban chuyên gia của chính phủ.

Thống đốc các địa phương trong phạm vi tuyên bố tình trạng khẩn cấp có thể yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài, trừ những trường hợp tối cần thiết, và hợp tác với chính quyền để phòng tránh lây nhiễm. Các thống đốc còn có thể yêu cầu hạn chế sử dụng các cơ sở thường có đông người tụ tập.

Ở các khu vực mà tình trạng lây nhiễm lan rộng, chính quyền đề nghị người dân làm việc từ xa hết mức có thể và hạn chế ra ngoài, trừ khi đi mua sắm hoặc đi khám chữa bệnh.

Điều này đã dẫn tới việc đóng cửa tạm thời các quán bar, nhà hàng, rạp hát, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, khách sạn, viện bảo tàng, thư viện v.v... cũng như huỷ, hoãn một loạt các sự kiện. Các trường học trên cả nước đã đóng cửa từ tháng 3 và phần lớn vẫn tiếp tục đóng cửa sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Kết quả của các biện pháp này là số người đi tới trung tâm Tokyo giảm hơn 60% vào ngày thường và khoảng 80% vào ngày cuối tuần so với tháng 1 năm 2020.

Số ca nhiễm mới trong ngày ở Nhật Bản đạt đỉnh vào khoảng 700 ca hồi giữa tháng 4 và bắt đầu giảm xuống. Tình trạng khẩn cấp cũng được dỡ bỏ dần theo từng khu vực. Tình trạng khẩn cấp cuối cùng được dỡ bỏ ở Hokkaido, Tokyo và 3 tỉnh lân cận vào ngày 25/5. Ngày hôm đó, có 21 ca nhiễm mới được xác nhận.

Câu hỏi 152: Tình trạng khẩn cấp – Phần 1: Tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản là gì?

Trả lời:
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là biện pháp dựa trên một luật đặc biệt để ứng phó vi-rút corona chủng mới. Thủ tướng có thể đưa ra tuyên bố này nếu vi-rút lây lan nhanh trên khắp cả nước và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng người dân hoặc nền kinh tế. Thời gian và khu vực áp dụng tình trạng khẩn cấp có thể được chỉ định cụ thể.

Thống đốc ở các địa phương được chỉ định có thể yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài và hợp tác với chính quyền để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Việc này không bao gồm những trường hợp cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người dân.

Các thống đốc sẽ có thể yêu cầu hay chỉ đạo trường học đóng cửa, hoặc hạn chế việc sử dụng các cơ sở như trung tâm mua sắm, là nơi có đông người tụ tập. Họ cũng có quyền được trưng dụng đất và nhà cửa để làm cơ sở y tế tạm thời mà không cần sự đồng ý của người chủ sở hữu, nếu những hành động như vậy là đặc biệt cần thiết.

Ở tình huống khẩn cấp, thống đốc có thể yêu cầu hoặc chỉ đạo các công ty vận tải thực hiện việc vận chuyển thuốc men, thiết bị và vật tư y tế cần thiết.

Tháng 4 năm ngoái, cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 7 địa phương, bao gồm thủ đô Tokyo và các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Sau đó, tình trạng khẩn cấp được mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

Câu hỏi 151: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 12: Trẻ em có nên tránh ra ngoài chơi với bạn bè hay không?

Trả lời:
Các chuyên gia nói rằng trẻ em không cần phải tránh ra ngoài chơi với bạn bè, miễn là các em thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Chơi cũng là một phần quan trọng trong việc phát triển tinh thần và thể chất của trẻ. Vì vậy, nếu thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thì vẫn có thể để cho các em ra ngoài chơi với bạn.

Khi bạn lên kế hoạch đi chơi trong thời gian trường học được nghỉ, hãy nhớ kiểm tra tình hình lây nhiễm ở nơi bạn sống và nơi bạn định đến. Ngoài ra, hãy kiểm tra kỹ xem chính quyền ở cả hai nơi có yêu cầu hạn chế đi lại hay không.

Người ta tin rằng chơi ngoài trời có ít khả năng lây nhiễm hơn chơi trong nhà. Nhưng bạn vẫn cần chú ý các điểm sau:
- Trẻ em nên tránh ra ngoài chơi nếu chúng có triệu chứng giống như cảm lạnh, ví dụ như đau họng, ho hoặc sốt.
- Trẻ em nên rửa tay sau khi đụng chạm vào những đồ vật bị nhiều người chạm vào.
- Trẻ em nên rửa tay trước khi ăn uống.
- Trẻ em nên tránh ngồi đối diện nhau khi ăn.

Chơi trong nhà có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, vì vậy, cần chú ý các điểm sau đây:
- Hãy đảm bảo rằng không có người nào có dấu hiệu nhiễm bệnh rõ rệt ở gần.
- Hãy đảm bảo rằng xung quanh không có người lớn tuổi hay người có bệnh lý nền.
- Hãy đảm bảo rằng đứa trẻ và cả các thành viên trong gia đình không có các triệu chứng giống như cảm lạnh.
- Chỉ chơi theo nhóm nhỏ.
- Hãy đảm bảo rằng trẻ em chỉ đi chơi khi được cha mẹ cho phép.
- Trẻ em nên rửa tay sau khi đụng chạm vào những đồ vật bị nhiều người chạm vào.
- Trẻ em nên rửa tay trước khi ăn uống.
- Trẻ em nên tránh ngồi đối diện nhau trong khi ăn.
- Hãy đảm bảo thông khí cho chỗ chơi ít nhất 1 tiếng 1 lần.

Nếu bạn sống trong khu vực đang kêu gọi người dân tránh ra ngoài thì hãy đảm bảo trẻ tuân thủ các biện pháp sau:
- Chỉ chơi với anh chị em ruột và các thành viên trong gia đình.
- Khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với người lạ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/12/2020).

Câu hỏi 150: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 11: Liệu cha mẹ có nên giữ trẻ em ở nhà chứ không cho các em đến trường học hay trường mầm non?

Trả lời:
Các chuyên gia nói rằng không có lý do gì để tự ý tránh trường học, trường mầm non hay các cơ sở trông trẻ, trừ khi đứa trẻ cảm thấy không khỏe hoặc đã tiếp xúc gần với một người xét nghiệm dương tính với vi-rút corona.

Ở các khu vực không có tình trạng bùng phát mạnh, nhiều trẻ em nhiễm vi-rút là từ người lớn sống cùng trong nhà, như cha mẹ chẳng hạn. Nhưng cũng có những ca vi-rút lây nhiễm ở nơi mà trẻ em ở gần nhau. Vì vậy, trường học, trường mầm non và các cơ sở trông trẻ có thể đóng cửa trong một khoảng thời gian nhất định nếu một đứa trẻ ở đó được xác định là bị nhiễm vi-rút.

Sẽ có các biện pháp ứng phó khác nhau cần được thực hiện tùy vào tình hình lây lan dịch bệnh, vì vậy, hãy tuân thủ các chỉ dẫn của chính quyền địa phương nơi bạn sinh sống. Nếu trong nhà có ai đó bị nhiễm bệnh, những đứa trẻ sống trong căn nhà đó sẽ được coi là đã tiếp xúc gần với người nhiễm vi-rút. Vì vậy, chúng cần phải ở nhà. Ngoài ra, bộ y tế Nhật Bản cũng khuyến nghị rằng trẻ em nên tránh đến trường học, trường mầm nôn và các cơ sở trông trẻ nếu chúng bị sốt nhẹ hoặc có các triệu chứng giống như cảm lạnh. Điều quan trọng là tất cả mọi người cùng tuân thủ các khuyến nghị này.

Người ta biết rằng trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm bệnh và có triệu chứng thường thải ra một lượng vi-rút tương đối lớn. Người ta cũng biết được rằng nhiều trẻ em không xuất hiện triệu chứng và vi-rút vẫn tiếp tục thải ra qua phân trong một khoảng thời gian dài. Người lớn có nhiều thời gian bên trẻ em cần thực hiện triệt để các biện pháp như thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/12/2020).

Câu hỏi 149: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 10: Với các em nhỏ không đeo được khẩu trang thì cha mẹ nên làm gì?

Trả lời:
Các chuyên gia nói rằng mặc dù đeo khẩu trang là biện pháp hiệu quả để phòng tránh tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn văng ra khi người nhiễm hắt hơi hoặc ho, nhưng việc cho trẻ em dưới 2 tuổi đeo khẩu trang là không thực tế.

Với các trẻ từ 4 đến 5 tuổi, mặc dù còn tùy từng em, nhưng các em nhỏ ở độ tuổi này có thể đeo khẩu trang, và cha mẹ phải dạy các em cách đeo cũng như tháo bỏ khẩu trang sao cho đúng.

Các chuyên gia nói rằng nhiều trẻ em đã nhiễm vi-rút corona từ cha mẹ ngay trong nhà. Để tránh trẻ em bị nhiễm bệnh, cha mẹ cần phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho chính bản thân mình. Nếu một thành viên trong gia đình bị nhiễm bệnh, cần phải duy trì khoảng cách hơn 2 mét với người bị nhiễm đó.

Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay và tiệt trùng đồ vật, vì trẻ em có thể bị lây nhiễm do miệng, mũi, mắt chạm phải đồ chơi hoặc sách đã nhiễm vi-rút.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/12/2020).

Câu hỏi 148: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 9: Liệu các bà mẹ có nên ngừng cho con bú khi phát hiện mình nhiễm vi-rút hay không?

Trả lời:
Các chuyên gia nói rằng các bà mẹ không cần thiết phải ngừng hoàn toàn việc cho con bú ngay cả khi đã dương tính với vi-rút. Họ nói rằng người mẹ có thể lựa chọn việc tiếp tục cho con bú hay không dựa theo tình trạng và mong muốn của mình.

Khi mẹ bị nhiễm vi-rút, có khả năng người mẹ sẽ truyền vi-rút cho con qua tiếp xúc hay ho hắng. Từng có báo cáo nói rằng đã phát hiện gen của vi-rút corona trong sữa mẹ. Tuy nhiên, đến nay, người ta vẫn chưa biết rõ rằng sữa mẹ có chứa vi-rút có thể lây lan hay không. Sữa mẹ có rất nhiều lợi ích cho trẻ và người ta không khuyên các bà mẹ ngừng cho con bú do sợ làm lây bệnh cho con.

Có hai cách để các bà mẹ bị nhiễm bệnh tiếp tục cho con bú. Một là cho con bú trực tiếp, và hai là vắt sữa ra và cho con bú bằng bình.

Trước khi cho con bú trực tiếp, người mẹ nên rửa và sát trùng tay thật kĩ và đeo khẩu trang.

Người mẹ cũng cần phải rửa tay thật sạch, sát trùng tay, vú và bơm hút trước khi hút sữa. Hãy nhờ một người chưa nhiễm bệnh cho sữa đó vào bình và cho trẻ bú.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/12/2020).

Câu hỏi 147: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 8: Có nên hoãn đưa trẻ vào bệnh viện để khám hay phẫu thuật do các bệnh khác không phải vi-rút corona hay không?

Trả lời:
Các chuyên gia nói rằng bạn nên ưu tiên khám và điều trị bệnh cho trẻ và để ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi các em vào viện.

Bệnh viện ở Nhật Bản chăm sóc bệnh nhân vi-rút corona và người mắc bệnh khác hoàn toàn riêng rẽ. Mặc dù bạn vẫn cần xác nhận lại thông tin này với bệnh viện đang dự định đưa con em vào, nhưng về cơ bản, bạn có thể yên tâm là trẻ sẽ được an toàn khi ở trong bệnh viện.

Tình trạng lây nhiễm vi-rút corona dự kiến sẽ còn kéo dài, vì vậy, bạn nên ưu tiên việc điều trị và khám cho trẻ khi có bệnh. Nếu đã có ngày nhập viện dự kiến, bạn nên chú ý đặc biệt đến tình hình sức khỏe của con em mình trong khoảng 2 tuần trước khi đưa vào viện và tránh các hành vi có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ. Có thể sẽ có những quy định hạn chế đối với việc nhập viện của con em bạn nếu chúng không khỏe hoặc đã tiếp xúc với người có triệu chứng cảm cúm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/12/2020).

Câu hỏi 146: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 7: Trẻ em có nên nhập viện nếu bị nhiễm vi-rút corona hay không?

Trả lời:
Giải đáp của các chuyên gia dựa trên tình hình ở Nhật Bản. Các chuyên gia nói rằng khi trẻ em bị nhiễm vi-rút, hầu hết các em chỉ có triệu chứng nhẹ và xét trên quan điểm y tế thì không cần phải nhập viện. Tuy nhiên, vẫn có các tình huống cần phải cho trẻ em nhập viện cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu trẻ nhiễm vi-rút từ cha mẹ ngay trong nhà, có khả năng cả cha mẹ và trẻ em đồng thời phải nhập viện. Nếu cha mẹ của trẻ có một người không bị nhiễm thì đứa trẻ đó nên được đưa vào nằm viện một mình để cách ly.

Về việc cho phép cha mẹ vào chăm sóc con trong thời gian trẻ nằm viện, điều này sẽ được xác định tùy theo từng tình huống dựa trên các yếu tố như độ tuổi của trẻ và tình hình ở bệnh viện.

Nếu một đứa trẻ được khuyên ở nhà hoặc ở một cơ sở cụ thể nào đó trong thời gian hồi phục sau khi nhiễm bệnh, cha mẹ cần xin ý kiến tư vấn của trung tâm y tế công cộng và tiếp tục theo dõi sức khỏe qua điện thoại ngay cả sau khi đứa trẻ đã bình phục. Như thế nào được coi là triệu chứng nhẹ thì phải do chuyên gia y tế đánh giá. Việc đánh giá này gồm các yếu tố như người đó còn sức hay không, có bị mất nước hay không, và có bị khó thở hay không.

Nếu một đứa trẻ cảm thấy ốm mệt và cần phải nhập viện thì khả năng cao là cha mẹ của trẻ hoặc đã bị nhiễm vi-rút hoặc được coi là đã phơi nhiễm với vi-rút. Trong các trường hợp đó, cha mẹ có thể sẽ không được vào viện hoặc gặp con.

Các chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách ứng phó vì mọi việc có thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: những trường hợp đặc biệt, ví dụ như cha mẹ của trẻ đã bình phục sau khi nhiễm vi-rút, tình hình ở bệnh viện và tình hình lây nhiễm trong khu vực.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/12/2020).

Câu hỏi 145: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 6: Có nên lùi lịch kiểm tra sức khỏe và tiêm chủng cho trẻ nhỏ?

Trả lời:
Các chuyên gia nói rằng tại Nhật Bản, kiểm tra định kỳ sức khỏe cho trẻ nhỏ là nhằm phát hiện sớm bệnh và các vấn đề có xu hướng ảnh hưởng đến trẻ em ở một độ tuổi nhất định. Điều này đảm bảo các em được điều trị sớm nhất có thể. Tiêm chủng cho trẻ em cũng vô cùng quan trọng trước khi các em mắc các bệnh truyền nhiễm. Việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa vi-rút corona chủng mới quan trọng, nhưng các chuyên gia cho rằng nếu tránh đưa trẻ tới bệnh viện thì có thể khiến các em mắc những căn bệnh nghiêm trọng khác mà đáng ra có thể phòng tránh được. Theo các chuyên gia, số ca nhiễm vi-rút corona chủng mới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới nên nếu các bậc phụ huynh không đưa con em mình đi kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng thì đây sẽ là vấn đề lớn.

Bộ y tế cho biết một số địa phương đã thay đổi cách kiểm tra sức khỏe cho trẻ em do tình hình lây nhiễm vi-rút corona trong khu vực. Cũng có những trường hợp thời hạn tiêm phòng được kéo dài hơn để những em đã bỏ lỡ kỳ tiêm chủng vẫn được tiêm vào sau đó. Các chuyên gia kêu gọi phụ huynh liên lạc với cơ sơ y tế để biết thông tin.

Khi đi kiểm tra sức khỏe và tiêm chủng, dù là theo nhóm hay cá nhân, trẻ em và người giám hộ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi-rút corona chủng mới. Mọi người nên đảm bảo rằng trước khi ra khỏi nhà mình không sốt hay có những triệu chứng như ho. Người lớn đi cùng trẻ em phải rửa tay và đeo khẩu trang. Ngoài ra, tránh tối đa đưa anh chị em và ông bà của trẻ đi theo. Các nhà nghiên cứu nói rằng vi-rút corona chủng mới có thể có trong phân. Vì vậy, không thay bỉm cho trẻ tại địa điểm kiểm tra sức khỏe và tiêm chủng cũng như tại các cơ sở y tế.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/12/2020).

Câu hỏi 144: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 5: Trẻ em có nên hạn chế đi thăm người đang nằm viện?

Trả lời:
Theo các chuyên gia, mỗi bệnh viện đều có quy định riêng đối với việc thăm bệnh nhân, mọi người nên kiểm tra trước những quy định này. Nếu được phép vào thăm, trẻ em nên kiểm tra thân nhiệt tại nhà và đảm bảo rằng các em không có những triệu chứng như ho, sổ mũi, tiêu chảy, ói mửa.

Các em cũng phải đảm bảo tuân theo những biện pháp cơ bản để phòng ngừa lây nhiêm như rửa tay và đeo khẩu trang trước khi thăm bệnh nhân.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/12/2020).

Câu hỏi 143: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 4: Chúng ta có cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay khi nghi ngờ triệu chứng của các em là do vi-rút corona chủng mới gây ra hay không?

Trả lời:
Các chuyên gia nói rằng cho đến ngày 1/8/2020, số lượng trẻ bị lây nhiễm ở Nhật Bản đã tăng lên. Họ nói rằng trong hầu hết các trường hợp, các em bị nhiễm bệnh từ người bảo hộ trong gia đình hoặc ở ngoài khi tham gia các hoạt động nhóm.

Theo bộ y tế, người nào đã tiếp xúc ở khoảng cách gần với người có kết quả dương tính, hoặc ở bên người đó trong một thời gian dài có nhiều khả năng bị lây bệnh. Họ gọi đó là tiếp xúc gần. Cán bộ y tế công cộng tại địa phương xem xét từng ca nhiễm và xác định xem một người nào đó có thực sự là ca tiếp xúc gần hay không.

Các chuyên gia khuyên người bảo hộ của trẻ nhỏ trước hết hãy liên hệ với trung tâm y tế công cộng tại địa phương khi trẻ xuất hiện các triệu chứng hoặc có khả năng đã tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

Họ khuyên không nên đưa trẻ nghi bị nhiễm tới phòng khám hoặc trung tâm cấp cứu bởi có thể các em sẽ không được xét nghiệm để xác định có nhiễm bệnh hay không ở các nơi này.

Mỗi khu vực lại có cách thức và thời điểm xét nghiệm PCR khác nhau nên mọi người được khuyên nên lưu ý thông tin do các trung tâm y tế công cộng địa phương công bố.

Một số bệnh viện bố trí khung thời gian và lối vào riêng cho các bệnh nhân có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19. Đây là cách để các bệnh nhân khác không bị tiếp xúc với vi-rút. Người đến bệnh viện được khuyên là nên xác nhận với bệnh viện trước khi đến.

Khi trẻ bị sốt một thời gian không rõ nguyên nhân, khó thở, không ăn hay uống được hoặc cảm thấy uể oải, thì nếu không bị nhiễm COVID-19, đứa trẻ đó có khả năng mắc một bệnh nào đó khác. Các chuyên gia khuyên người bảo hộ cần liên hệ ngay với các chuyên gia y tế.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/12/2020).

Câu hỏi 142: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 3: Cần phải chú ý đặc biệt như thế nào nếu trẻ bị hen suyễn hoặc có các chứng bệnh khác từ trước?

Trả lời:
Các chuyên gia nói rằng, về cơ bản, nếu trẻ có bệnh lý nền thì các em có thể sẽ bị ốm rất nặng nếu bị nhiễm vi-rút đường hô hấp. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta thấy rằng chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ bệnh nhân vi-rút corona bị hen suyễn. Các nguy cơ khi có bệnh lý nền và cách xử lý là khác nhau đối với từng loại bệnh, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Điều quan trọng là các thành viên trong gia đình và những người xung quanh người có vấn đề về sức khỏe cũng cần phải cẩn thận và tránh không để bị nhiễm bệnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/12/2020).

Câu hỏi 141: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 2: Trẻ em có chuyển biến nặng sau khi nhiễm vi-rút hay không?

Trả lời:
Chúng ta cùng nghe ý kiến của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản và Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển của Trẻ em.

Các chuyên gia nói rằng số các ca chuyển biến nặng của trẻ em ít hơn ở người lớn. Tuy nhiên, cũng giống như người lớn, trẻ em cũng có thể gặp các vấn đề về đường hô hấp. Trẻ em dưới 2 tuổi có xu hướng phát sinh triệu chứng nặng và cần được theo dõi cẩn thận.

Ở châu Âu và Mỹ, từng có các ca trẻ em khoảng 10 tuổi gặp vấn đề về tim mạch sau khi bị sốt vài ngày, sau đó là đau ở vùng bụng, tiêu chảy và nổi mẩn. Cho đến nay hầu như chưa có những ca như vậy ở Nhật Bản.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/12/2020).

Câu hỏi 140: Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi lây nhiễm? – Phần 1

Trả lời:
Chúng ta cùng nghe ý kiến của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản và Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển của Trẻ em. Chúng tôi đã hỏi họ về các triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ khi bị nhiễm vi-rút corona chủng mới.

Các chuyên gia nói rằng họ phát hiện ra rằng trẻ em cũng dễ bị lây nhiễm loại vi-rút này như người lớn, mặc dù tính đến ngày 1/8/2020, số ca nhiễm của trẻ em ít hơn của người lớn.

Nhiều trẻ nhỏ ở Nhật Bản bị nhiễm vi-rút tại nhà. Các em bị sốt và ho khan. Nhưng có tương đối ít trẻ có triệu chứng liên quan đến đường hô hấp trên như sổ mũi và nghẹt mũi.

Trẻ em cũng bị sốt trong thời gian kéo dài như người lớn. Cũng đã có báo cáo về các ca viêm phổi ở một số trẻ em.

Một số trẻ còn bị nôn, đau bụng, tiêu chảy và các triệu chứng khác liên quan đến hệ tiêu hoá.

Chỉ có một số ít trẻ bị mất vị giác, là triệu chứng thường gặp ở người lớn.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn cần phải chú ý đối với những triệu chứng bất thường như vậy ở trẻ em. Người ta đã ghi nhận một số bệnh nhân ở độ tuổi dưới 20, là nhóm có thể trình bày được rõ các vấn đề của mình, mắc phải các triệu chứng như trên.

Các chuyên gia chỉ ra rằng một số trẻ em bị nhiễm có thể sẽ không có triệu chứng.

Họ khuyên cha mẹ nên theo dõi con mình cẩn thận bởi lẽ các em không giải thích được chính xác tình trạng của mình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/12/2020).

Câu hỏi 139: Khẩu trang có gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em? – Phần 3

Trả lời:
Như chúng tôi đã nêu trong hai phần trước, việc đeo khẩu trang không chỉ bất tiện vì không nhìn rõ được khuôn mặt, mà nó còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ trẻ em.

Giáo sư Myowa Masako thuộc Khoa Sau đại học về Giáo dục và Khoa Giáo dục, Đại học Kyoto, nói rằng việc sử dụng ngôn ngữ hình thể như một công cụ giao tiếp sẽ cho ta một biện pháp hiệu quả để vượt qua khó khăn này. Bà gợi ý hãy biểu lộ bằng hình thể nhiều hơn khi vui hay buồn để bù đắp cho phần không thể hiện được qua vẻ mặt.

Trẻ em vẫn lớn lên mà chẳng hề chờ đợi ai. Các thành viên trong gia đình nên tích cực biểu lộ cảm xúc của mình và đảm bảo rằng mình đang không tạo ra một khoảng cách nào về tinh thần với trẻ.

Câu hỏi 138: Khẩu trang có gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em? – Phần 2

Trả lời:
Trường tiểu học ở Nhật Bản đang chứng kiến những tác động tiêu cực của việc trẻ em phải đeo khẩu trang suốt cả ngày.

Giờ ra chơi ở một ngôi trường nọ, hai em nhỏ học lớp 1 đã cãi nhau trong lớp học. Một em đã xin lỗi sau khi vô tình vung tay va phải một em khác. Thế nhưng giọng của em này do bị bịt bởi chiếc khẩu trang nên em kia đã không nghe thấy, và do đó cuộc cãi vã đã xảy ra. Các giáo viên đang thấy thời gian gần đây có thêm nhiều vấn đề liên quan đến giao tiếp giữa các em nhỏ.

Giáo sư Myowa Masako thuộc Khoa Sau đại học về Giáo dục và Khoa Giáo dục, Đại học Kyoto, có chuyên môn về não bộ và phát triển tâm lý con người. Bà nói rằng trẻ em từ 4 đến 10 tuổi đang hình thành trong não khả năng đặt mình vào vị trí của người khác. Bà nói rằng các em xây dựng năng lực tưởng tượng điều người khác đang nghĩ và điều mình nên làm thông qua giao tiếp với nhau.

Giáo sư nói rằng thông thường, trẻ em sẽ có rất nhiều trải nghiệm ở trường để đặt mình vào vị trí của người khác. Bà cho biết bà muốn trao đổi với các giáo viên của nhà trường về việc làm thế nào để trẻ có thể có được các trải nghiệm như vậy trong lớp học ở tình trạng hiện tại.

Câu hỏi 137: Khẩu trang có gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em? – Phần 1

Trả lời:
Khẩu trang giờ đây đã trở thành một phần quen thuộc của lối sống mới. Nhưng nhiều người thấy khó có thể hiểu các biểu cảm trên khuôn mặt và cảm thấy bất tiện. Người ta đã biết rằng khẩu trang không chỉ phiền toái mà còn có khả năng gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ em.

Nhiều người chăm sóc trẻ em đeo khẩu trang khi làm việc nói rằng thật khó để tạo dựng mối quan hệ tin tưởng bởi lẽ họ không cho trẻ em nhìn thấy miệng của mình. Ví dụ, họ nói rằng ngay cả khi họ khen ngợi lũ trẻ, ví dụ như khi họ nói “làm tốt lắm”, “giỏi quá” thì cũng không truyền tải được hết ý nghĩ của mình.

Giáo sư Myowa Masako thuộc Khoa Sau đại học về Giáo dục và khoa Giáo dục, Đại học Kyoto, có chuyên môn về bộ não và phát triển tâm lý con người. Bà nói rằng người lớn phải đặc biệt thận trọng trong cách tương tác với trẻ nhỏ kể từ khi chúng ra đời cho đến khi được khoảng 1 tuổi.

Trong giai đoạn này, trẻ nhỏ theo dõi khuôn mặt của mọi người cũng như các chuyển động trên mặt để học hỏi về biểu cảm khuôn mặt. Khi chúng làm như vậy, mắt, mũi, miệng là quan trọng.

Trẻ nhỏ có thể nhận biết khuôn mặt khi ba phần mắt, mũi, miệng này của khuôn mặt là rõ ràng. Rồi nhiều tháng trôi qua, lũ trẻ sẽ học được cách phân biệt khuôn mặt đang biểu hiện những cảm xúc khác nhau như vui vẻ hay giận giữ.

Năng lực phân biệt khuôn mặt và các biểu cảm sau này sẽ hình thành nền tảng cho năng lực thấu hiểu cảm xúc của người khác.

Giáo sư Myowa nói rằng chỉ người lớn mới có thể giao tiếp chỉ dùng mắt. Bà cho biết trẻ em dùng nhiều thông tin trong biểu cảm của một người và dần dần đọc được biểu cảm cũng như cảm xúc của mọi người. Bà nói thêm rằng rất có khả năng tất cả các trải nghiệm đó sẽ đồng thời bị mất do sự lây lan của vi-rút corona.

Theo Giáo sư Myowa, mặc dù mọi người vẫn tiếp tục đeo khẩu trang, trẻ nhỏ vẫn nên có thêm nhiều cơ hội để nhìn mặt mọi người. Bà khuyên các thành viên trong gia đình nên cho trẻ nhỏ nhìn thấy mặt mình nhiều hơn nữa khi ở nhà.

Câu hỏi 136: Làm sao để ngăn ngừa lây nhiễm trong gia đình? – Phần 5

Trả lời:
Chúng tôi hỏi ý kiến bác sĩ Terashima Takeshi thuộc Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Nhật Bản về cách tránh mang vi-rút corona về nhà.

Ông Terashima nói rằng điểm mấu chốt là chia nhà của bạn thành nhiều khu vực khác nhau tuỳ theo mức độ nguy hiểm.

Ông đề xuất chia căn nhà thành ba khu vực. “Khu vực thận trọng” có mức rủi ro cao nhất, bao gồm sảnh lối vào, là nơi mọi người đi qua khi đi từ bên ngoài vào nhà. “Khu sinh hoạt chung” là nơi các thành viên trong gia đình cùng sử dụng và dùng cùng đồ nội thất hoặc các vật dụng. “Khu vực cá nhân” là phòng ngủ và phòng riêng.

Trong bài này, chúng ta tập trung vào “khu vực cá nhân”, là không gian mà mọi người nghỉ ngơi, thư giãn.

Ông Terashima nói rằng chúng ta phải chú ý tránh đưa vi-rút vào khu vực này bằng mọi giá.
Một đồ vật thường bị lơ là chính là chiếc điện thoại di động. Khi dùng điện thoại ở ngoài đường, chúng ta có thể làm vi-rút dính lên điện thoại khi chạm vào màn hình điện thoại rồi cuối cùng lại đem vào trong phòng ngủ. Vì vậy, việc quan trọng là phải thường xuyên làm sạch các thiết bị có màn hình cảm ứng.

Câu hỏi 135: Làm sao để ngăn ngừa lây nhiễm trong gia đình? – Phần 4

Trả lời:
Chúng tôi hỏi ý kiến bác sĩ Terashima Takeshi thuộc Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Nhật Bản về cách tránh mang vi-rút corona về nhà.

