Phán quyết của Toà án Tối cao cho thấy những khó khăn của thực tập sinh nước ngoài mang thai ở Nhật
Backstories

Phán quyết của Toà án Tối cao cho thấy những khó khăn của thực tập sinh nước ngoài mang thai ở Nhật

    NHK World
    Producer
    Một phán quyết mang tính bước ngoặt của Toà án Tối cao Nhật Bản đã cho thấy những khó khăn của thực tập sinh mang thai ở Nhật Bản. Theo phán quyết, các thẩm phán nhất trí rằng Lê Thị Thuỳ Linh, nữ thực tập sinh người Việt, không có tội trong vụ bỏ thi thể 2 con mới sinh sau khi bí mật mang thai.

    Phán quyết vô tội của Tòa án Tối cao

    Đứng trước toà nhà Toà án Tối cao Nhật Bản vào ngày 24 tháng 3, luật sư Ishiguro Hiroki bào chữa cho Linh giơ tấm băng-rôn với dòng chữ "vô tội" và tuyên bố công lý đã được thực thi. Ông cho biết: "Toà án Tối cao đã công nhận rằng hành động của một người mẹ cố làm những gì tốt nhất trong một hoàn cảnh tồi tệ không cấu thành tội".

    Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ khi Lê Thị Thuỳ Linh, người Việt khi đó 24 tuổi, bị bắt giữ. Ác mộng bắt đầu khi cô một mình sinh non một cặp sinh đôi tại một trang trại. Cô cuốn 2 con trong khăn tắm và đặt vào 2 lớp hộp các-tông.

    Linh để lại thư bằng tiếng Việt, trong đó viết: "Mẹ xin lỗi 2 đứa! Cầu cho 2 đứa sớm được về nơi an lạc".

    Cô đặt tên con là Khôi và Cường, và viết thư xin 2 con tha thứ. Sau đó, cô dán hộp lại bằng băng dính, đặt lên tủ rồi thiếp đi. Ngày hôm sau, Linh được đưa tới bệnh viện, tại đó cô bị bắt giữ sau khi thừa nhận 2 con đã qua đời. Ban đầu, cô không hiểu vì sao lại bị bắt.

    Tháng 7 năm 2021, Toà Sơ thẩm Kumamoto ra phán quyết Linh phạm tội vứt bỏ thi thể và không hoàn thành nghĩa vụ tổ chức tang lễ, điều mà toà án cho là "rõ ràng xâm phạm tới cảm xúc tín ngưỡng chung của người dân".

    Tuy nhiên, vào tháng 1 năm 2022, Toà Phúc thẩm Fukuoka ra phán quyết rằng việc Linh để 2 thi thể trong phòng riêng trong 33 tiếng không cấu thành tội vứt bỏ thi thể và không đủ thời gian để tổ chức tang lễ. Mặc dù vậy, toà vẫn ra phán quyết rằng Linh phạm tội che giấu thi thể vì đã đặt thi thể 2 con vào hộp và dán lại bằng băng dính. Toà tuyên án cô 3 tháng tù giam, hưởng án treo 2 năm.

    Linh cho biết cô đặt 2 con vào 2 lớp hộp và dán lại vì sợ con bị lạnh và coi chiếc hộp như một quan tài.

    Toà án Tối cao Nhật Bản ra phán quyết về vụ của Linh.

    Cuộc chiến pháp lý kéo dài của Linh cuối cùng cũng kết thúc vào ngày 24 tháng 3 năm 2023, với phán quyết của Toà án Tối cao rằng dù "cô tạo ra tình huống khiến người khác khó phát hiện nơi có thi thể, cách cuốn và đặt thi thể như vậy không cấu thành tội vứt bỏ". Bốn thẩm phán nhất trí rằng Linh không phạm tội, đảo ngược phán quyết của các toà cấp dưới.

    Một mình nơi xa lạ

    Trở ngại lớn trong quá trình bào chữa cho Linh là cô giấu công ty tuyển dụng và đoàn thể quản lý về việc mang thai.

    Vấn đề tài chính là một lý do. Linh đã vay hơn 11.000 đôla để sang Nhật. Để trả khoản nợ này, cô làm việc nhiều giờ với mức lương khoảng 900 đôla mỗi tháng, trong đó 750 đôla được gửi về cho gia đình và để trả nợ.

    Khoảng 18 tháng sau khi tới Nhật thì cô trả hết nợ và bắt đầu để dành được tiền. Đó cũng là lúc cô quen một thực tập sinh người Việt trên mạng internet, dẫn tới việc mang thai ngoài ý muốn. Linh quyết định giữ bí mật việc mang thai để tiếp tục làm việc và gửi tiền về cho gia đình.

