Giải đáp an toàn cuộc sống

Bảo vệ bản thân khỏi tội phạm

(1) Lừa đảo giả mạo cảnh sát hoặc nhân viên ĐSQ

Số lượng người nước ngoài sống ở Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái, vượt qua 3,22 triệu người. Trong khi số vụ liên quan đến nghi phạm nước ngoài gần đây đã giảm, nhiều người nước ngoài đang trở thành nạn nhân của tội phạm.

Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin để giúp người nước ngoài có thể tự bảo vệ mình khỏi các vụ lừa đảo để có thể sống an toàn ở Nhật Bản.

Vào tháng 7 năm ngoái, một sinh viên Trung Quốc ở độ tuổi 20 đã nhận được một cuộc điện thoại từ một cá nhân tự xưng là nhân viên của một công ty điện thoại di động. Nói bằng tiếng Trung, người gọi giải thích số điện thoại của cô đang bị sử dụng để lừa đảo, và yêu cầu cô liên hệ với cảnh sát Trung Quốc. Cô học sinh này làm theo hướng dẫn và được kết nối với một người đàn ông tự xưng là cảnh sát. Người này nói rằng đã xác minh được cô là nghi phạm của một vụ lừa đảo và yêu cầu cô chuyển tiền bảo lãnh là 24 triệu yên, tương đương 160.000 đôla Mỹ vào một tài khoản ngân hàng được chỉ định. Sau đó, cô mới biết mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo.

Cảnh sát cho biết số vụ lừa đảo đặc biệt nhắm vào người Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan đang gia tăng. Một số vụ, trong đó kẻ lừa đảo giả vờ là cảnh sát hoặc nhân viên đại sứ quán của nước đó, yêu cầu họ trả tiền đặt cọc do tài khoản ngân hàng hoặc hộ chiếu của họ bị một nhóm tội phạm sử dụng bất hợp pháp, hoặc vì các vấn đề phát sinh trong khi xin gia hạn cư trú.

Để bảo vệ bản thân khỏi những tội phạm như vậy, bạn nên ngắt điện thoại và nói chuyện với gia đình, bạn bè hoặc cảnh sát. Bạn cũng nên hạn chế trả lời cuộc gọi từ các số điện thoại lạ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 1/4/2024)

(2) Lừa đảo đầu tư

Cảnh sát cho biết ngày càng có nhiều phản ánh của người nước ngoài nói rằng bị dụ dỗ đầu tư vào các dự án không có thật. Một phụ nữ cho biết vào tháng 6 năm 2023, cô đã chuyển hàng chục nghìn yên vào tài khoản ngân hàng theo chỉ dẫn của một người đàn ông quen trên mạng xã hội và nói là có cùng quốc tịch với cô. Người này đã giới thiệu cho cô một trang web đầu tư và nói rằng cô có thể kiếm được lợi nhuận. Sau khi cô chuyển tiền, có vài nghìn yên đã được chuyển vào tài khoản của cô. Thế là cô tin những gì người này nói và tiếp tục chuyển thêm tiền nhiều lần nữa. Tuy nhiên, khi cô yêu cầu hoàn lại một số tiền, thì anh ta nói rằng phải đầu tư thêm mới được hoàn tiền, nên sau đó cô đã chuyển cả vài triệu yên, nhưng anh ta liền cắt đứt liên lạc. Cuối cùng, cô nhận ra mình đã bị lừa.

Cảnh sát Tokyo cho biết trong năm 2023 đã nhận được hơn 100 phản ánh của người nước ngoài về các vụ có khả năng là lừa đảo đầu tư. Trong đó, nạn nhân nhiều nhất là người Trung Quốc, tiếp đến là người Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác.

Để bảo vệ bản thân khỏi những trò lừa đảo như vậy, hãy luôn cảnh giác, đừng dễ dàng tin người khác trên mạng xã hội vì ta không thể xác minh danh tính của họ. Nếu được mời đầu tư, trước hết hãy hỏi ý kiến của gia đình, bạn bè hoặc tham vấn cảnh sát.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/4/2024)

(3) Lừa mua vé máy bay

Cảnh sát cho biết ngày càng có nhiều người nước ngoài báo rằng họ bị lừa tiền khi mua vé máy bay. Ví dụ, năm 2023, một nam giới cho biết đã tìm thấy vé máy bay được bán trên mạng xã hội với giá 90.000 yên, trong khi giá vé thông thường là khoảng 200.000 yên. Anh chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định để mua vé điện tử. Vào ngày khởi hành, anh làm thủ tục tại quầy ở sân bay bằng vé này, nhưng được thông báo vé không hợp lệ. Khi đó anh nhận ra mình đã bị lừa.