Phần trước, ông Terashima đã cho chúng ta biết cách giữ an toàn cho “khu vực thận trọng”, bao gồm sảnh ra vào. Trong bài này, chúng ta sẽ tập trung vào “khu sinh hoạt chung”, là nơi các thành viên trong gia đình cùng sử dụng, dùng chung đồ nội thất và các vật dụng. Khu vực này bao gồm nhà vệ sinh và phòng khách. Ông Terashima khuyến cáo rằng chúng ta không nên dùng chung đồ dùng như khăn mặt. Các vật dụng mà mọi người đều chạm vào như công tắc đèn, điều khiển ti vi nên được khử trùng thường xuyên.

Ông Terashima nhấn mạnh rằng chúng ta có thể ngăn chặn vi-rút lây lan nhờ vào việc thay đổi cách ngồi và ăn uống. Ông nói rằng chúng ta nên tránh ngồi đối diện nhau tại bàn ăn. Nếu có thể, nên ngồi chéo nhau từ hai phía bàn để tránh khoảng cách quá gần. Ông Terashima cũng kêu gọi mọi người thận trọng đối với thói quen ăn uống dùng chung đĩa đồ ăn lớn. Ông nói rằng nên tránh làm như vậy vì dùng chung đũa gắp đồ sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Ông khuyên chúng ta nên chia đồ ăn theo khẩu phần cho từng người để mọi người đều ăn từ đĩa của riêng mình.

Câu hỏi 134: Làm sao để ngăn ngừa lây nhiễm trong gia đình? – Phần 3

Trả lời:
Chúng tôi hỏi ý kiến bác sĩ Terashima Takeshi thuộc Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Nhật Bản về cách tránh mang vi-rút corona về nhà.

Ông Terashima nói rằng điểm mấu chốt là chia nhà bạn thành nhiều khu vực khác nhau tuỳ theo mức độ nguy hiểm.

Ông đề xuất chia căn nhà thành 3 khu vực. “Khu vực thận trọng” có nguy cơ cao nhất, bao gồm hành lang cửa vào, là nơi mọi người đi qua khi từ ngoài về nhà. “Khu sinh hoạt chung” là nơi các thành viên trong gia đình cùng sử dụng, dùng chung đồ nội thất và các vật dụng. “Khu vực cá nhân” là phòng ngủ và phòng riêng.

Khi một người về đến nhà, người đó nên dừng lại ở sảnh lối vào, trong “khu vực thận trọng”, và treo áo khoác lên tường, vứt khẩu trang dùng một lần vào thùng rác. Ông Terashima nói rằng mọi người nên tránh mang áo khoác và khẩu trang, là những vật dụng có thể bị nhiễm vi-rút, vào trong nhà, thay vào đó là để chúng ở sảnh ra vào.

Câu hỏi 133: Làm sao để ngăn ngừa lây nhiễm trong gia đình? – Phần 2

Trả lời:
Trong phần 1, chúng tôi đã đưa ra những điểm cần chú ý khi một thành viên trong gia đình bạn bị nhiễm vi-rút. Trong số đó có việc để người bệnh ở trong một phòng riêng.

Tuy nhiên, đôi khi khó có thể sắp xếp nguyên phòng cho riêng người nhiễm bệnh nếu gia đình bạn sống trong một căn hộ nhỏ.

Chúng tôi đã hỏi ý kiến ông Nishizuka Itaru, người đứng đầu trung tâm y tế công cộng ở quận Sumida, Tokyo. Ông Nishizuka nói rằng mọi người nên cố gắng giữ khoảng cách khoảng 1 mét với người nhiễm bệnh, và hạn chế trò chuyện đối diện hoặc ở cự ly gần để tránh văng giọt bắn sang nhau. Ông cũng khuyên nên thường xuyên thông khí trong phòng và sử dụng máy giữ ẩm không khí khi cần để giúp môi trường trong nhà có khả năng hạn chế sự lây lan của vi-rút corona.

Ông Nishizuka nói thêm rằng mọi người nên trao đổi trước trong gia đình về các biện pháp cần thực hiện trong trường hợp một thành viên trong nhà có kết quả xét nghiệm dương tính. Những điều cần trao đổi bao gồm cả việc ai sẽ là người chăm sóc trẻ em khi cha mẹ nhiễm bệnh, và ai sẽ chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình khi người thường xuyên phụ trách chăm sóc bị nhiễm.

Câu hỏi 132: Làm sao để ngăn ngừa lây nhiễm trong gia đình? – Phần 1

Trả lời:
Ngày 19/11/2020, khi số ca nhiễm mới tính theo ngày của Tokyo lần đầu vượt qua con số 500, thị trưởng Tokyo, bà Koike Yuriko đã yêu cầu người dân áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch tại nhà. Bà nói rằng từ tháng 8, nguồn lây nhiễm chủ yếu là ở trong gia đình, và một khi vi-rút đã xâm nhập được vào nhà, rất khó để ngăn lây nhiễm.

Người đứng đầu một trung tâm y tế công cộng ở Tokyo cho biết có nhiều trường hợp người lớn thường xuyên đi ra ngoài rồi mang vi-rút về nhà và lây nhiễm cho trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Các chuyên gia về biện pháp phòng tránh lây nhiễm đã đưa ra một số hướng dẫn về những điều cần làm nếu một thành viên trong gia đình xuất hiện triệu chứng.

Họ nói rằng người nhiễm bệnh nên ở trong một căn phòng biệt lập nếu có thể, và người đó cũng như người chăm sóc đều nên đeo khẩu trang.

Các chuyên gia khuyên mọi người rửa tay thường xuyên và ăn uống bằng bát đĩa riêng.

Họ cũng nói rằng điều quan trọng là khử trùng những nơi thường bị đụng chạm phải và thường xuyên thông khí trong các phòng.

Câu hỏi 131: Thông khí trong mùa Đông – Phần 2: Có thực sự cần thông khí cứ 30 phút 1 lần?

Trả lời:
Bộ y tế khuyến nghị chúng ta nên mở cửa sổ để thông khí khoảng 2 lần trong vòng 1 giờ. Tuy nhiên, điều này rất khó để thực hiện ở những nơi trời lạnh hoặc có tuyết vào mùa Đông. Giáo sư Hayashi Motoya thuộc Đại học Hokkaido gợi ý một số cách để giúp không khí lưu thông mà vẫn có thể giữ ấm.

Ông cho biết: “Các bạn có thể mở hé cửa sổ trong khi vẫn để máy điều hòa không khí hoạt động. Cách này sẽ giúp không khí trong phòng lưu thông liên tục mà không làm giảm nhiệt độ đột ngột. Ngoài ra, một số tòa nhà được trang bị hệ thống thông khí 24/24, giúp không khí lưu thông liên tục mà không cần mở cửa sổ”.

Ông nói thêm rằng: “Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng mở cửa sổ liên tục sẽ làm giảm độ ẩm. Việc giữ độ ẩm ở một mức nhất định cũng rất quan trọng do độ ẩm thấp sẽ khiến vi-rút dễ lây lan. Hiện vẫn chưa rõ độ ẩm ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của vi-rút corona chủng mới. Tuy nhiên, nói chung, độ ẩm thấp sẽ khiến chức năng của niêm mạc họng bị yếu đi. Do đó, mọi người nên sử dụng máy tạo ẩm để duy trì độ ẩm ở mức thích hợp”.

Câu hỏi 130: Thông khí trong mùa Đông – Phần 1: Làm cách nào để thông khí cho phòng mà không bị lạnh?

Trả lời:
Chúng tôi phỏng vấn Giáo sư Hayashi Motoya thuộc Đại học Hokkaido, người trình đề xuất các biện pháp thông khí lên một cơ quan của bộ y tế.

Giáo sư cho biết: “Chúng ta sẽ cảm thấy rất lạnh nếu mở cửa trực tiếp để thông khí từ bên ngoài vào không gian sinh hoạt như các lớp học ở trường hoặc phòng ngủ ở nhà. Tuy nhiên, cách thông khí đơn giản gồm 2 bước như sau sẽ giúp bạn không cảm thấy khó chịu. Trước hết, mở cửa để không khí lạnh từ bên ngoài vào hành lang hoặc một phòng trống mà bạn không dùng và đóng cửa để không khí ấm dần lên. Sau đó, mở các cửa sổ hoặc cửa ra vào thông với phòng thường được sử dụng. Như vậy, bạn có thể giúp không khí trong phòng lưu thông mà vẫn không bị lạnh.”

Câu hỏi 129: Lý do vi-rút lây lan mạnh ở Hokkaido

Trả lời:
Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, Giáo sư Tateda Kazuhiro thuộc Đại học Toho cho biết: “Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho số ca nhiễm tăng mạnh. Thời tiết lạnh trong mùa Đông khiến mọi người ở trong nhà nhiều hơn, đồng nghĩa với việc ở lâu hơn trong môi trường có 3 yếu tố khiến vi-rút dễ lây lan gồm không gian kín, tập trung đông người và tiếp xúc gần. Dịch bệnh tiếp diễn trong thời gian dài cũng khiến mọi người lơ là cảnh giác. Ngoài ra, số ca cúm mùa và cảm lạnh thông thường do vi-rút corona gây ra thường có xu hướng tăng khi nhiệt độ giảm, và điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với vi-rút corona chủng mới. Như vậy, chúng ta cần nhớ rằng mức độ lây nhiễm vi-rút corona có thể sẽ tăng trong mùa Đông, do đó cần có các biện pháp phòng ngừa thích hợp”.

Ông cũng nói thêm: “Khi trời trở lạnh, chúng ta cũng cần xem xét khả năng bùng phát lây nhiễm ở các khu vực khác ngoài Hokkaido, nơi tình hình hiện đã ổn định. Cần lưu ý tránh 3 yếu tố khiến vi-rút dễ lây lan, luôn tuân thủ đeo khẩu trang và rửa tay. Ngoài ra, giữ phòng ốc thông thoáng cũng quan trọng. Tuy nhiên, ở những nơi nhiệt độ xuống rất thấp vào mùa Đông và việc thông gió gặp nhiều khó khăn thì mọi người có thể linh hoạt kết hợp thực hiện các biện pháp ngăn ngừa phù hợp”.

Câu hỏi 128: Đi lễ đền chùa đầu năm trong dịch COVID-19

Trả lời:
Ngày 12/11, ban cố vấn phụ trách ứng phó với đại dịch vi-rút corona của Chính phủ Nhật Bản đã họp bàn về các biện pháp cần thực hiện khi đi lễ đền, chùa trong dịp Năm mới. Tại buổi họp, Ban Thư ký Nội các trình bày những biện pháp cần thực hiện dựa trên khuyến nghị của các chuyên gia.

Theo đó, khi đi lễ đầu năm tại các đền, chùa, mọi người nên triệt để thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cơ bản như đeo khẩu trang và sát trùng tay. Ban thư ký cũng cho biết cần có biện pháp để thông báo về tình trạng đông đúc ở các đền, chùa và kêu gọi người dân đi lễ phân tán. Ngoài ra, cần bố trí nhân viên tại đây để đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội. Người dân cũng được yêu cầu hạn chế ăn uống trong đền, chùa mà nên đem đồ ăn về nhà, đồng thời không trò chuyện lớn tiếng.

Ban thư ký cũng kêu gọi có các biện pháp ngăn không để xung quanh các đền, chùa hình thành môi trường có 3 yếu tố tụ tập đông người, tiếp xúc gần và kém thông thoáng. Trong số các biện pháp được đề xuất có khuyến cáo mọi người không đổ dồn về 1 nhà ga khi đi lễ ở các đền, chùa, hay cần cập nhật cho người dân về tình trạng đông đúc tại đó.

Tại một buổi họp báo, người đứng đầu ban cố vấn, ông Omi Shigeru, cho biết nguy cơ lây nhiễm là không cao khi yên lặng đi lễ ngoài trời ở các đền, chùa. Tuy nhiên, mọi người cần hiểu rằng việc tụ họp đông người khi quây quần cùng người thân, bạn bè trước hoặc sau khi đi lễ còn gây ra nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Do đó, ông đề nghị trong dịp Năm mới, nếu có thể, mọi người nên đi lễ từ sau ngày 4/1 để tránh tình trạng đông đúc.

Câu hỏi 127: 5 tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao – Phần 2

Trả lời:
Ban cố vấn phụ trách ứng phó đại dịch vi-rút corona chủng mới của Chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo về 5 tình huống dẫn đến nguy cơ lây nhiễm theo cụm. Các tình huống này bao gồm:
• Tụ tập đông người ở những nơi kinh doanh đồ uống có cồn
• Tụ tập đông người tại các địa điểm ăn uống trong thời gian kéo dài
• Không đeo khẩu trang khi nói chuyện với người khác
• Nhiều người ở chung trong không gian chật hẹp
• Tụ tập nói chuyện hoặc hút thuốc trong giờ nghỉ giải lao tại nơi làm việc

Trong câu hỏi 126, chúng ta đã xem xét 3 tình huống đầu tiên. Trong câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu 2 tình huống còn lại.

Đầu tiên là về trường hợp có nhiều người ở chung trong không gian chật hẹp. Đến nay, đã có một số trường hợp được cho là lây nhiễm từ phòng ký túc xá hoặc nhà vệ sinh. Điều này cho thấy việc có đông người tập trung ở nơi chật hẹp trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm.

Cuối cùng là tình huống liên quan đến việc trò chuyện hoặc hút thuốc trong giờ nghỉ giải lao ở nơi làm việc. Theo báo cáo, nhiều ca lây nhiễm được cho là bắt nguồn từ nơi nghỉ giải lao, khu vực hút thuốc hoặc phòng thay đồ. Khi nghỉ giữa giờ, mọi người thường trở nên thoải mái hơn và mất cảnh giác. Việc thay đổi môi trường như vậy cũng được cho là làm tăng nguy cơ nhiễm vi-rút.

Ban cố vấn của chính phủ kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi tụ tập đông người. Ban kêu gọi khi tụ tập để uống rượu bia chỉ nên tập trung thành từng nhóm nhỏ trong một khoảng thời gian ngắn với những người thường gặp. Mọi người cũng chỉ nên uống vừa phải và không nên đi uống quá khuya.

Bên cạnh đó, ban cố vấn cũng khuyên khi tụ tập, mọi người nên tránh ngồi đối diện hoặc ngồi cạnh nhau mà thay vào đó, nên ngồi chéo nhau. Ban cũng đề nghị mọi người nên đeo khẩu trang khi trò chuyện và chú ý khi sử dụng các tấm che mặt hoặc che miệng, vốn được cho là ít hiệu quả trong việc ngăn ngừa vi-rút lây nhiễm.

Ông Omi Shigeru, người đứng đầu ban cố vấn của chính phủ, cho biết tới thời điểm này, các dữ liệu thu thập được cho thấy việc thay đổi nhận thức về hành vi của chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa vi-rút lan rộng. Ông Omi cũng đề nghị chính phủ phổ biến rộng rãi thông điệp này theo cách thức dễ hiểu nhất để mọi người biết và thực hiện theo.

Câu hỏi 126: 5 tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao – Phần 1

Trả lời:
Ban cố vấn phụ trách ứng phó đại dịch vi-rút corona của Chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo về 5 tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao thường dẫn tới lây nhiễm theo cụm, bao gồm:
• Tụ tập đông người ở những nơi kinh doanh đồ uống có cồn
• Tụ tập đông người tại các địa điểm ăn uống trong thời gian kéo dài
• Không đeo khẩu trang khi nói chuyện với người khác
• Nhiều người ở chung trong không gian chật hẹp
• Tụ tập nói chuyện hoặc hút thuốc trong giờ nghỉ giải lao tại nơi làm việc

Chúng ta cùng tìm hiểu về 3 tình huống đầu tiên.

Tình huống thứ nhất là tụ tập đông người ở những nơi kinh doanh đồ uống có cồn. Khi uống rượu bia, mọi người thường trở nên phấn khích và có xu hướng nói lớn tiếng. Các buổi tiệc thường diễn ra ở những nơi có diện tích nhỏ, kém thoáng khí và đông đúc. Bên cạnh đó, những người dự tiệc thường hay dùng chung ly hoặc đũa. Các điều kiện như vậy có thể khiến gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Tình huống thứ hai là có đông người tụ tập ăn uống trong thời gian kéo dài. Nguy cơ lây nhiễm từ các quán bar và câu lạc bộ đêm hay từ việc đi nhậu liên tục từ nơi này sang nơi khác thường cao hơn so với việc ăn uống nhanh chóng. Mọi người thường có xu hướng nói to hơn và tạo ra nhiều giọt bắn mang vi-rút khi có từ 5 người trở lên ngồi chung bàn.

Tình huống thứ ba là trò chuyện ở khoảng cách gần mà không đeo khẩu trang. Điều này cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm từ việc phát tán các giọt bắn có kích thước nhỏ và siêu nhỏ. Mọi người cũng nên chú ý khi trò chuyện trong xe hơi hoặc xe buýt khi đi lại.

Câu hỏi 123: Tại sao ở Australia không xảy ra bùng phát kép cúm mùa và COVID-19 trong mùa Đông này?

Trả lời:
Tại các nước ở Nam bán cầu, mùa Đông kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Đến cuối tháng 5, Chính phủ Australia đã đảm bảo đủ 18 triệu liều vắc-xin cúm mùa, nhiều hơn 5 triệu liều so với năm ngoái. Giới chức kêu gọi người dân tiêm phòng cúm nhằm tránh xảy ra đại dịch kép gây quá tải cho hệ thống y tế.

Tại bang New South Wales có thủ phủ là Sydney, thành phố lớn nhất Australia, cảnh báo nguy cơ bùng phát cúm mùa tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi được đặt ở mức cao nhất. Bang cũng yêu cầu nhân viên các cơ sở này hay người nhà vào thăm cũng phải tiêm phòng cúm mùa.

Nhờ những nỗ lực này, Australia không ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào do cúm mùa trong thời gian từ tháng 5 đến ngày 20/9. Số người nhiễm trong thời gian này chỉ bằng 7,3 % so với năm ngoái. Trong thời gian từ đầu năm đến 20/9, nước này có 36 ca tử vong do cúm, chỉ bằng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bác sỹ Jeremy McAnulty thuộc cơ quan y tế New South Wales cho biết trong mùa Đông này, tỷ lệ tiêm phòng cúm là rất cao do lo ngại bùng phát đại dịch kép. Ông cho rằng điều này có vai trò rất quan trọng.

Theo ông, các biện pháp nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona như giãn cách xã hội, hạn chế các sự kiện quy mô lớn và nhận thức cao hơn về rửa tay và khử trùng cũng đặc biệt có hiệu quả đối với việc kiểm soát lây nhiễm cúm mùa.

Câu hỏi 122: Các biện pháp ứng phó nguy cơ bùng phát kép COVID-19 và cúm

Trả lời:
COVID-19 và cúm mùa có những triệu chứng giống nhau như sốt và ho. Do đó, có lo ngại rằng các phòng khám địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận bệnh nhân nếu xảy ra bùng phát kép vi-rút corona và cúm mùa. Để giúp các phòng khám chuẩn bị ứng phó trường hợp bùng phát đồng thời, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản đã soạn thảo một hướng dẫn chẩn đoán cúm mùa và COVID-19.

Hướng dẫn đưa ra khuyến cáo rằng tại các khu vực bùng phát dịch vi-rút corona, về nguyên tắc, bệnh nhân nên được xét nghiệm cả cúm mùa lẫn vi-rút corona để không bỏ sót các ca COVID-19.

Các khuyến cáo được đưa ra dựa trên thang gồm 4 mức để đánh giá tình hình lây nhiễm tại mỗi khu vực. Theo đó, ở mức 1 tương ứng với việc không có ca nhiễm nào được ghi nhận. Việc xét nghiệm vi-rút corona là không cần thiết ngoại trừ đối với những người từng đến vùng dịch trong vòng 2 tuần.

Trong khi đó, ở mức 4, khi ở địa phương xuất hiện các ca nhiễm không truy vết được nguồn lây trong vòng 2 tuần, việc xét nghiệm vi-rút corona nên được tiến hành cho tất cả các bệnh nhân có triệu chứng sốt.

Với trẻ nhỏ, hướng dẫn đặc biệt khuyến cáo nên tiêm ngừa cúm mùa cho các em do đối tượng này dễ bị nhiễm và làm lây lan vi-rút corona. Hướng dẫn cũng đề nghị nên đồng thời xét nghiệm cúm mùa và vi-rút corona cho trẻ nhỏ. Trong trường hợp không thể ngay lập tức xét nghiệm vi-rút corona, bệnh nhân nên được xét nghiệm và điều trị cúm trước, rồi xét nghiệm vi-rút corona khoảng 2 ngày sau đó nếu các triệu chứng không thuyên giảm.

Hiệp hội hy vọng các bác sỹ trên khắp Nhật Bản sẽ sử dụng hướng dẫn trên trong mùa Đông, đồng thời cho biết sẽ cập nhật hướng dẫn nếu có thêm thông tin.

Câu hỏi 121: Những điểm khác biệt giữa vắc-xin COVID-19 và vắc-xin cúm

Trả lời:
Đối với các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, việc bào chế vắc-xin thường gặp nhiều khó khăn. Nhiều nguồn tin, trong đó có bộ y tế, cho biết vắc-xin cúm cũng không thể bảo vệ chúng ta khỏi nhiễm cúm. Tuy nhiên, vắc-xin được cho là giúp giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng ở một mức độ nhất định, hoặc nếu có triệu chứng thì cũng ngăn chúng trở nên trầm trọng.

Các nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy đối với những người từ 65 tuổi trở lên, vắc-xin có hiệu quả từ 34% đến 55% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng, và 82% trong việc làm giảm nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đối với trẻ em dưới 6 tuổi, vắc-xin có hiệu quả khoảng 60% trong việc ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện triệu chứng.

Trong khi đó, trong nhiều trường hợp, việc phát triển các loại vắc-xin vi-rút corona sử dụng các công nghệ hoàn toàn khác biệt so với bào chế vắc-xin cúm thông thường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của các loại vắc-xin phòng ngừa vi-rút corona.

Vắc-xin cúm được bào chế từ vi-rút cúm thực sự. Vi-rút cúm được nuôi cấy, sau đó được làm yếu bằng hóa chất để không còn khả năng lây nhiễm. Vắc-xin do Pfizer bào chế sử dụng một loại gen gọi là mRNA mang thông tin của vi-rút corona chủng mới. Sau khi được đưa vào cơ thể, vắc-xin sẽ hoạt động giống như một bản thiết kế mẫu sản sinh ra một phần của vi-rút để kích hoạt hệ miễn dịch.

Giáo sư Nakayama Tetsuo thuộc Đại học Kitasato là một chuyên gia về bào chế vắc-xin. Giáo sư cho biết trong vắc-xin của Pfizer, mRNA sẽ được bọc trong các hạt lipid giúp tăng cường sản sinh ra kháng thể.

Câu hỏi 120: Phụ nữ có thai phải đối mặt với nguy cơ gì nếu nhiễm COVID-19?

Trả lời:
Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản, gồm các bác sĩ trong lĩnh vực này, đã tiến hành một nghiên cứu đến cuối tháng 6. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thai phụ nhiễm vi-rút corona chuyển biến nặng tăng lên ở những người cuối thai kỳ. Theo các bác sĩ, dù nguy cơ tình hình sức khoẻ chuyển biến xấu không tăng mạnh ở phụ nữ có thai nhiễm vi-rút, nhưng những người ở giai đoạn cuối thai kỳ vẫn nên thận trọng.

Hiệp hội nghiên cứu cụ thể 58 thai phụ có triệu chứng, ví dụ như sốt. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy một số người bị viêm phổi. Trong số 39 phụ nữ có thai dưới 29 tuần, có 4 người bị viêm phổi, tương đương 10% trên tổng số.

Còn trong số 19 phụ nữ có thai từ 29 tuần trở lên, có 10 người bị viêm phổi, tương đương 53% trên tổng số.

Ngoài ra, có 3 người có thai dưới 29 tuần cần hỗ trợ thở oxy, tương đương 8%, trong khi 7 người trong giai đoạn cuối thai kỳ cần hỗ trợ thở oxy, tương đương 37%. Số liệu này cho thấy những người ở cuối thai kỳ có xu hướng chuyển biến nặng.

Nhiều thai phụ nhiễm vi-rút corona chủng mới đã bình phục mà không bị di chứng kéo dài. Hiệp hội cho biết có 1 du khách nước ngoài tử vong sau khi xuất hiện triệu chứng ngay khi vừa tới Nhật Bản.

Hiệp hội chưa ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm vi-rút.

Giáo sư Sekizawa Akihiko thuộc Đại học Showa là người phụ trách thực hiện khảo sát trên. Ông nói có rất ít phụ nữ có thai nhiễm vi-rút và điều này chứng tỏ nhiều người có các biện pháp ngăn ngừa vi-rút hiệu quả. Ông cũng nói phụ nữ có thai không có nguy cơ chuyển biến nặng đặc biệt cao nhưng vẫn cần phải thận trọng vì những người ở cuối thai kỳ có xu hướng có triệu chứng nặng hơn.

Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm trong Sản khoa và Phụ khoa đã đăng trên trang web của mình các biện pháp đề phòng nhiễm vi-rút corona chủng mới dành cho những người đang mang thai hoặc muốn có thai.

Theo trang web này, ở Nhật Bản diễn tiến bệnh sau khi nhiễm vi-rút không khác nhau giữa phụ nữ có thai và người không có thai. Tuy nhiên, hiệp hội lưu ý rằng có trường hợp thai phụ có triệu chứng nặng và bị viêm phổi.

Giáo sư Hayakawa Satoshi thuộc Khoa Y Đại học Nihon đã tổng kết những điểm chính của khảo sát. Ông cho biết phổi của phụ nữ có thai ở cuối thai kỳ có xu hướng phải chịu áp lực khi thai nhi phát triển và nếu họ bị viêm phổi thì có thể chuyển biến nặng.

Giáo sư Hayakawa nói rằng kết quả khảo sát đã củng cố những gì họ dự đoán. Ông nói thêm rằng ở Nhật Bản có rất ít trường hợp phụ nữ mang thai chuyển biến nặng và không cần phải quá sợ hãi. Theo ông Hayakawa, dù sao thì vẫn nên thận trọng để đề phòng bị nhiễm vi-rút corona chủng mới.

Câu hỏi 119: Di chứng kéo dài sau khi nhiễm COVID-19 – Phần 3: Tần suất xuất hiện của các di chứng

Trả lời:
Tại Nhật Bản và trên thế giới đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 xét nghiệm âm tính và được xuất viện nhưng vẫn có những di chứng kéo dài vài tháng. Nhiều người nói rằng họ bị sốt, thấy mệt mỏi hoặc suy giảm chức năng hô hấp hoặc vận động đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.

Đài NHK đã tiến hành khảo sát đối với các trung tâm y tế chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm và các bệnh viện trực thuộc trường đại học ở Tokyo về tình trạng của bệnh nhân nhiễm vi-rút corona chủng mới sau khi họ kết thúc điều trị. 18 trên 46 cơ sở, không bao gồm những bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, đã trả lời khảo sát.

Các cơ sở này cho biết tính đến cuối tháng 5, có 1.370 bệnh nhân xét nghiệm âm tính và được xuất viện hoặc chuyển sang các bệnh viện khác do các triệu chứng có cải thiện. Ít nhất 98 người gặp phải những vấn đề gây khó khăn cho cuộc sống thường ngày, chiếm khoảng 7% số bệnh nhân xuất viện.

47 người bị suy giảm chức năng hô hấp do di chứng kéo dài của viêm phổi và các bệnh khác do nhiễm vi-rút. 6 người phải cần đến thiết bị thở oxy tại nhà.

46 người bị yếu cơ hoặc suy giảm chức năng vận động do phải nằm viện dài ngày. 27 người suy giảm khả năng nhận thức do tuổi cao và các yếu tố khác.

Những cơ sở y tế trả lời khảo sát cho biết một số người gặp vấn đề về khứu giác và suy giảm chức năng não bộ.

Trong số những người gặp các di chứng nói trên, nhiều người từng phải điều trị bằng máy thở hoặc máy tim phổi nhân tạo (ECMO) để hỗ trợ chức năng hô hấp và tim mạch.

Một cơ sở trả lời khảo sát lưu ý rằng trong một số trường hợp, ngay cả khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, họ vẫn cần được chăm sóc y tế ở mức độ cao hơn và việc ở trong bệnh viện thời gian dài như vậy có thể khiến hệ thống y tế quá tải. Theo cơ sở này, cần thiết phải có một chiến lược tháo gỡ vấn đề này tính đến các vấn đề của người cao tuổi.

Một cơ sở khác trả lời khảo sát cho biết cần nâng cao nhận thức về nhiều vấn đề tồn tại ngay cả sau khi bệnh nhân xuất viện và mở rộng mạng lưới hỗ trợ.

Câu hỏi 118: Di chứng kéo dài sau khi nhiễm COVID-19 – Phần 2: Tại Nhật Bản có những nghiên cứu gì về những di chứng kéo dài ngay cả khi bệnh nhân đã bước đầu bình phục?

Trả lời:
Ở Nhật Bản và trên thế giới đã có nhiều báo cáo về các trường hợp bệnh nhân nhiễm vi-rút corona chủng mới sau khi xét nghiệm âm tính và được xuất viện vẫn bị sốt và mệt mỏi trong vài tháng, ngoài ra còn có những di chứng như khó thở và suy giảm chức năng thể chất gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.

Kể từ tháng 9, Hội Hô hấp Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu chủ yếu là hiện tượng suy giảm chức năng phổi ở bệnh nhân nhiễm vi-rút corona. Hội đề nghị những bác sĩ là thành viên của hội hiện đang làm việc tại các cơ sở y tế trên khắp Nhật Bản báo cáo về các ca bệnh.