    Nhưng sau đó thảm kịch xảy ra. Trong mùa cao điểm thu hoạch quýt ở trang trại, Linh bị ngã từ cây xuống.

    Tối hôm đó, cô sinh 2 con sớm hơn 1 tháng so với dự kiến.

    Tại một buổi họp báo, Linh cho biết đã "bị chảy máu quá nhiều và không thể cứu được con".

    Linh cảm thấy hoàn toàn cô độc. Cô là thực tập sinh người Việt duy nhất tại một trang trại ở một đất nước xa lạ. Cô không biết tiếng Nhật và không biết làm sao để xin hỗ trợ y tế.

    Cô cho biết không thể nói với công ty hoặc đoàn thể quản lý về tình hình của mình vì không tin tưởng họ. Theo cô, một lý do là vì họ từng từ chối trả tiền làm thêm giờ cho cô. Đoàn thể quản lý Linh từ chối bình luận khi NHK liên lạc về vấn đề này.

    Linh cũng cho biết đã nghe lời kể của cựu thực tập sinh và đọc chia sẻ trên mạng rằng các công ty Nhật thường bắt thực tập sinh mang thai phải về nước.

    Thực tập sinh mang thai vẫn bị phạt

    Tháng 3 năm 2019, Hiệp hội Thực tập kỹ năng Quốc tế (OTIT) phụ trách chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng của Nhật Bản đã cảnh báo các công ty và đoàn thể quản lý rằng việc phạt thực tập sinh mang thai là vi phạm pháp luật.

    Tuy nhiên, tháng 12 năm 2022, Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh công bố kết quả khảo sát 650 thực tập sinh người Việt Nam, Philippines và 5 nước khác, theo đó cho thấy cứ 4 người trả lời khảo sát thì có 1 người từng phải chịu "những lời nói thiếu phù hợp". Trong số này có khuyến cáo cấm mang thai. Cứ 20 người trả lời thì có 1 người cho biết đã ký hợp đồng có điều khoản cấm mang thai, mặc dù quy định như vậy là bất hợp pháp.

    Theo một khảo sát khác, trong khoảng 3 năm tính từ tháng 11 năm 2017, trong số 637 thực tập sinh nữ mang thai chỉ chưa đầy 2% được phép tiếp tục chương trình thực tập sau khi sinh.

    Giáo sư Tanaka Masako thuộc Đại học Sophia

    Giáo sư Tanaka Masako thuộc Đại học Sophia, chuyên nghiên cứu về các vấn đề của thực tập sinh nữ người nước ngoài tại Nhật Bản, nói: "Các tổ chức không còn cưỡng chế thực tập sinh ra sân bay, nhưng giờ họ tìm cách thuyết phục các thực tập sinh về nước thay vì xin nghỉ thai sản". Bà cho biết một số tổ chức thậm chí còn khuyên thực tập sinh nên xem xét phá thai.

    Bà nói: "Đây là vấn đề nảy sinh từ suy nghĩ rằng thực tập sinh kỹ năng không được phép có con vì họ chỉ là lao động giá rẻ có thể thay thế".

    Trả lời phỏng vấn của NHK với điều kiện giữ kín danh tính, một công ty thừa nhận rằng "do thiếu nhân lực trầm trọng nên chúng tôi thậm chí không thể nghĩ tới việc chăm sóc các thực tập sinh khi họ mang thai và sinh con".

    Giáo sư Tanaka cho biết chính phủ không hỗ trợ cho các công ty khi thực tập sinh của họ nghỉ thai sản, điều mà bà cho rằng cần được giải quyết ngay lập tức.

    Theo bà, cần có thêm thông tin cho thực tập sinh ngay từ đầu về việc mang thai và tránh thai. Bà cho biết các biện pháp tránh thai ở Nhật Bản không nhiều, và thuốc tránh thai khẩn cấp phải được kê đơn. Hậu quả là các thực tập sinh người Việt thường tự ý mua chúng ở trên mạng bất chấp rủi ro.

    Về ngắn hạn, giáo sư đề xuất rằng các thực tập sinh người nước ngoài nên được cung cấp thông tin một cách hệ thống về các biện pháp tránh thai ở Nhật Bản ngay trong tháng thực tập đầu tiên khi mới tới Nhật.