Theo cảnh sát, trong hầu hết các trường hợp được báo cáo, nạn nhân phát hiện vé không hợp lệ hoặc bị hủy, sau đó không thể được hoàn tiền.

Trong số những người báo cáo là có thể đã bị lừa, đông nhất là người Trung Quốc, sau đó là người Việt Nam và Philippines. Lao động nữ có nhiều khả năng bị lừa hơn. Thiệt hại dao động từ hàng trăm nghìn yên đến hơn một triệu yên.

Để bảo vệ bản thân khỏi bị lừa, đầu tiên nên xác minh xem người bán vé có đáng tin cậy hay không, ví dụ như có phải đại lý du lịch được cấp phép hay không, rồi mới bắt đầu mua vé. Nếu không chắc chắn, hãy hỏi ý kiến gia đình, bạn bè hoặc cảnh sát.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/4/2024)

(4) Lừa đảo đổi ngoại tệ và chuyển tiền

Người nước ngoài sinh sống ở Nhật thường sử dụng các dịch vụ tài chính liên quan đến đổi tiền và chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều trường hợp người nước ngoài tố cáo bị lừa tiền khi sử dụng các dịch vụ như vậy.

Trong số các vụ việc mà cảnh sát thụ lý có trường hợp một phụ nữ bị người quen qua mạng xã hội dụ dỗ đổi tiền mà không mất phí. Người phụ nữ này đã chuyển số ngoại tệ trị giá khoảng 100.000 yên vào tài khoản chỉ định, nhưng sau đó không nhận được tiền đổi và mất liên lạc với đối tượng. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân được yêu cầu giao tiền mặt trực tiếp cho một cá nhân cụ thể tại một địa điểm được chỉ định trước.

Trong năm 2023, cơ quan cảnh sát ở Tokyo đã tiếp nhận hơn 50 trường hợp người nước ngoài nộp đơn tố cáo hành vi lừa đảo. Xếp theo quốc tịch, số nạn nhân nhiều nhất là người Trung Quốc, tiếp theo là người Việt Nam và Philippines. Số tiền bị lừa dao động từ hàng trăm nghìn yên đến hơn 10 triệu yên.

Để bảo vệ bản thân khỏi các vụ lừa đảo như vậy, khi muốn đổi ngoại tệ hoặc chuyển tiền, trước hết cần xác minh xem đơn vị cung cấp dịch vụ có đáng tin cậy hay không. Không chuyển tiền nếu thấy không đảm bảo, đồng thời nên tham khảo ý kiến từ phía gia đình, bạn bè hoặc cảnh sát.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/4/2024)

(5) Lừa đảo hợp đồng thẻ tín dụng và điện thoại

Nếu muốn đăng ký thẻ tín dụng hay điện thoại di dộng ở Nhật Bản, người nước ngoài cần phải có trình độ tiếng Nhật nhất định. Cảnh sát Nhật đã tiếp nhận nhiều vụ việc trong đó cư dân người nước ngoài nói rằng họ bị lừa sau khi đăng ký dịch vụ làm hợp đồng thông qua môi giới.

Một số nạn nhân nói rằng họ đã nhập thông tin cá nhân vào một đơn đăng ký trực tuyến trên một trang web môi giới hợp đồng thẻ tín dụng. Sau đó họ nhận được nhiều yêu cầu trả tiền mà không rõ lý do. Những người này đã tìm hiểu và phát hiện ra rằng tên của họ đã được dùng để làm nhiều thẻ tín dụng, và họ hoàn toàn không biết việc các thẻ này đã được dùng để mua sắm.

Trong một trường hợp khác, các nạn nhân tìm thấy thông tin trên mạng xã hội về một dịch vụ quảng cáo rằng họ sẽ hỗ trợ người nước ngoài làm hợp đồng điện thoại di động. Các nạn nhân đã gửi cả thẻ cư trú và các giấy tờ cho bên môi giới. Tuy đã nhận được số điện thoại, nhưng sau đó các nạn nhân phát hiện ra bên môi giới đã lấy thông tin của họ để làm nhiều hợp đồng điện thoại mà không xin phép.

Để tránh việc trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, hãy cảnh giác, đừng gửi thẻ cư trú hay thông tin cá nhân cho người lạ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/4/2024)