Chủ tịch hội, ông Yokoyama Akihito, cho biết tại nước ngoài đã ghi nhận có nhiều ca mà chức năng phổi của bệnh nhân không thể phục hồi hoàn toàn sau khi những người này xét nghiệm âm tính với vi-rút. Ông nói tại Nhật Bản cũng ghi nhận một số ca tương tự. Hội vẫn chưa nắm được đầy đủ những thông tin như có bao nhiêu phần trăm bệnh nhân nhiễm vi-rút corona bị di chứng. Tuy nhiên, hội đang thu thập dữ liệu để nghiên cứu và ứng dụng những gì tìm hiểu được vào các ca bệnh trong tương lai.

Câu hỏi 117: Di chứng kéo dài sau khi nhiễm COVID-19 – Phần 1: Liệu có đúng là một số bệnh nhân có những di chứng kéo dài không?

Trả lời:
Một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khoẻ và Y tế Toàn cầu tiếp tục tiến hành khảo sát những bệnh nhân nhiễm vi-rút corona đã bình phục và được xuất viện. Theo khảo sát, một số người bị rụng tóc. Một số người than phiền về việc thậm chí sau khi ra viện 4 tháng vẫn bị khó thở, mất vị giác hoặc khứu giác. Nhóm chuyên gia cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để nỗ lực xác định những yếu tố rủi ro của các di chứng kéo dài.

Rụng tóc cũng là một tình trạng được ghi nhận ở các bệnh nhân Ebola và sốt xuất huyết đã hồi phục. Bác sĩ Morioka Shinichiro, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói rằng cũng có khả năng căng thẳng về tâm lý do điều trị kéo dài đã gây nên hiện tượng rụng tóc.

Câu hỏi 116: Tái nhiễm – Phần 8: Chúng ta nên thực hiện những biện pháp gì để phòng ngừa tái nhiễm?

Trả lời:
Các nỗ lực để có thể sớm đưa vắc-xin vào sử dụng vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng chúng ta không nên mất cảnh giác. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản như rửa tay, tránh nơi đông người, tránh tiếp xúc gần và tránh không gian kín, đồng thời duy trì giãn cách xã hội.

Các phóng viên của NHK phụ trách tin tức về vi-rút corona chủng mới cho biết còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết về loại vi-rút này, và chúng ta nên theo dõi thường xuyên về tiến triển của các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng ngừa cơ bản.

Câu hỏi 115: Tái nhiễm – Phần 7: Chúng ta nên đối mặt như thế nào nếu vi-rút không có dấu hiệu biến mất?

Trả lời:
Về vấn đề này, Giáo sư Matsuura Yoshiharu thuộc Đại học Osaka, đồng thời là chủ tịch Hội vi-rút học Nhật Bản, cho biết chúng ta cần hành động với giả định rằng việc tái nhiễm vi-rút corona chủng mới cũng có thể xảy ra, tương tự việc tái nhiễm vi-rút corona thông thường gây cảm cúm. Giáo sư Matsuura chỉ ra rằng các loại vi-rút không bị tái nhiễm còn hiếm gặp hơn rất nhiều. Ông cũng cho biết vi-rút không thể tồn tại nếu chúng tiêu diệt vật chủ. Mối liên hệ lâu dài giữa nhân loại và vi-rút cho thấy một mô hình có tính lặp lại, là khi tình trạng tái nhiễm xảy ra, các triệu chứng thường nhẹ hơn. Do đó, chúng ta không nên quá sợ hãi vi-rút corona chủng mới.

Câu hỏi 114: Tái nhiễm – Phần 6: Vắc-xin tiềm năng tạo ra kháng thể ở lớp niêm mạc của phổi

Trả lời:
Chúng tôi phỏng vấn giáo sư Sasaki Hitoshi thuộc Đại học Nagasaki. Giáo sư đang nghiên cứu phát triển một loại vắc-xin có thể tạo ra kháng thể ở lớp niêm mạc của phổi. Khi vi-rút xâm nhập vào niêm mạc phổi sẽ gây viêm phổi. Vắc-xin sẽ giúp ngăn nhiễm vi-rút ngay thời điểm ban đầu.

Vắc-xin gồm lượng rất nhỏ RNA của vi-rút corona chủng mới được tổng hợp nhân tạo. Vắc-xin sẽ được đưa vào theo đường miệng và đi trực tiếp tới niêm mạc phổi. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng loại vắc-xin này sẽ có hiệu quả rõ ràng do có thể sinh ra kháng thể tại những vị trí vi-rút đang hoạt động.

Câu hỏi 113: Tái nhiễm – Phần 5: Vắc-xin dạng xịt mũi đang được nghiên cứu

Trả lời:
Nhiều loại vắc-xin được bào chế giúp tạo kháng thể trong mạch máu. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đang được tiến hành nhằm phát triển vắc-xin giúp cơ thể tránh bị nhiễm vi-rút.

Giáo sư Katayama Kazuhiko thuộc Đại học Kitasato đang nghiên cứu một loại vắc-xin mới theo dạng xịt mũi. Bằng cách này, giáo sư cho rằng kháng thể có thể được tạo ra ở đường hô hấp trên, giúp ngăn không cho vi-rút xâm nhập vào cơ thể. Ông cho biết đang dự định tiếp tục tiến hành nghiên cứu này trong thời gian tới.

Theo giáo sư Takayama, kháng thể Immunoglobulin A có thể được tạo ra ở lớp niêm mạc trong khoang mũi, giúp ngăn chặn vi-rút nhân lên thành số lượng lớn và xâm nhập vào phổi.

Câu hỏi 112: Tái nhiễm – Phần 4: Có mối liên hệ nào giữa tái nhiễm và hiệu quả của vắc-xin hay không?

Trả lời:
Nghiên cứu tình trạng tái nhiễm vi-rút có vai trò quan trọng, do việc này ảnh hưởng tới quá trình bào chế vắc-xin. Như chúng ta đã biết, vắc-xin giúp tạo ra miễn dịch với các bệnh truyền nhiễm bằng cách đưa vào cơ thể một lượng vi-rút đã được làm yếu nhằm kích hoạt cơ thể tạo ra các kháng thể. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra về hiệu quả của vắc-xin đối với một người bị tái nhiễm, tức là đã có kháng thể sau khi bị nhiễm vi-rút lần đầu và khỏi bệnh, nhưng lại tiếp tục nhiễm vi-rút lần thứ 2.

Giáo sư Nakayama Tetsuo, một nhà vi-rút học thuộc Đại học Kitasato cảnh báo mọi người không nên kết luận ngay rằng vắc-xin không có hiệu quả đối với người bị tái nhiễm vi-rút. Ông Nakayama cho biết mặc dù không thể loại trừ khả năng bị tái nhiễm ngay cả sau khi vắc-xin được phát triển và cung ứng, việc tiêm chủng vẫn mang lại nhiều lợi ích.

Ông nhấn mạnh rằng vắc-xin không chỉ nhằm mục đích bảo vệ cơ thể khỏi vi-rút, mà còn được cho là có nhiều công dụng khác, trong đó có việc ngăn các triệu chứng của người bệnh trở nên nghiêm trọng.

Câu hỏi 111: Tái nhiễm – Phần 3: Chúng ta có thể ngăn ngừa hoàn toàn tái nhiễm vi-rút hay không?

Trả lời:
Chúng tôi phỏng vấn giáo sư Katayama Kazuhiko thuộc Đại học Kitasato. Theo giáo sư, rất khó để ngăn chặn việc tái nhiễm.

Vi-rút corona chủng mới xâm nhập cơ thể thông qua niêm mạc đường hô hấp trên là mũi và họng. Khi đó, các kháng thể gọi là Immunoglobulin A, hay IgA, sẽ được hình thành trên lớp niêm mạc này để tiêu diệt vi-rút xâm nhập.

Tuy nhiên, lượng IgA có xu hướng giảm trong một khoảng thời gian tương đối ngắn sau khi một người bị nhiễm vi-rút và kháng thể được tạo ra. Chính vì vậy, giáo sư cho biết hầu như rất khó để ngăn chặn vi-rút corona xâm nhập lần thứ 2.

Giáo sư Katayama đang có kế hoạch bắt đầu một dự án nhằm tìm hiểu về lượng IgA được tạo ra ở đường hô hấp trên sau khi nhiễm bệnh và thời gian tồn tại của lượng kháng thể này. Nghiên cứu trên có thể giúp giải đáp những câu hỏi của chúng ta về khả năng tái nhiễm vi-rút corona chủng mới.

Câu hỏi 110: Tái nhiễm – Phần 2: Các ca tái nhiễm có triệu chứng nặng hay nhẹ?

Trả lời:
Đối với nhiều loại vi-rút khác vi-rút corona, một người khi bị tái nhiễm thường chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí hoàn toàn không xuất hiện triệu chứng nào.

Hãy cùng xem xét ví dụ của vi-rút hợp bào hô hấp (RSV). Loại vi-rút này gây ra các triệu chứng tương tự cảm lạnh, nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng khi trẻ nhỏ bị nhiễm. Thậm chí trong một số trường hợp có thể dẫn đến viêm phổi và bệnh nặng.

Giáo sư Nakayama Tetsuo, nhà vi-rút học thuộc Đại học Kitasato, đã nghiên cứu kháng thể của 91 trẻ em bị nhiễm RSV. Khi bị nhiễm vi-rút, cơ thể tạo ra các kháng thể để tiêu diệt vi-rút. Người ta cho rằng khi cơ thể sản xuất đủ lượng kháng thể sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm.

Nghiên cứu cho thấy khi trẻ 1 tuổi bị nhiễm bệnh, chỉ một lượng nhỏ kháng thể được tạo ra. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lượng kháng thể tăng lên sau mỗi lần bị tái nhiễm.

Theo nghiên cứu nói trên, khi lượng kháng thể trong cơ thể tăng lên, các triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn. Trong nhiều trường hợp, người mắc bệnh chỉ bị sổ mũi.

Tuy nhiên, đối với bệnh sốt xuất huyết, nhiễm bệnh lần thứ hai lại có thể gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn. Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua muỗi, có thể gây sốt cao và đau đầu nghiêm trọng.

Vậy đối với vi-rút corona, các triệu chứng sẽ như thế nào khi bị tái nhiễm? Giáo sư Nakayama nói có khả năng một số người sẽ không có triệu chứng và thậm chí không biết rằng mình đã bị tái nhiễm vi-rút corona. Theo giáo sư, cần theo dõi tình hình một cách cẩn thận vì các triệu chứng ở ca tái nhiễm vẫn chưa rõ ràng.

Câu hỏi 109: Tái nhiễm – Phần 1: Có những trường hợp tái nhiễm nào đã được ghi nhận trên thế giới?

Trả lời:
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong là những người đầu tiên báo cáo phát hiện tình trạng tái nhiễm vi-rút corona chủng mới vào tháng 8. Họ xác nhận một người đàn ông 33 tuổi bị nhiễm lần đầu tiên vào cuối tháng 3 và sau đó đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, hơn 4 tháng sau, người này lại nhiễm vi-rút lần thứ 2.

Theo các nhà nghiên cứu, trình tự gen của vi-rút được phát hiện trong hai lần nhiễm không hoàn toàn giống nhau. Đây là trường hợp tái nhiễm đầu tiên trên thế giới được xác nhận với đầy đủ chứng cứ khoa học.

Sau các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong, các nhóm nghiên cứu khác tại Mỹ, Ấn Độ và nhiều nơi khác cũng công bố các báo cáo tương tự.

Tạp chí khoa học "Nature" xuất bản 1 bài báo về sự tái nhiễm vi-rút, và ngày càng nhiều người quan tâm đến các trường hợp này.

Chúng tôi tiến hành phỏng vấn nhà vi-rút học, giáo sư Nakayama Tetsuo của Đại học Kitasato về việc con người có thực sự bị tái nhiễm chủng vi-rút này hay không.

Giáo sư cho biết từng xuất hiện hiện tượng tái nhiễm trên nhiều loại vi-rút khác, vì vậy việc tái nhiễm cũng có thể xảy ra đối với vi-rút corona chủng mới.

Câu hỏi 108: Tìm hiểu về chiến dịch “Go To Eat” – Phần 4: Các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm của nhà hàng, quán ăn

Trả lời:
Các nhà hàng, quán ăn tham gia chiến dịch “Go To Eat” được yêu cầu thực hiện triệt để các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút. Chẳng hạn như đặt dung dịch sát khuẩn ở lối vào hoặc nhà vệ sinh.

Ngoài ra, các khu vực bên trong quán phải được thông gió triệt để bằng cách bố trí các thiết bị thích hợp, thường xuyên mở cửa ra vào, cửa sổ và luôn bật quạt thông gió.

Chỗ ngồi phải được sắp xếp cách nhau tối thiểu là 1 mét, nếu có thể là 2 mét. Trong trường hợp không sắp xếp được khoảng cách tối thiểu như vậy, cần đặt các tấm nhựa acrylic hoặc vách ngăn giữa các bàn. Ghế ngồi cạnh nhau ở quầy cần được bố trí để duy trì khoảng cách tối thiểu thích hợp.

Trong trường hợp thực khách không quen biết nhau phải ngồi chung bàn, không nên sắp xếp cho họ ngồi đối diện. Ngoài ra, có thể ngăn bàn thành nhiều ô.

Giới chức Bộ Nông nghiệp đang tiến hành kiểm tra tận nơi để xem các cơ sở kinh doanh ăn uống có thực hiện đầy đủ các biện pháp nói trên hay không. Theo giới chức, cá nhân hoặc cơ sở nào vi phạm các quy định này có thể bị loại khỏi chiến dịch. Trong trường hợp bùng phát lây nhiễm, các tỉnh thành có thể tự xem xét dừng thực hiện chiến dịch.

Câu hỏi 107: Tìm hiểu về chiến dịch “Go To Eat” – Phần 3: Cơ chế của hệ thống phiếu giảm giá ăn uống

Trả lời:
Trong khuôn khổ của chiến dịch “Go To Eat”, có 33 trong số 47 tỉnh thành quyết định phát hành phiếu giảm giá ăn uống. Từ ngày 1/10, 14 tỉnh thành còn lại cũng quyết định phát hành phiếu giảm giá, như vậy tất cả các địa phương trên toàn Nhật Bản đều tham gia chiến dịch.

Theo đó, tỉnh Niigata bắt đầu chiến dịch phát hành phiếu giảm giá ăn uống từ ngày 5/10, tiếp theo là tỉnh Yamanashi từ ngày 12/10, sau đó là tỉnh Osaka từ ngày 14/10. Hầu hết các tỉnh thành còn lại sẽ bắt đầu trong tháng 11.

Các phiếu giảm giá ăn uống do địa phương phát hành có thể được sử dụng tại các cơ sở ăn uống đã đăng ký tại địa phương đó. Phiếu được bán tại các cửa hàng tiện lợi và nhiều cơ sở khác tùy từng khu vực, cũng như qua trang web. Các phiếu này có giá trị cao hơn 25% so với giá bán ra. Ví dụ, phiếu bán với giá 10.000 yên sẽ có giá trị sử dụng là 12.500 yên.

Tuy nhiên, người dân cần lưu ý là một số nơi chỉ phát hành phiếu cho người dân sinh sống tại địa phương đó.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/10).

Câu hỏi 106: Tìm hiểu về chiến dịch “Go To Eat” – Phần 2: Chúng ta được tích điểm thưởng vào lúc nào và như thế nào?

Trả lời:
Từ ngày 1/10, thực khách có thể được tích điểm thưởng khi đặt chỗ qua trang web. Để có điểm thưởng, phải đặt chỗ tại các nhà hàng tham gia chiến dịch “Go To Eat”. Điểm thưởng sẽ được cấp khoảng 1 tuần sau khi dùng bữa với trị giá 500 yên (khoảng 4,7 đôla) cho bữa trưa và 1.000 yên (khoảng 9,4 đôla) cho bữa tối. Điểm thưởng có thể được quy đổi khi đặt chỗ trên cùng trang web đó.

Mỗi lần, thực khách có thể đặt tối đa cho 10 người. Điểm thưởng sẽ được tính như nhau cho mỗi người, và sẽ được tích cho người đặt. Số điểm thưởng sẽ được tích lũy không giới hạn cho đến cuối tháng 1. Thực khách cần lưu ý sử dụng số điểm thưởng này trước cuối tháng 3.

Câu hỏi 105: Tìm hiểu về chiến dịch “Go To Eat” – Phần 1: Giới thiệu sơ lược về chiến dịch

Trả lời:
“Go To Eat” là sáng kiến của chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích người dân đi ăn ngoài và hỗ trợ ngành kinh doanh nhà hàng.

Chiến dịch “Go To Eat” gồm 2 nội dung. Nội dung thứ nhất liên quan đến việc tích điểm thưởng khi đặt chỗ theo hình thức trực tuyến. Khi đặt chỗ qua các trang web được chỉ định, thực khách sẽ được tích điểm để dùng cho lần sau.

Nội dung thứ 2 là mua trước phiếu ăn uống giảm giá được các địa phương phát hành. Một số nơi chỉ bán các phiếu này cho cư dân của địa phương đó.

Câu hỏi 104: Tìm hiểu về chiến dịch “Go To Travel” – Phần 5: Nếu số ca lây nhiễm vi-rút tăng trở lại, du khách có phải trả những khoản phí nào để hủy đặt chuyến không?

Trả lời:
Nếu một số khu vực nhất định có số ca nhiễm mới tăng cao, chính phủ dự kiến sẽ tham vấn chuyên gia và cân nhắc loại các khu vực này ra khỏi chiến dịch.

Theo giới chức thì trong trường hợp này, họ đang cân nhắc yêu cầu các doanh nghiệp không tính phí hủy đặt chuyến. Phần lỗ sẽ được chính phủ hỗ trợ bằng ngân sách của chiến dịch.

Ví dụ, nếu khách sạn hoặc các cơ sở lưu trú đã chi trả để mua thực phẩm, hoặc nếu các công ty du lịch đã chi trả phí đặt vé máy bay thì họ sẽ được hoàn lại toàn bộ phần tiền.

Câu hỏi 103: Tìm hiểu về chiến dịch “Go To Travel” – Phần 4: Việc thêm chuyến du lịch đến và đi từ Tokyo tác động ra sao?

Trả lời:
Các chuyến du lịch đến và đi từ Tokyo được thêm vào chiến dịch “Go To Travel” từ ngày 1/10.

Hiện dân số Tokyo là khoảng 14 triệu người, chiếm khoảng 10% tổng dân số Nhật Bản. Với quyết định trên, Người dân Tokyo có thể đến các điểm du lịch trên cả nước. Điều này được dự báo sẽ khiến chi tiêu cá nhân tăng khoảng 770 tỷ yên, tương đương khoảng 7,3 tỷ đôla.

Thêm vào đó, trong năm ngoái, có tổng cộng 49,63 triệu người, không tính du khách nước ngoài, ở tại khách sạn và các cơ sở lưu trú khác tại Tokyo, chiếm 10% tổng số khách ở trọ trên cả nước. Số du khách đến thủ đô dự báo sẽ tăng.

Nếu lượng du khách tăng lên, thì không chỉ số khách ở tại khách sạn và các cơ sở du lịch tăng, mà số người đi ăn tại nhà hàng và sử dụng các phương tiện giao thông cũng sẽ tăng.

Viện Nghiên cứu Nomura ước tính việc Tokyo được thêm vào chiến dịch sẽ thúc đẩy chi tiêu cá nhân tăng khoảng 7,3 tỷ đôla. Theo kế hoạch, toàn bộ chiến dịch “Go To Travel” sẽ thúc đẩy chi tiêu cá nhân tăng 4,3 nghìn tỷ yên, tương đương khoảng 40 tỷ đôla, tức là Tokyo sẽ chiếm khoảng 17,8% của cả chiến dịch.

Câu hỏi 102: Tìm hiểu về chiến dịch “Go To Travel” – Phần 3: Làm thế nào để nhận được phiếu mua hàng?

Trả lời:
Du khách đặt các chuyến đi tại các công ty du lịch có thể nhận được phiếu mua hàng bằng giấy ở quầy thanh toán.

Du khách đặt chuyến trên mạng có thể nhận phiếu mua hàng điện tử, bằng cách truy cập vào địa chỉ website được đính kèm trong thông báo xác nhận đặt phòng, và điền vào đơn đăng ký, hoặc có thể nhận phiếu mua hàng bằng giấy khi nhận phòng tại nhà trọ hoặc cơ sở lưu trú.

Nếu du khách đặt phòng trực tiếp với nhà trọ hoặc khách sạn thì có thể nhận được phiếu mua hàng bằng giấy khi nhận phòng tại các cơ sở này.

Mỗi công ty du lịch lại có loại phiếu mua hàng cũng như cách nhận phiếu khác nhau. Du khách nên kiểm tra khi đặt chuyến.

Câu hỏi 101: Tìm hiểu về chiến dịch “Go To Travel” – Phần 2: Phiếu mua hàng mà khách tham gia chiến dịch nhận được

Trả lời:
Bắt đầu từ ngày 1/10, khách du lịch có thể sử dụng phiếu mua hàng tại các cơ sở du lịch, cửa hàng, nhà hàng và các phương tiện giao thông. Phiếu mua hàng có thể sử dụng trong thời gian của chuyến đi. Ví dụ, đối với các chuyến du lịch có nghỉ qua đêm, du khách có thể sử dụng phiếu mua hàng vào ngày đến khách sạn và ngày hôm sau. 

Du khách chỉ có thể sử dụng phiếu mua hàng bên trong tỉnh mà họ đến hoặc tại một trong các tỉnh lân cận. Nếu như du lịch đến Hokkaido thì du khách có thể sử dụng phiếu tại tỉnh Aomori. Tương tự, nếu đến Okinawa thì du khách cũng có thể dùng phiếu ở tỉnh Kagoshima.

Các cửa hàng và cơ sở du lịch chấp nhận phiếu mua hàng sẽ dán nhãn hoặc áp phích trước cửa để du khách có thể nhận biết.

Các phiếu mua hàng có thể là phiếu bằng giấy hoặc là phiếu mua hàng điện tử hiển thị trên điện thoại thông minh. Mỗi phiếu có trị giá 1.000 yên, tương đương 9,4 đôla. Khách hàng sẽ không được nhận tiền thừa trả lại.

Câu hỏi 100: Tìm hiểu về chiến dịch “Go To Travel” – Phần 1: Giới thiệu sơ lược về chiến dịch

Trả lời:
“Go To Travel” là sáng kiến của chính phủ Nhật Bản nhằm kích cầu du lịch. Đây là một chiến dịch trong kế hoạch của chính phủ nhằm thúc đẩy tiêu dùng và khôi phục kinh tế Nhật Bản, vốn bị thiệt hại nặng nề do đại dịch vi-rút corona.

Ban đầu, Tokyo không thuộc phạm vi áp dụng của chiến dịch này do có số ca nhiễm tương đối cao so với các vùng khác. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/10, các chuyến du lịch đến và đi từ Tokyo đã được thêm vào chiến dịch. Khách du lịch từ nước ngoài không nằm trong chiến dịch lần này, nhưng những cư dân nước ngoài tại Nhật Bản thì vẫn thuộc đối tượng của chiến dịch.

Trong khuôn khổ chiến dịch “Go To Travel”, chính phủ sẽ trợ cấp lên tới 20.000 yên, tương đương khoảng 190 đôla, chi phí ở một đêm trong khách sạn. Đối với các chuyến du lịch trong ngày, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ lên tới 10.000 yên, tương đương khoảng 94 đôla.

Khách du lịch có thể nhận được khuyến mãi 35% chi phí trả cho các nhà trọ, khách sạn hoặc công ty du lịch có đăng ký với chiến dịch, cũng như nhận được phiếu mua hàng trị giá 15% chi phí để sử dụng tại các cửa hàng và cơ sở du lịch trong khu vực.

Ví dụ, nếu một khách du lịch nghỉ tại một nhà trọ có giá phòng là 40.000 yên, người này sẽ chỉ phải trả 26.000 yên do đã được trừ 35%, cũng như sẽ nhận được phiếu mua hàng trị giá 6.000 yên, tương đương 15%.

Từ ngày 18/9, các công ty du lịch bắt đầu mở bán các tour du lịch giảm giá đến và đi từ Tokyo. Những người đã đặt chuyến trước thời gian này nên hỏi công ty du lịch và khách sạn để được thêm vào chiến dịch.

Câu hỏi 99: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 10: Cách khử trùng điện thoại thông minh

Trả lời:
Bà Sakamoto Fumie, chuyên gia về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thuộc Bệnh viện Quốc tế St. Luke sẽ giải đáp câu hỏi này. Bà cho biết mọi người có thể lau bề mặt điện thoại bằng dung dịch sát khuẩn có cồn.

Trong trường hợp không có loại dung dịch trên, bà cho biết người dân có thể dùng chất tẩy rửa có trong nhà. Pha loãng 5-10ml chất tẩy vào 1 lít nước, sau đó nhúng khăn vào hỗn hợp dung dịch, vắt khăn cho ráo nước và lau bề mặt điện thoại thông minh.

Câu hỏi 98: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 9: Đi khám nha khoa có tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm hay không?

Trả lời:
Theo Hiệp hội Nha khoa Nhật Bản, các cơ sở khám nha khoa đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, vậy nên những người không có các triệu chứng như sốt hay ho có thể đến khám như thông thường.

Những người có các triệu chứng có thể được yêu cầu hạn chế đến khám.

Tuy nhiên, theo hiệp hội thì có một số trường hợp khẩn cấp hoặc có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị, nên trước tiên người dân nên tham khảo ý kiến của nha sỹ.

Câu hỏi 97: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 8: Di chuyển bằng máy bay hoặc tàu siêu tốc có an toàn hay không?

Trả lời:
Môi trường bên trong toa tàu hay khoang hành khách trên máy bay không được thoáng khí như bên ngoài, nhưng đa phần các hành khách trên tàu và máy bay không to tiếng hay làm ồn.

Bà Sakamoto Fumie, chuyên gia về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thuộc Bệnh viện Quốc tế St. Luke sẽ giải đáp câu hỏi này. Bà cho biết mọi người không nên quá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm trên tàu hay máy bay, miễn là tất cả mọi người đều im lặng và giữ khoảng cách với những người xung quanh.

Tuy nhiên, theo bà thì mặc dù có ít nguy cơ lây nhiễm trong lúc đi lại, nhưng nếu người dân tụ tập ăn uống trong không gian kín ở nhà trọ hoặc khách sạn thì nguy cơ sẽ tăng cao. Bà cho rằng các hành vi như vậy có thể dẫn đến lây nhiễm tập thể, vậy nên mọi người cần cực kỳ cẩn thận, tránh các hành vi này.

Câu hỏi 96: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 7: Có nguy cơ lây nhiễm tại bể bơi và nhà tắm công cộng hay không?

Trả lời:
Bà Sakamoto Fumie, chuyên gia về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thuộc Bệnh viện Quốc tế St. Luke sẽ giải đáp câu hỏi này.

Theo bà thì mọi người không cần phải lo lắng về việc bị nhiễm vi-rút ở bể bơi hay nhà tắm công cộng. Kể cả nếu nước ở bể và nhà tắm bị nhiễm vi-rút thì nồng độ vi-rút cũng bị làm loãng. Bà Sakamoto cho rằng ít có nguy cơ lây nhiễm khi đi bơi ở bể bơi và đi tắm ở nhà tắm.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết có nguy cơ lây nhiễm nếu chạm vào các vật dụng trong phòng thay đồ của bể bơi hay nhà tắm, đặc biệt là các vật dụng mà nhiều người chạm vào. Bà kêu gọi mọi người không chạm tay lên mặt, mũi, miệng và mắt trước khi rửa sạch tay.

Câu hỏi 95: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 6: Ăn sống rau củ mua ở siêu thị có an toàn hay không?

Trả lời:
Bà Sakamoto Fumie, chuyên gia về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thuộc Bệnh viện Quốc tế St. Luke sẽ giải đáp câu hỏi này. Theo bà thì hiện nguy cơ nhiễm vi-rút thông qua đồ ăn uống tương đối thấp.

Nhiều nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng vi-rút corona chủng mới lây nhiễm sang người tại một khu chợ ở Trung Quốc, thông qua hoạt động mua bán thịt động vật sống. Bà Sakamoto cho rằng điều này không có nghĩa là những người nhiễm vi-rút bị lây từ thực phẩm mà họ mua từ khu chợ.

Bà nói người dân không nên lo lắng quá mức, miễn là chúng ta mua thực phẩm tại các siêu thị có điều kiện vệ sinh hợp lý. Theo bà Sakamoto thì chúng ta chỉ cần rửa sạch như vẫn thường làm là có thể ăn được.

Câu hỏi 94: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 5: Có cần hạn chế sử dụng không gian ngoài trời hay không?

Trả lời:
Chúng tôi gửi tới quý vị loạt bài về những cách bảo vệ bản thân và gia đình trong đại dịch.

Trả lời câu hỏi là bà Sakamoto Fumie thuộc Đại học Quốc tế St.Luke, chuyên gia về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Theo bà Sakamoto, nguy cơ lây nhiễm ở ngoài trời là tương đối thấp vì không khí liên tục lưu thông, khác với môi trường trong nhà và khép kín.

Tuy nhiên, bà nói thêm rằng, ngay cả khi ở ngoài trời, vẫn có khả năng bị lây nhiễm nếu như nói chuyện với người khác trong khoảng cách gần. Mặc dù vậy bà cũng nói không cần phải quá lo lắng về việc này.

Chuyên gia cũng khuyên nên giữ khoảng cách với người khác khi mọi người cùng nhau đi ăn ngoài trời, ví dụ như dự tiệc ngắm hoa anh đào. Bà nói nếu người nào đó cảm thấy không khỏe thì không nên tham dự những bữa tiệc kiểu như vậy, từ đó giúp làm giảm hơn nữa nguy cơ lây nhiễm.

