Trong loạt bài này, chúng ta cùng nhìn lại kinh nghiệm rút ra sau động đất lớn ở Kumamoto tháng 4 năm 2016 thông qua 11 từ khóa sinh tồn. Bài hôm nay nói về việc phân loại cuộc gọi.
Trong các trận động đất ở Kumamoto, sở cứu hỏa cứu thương thành phố đã phải liên tiếp nhận điện thoại ngay sau động đất. Trong thời gian xảy ra trận động đất đầu tiên hôm 14/4 và trận động đất lớn sau đó hôm 16/4, sở cứu hỏa cứu thương đã nhận được tổng cộng 2.800 cuộc điện thoại, tức là gấp 10 lần so với bình thường.
Tuy nhiên, 60% trong số đó, nghĩa là khoảng 1.700 cuộc không phải là gọi cứu hộ hay cấp cứu mà đó chỉ là những trường hợp không có gì cấp bách. Nhiều người gọi đến sở cứu hỏa cứu thương chỉ để báo mất điện hoặc hỏi nơi sơ tán.
Do không thể đáp ứng được hết các cuộc gọi nên sở cứu hỏa cứu thương chỉ còn cách cử lực lượng làm nhiệm vụ theo tình huống ưu tiên. Sau khi rút kinh nghiệm, đồng thời để có thể ứng phó với động đất lớn sau này, sở cứu hỏa cứu thương thành phố Kumamoto trở thành đơn vị đầu tiên ở Nhật Bản soạn thảo hướng dẫn quy trình phân loại để xác định xem đâu là cuộc gọi khẩn cấp.
Người dân cũng cần cân nhắc xem có thực sự khẩn cấp không rồi hãy gọi cứu hộ. Để lực lượng cứu hộ có thể đến được nơi cần thiết, nên hạn chế gọi điện cho sở cứu hỏa cứu thương sau khi xảy ra thảm họa, nếu không có gì thực sự khẩn cấp, ví dụ như hỏi về dịch vụ tiện ích.
Thông tin được cập nhật đến ngày 16/5.
Thông tin có trên trang mạng xã hội của NHK World JAPAN.