Nhìn nhận nghiêm túc về chứng nghiện game Nhìn nhận nghiêm túc về chứng nghiện game
Backstories

Nhìn nhận nghiêm túc về chứng nghiện game

    NHK World
    Correspondent
    Khảo sát mới đây của các nhà nghiên cứu Nhật Bản về bệnh nghiện cho thấy chơi game trong thời gian dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, công việc và cuộc sống. Đây là khảo sát toàn quốc đầu tiên về chơi game ở Nhật Bản.

    Tôi muốn cuộc sống trước đây

    Một nam giới 28 tuổi ở tỉnh Kanagawa đang được tư vấn rối loạn tâm lý tại một cơ sở y tế.

    Takizawa Kenichi nói anh bị cuốn vào chơi game sau khi gặp phải vấn đề về mối quan hệ với mọi người ở chỗ làm. Anh chán ngấy cuộc sống thực, bắt đầu chơi game, rồi anh bỏ việc và đắm chìm vào game. Anh nói có lúc anh chơi liên tục vài ngày, không ăn không ngủ. Có lúc anh không biết là mình đang ngủ hay thức, và tệ nhất là anh bắt đầu bị ảo giác.

    Kenichi Takizawa
    Takizawa Kenichi

    Sức khoẻ ngày càng sa sút, anh bắt đầu hay thấy khó chịu và muốn đập phá đồ ở nhà. Gia đình thu xếp đưa anh đi điều trị tại một cơ sở y tế. Từ đó, anh giảm thời gian chơi game và bắt đầu tìm việc làm mới. Anh nói: "Tôi không bỏ được game hoàn toàn, đôi khi tôi cảm thấy không thể kiểm soát bản thân. Tôi thực sự muốn trở lại cuộc sống như trước đây càng sớm càng tốt".

    Khảo sát xu hướng chơi game

    Khảo sát được tiến hành với hơn 4.400 người từ 10 tuổi đến 29 tuổi chơi game trong năm qua.

    graph1: Hours per day playing games

    Cao nhất có 40,1% trả lời rằng chơi game dưới 1 giờ/ngày không tính cuối tuần.

    Tiếp đến, có 27,1% trả lời rằng chơi từ 1 – 2 giờ/ngày, 14,6% chơi từ 2 – 3 giờ/ngày, và 2,8% chơi 6 giờ trở lên/ngày, cùng với kết quả là số giờ chơi càng nhiều thì cuộc sống càng bị ảnh hưởng.

    graph2: Unable to quit when needed

    Trong số những người chơi dưới 1 giờ/ngày, có 21,9% không thể dừng lại khi cần thiết, còn ở nhóm chơi từ 6 giờ trở lên/ngày, tỷ lệ này là 45,5%.

    graph3: Continue gaming even with falling grades or job loss

    Trong nhóm chơi 1 giờ/ngày, có 1,7% vẫn tiếp tục chơi ngay cả khi học hành sa sút hay bị mất việc làm. Trong nhóm chơi từ 6 giờ trở lên/ngày, tỷ lệ này là 24,8%.

    Vấn nạn xã hội

    Khảo sát của Trung tâm Y tế và Cai nghiện Kurihama được thực hiện dưới sự giám sát của người đứng đầu trung tâm là ông Higuchi Susumu. Ông nói rằng có ít hướng dẫn trị liệu chứng nghiện game, nên ông hy vọng kết quả khảo sát sẽ hữu ích để xây dựng phác đồ điều trị hữu hiệu hơn.

    Ông nói: "Số người muốn được điều trị cai nghiện game tăng mạnh”, và cho biết thêm rằng vấn đề này đang ngày càng nghiêm trọng.

    Ông Higuchi nói rằng bệnh nghiện ảnh hưởng nhiều mặt đến sức khoẻ. Ông nói: "Người nghiện ốm yếu dần về thể chất vì thiếu ngủ và ăn uống thất thường, cộng với thiếu vận động cơ thể. Mật độ xương của họ giảm và họ cảm thấy đau".

    Ông dẫn báo cáo nghiên cứu của nước ngoài về những người chơi game bị "hội chứng ghế ngồi hạng rẻ tiền", tức hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch do ngồi lâu trong một tư thế. Đây là chứng bệnh có thể dẫn tới tử vong.

    Dr. Susumu Higuchi
    Tiến sỹ Higuchi Susumu chuyên gia đầu ngành về chứng nghiện game

    Hồi tháng 5 năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận nghiện game là một bệnh và thúc giục các nước giải quyết vấn đề xã hội nghiêm trọng này.

    Ông Higuchi nói rằng toàn thể xã hội, kể cả ngành kinh doanh game, cần có biện pháp ngăn chặn và hạn chế chơi game đến mức nghiện.

    Ngành IT ngăn chứng nghiện điện thoại thông minh

    Các công ty công nghệ thông tin (IT) đã đưa ra nhiều biện pháp để người dùng giảm phụ thuộc vào điện thoại thông minh, đặc biệt là trẻ em.

    Vài năm trước, Apple ra mắt tính năng mới trong hệ điều hành điện thoại iPhone của hãng, giúp người dùng có thể đặt giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng game và mạng xã hội mỗi ngày. Các công cụ mới cũng giúp phụ huynh tiếp cận dữ liệu về quá trình sử dụng của con cái.

    Google cũng trang bị các công cụ tương tự cho hệ điều hành Android của hãng.

    Khảo sát ngành công nghiệp game

    Hiệp hội các nhà Cung cấp Máy tính Giải trí (CESA) với thành viên là hơn 190 tổ chức và công ty công nghiệp trò chơi thành viên ở Nhật Bản đang kêu gọi mọi người cẩn trọng, đồng thời phân phát tờ rơi tại các sự kiện của ngành nhằm giúp giới trẻ chơi game an toàn.

    Hiệp hội khuyến khích các bậc phụ huynh đặt quy định với con cái về nội dung phải trả phí, và khi nào có thể chơi game. Các bậc phụ huynh có thể hạn chế con cái truy cập bằng cách đặt trước khung giờ sử dụng và sử dụng trong bao lâu.

    Sau khi WHO chính thức công nhận bệnh nghiện game, CESA cùng các tổ chức khác trong giới công nghiệp game đã thành lập uỷ ban chuyên gia gồm 7 thành viên. Uỷ ban sẽ tiến hành khảo sát người chơi game trên toàn quốc, sớm nhất là tài khoá tới. Kết quả khảo sát sẽ được sử dụng làm cơ sở xây dựng các biện pháp an toàn mới.