Câu hỏi 93: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 4: Cần làm gì khi trong nhà có người nhiễm vi-rút corona chủng mới?

Trả lời:
Chúng tôi gửi tới quý vị loạt bài về những cách bảo vệ bản thân và gia đình trong đại dịch.

Nhóm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, trong đó có Giáo sư Kaku Mitsuo thuộc Đại học Y Dược Tohoku, công bố cẩm nang liệt kê những biện pháp cụ thể nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút.

Theo cẩm nang, trong gia đình nên cử 1 người chuyên chăm sóc người nhiễm bệnh. Người chăm sóc phải mang găng tay, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay; đồng thời phải tự kiểm tra thân nhiệt 2 lần mỗi ngày cũng như theo dõi xem bản thân có bất cứ triệu chứng nào hay không.

Cẩm nang viết rằng để ngăn vi-rút lây lan, không nên lấy thức ăn từ đĩa chung cũng như không dùng chung dụng cụ lấy thức ăn. Trước khi rửa nên ngâm bát đĩa trong dung dịch diệt khuẩn ít nhất 5 phút. Quần áo hoặc tấm trải giường có thể dính dịch cơ thể, do đó trước khi giặt nên ngâm với nước nóng 80 độ C trong ít nhất 10 phút.

Cũng theo cẩm nang, điều quan trọng là phải thông khí cho phòng bằng cách cứ 1 đến 2 tiếng lại mở cửa sổ một lần, mỗi lần từ 5 đến 10 phút.

Giáo sư Kaku nói rằng nhiều người có thể không biết phải làm gì nếu bản thân hay người thân có triệu chứng bệnh, vì thế ông hi vọng cẩm nang sẽ giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm và để mọi người thấy an toàn trong cuộc sống hàng ngày.

Câu hỏi 92: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 3: Thế nào là rửa tay đúng cách?

Trả lời:
Chúng tôi gửi tới quý vị loạt bài về những cách bảo vệ bản thân và gia đình trong đại dịch.


Cũng giống như vi-rút gây cảm cúm, vi-rút corona chủng mới lây lan qua giọt bắn từ đường hô hấp, như khi ho hay hắt hơi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa vi-rút, trong đó có rửa tay, che mũi và miệng khi ho hay hắt hơi. Đây cũng là những cách phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nói chung.

Khi rửa tay, các bạn nên dùng xà phòng và nước máy, rửa tay thật kỹ trong tối thiểu 20 giây, rửa sạch các kẽ ngón tay và kẽ móng tay. Khi không có xà phòng và nước máy, có thể dùng cồn và các dung dịch sát khuẩn tay. Vi-rút dính vào tay sẽ đi vào bên trong cơ thể qua đường mắt, mũi, miệng. Vì thế đừng chạm tay lên mặt khi chưa rửa tay kỹ.

Chúng tôi đã hỏi chuyên gia về kiểm soát lây nhiễm, Giáo sư Kobayashi Intetsu thuộc Đại học Toho, về những điểm quan trọng khi rửa tay. Ông cho biết như sau:

“Trước tiên, dùng lượng đủ xà phòng và rửa cẩn thận từng ngón tay. Rửa cả phần cổ tay. Nếu dùng đủ xà phòng, trên tay vẫn còn bọt xà phòng sau khi đã rửa kỹ”.

Rửa tay bằng nước nóng hoặc nước lạnh đều được. Tốt nhất nên dùng khăn giấy sạch khi lau khô tay và tắt vòi nước để không trực tiếp chạm vào khóa vòi.

Khi không thể rửa tay với xà phòng và nước, hãy dùng dung dịch sát khuẩn tay có cồn. Lượng dung dịch sát khuẩn cũng rất quan trọng. Hãy chắc chắn rằng đã ấn hết mức nắp xịt”.

Giáo sư cho biết cần sát khuẩn mọi chỗ của 2 tay khi dung dịch vẫn còn ướt, và ấn triệt để nắp xịt để có lượng dung dịch sát khuẩn đủ dùng.

Câu hỏi 91: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 2: Làm gì khi trong chung cư có người nhiễm vi-rút?

Trả lời:
Chúng tôi gửi tới quý vị loạt bài về những cách bảo vệ bản thân và gia đình trong đại dịch. 

Lây nhiễm trong chung cư đã xảy ra tại thành phố Asahikawa ở Hokkaido. Ban quản lý chung cư đã hỏi Phó chủ tịch của Zenkanren, ông Mizushima Yoshihiro, về cách khử trùng tòa nhà. Zenkanren là liên đoàn quốc gia các hiệp hội quản lý chung cư, là 1 tổ chức phi lợi nhuận.

Ông Mizushima đã đến trung tâm y tế công cộng địa phương và đề nghị trung tâm cử nhân viên đến khử trùng cho tòa nhà. Tuy nhiên, trung tâm từ chối thực hiện yêu cầu này vì chung cư là tài sản thuộc sở hữu tư nhân.

Vì thế, cư dân trong chung cư phải tự làm việc này. Chúng tôi đã hỏi nhân viên của trung tâm y tế công cộng ở Asahikawa rằng nên lưu ý những gì khi tự khử trùng 1 tòa nhà.

Trước hết, cần khử trùng vật dụng ở các khu vực sử dụng chung, nơi mọi người thường trực tiếp chạm tay vào. Đó là nút bấm trên thiết bị khóa tự động ở lối vào, nút bấm thang máy, thanh vịn, đồ dùng trong nhà vệ sinh công cộng, tay nắm cửa thoát hiểm phía thang bộ.

Các nhân viên y tế nói rằng không cần khử trùng không khí vì vi-rút khó trôi nổi trong không khí thời gian dài.

Các nhân viên khuyên rằng nên lau kỹ mọi bề mặt bằng giấy bếp đã nhúng dung dịch sodium hypochlorite 0,05%. Tốt nhất là không phun dung dịch lên giấy bếp vì những người dọn dẹp có thể hít phải hơi độc. Ngoài ra, khi phun dung dịch không đều, nhiều khoảng nhỏ trên giấy không ngấm dung dịch sẽ làm giảm hiệu quả khử trùng.

Cần lưu ý rằng những khuyến nghị trong bài chỉ áp dụng với trường hợp tại Nhật. Trung tâm y tế công cộng ở các nước khác có thể có cách xử lý khác.

Câu hỏi 90: Những cách bảo vệ bản thân và gia đình – Phần 1: Trẻ em có nên đeo khẩu trang không?

Trả lời:
Chúng tôi gửi tới quý vị loạt bài về những cách bảo vệ bản thân và gia đình trong đại dịch.

Chuyên gia Takayama Yoshihiro thuộc Khoa Bệnh truyền nhiễm, Đại học Okinawa Chubu trong nhóm giúp chính phủ Nhật Bản đề ra các biện pháp ngăn ngừa vi-rút corona. Ông kêu gọi nên cẩn thận khi cho trẻ em dùng khẩu trang, vì khi đó các em có thể chạm tay lên mặt thường xuyên hơn và làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi-rút. Theo ông, đối với trẻ em thì trước hết cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản như thường xuyên rửa tay và kiểm tra thân nhiệt khi các em ra ngoài và về nhà. 

Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản khuyến nghị trẻ em dưới 2 tuổi không nên đeo khẩu trang vì có thể khiến các bé khó thở. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng nói rằng không yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang vì một số em không biết đeo khẩu trang đúng cách.

Chuyên gia Takayama khuyến nghị phụ huynh không nên ép con mình đeo khẩu trang chỉ đơn giản vì thấy các trẻ khác có đeo. Ông kêu gọi phụ huynh thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản và cân nhắc về giai đoạn phát triển của trẻ khi quyết định có nên đeo khẩu trang cho trẻ hay không.

Câu hỏi 89: 6 tháng sau khi WHO tuyên bố đại dịch – Phần 4: Phát triển vắc-xin ngừa vi-rút corona chủng mới

Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát vi-rút corona là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3.
Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài về những thay đổi diễn ra trong vòng 6 tháng kể từ tháng 3 và những điều mà chúng ta đã biết được.

Việc phát triển vắc-xin ngừa vi-rút corona đã được tiến hành với tốc độ chưa từng có kể từ khi WHO tuyên bố đại dịch.

Trước đây, phát triển vắc-xin thường mất khoảng 10 năm vì phải được kiểm tra cẩn thận để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Hồi tháng 3, các nhà khoa học nói rằng cần ít nhất vài năm để đưa vắc-xin ngừa vi-rút corona vào sử dụng trong thực tế.

Khi loại vi-rút này gây ra đại dịch toàn cầu, một cuộc chạy đua phát triển vắc-xin đã được khởi động nhất loạt trên toàn cầu. WHO cho biết tính đến ngày 9/9, thế giới ghi nhận có đến 180 loại vắc xin đang trong quá trình phát triển.

Tính đến giữa tháng 9, 35 loại vắc-xin trong số đó đã được thử nghiệm lâm sàng trên con người để xác nhận tính an toàn và hiệu quả. Một số loại thậm chí còn đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng.

Tại sao việc phát triển vắc-xin ngừa vi-rút corona lại được thực hiện nhanh chóng như vậy?

Tâm điểm chú ý đang là một loại vắc-xin mới. Các nhà khoa học hiện đang cố gắng tăng cường hệ miễn dịch của con người bằng cách tiêm gen của vi-rút corona vào cơ thể để sản sinh ra protein của vi-rút. Những protein này sẽ hoạt động như là kháng nguyên.

Vào tháng 8, Nga đã chính thức phê duyệt vắc-xin ngừa vi-rút corona có tên "Sputnik V". Vắc-xin này sử dụng một loại vi-rút khác có độ an toàn đã được chứng minh để đưa gen của vi-rút corona vào cơ thể người. Chính phủ Nga đã phê duyệt loại vắc-xin này ngay cả trước khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

Công ty dược phẩm lớn của Mỹ là Pfizer cũng đang phát triển một loại vắc-xin có tên "mRNA" sử dụng gen của vi-rút.

Công ty đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối và có kế hoạch nộp đơn xin chính phủ phê duyệt sớm nhất là vào cuối tháng 10.

Công ty AstraZeneca có trụ sở tại Anh và Đại học Oxford cũng đã hợp tác phát triển một loại vắc-xin sử dụng gen của vi-rút corona.

Loại vắc-xin sử dụng gen này dự kiến sẽ được phát triển trong thời gian ngắn hơn so với vắc-xin thông thường.

Trong khi đó, việc phát triển một loại vắc-xin như vậy đòi hỏi phải hết sức thận trọng. Trên thực tế, vắc-xin này chưa bao giờ được sử dụng trên người, và cần kiểm tra thận trọng nguy cơ tác dụng phụ không mong muốn.

Cũng đã có báo cáo về những trường hợp bỏ qua quy trình xác nhận thông thường đối với vắc-xin mới do ưu tiên phát triển nhanh chóng.

Giáo sư Ishii Ken thuộc Viện Y khoa Đại học Tokyo là chuyên gia về phát triển vắc-xin. Ông nói rằng những nỗ lực trên toàn cầu để phát triển vắc-xin ngừa vi-rút corona là kết quả của những thành tựu khoa học trước đây.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc phát triển vội vàng có thể dẫn đến những vấn đề không mong muốn. Ông nói rằng các nhà khoa học nên nhớ rằng cần có thời gian để xác nhận tính an toàn của một loại vắc-xin mới.

Chính phủ Nhật Bản hiện đang đàm phán với một số công ty dược phẩm nước ngoài, với hy vọng được họ cung cấp vắc-xin. Chính phủ cũng đang nỗ lực xây dựng hướng dẫn cơ bản để ưu tiên những người được tiêm vắc-xin.

(Thông tin được cập nhật đến giữa tháng 9).

Câu hỏi 88: 6 tháng sau khi WHO tuyên bố đại dịch – Phần 3: Phát triển thuốc điều trị vi-rút corona chủng mới

Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát vi-rút corona là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài về những thay đổi diễn ra trong vòng 6 tháng kể từ tháng 3 và những điều mà chúng ta đã biết được.

Hiện nay không có loại thuốc nào có thể được coi là "thần dược" để điều trị vi-rút corona. Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được trong việc tìm ra các loại thuốc, được phát triển để điều trị các bệnh khác, cũng đang tỏ ra có hiệu quả trong việc điều trị vi-rút corona. Có nhiều thay đổi trong nỗ lực phát triển các phương pháp điều trị trong 6 tháng kể từ khi đợt bùng phát được công bố là "đại dịch".

Trong những ngày đầu, có những loại thuốc ban đầu có vẻ hứa hẹn, nhưng hiệu quả chưa được chứng minh. Một trong số đó là thuốc ức chế các triệu chứng của bệnh AIDS. Người ta hy vọng rằng cơ chế ngăn không cho vi-rút AIDS sinh sôi cũng sẽ có hiệu quả đối với vi-rút corona. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Trung Quốc và Anh cho thấy loại thuốc này không làm giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân nặng do vi-rút corona.

Một loại thuốc khác dường như cũng hứa hẹn là hydroxychloroquine, được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét. Tuy nhiên, vào tháng 6 Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thu hồi giấy phép cho phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này để điều trị vi-rút corona, với lý do thử nghiệm không cho thấy hiệu quả trong điều trị COVID-19.

Mặt khác, có những loại thuốc được xác nhận là có tác dụng với vi-rút corona, bao gồm remdesivir, được phát triển để điều trị Ebola. Các thử nghiệm ở Mỹ đã chứng minh hiệu quả của thuốc. Vào tháng 5, remdesivir đã trở thành loại thuốc đầu tiên được phê duyệt để điều trị vi-rút corona ở Nhật Bản.

Hiệu quả của dexamethasone steroid trong việc giảm tỷ lệ tử vong cũng được xác nhận trong nghiên cứu ở Anh. Thuốc cũng đã bắt đầu được sử dụng trong điều trị tại Nhật Bản.

Hiện nay, Bộ Y tế và Phúc lợi khuyến nghị sử dụng 2 loại thuốc này trong hướng dẫn điều trị.

Có những loại thuốc khác đang được phát triển và đang trong quá trình thử nghiệm để chứng minh hiệu quả.

Ví dụ, một công ty dược phẩm Nhật Bản đã phát triển loại thuốc điều trị cúm Avigan. Công ty đang tiến hành thử nghiệm với mục tiêu được chính phủ chấp thuận cho sử dụng loại thuốc này như một phương pháp điều trị vi-rút corona. Các thử nghiệm lâm sàng cũng đang được tiến hành với Actemra, một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Các loại thuốc có triển vọng khác bao gồm Alvesco, một loại steroid để điều trị bệnh hen suyễn, và Futhan, thường được sử dụng cho bệnh viêm tụy cấp tính. Nếu hiệu quả và độ an toàn của những thuốc này được chứng minh, người ta hy vọng rằng chúng cũng sẽ được sử dụng để điều trị vi-rút corona.

Ông Morishima Tsuneo thuộc Đại học Y Aichi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu được bản chất của căn bệnh trong nửa năm qua và tìm ra một số phương pháp điều trị hiệu quả. Những yếu tố này góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong do vi rút trong đợt bùng phát thứ hai ở Nhật Bản.

(Thông tin được cập nhật đến giữa tháng 9).

Câu hỏi 87: 6 tháng sau khi WHO tuyên bố đại dịch – Phần 2: Tỷ lệ tử vong và mức độ nghiêm trọng

Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát vi-rút corona là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài về những thay đổi diễn ra trong vòng 6 tháng kể từ tháng 3 và những điều mà chúng ta đã biết được.

Vào tháng 3, phần lớn những gì chúng ta biết về dịch bệnh này đều từ Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên. Vào cuối tháng 2, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính quyền Trung Quốc đã phân tích dữ liệu của khoảng 56.000 ca nhiễm.

Họ biết được rằng tỷ lệ tử vong là 3,8%. Tỷ lệ tử vong đặc biệt cao ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc với 5,8%. Đây là nơi có số ca nhiễm cao nhất ghi nhận được tại thời điểm đó. Ở những nơi khác, tỷ lệ này là 0,7%.

Tỷ lệ tử vong ở những người từ 80 tuổi trở lên là 21,9%, đồng nghĩa cứ 5 người nhiễm vi-rút thì có một người chết.

Còn ở Nhật thì sao?

Vào tháng 9, Viện Quốc gia Các bệnh Truyền nhiễm đã phân tích dữ liệu về các ca nhiễm ở Nhật Bản và đưa ra tỷ lệ tử vong được điều chỉnh. Tỷ lệ trong thời gian 1 tháng cho đến cuối tháng 5 là 7,2%.

Do điều kiện khác nhau nên chúng ta không thể đơn giản so sánh các con số nhưng tỷ lệ này dường như cao hơn tỷ lệ ở Vũ Hán vào tháng 2.

Số liệu của Nhật Bản cho thấy bệnh nhân càng lớn tuổi thì tỷ lệ tử vong càng cao. Trong khi tỷ lệ này ở những người dưới 70 tuổi là 1,3%, còn ở những người từ 70 tuổi trở lên là 25,5%. Xu hướng này tương tự như phân tích mà WHO công bố vào tháng 2.

Tuy nhiên, phân tích dữ liệu ở Nhật Bản trong tháng 8 cho thấy tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều. Tỷ lệ chung là 0,9%, tỷ lệ ở những người dưới 70 tuổi là 0,2% và từ 70 tuổi trở lên là 8,1%.

Do đâu có sự sụt giảm lớn như vậy?

Các nhà nghiên cứu tại viện quốc gia cho rằng trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, các bác sĩ ưu tiên chẩn đoán và điều trị cho những bệnh nhân nghiêm trọng, điều này đã đẩy tỷ lệ tử vong lên cao. Theo các nhà nghiên cứu, những người bị nhẹ hoặc không có triệu chứng được phát hiện dương tính với vi-rút nhờ thành công trong việc mở rộng xét nghiệm PCR và các loại xét nghiệm khác, giúp giảm tỷ lệ tử vong.

Họ nói cho đến nay không thấy dấu hiệu nào cho thấy vi-rút ít khả năng gây tử vong hơn. Các chuyên gia tin rằng kết quả phân tích mới nhất cho chúng ta những con số đáng tin cậy nhất về tỷ lệ tử vong.

Các chuyên gia viện dẫn một lý do khác có thể khiến tỷ lệ tử vong ngày càng giảm, đó là các phương pháp điều trị đã được cải tiến. Hồi tháng 3, các bác sĩ tập trung vào việc điều trị viêm phổi và đối phó với Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS).

Sau đó, họ phát hiện ra có hai yếu tố khác dẫn đến tình trạng nghiêm trọng, đó là huyết khối và cơn bão cytokine.

Khi người bệnh nhiễm vi-rút corona, trong mạch máu của họ có xu hướng hình thành những huyết khối nhỏ. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến các cơ quan khác nhau và chặn dòng chảy của máu, gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các vấn đề khác.

Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của con người đôi khi mất kiểm soát và bắt đầu tấn công cơ thể chính mình khi nhiễm bệnh. Đây được gọi là bão cytokine.

Các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ bão cytokine mỗi khi có loại bệnh truyền nhiễm mới nào được báo cáo. Chuyên gia cho biết nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút corona và tử vong vì suy đa tạng có khả năng là nạn nhân của cơn bão cytokine.

Những gì chúng ta biết được kể từ tháng 3, bao gồm người nhiễm vi-rút có các triệu chứng nghiêm trọng như thế nào, được các bác sĩ sử dụng để cho ra đời các phương pháp điều trị mới, có thể góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong.

(Thông tin được cập nhật đến giữa tháng 9).

Câu hỏi 86: 6 tháng sau khi WHO tuyên bố đại dịch – Phần 1: Tình hình lây nhiễm trên thế giới

Trả lời:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát vi-rút corona là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài về những thay đổi diễn ra trong vòng 6 tháng kể từ tháng 3 và những điều mà chúng ta đã biết được.

Một khác biệt lớn trong khoảng thời gian này là sự lây lan của vi-rút. Tính đến ngày 11/3, WHO đã xác nhận được hơn 118.000 ca nhiễm tại 117 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo quốc gia, WHO cho biết Trung Quốc, nơi ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, có khoảng 80.000 người nhiễm vi-rút. Italy phải đối mặt với sự bùng nổ các ca nhiễm trong khi hệ thống y tế quá tải với khoảng 10.000 người nhiễm. Có khoảng 8.000 ca nhiễm ở Iran và khoảng 7.000 ca ở Hàn Quốc.

Vào thời điểm đó, có hơn 4.200 ca tử vong được báo cáo trên khắp thế giới. Trong đó, ở Trung Quốc là khoảng 3.100 ca, Italy khoảng 600 ca, Iran khoảng 300 ca và Hàn Quốc là khoảng 60 ca.

Tình hình đã thay đổi thế nào kể từ tháng 3?

Theo Đại học Johns Hopkins của Mỹ, 188 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận có ca nhiễm. Vi-rút lây lan đến hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Đại học này cho biết tính đến 9 giờ 30 phút sáng ngày 9/9, đã có hơn 27.454.000 người nhiễm vi-rút. Con số này gấp hơn 230 lần so với hồi tháng 3.

Các quốc gia có đông người nhiễm cũng đã thay đổi. Tính đến giữa tháng 9, Mỹ có khoảng 6.325.000 ca, Ấn Độ khoảng 4.280.000 ca, Brazil khoảng 4.147.000 ca và Nga là khoảng 1.032.000 ca. Rõ ràng là vi-rút đã lây lan tới nhiều khu vực trên toàn cầu.

Số ca tử vong đã tăng hơn 210 lần, lên hơn 894.000 ca.

Mỹ có khoảng 189.000 ca tử vong, Brazil khoảng 126.000 ca, Ấn Độ khoảng 72.000 ca, Mexico khoảng 67.000 ca và Anh khoảng 41.000 ca.

(Thông tin được cập nhật đến giữa tháng 9).

Câu hỏi 85: Nhật Bản đang chuẩn bị cho việc tiêm phòng cúm như thế nào?

Trả lời:
Vắc-xin cúm được cho là sẽ thiếu hụt trong bối cảnh mọi người đề cao cảnh giác với bệnh cúm khi vi-rút corona bùng phát. Bộ Y tế quyết định kêu gọi bắt đầu tiêm phòng cúm từ tháng 10, trong đó ưu tiên cho những người có nguy cơ cao mắc các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm người cao tuổi.

Bộ Y tế dự kiến bắt đầu từ tháng 10 sẽ cung cấp vắc-xin cúm đủ cho khoảng 63 triệu người trong mùa cúm sắp tới. Tuy nhiên, người dân đang thận trọng hơn với bệnh cúm trong bối cảnh bùng phát vi-rút corona. Giới chức dự kiến nhu cầu vắc-xin cúm sẽ tăng vọt.

Bộ Y tế đã triệu tập cuộc họp của hội đồng chuyên gia vào ngày 26/8. Những người tham gia trình bày kế hoạch kêu gọi tiêm phòng cúm sớm, để những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng, như người cao tuổi, vẫn được tiêm phòng ngay cả khi hết vắc-xin.

Kế hoạch kêu gọi những người từ 65 tuổi trở lên tiêm chủng ngừa cúm từ đầu tháng 10. Sau đó từ nửa cuối tháng 10, những đối tượng được khuyến khích tiêm chủng là nhân viên y tế, những người có vấn đề về hô hấp hoặc các bệnh lý khác, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, từ trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi đến học sinh lớp hai.

Rất khó để phân biệt triệu chứng nhiễm vi-rút corona và do cúm, vì chúng tương tự nhau. Hệ thống y tế có thể gặp khó khăn nếu như các cơ sở phải làm thêm lượng lớn xét nghiệm vi-rút. Bộ Y tế cho biết sẵn sàng giúp cải thiện quy trình xét nghiệm.

Câu hỏi 84: Nhật Bản dự kiến thực hiện những biện pháp nào để đối phó vi-rút corona khi đến mùa cúm?

Trả lời:
Để chuẩn bị cho mùa cúm vào mùa Thu và mùa Đông, Bộ Y tế đang thiết lập hệ thống mới, trong đó các phòng khám địa phương đóng vai trò trung tâm trong thực hiện xét nghiệm vi-rút corona.

Hiện tại, những người bị sốt hoặc có các triệu chứng khác liên quan đến vi-rút corona thường được xét nghiệm theo một trong hai cách. Một là liên hệ với bộ phận tư vấn trong các trung tâm y tế công cộng rồi được giới thiệu đến cơ sở y tế theo chỉ định để làm xét nghiệm. Thứ hai là đến phòng khám tại địa phương, sau đó được kiểm tra tại trung tâm xét nghiệm khu vực do hiệp hội y tế thành lập.

Tuy nhiên, có lo ngại rằng số người bị sốt hoặc có các triệu chứng giống như nhiễm vi-rút corona muốn được xét nghiệm sẽ tăng đột biến trong mùa cúm vào mùa Thu và mùa Đông.

Do đó, Bộ Y tế quyết định tăng cường hệ thống xét nghiệm vi-rút corona, giúp các phòng khám địa phương có thể vừa tiến hành khám bệnh vừa xét nghiệm vi-rút.

Các phòng khám đã đăng ký với chính quyền địa phương sẽ được làm xét nghiệm, chủ yếu sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên vi-rút corona tiện dụng, cho kết quả trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Nếu một người có kết quả dương tính, người đó sẽ được trung tâm y tế công cộng giới thiệu đến bệnh viện hoặc cơ sở lưu trú được chỉ định.

Trong trường hợp các phòng khám không thể tiến hành xét nghiệm, hoặc đóng cửa vào cuối tuần, chúng ta có thể liên hệ với bộ phận tư vấn tại các trung tâm y tế công cộng hoặc trung tâm xét nghiệm địa phương.

Kế hoạch của Bộ Y tế là đưa các phòng khám địa phương đóng vai trò chính trong xét nghiệm vi-rút corona trong mùa cúm. Bộ có kế hoạch tăng số lượng phòng khám có thể xét nghiệm vi-rút corona, và đảm bảo cung cấp đủ tổng số 200.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên mỗi ngày.

Câu hỏi 83: Làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm trên tàu đông người?

Trả lời:
Chúng ta có thể bị nhiễm vi-rút corona qua các giọt bắn đường hô hấp và tiếp xúc gián tiếp.

Một số người cho rằng nếu đúng như vậy, ngay cả khi có người nhiễm bệnh đứng cạnh bạn trên tàu đông đúc, bạn cũng không bị nhiễm vi-rút nếu như người đó không nói chuyện hay chạm vào bạn.

Khi chúng ta nói chuyện sẽ làm phát tán giọt bắn. Nhưng khi thở cũng tạo ra giọt bắn, vì vậy giữ im lặng không đảm bảo không có giọt bắn.

Tuy nhiên, khi không mở miệng chúng ta có thể giảm đáng kể lượng giọt bắn phát tán. Đây là lý do tại sao chúng ta nên hạn chế nói chuyện hay tiếp xúc, kết hợp đeo khẩu trang, rửa hoặc khử trùng tay thường xuyên.

Câu hỏi 82: Chúng ta bắt đầu bị lây nhiễm như thế nào?

Trả lời:
Ngoài các giọt bắn qua đường hô hấp, vi-rút có thể lây truyền qua tiếp xúc gián tiếp.

Lây truyền qua tiếp xúc gián tiếp có thể xảy ra nếu chúng ta chạm vào thứ gì đó mà người nhiễm bệnh đã chạm vào. Trong cuộc sống thường ngày, mọi người hay chạm tay lên mặt, bao gồm cả mũi và miệng. Nếu làm như vậy khi bàn tay dính vi-rút, ta có thể bị lây nhiễm. Mắt cũng dễ bị lây nhiễm vi-rút, vì vậy ta có thể bị nhiễm khi dụi mắt.

Những giọt bắn siêu nhỏ cũng được cho là có thể truyền vi-rút. Chúng nhỏ hơn những giọt bắn thông thường và bay lơ lửng trong không khí ở những không gian thông khí kém. Để ngăn ngừa lây nhiễm từ các giọt bắn siêu nhỏ, chúng ta nên tránh những địa điểm hội tụ 3 yếu tố: thông khí kém, đông đúc và có tiếp xúc gần. Thông thường, các giọt bắn được cho là sẽ rơi xuống trước khi bay xa được khoảng 2m, vì vậy người ta cho rằng giữ khoảng cách ít nhất 2m với những người khác là an toàn.

Chúng ta chưa biết mọi điều liên quan đến cách thức lây lan của vi-rút corona chủng mới. Tuy nhiên, các biện pháp đang được áp dụng hiện nay dựa trên giả định rằng có thể kiềm chế lây lan bằng cách tránh tối đa các giọt bắn và tiếp xúc.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm trên khắp Nhật Bản, chính quyền kêu gọi người dân đeo khẩu trang để ngăn giọt bắn lan ra và tránh xa những người khác ít nhất 2m để đề phòng có giọt bắn. Người dân cũng được khuyến cáo nên rửa tay, để đề phòng trường hợp tay có nhiễm vi-rút và vô thức chạm tay lên mắt, mũi, miệng.

Câu hỏi 81: Vi-rút corona bắt nguồn từ đâu?

Trả lời:
Hiện người ta vẫn đang tìm hiểu vi-rút corona chủng mới bắt nguồn từ đâu và từ bao giờ. Theo chính quyền thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận vào ngày 8/12/2019. Do Trung Quốc có tập quán buôn bán động vật sống, người ta cho rằng bùng phát bắt nguồn từ chợ dân sinh ở Vũ Hán, và vi-rút lây từ động vật hoang dã sang người.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ về nguồn gốc của vi-rút này. Nguồn lây vi-rút có thể là từ khu chợ nói trên, cũng có thể đã phát tán quanh Vũ Hán vào thời điểm đó, thông qua những người bán hàng trong chợ.
Mặc dù các chuyên gia cho rằng loài dơi có thể là vật chủ đầu tiên của vi-rút corona chủng mới, tuy nhiên vẫn chưa rõ nơi cư trú của loài dơi này.

