Giải đáp an toàn cuộc sống

Cảnh giác công việc bán thời gian mờ ám

(1) Bán sổ ngân hàng và thẻ ATM

Đã có nhiều trường hợp cư dân nước ngoài ở Nhật Bản dính líu đến tội phạm sau khi đăng ký với các “công việc dễ dàng, lương cao” được đăng trên mạng xã hội. Những người bị nghi ngờ dính líu tới các loại công việc bán thời gian mờ ám có thể bị bắt hoặc trục xuất về nước. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ chia sẻ các ví dụ về những công việc mờ ám mà các bạn không bao giờ nên làm.

Một trong những công việc mờ ám dụ dỗ người nước ngoài là bán sổ ngân hàng và thẻ ATM. Các tài khoản ngân hàng này sau đó thường được sử dụng vào các tội phạm như lừa đảo, vì vậy việc mua bán tài khoản là một hành vi bất hợp pháp.

Cảnh sát Tokyo cho biết vào khoảng tháng 5 năm 2022, thông qua mạng xã hội, 2 nam giới Việt Nam ở độ tuổi 30 sống ở Tokyo và Mie đã dụ một nam giới người Việt khác sống ở Osaka bán cho họ thẻ ATM. Cả ba người đều bị bắt vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật Chống chuyển tiền có được do phạm pháp.

Nichietsu Tomoiki Shienkai, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người Việt sống tại Nhật Bản cho biết nhiều mạng xã hội, nơi nhiều người Việt Nam đã đăng ký sử dụng, luôn có những bài viết kêu gọi bán tài khoản ngân hàng, nêu rõ tên những ngân hàng phổ biến. Tổ chức này cũng nói rằng họ thường nghe về việc người Việt Nam bán sổ ngân hàng và thẻ ATM để lấy tiền mặt trước khi trở về nước.

Cảnh sát Tokyo đang cảnh báo người nước ngoài ở Nhật Bản không làm những việc bán thời gian bất hợp pháp, nói rằng họ có thể bị bắt hoặc trục xuất về nước nếu nhận làm những việc đó mà không suy nghĩ thận trọng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/5/2024)

(2) Hợp đồng điện thoại thông minh bất hợp pháp

Vào tháng 1 năm 2024, một phụ nữ Philippines ở độ tuổi 40 bị bắt vì bị tình nghi lừa đảo. Cô đã ký hợp đồng mua điện thoại thông minh mới tại một cửa hàng thiết bị điện và một cửa hàng điện thoại di động ở Tokyo với mục đích thực sự là để chuyển cho người khác. Cảnh sát cho biết cô đã mua điện thoại thông minh theo một quảng cáo cô thấy trên mạng xã hội nói rằng sẽ được thù lao khoảng 100.000 yên cho mỗi lần mua. Sau khi mua, cô giao điện thoại cho một thành viên trong nhóm điều hành đường dây mua bán này. Sau đó, cảnh sát phát hiện thẻ SIM của điện thoại đã được sử dụng để lừa đảo thanh toán điện tử.

Theo cảnh sát, có nhiều bài đăng trên mạng xã hội dụ dỗ người nước ngoài ký hợp đồng điện thoại thông minh và giao điện thoại hoặc thẻ SIM cho người khác để nhận tiền thù lao. Có nhiều trường hợp thành viên của nhóm tội phạm đi cùng người mua và nhận máy ngay khi hợp đồng được ký kết.

Cũng theo cảnh sát, việc ký hợp đồng điện thoại thông minh bất hợp pháp là hành vi phạm tội. Hơn nữa, người mua sẽ có trách nhiệm tiếp tục thanh toán điện thoại và phí sử dụng, ngay cả sau khi thiết bị được bán lại.

Cảnh sát khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác và không bao giờ nhận lời làm những công việc có vẻ như “việc nhẹ lương cao”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/5/2024)

(3) Nhận và chuyển tiếp gói hàng

Sở cảnh sát Tokyo cảnh báo về các bài đăng trên mạng xã hội hứa hẹn trả nhiều tiền cho công việc bán thời gian đơn giản là nhận gói hàng. Cảnh sát cho biết các bài đăng về công việc như vậy gần đây đã gia tăng trên các mạng xã hội được nhiều người nước ngoài sống ở Nhật Bản sử dụng.

Các bài viết như thế nói rằng công việc chỉ đơn giản là nhận một gói hàng chuyển đến bạn và chuyển tiếp gói hàng đó đến một địa chỉ được chỉ định hoặc nhận một gói hàng tại một ngôi nhà trống được chỉ định. Ngày càng có nhiều người đăng ký làm việc này mà không ngờ rằng đó là một việc làm phạm pháp.

