Chuyên gia: 10 năm sau thảm họa 11/3 Nhật Bản vẫn có nguy cơ dư chấn Chuyên gia: 10 năm sau thảm họa 11/3 Nhật Bản vẫn có nguy cơ dư chấn
Backstories

Chuyên gia: 10 năm sau thảm họa 11/3 Nhật Bản vẫn có nguy cơ dư chấn

    NHK World
    Correspondent
    Ngày 11/3 năm nay, người dân trên khắp Nhật Bản dành 1 phút mặc niệm vào 2 giờ 46 phút chiều, đúng thời điểm trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra ngoài khơi tỉnh Miyagi vào ngày 11/3/2011. Một thập kỷ đã trôi qua kể từ sau thảm họa, nhưng các chuyên gia cố vấn cho chính phủ nói rằng Nhật Bản vẫn có nguy cơ xảy ra dư chấn.

    Năm nay, số người tham dự lễ tưởng niệm nạn nhân thảm họa do chính phủ tổ chức hằng năm bị giới hạn do đại dịch vi-rút corona. Thiên hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako nằm trong số những người dự lễ tưởng niệm. Đây là lần đầu tiên hai vị tham dự kể từ khi Thiên hoàng kế vị vào năm 2019. Lễ tưởng niệm năm ngoái đã bị huỷ do vi-rút corona lây lan.

    Thiên hoàng nói: "Tôi tin rằng điều vô cùng quan trọng là tất cả chúng ta đoàn kết và luôn giữ tinh thần sẵn sàng sát cánh với những người bị nạn, để công cuộc tái thiết dần có kết quả. Tôi và Hoàng hậu mong muốn tiếp tục lắng nghe tiếng nói của người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng".

    Bà Omi Chiharu đã đọc diễn văn thay mặt cho những người sống sót ở tỉnh Iwate, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bà nói: "Đã 10 năm trôi qua kể từ thảm họa, nhưng nỗi buồn của chúng tôi sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Chúng tôi sẽ bảo vệ mái nhà yêu quý của mình và tiến về tương lai".

    Người dân Nhật Bản tưởng niệm những người thiệt mạng 10 năm trước, khi một trận động đất và sóng thần lớn tàn phá Đông Bắc Nhật Bản và gây ra thảm họa hạt nhân. Một buổi lễ tưởng niệm quốc gia đã được tổ chức ở Tokyo. Xem Video 04:20

    Trận động đất đã gây ra sóng thần lên tới hơn 10m ở một số nơi, cuốn sạch hàng trăm toà nhà. Hơn 15.900 người đã thiệt mạng và hơn 2.500 người vẫn mất tích. Tính tới nay đã có 3.775 người qua đời do các nguyên nhân liên quan.

    Sóng thần cũng cắt đứt nguồn điện tại Nhà máy điện Hạt nhân Fukushima Số 1 thuộc Công ty Điện lực Tokyo, gây ra một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử. Các khu vực xung quanh nhà máy bị nhiễm chất phóng xạ, và hơn 35.000 người tới nay vẫn chưa được hồi hương.

    Xem video 00:58

    Chuẩn bị cho thảm họa tiếp theo

    Vào ngày 9/3, Uỷ ban Nghiên cứu Động đất của chính phủ đã công bố đánh giá về hoạt động địa chấn gần tâm chấn của trận động đất 11/3/2011.

    Các chuyên gia cho biết đã ghi nhận hơn 5.300 chấn động từ 4 độ richter trở lên trong năm đầu tiên sau thảm họa. Trong 1 năm kể từ tháng 3 năm ngoái, họ ghi nhận được 208 chấn động. Số chấn động đã giảm đáng kể, nhưng các chuyên gia nói rằng con số này vẫn nhiều hơn mức trung bình trước thảm họa ở khu vực này.

    Vào tháng 2, một trận động đất mạnh 7,3 độ richter đã xảy ra ở ngoài khơi tỉnh Fukushima, khiến khoảng 150 người bị thương. Các nhà địa chấn học cho biết đây là dư chấn của trận động đất ngày 11/3/2011.

    Một trận động đất mạnh 7,3 độ richter xảy ra ở Đông Bắc Nhật Bản vào ngày 13/2. Xem video 01:19

    Theo uỷ ban, kết quả theo dõi bằng GPS cho thấy động đất năm 2011 vẫn tiếp tục gây ra chuyển động của các mảng kiến tạo ở nhiều khu vực thuộc Tohoku và phía Đông Nhật Bản. Điều này có nghĩa là những khu vực này có nguy cơ xảy ra động đất hoặc sóng thần lớn trong những năm tới.

    Chủ tịch Uỷ ban Hirata Naoshi, chuyên gia về các biện pháp ứng phó thảm họa, cho biết: "Mọi người cần nhớ rằng không thể tránh được nguy cơ động đất lớn khi sống ở Nhật Bản. Chúng ta cần tiếp tục kêu gọi mọi người chuẩn bị cho điều đó".