Loài dơi mang vi-rút corona chủng mới có thể sống sâu ở trong núi và lây vi-rút cho những người tình cờ đi qua khu vực này. Những người này khi quay về Vũ Hán có thể đã vô thức lây vi-rút cho những người khác. Hiện vẫn chưa rõ đường lây nhiễm.

Câu hỏi 80: Có bao nhiêu chủng vi-rút corona có thể lây cho người?

Trả lời:
Đến nay người ta phát hiện được hơn 50 chủng vi-rút corona, với 6 chủng có thể lây cho người. Trong số này có 4 chủng gây các triệu chứng như cảm cúm.

Hầu hết mọi người được cho là đã từng nhiễm ít nhất 1 trong số 4 chủng vi-rút corona nói trên khi còn bé.

Hai chủng còn lại là các chủng gây bệnh SARS và MERS có triệu chứng nghiêm trọng hơn so với 4 chủng kia. Vào thời điểm bùng phát các bệnh trên, các chuyên gia nói rằng đã xuất hiện vi-rút nguy hiểm.

Tháng 12 năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc điều tra về các trường hợp viêm phổi ở Vũ Hán. Khi đó họ phát hiện ra chủng vi-rút corona thứ 7 có thể lây cho con người và được gọi là vi-rút corona chủng mới.

Nhiều chuyên gia từng dự đoán sẽ xuất hiện 1 chủng vi-rút corona mới, tuy nhiên không phải chủng vi-rút quá nguy hiểm.

Như đã đề cập ở trên, 4 chủng gây cảm cúm thông thường. Vi-rút gây bệnh SARS đã được khống chế thành công do các triệu chứng tương đối dễ phát hiện, trong khi vi-rút gây bệnh MERS chưa làm bùng phát thành đại dịch.

Vì thế mọi người có phần lơ là cảnh giác và cho rằng ngay cả khi xuất hiện chủng vi-rút corona mới, vi-rút đó sẽ nhanh chóng bị kiểm soát hoặc không lây lan quá nhiều.

Có nhiều cuốn sách đã từng cảnh báo nguy cơ chủng vi-rút corona mới sẽ gây đại dịch. Nhưng không có nhiều chuyên gia trên thế giới nghĩ rằng cảnh báo này thực tế.

Câu hỏi 79: Tại sao vi-rút corona chủng mới lây lan nhanh và rộng như vậy?

Trả lời:
Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa vi-rút corona chủng mới. Mức độ lây nhiễm của một loại vi-rút được xác định dựa trên số người nhiễm mới trung bình lây từ 1 người. Ví dụ, nếu một người nhiễm truyền vi-rút cho trung bình 0,5 người, vi-rút đó không lây nhiễm nhiều và ít có khả năng lây lan rộng. Với vi-rút corona chủng mới, người ta cho rằng 1 người nhiễm vi-rút có thể lây cho khoảng 2,5 người.

Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ Nhật Bản về vi-rút corona chủng mới, tỷ lệ trên không có nghĩa là tất cả mỗi người nhiễm bệnh đều truyền vi-rút cho 2,5 người khác. Các chuyên gia nói rằng cứ trong 10 người nhiễm vi-rút này thì có 8 người dường như không lây sang người khác, 2 người còn lại mỗi người lây cho khoảng 10 người.

Một vấn đề khác là không dễ xác định người nhiễm vi-rút corona chủng mới. Khi một người bị nhiễm vi-rút gây bệnh SARS, cùng họ với vi-rút corona lần này, ngay lập tức người đó xuất hiện những triệu chứng và biết mình bị nhiễm bệnh. Người nhiễm có thể được cách ly để ngăn vi-rút lây sang người khác.

Tuy nhiên người nhiễm vi-rút corona chủng mới có thể truyền vi-rút ngay cả khi không có triệu chứng nào, và vì thế khó mà ngăn được vi-rút phát tán.

Câu hỏi 78: Thế nào là ho đúng cách?

Trả lời:
Cũng giống như vi-rút gây cúm mùa và cảm lạnh, vi-rút corona chủng mới phát tán qua giọt bắn khi người nhiễm ho hay hắt hơi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi mọi người rửa tay thường xuyên và thực hiện “ho đúng cách” để ngăn vi-rút lây lan. Các biện pháp này cũng tương tự các biện pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác.

Phải rửa tay với xà phòng và nước máy trong ít nhất 20 giây, rửa kỹ cả kẽ ngón tay và phần dưới móng tay. Trong trường hợp không có xà phòng và nước máy, dùng dung dịch sát trùng có cồn.

Nếu chạm tay có dính vi-rút lên mắt, mũi hay miệng, bạn có thể bị nhiễm vi-rút. Vì thế nên nhớ không chạm tay lên mặt nếu chưa rửa tay.

Khi có triệu chứng như ho hay hắt hơi, cần thực hiện ho đúng cách để không làm lây cho người xung quanh nếu lỡ như bạn nhiễm vi-rút.

Khi ho hay hắt hơi, che miệng bằng khăn giấy hoặc phần phía trong của cánh tay. Nếu dùng khăn giấy, phải vứt đi sau khi dùng và rửa tay sạch. Không che bàn tay lên miệng vì bàn tay có thể bị dính vi-rút.

Câu hỏi 77: Tại sao Nhật Bản ít xét nghiệm PCR?

Trả lời:
Xét nghiệm PCR phát hiện vật liệu gien của vi-rút và xác định tại thời điểm đó người được xét nghiệm có nhiễm vi-rút corona hay không. Xét nghiệm tương đối chính xác nhưng phải mất thời gian mới cho ra kết quả. Nhật Bản được cho là không thực hiện nhiều xét nghiệm PCR như các nước khác. Đó là vì Nhật Bản không có nhiều cơ hội làm xét nghiệm này trước khi vi-rút corona chủng mới bùng phát.

Một lý do là Nhật Bản không có ca nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), những bệnh cần phải xét nghiệm PCR. Để xét nghiệm cúm, Nhật Bản sử dụng rộng rãi các bộ xét nghiệm đơn giản. Do đó, xét nghiệm PCR gần như chưa được thực hiện ở Nhật Bản.

Hiện tại hệ thống xét nghiệm dần được mở rộng, tuy nhiên chưa đến thời điểm có thể phổ biến rộng rãi và đây có thể là một thách thức.

Câu hỏi 76: Thông khí cho phòng thế nào cho đúng cách?

Trả lời:
Hãng sản xuất cửa và cửa sổ YKK AP giới thiệu trên trang web của mình một danh sách gợi ý về cách thông khí cho phòng bằng cửa sổ trong thời gian đại dịch.

Công ty gợi ý “mở 2 cửa sổ thay vì 1 cửa sổ”, và mở các cửa sổ nằm chéo nhau.

Nếu trong phòng chỉ có 1 cửa sổ, công ty gợi ý nên mở cửa trong phòng để tạo luồng khí và dùng quạt để không khí lưu thông.

Công ty cũng khuyên nên trượt cánh cửa sổ vào giữa, để mở hai bên.

Câu hỏi 75: Làm sao thông khí trong phòng khi sử dụng điều hòa nhiệt độ?

Trả lời:
Theo hãng sản xuất điều hòa nhiệt độ lớn là Daikin Industries, đa số máy điều hòa nhiệt độ chỉ tuần hoàn không khí trong phòng và không có chức năng thông khí. Hãng kêu gọi mọi người nên thỉnh thoảng mở cửa sổ và làm sạch không khí khi đang bật điều hòa.

Một số người có thể nghĩ rằng nếu làm như vậy sẽ tốn điện. Một nhân viên của Daikin hướng dẫn cách tiết kiệm điện khi thông khí cho phòng. Vì máy điều hòa nhiệt độ sẽ tiêu thụ nhiều điện năng khi bật lại, do đó không nên tắt đi khi mở cửa sổ.

Trong thời tiết nóng hơn, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng nếu luồng không khí từ bên ngoài ập vào làm tăng nhiệt độ phòng. Vì thế, cần tăng nhẹ nhiệt độ của máy điều hòa trước khi mở cửa thông khí cho phòng.

Câu hỏi 74: Có phải đeo khẩu trang có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt hay không?

Trả lời:
Chúng tôi đã làm 1 thí nghiệm, dùng nhiệt kế kiểm tra xem nhiệt độ trên mặt thay đổi ra sao khi đeo khẩu trang.

Kết quả thí nghiệm cho thấy khi một người không đeo khẩu trang, nhiệt độ vùng da quanh miệng là xấp xỉ 36 độ C. Đây là nhiệt độ đo được vào ngày đầu Hè ở khu vực Shibuya của Tokyo, nơi đài NHK tọa lạc.

Tuy nhiên, ngay khi người đó đeo khẩu trang, nhiệt độ quanh vùng miệng lập tức tăng 3 độ, lên thành 39 – 40 độ C. Năm phút sau, vùng da quanh miệng bắt đầu chảy mồ hôi do hơi nóng bị giữ lại phía trong khẩu trang. Người đeo cảm thấy nóng hơn tương đối so với trước khi đeo khẩu trang và dần thấy khó thở.

Giáo sư Yokobori Shoji của khoa Sau đại học thuộc Đại học Y Nippon cho biết không phải lúc nào đeo khẩu trang cũng khiến người ta dễ bị sốc nhiệt. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng có số liệu cho thấy đeo khẩu trang có thể gây khó thở, làm nhịp tim và nhịp hô hấp tăng khoảng 10%. Khi kết hợp với những yếu tố như tập thể dục, hay nhiệt độ không khí tăng cao, việc đeo khẩu trang có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.

Theo Giáo sư Yokobori, cần đeo khẩu trang để ngăn giọt bắn lây lan. Tuy nhiên, ông nói rằng một điều cũng quan trọng không kém là phải đảm bảo những người già, những người sống 1 mình có biện pháp thích hợp để phòng ngừa sốc nhiệt. Ông khuyên những người có nguy cơ sốc nhiệt cao nên tháo khẩu trang và nghỉ ngơi ở những nơi vắng người, ví dụ ngồi nghỉ 1 lát dưới bóng cây nếu đang ở ngoài đường. Ông cũng khuyên nên thường xuyên thay khẩu trang vì khẩu trang bị ẩm do mồ hôi sẽ không thoáng khí nữa.

Câu hỏi 73: Những điều các ngành nghề cần lưu ý – Phần 7: Công ty chế tạo có địa điểm sản xuất khó chuyển sang làm việc từ xa

Trả lời:
Xin giới thiệu hướng dẫn nội bộ của các công ty chế tạo có địa điểm sản xuất khó chuyển sang làm việc từ xa.

Hãng sản xuất xe tải Mitsubishi Fuso Truck and Bus Corporation đưa ra các hướng dẫn ngăn ngừa lây nhiễm cho nhân viên tại dây chuyền sản xuất.

Tại nhà máy của hãng ở thành phố Kawasaki gần Tokyo, các nhân viên được yêu cầu ngồi hoặc đứng cách nhau ít nhất 1,5 mét. Hãng thử nghiệm để các nhân viên đeo tấm che mặt ra ngoài khẩu trang trong trường hợp phải lại gần nhau, như khi cùng bê các linh kiện nặng.

Tất cả nhân viên thay găng tay làm việc 2 lần 1 ngày. Phòng thay đồ được khử trùng thường xuyên để ngăn ngừa lây nhiễm.

Ông Baba Takashi thuộc Mitsubishi Fuso cho biết việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa vi-rút là rất quan trọng tại các dây chuyền sản xuất xe tải vì ở đó khó tự động hóa, hầu hết công việc do con người thực hiện.

Ông cho biết cuộc chiến chống vi-rút có thể sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian và ông muốn lắng nghe đề xuất của nhân viên và cải thiện môi trường lao động để tất cả có thể làm việc an toàn và thoải mái hơn.

Hãng sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản Toyota Motor từ cuối tháng 3 đã điều chỉnh giờ bắt đầu ca làm việc buổi tối muộn hơn 30 phút so với trước đây tại 10 cơ sở sản xuất ở tỉnh Aichi. Nhờ đó, ca ngày và ca tối cách nhau khoảng 90 phút, giảm khả năng nhân viên các ca khác nhau cùng có mặt.

Công ty sản xuất máy móc hạng nặng IHI Corporation thì chia nhân viên tại nhà máy sản xuất động cơ máy bay phản lực ở Thị trấn Mizuho của Tokyo thành hai nhóm. Các nhóm sẽ thay phiên nhau đi làm theo tuần.

Một hãng sản xuất xe tải khác là Isuzu Motors đã tăng gấp 3 lần số chuyến xe đưa đón nhân viên trong giờ đi làm buổi sáng ở nhà máy tại Fujisawa, tỉnh Kanagawa, nhằm tránh tình trạng trên xe có đông người.

Câu hỏi 72: Những điều các ngành nghề cần lưu ý – Phần 6: Văn phòng và các cơ sở chế tạo

Trả lời:
Xin giới thiệu hướng dẫn do Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) biên soạn cho các công ty nối lại hoàn toàn hoạt động. Hướng dẫn được chia thành hai nhóm, dành cho văn phòng và dành cho các cơ sở chế tạo.

Hướng dẫn đưa ra nhiều hình thức làm việc khác nhau, như làm việc từ xa, giảm giờ làm hoặc nghỉ 3 ngày một tuần, để giảm tần suất đi làm.

Nhân viên văn phòng được yêu cầu cân nhắc hoãn các chuyến công tác không khẩn cấp, tổ chức họp, trao đổi danh thiếp và phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến.

Hướng dẫn dành cho các nhà máy có nêu các biện pháp xử lý nhiều tình huống giả định sẽ xảy ra. Ví dụ, các công ty nên tổ chức họp buổi sáng hoặc điểm danh theo số lượng nhỏ hoặc riêng lẻ, tại mỗi quy trình sản xuất.

Keidanren đã thông báo hướng dẫn trên cho các công ty thành viên. Liên đoàn cũng đăng tải lên trang web của mình và kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường tuân thủ những hướng dẫn này.

Câu hỏi 71: Những điều các ngành nghề cần lưu ý – Phần 5: Ngành đường sắt và hàng không

Trả lời:
Xin giới thiệu các hướng dẫn đề phòng lây nhiễm do ngành đường sắt và hàng không công bố.

Theo hướng dẫn chung của các tập đoàn đường sắt, bao gồm JR và các công ty đường sắt tư nhân lớn, các công ty chủ quản nên yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, làm việc từ xa để tránh tập trung đông người và tránh sử dụng các phương tiện giao thông công cộng vào giờ cao điểm.

Các công ty đường sắt cũng được yêu cầu làm vệ sinh cẩn thận và mở cửa sổ để thông gió.

Ngoài ra, các ghế đặt trước trên tàu tốc hành sẽ được bố trí sao cho hành khách có thể duy trì giãn cách xã hội nhất định.

Trong khi đó, hướng dẫn của Hiệp hội hàng không định kỳ Nhật Bản khuyến nghị các công ty hàng không yêu cầu hành khách đeo khẩu trang và nhân viên thường xuyên làm vệ sinh bên trong máy bay. Các công ty cũng được khuyến nghị phục vụ đồ uống đóng hộp trên máy bay.

Trong hướng dẫn đối với các công ty chủ quản nhà ga sân bay, những công ty này được yêu cầu phải đề nghị hành khách duy trì giãn cách xã hội tại quầy làm thủ tục và trong quá trình kiểm tra an ninh. Họ cũng phải làm vệ sinh cẩn thận những khu vực mà hành khách thường xuyên chạm tay vào.

Tại các quầy làm thủ tục có thể lắp đặt các tấm ngăn trong suốt khi cần thiết để ngăn phát tán giọt bắn. Bất cứ hành khách nào không khoẻ sẽ được kiểm tra thân nhiệt.

Tại 6 sân bay chính của Nhật Bản bao gồm sân bay Haneda, Narita và Kansai, hành khách sẽ tiếp tục được theo dõi thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ.

Câu hỏi 70: Những điều các ngành nghề cần lưu ý – Phần 4: Cơ sở lưu trú

Trả lời:
Xin giới thiệu hướng dẫn đối với các cơ sở lưu trú.

Các nhóm trong ngành khách sạn và nhà trọ ở Nhật Bản đã đưa ra hướng dẫn về các biện pháp ngăn ngừa vi-rút. Hướng dẫn do ba nhóm biên soạn là Hiệp hội Khách sạn Lữ quán toàn Nhật Bản, Hiệp hội Khách sạn và Lữ quán Nhật Bản và Hiệp hội Khách sạn Thành phố Nhật Bản. Hướng dẫn kêu gọi chủ các cơ sở lưu trú kiểm tra xem khách có bất kỳ triệu chứng nào như sốt khi đến nơi hay không và yêu cầu họ sát trùng tay.

Hướng dẫn cũng kêu gọi các cơ sở lưu trú dùng văn bản giải thích cho khách biết vị trí phòng, thay vì để nhân viên đưa họ đến tận phòng.

Theo hướng dẫn, tại các phòng tiệc và nhà hàng, khách nên được khuyến khích ngồi cùng phía với nhau, không rót đồ uống có cồn cho người khác để tránh nhiều người cùng chạm vào chai cũng như tránh chuyển cốc cho người khác lần lượt uống.

Hướng dẫn cũng khuyến nghị nên phục vụ riêng nhiều nhất có thể cho từng khách hàng các món lẩu và sashimi, thay vì để nhiều người dùng chung đồ ăn. Hướng dẫn kêu gọi các cơ sở xem xét ngừng cung cấp các bữa ăn theo dạng tự chọn. Nếu tiếp tục tổ chức tiệc tự chọn thì để nhân viên phục vụ khách thay vì để khách tự phục vụ và không dùng chung kẹp và đũa.

Cũng theo hướng dẫn, các cơ sở lưu trú nên hạn chế số lượng người vào nhà tắm để ở đó không đông đúc.

Các nhóm trong ngành khách sạn lưu trú dự kiến phổ biến rộng rãi hướng dẫn này cho các cơ sở thành viên, và thúc giục họ thực hiện các biện pháp thích hợp theo điều kiện của mình.

Câu hỏi 69: Những điều các ngành nghề cần lưu ý – Phần 3: Nhà hàng

Trả lời:
Xin giới thiệu hướng dẫn đối với những người đang vận hành nhà hàng.

Một nhóm ngành nhà hàng ở Nhật Bản đã biên soạn hướng dẫn để các doanh nghiệp nối lại hoàn toàn hoạt động. Họ kêu gọi chủ các nhà hàng đảm bảo giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện các biện pháp để duy trì giãn cách xã hội trong các cơ sở của mình.

Cụ thể, hướng dẫn nói rằng các nhà hàng nên chuẩn bị dung dịch sát trùng cho khách hàng và đặt biển báo đề nghị những người bị sốt, ho và các triệu chứng khác không ăn uống trong cơ sở của họ.

Hướng dẫn cũng khuyến cáo các nhà hàng hạn chế lượng khách khi quá đông, bố trí chỗ ngồi để khách hàng không ngồi đối diện và duy trì khoảng cách ít nhất 1m với nhau. Ngoài ra, khách hàng cũng nên tránh dùng chung bàn với các nhóm khách hàng khác.

Khi ngành dịch vụ ăn uống phụ thuộc nhiều hơn vào dịch vụ đặt hàng mang đi và giao hàng trong bối cảnh bùng phát vi-rút corona, hướng dẫn kêu gọi các nhà hàng khuyến khích khách hàng sớm dùng đồ ăn để tránh bị ngộ độc thực phẩm.

Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Thực phẩm Nhật Bản Takaoka Shinichiro cho biết những hướng dẫn này nhằm khuyến khích các nhà hàng nỗ lực. Ông nói ông hy vọng họ sẽ tùy theo điều kiện của mình mà áp dụng các biện pháp thích hợp để khách hàng có thể an toàn dùng bữa.

Câu hỏi 68: Những điều các ngành nghề cần lưu ý – Phần 2: Quán karaoke

Trả lời:
Xin giới thiệu bộ hướng dẫn do các doanh nghiệp trong ngành karaoke tự đề ra.

Ba hiệp hội ngành karaoke ở Nhật Bản đã cùng nhau xây dựng bộ hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Hướng dẫn kêu gọi các quán karaoke mở quạt thông gió từng phòng; giới hạn số lượng khách hàng ở mức một nửa so với thông thường; bố trí cho khách ngồi cùng phía với nhau, không ngồi đối diện, giữ khoảng cách ít nhất 1m, nếu có thể thì là 2m; thường xuyên khử trùng micrô và bộ điều khiển từ xa.

Họ cũng đề nghị khách hàng đeo khẩu trang trừ khi ăn uống và tránh xa những người đang hát ít nhất 2m.

Ông Kato Shinji, phó giám đốc Hiệp hội Karaoke Box Nhật Bản, cho biết văn hoá karaoke hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đe dọa đến sự tồn vong. Ông cho biết hiệp hội sẽ xem xét bổ sung các biện pháp chặt chẽ hơn nếu các hướng dẫn cho thấy là không đủ. Ông cho biết các hiệp hội đang nỗ lực đem lại môi trường karaoke an toàn, an tâm cho khách hàng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/7).

Câu hỏi 67: Những điều các ngành nghề cần lưu ý – Phần 1: Câu lạc bộ, quán bar, địa điểm biểu diễn nhạc sống

Trả lời:
Xin giới thiệu hướng dẫn của chính phủ đối với 3 loại hình kinh doanh giải trí. Đó là các câu lạc bộ hoặc quán bar có nhân viên trực tiếp phục vụ khách hàng, các câu lạc bộ ban đêm và địa điểm có biểu diễn nhạc sống.

Vào tháng 6, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi, cũng là quan chức phụ trách ứng phó vi-rút corona, đã công bố các biện pháp mà những doanh nghiệp này nên tuân thủ bao gồm: Duy trì khoảng cách giữa mọi người ít nhất 1m, hoặc nếu có thể là 2m; Lắp đặt các tấm chắn bằng nhựa trong trên bàn và quầy bar; Khuyến khích nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang hoặc tấm che mặt; Đề nghị khách hàng cung cấp tên, số điện thoại liên lạc và lưu trữ dữ liệu này trong 1 thời gian.

Những người vận hành các địa điểm biểu diễn nhạc sống được yêu cầu cố gắng giữ khoảng cách giữa các nghệ sĩ biểu diễn và khán giả là 2m. Nếu không thể, họ phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng các giọt bắn không lan rộng. Chính phủ khuyến nghị nên bán vé trực tuyến hoặc thông qua hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.

Các câu lạc bộ hoặc quán bar có nhân viên trực tiếp phục vụ khách hàng được yêu cầu hạn chế để mọi người cùng nhau hát karaoke hoặc khiêu vũ trong thời gian này. Các cơ sở này cũng được yêu cầu khuyên khách hàng không nên dùng chung cốc uống.

Các câu lạc bộ ban đêm được kêu gọi bật nhạc ở mức âm lượng tối thiểu và cấm mọi người nói to để hạn chế giọt bắn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/7).

Câu hỏi 66: Cần lưu ý điều gì khi học sinh ăn trưa tại trường?

Trả lời:
Người trả lời câu hỏi này là Giáo sư Kunishima Hiroyuki thuộc Khoa Y, Đại học St.Marianna, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Theo ông, điều quan trọng là tất cả học sinh, trong đó có các em trực nhật phát thức ăn, phải rửa tay đúng cách với xà phòng trước khi ăn.

Ông nói cần chú ý tới những vật dụng như đồ gắp thức ăn hay muôi múc. Đài NHK và Giáo sư Kunishima đã cùng thực hiện 1 thí nghiệm để xem vi-rút có thể lây lan như thế nào trong bữa ăn theo kiểu buffet. Người đóng vai bệnh nhân nhiễm vi-rút sẽ bôi thuốc nhuộm huỳnh quang lên tay, sau đó dùng bữa. Trong vòng 30 phút, thuốc nhuộm huỳnh quang dính sang đồ gắp, nắp vung và các vật dụng khác mà mọi người sử dụng chung, cũng như dính lên tay tất cả 10 người tham gia thí nghiệm.

Có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong bữa ăn tại trường nếu mọi người rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, và chỉ những học sinh trực nhật phân phát đồ ăn được sử dụng đồ gắp và muôi múc.

Trong bữa ăn, nên mở cửa sổ lớp, học sinh không nên ngồi gần nhau. Cần tránh 3 yếu tố là không gian kín, đông người và có tiếp xúc gần.

Giáo sư Kunishima nói rằng trong giờ ăn, các em học sinh không thể đeo khẩu trang khi ăn và có thể đến gần nhau hơn so với khi ngồi học. Ông hi vọng quản lý các trường sẽ đặc biệt chú ý đảm bảo các biện pháp như thông khí và giám sát việc rửa tay.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/7).

Câu hỏi 65: Liệu vi-rút có thể lây lan trước khi người nhiễm xuất hiện triệu chứng hay không?

Trả lời:
Một nhóm nghiên cứu Singapore cho rằng trường hợp này đôi khi có thể xảy ra. Các nhà nghiên cứu lần theo đường lây nhiễm của một số ca bệnh ở Singapore và công bố phát hiện của mình trong báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) phát hành. Sau khi phân tích chi tiết, các nhà nghiên cứu phát hiện được các ca bệnh trong 7 nhóm lây nhiễm. Những nhóm này được cho là có xảy ra lây nhiễm từ người sang người, với người truyền vi-rút không có triệu chứng nào.

Phải vài ngày sau khi tiếp xúc và làm lây vi-rút cho những người khác, những người không có triệu chứng mới bắt đầu sốt, ho hoặc sổ mũi. Các nhà nghiên cứu tin rằng những người không có triệu chứng làm vi-rút lây lan trong thời gian ủ bệnh qua giọt bắn và các đường khác.

Có một số trường hợp lây nhiễm theo nhóm xảy ra trong các lớp dạy hát. Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi người nhiễm vi-rút không bị ho, vi-rút cũng có thể truyền sang người khác qua giọt bắn văng ra khi người đó hát to hay các hoạt động khác.

Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy vi-rút corona chủng mới có thể lây lan trong thời kỳ ủ bệnh. Vì thế, chỉ cách ly những người có triệu chứng thôi là chưa đủ, thay vào đó cần tránh tụ tập và những nơi đông người.

(Thông tin được câp nhật đến ngày 20/7).

Câu hỏi 64: Những điều cần lưu ý khi sơ tán lúc đại dịch – Phần 5: Nhân viên điều hành trung tâm sơ tán cần chú ý điều gì?

Trả lời:
Phần giải đáp này đặc biệt hướng tới người nước ngoài sống tại Nhật Bản.

Giáo sư Kanbara Sakiko thuộc Đại học Kochi khuyên nhân viên các trung tâm sơ tán trước tiên phải kiểm tra thân nhiệt mọi người trước khi vào trung tâm, kiểm tra xem mọi người có bất cứ triệu chứng nào như sốt, ho hay cảm thấy mệt mỏi hay không.

Theo giáo sư Kanbara, cần bố trí phòng riêng cho những người có nguy cơ cao nhiễm vi-rút. Ví dụ, nếu trung tâm sơ tán đặt trong phòng tập thể thao của trường tiểu học, có thể sử dụng lớp học làm nơi cách ly những người có triệu chứng.

Giáo sư nhấn mạnh nhân viên trung tâm sơ tán cũng cần có các biện pháp ngăn lây nhiễm từ giọt bắn khi ho hay hắt hơi. Theo bà, nếu khó duy trì được khoảng cách cần thiết giữa mọi người ở nơi sơ tán, cần dựng vách ngăn bằng thùng các-tông để ngăn giọt bắn. Tuy nhiên, cần tránh tối đa chạm tay vào vách ngăn để ngăn lây nhiễm qua tiếp xúc.

Giáo sư Kanbara cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên rửa tay và sử dụng dung dịch sát trùng. Cần đặc biệt chú ý tới những chỗ thường có nhiều người sử dụng, vì những chỗ này dễ xảy ra lây nhiễm, ví dụ như tay nắm cửa, công tắc điện và tay vịn trong nhà vệ sinh.

Giáo sư Kanbara cũng nói cần sát trùng và rửa cả 2 tay trước và sau khi chạm vào những chỗ này. Bà nói mọi người cần ý thức được rằng bản thân mình có thể là người mang vi-rút và phải cẩn thận để không làm lây vi-rút cho người khác, bằng cách sát trùng tay trước khi chạm vào những khu vực trên.

Theo giáo sư, nên đặt các sản phẩm sát trùng có chứa cồn ở lối vào nơi sơ tán, gần lối vào nhà vệ sinh để mọi người có thể thường xuyên sát trùng tay. Bà nói thêm rằng mọi người cũng cần sát trùng tay khi chạm vào những đồ vật mà mọi người cùng dùng chung như đồ cứu trợ và đồ dự phòng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/7).

Câu hỏi 63: Những điều cần lưu ý khi sơ tán lúc đại dịch – Phần 4: Giọt bắn có lưu lại trên sàn nhà hay không?

Trả lời:
Phần giải đáp này đặc biệt hướng tới người nước ngoài sống tại Nhật Bản.

Giáo sư Sekine Yoshika của Đại học Tokai là chuyên gia về môi trường trong nhà. Dưới sự giám sát của Giáo sư, đài NHK đã thực hiện 1 thí nghiệm liên quan đến giọt bắn, trong đó giả lập không gian giống các trung tâm sơ tán khẩn cấp, tức là không gian kín và không có thông khí, sau đó đánh giá hoạt động của giọt bắn văng ra khi ho hoặc hắt hơi trong môi trường hạn chế này.

Chúng tôi sử dụng thiết bị đặc biệt để tạo lượng giọt bắn tương đương với khi một người hắt hơi, sau đó dùng các máy quay độ phân giải cao để quan sát.

Hình ảnh quay được cho thấy phần lớn giọt bắn rơi xuống khu vực cụ thể trên sàn, cách thiết bị khoảng 1,5m.

