Giải đáp an toàn cuộc sống

Đồ dùng dễ gặp sự cố trong mùa mưa và mùa hè

(1) Giặt quần áo không thấm nước

Sử dụng sai các thiết bị điện có thể dẫn đến sự cố bất ngờ và một số tai nạn xảy ra thường xuyên hơn trong một mùa cụ thể so với các thời điểm khác trong năm. Loạt bài này nói về các đồ dùng hay gặp sự cố trong mùa mưa và mùa hè.

Viện Công nghệ và Đánh giá Quốc gia (NITE) cảnh báo về việc giặt và vắt áo mưa hoặc quần áo không thấm nước khác trong máy giặt. Cơ quan này cho biết rung động bất thường có thể dẫn đến tai nạn. Khi một loại vải không thấm nước được đưa vào máy giặt, nước sẽ bị mắc kẹt giữa các lớp vật liệu. Nếu các loại quần áo này được vắt khô trong điều kiện như vậy thì lồng giặt sẽ bị mất cân bằng. Trong hầu hết các trường hợp, chức năng an toàn của máy giặt sẽ phát hiện ra sự cố và ngừng quay, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần lưu ý rằng tai nạn có thể xảy ra nếu lồng giặt bị mất cân bằng trong khi đang quay tốc độ cao. Nếu lồng giặt vẫn tiếp tục quay trong tình trạng không cân bằng, quần áo có thể bị bay ra khỏi lồng giặt hoặc bản thân máy giặt hoặc tường và sàn xung quanh máy có thể bị hỏng. Trong một số trường hợp, máy giặt bị đổ. Để ngăn chặn những sự cố như vậy, NITE cảnh báo không giặt quần áo không thấm nước trong máy giặt. Quần áo không thấm nước, ngoài áo mưa ra, còn có quần áo lặn, quần áo trượt tuyết và tấm trải bằng nhựa. NITE khuyến cáo nên kiểm tra xem đồ chúng ta định giặt có phải là vật liệu thấm nước hay không bằng cách để miếng vải lên miệng và thổi vào đó. Nếu không khí không đi qua thì đó là loại vật liệu không thấm nước.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/5/2024)

(2) Cháy do chập điện

Hiện tượng chập điện là hiện tượng bụi bám vào khe hở giữa ổ cắm và phích cắm và sẽ hút hơi ẩm trong không khí, gây rò rỉ điện và bắt lửa. Cần phải cẩn thận vào mùa độ ẩm có xu hướng tăng cao do mưa nhiều.

Theo khảo sát của Sở cứu hỏa Tokyo, trong khoảng thời gian 10 năm cho đến năm 2022, có 170 trường hợp hỏa hoạn do hiện tượng chập điện ghi nhận tại các khu dân cư ở Tokyo.

Để ngăn chặn các vụ cháy như thế này, Viện Công nghệ và Đánh giá Quốc gia (NITE) khuyến nghị thực hiện các biện pháp như thường xuyên vệ sinh các khu vực xung quanh phích cắm và ổ cắm điện, tháo phích nguồn nếu không sử dụng thiết bị trong nhiều giờ và để ý xem có nước đọng ở trên hoặc xung quanh ổ cắm và phích cắm hay không. Nếu có tia lửa hoặc khói bốc lên gần ổ cắm, hãy lập tức tháo phích cắm nguồn hoặc dập cầu dao.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/5/2024)

(3) Tai nạn do thiết bị điện tử bị ướt

Viện Công nghệ và Đánh giá Quốc gia (NITE) đã báo cáo nhiều tai nạn liên quan đến các thiết bị điện tử bị cháy sau khi bị ướt. Vào tháng 7/2015, một người ở tỉnh Osaka đang sạc một máy ảnh kỹ thuật số không thấm nước đã được sử dụng tại biển. Nhận thấy máy ảnh trở nên nóng bất thường, người này đã rút phích cắm và khi đó lửa đã bùng lên tại điểm nối dây sạc. NITE cho rằng nước còn lại bên trong đầu nối gây ra đoản mạch khi cắm điện để sạc khiến máy ảnh nóng bất thường. Viện đang kêu gọi người dùng thực hiện các bước thích hợp để bảo trì và làm khô các thiết bị chống thấm trước khi sạc, đặc biệt chú ý đến các điểm kết nối của dây sạc. Còn đối với các thiết bị không chống thấm mà bị ướt, người dùng nên làm theo hướng dẫn sử dụng hoặc xin tư vấn với nhà sản xuất xem liệu tiếp tục sử dụng có an toàn hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/5/2024)

(4) Tai nạn do nhiệt độ cao

Viện Công nghệ và Đánh giá Quốc gia (NITE) cho biết vào tháng 10 năm 2022, ở tỉnh Hyogo, một vụ hỏa hoạn bùng phát từ pin sạc dự phòng để trong một chiếc xe ô tô đang đỗ ngoài trời, làm cháy ghế xe và các bộ phận khác. Viện cho biết vụ việc xảy ra vào thời điểm nhiệt độ bên ngoài lên tới gần 30 độ, sau khi xe đỗ được khoảng 2 tiếng. Nguyên nhân của vụ cháy được cho là do pin tiếp xúc với nhiệt độ cao trong xe.

Hầu hết pin sạc dự phòng là pin lithium-ion nhẹ và hiệu suất cao sử dụng rộng rãi trong điện thoại thông minh và máy tính. Tuy nhiên, pin có thể phát nổ hoặc bốc cháy do nhiệt hoặc va chạm mạnh. Vì thế, để những sản phẩm này trong ô tô ở nhiệt độ cao là cực kỳ nguy hiểm.

Ngoài ra, cần chú ý cẩn thận với bình sử dụng khí nén, như bình xịt chống côn trùng và bình làm mát, vì loại bình này có thể phát nổ trong môi trường nhiệt độ cao.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/5/2024)

(5) Sự cố do quạt điện cầm tay

Những năm gần đây, số lượng người sử dụng quạt điện cầm tay ngày càng tăng do nắng nóng gay gắt vào mùa hè. Hầu hết các loại quạt này đều sử dụng pin liti-ion (Li-Ion).

Viện Công nghệ và Đánh giá Quốc gia (NITE) cảnh báo nếu quạt bị rơi, pin có thể bốc khói hoặc bốc cháy do tác động khi chạm đất.

NITE kêu gọi người dùng sử dụng quạt một cách cẩn thận. Viện khuyến cáo nếu pin đã từng chịu tác động mạnh, chúng ta nên ngừng sử dụng sản phẩm và tham khảo ý kiến nhà sản xuất hoặc đại lý bán hàng.

Chúng ta cũng nên mua những sản phẩm đáng tin cậy vì một số quạt cầm tay được bán trên mạng không rõ thông tin về nhà sản xuất và cũng có trường hợp cửa hàng không phản hồi khi xảy ra sự cố.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 31/5/2024)