Mang thai trong đại dịch: "Đừng hoảng sợ mà hãy tự bảo vệ mình"
Backstories

Mang thai trong đại dịch: "Đừng hoảng sợ mà hãy tự bảo vệ mình"

    NHK World
    Correspondent
    Trong khi chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của vi-rút corona chủng mới đối với thai kỳ, nhiều phụ nữ mang thai lo lắng về việc vi-rút có thể gây tác hại gì cho em bé và cho chính họ. Bác sĩ Hayakawa Satoshi là Phó chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm trong Sản khoa và Phụ khoa, đồng thời là giáo sư tại Đại học Y khoa Nihon. Chuyên mục Theo dòng thời sự xin giới thiệu ý kiến của ông về những gì phụ nữ mang thai có thể chuẩn bị để sinh con giữa đại dịch.

    Biết rõ rủi ro

    Giáo sư Hayakawa cho biết: "Đến nay chưa có bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai có nguy cơ cao gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn người bình thường. Cũng không có bằng chứng cho thấy vi-rút làm tăng nguy cơ sảy thai".

    Nhưng ông Hayakawa nói rằng phụ nữ mang thai phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cao hơn, chẳng hạn như viêm phổi, vì khi tử cung của họ khi phát triển sẽ đẩy một số cơ quan nội tạng lên cao.

    Ông nói: "Chúng ta biết rằng phụ nữ mang thai nhìn chung có thể bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng đường hô hấp do những thay đổi của cơ thể họ trong thai kỳ. Vì vậy, điều quan trọng là phải cẩn thận và bảo vệ bản thân khỏi vi-rút".

    Ông nói thêm rằng có hạn chế trong lựa chọn điều trị cho phụ nữ mang thai, vì một số loại thuốc chống chỉ định đối với họ. Một trong số đó là Avigan, loại thuốc mà một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy có hiệu quả chống lại vi-rút corona.

    Vậy phụ nữ mang thai có thể làm gì để bảo vệ bản thân khỏi vi-rút?

    Bác sĩ Hayakawa Satoshi, Phó Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm trong Sản khoa và Phụ khoa

    Tuân thủ những điều cơ bản

    Vào ngày 1/4, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố các hướng dẫn giúp phụ nữ mang thai tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm:

    • Tránh nơi đông người
    • Thường xuyên rửa tay
    • Tránh 3 yếu tố: không gian kín, đông người và tiếp xúc gần như trò chuyện ở cự ly gần
    • Nếu trong nhà có người nghi nhiễm vi-rút, hãy tránh xa người đó. Tránh dùng chung khăn và bát đũa.

    Bộ cũng khuyến nghị những phụ nữ mang thai có triệu chứng nên liên hệ với trung tâm tư vấn cho những người có khả năng nhiễm COVID-19 thuộc trung tâm y tế công cộng gần nhất.

    Các triệu chứng bao gồm sốt từ 37,5 độ C trở lên kéo dài 2 ngày, toàn thân mệt mỏi và khó thở.

    Bộ đang kêu gọi các doanh nghiệp thiết lập hệ thống nghỉ phép có lương đặc biệt cho phụ nữ mang thai, đồng thời thực hiện các biện pháp làm việc từ xa và bố trí giờ làm so le. Bộ cũng đã bắt đầu gửi mỗi tháng 2 khẩu trang vải cho phụ nữ mang thai.

    Hỗ trợ trực tuyến

    Các chuyên gia đều nhất trí rằng ở nhà là cách tốt nhất để tránh lây nhiễm. Điều này đã khiến một số phụ nữ mang thai bỏ qua các kỳ kiểm tra trước khi sinh tại bệnh viện.

    Giáo sư Hayakawa nói: "Những kỳ kiểm tra này rất quan trọng. Tôi hiểu lý do tại sao một số người muốn hạn chế tiếp xúc trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng bạn nên trao đổi với bác sĩ sản khoa trước khi bỏ qua kỳ kiểm tra. Hãy hỏi xem việc giãn các lần khám thì có an toàn cho bạn hay không".

    Hôm 17/4, Chính quyền thủ đô Tokyo thông báo sẽ cấp cho phụ nữ mang thai phiếu mua sắm trị giá 10.000 yên để đi taxi đến khám tại bệnh viện.

    Một lo lắng khác là đại dịch đã buộc các bệnh viện và chính quyền địa phương phải hủy bỏ nhiều lớp học tiền sản giúp chuẩn bị cho những người sắp làm mẹ. Lớp học tiền sản dạy về cách thay tã cũng như cách tắm và cho trẻ ăn.

    Để giúp những phụ nữ này, một số cá nhân và tổ chức đang cung cấp hỗ trợ trực tuyến.

    Nữ hộ sinh kiêm YouTuber Shiori-nu bắt đầu đăng một loạt video hướng dẫn cho các bà mẹ trong những tuần trước và sau khi sinh. Cô trấn an mọi người về những thay đổi tinh thần cũng như thể chất mà họ sẽ gặp phải, cũng như đưa ra một số gợi ý thực tế trong thời kỳ đầu làm mẹ.

    Các chính quyền địa phương cũng đang có nỗ lực riêng. Thành phố Iruma ở tỉnh Saitama đã đăng tải lên kênh YouTube chính thức của mình video dạy cách tắm cho em bé cũng như cách pha sữa. Một quan chức nói rằng ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng cũng không thể bỏ qua chăm sóc thai sản nên thành phố đang nỗ lực để vừa có thể giúp cho mọi người vừa giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

    Thành phố Iruma đăng tải video để giúp cho các bà mẹ bị hủy lớp học tiền sản

    Sinh con

    Theo giáo sư Hayakawa, nếu người mẹ có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút, đứa trẻ sẽ được cách ly từ khi sinh cho đến khi cả mẹ và trẻ không còn nhiễm bệnh.

    Ông Hayakawa nói rằng ngay cả khi người mẹ không nhiễm vi-rút, việc sinh con trong đại dịch cũng là điều hoàn toàn khác so với bình thường.

    Ông nói: "Trẻ sơ sinh rất yếu ớt. Càng nhiều người trong phòng thì nguy cơ nhiễm vi-rút càng cao. Ta không nên làm tăng nguy cơ đó. Ngoài đội ngũ y tế không nên có ai khác ở trong phòng sinh".

    Ông nói thêm: "Tôi biết là sẽ rất khó khăn khi không có người thân bên cạnh nhưng chúng ta đang trong thời kỳ khủng hoảng. Chúng ta cần cố gắng hết sức để ngăn lây vi-rút cho trẻ sơ sinh".