Khi có người bước trên sàn, bụi dính giọt bắn cũng bay lên và trôi nổi trong không khí.

Khi ai đó ho hay hắt hơi gây khuấy động không khí, dù rất ít, bụi dính giọt bắn nằm dưới sàn cũng bay lên khoảng 20cm.

Theo Giáo sư Sekine, một số nhà khoa học nói rằng vi-rút corona có thể tồn tại thời gian dài, đặc biệt trên những bề mặt nhẵn có ít ma sát như sàn phòng tập, nơi thường được dùng làm cơ sở sơ tán tạm thời.

Giáo sư cho rằng cần giải quyết vấn đề giọt bắn khi sơ tán tại các cơ sở trên.

Chúng tôi cũng trao đổi với Giáo sư Kanbara Sakiko thuộc Đại học Kochi, chuyên gia về các biện pháp ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm tại các trung tâm sơ tán khẩn cấp.

Giáo sư cảnh báo việc mọi người cùng nằm ngủ trên sàn nhà ở nơi sơ tán có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Theo bà, một biện pháp ngăn ngừa có thể có hiệu quả là ngủ trên giường ghép từ thùng các-tông, cao hơn so với sàn nhà.

Câu hỏi 62: Những điều cần lưu ý khi sơ tán lúc đại dịch – Phần 3: Cần làm gì khi ở nơi sơ tán?

Trả lời:
Phần giải đáp này đặc biệt hướng tới người nước ngoài sống tại Nhật Bản.

Khi ở trung tâm sơ tán, cần ưu tiên chú ý tránh nơi có đủ 3 yếu tố: không gian kín, đông người và có tiếp xúc gần.

Sau đây là những điều chúng ta có thể làm: giữ cho không gian luôn thông thoáng, duy trì khoảng cách với người khác khoảng 2m, tránh nói chuyện với người khác ở phạm vi gần. Cũng có thể chọn cách ngồi quay lưng vào nhau thay vì mặt đối mặt, dựng vách ngăn bằng bìa các-tông… Những biện pháp này sẽ giúp ngăn giọt bắn văng trúng người khác khi ho hay hắt hơi.

Một điều nữa có thể làm được là rửa và sát trùng 2 tay. Nhớ rửa tay hoặc sát trùng bằng dung dịch chứa cồn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chạm vào những nơi có nhiều người tiếp xúc như tay nắm cửa và thanh vịn.

Khi ở nơi sơ tán, thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và tình hình sức khỏe. Thông báo ngay với bộ phận quản lý nếu phát hiện có vấn đề, từ đó 2 bên cùng thảo luận nên làm gì.

Lây nhiễm thường sẽ lan nhanh trong các trung tâm sơ tán khi xảy ra thảm họa. Sau trận động đất và sóng thần năm 2011, hàng chục người bị cúm tại một trung tâm sơ tán ở tỉnh Iwate. Sau trận động đất năm 2016 ở tỉnh Kumamoto, nhiều người ở trung tâm sơ tán ở Minami-Aso và khu vực xung quanh bị nhiễm cúm và tiêu chảy do vi-rút.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/7).

Câu hỏi 61: Những điều cần lưu ý khi sơ tán lúc đại dịch – Phần 2: Cần chuẩn bị những gì trước khi đi sơ tán?

Trả lời:
Phần giải đáp này đặc biệt hướng tới người nước ngoài sống tại Nhật Bản.

Các trung tâm sơ tán thường sẽ rất đông người khi xảy ra thảm họa. Điều này có nghĩa là nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Vì thế, khi đi sơ tán, phải bảo đảm rằng bạn có mang theo khẩu trang, dung dịch sát trùng chứa cồn và cặp nhiệt độ.

Nếu không có khẩu trang, có thể sử dụng khăn tắm hoặc miếng vải đủ lớn để che kín miệng và mũi. Trong trường hợp không có dung dịch sát trùng chứa cồn, có thể dùng giấy ướt có chất diệt khuẩn. Một số chính quyền địa phương không có đủ khẩu trang dự trữ dành cho những người sơ tán. Vì thế tốt nhất là nếu có thể thì nên chuẩn bị khẩu trang cho mình.

Chú ý thường xuyên tự kiểm tra sức khỏe để ngăn ngừa lây nhiễm. Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt. Bị sốt, ho, mệt mỏi là một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã nhiễm vi-rút corona.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/7).

Câu hỏi 60: Những điều cần lưu ý khi sơ tán lúc đại dịch – Phần 1: Nên sơ tán như thế nào?

Trả lời:
Phần giải đáp này đặc biệt hướng tới người nước ngoài sống tại Nhật Bản.

Vi-rút corona chủng mới có thể phát tán nếu nhiều người cùng đến các trung tâm sơ tán khi xảy ra thảm họa.

Vì vậy, từ nay về sau, mọi người không nên chỉ sơ tán ở các trung tâm quy định trong cộng đồng, mà có thể đến những nơi khác như nhà họ hàng hoặc người quen, khách sạn. Bạn cũng có thể ở nguyên trong nhà hoặc trong ô tô của mình.

Nếu có người thân hay bạn bè sống ở những khu vực an toàn và bạn có thể nhờ cậy, nên cân nhắc việc tạm đến chỗ họ lánh nạn, để các trung tâm sơ tán không bị quá đông người.

Bạn cũng có thể nghĩ đến việc ở nguyên trong nhà, nếu nhà của bạn ở trên tầng cao, hoặc là công trình vững chãi, không nằm ở những khu vực nguy hiểm như gần sông, các khu vực thấp hay sườn núi.

Ngủ tạm trong ô tô cũng là 1 lựa chọn, nếu khu vực quanh bạn không có nguy cơ ngập lụt, không phải ở sườn núi hay gần các tòa nhà bị sập. Trong trường hợp này, nên nhớ phải thường xuyên tập thể dục và thông khí cho xe.

Trong trường hợp bạn không yên tâm về khu vực mình sống, đừng ngần ngại mà hãy đến ngay trung tâm sơ tán.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/7).

Câu hỏi 59: Liệu chúng ta có thể sử dụng chất khử trùng cho vải để khử trùng tay hay không?

Trả lời:
Chúng tôi đã hỏi hai công ty sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu có sản xuất và bán chất khử trùng cho vải là Kao Corporation và Proctor & Gamble Japan. Cả hai công ty cho biết người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng chất khử trùng cho vải để khử trùng tay và ngón tay.

Kao cho biết các sản phẩm khử trùng được phát triển để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và không nên sử dụng trên da các chất khử trùng được phát triển cho vải.

Còn P&G Nhật Bản cho biết vì các sản phẩm khử trùng vải nhằm mục đích khử mùi và vệ sinh vải gia dụng nên người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng trên tay, các bề mặt cứng như tay nắm cửa và bàn làm việc.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/7).

Câu hỏi 58: Liệu chúng ta có thể đeo tấm che mặt thay cho khẩu trang để ngăn ngừa lây nhiễm hay không?

Trả lời:
Tấm che mặt được sử dụng để che phần trên cũng như phần dưới của khuôn mặt. Mục đích chính là ngăn chặn vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc mắt. Nhân viên tại các cơ sở y tế luôn đeo cả khẩu trang và tấm che mặt.

Giáo sư Sugawara Erisa thuộc Khoa sau đại học Trường đại học Y Tokyo cho biết tấm che mặt, giống như khẩu trang vải, rất hữu ích khi mọi người nói chuyện với nhau ở cự ly gần vì nó ngăn giọt bắn phát tán.

Tuy nhiên, bà nói rằng tấm che mặt không đủ bảo vệ người đeo khỏi bị nhiễm vi-rút. Bà cho biết tấm che có hiệu quả trong việc ngăn người đeo chạm tay vào mũi hoặc miệng không thể ngăn chặn vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi và miệng.

Giáo sư cho biết khi sử dụng tấm che mặt nên tránh chạm vào bề mặt bên ngoài của tấm che. Các bạn cũng nên lau tấm che bằng cồn hoặc rửa bằng xà phòng sau khi sử dụng.

Bà Sugawara nói thêm rằng cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm là giảm thiểu tiếp xúc cá nhân và rửa tay thường xuyên.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/7).

Câu hỏi 57: Chuyên gia suy nghĩ như thế nào về việc đeo khẩu trang mà không che phần mũi?

Trả lời:
Mục đích chính của việc đeo khẩu trang là để ngăn các giọt bắn phát ra từ người nhiễm bệnh. Nếu phần mũi của bạn bị hở, thì những giọt bắn do hắt hơi sẽ bị phân tán. Ngoài ra, khi con người hít thở, 90% lượng khí vào qua đường mũi, nên không che mũi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm vi-rút.

Khi tháo khẩu trang, bạn phải đảm bảo có đủ khoảng cách với những người xung quanh. Các giọt bắn được cho là có thể phát tán xa tới khoảng 2m. Để ngăn ngừa sốc nhiệt, bộ y tế Nhật Bản khuyên bạn nên tháo khẩu trang nếu đảm bảo ở cách người khác ít nhất 2m.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sakamoto Fumie thuộc Bệnh viện Quốc tế St. Lukes ở Nhật Bản cho biết mọi người không cần phải đeo khẩu trang mọi lúc, mà chỉ khi cần thiết. Bà Sakamoto nói rằng liên tục đeo khẩu trang sẽ làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt.

Chọn chất liệu khẩu trang cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong những tháng nóng bức. Rất nhiều người đang tự làm khẩu trang bằng các chất liệu khác nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp thông tin về hiệu quả của các loại chất liệu khẩu trang khác nhau, như khả năng thông khí và hiệu quả lọc các giọt bắn. Theo WHO, nylon có hiệu quả lọc cao nhưng độ thông khí lại thấp. Sợi bông cotton dùng cho vải gạc rất dễ thở nhưng hiệu quả lọc lại thấp. WHO cho biết nên kết hợp sợi bông với các chất liệu khác để tăng hiệu quả lọc.

Một nhóm bác sĩ chuyên khoa nhi nói rằng không nên sử dụng khẩu trang cho trẻ em dưới 2 tuổi, do nguy cơ ngạt thở.

Bà Sakamoto thuộc Bệnh viện Quốc tế St. Lukes cho biết ngoài đeo khẩu trang, điều quan trọng nhất là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản khác như khử trùng tay và tránh không gian kín, nơi đông người và tiếp xúc gần.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/7).

Câu hỏi 56: Làm thế nào để giặt khẩu trang vải?

Trả lời:
Điểm quan trọng là không chà sát chúng. Theo bộ y tế Nhật Bản, trước tiên bạn nên ngâm khẩu trang vải trong chậu nước có pha chất tẩy khoảng 10 phút. Lượng chất tẩy phụ thuộc vào từng sản phẩm, nhưng nhìn chung, bạn cần 0,7 gram, hoặc khoảng một nửa thìa nhỏ cho 2 lít nước. Sau đó, giặt khẩu trang bằng cách ấn nhẹ nhàng bằng tay, sau đó xả sạch lại trong chậu nước.

Nếu bạn muốn sử dụng máy giặt, hãy cho khẩu trang vào trong túi lưới có kích thước tương đương.

Dùng khăn sạch lau nước còn đọng lại trên khẩu trang và phơi khô trong bóng râm.

Bộ y tế nói rằng tốt nhất nên giặt khẩu trang vải ngày một lần và khuyên không nên sử dụng nữa nếu khẩu trang không giữ được hình dạng ban đầu.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/7).

Câu hỏi 55: Khẩu trang có thực sự hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm hay không?

Trả lời:
Không rõ liệu khẩu trang có thể ngăn ngừa lây nhiễm hay không. Tuy nhiên, khẩu trang dùng một lần được sử dụng rộng rãi thì không hoàn toàn ngăn được vi-rút. Vì vậy, ngay cả khi có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, thì hiệu quả này cũng được cho là chỉ ở một mức độ nhất định mà thôi.

Tại các cơ sở y tế, nhân viên đeo khẩu trang kết hợp với nhiều biện pháp bảo hộ khác dựa trên kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, nếu chỉ có khẩu trang thì sẽ không bảo vệ được nhiều.

Khẩu trang N95 là khẩu trang y tế hiệu quả cao được nhiều nhân viên y tế sử dụng trong phòng chăm sóc tích cực. Loại khẩu trang này có thể lọc vi-rút, nhưng có thể khiến người đeo khó thở. Để sử dụng khẩu trang N95 một cách thích hợp, cần phải tìm hiểu trước cách đeo và dùng đúng cách. Cho dù bạn đeo loại khẩu trang nào, thì việc chạm vào mặt trước khi khử trùng tay sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Mặt khác, khi người bị nhiễm vi-rút đeo khẩu trang thì cũng được cho là giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Cho đến nay, vi-rút corona chủng mới được cho là chủ yếu truyền qua đường giọt bắn. Một người nhiễm bệnh được cho là phát tán ra một lượng lớn vi-rút trong khoảng thời gian từ 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng đến ngay sau khi xuất hiện triệu chứng. Người ta cho rằng đeo khẩu trang làm giảm đáng kể sự phát tán của các giọt bắn khi ho và hắt hơi, cũng như các giọt siêu nhỏ phát ra khi nói chuyện.

Phát biểu với báo giới hồi tháng Năm, ông Omi Shigeru, phó chủ tịch hội đồng chuyên gia của Chính phủ Nhật Bản, cho biết ông mong muốn tất cả mọi người, bất kể có triệu chứng hay không, đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây lan vi-rút.

Ông nói rằng mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về việc sử dụng khẩu trang, nhưng ở các quốc gia khác và tại Tổ chức Y tế Thế giới đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/7).

Câu hỏi 54: Liệu việc cơ thể có kháng thể và kết quả xét nghiệm PCR có liên quan với nhau hay không?

Trả lời:
Trước hết cùng tìm hiểu về cách xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm kháng thể nhằm kiểm tra xem trong cơ thể có loại protein gọi là kháng thể hay không. Kháng thể do các tế bào miễn dịch trong máu sản sinh ra khi chiến đấu với vi-rút xâm nhập vào cơ thể. Để xét nghiệm kháng thể, người ta sử dụng bộ xét nghiệm mẫu máu. Tuy nhiên cần lưu ý rằng cơ thể phải mất thời gian mới sản sinh ra kháng thể và không thể phát hiện ngay kháng thể khi cơ thể vừa nhiễm vi-rút.

Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản sử dụng các bộ xét nghiệm kháng thể sẵn có trên thị trường để xét nghiệm mẫu máu của các bệnh nhân nhiễm vi-rút corona chủng mới. Họ phát hiện ra rằng phải đến 2 tuần sau khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng, mới phát hiện được kháng thể trong đa số các mẫu máu.

Tiếp theo cùng tìm hiểu về xét nghiệm PCR. Cách xét nghiệm này để phát hiện cơ thể có bị nhiễm vi-rút hay không và cho kết quả có độ chính xác cao. Nếu kết quả là dương tính, có nghĩa là có vi-rút bên trong cơ thể. Tuy nhiên, thường là các trường hợp này không phát hiện thấy kháng thể do cơ thể vẫn chưa kịp sản sinh kháng thể. Trong trường hợp kết quả âm tính, gần như chắc chắn là cơ thể không nhiễm vi-rút, hoặc cũng có thể là vi-rút đã bị đào thải khỏi cơ thể. Nếu là trường hợp thứ hai, có thể kết quả xét nghiệm kháng thể sẽ là dương tính.

Ngoài xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm PCR, có 1 biện pháp xét nghiệm khác đang được phát triển. Cách xét nghiệm mới được cho là sẽ phát hiện một loại kháng thể khác có trong máu và xuất hiện ngay khi cơ thể nhiễm vi-rút. Người ta kỳ vọng rằng khi đưa vào sử dụng thực tế, biện pháp này có thể thay thế xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục về độ chính xác của xét nghiệm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/7).

Câu hỏi 53: Hệ miễn dịch hoạt động ra sao và có vai trò quan trọng như thế nào?

Trả lời:
Hệ miễn dịch của con người và các sinh vật khác bảo vệ vật chủ bằng cách phát hiện, tấn công và loại bỏ vi-rút, vi khuẩn và các vi sinh vật từ bên ngoài xâm nhập vào.

Tế bào miễn dịch dạng bạch cầu trong máu đóng vai trò chính giúp chống lại vi-rút xâm nhập. Tế bào miễn dịch sản sinh ra lượng lớn protein gọi là kháng thể, ngăn không cho vi-rút nhân lên bên trong cơ thể vật chủ, từ đó giúp vật chủ không bị bệnh.

Trong trường hợp cơ thể không nhận biết được vi-rút, ví dụ như vi-rút corona chủng mới, tế bào miễn dịch không thể sản sinh kháng thể kịp thời để ngăn vi-rút lây lan, khi đó vật chủ sẽ bị bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo ra kháng thể, hệ miễn dịch của con người còn có các cơ chế hoạt động khác. Trong máu có các loại tế bào miễn dịch khác mà khi kết hợp với nhau có thể giúp người nhiễm vi-rút không bị bệnh hoặc phục hồi nhanh hơn.

Giáo sư Motohashi Shinichiro, chuyên gia miễn dịch học khoa Cao học Y thuộc Đại học Chiba, cho biết cần ăn uống cân bằng và ngủ đủ để cơ thể nuôi dưỡng các tế bào miễn dịch. Ông nói cần ghi nhớ rằng đây là những yếu tố thiết yếu để tế bào miễn dịch hoạt động đúng chức năng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/6).

Câu hỏi 52: Liệu muỗi có truyền được vi-rút corona hay không?

Trả lời:
Trên trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có viết rõ rằng “vi-rút corona chủng mới không thể lây lan qua vết muỗi đốt”. WHO giải thích rằng đến nay chưa có thông tin hay bằng chứng nào cho thấy vi-rút corona có thể lây lan qua đường muỗi đốt.

Theo WHO, “vi-rút corona chủng mới là vi-rút gây bệnh đường hô hấp chủ yếu lây lan qua giọt bắn khi người nhiễm vi-rút ho hay hắt hơi, hoặc qua nước bọt hay dịch mũi”.

WHO khuyến cáo: “Để bảo vệ bản thân, hãy rửa tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc với xà phòng và nước, tránh tiếp xúc gần với những người đang ho hay hắt hơi”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/6).

Câu hỏi 51: Liệu đánh răng có giúp ngăn vi-rút lây lan hay không?

Trả lời:
Theo giảng viên Tonami Kenichi thuộc Đại học Y và Nha khoa Tokyo, trong trường hợp cảm cúm thông thường, nước bọt được cho là có tác dụng ngăn vi-rút lây lan bằng cách giữ cho vi-rút chỉ ở trong miệng, không xâm nhập vào các bộ phận khác.

Tuy nhiên, khi không đánh răng, vi khuẩn trong miệng sẽ gia tăng. Vi khuẩn tiết ra enzyme tạo điều kiện cho vi-rút dễ xâm nhập và gây bệnh.

Vì thế, có ý kiến cho rằng đánh răng để loại bỏ vi khuẩn trong miệng sẽ giúp ngăn lây nhiễm.

Theo giảng viên Tonami, hiện chưa rõ liệu đánh răng cũng có tác dụng ngăn lây nhiễm vi-rút corona hay không, tuy nhiên hi vọng rằng nhìn chung đây có thể là một biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/6).

Câu hỏi 49: Tìm hiểu về 3 làn sóng bùng phát cúm Tây Ban Nha

Trả lời:
Dịch cúm năm 1918, hay còn gọi là dịch cúm Tây Ban Nha, do một vi-rút cúm chủng lạ gây ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người nhiễm bệnh là khoảng 500 triệu người, tương đương 1/4 dân số thế giới khi đó. Có 40 triệu người tử vong.

Cúm Tây Ban Nha lây lan toàn cầu từ mùa Xuân năm 1918 rồi lắng xuống vào mùa Hè. Tiếp đó làn sóng bùng phát thứ 2 xảy ra vào mùa Thu năm 1918, rồi đến làn sóng thứ 3 vào đầu năm 1919.

Làn sóng thứ 2 được cho là có tỷ lệ tử vong cao nhất, với ít nhất 20 triệu người chết trên toàn thế giới.

Tại Nhật Bản, cúm Tây Ban Nha cũng bùng phát thành 3 làn sóng từ giữa mùa Thu năm 1918 đến mùa Xuân năm 1921. Theo các tài liệu được bộ tổng vụ lưu trữ đến nay, Nhật Bản có khoảng 23,8 triệu người nhiễm cúm, trong đó 390.000 người tử vong.

Tại Nhật Bản, làn sóng thứ nhất bắt đầu từ mùa Thu năm 1918 là đợt bùng phát mạnh nhất với 21,2 triệu người nhiễm bệnh và 260.000 người tử vong. Trong làn sóng thứ 2 từ mùa Thu năm 1919, bùng phát nhẹ hơn với 2,4 triệu người nhiễm và 130.000 ca tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trong làn sóng thứ 2 là cao nhất.

Các chuyên gia ngày nay cảnh báo rằng đại dịch vi-rút corona chủng mới cũng có thể có làn sóng thứ 2 và thứ 3 giống như dịch cúm Tây Ban Nha.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/6).

Câu hỏi 48: Vi-rút sinh sôi trong điều kiện nào?

Trả lời:
Giáo sư Kunishima Hiroyuki thuộc Khoa Y của Đại học St. Marianna, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết vi-rút và vi khuẩn thuộc nhóm vi sinh vật gây bệnh. Vi khuẩn là dạng sinh vật sơ khai nhất với một tế bào đơn lẻ, có thể tự sinh sôi.

Vi-rút nhỏ hơn nhiều so với vi khuẩn. Vi-rút có gien, tức chất mang thông tin di truyền axit nucleic, có màng bảo vệ nhưng không có cấu trúc tế bào. Vi-rút không thể tự sinh sôi mà chỉ có thể nhân lên khi có tương tác với tế bào sống của người hoặc động vật mang vi-rút.

Điều này có nghĩa là vi-rút corona chủng mới không thể sinh sôi trên tường hay các bề mặt khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vi-rút trên các bề mặt này vẫn có khả năng lây nhiễm trong một thời gian nhất định.

Giáo sư Kunishima nói rằng bạn có thể chạm tay phải những bề mặt có dính vi-rút, ví dụ như nắm cửa hay tay vịn khi đi ra ngoài. Do đó, để ngăn ngừa lây nhiễm, bạn nên rửa tay hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch chứa cồn khi về đến nhà, khi đến văn phòng hoặc trước khi dùng bữa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/6).

Câu hỏi 47: Liệu có thể nhiễm vi-rút khi trao đổi tiền mặt hay không?

Trả lời:
Giáo sư Mikamo Hiroshige thuộc Đại học Y Aichi, chuyên gia về kiểm soát lây nhiễm, nói rằng tùy theo lượng vi-rút mà lây nhiễm có xảy ra hay không. Theo ông, nếu tay 1 người có dính vi-rút và người đó đã chạm tay vào tiền (tiền giấy hay tiền đồng), nên giả định rằng vi-rút sẽ vẫn tồn tại trên tiền trong 1 khoảng thời gian. Để ngăn ngừa lây nhiễm, phải rửa tay với xà phòng, khử trùng tay bằng dung dịch có cồn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi chạm tay lên mũi, miệng. Giáo sư cũng khuyên nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như trên sau khi đã chạm tay vào hàng hóa mới mua.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/6).

Câu hỏi 46: Vi-rút có thể tồn tại bao lâu trên bề mặt đồ vật?

Trả lời:
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ và các tổ chức khác, vi-rút không còn lưu lại bề mặt đồ vật sau 1 khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, không còn phát hiện được vi-rút trên đồng sau 4 tiếng, trên bìa các-tông là sau 24 tiếng. Tuy nhiên, vi-rút vẫn tồn tại trên nhựa trong vòng 72 tiếng, trên bề mặt thép không gỉ là 48 tiếng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/6).

Câu hỏi 45: Vi-rút có bị tiêu diệt ở nhiệt độ đóng băng hay không?

Trả lời:
Giáo sư Sugawara Erisa của khoa Sau đại học thuộc Đại học Y tế Tokyo, chuyên gia về ngăn ngừa lây nhiễm, trả lời câu hỏi này. Theo giáo sư, hiện thế giới mới chỉ biết rất ít về đặc tính của vi-rút corona chủng mới, tuy nhiên đã có nhiều nghiên cứu quốc tế về vi-rút gây bệnh SARS, vốn là chủng vi-rút corona tương tự.

Theo nghiên cứu, vi-rút SARS bị tiêu diệt khi thử đặt trong môi trường có nhiệt độ tương đối cao là 56 độ C. Tuy nhiên, vi-rút có thể tồn tại trong khoảng 3 tuần ở nhiệt độ -80 độ C, tức ngưỡng đóng băng.

Nghiên cứu cho thấy vi-rút corona chủng mới có thể yếu đi ở môi trường nhiệt độ cao, nhưng lại tương đối mạnh ở nhiệt độ thấp.

Theo giáo sư Sugawara, trong trường hợp phát hiện được vi-rút corona chủng mới trên bề mặt hàng hóa hay thực phẩm, vi-rút được cho là có thể sống sót trong tủ lạnh hay tủ đông thêm 1 thời gian. Do đó, mọi người nên khử trùng phần bao bì bọc bên ngoài trước khi để vào tủ lạnh và tủ đông, cũng như rửa tay sạch sẽ trước và sau khi nấu ăn. Giáo sư nói rằng thực phẩm được đun nóng nhìn chung là an toàn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/6).

Câu hỏi 44: Nếu một gói đồ ăn bị nhiễm vi-rút, chúng ta có thể loại bỏ vi-rút bằng cách quay gói đồ ăn đó trong lò vi sóng?

Trả lời:
Lò vi sóng sử dụng sóng điện từ để quay các phân tử nước trong thực phẩm và làm nóng.

Giáo sư Sugawara Erisa thuộc Khoa Sau đại học thuộc Đại học Y tế Tokyo, chuyên gia về phòng chống lây nhiễm, sẽ giải đáp câu hỏi này. Giáo sư cho biết bản thân thực phẩm an toàn nếu được hâm nóng đủ trong lò vi sóng.

Nhưng bà chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy làm nóng bề mặt của gói đồ ăn là đủ để khiến vi-rút trên bao bì mất khả năng lây nhiễm.

Bà Sugawara nói rằng điều quan trọng là phải rửa tay thường xuyên trước cũng như sau khi nấu và ăn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/6).

Câu hỏi 43: Các quốc gia sử dụng vắc-xin BCG phòng lao có tỷ lệ tử vong do vi-rút corona chủng mới thấp hơn?

Trả lời:
Vắc-xin BCG được điều chế từ một chủng vi khuẩn đã được làm yếu. Vi khuẩn này gây bệnh lao ở bò và tương tự như vi khuẩn gây bệnh ở người. Tại Nhật Bản, tất cả trẻ em trước khi tròn 1 tuổi đều được tiêm chủng BCG. Chính sách tiêm chủng BCG khác nhau tùy theo từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ và Italy là một trong những quốc gia không có chương trình tiêm chủng BCG phổ cập.

Một số nhà nghiên cứu bên ngoài Nhật Bản chỉ ra rằng những nơi có chương trình tiêm chủng BCG thường quy có ít ca tử vong do vi-rút corona. Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành ở Australia và Hà Lan để nghiên cứu xem BCG có liên quan đến việc ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona cũng như ngăn có các triệu chứng nghiêm trọng hay không.

Vào ngày 3/4, Hội vắc-xin Nhật Bản đã trình bày quan điểm của mình về vấn đề này.

Hội nói rằng vẫn chưa xác nhận về mặt khoa học hiệu quả của BCG trong phòng ngừa vi-rút và hiện nay vắc-xin này không được khuyến cáo tiêm phòng như một biện pháp phòng ngừa.

Hội cũng nói rằng một số người lớn tuổi không được tiêm vắc-xin BCG đang yêu cầu được tiêm phòng như một biện pháp bảo vệ trước vi-rút corona chủng mới. Nhưng hội cho biết BCG là một loại vắc-xin dành cho trẻ nhỏ và hiệu quả cũng như độ an toàn của nó đối với người cao tuổi chưa được xác nhận.

Cũng theo hội, cần phải tránh việc gia tăng sử dụng BCG ngoài mục đích chính, vì điều này có thể làm gián đoạn khả năng cung cấp vắc-xin ổn định cho trẻ nhỏ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/6).

Câu hỏi 42: Vi-rút tồn tại như thế nào trên da người và có thể tồn tại trong cơ thể người mà không có triệu chứng?

Trả lời:
Giáo sư Kunishima Hiroyuki, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Y khoa St. Marianna sẽ giải đáp câu hỏi này. Ông nói rằng vi-rút không thể nhân lên trừ khi nó xâm nhập và lây nhiễm vào tế bào của động vật sống.

Vi-rút corona chủng mới được cho là chủ yếu lây nhiễm thông qua niêm mạc mũi hoặc miệng của con người và nhân lên trong các tế bào ở họng, phổi và những nơi khác. Vi-rút không thể nhân lên nếu chỉ ở trên bề mặt của bàn tay hoặc bàn chân một người.

Tuy nhiên, nếu ai đó có vi-rút dính trên tay, sau đó chạm tay lên mắt, mũi hoặc miệng thì họ có thể bị nhiễm. Có thể rửa sạch vi-rút trên da bằng xà phòng, vì vậy mọi người nên giữ vệ sinh bằng cách rửa tay kỹ hoặc sử dụng các chất khử trùng như cồn trước khi chạm vào mặt.

Một số loại vi-rút như herpes gây bệnh thủy đậu vẫn trong cơ thể người ngay cả sau khi người đó hồi phục. Nhưng nhìn chung, vi-rút corona chủng mới lại khác, vì vậy nếu ai đó bị nhiễm và có triệu chứng thì cuối cùng hệ thống miễn dịch của người đó sẽ hoạt động và loại bỏ vi-rút khỏi cơ thể.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/6).

