Nga thông báo rằng quốc hội nước này sẽ thảo luận việc có nên rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu (CFE) hay không.
Hiệp ước này được ký kết vào năm 1990 giữa Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hiệp ước Warsaw khi đó, đặt giới hạn về số lượng vũ khí thông thường mà các nước đối thủ trong Chiến tranh Lạnh có thể sở hữu, nhằm cân bằng quyền lực giữa các nước này.
Hôm thứ Tư, văn phòng tổng thống Nga thông báo rằng Tổng thống Vladimir Putin đã đệ trình lên hạ viện (Duma Quốc gia), một dự luật về bãi bỏ hiệp ước. Ông Putin cũng giao cho Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov phụ trách thảo luận về dự luật này.
Nga đã phê chuẩn hiệp ước vào năm 1999, nhưng đã đình chỉ việc thực thi vào năm 2007 trong bối cảnh xảy ra căng thẳng với NATO.
Ông Leonid Slutsky, chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Duma Quốc gia, cho biết hiệp ước "từ lâu đã chỉ tồn tại trên giấy tờ". Ông nói thêm rằng, với hoàn cảnh hiện tại, việc chính thức từ bỏ hiệp ước sẽ "củng cố lợi ích và an ninh quốc gia của Nga".
Bằng việc tuyên bố rút khỏi hiệp ước, chính quyền của Tổng thống Putin dường như đang tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn các quốc gia châu Âu và Mỹ hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.
Hãng thông tấn nhà nước của Nga đưa tin rằng Duma Quốc gia có thể sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 16 tháng 5.