Vụ phóng tên lửa H3 mới của Nhật Bản đã kết thúc thất bại sau khi động cơ tầng 2 không đánh lửa và đã nhận được lệnh tự hủy.
H3 cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tây nam Nhật Bản lúc 10 giờ 37 phút sáng thứ Ba trong chuyến bay đầu tiên. Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 17 phút sau đó, tên lửa sẽ đưa một vệ tinh quan sát Trái đất vào quỹ đạo ở độ cao khoảng 675 km.
Theo Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), khoảng 8 phút sau khi cất cánh, có thông báo rằng không xác nhận được động cơ LE-5B-3 tầng 2 đánh lửa.
Vào khoảng 10 giờ 52 phút sáng, có thông báo rằng tên lửa đã được lệnh tự hủy. JAXA đang điều tra nguyên nhân.
Lần phóng thất bại trước diễn ra vào tháng 10 và có sự tham gia của tên lửa Epsilon-6.
H3 là tên lửa kế tiếp của H2A. H3 là tên lửa chủ lực mới và là tên lửa lớn nhất của Nhật Bản với chiều cao tới 63 mét.
Sau khoảng 30 năm, đây là đầu tiên Nhật Bản chế tạo tên lửa lớn như vậy. Mục đích của H3 là tăng khả năng tải trọng lên 1,3 lần so với H2A, đồng thời cắt giảm khoảng một nửa chi phí phóng hiện nay.
Kể từ khi khởi động dự án 9 năm trước, JAXA và đơn vị đồng chế tạo tên lửa là tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries đã đầu tư hơn 200 tỷ yên (khoảng 1,5 tỷ đôla) chế tạo tên lửa H3.
Ban đầu, tên lửa H3 dự kiến được phóng vào năm tài chính 2020. Tuy nhiên, lịch trình bị lùi lại một phần do những khó khăn trong quá trình chế tạo mới động cơ chính.