Cảnh sát cho biết các gói hàng như vậy chứa các mặt hàng mua bán trên mạng bất hợp pháp thông qua sử dụng tài khoản và mật khẩu đánh cắp, tiền mặt lừa đảo được và chất kích thích bất hợp pháp. Họ cảnh báo rằng việc nhận hoặc chuyển tiếp một gói hàng như vậy có thể cấu thành tội phạm. Cụ thể, việc nhận một gói hàng có thể dẫn đến bị truy tố tội trộm cắp và các tội khác. Vào một ngôi nhà trống để nhận gói hàng có thể dẫn đến việc bị truy tố thêm tội xâm nhập trái phép.

Cảnh sát kêu gọi mọi người không làm những công việc này, nói rằng có thể bị bắt vì tội đồng lõa với một tội phạm nghiêm trọng vì điều mà bạn tưởng rằng chỉ là công việc bán thời gian dễ dàng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/5/2024)

(4) Mua hàng hộ

Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo cho biết có trường hợp cư dân nước ngoài bị người quen dụ dỗ là chỉ cần mua hàng hộ thì sẽ nhận được thù lao cao, sau mới nhận ra mình trở thành đồng phạm. Vào tháng 6 năm 2022, một nam giới người Trung Quốc ở độ tuổi 20 đã bị bắt vì sử dụng trái phép chương trình điểm thưởng của một công ty đường sắt để mua serum dưỡng da và các sản phẩm khác trị giá khoảng 130.000 yên (khoảng 830 đôla) của một cửa hàng mỹ phẩm ở Tokyo. Theo cảnh sát, anh này bị một người đàn ông Trung Quốc trong nhóm tội phạm tiếp cận ở một quán karaoke và đề xuất anh làm một công việc bán thời gian đơn giản là mua hàng hộ. Nhóm cung cấp cho anh tên tài khoản và mật khẩu của người khác và anh đã dùng để đăng nhập vào trang web và mua hàng bằng điểm, sau đó giao hàng cho nhóm và nhận thù lao 40.000 yên (khoảng 260 đôla).

Cảnh sát lưu ý rằng nhiều người Trung Quốc tham gia vào những công việc bán thời gian bất hợp pháp thường được mời chào trên mạng xã hội hoặc truyền miệng. Cảnh sát khuyến cáo người dân cảnh giác và tránh nhận lời làm công việc đáng ngờ chỉ vì do đồng hương quen biết giới thiệu hay vì bạn bè đang làm việc đó.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/5/2024)

(5) Bán hàng trên mạng

Cảnh sát cho biết ngày càng có nhiều trường hợp cố gắng mời gọi người nước ngoài tham gia những công việc mờ ám thông qua mạng xã hội bằng cách sử dụng các cụm từ như “chỉ cần bán hàng trên mạng là có thu nhập cao” hoặc “kiếm tiền bằng cách cho thuê tài khoản trên sàn giao dịch đồ cũ”. Những công việc mờ ám như vậy thường liên quan đến việc bán hàng hiệu giả hoặc các sản phẩm có nguồn gốc bất hợp pháp, và tham gia làm việc này là hành vi phạm tội.

Vào tháng 8 năm 2023, cảnh sát tỉnh Osaka đã bắt giữ một người đàn ông Trung Quốc bị nghi ngờ vi phạm Đạo luật Dược phẩm và Thiết bị Y tế. Nghi phạm trong độ tuổi 30 đã tàng trữ 148 sản phẩm mỹ phẩm giả từ các thương hiệu nổi tiếng với mục đích bán lại. Cảnh sát cho biết người đàn ông này là thành viên của một băng nhóm chuyên bán mỹ phẩm giả. Nhóm này bị phát hiện là đang tuyển người đăng hoặc phân phối các sản phẩm giả thông qua một trang mạng xã hội Trung Quốc. Cảnh sát cũng đã bắt giữ hai người đàn ông Trung Quốc khác bị nghi ngờ bán hàng giả.

Chúng ta phải hết sức cảnh giác để không trở thành đồng lõa với các hành vi tội phạm, đặc biệt là trước những cụm từ lừa đảo như “dễ kiếm tiền” hoặc “việc này không bất hợp pháp”. Nếu vướng vào rắc rối hoặc có bất kỳ lo ngại nào, hãy liên hệ ngay với cảnh sát.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/5/2024)