Câu hỏi 41: Vi-rút có bị tiêu diệt khi tiếp xúc với tia cực tím hoặc khí ozone?

Trả lời:
Giáo sư Ohge Hiroki thuộc Đại học Hiroshima, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, sẽ trả lời câu hỏi này. Giáo sư Ohge cho biết có kỳ vọng rằng tia cực tím cường độ cao với bước sóng nhất định có thể làm giảm khả năng lây nhiễm của vi-rút và vi khuẩn, vốn là nguyên nhân của nhiều bệnh.

Nhiều ý kiến kỳ vọng rằng các thiết bị phát tia cực tím hiệu quả cao đã được sử dụng thực tế sẽ có tác dụng ngăn ngừa vi-rút corona chủng mới. Bệnh viện Đại học Hiroshima đang sử dụng thiết bị quét tia cực tím để khử trùng các phòng bệnh có bệnh nhân vi-rút corona chủng mới đã xuất viện.

Trong khi đó, so với thiết bị này, ánh sáng mặt trời được cho là không hiệu quả trong việc tiêu diệt các loại vi-rút tương tự. Mặt trời phát ra các tia cực tím có bước sóng dài ngắn khác nhau và không mạnh bằng tia phát từ thiết bị trên.

Về khí ozone, theo báo cáo do nhóm các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học ở Nhật Bản công bố hồi tháng 5, khả năng lây nhiễm của vi-rút corona chủng mới suy giảm sau khi vi-rút tiếp xúc với khí ozone nồng độ cao trong khoảng một tiếng đồng hồ. Giáo sư Ohge nói rằng khí ozone được sử dụng trong thí nghiệm có nồng độ từ 1ppm đến 6ppm được coi là có hại cho con người.

Các thiết bị sử dụng khí ozone để khử trùng và khử mùi được bán với mục đích sử dụng thông thường không sử dụng khí ozone có nồng độ cao như vậy. Tuy nhiên, vẫn chưa xác nhận được liệu khí ozone ở nồng độ thấp có hiệu quả trong ngăn ngừa vi-rút corona chủng mới hay không.

Cục Bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản đang kêu gọi người tiêu dùng xác nhận với các nhà sản xuất xem họ có cơ sở khoa học để tuyên bố rằng các sản phẩm của mình, bao gồm cả những sản phẩm sử dụng khí ozone, có hiệu quả phòng ngừa vi-rút corona hay không.

Câu hỏi 40: Nên có những biện pháp phòng ngừa nào khi đeo khẩu trang trong mùa Hè?

Trả lời:
Bắc bán cầu sắp hứng chịu cái nóng thực sự của mùa Hè. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết trong năm nay cần phải lưu tâm hơn đến hiện tượng sốc nhiệt vì nhiều người đeo khẩu trang để ngăn ngừa vi-rút corona chủng mới.

Bộ khuyên mọi người nên tháo khẩu trang nếu duy trì đủ giãn cách xã hội (ít nhất 2 mét), tránh làm việc nặng hoặc tập thể dục khi đeo khẩu trang. Bộ cũng khuyến cáo mọi người nên uống nước thường xuyên, ngay cả khi không khát.

Giáo sư Yokobori Shoji thuộc Khoa sau đại học thuộc Đại học Y khoa Nippon, một người am hiểu về sốc nhiệt, cho biết không hẳn là đeo khẩu trang sẽ làm cho dễ bị sốc nhiệt. Nhưng ông nói đeo khẩu trang sẽ khiến khó thở hơn. Dữ liệu cho thấy nhịp tim và nhịp thở tăng khoảng 10% khi đeo khẩu trang. Giáo sư Yokobori chỉ ra rằng việc vận động nặng hoặc nhiệt độ không khí tăng làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt.

Giáo sư Yokobori nói rằng điều quan trọng là phải ngăn ngừa khả năng lây nhiễm qua giọt bắn, nhưng người già hoặc người sống một mình nên đặc biệt cẩn thận với sốc nhiệt. Khi ở bên ngoài, ông khuyên mọi người nên bỏ khẩu trang và nghỉ ngơi ở những nơi không có đông người, chẳng hạn như dưới gốc cây. Ông cũng khuyên nên thay khẩu trang sau khi ra mồ hôi vì khẩu trang ẩm sẽ có ít không khí đi qua hơn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/6).

Câu hỏi 39: Chúng ta nên lưu ý điều gì khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ?

Trả lời:
Khi Bắc bán cầu bước vào mùa Hè, một số người có thể lo lắng về mức độ thoáng khí trong không gian sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Hầu hết máy điều hòa nhiệt độ sử dụng trong gia đình chỉ tuần hoàn không khí trong nhà và không có chức năng thông khí. Nhiều người có thể đóng cửa sổ khi sử dụng điều hòa.

Phó Giáo sư Yamamoto Yoshihide thuộc Đại học Bách khoa Tokyo, cũng là thành viên của Hội kiến trúc Nhật Bản, sẽ giải đáp câu hỏi này. Thông khí trong các tòa nhà là một trong những lĩnh vực nghiên cứu chính của ông. Phó Giáo sư đề xuất nên kết hợp giữa sử dụng máy điều hòa nhiệt độ và thông khí tự nhiên.

Ở những khu vực có bốn mùa, vào đầu mùa Hè, khi trời còn chưa quá nóng, ông Yamamoto khuyên khi sử dụng máy điều hoà nên mở cửa sổ một chút để lấy không khí bên ngoài. Khi phòng trở nên quá nóng, hãy làm mát không khí bên trong bằng cách đóng hoặc khép cửa sổ lại một lúc.

Vào giữa mùa Hè, khi nguy cơ sốc nhiệt gia tăng, Phó Giáo sư Yamamoto khuyên nên tích cực sử dụng các loại quạt thông gió trong nhà ở những nơi như nhà vệ sinh hoặc nhà bếp, thay vì mở cửa sổ, đồng thời sử dụng máy điều hòa. Phương pháp này cũng có thể áp dụng cho các vùng nhiệt đới.

Hầu hết các ngôi nhà đều được thiết kế dùng quạt thông gió để lấy không khí bên ngoài. Điều này sẽ tạo ra một luồng không khí lưu thông giữa bên trong và bên ngoài nhà, ngay cả khi đóng cửa sổ. Xin các bạn vui lòng tham khảo ý kiến chuyên gia để tìm hiểu cách thông khí cho nhà của mình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/6).

Câu hỏi 38: Các kênh tư vấn, hỗ trợ người nước ngoài gặp khó khăn trong đại dịch

Trả lời:
Các thính giả người nước ngoài sống tại Nhật gửi tới câu hỏi như sau: “Tôi nên nhờ ai tư vấn nếu chứng kiến hoặc bị phân biệt đối xử liên quan đến COVID-19?”.

Trong trường hợp này, các bạn có thể liên hệ với trung tâm tư vấn đa ngôn ngữ Đường dây nóng Yorisoi qua trang web:
*Thoát khỏi trang NHK WORLD-JAPAN
https://www.since2011.net/yorisoi/n2/
 Tổng đài miễn cước: 0120-279-338.
(Đối với các tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima: 0120-279-226)
Trang Facebook của trung tâm:
https://www.facebook.com/yorisoi2foreign

Thông tin hỗ trợ cũng có trên trang web của NHK WORLD-JAPAN, trong bài “Theo dòng thời sự: Đường dây nóng đa ngôn ngữ liên quan đến vi-rút corona chủng mới tại Nhật Bản”. (Tiếng Anh)
https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/backstories/1019/

Câu hỏi tiếp theo là: “Tôi bị bạn đời bạo hành. Tôi có thể nhờ ai giúp đỡ?”.

Nạn nhân của bạo lực gia đình có thể nhờ trợ giúp từ nhiều nguồn, trong đó có xin tư vấn qua điện thoại và mạng xã hội. Bạn cũng có thể được hỗ trợ phiên dịch tại chỗ và được cung cấp thông tin về nơi lánh nạn.

■Đường dây nóng bạo lực gia đình Plus:
Điện thoại (chỉ có tiếng Nhật):0120-279-889.
Tư vấn qua mạng xã hội bằng 11 ngôn ngữ, hoạt động 24/24 giờ:
Truy cập: https://soudanplus.jp/language.html
*Thoát khỏi trang NHK WORLD-JAPAN

■Trung tâm hỗ trợ và tư vấn về bạo lực gia đình:
Điện thoại (chỉ có tiếng Nhật): 0570-0-55210.
(Trung tâm sẽ kết nối với cơ sở tư vấn gần nơi bạn nhất)

Câu hỏi thứ 3 là: “Tôi đang mang thai. Tôi cần lo lắng về điều gì?”

Mặc dù các bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai không có nguy cơ bệnh chuyển biến nặng hơn người khỏe mạnh bình thường, nếu thai phụ nhiễm vi-rút corona trong 3 tháng cuối của thai kỳ thì diễn biến và mức độ nặng nhẹ của bệnh có thể giống như phụ nữ không mang thai. Dữ liệu cho thấy phụ nữ mang thai không cần phải quá lo lắng về COVID-19, tuy nhiên nên tiếp tục các biện pháp phòng ngừa như tránh nơi đông người, rửa tay thường xuyên, giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần.

Xem thêm thông tin chi tiết đa ngôn ngữ:
https://share.or.jp/english/news/for_pregnant_womencovid-19_countermeasures.html
*Thoát khỏi trang NHK WORLD-JAPAN

Truy cập đường dẫn dưới đây để xem chương trình trong nước của chúng tôi Heart Net TV phiên bản tiếng Nhật đơn giản: https://www.nhk.or.jp/heart-net/article/339
*Thoát khỏi trang NHK WORLD-JAPAN

Câu hỏi 37: Những vấn đề liên quan đến tư cách và thời hạn lưu trú của người nước ngoài tại Nhật – Phần 2

Trả lời:
Tại Nhật Bản, người nước ngoài có thêm 3 tháng để nộp đơn xin gia hạn visa thay đổi tư cách lưu trú và kéo dài thời gian lưu trú. Các thính giả người nước ngoài tại Nhật hỏi rằng: “Liệu tôi có thể tiếp tục làm việc trong thời gian 3 tháng gia hạn trong khi visa đã hết hạn hay không?”. 

Câu trả lời là “Có”. Bạn có thể tiếp tục làm việc trong một số điều kiện nhất định. Theo thông tin Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh cung cấp cho đài NHK WORLD-JAPAN ngày 2/6, trong giai đoạn gia hạn đặc biệt này, người nước ngoài được phép làm việc theo đúng điều kiện của tư cách lưu trú trước đó. Tuy nhiên, nếu thay đổi bất cứ điều kiện nào, ví dụ như tính chất công việc hay bên tuyển dụng, trước tiên người lao động phải xin tư vấn của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh.

Câu hỏi tiếp theo là: “Trong trường hợp tôi không còn đi học và làm việc được, liệu có ảnh hưởng tới tư cách lưu trú hiện tại không?”.

Câu trả lời là “Không”. Tư cách của bạn không bị hủy nếu bạn không thể học hay làm việc do tác động của đại dịch vi-rút corona chủng mới. Tuy nhiên, bạn phải chứng minh được rằng bạn rơi vào 1 trong các trường hợp sau:

1.    Chủ lao động hay công ty riêng của bạn phải tạm thời ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
2.    Bạn đã nghỉ việc và đang tìm việc trực tuyến, hoặc đã được bố trí công việc nhưng chưa thể đến công ty.
3.  Trường mà bạn theo học, hoặc dự kiến theo học, phải đóng cửa tạm thời.
4.  Trường bạn theo học đóng cửa và không thể hoàn thành các thủ tục cần thiết để bạn đăng ký vào trường khác.
5.  Bạn phải nhập viện, bao gồm cả mắc COVID-19, thời gian dài và phải xin nghỉ học hoặc nghỉ làm.

Tham khảo thông tin tại trang sau (chỉ có tiếng Nhật):
http://www.moj.go.jp/content/001319592.pdf
*Thoát khỏi trang NHK WORLD-JAPAN

Nếu có thắc mắc, xin liên hệ trực tiếp tới Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/6).

Câu hỏi 36: Những vấn đề liên quan đến tư cách và thời hạn lưu trú của người nước ngoài tại Nhật – Phần 1

Trả lời:
Các thính giả người nước ngoài sống tại Nhật hỏi rằng: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi hết hạn tư cách lưu trú “khách du lịch” nhưng chưa thể về nước?”.

Trong trường hợp này, bạn sẽ được gia hạn lưu trú 90 ngày.

Xem chi tiết tại: *Thoát khỏi trang NHK WORLD-JAPAN
http://www.moj.go.jp/content/001316293.pdf

Câu hỏi tiếp theo là: “Visa của tôi hết hạn trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 7, vậy có được tự động gia hạn 3 tháng hay không?”.

Câu trả lời là “Không”. Tuy nhiên, công dân nước ngoài có thêm 3 tháng để nộp đơn gia hạn visa thay đổi tư cách lưu trú và kéo dài thời gian lưu trú. Biện pháp này nhằm giảm tình trạng đông người tại các quầy quản lý nhập cảnh. Trong diện áp dụng biện pháp này là những người có visa hết hạn trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 7/2020. Những người này có thể nộp đơn trong vòng 3 tháng kể từ khi visa hết hạn. Ví dụ, người có visa hết hạn ngày 11/5 có thể nộp đơn xin gia hạn muộn nhất là ngày 11/8.

Để xem thông tin bằng nhiều ngôn ngữ, các bạn có thể truy cập địa chỉ sau: *Thoát khỏi trang NHK WORLD-JAPAN
http://www.moj.go.jp/content/001316300.pdf

Thủ tục đăng ký visa có thể thay đổi, đặc biệt trong tình hình bùng phát vi-rút corona hiện nay. Do các trường hợp cụ thể không giống nhau, nếu có câu hỏi xin liên hệ trực tiếp tới văn phòng cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/6).

Câu hỏi 35: Vi-rút có thể tồn tại ở nhiệt độ bao nhiêu?

Trả lời:
Theo các chuyên gia, vi-rút corona chủng mới có thể tồn tại 1 ngày ở nhiệt độ 37 độ C. Khi nhiệt độ lên tới 56 độ C, vi-rút chỉ tồn tại được 30 phút.

Các chuyên gia phát hiện ra rằng ở nhiệt độ 70 độ C, chỉ trong vòng 5 phút là không còn phát hiện được vi-rút.

Chuyên gia Sugawara Erisa thuộc Hiệp hội Ngăn ngừa và Kiểm soát Lây nhiễm của Nhật Bản cho biết, trong số các trường hợp được xác nhận nhiễm vi-rút, không có trường hợp nào liên quan đến thực phẩm bị nhiễm vi-rút, dù có được đun nóng hay không, và vi-rút sẽ chết khi thực phẩm được đun tới nhiệt độ đủ nóng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/6).

Câu hỏi 34: Phải làm gì khi khó trả tiền thuê nhà do dịch?

Trả lời:
Những người mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập do đại dịch có thể đăng ký nhận trợ cấp từ các quỹ hỗ trợ trả tiền thuê nhà.

Việc xét duyệt đơn sẽ căn cứ vào đánh giá về thu nhập và tiết kiệm của các hộ gia đình. Quỹ chỉ hỗ trợ tiền thuê nhà, không bao gồm các trường hợp vay tiền mua nhà.

Quỹ hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà và tối đa là 9 tháng trong một số trường hợp. Khoản trợ cấp này không cần phải hoàn lại. Trước khi nộp đơn đăng ký phải gọi điện tới trung tâm tư vấn hỗ trợ của chính quyền địa phương. Dịch vụ tư vấn chỉ có tiếng Nhật.

Tổng đài tư vấn (chỉ có tiếng Nhật) hoạt động tất cả các ngày, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Số điện thoại là 0120-23-5572.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/5).

Xem thêm thông tin chi tiết:
*Thoát khỏi trang NHK WORLD-JAPAN
・Tiếng Việt: https://www.mhlw.go.jp/content/000630861.pdf
・Tiếng Anh:
https://www.mhlw.go.jp/content/000630855.pdf
・Tiếng Hàn: https://www.mhlw.go.jp/content/000630856.pdf
・Tiếng Trung:
https://www.mhlw.go.jp/content/000630857.pdf
・Tiếng Bồ Đào Nha:
https://www.mhlw.go.jp/content/000630862.pdf
・Tiếng Tây Ban Nha:
https://www.mhlw.go.jp/content/000633665.pdf

Câu hỏi 33: Làm sao để đăng ký nhận hỗ trợ tài chính ở Nhật?

Trả lời:
Hội đồng Phúc lợi Xã hội tại từng tỉnh lập quỹ cho vay phúc lợi dành cho các hộ gia đình gặp khó khăn do nghỉ việc. Đây là khoản vay và phải trả lại.

“Quỹ vay khẩn cấp hạn mức thấp” chủ yếu dành cho các hộ gia đình có thu nhập sụt giảm do phải tạm nghỉ việc. Mức vay tối đa là 200.000 yên.

“Quỹ hỗ trợ tổng hợp” chủ yếu dành cho các hộ gia đình có người đang thất nghiệp hoặc sụt giảm thu nhập. Mức vay tối đa cho gia đình có từ 2 người trở lên là 200.000 yên/tháng. Các hộ gia đình có 1 thành viên có thể vay 150.000 yên/tháng. Về nguyên tắc, thời hạn vay là trong vòng 3 tháng.

Trung tâm tư vấn (chỉ có tiếng Nhật) hoạt động tất cả các ngày từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Số điện thoại là 0120-46-1999.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/5).

Xem thêm thông tin:
*Thoát khỏi trang NHK WORLD-JAPAN
・Tiếng Việt: https://www.mhlw.go.jp/content/000621224.pdf
・Tiếng Nhật đơn giản:
https://www.mhlw.go.jp/content/000621849.pdf
・Tiếng Anh:
https://www.mhlw.go.jp/content/000621221.pdf
・Tiếng Hàn:
https://www.mhlw.go.jp/content/000621222.pdf
・Tiếng Trung (giản thể):
https://www.mhlw.go.jp/content/000621223.pdf
・Tiếng Bồ Đào Nha:
https://www.mhlw.go.jp/content/000621225.pdf
・Tây Ban Nha:
https://www.mhlw.go.jp/content/000621226.pdf

Câu hỏi 32: Vi-rút corona có lây lan giữa vật nuôi hay không?

Trả lời:
Nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề này sau khi có thông tin mèo nhà có thể lây lan vi-rút corona cho nhau.

Giáo sư Kawaoka Yoshihiro thuộc Viện Khoa học Y khoa của Đại học Tokyo cùng các chuyên gia của Đại học Wisconsin đã làm thí nghiệm, cấy vi-rút corona vào 3 con mèo và nuôi chung với các con mèo không nhiễm vi-rút.

Các chuyên gia cho biết, các con mèo mang vi-rút không có triệu chứng gì, dù kiểm tra bằng que xét nghiệm mũi vẫn thấy có vi-rút. Hai trong số 3 con mèo tiếp tục có kết quả dương tính với vi-rút trong 6 ngày tiếp theo.

Theo nhóm chuyên gia, 3 con mèo bình thường được nhốt chung với 3 con mèo mang vi-rút. Sau từ 3 đến 6 ngày, tất cả đều có kết quả dương tính với vi-rút, cho thấy vi-rút có lây lan.

Nhóm chuyên gia nhận định rằng kết quả cho thấy vi-rút có thể nhân lên nhanh chóng trong các cơ quan hô hấp và lây lan dễ dàng giữa các con mèo.

Theo các chuyên gia, mèo nhiễm vi-rút có thể không có triệu chứng nào và có thể làm vi-rút lây lan mà người chủ không biết. Vì thế, chuyên gia khuyến cáo những người nuôi mèo nên giữ chúng ở trong nhà.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/5).

Câu hỏi 31: Bệnh nhân nhiễm vi-rút đươc điều trị ở đâu?

Trả lời:
Đến nay, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút đều được nhập viện. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đã thay đổi chính sách. Ở những khu vực có số ca nhiễm tăng nhanh như Tokyo, các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng phải tự điều trị tại nhà hoặc những nơi khác dựa trên chỉ định của bác sĩ. Việc này là để dành giường bệnh cho các bệnh nhân nặng.

Trong trường hợp bệnh nhân sống cùng người cao tuổi, vốn có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với các độ tuổi khác, bệnh nhân khó có thể điều trị tại nhà. Khi đó, bệnh nhân có thể chuyển tới các cơ sở lưu trú do chính quyền địa phương chuẩn bị, ví dụ như khách sạn. Tuy nhiên, để được lưu trú ở các cơ sở này, bệnh nhân phải đáp ứng 1 số tiêu chí do chính quyền từng địa phương đưa ra, ví dụ như các triệu chứng bệnh.

Câu hỏi 30: Làm gì khi bị rối loạn vị giác?

Trả lời:
Chuyên gia Sakamoto nói rằng có ít nhất 30% người nhiễm vi-rút corona chủng mới cho biết từng có triệu chứng như mất vị giác và khứu giác. Người xuất hiện các triệu chứng này có khả năng đã nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, triệu chứng tương tự cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Việc cần làm là theo dõi các triệu chứng một thời gian và nên liên hệ với bác sĩ nếu bị sốt hoặc khó thở.

Câu hỏi 29: Trẻ em vui chơi ngoài trời cùng bạn có rủi ro hay không?

Trả lời:
Một số trường cấp 1 và cấp 2 cho phép học sinh được đến chơi ở sân trường trong lúc trường học trên cả nước đóng cửa thời gian dài. Nhiều vị phụ huynh có thể băn khoăn liệu có nguy cơ lây nhiễm hay không, dù rằng họ cũng muốn con em mình được ra ngoài chơi để giảm căng thẳng sau nhiều ngày phải ở nhà.

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sakamoto Fumie thuộc Đại học Quốc tế St.Lukes của Nhật Bản, có vẻ không có vấn đề gì lớn nếu phụ huynh chú ý đến những việc như hạn chế tối đa có thể số trẻ cùng chơi với nhau, chơi trong thời gian ngắn và trẻ phải rửa tay khi về đến nhà.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/5).

Câu hỏi 28: Đi bộ hay chạy bộ ở bên ngoài có nguy cơ nhiễm bệnh không?

Trả lời:
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Sakamoto Fumie thuộc Bệnh viện Quốc tế St.Lukes ở Nhật Bản cho biết, khi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong một cuộc họp báo, ông đã đề nghị người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc thiết yếu, cấp bách. Ông Abe cũng nói rằng không có vấn đề gì khi đi bộ hay chạy bộ ở bên ngoài. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng chuyên gia Sakamoto cho biết chúng ta không nên quên rằng mục đích chính của việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là để khuyến khích mọi người giữ khoảng cách nhất định với những người xung quanh. Nếu bạn vừa chạy bộ lại vừa nói chuyện với người khác thì các giọt bắn có thể lây truyền cho nhau. Đây là việc cần phải tránh. Tuy nhiên, chạy bộ một mình ở bên ngoài mà không có ai khác là lý tưởng vì như vậy không làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Câu hỏi 27: Chúng ta cần lưu ý điều gì khi đi mua sắm ở siêu thị?

Trả lời:
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Sakamoto Fumie, thuộc Bệnh viện Quốc tế St.Lukes tại Nhật Bản cho biết, chúng ta phải sát trùng tay, bao gồm cả lòng bàn tay, đầu ngón tay và cả cổ tay, bằng dung dịch khử trùng đặt ở cửa trước khi vào siêu thị. Bà cũng nói thêm rằng tốt hơn hết là chúng ta nên đi siêu thị vào những thời điểm vắng khách.

Câu hỏi 25: Tại sân golf chúng ta cần lưu ý điều gì?

Trả lời:
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Sakamoto Fumie, thuộc Bệnh viện Quốc tế St.Lukes tại Nhật Bản cho biết, một số người có thể nghĩ rằng đánh golf không có nguy cơ lây nhiễm vì đây là môn thể thao ngoài trời. Bản thân sân golf ở ngoài trời và không nằm trong khu vực khép kín. Tuy nhiên, việc sử dụng phòng để đồ hay tập trung đông người ăn uống tại đây lại khiến gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, chúng ta cũng phải thận trọng về nguy cơ lây nhiễm khi chạm tay vào những nơi mà nhiều người và người lạ từng chạm vào rồi lại vô tình dùng tay đó để chạm lên mặt.

Câu hỏi 24: Làm thế nào khi trong nhà ở ghép có người nhiễm vi-rút?

Trả lời:
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Sakamoto Fumie, thuộc Bệnh viện Quốc tế St.Lukes tại Nhật Bản cho biết, mỗi người sống trong nhà ở ghép có phòng ngủ riêng nhưng lại dùng chung bếp và nhà vệ sinh. Bà Sakamoto nói rằng điều quan trọng là phải khử trùng những nơi mọi người thường xuyên chạm tay vào như khoá vòi nước hay công tắc điện bằng nước tẩy rửa pha loãng hoặc chất khử trùng có chứa cồn.

Câu hỏi 23: Chúng ta nên lưu ý điều gì khi đi thang máy?

Trả lời:
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Sakamoto Fumie, thuộc Bệnh viện Quốc tế St.Lukes tại Nhật Bản cho biết, khi chúng ta không thể leo thang bộ lên đến tầng 10 hay 20 của toà nhà thì chúng ta có thể ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách tránh đi chung thang máy với nhiều người và tránh nói chuyện trong thang máy. Những biện pháp này có thể giúp giảm khả năng bị lây nhiễm. Bà Sakamoto nói thêm rằng điều quan trọng là không dùng tay trước đó đã bấm nút thang máy để chạm vào mặt. Sau khi bấm nút thang máy, việc rửa tay bằng xà phòng và nước càng sớm càng tốt cũng rất quan trọng.

Câu hỏi 22: Tác dụng của khẩu trang dùng 1 lần và khẩu trang vải có thể tái sử dụng?

Trả lời:
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sakamoto Fumie thuộc Bệnh viện Quốc tế St.Lukes của Nhật Bản nói rằng đã có nhiều thử nghiệm được tiến hành để kiểm tra khẩu trang có tác dụng như thế nào trong phòng ngừa vi-rút. Kết quả thử nghiệm cho thấy các loại khẩu trang có tác dụng nhất định trong việc ngăn giọt bắn phát tán khi người đeo khẩu trang ho hay hắt hơi.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Sakamoto, cả 2 loại khẩu trang đều không có tác dụng tuyệt đối và một lượng nhỏ giọt bắn vẫn có thể phát tán ra ngoài. Vì thế, an toàn hơn cả là nên tránh ra ngoài khi bạn bị ho hay hắt hơi.

Câu hỏi 21: Bệnh nhân nhiễm vi-rút corona chủng mới mà không có triệu chứng?

Trả lời:
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sakamoto Fumie thuộc Bệnh viện Quốc tế St.Lukes của Nhật Bản cho biết một số bệnh nhân có thể tự hồi phục mà không có bất cứ triệu chứng nào. Theo báo cáo của một nhóm nghiên cứu Trung Quốc, một nửa trong số các bệnh nhân được khảo sát không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ. Tuy nhiên, chuyên gia Sakamoto cho biết phải theo dõi các bệnh nhân trong khoảng 1 tuần bởi bệnh sẽ chuyển biến nặng ở một số người.

Câu hỏi 20: Có thể dùng đồ uống có cồn thay dung dịch sát khuẩn hay không?

Trả lời:
Bộ y tế Nhật Bản quyết định cho phép dùng đồ uống có cồn nồng độ cao thay cho dung dịch sát khuẩn để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung trong đại dịch.

Quyết định trên thể theo lời kêu gọi của các cơ sở y tế và viện dưỡng lão, vốn đang gặp khó khăn trong việc mua dung dịch sát khuẩn có cồn.

Trong tháng 4, bộ y tế cho biết nếu không có dung dịch sát khuẩn phù hợp, các cơ sở y tế và viện dưỡng lão có thể sử dụng đồ uống có cồn nồng độ cao do các công ty đồ uống sản xuất để thay thế.

Cụ thể, có thể sử dụng đồ uống có nồng độ cồn từ 70% đến 83%, ví dụ như một số loại rượu vodka. Theo giới chức bộ y tế, đồ uống có nồng độ cồn vượt quá mức trên có tính sát khuẩn thấp hơn và phải pha loãng khi dùng.

Giới chức bộ nhấn mạnh rằng đây là biện pháp ngoại lệ nhằm giải quyết vấn đề thiếu dung dịch sát khuẩn chủ yếu ở các cơ sở y tế.

Giới chức kêu gọi người dân thường xuyên rửa tay cẩn thận khi ở nhà để ngăn vi-rút lây lan.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/4).

Câu hỏi 18: Tình trạng khẩn cấp ảnh hưởng tới cuộc sống như thế nào? – Phần 2

Trả lời:
Về khẩu trang: Theo luật về các biện pháp đặc biệt đối phó với vi-rút corona chủng mới, tỉnh trưởng có thể yêu cầu doanh nghiệp bán khẩu trang và các hàng hóa thiết yếu cho chính quyền địa phương. Nếu doanh nghiệp từ chối làm theo yêu cầu, tỉnh trưởng được phép sung công các sản phẩm này.

Chính phủ trung ương đã mua và phát khẩu trang cho người dân ở Hokkaido và các cơ sở y tế, căn cứ vào một quy định khác là Đạo luật năm 1973 về Các biện pháp khẩn cấp nhằm ổn định điều kiện sống của dân chúng. Đạo luật này được ban hành nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu.

Về các biện pháp cưỡng chế: Tình trạng khẩn cấp cho phép tỉnh trưởng thực thi các biện pháp cưỡng chế hợp pháp. Tỉnh trưởng có thể huy động đất đai và các tòa nhà để dung làm cơ sở y tế tạm thời mà không cần tới sự đồng thuận của chủ sở hữu. Tỉnh trưởng cũng được phép ra lệnh cho các doanh nghiệp tích trữ sản phẩm y tế, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác.

