Sống vì người khác - Chìa khóa hạnh phúc của bác sỹ người Nhật được trao giải "Nobel châu Á"
Backstories

Sống vì người khác - Chìa khóa hạnh phúc của bác sỹ người Nhật được trao giải "Nobel châu Á"

    NHK World
    NEWSROOM TOKYO Anchor
    Cách đây 2 thập kỷ, bác sỹ nhãn khoa Hattori Tadashi đã bỏ công việc lương cao ở Nhật Bản để sang Việt Nam chữa mắt cho người nghèo. Ông cùng đồng nghiệp trong nhóm đã phẫu thuật miễn phí khôi phục thị lực cho hơn 20.000 người. Ông được vinh danh là một trong bốn người nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay 2022, thường được gọi là "Giải Nobel của châu Á", cho công việc nhân đạo này.

    Ông Hattori Tadashi đang là một trong những bác sỹ phẫu thuật mắt hàng đầu của Nhật Bản thì một cuộc gặp gỡ tình cờ tại một hội nghị cách đây hai thập kỷ đã thay đổi cuộc đời ông. Tại đây, một nữ bác sỹ người Việt đã mời ông đến Việt Nam cùng với tài năng chuyên môn của mình.

    Bác sỹ Hattori là chuyên gia về phẫu thuật cắt dịch kính để điều trị bệnh lý về võng mạc và thủy tinh thể.

    Kế hoạch 3 tháng trở thành sứ mệnh cuộc đời

    Ông Hattori nhận lời mời của vị nữ bác sỹ, nghĩ rằng sẽ lưu lại Việt Nam khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, khi khám cho bệnh nhân ở Việt Nam, ông rất sốc khi thấy nhiều người bị mù vì đục thủy tinh thể. Sau khi trở về Nhật Bản, ông trăn trở suy nghĩ về những người sẽ bị mù chỉ vì không có tiền phẫu thuật.

    Bác sỹ Hattori quyết định nghỉ việc và bắt đầu đi lại giữa Nhật Bản và Việt Nam gần như mỗi tháng. Suốt hai thập kỷ, ông đã chữa trị miễn phí cho bệnh nhân ở Việt Nam, lấy tiền tiết kiệm của mình để mua và tặng thiết bị y tế cho Việt Nam. Ông cũng làm việc như một bác sỹ phẫu thuật tự do ở Nhật Bản để có tiền cho hoạt động này.

    Bác sỹ Hattori nói rằng động lực cho nhiệt huyết làm việc của ông chính là nụ cười của bệnh nhân. Ông nói: "Khi tôi thấy một bệnh nhân mỉm cười sau khi phẫu thuật và nhìn thấy ánh sáng trở lại, tôi ngập tràn hạnh phúc. Đó không phải là thứ có thể mua được bằng tiền bạc".

    Bác sỹ Hattori Tadashi là người sáng lập Hiệp hội Phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương và là giáo sư bổ nhiệm đặc biệt tại Đại học Y khoa tỉnh Kyoto.

    Đưa mọi người thoát nghèo

    Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng bác sỹ Hattori nói rằng có nhiều người bị bỏ lại phía sau.

    Ông tập trung vào nông thôn, nơi mà với nhiều người thì chi phí đi lại đến bệnh viện lớn ở thành phố có thể là số tiền lớn, việc đóng tiền phẫu thuật cũng thường nằm ngoài khả năng.

    Bác sỹ Hattori cho biết nhiều người ở Việt Nam không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc mắt cần thiết.

    Thế là ông dẫn đầu đoàn y tế đi đến các vùng sâu vùng xa để chữa trị cho bệnh nhân nghèo. Mặc dù gặp phải vô số vấn đề, từ chậm tàu kéo dài cho đến các thủ tục giấy tờ hành chính, ông không bao giờ từ bỏ vì ông tin rằng thị lực sẽ giúp mọi người thoát khỏi đói nghèo.

