Bosai Q&A (91) Bổ sung cảnh báo chuyển động nền dài vào hệ thống cảnh báo sớm động đất ④ Những điều nên làm khi ở trong tòa nhà cao tầng

Từ ngày 1/2, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã bổ sung các dịch chuyển mặt đất trong thời gian dài (hay còn gọi là chuyển động nền dài) vào hệ thống cảnh báo sớm động đất. Phần hôm nay sẽ nói về những điều nên làm nếu cảnh báo được ban hành khi chúng ta đang ở trong tòa nhà cao tầng, cũng như những gì nên chuẩn bị trước.

Giáo sư Hisada Yoshiaki của Đại học Kogakuin là chuyên gia về chuyển động nền dài và các biện pháp chống thảm họa cho tòa nhà cao tầng. Giáo sư cho biết về nguyên tắc, khi xảy ra động đất, chúng ta nên trú ẩn ở một nơi an toàn gần nhất. Điều này là do chúng ta có thể bị ngã và bị thương nếu vội vàng xuống cầu thang, và có thể bị đồ vật rơi vào người nếu chạy ra ngoài.

Ông Hisada cho biết khi ở trong một tòa nhà, chúng ta nên tránh xa những đồ vật có thể rơi, đổ hoặc trượt để giữ an toàn cho bản thân. Ví dụ, một máy photocopy nặng có bánh xe có thể dễ dàng bị xê dịch. Nếu những đồ vật như vậy không được cố định thì phải tránh xa. Nếu xung quanh có bàn thì chúng ta có thể nấp dưới gầm bàn. Nếu không, hãy che đầu và nằm xuống sàn để không bị ngất do va đập.

Trong trường hợp có động đất, thang máy có thể không hoạt động. Nếu đang ở trong thang máy, hãy ra khỏi thang máy ở tầng gần nhất.

Theo giáo sư Hisada, có những điều chúng ta có thể chuẩn bị nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Ví dụ, chúng ta có thể cố định đồ nội thất và kệ vào sàn hoặc tường nhằm tránh trượt đổ khi xảy ra động đất. Ông nói thêm điều quan trọng là tham gia diễn tập động đất và tạo mối quan hệ hợp tác với hàng xóm cũng như đồng nghiệp để chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp cần thiết.

Thông tin được cập nhật đến ngày 21/2. Thông tin cũng có trên trang web và các trang mạng xã hội của NHK World JAPAN.