Ngày 11 tháng 3 năm nay đánh dấu 12 năm kể từ khi trận động đất và sóng thần năm 2011 tàn phá vùng đông bắc Nhật Bản. Các chuyên gia cho rằng trong tương lai gần có khả năng xảy ra siêu động đất ngoài khơi phía Thái Bình Dương của đất nước. Trong loạt bài mới về ứng phó thảm họa, chúng tôi giới thiệu những điều có thể chuẩn bị trước nếu thảm họa này xảy ra. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về thảm họa tiềm ẩn này.
Dưới đáy Thái Bình Dương dọc theo bờ biển miền trung và miền tây Nhật Bản, có một rãnh dài 700 km từ Vịnh Suruga ngoài khơi tỉnh Shizuoka đến Biển Hyuganada ngoài khơi phía đông khu vực Kyushu, được gọi là rãnh Nankai. Rãnh Nankai được hình thành ở ranh giới nơi mảng kiến tạo Thái Bình Dương trượt xuống dưới mảng kiến tạo có quần đảo Nhật Bản.
Nếu một mảng bị ép dưới một mảng khác, sức căng tích tụ tại ranh giới giữa 2 mảng. Khi sức căng quá nhiều đến mức các mảng đột ngột rung chuyển và giải phóng năng lượng dưới dạng sóng địa chấn sẽ tạo thành siêu động đất tương tự được dự báo tại rãnh Nankai.
Lịch sử cho thấy các trận động đất có cường độ (M) cấp 8 đã xảy ra dọc rãnh Nankai cứ 100 đến 150 năm một lần. Trận động đất gần đây nhất có cường độ (M) 8 xảy ra vào năm 1946, gây ra thiệt hại lớn khắp miền tây Nhật Bản.
Ủy ban Nghiên cứu Động đất của chính phủ Nhật Bản cho biết có 70 đến 80% khả năng một trận động đất (M) 8 đến 9 độ sẽ xảy ra ở khu vực này trong vòng 30 năm tới. Ủy ban này cảnh báo các khu vực như Shikoku, Kansai, và Tokai sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại trên diện rộng, lớn hơn nhiều so với thảm họa năm 2011.
Thông tin được cập nhật đến ngày 6/3. Thông tin cũng có trên trang web và các trang mạng xã hội của NHK World JAPAN.