Tưởng nhớ ông Uemura Masayuki - người sáng tạo máy trò chơi điện tử Nintendo
Backstories

Tưởng nhớ ông Uemura Masayuki - người sáng tạo máy trò chơi điện tử Nintendo

    NHK Sciences and Culture Division
    Correspondent
    Kỹ sư Uemura Masayuki có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn tới cuộc sống của vô số trẻ em trên toàn thế giới. Vào giữa thập niên 1980, ông chế tạo một máy trò chơi điện tử cho Nintendo, ở Nhật Bản gọi là Famicom còn ở các nước khác là NES. Sản phẩm thành công rực rỡ với doanh số 60 triệu chiếc, đưa các trò chơi như Super Mario, Zelda và Dragon Quest đến với mọi gia đình. Trong bối cảnh ông Uemura vừa qua đời vào tháng 12/2021, phóng viên Kagawa Nao của NHK nhớ lại một cuộc trò chuyện với ông, người được coi là tượng đài của ngành trò chơi điện tử, về công việc và ý nghĩa của việc vui chơi.

    Vào mùa xuân năm 2019, tôi trò chuyện với ông Uemura Masayuki về ý nghĩa của việc "vui chơi". Một số câu trả lời của ông khiến tôi ngạc nhiên, và một số khác khiến tôi suy ngẫm vào 1 năm sau cuộc trò chuyện, khi đại dịch COVID-19 thay đổi cách mà mọi người tương tác với nhau trong xã hội.

    Hãy sẵn sàng, người chơi số 1

    Ông Uemura giải thích rằng Famicom thành công nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có việc cải thiện khả năng xử lý của máy tính, sự trỗi dậy của truyền thông về trò chơi điện tử, và thay đổi trong cách nuôi dạy trẻ.

    Ông nói: "Tôi nghĩ các trò chơi của Famicon là một cách để vui chơi tại nhà khi đô thị hoá khiến việc ra ngoài chơi trở nên khó khăn hơn".

    Trẻ em háo hức đón nhận máy trò chơi điện tử mới này, nhưng các phụ huynh và giáo viên lo lắng các em sẽ bỏ lỡ cơ hội giao tiếp với nhau. Ông Uemura cho rằng vấn đề đó sẽ không xảy ra.

    Ông nói: "Những người chỉ trích trò chơi điện tử thường miêu tả đây là một hoạt động cô đơn, trong đó người chơi ngồi một mình và nhìn chằm chằm vào TV. Thực tế hoàn toàn trái ngược. Nhiều người cùng theo dõi một màn hình, thay phiên nhau chơi và chia sẻ thông tin. Tôi nghĩ trò chơi điện tử thực chất là 'chất keo xã hội' kết nối mọi người".

    Thành công toàn cầu

    Ông Uemura giải thích rằng khả năng của người Nhật trong việc tạo ra các nhân vật dễ thương cũng góp phần giúp NES được yêu thích ở các nước khác. Theo ông, khả năng này xuất phát từ thuyết vật linh, vốn ảnh hưởng tới văn hoá Nhật Bản trong hàng thế kỷ.

    Ông cho biết: "Thuyết này cho rằng các vật thể đều có sự sống. Suy nghĩ đó tạo nên những trò chơi điện tử đơn giản và bình dị, đối ngược với những trò chơi bạo lực của nước ngoài. Pac-Man thực chất là trò đuổi bắt, còn Pokemon là thu thập côn trùng. Bất cứ ai trên thế giới này đều biết chơi những trò đó".

    Ông Uemura nghỉ việc ở Nintendo vào năm 2004, nhưng tiếp tục làm việc trong ngành trò chơi điện tử. Ông chuyển sang công tác tại trung tâm nghiên cứu trò chơi điện tử thuộc Đại học Ritsumeikan, và làm giám đốc trung tâm này trong 10 năm.

    Tôi hỏi ông rằng ngành trò chơi điện tử có thể phát triển nữa không khi mà ngành này đã sử dụng cả internet và công nghệ thực tế ảo. Câu trả lời của ông khiến tôi bất ngờ.

    Ông nói: "Chúng tôi vẫn chưa tạo được trò chơi điện tử nào thú vị hơn menko". Menko là trò chơi thẻ bài truyền thống của Nhật Bản, trong đó người chơi ném thẻ xuống một mặt cứng để lật thẻ của đối phương.

    Ông nói: "Về mặt đồ họa, chúng tôi đã đạt được mức cao nhất có thể. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thể tạo ra cảm giác về thể chất khi đập vào một thứ gì đó".

    Thậm chí ông Uemura còn cho rằng đồ họa đã quá phát triển, tới mức không còn gì cho người chơi tự tưởng tượng. Ông cảm thấy đó là lý do khiến phong cách đồ họa trong trò chơi điện tử đời đầu của ông được yêu thích trở lại.

    Ông bảo tôi: "Con người thích sử dụng trí tưởng tượng. Cái chúng ta nhìn thấy có thể không giống thật, nhưng lại rất thật trong đầu chúng ta. Càng có cơ hội tưởng tượng thì chúng ta càng thấy thú vị".

    Tương lai của trò chơi điện tử

    Chúng tôi thảo luận về lý do khiến trò chơi điện tử hấp dẫn, và liệu có thể tạo ra một trò chơi không bao giờ nhàm chán hay không.

    Ông Uemura mỉm cười: "Cái đó thì không thể. Điều duy nhất mà con người không bao giờ chán chính là con người".

    Cuộc phỏng vấn diễn ra trước đại dịch vi-rút corona. Nhưng tôi nhớ lại câu trả lời này của ông khi đại dịch bùng phát và việc giao lưu với mọi người trở nên khó khăn hơn. Đại dịch cũng là thời điểm trò chơi "Animal Crossing" phiên bản mới nhất của Nintendo được nhiều người yêu thích.

    Trong 2 năm qua, trò chơi điện tử không ngừng tiến hoá. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của từng người chơi.

    Tuy nhiên, lần đầu tiên tôi thực sự hiểu câu nói của ông Uemura, rằng rốt cuộc điều duy nhất chúng ta không bao giờ chán chính là con người.