    Mỗi ngày, bác sỹ Hattori thực hiện tới 30 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể và 8 ca phẫu thuật thay thủy tinh thể.

    Bác sỹ Hattori nói: "Nếu cha mẹ phục hồi thị lực, họ có thể đi làm trở lại và không còn là gánh nặng cho gia đình nữa. Nếu ông bà phục hồi thị lực, họ có thể trông nom cháu và cha mẹ chúng có thể làm việc. Phục hồi thị lực không chỉ giúp ích cho người bệnh mà còn cho cả gia đình họ".

    "Sống vì người khác"

    Khi đang học trung học, ông Hattori tình cờ nghe được nhân viên y tế tại một bệnh viện nói một cách thiếu tôn trọng về cha ông lúc đó đang bị ung thư. Từ đó, ông quyết định chọn con đường trở thành bác sỹ và muốn trở thành một người biết tôn trọng mọi người. Không lâu sau, cha ông mất, để lại cho ông lời dặn: “Hãy sống vì người khác”.

    Ông Hattori liên tục trượt kỳ thi đầu vào trường y. Sau 4 năm cố gắng, cuối cùng ông đỗ vào một trường đại học ở Kyoto. Trải nghiệm đó đã khiến ông vạch ra phương châm sống của riêng mình: "Không bao giờ bỏ cuộc". Ông Hattori nói rằng tư duy này cực kỳ quan trọng đối với bác sỹ.

    Ông nói: "Nếu tôi bỏ cuộc trong khi thực hiện phẫu thuật, người cảm thấy đau đớn và bị mù không phải là tôi mà là bệnh nhân của tôi. Bất cứ khi nào chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình phẫu thuật, tôi cần phải vượt qua và làm hết khả năng để bệnh nhân có thể phục hồi thị lực. Từ bỏ thì dễ, nhưng cần phải tiếp tục".

    "Coi bệnh nhân như người thân"

    Bác sỹ Hattori cố gắng chia sẻ kiến ​​thức của mình với các bác sỹ Việt Nam vì ông tin rằng đào tạo được nhiều người hơn có nghĩa là sẽ có thêm nhiều người lại nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên, ông nói rằng chỉ có kỹ thuật thôi thì chưa đủ. Công việc này đòi hỏi phải có cả cái tâm.

    Đến nay, bác sỹ Hattori đã đào tạo cho hơn 30 bác sỹ Việt Nam thực hiện các ca phẫu thuật mắt phức tạp.

    Ông nói: “Cần nghĩ đến bệnh nhân giống như họ là cha mẹ hay là con em của mình vậy. Tôi nói với các bác sỹ Việt Nam là hãy thực hiện phẫu thuật với tư duy như thế, dường như mọi người cũng đồng cảm với suy nghĩ này của tôi".

    Bác sỹ Hattori mơ ước mở một bệnh viện đa khoa tại Việt Nam, nơi ông có thể chữa trị cho bệnh nhân và đào tạo các bác sỹ trẻ từ khắp Đông Nam Á .

    Bác sỹ Hattori hy vọng sẽ lan tỏa kỹ thuật và tinh thần làm việc của mình ra thế giới.

    Hội đồng quản trị của Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay đã ca ngợi bác sỹ Hattori vì "tấm lòng nhân hậu giản dị và nghĩa cử hào hiệp phi thường".

    Bác sỹ nói rằng ông rất bất ngờ khi biết tin mình được giải vì ông nghĩ rằng công việc ông làm chỉ là một công việc bình thường. Ông cho biết thông điệp mà ông muốn gửi tới mọi người là về niềm tin và lòng tốt.

    Bác sỹ Hattori nói: “Trong cuộc sống, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra đúng như kế hoạch. Thay đổi cũng tốt. Nhưng dù chọn con đường nào, hãy hết mình. Nếu làm việc gì mà thấy hạnh phúc, thì đó là con đường tốt nhất với mình. Nhưng tôi nghĩ rằng hạnh phúc nhất là khi được giúp đỡ mọi người".

    Xem video 9:12