Giải đáp an toàn cuộc sống

Phòng ngừa bệnh sởi

(1) Tình hình lây nhiễm

Từ đầu năm nay, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc bệnh sởi đang gia tăng. Sởi là một bệnh do vi-rút gây ra và có khả năng lây nhiễm cao, có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Theo Viện Quốc gia về các Bệnh Truyền nhiễm, tính đến ngày 24 tháng 3 năm nay, Nhật Bản ghi nhận 20 ca mắc bệnh sởi, bao gồm những người trở về từ nước ngoài, khách du lịch đến Nhật và các trường hợp bị lây từ các đối tượng nói trên.

Trước đây, bệnh sởi từng là căn bệnh phổ biến ở Nhật Bản và có rất nhiều người bị lây nhiễm. Tuy nhiên, số ca mắc sởi đã giảm mạnh sau khi chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi. Kể từ năm 2020, số ca mắc sởi mỗi năm dao động trong khoảng từ vài ca đến vài chục ca. Viện Quốc gia về các Bệnh Truyền nhiễm cho rằng số ca mắc bệnh sởi tại Nhật trong năm nay tăng lên là do tình hình nhiễm bệnh gia tăng trên khắp thế giới, cũng như lượng khách quốc tế đông hơn sau khi các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 được dỡ bỏ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/4/2024) 

(2) Bệnh sởi là gì?

Trước hết, sởi là bệnh lây nhiễm do vi-rút. Các triệu chứng của bệnh gồm có sốt, ho, phát ban và đỏ mắt. Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, sốt ban đầu ở người bệnh có thể thuyên giảm sau khoảng 2 ngày nhưng sau đó có thể sốt cao đến gần 40 độ và kéo dài trong khoảng 1 tuần.

Người mắc sởi mà ho hoặc hắt hơi thì sẽ làm lây lan vi-rút. Sởi rất dễ lây lan và đã có báo cáo về những trường hợp bị lây do sức đề kháng yếu, dù chỉ đi cùng khoang máy bay hoặc cùng tàu shinkansen có người bị sởi.

Để ngăn ngừa bệnh lây lan, bộ y tế kêu gọi người dân nếu nghi ngờ bị mắc vi-rút sởi thì hãy tránh sử dụng giao thông công cộng. Bộ cũng kêu gọi việc tham khảo ý kiến của các cơ sở y tế và làm theo hướng dẫn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/4/2024)

(3) Nguy cơ biến chứng phức tạp

Các trường hợp bị bệnh sởi nặng có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi và viêm não, trong đó viêm não có thể gây tử vong. Tỷ lệ mắc biến chứng viêm não là 1 trên 1.000 ca. Thậm chí sau khi đã khỏi sởi một vài năm bệnh nhân mới bị viêm não do vẫn còn vi-rút trong cơ thể. Biến chứng này được gọi là viêm não xơ hóa bán cấp tiến triển, hay SSPE, hiện vẫn chưa có thuốc chữa. Tỷ lệ mắc biến chứng này là 1 trên 100.000 ca. Các bệnh nhân mắc biến chứng này thường bất ngờ không thể thực hiện các hoạt động thường ngày, hoặc có biểu hiện lạ hoặc thậm chí tử vong. Theo Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm nhiều trường hợp mắc viêm não SSPE là các bệnh nhi mắc sởi dưới 2 tuổi, và bắt đầu phát bệnh khi học tiểu học.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/4/2024)

(4) Làm thế nào để tránh bị nhiễm bệnh

Không có loại thuốc đặc biệt nào để chữa bệnh sởi. Các bác sĩ chỉ có thể giảm triệu chứng cho bệnh nhân, ví dụ như kê đơn thuốc hạ sốt khi bệnh nhân bị sốt. Đây là lý do tại sao các chuyên gia y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa sự lây lan của bệnh này thông qua tiêm chủng.

Tại Nhật Bản, tất cả trẻ em ở độ tuổi mầm non, kể cả những trẻ có quốc tịch nước ngoài, đều có thể tiêm miễn phí vắc-xin MR, tức là loại vắc-xin kết hợp phòng bệnh sởi và rubella. Trẻ em được tiêm mũi đầu tiên khi 1 tuổi, và tiêm nhắc lại lần thứ hai trước khi bắt đầu lên tiểu học.

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 5% số người không có đủ khả năng miễn dịch sau mũi tiêm thứ nhất. Trước đây, Nhật Bản đã chứng kiến bệnh sởi lây lan giữa những người ở độ tuổi thanh thiếu niên đến 20 tuổi, chỉ tiêm một mũi. Các chuyên gia khuyên phụ huynh nên đảm bảo con cái của họ được tiêm phòng 2 mũi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/4/2024)

(5) Những người cần chú ý đề phòng

Đầu tiên, những người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi nên cẩn thận. Ở Nhật Bản, đa phần người ở độ tuổi 50 trở lên không được tiêm phòng khi còn nhỏ, do thời đó Nhật Bản thiếu hệ thống tiêm chủng định kỳ.

Sau thế hệ này, trong gần 30 năm, Nhật Bản chỉ tiến hành tiêm 1 mũi, có nghĩa là những người dưới độ tuổi 50 có thể không đủ khả năng miễn dịch. Nếu không chắc chắn liệu mình có đủ khả năng miễn dịch với bệnh sởi hay không, nên xét nghiệm kháng thể tại các cơ sở y tế và xác nhận xem có cần tiêm chủng hay không.

Tiếp theo, phụ nữ mang thai là đối tượng phải đặc biệt cẩn thận, vì nếu nhiễm sởi thì có nguy cơ cao bị biến chứng, có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non. Đối với những phụ nữ dự định mang thai, quan trọng là phải kiểm tra trước xem mình có nguy cơ nhiễm bệnh không thông qua các biện pháp như xét nghiệm kháng thể và tiêm phòng nếu cần.

Những ai đi tới các nước và khu vực có nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, nên thực hiện các biện pháp đề phòng tương tự như trường hợp phụ nữ mang thai, khi về nước cần theo dõi cẩn thận tình trạng sức khỏe của mình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/4/2024)

(6) Ngăn ngừa tình trạng thiếu vắc-xin

Trong bối cảnh các ca nhiễm bệnh sởi tiếp tục được xác nhận trên toàn quốc, các tổ chức y tế đang nhận được nhiều yêu cầu muốn được tiêm phòng. Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu ngày càng tăng, nguồn cung vắc-xin vẫn ở mức tương đương với năm ngoái. Vào tháng 3, Bộ Y tế đã kêu gọi các nhà bán buôn, các tổ chức y tế và các bên liên quan khác thông qua chính quyền địa phương giúp ổn định nguồn cung vắc-xin. Bộ đang yêu cầu các nhà phân phối bán buôn ưu tiên cho các cơ sở y tế thường xuyên tiêm chủng cho trẻ em và cung cấp đủ vắc-xin.

Đối với người lớn, các chuyên gia y tế đang kêu gọi mọi người kiểm tra khả năng miễn dịch của họ đối với bệnh sởi bằng xét nghiệm kháng thể hoặc các hình thức khác để xác định xem họ có cần tiêm phòng hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/4/2024)