Nếu không tuân thủ lệnh mà có hành động như giấu diếm hoặc tiêu hủy các sản phẩm trên, doanh nghiệp có thể phải chịu án tù lên tới 6 tháng hoặc nộp phạt tới 300.000 yên, tương đương 2.800 đôla Mỹ. Hành vi ngăn cản điều tra việc tích trữ hàng hóa cũng bị phạt tiền 300.000 yên. Đây là 2 biện pháp xử phạt duy nhất hiện có.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Nhật không có nhiều biện pháp cưỡng chế và không dẫn đến việc phong tỏa như các nước khác đã làm. Thay vào đó, tuyên bố là nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp hợp tác nhằm kiềm chế vi-rút lây lan.

Về tác động đến ngành y tế Nhật Bản: Các cơ sở y tế vẫn hoạt động bình thường do không nằm trong danh sách các cơ sở mà tỉnh trưởng có thể yêu cầu đóng cửa. Việc đi khám tại các cơ sở y tế cũng được coi là hoạt động thiếu yếu và không bị hạn chế.

Về ảnh hưởng đối với các cơ sở điều dưỡng: Tỉnh trưởng các tỉnh nằm trong diện tình trạng khẩn cấp có thể yêu cầu đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động của các cơ sở điều dưỡng có hoạt động chăm sóc ban ngày và trong thời gian ngắn. Các cơ sở đóng cửa sẽ được yêu cầu tiếp tục cung cấp các dịch vụ cần thiết nhưng theo cách khác, ví dụ như cử nhân viên điều dưỡng tới nhà khách hàng. Tỉnh trưởng không thể yêu cầu đóng cửa các viện dưỡng lão và cơ sở có dịch vụ chăm sóc tại nhà. Những cơ sở này được yêu cầu tiếp tục hoạt động, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Về ảnh hưởng đối với các cơ sở trông giữ trẻ: Tỉnh trưởng có thể hạn chế việc sử dụng và tiến tới đóng cửa tạm thời các cơ sở trông giữ trẻ ban ngày nếu đây là biện pháp cần thiết để ngăn vi-rút lây lan. Ngay cả khi không có yêu cầu của tỉnh trưởng, từng địa phương trong các khu vực được chỉ định có thể cân nhắc nhu cầu để giảm dần số trẻ được các cơ sở tiếp nhận trông giữ. Các phụ huynh có thể làm việc tại nhà hoặc xin nghỉ phép được khuyến khích không gửi con tới các cơ sở trông giữ trẻ. Các địa phương cũng có thể đóng cửa tạm thời các cơ sở trông giữ trẻ nếu có trẻ hoặc nhân viên chăm sóc bị nhiễm vi-rút, hoặc khi số ca nhiễm trong khu vực tăng cao bất thường. Tuy nhiên, các địa phương sẽ nghiên cứu các biện pháp khác để giúp trông giữ con cái của các nhân viên y tế và những người làm các công việc thiết yếu giúp xã hội vận hành bình thường, cũng như con cái của những cha mẹ đơn thân không thể nghỉ làm.

Về ảnh hưởng tới các văn phòng giám sát tiêu chuẩn lao động và các trung tâm giới thiệu việc làm: Về nguyên tắc, các cơ sở trong lĩnh vực việc làm vẫn hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, các trung tâm giới thiệu việc làm có thể thu hẹp quy mô hoạt động tùy thuộc vào tình hình lây nhiễm ở từng khu vực.

Về ảnh hưởng tới dịch vụ giao thông công cộng: Ngày 7/4, trước khi Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bộ trưởng giao thông Akaba Kazuyoshi phát biểu với báo giới rằng ngay cả khi có tuyên bố khẩn cấp, hoạt động giao thông công cộng và vận tải được yêu cầu hoạt động bình thường.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/4).

Câu hỏi 17: Tình trạng khẩn cấp ảnh hưởng tới cuộc sống như thế nào? – Phần 1

Trả lời:
Về việc ra khỏi nhà: Tại các địa phương nằm trong diện áp dụng tình trạng khẩn cấp, tỉnh trưởng có thể yêu cầu cư dân ở các khu vực nhất định trong một thời gian phải hạn chế ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, ngoại trừ đi khám bệnh, mua thực phẩm và đi làm. Yêu cầu này không phải bắt buộc, nhưng cư dân có nghĩa vụ hợp tác và cố gắng hết sức.

Về việc đóng cửa trường học: Tỉnh trưởng có thể yêu cầu hoặc ra lệnh đóng cửa trường học, căn cứ vào luật đặc biệt có hiệu lực từ tháng 3. Tỉnh trưởng có quyền đóng cửa các trường cấp 3 công lập, có thể yêu cầu đóng cửa các trường tư lập, các trường cấp 1 và cấp 2 công lập. Tỉnh trưởng có thể ra lệnh đóng cửa trường học, nhưng không xử phạt trường hợp vi phạm.

Về các cơ sở và cửa hàng: Luật cho phép tỉnh trưởng được yêu cầu hạn chế sử dụng các cơ sở nhằm ngăn vi-rút lây lan. Cụ thể, có thể yêu cầu hạn chế hoặc ngừng hoạt động của các cơ sở có quy mô lớn với diện tích sàn trên 1.000 mét vuông. Các cơ sở nhỏ hơn cũng có thể nhận được lệnh tương tự nếu cần thiết.

Các cơ sở nằm trong danh sách này: nhà hát, rạp chiếu phim, các địa điểm tổ chức sự kiện, cửa hàng bách hóa, siêu thị, khách sạn và nhà nghỉ, các phòng tập và bể bơi, bảo tàng, thư viện, câu lạc bộ đêm, trường dạy lái xe và trường học thêm.

Các siêu thị được phép duy trì các gian hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc và đồ dùng vệ sinh. Khi có cơ sở không chấp hành các yêu cầu này, tỉnh trưởng có thể ra lệnh, và danh sách các cơ sở nhận được lệnh đóng cửa sẽ được công khai.

Về các sự kiện, hội chợ: Theo luật mới, tỉnh trưởng có thể yêu cầu các đơn vị không tổ chức sự kiện, và có thể ra lệnh trong trường hợp đơn vị tổ chức không tuân thủ. Danh sách các đơn vị tổ chức nhận được lệnh cấm sẽ được công khai trên trang web của địa phương hoặc các phương tiện truyền thông khác.

Về các dịch vụ thiết yếu: Tuyên bố tình trạng khẩn cấp không ảnh hưởng đến các cơ sở thiết yếu. Các công ty điện, nước, ga được yêu cầu có biện pháp đảm bảo cung cấp dịch vụ ổn định.

Đơn vị điều hành phương tiện giao thông, điện thoại, internet và dịch vụ bưu chính cũng được yêu cầu hoạt động bình thường. Luật không yêu cầu hạn chế hoạt động của phương tiện công cộng. Thủ tướng và người đứng đầu chính quyền các địa phương có thể thực hiện các biện pháp để duy trì hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu tối thiểu.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/4).

Câu hỏi 16: Thuốc Avigan hiệu quả ra sao?

Trả lời:
Thuốc Avigan, còn được biết đến với tên là Favipiravir, là loại thuốc chữa cúm do một công ty dược phẩm của Nhật Bản phát triển cách đây 6 năm. Thử nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm cho thấy có tác dụng phụ nên chính phủ Nhật không phê chuẩn sử dụng thuốc này đối với 1 số đối tượng, ví dụ như phụ nữ mang thai. Thuốc Avigan giờ sẽ được chỉ định dùng cho một số trường hợp bệnh nhân nhiễm vi-rút corona chủng mới, nhưng chỉ trong những trường hợp được chính phủ cho phép.

Tính đến nay, chưa có loại thuốc khác có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nhiễm vi-rút corona chủng mới, tuy nhiên thuốc Avigan được kỳ vọng là sẽ kháng được vi-rút corona chủng mới, vốn nhân bản tương tự vi-rút cúm. Nhiều nơi trên thế giới đang nghiên cứu về tác dụng của loại thuốc này.

Chính phủ Trung Quốc thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng được tiến hành tại 2 cơ sở y tế. Một cơ sở ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông có 80 bệnh nhân. Các bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc Avigan mất trung bình 4 ngày để kết quả xét nghiệm từ dương tính trở thành âm tính với vi-rút. Thời gian này ở bệnh nhân không dùng thuốc Avigan là 11 ngày. Kết quả chụp X-quang cho thấy, tình trạng phổi của 91% bệnh nhân điều trị bằng Avigan có tiến triển, trong khi tỷ lệ này ở nhóm bệnh nhân còn lại là 62%.

Chính phủ Trung Quốc thông báo rằng dựa vào kết quả trên, họ quyết định chính thức đưa thuốc Avigan vào danh sách các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút corona chủng mới.

Tại Nhật Bản, thử nghiệm lâm sàng đối với 80 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng đang được tiến hành tại các cơ sở y tế như Bệnh viện Y tế Fujita ở tỉnh Aichi, từ tháng 3 vừa qua. Các nhà nghiên cứu đang so sánh tác động giảm lượng vi-rút của loại thuốc này.

Công ty Nhật Bản sản xuất thuốc Avigan thông báo đã bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng để được chính phủ phê chuẩn. Nếu hiệu quả và độ an toàn của loại thuốc này được xác nhận, công ty dự kiến nộp đơn xin chính phủ thông qua.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/4).

Câu hỏi 15: Vi-rút corona có đột biến hay không?

Trả lời:
Đầu tháng 3, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc phân tích bộ gien của vi-rút corona chủng mới thu thập được từ hơn 100 bệnh nhân trên khắp thế giới. Từ những khác biệt về bộ gien, nhóm chia vi-rút corona chủng mới thành 2 loại: Loại L và Loại S.

Theo nhóm nghiên cứu, vi-rút loại S có cấu tạo gien gần giống với vi-rút corona phát hiện được ở dơi. Vi-rút loại L chủ yếu được phát hiện ở các bệnh nhân của các nước châu Âu và được cho là dạng mới hơn so với vi-rút corona loại S.

Giáo sư Ito Masahiro của khoa Khoa học Sự sống thuộc Đại học Ritsumeikan đang nghiên cứu đặc tính của vi-rút corona chủng mới. Ông cho biết vi-rút corona chủng mới dễ đột biến và được cho là đang biến đổi khi có thêm nhiều người nhiễm và có nhiều đợt bùng phát liên tiếp.

Về khả năng vi-rút đột biến dễ lây lan hơn, ông Ito cho rằng vi-rút hiện vẫn trong giai đoạn không có thay đổi đáng kể về cấu trúc gien. Ngay cả khi vi-rút loại L và vi-rút loại S có khác biệt về gien, hiện chưa có thông tin về việc loại nào sẽ gây những triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Theo ông Ito, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong ở các nước không giống nhau và người ta cho rằng những khác biệt này có thể do chính con người, dựa trên những khác biệt về tỷ lệ người cao tuổi trong dân số, nền văn hóa và văn hóa ẩm thực của từng nước.

(Thông tin cập nhật đến ngày 3/4).

Câu hỏi 14: Thanh niên nhiễm vi-rút có gặp triệu chứng nặng hay không?

Trả lời:
Các chuyên gia từng nói người cao tuổi và người có bệnh nền nếu bị nhiễm vi-rút nhiều khả năng có những triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, truyền thông tháng trước đưa tin một phụ nữ 21 tuổi ở Anh và một nữ sinh 16 tuổi, cả 2 không có tiền sử bệnh, tử vong do nhiễm vi-rút. Những ca nhiễm gần đây cũng cho thấy nhiều người trẻ có thể có triệu chứng nặng.

Tại Nhật Bản cũng có trường hợp bệnh nhân còn khá trẻ có những triệu chứng nghiêm trọng. Theo chuyên gia Kutsuna Satoshi thuộc Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu, trong số hơn 30- bệnh nhân ông đã điều trị, một nam bệnh nhân ngoài 40 tuổi, không có tiền sử bệnh, đã có những triệu chứng nghiêm trọng.

Theo ông Kutsuna, bệnh nhân trên trong mấy ngày đầu chỉ bị sốt và ho, sau 1 tuần thì bị viêm phổi nặng và cần tới máy trợ thở do tình trạng khó thở nhanh chóng nặng lên. Ông cho biết bệnh nhân nay đã hồi phục.

Ông Kutsuna khuyến cáo những người trẻ không nên nghĩ rằng mình ổn vì nếu nhiễm vi-rút, họ cũng có thể có những triệu chứng nghiêm trọng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo có nhiều bệnh nhân dưới 50 tuổi đang phải nằm viện. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch của Mỹ cho biết 2-4% bệnh nhân từ 20 đến 44 tuổi đang được điều trị tích cực.

(Thông tin cập nhật đến ngày 2/4).

Câu hỏi 13: Có thể lây lan qua nước thải hay không?

Trả lời:
Vi-rút corona chủng mới và vi-rút SARS cùng thuộc một họ vi-rút corona. Vi-rút corona gây bệnh SARS được cho là nhân lên trong họng, phổi và trong ruột. Khi vi-rút gây bệnh SARS lây lan từ người sang người trên khắp thế giới trong năm 2003, người ta phát hiện lây nhiễm cộng đồng tại một khu chung cư ở Hong Kong. Người ta nghi ngờ xảy ra lây nhiễm cộng đồng là do những giọt bắn có chứa vi-rút thoát ra từ các đường ống cống cũ.

Giáo sư Kaku Mitsuo thuộc Đại học Y Dược Tohoku là chuyên gia về phòng ngừa bệnh truyền nhiễm. Theo ông, ở các nước có điều kiện vệ sinh tương đối tốt, nguy cơ vi-rút lây lan qua đường ống thoát nước không cao. Tuy nhiên, có khả năng vi-rút tiếp xúc với bề mặt toa-lét và khu vực xung quanh, nếu bạn chạm tay vào đó thì có thể nhiễm vi-rút. Ông khuyến cáo mọi người nên đóng nắp toa-lét trước khi giội nước và luôn nhớ phải rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh. Theo ông, mọi người nên cố gắng giữ vệ sinh trong cuộc sống hàng ngày bằng cách khử trùng vòi nước, bồn rửa và tay nắm cửa.

(Thông tin cập nhật đến ngày 1/4).

Câu hỏi 11: Rửa tay với xà phòng có hiệu quả như với cồn hay không?

Trả lời:
Chuyên gia về kiểm soát lây nhiễm Sakamoto Fumie thuộc Đại học Quốc tế St.Luke tại Tokyo cho biết xà phòng có hiệu quả ở mức độ nhất định.

Theo chuyên gia, xà phòng rửa tay thường chứa chất hoạt động bề mặt có thể phá hủy màng chất béo bao quanh vi-rút corona, có nghĩa là có thể tiêu diệt vi-rút ở mức độ nhất định.

Chuyên gia Sakamoto nói rằng cồn cũng có tác dụng, tuy nhiên nếu tay bị bẩn thì đôi lúc dung dịch rửa tay không thể lan tới bên trong khu vực bị nhiễm vi-rút.

Chuyên gia Sakamoto khuyến cáo mọi người nên thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Câu hỏi 10: Khi nào có thể công bố hết dịch?

Trả lời:
Ông Omi Shigeru là phó chủ tịch nhóm chuyên gia chính phủ về vi-rút corona chủng mới và là chủ tịch Tổ chức Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Nhật Bản. Ông từng đứng đầu nhóm công tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các biện pháp đối phó bệnh truyền nhiễm. Theo ông, tình trạng hết dịch là khi chặn được chuỗi lây lan và không còn người nhiễm vi-rút.

Cơ quan y tế có thể công bố hết dịch khi không có ca nhiễm mới được xác nhận trong khoảng thời gian nhất định theo tiêu chuẩn của WHO.

Ví dụ, dịch SARS chủ yếu lây lan ở Trung Quốc và một số nước châu Á năm 2003. Thời điểm WHO công bố hết dịch là hơn 8 tháng kể từ khi xác nhận ca nhiễm đầu tiên.

Mặt khác, tình trạng lây nhiễm có thể đã được kiềm chế trong khoảng thời gian nhất định tại một vùng hoặc một nước cụ thể nhờ các biện pháp như yêu cầu mọi người hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, lây nhiễm có thể lan rộng trở lại khi vi-rút quay lại từ khu vực khác. Ví dụ, cúm mùa lây lan trong mùa Đông và tạm lắng xuống trong các mùa khác nhưng không chấm dứt.

Vắc-xin và thuốc có tác dụng giữ cho lây nhiễm không lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn. Nhưng theo ông Omi, việc có vắc-xin cùng thuốc điều trị và việc có thể công bố hết dịch hay không là 2 vấn đề khác nhau.

Ông cho biết giới chức y tế quyết tâm thúc đẩy nỗ lực kiềm chế lây lan để dịch hoàn toàn chấm dứt.

(Thông tin trong bài cập nhật đến ngày 27/3).

Câu hỏi 8: Đã tìm được phương cách hiệu quả để ngăn ngừa hay điều trị bệnh nhân chưa?

Trả lời:
Rất tiếc đến nay chưa có loại thuốc nào được chứng nhận có hiệu quả rõ ràng chống lại vi-rút corona chủng mới, tương tự như thuốc Tamiflu hay Xofluza trong điều trị cúm influenza. Giống như ở nhiều nước khác, các bác sĩ Nhật Bản hiện đang tập trung điều trị các triệu chứng, ví dụ như hỗ trợ thở oxy hay truyền dịch để tránh mất nước. Mặc dù hiện chưa phát triển được thuốc đặc trị hiệu quả vi-rút, các bác sĩ tại Nhật và trên thế giới đang dùng thuốc điều trị các bệnh khác bởi chúng có thể có hiệu quả đối với vi-rút corona.

Một trong những loại thuốc này là Avigan, thuốc điều trị cúm do 1 công ty dược của Nhật phát triển 6 năm trước. Giới chức Trung Quốc cho biết thuốc này có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nhiễm vi-rút corona chủng mới.

Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu của Nhật Bản cho biết đã điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút corona chủng mới bằng thuốc chống vi-rút có tác dụng ngăn phát bệnh AIDS. Cơ quan này cho biết bệnh nhân hạ sốt, tình trạng mệt mỏi và khó thở được cải thiện sau khi dùng thuốc này.

Hiện các nước đều đang nỗ lực tìm phương thức điều trị hiệu quả.
Một nhóm nghiên cứu, trong đó có các thành viên thuộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh dịch của Mỹ, thông báo đang điều trị cho 1 nam bệnh nhân viêm phổi vì nhiễm vi-rút bằng thuốc chống vi-rút đang được phát triển để điều trị Ebola. Nhóm nghiên cứu cho biết các triệu chứng của người này đã thuyên giảm sau khi dùng thuốc, theo đó bệnh nhân không cần phải thở máy và hạ sốt.

Trong khi đó, theo bộ y tế Thái Lan, bệnh tình 1 bệnh nhân dùng kết hợp thuốc chữa cúm và AIDS đã có chuyển biến tích cực. Người này sau đó đã âm tính với vi-rút.

Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp trên, các chuyên gia đều cho biết cần tiến hành thêm thử nghiệm lâm sàng để xác định độ an toàn và hiệu quả của các loại thuốc.

(Thông tin trong bài viết được cập nhật đến ngày 25/3).

Câu hỏi 7: Trẻ em bị nhiễm có nguy cơ chuyển nặng hay không?

Trả lời:
Ở Trung Quốc không có báo cáo nào cho thấy trẻ em bị nhiễm vi-rút corona chủng mới sẽ xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng.

Nhóm chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc đã phân tích dữ liệu của 44.672 ca nhiễm tính đến ngày 11/2. Kết quả là không có ca tử vong nào là trẻ từ 9 tuổi trở xuống và chỉ có 1 ca tử vong trong độ tuổi thiếu niên.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Vũ Hán và một số cơ quan khác, tính đến ngày 6/2, ở Trung Quốc đại lục có 9 trẻ nhỏ từ 1 đến 11 tháng tuổi dương tính với vi-rút. Báo cáo cho biết không em nào bị ốm nặng.

Giáo sư Morishima Tsuneo thuộc Đại học Y Aichi là chuyên gia về nhi truyền nhiễm. Giáo sư cho biết vi-rút corona chủng mới có nhiều điểm tương tự với các chủng vi-rút corona hiện nay và trẻ em vốn thường bị cảm thông thường nên có thể đề kháng ở mức nhất định.

Tuy nhiên giáo sư nói thêm rằng chúng ta nên thận trọng vì tình trạng lây nhiễm thường nhanh chóng lan rộng trong trường học và trường mầm non. Vì thế người bảo hộ nên đảm bảo rằng trẻ rửa tay thật kỹ cũng như giữ cho phòng trẻ luôn thoáng khí.

(Bài viết sử dụng số liệu tính đến ngày 24/3).

Câu hỏi 6: Những người nào có nguy cơ gặp triệu chứng nặng?

Trả lời:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số các trường hợp tử vong vì vi-rút corona chủng mới, nhiều người mắc các bệnh khiến hệ miễn dịch suy yếu như huyết áp cao, tiểu đường và các bệnh tim mạch.

Để giữ gìn sức khỏe, những người có hệ miễn dịch yếu nên đặc biệt thận trọng không chỉ đối với vi-rút corona chủng mới mà cả các bệnh truyền nhiễm thông thường như cúm mùa.

Những trường hợp cần thận trọng bao gồm người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh tim mạch, những người dùng các thuốc ức chế miễn dịch như thuốc chữa viêm khớp, người cao tuổi.

Các nhà nghiên cứu chưa tìm ra mối liên hệ giữa tình trạng các bệnh mãn tính và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khi nhiễm vi-rút.

Đối với phụ nữ mang thai, không có dữ liệu cho thấy đây là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi-rút corona chủng mới. Tuy nhiên nói chung, đây là đối tượng dễ bị lây nhiễm các loại vi-rút và nếu bị viêm phổi thì nhiều khả năng có triệu chứng nghiêm trọng.

Hiện cũng chưa có dữ liệu về triệu chứng mà vi-rút corona chủng mới gây ra ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên do trẻ chưa thể tự thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay hay tránh nơi đông người, người bảo hộ được khuyến cáo nên làm tất cả những gì có thể để bảo vệ trẻ.

Câu hỏi 5: Người nhiễm vi-rút có triệu chứng gì?

Trả lời:
Một nhóm chuyên gia bao gồm các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo về vấn đề này. Nhóm đã tiến hành phân tích chi tiết triệu chứng của 55.924 ca nhiễm ở Trung Quốc tính đến ngày 20/2.

Theo báo cáo, có 87,9% bệnh nhân có triệu chứng sốt, 67,7% có triệu chứng ho, 38,1% có triệu chứng mệt mỏi còn 33,4% có đờm. Các triệu chứng khác bao gồm khó thở, đau họng và đau đầu.

Tính trung bình, những người nhiễm vi-rút thường có triệu chứng trong khoảng 5 - 6 ngày.

Khoảng 80% những người nhiễm vi-rút có triệu chứng tương đối nhẹ. Một số người không chuyển biến thành viêm phổi. Trong số bệnh nhân nhiễm vi-rút, có 13,8% chuyển biến nặng và khó thở.

Khả năng xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hoặc gây tử vong là cao hơn ở những người trên 60 tuổi hoặc có bệnh nền như cao huyết áp, béo phì, các bệnh về tim mạch, đường hô hấp hay ung thư. Trẻ em là nhóm hầu như không ghi nhận có ca nhiễm hoặc chuyển biến nặng. Chỉ có 2,4% số ca nhiễm là người dưới 18 tuổi.

Bác sĩ Kutsuna Satoshi thuộc Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu đã điều trị cho các bệnh nhân dương tính với vi-rút tại Nhật Bản. Ông cho biết các bệnh nhân có triệu chứng sổ mũi, đau họng và ho. Cũng theo bác sĩ thì các bệnh nhân này đều có triệu chứng mệt mỏi và sốt cao trên 37 độ trong khoảng 1 tuần.

Bác sĩ Kutsuna cho biết một số người sẽ sốt cao hơn sau 1 tuần. Theo ông thì triệu chứng này thường kéo dài hơn so với triệu chứng tương tự ở các ca nhiễm cúm mùa hoặc các bệnh truyền nhiễm do vi-rút khác.

(Các số liệu trong bài được thống kê tính tới ngày 19/3).

Câu hỏi 4: Nên khử trùng quần áo như thế nào?

Trả lời:
Theo bà Sugawara Erisa thuộc Hiệp hội Ngăn ngừa và Kiểm soát lây nhiễm Nhật Bản, không cần khử trùng quần áo bằng dung dịch có cồn. Bà giải thích rằng chỉ giặt bình thường cũng có thể loại bỏ phần lớn vi-rút, dù rằng điều này chưa được chứng minh với vi-rút corona chủng mới.

Với những đồ bạn cảm thấy có nguy cơ phơi nhiễm vi-rút, ví dụ như khăn tay dùng che miệng khi ho hay hắt hơi, bà Sugawara khuyến nghị nên ngâm với nước sôi trong khoảng 15 đến 20 phút.

Câu hỏi 3: Phụ nữ mang thai nên lưu ý gì?

Trả lời:
Khi vi-rút corona mới bùng phát, Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm trong Sản khoa và Phụ khoa đã công bố tài liệu khuyến cáo dành cho phụ nữ mang thai hoặc những người mong muốn có thai.

Theo hiệp hội, đến nay chưa có thông tin cho thấy phụ nữ mang thai dễ có nguy cơ gặp các triệu chứng nghiêm trọng khi nhiễm vi-rút, cũng như không có báo cáo cho thấy vi-rút ảnh hưởng đến thai nhi.

Tuy nhiên, hiệp hội cảnh báo, nhìn chung phụ nữ mang thai nếu bị viêm phổi, bệnh có thể chuyển biến nặng.

Hiệp hội khuyến cáo phụ nữ mang thai nên có biện pháp phòng ngừa như rửa sạch tay với xà phòng và nước máy, đặc biệt sau khi ra ngoài và trước khi ăn cũng như sử dụng dung dịch khử trùng có chứa cồn.

Một khuyến cáo khác là nên tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng ho hay sốt, đeo khẩu trang bảo vệ và tránh chạm tay lên mũi, miệng.

Giáo sư Hayakawa Satoshi thuộc Khoa Y, Đại học Nihon là người soạn tài liệu này. Ông bày tỏ hiểu được nỗi lo lắng của phụ nữ mang thai, tuy nhiên kêu gọi những người này nên căn cứ vào những thông tin đáng tin cậy và chính xác, vì trong đợt bùng phát hiện nay có rất nhiều thông tin sai lệch.

Câu hỏi 2: Cơ chế lây nhiễm và chúng ta có thể làm gì để ngăn lây nhiễm?

Trả lời:
Các chuyên gia tin rằng vi-rút corona chủng mới lây nhiễm qua giọt bắn hoặc qua tiếp xúc với bề mặt nhiễm vi-rút, giống cơ chế lây nhiễm của bệnh cúm mùa hay cảm cúm thông thường. Điều này có nghĩa là vi-rút lây lan qua giọt bắn từ người nhiễm vi-rút khi người này ho hay hắt hơi. Chúng ta có thể bị nhiễm vi-rút nếu chạm tay vào những bề mặt nhiễm vi-rút như nắm cửa hay tay cầm trên tàu xe, rồi đưa tay đã bị nhiễm vi-rút chạm lên mũi hoặc miệng. Vi-rút corona chủng mới được cho là có mức độ lây nhiễm tương đương cúm mùa.

Cũng giống như đối phó với các bệnh cúm mùa khác, biện pháp phòng ngừa cơ bản lây nhiễm vi-rút corona chủng mới là phải rửa tay và tập ho đúng cách.

Theo các chuyên gia, chúng ta nên rửa tay với xà phòng và nước máy trong ít nhất 20 giây. Lưu ý rửa kỹ mọi bộ phận từ bàn tay đến cổ tay. Hoặc chúng ta có thể dùng dung dịch sát trùng có cồn.

Ho đúng cách là biện pháp quan trọng để kiềm chế vi-rút lây lan. Các chuyên gia khuyên rằng khi ho, chúng ta nên dùng giấy ăn hoặc tay áo để che mũi và miệng, tránh để giọt bắn có mang vi-rút dính sang người khác. Các biện pháp hiệu quả khác là tránh nơi đông người, khi ở trong nhà thì phải thường xuyên mở cửa sổ cho thông thoáng.

Tại Nhật Bản, từng công ty đường sắt sẽ quyết định có mở cửa sổ khi tàu đông người hay không. Các chuyên gia cho rằng các toa tàu thường thoáng khí ở mức độ nhất định vì cửa toa mở mỗi khi tàu dừng cho khách lên xuống.

Câu hỏi 1: Vi-rút corona là gì?

Trả lời:
Vi-rút corona là loại vi-rút xâm nhiễm cho người và động vật. Nhìn chung, vi-rút corona lây lan từ người sang người và gây một số triệu chứng tương tự cảm cúm thông thường như ho, sốt, chảy nước mũi. Một số chủng vi-rút corona có thể gây viêm phổi hoặc các triệu chứng nghiêm trọng khác, ví dụ như chủng gây Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) với trường hợp nhiễm đầu tiên được xác nhận tại Ả-rập Xê-út năm 2012.

Vi-rút corona gây đại dịch toàn cầu hiện nay là một chủng mới. Người nhiễm vi-rút sẽ có những triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, có đờm, khó thở, đau họng, đau đầu. Khoảng 80% bệnh nhân bình phục sau khi có triệu chứng nhẹ. Gần 20% người nhiễm có bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng thành viêm phổi, thậm chí là suy chức năng nhiều cơ quan khác. Những người trên 60 tuổi hoặc có bệnh nền như huyết áp cao, tiểu đường, các bệnh tim mạch, các bệnh đường hô hấp hoặc ung thư có nguy cơ trở bệnh nặng hoặc tử vong. Đến nay có rất ít ca nhiễm là trẻ em, và các triệu chứng đều tương đối nhẹ.
TOP