Giải đáp an toàn cuộc sống

Bệnh truyền nhiễm qua bọ ve

(1) Đặc tính sinh học của bọ ve

Bọ ve là loài côn trùng sinh sống tại các khu vực có nhiều cây cối cũng như đồng cỏ. Các loại bệnh lây truyền qua bọ ve đang gia tăng trong những năm gần đây. Triệu chứng khi nhiễm bệnh có thể bao gồm sốt hoặc tiêu chảy, thậm chí gây tử vong nếu trở nặng. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu những điều cần lưu ý và các biện pháp phòng ngừa.

Bọ ve bắt đầu hoạt động từ mùa xuân đến mùa thu, cũng là thời gian nhiều người đi hái rau rừng cũng như đi leo núi. Do vậy, nguy cơ bị bọ ve cắn cũng tăng lên. Chuyên gia sinh học về bọ ve cho biết loài côn trùng này thường trốn ở mặt dưới lá cây, chờ động vật đi ngang qua.

Trước đây thường chỉ có thông tin về việc bọ ve cắn động vật hoang dã trên núi như lợn rừng và hươu, nhưng những năm gần đây ngày càng có nhiều trường hợp bọ ve hút máu thú cưng như chó mèo, thậm chí cả con người. Chuyên gia sinh học trên cảnh báo môi trường sống của bọ ve đang ngày càng mở rộng do động vật hoang dã xuất hiện ở khu dân cư thường xuyên hơn trước đây.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/4/2024)

(2) Cần làm gì khi bị bọ ve cắn

Bọ sẽ bám lên cơ thể người hoặc động vật khác và sẽ hút máu trong nhiều giờ liền. Vật chủ thường không nhận ra là mình bị cắn.

Khi để ý đã bị bọ cắn, bạn hãy ngay lập tức đi khám bác sỹ da liễu hoặc đến bệnh viện để bác sỹ lấy con bọ ve ra đúng cách, khử trùng vết cắn hoặc được điều trị nếu cần thiết. Không nên tự giật bọ ve ra khỏi cơ thể do có thể một bộ phận của bọ ve còn sót lại dưới da, gây nhiễm trùng.

Sau khi được điều trị, bạn cũng nên tiếp tục theo dõi các thay đổi thể trạng trong vài tuần sau đó. Hãy đến bệnh viện kiểm tra nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào, kể cả sốt.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/4/2024)

(3) Hội chứng sốt cao giảm tiểu cầu (SFTS)

Có nhiều bệnh truyền nhiễm do bọ ve gây ra, nhưng trong số đó, Hội chứng sốt cao giảm tiểu cầu (SFTS), đang gây ra mối quan tâm lớn. Bệnh nhân có những triệu chứng như sốt, ho, nôn mửa và tiêu chảy. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây chảy máu không cầm được, dẫn đến tử vong. Hiện không có phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh này và tỷ lệ tử vong được cho là dao động từ 10 đến 30 phần trăm. Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cho biết vào năm 2023, đã có 133 ca nhiễm bệnh đã được báo cáo, cao nhất trong vòng 11 năm kể từ khi Viện thu thập số liệu về vấn đề này. Hội chứng này thường truyền qua vết cắn của bọ ve, nhưng có những trường hợp bị lây nhiễm từ thú cưng bị nhiễm bệnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/4/2024)

(4) Biện pháp phòng ngừa: Quần áo

Khi đi vào nơi có bọ ve sinh sống, như bãi cỏ hay bụi rậm, nên mặc áo dài tay và quần dài để tránh lộ cánh tay, chân và cổ, đồng thời cũng nên đội mũ và quấn khăn quanh cổ. Nên cho cổ tay áo sơ mi vào trong găng tay, cho áo vào trong quần và cho gấu quần vào trong ủng hoặc trong tất để hạn chế mọi kẽ hở. Không nên mặc quần ngắn và không nên đi dép.

Khi về nhà, trước khi vào nhà hãy cởi bỏ lớp quần áo bên ngoài và kiểm tra xem có bọ ve hay không. Có thể dùng băng dính để gỡ những gì bám trên quần áo. Khi tắm, hãy kiểm tra nách và những chỗ khác trên người xem có vết bọ ve cắn không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/4/2024)

(5) Biện pháp phòng ngừa: Thuốc chống côn trùng

Thuốc xịt chống côn trùng có tác dụng xua đuổi bọ ve với các thành phần phổ biến là “DEET” và “Icaridin”. Thuốc xịt có chứa các thành phần này có bán tại những nơi như hiệu thuốc. Hãy chọn sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng. Khi sử dụng DEET, nhớ kiểm tra giới hạn độ tuổi và giới hạn sử dụng mỗi ngày. Ngoài việc xịt thuốc trực tiếp lên da, xịt lên quần áo hoặc giày cũng có tác dụng. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc chống côn trùng thì vẫn khó ngăn bị bọ ve cắn, nên cần thực hiện cả các biện pháp khác, như mặc quần áo phù hợp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/4/2024)