    Nhiều người đồng cảm

    Câu chuyện của Linh lan xa hơn cả cộng đồng người nước ngoài. Hơn 90.000 người trên khắp Nhật Bản và các nước khác, hầu hết là phụ nữ, đã ký kiến nghị ủng hộ cô. Nhóm luật sư bào chữa cho Linh đã trình lên Toà án Tối cao lời chứng của 127 người, trong đó có các chuyên gia về y tế và tín ngưỡng cũng như các bà mẹ và phụ nữ từng bị sảy thai, kêu gọi xem xét lại vụ việc.

    Một trong số đó là cô Sakamoto Haruka, 32 tuổi, sống tại Kumamoto. Cô có con gái trạc tuổi cặp sinh đôi của Linh nếu 2 con còn sống. Trong lời chứng, cô kể về việc từng bị ốm nghén khi mang thai và cảm thấy vô cùng cô độc sau khi sinh do thay đổi về nội tiết tố. Cô viết: "Tôi sẽ không thể chịu nổi nếu phải một mình sinh con lần đầu".

    Cô Sakamoto viết thư ủng hộ Linh vì cảm thấy vụ việc này "không liên quan tới quốc tịch. Chúng tôi cần một môi trường nơi chúng tôi có thể sinh con một cách an toàn bất kể hoàn cảnh, nơi việc mang thai được xã hội chào đón".

    Ông Hasuda Takeshi là bác sỹ tại một bệnh viện có "nôi em bé" nơi cha mẹ có thể để lại con mà không lộ danh tính.

    Ông Hasuda Takeshi là bác sỹ kiêm giám đốc Bệnh viện Jikei ở thành phố Kumamoto. Bệnh viện có "nôi em bé" nơi cha mẹ có thể để lại trẻ sơ sinh một cách an toàn và không lộ danh tính. Ông cho biết phán quyết có tội "sẽ gửi đi thông điệp sai lầm" vì sẽ khiến "phụ nữ trẻ sợ bị bắt giữ và nghĩ tới việc giấu hoặc vứt bỏ thi thể con mới sinh, điều có thể dẫn tới tình huống cấu thành tội thực sự".

    Bác sỹ Hasuda cho biết vụ việc của Linh phản ánh cái nhìn của xã hội đối với những phụ nữ mang thai trong hoàn cảnh khó khăn: "Cảnh sát điều tra và cả nhân viên bệnh viện cảm thấy những phụ nữ như vậy khả nghi vì họ sinh con một mình và không tìm sự giúp đỡ của bác sỹ".

    Tuy nhiên, ông nói rằng phán quyết của Toà án Tối cao cho thấy thay đổi trong xã hội: "Lần này, những lời ủng hộ đã lấn án những lời chỉ trích". Ông cho rằng vụ việc của Linh giúp xã hội hiểu hơn cho những phụ nữ trong hoàn cảnh tương tự.

    Bài học từ Linh

    Tính tới tháng 6 năm 2022, ở Nhật Bản có khoảng 330.000 thực tập sinh kỹ năng. Chính phủ bắt đầu chương trình thực tập sinh vào năm 1993 để đào tạo các kỹ năng cơ bản cho lao động nước ngoài, coi đây là một cách để Nhật Bản hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Kể từ đó, chương trình này đã nhiều lần đối mặt với chỉ trích từ cả trong và ngoài nước. Trong báo cáo về nạn buôn người năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập riêng tới chương trình thực tập sinh, gọi đây là "chương trình xuất khẩu lao động" và nói rằng chính phủ Nhật Bản không áp dụng "bất cứ biện pháp xử lý nào đối với các tổ chức môi giới và tuyển dụng về tội bóc lột lao động".

    Vào ngày 10 tháng 4, một uỷ ban do chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm đã công bố báo cáo giữa kỳ khuyến nghị huỷ bỏ chương trình này. Uỷ ban cho rằng nên có chương trình mới, theo đó coi thực tập sinh là lực lượng lao động thực sự và cho phép họ đổi chỗ làm trong một số điều kiện nhất định, điều hiện nay chưa được phép. Báo cáo cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào mùa thu năm nay.

    Giáo sư Suzuki Eriko thuộc Đại học Kokushikan, chuyên gia nổi tiếng về vấn đề xuất nhập cảnh của Nhật Bản, hoài nghi về việc chương trình mới sẽ tạo ra thay đổi thực sự: "Đây có thể chỉ là thay đổi về hình thức, bởi chúng ta không biết liệu chương trình mới có thể giải quyết hoàn toàn vấn đề nhân quyền và các khó khăn mà lao động nữ phải đối mặt hay không".

    Những khó khăn của Linh đã cho thấy sự cô độc mà nhiều thực tập sinh nước ngoài ở Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ, phải đối mặt. Vụ việc cũng phần nào có nghĩa vì đã giúp nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của họ và ngăn điều tương tự tái diễn.