Giải đáp an toàn cuộc sống

Thủ tục khi mang thai và sinh con

(1)  Đăng ký sinh tại bệnh viện

Đối với người nước ngoài ở Nhật Bản, để hiểu được thủ tục liên quan đến mang thai và sinh con là không dễ dàng. Loạt bài này của NHK sẽ cung cấp thông tin về thủ tục cần thiết cũng như các dịch vụ công cộng sẵn có. Hôm nay, chúng tôi nói về việc đăng ký sinh tại bệnh viện có khoa sản. Thông tin dựa trên trang web của Quỹ Quốc tế Kanagawa.

Thông thường, phụ nữ ở Nhật sinh con tại bệnh viện có khoa sản. Vì vậy, nên tìm trước nơi đăng ký sinh trong giai đoạn đầu thai kỳ, bởi các bệnh viện thường có xu hướng hết chỗ sớm. Nếu không biết chọn bệnh viện nào thì có thể đến trụ sở chính quyền địa phương để lấy thông tin. Những nơi này có cả dịch vụ tư vấn.

Một số bệnh viện hỗ trợ dịch vụ phiên dịch, ví dụ như Bệnh viện Tama Thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa cung cấp miễn phí dịch vụ phiên dịch y tế bằng 12 ngôn ngữ cho người mang thai. Phụ nữ nước ngoài mang thai có thể được giải thích về thủ tục và nếu muốn thì sẽ được khám với sự hỗ trợ của phiên dịch.

Bệnh viện Tama có đăng trên trang web tài liệu hướng dẫn chi tiết về thủ tục cần thiết khi mang thai và sinh con bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Việt.

Nhiều nơi khác cũng có bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ người nước ngoài mang thai và sinh con ở Nhật, vì vậy nên kiểm tra thông tin ở nơi mình sinh sống.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/11/2023)

(2) Sổ tay sức khỏe mẹ và bé

Tại Nhật, sau khi xác nhận mang thai, thai phụ cần phải thông báo với chính quyền địa phương. Người nước ngoài nếu đã thông báo thì cũng sẽ nhận được hỗ trợ tương tự như người Nhật. Một trong những hình thức hỗ trợ là sổ tay sức khỏe mẹ và bé, tiếng Nhật là “boshi-techo”. Trong suốt khoảng thời gian từ khi có thai đến lúc con lên 7 tuổi, người mẹ có thể sử dụng sổ tay này để ghi lại kết quả các lần thăm khám y tế, cũng như tham khảo các thông tin khác. Trong trường hợp thai phụ bất ngờ phải chuyển sang một bệnh viện khác thì các nhân viên y tế cũng có thể dựa vào thông tin trong sổ tay để nắm bắt sơ bộ về quá trình mang thai.

Sổ tay đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Bồ Đào Nha. Đã có trường hợp các phụ nữ người Ấn Độ sống tại thị trấn Urakawa, tỉnh Hokkaido được cấp sổ tay tiếng Hindi. Khi được cấp sổ tay, thai phụ nên hỏi xem liệu có bản dịch bằng tiếng mẹ đẻ hay không.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/11/2023)

(3) Sổ tay theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Sổ tay theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tiếng Nhật gọi là boshi-techo, ghi lại 3 nội dung chính.

Thứ nhất là quá trình mang thai với các kết quả khám sức khỏe định kỳ ở khoa sản. Ở Nhật Bản, phụ nữ mang thai thường đi khám định kỳ vài lần cho đến khi sinh.

Thứ hai là quá trình phát triển của trẻ. Phần này cũng bao gồm kết quả khám sức khỏe của trẻ sau khi chào đời.

Thứ ba là lịch sử tiêm chủng của trẻ. Tròn 2 tháng tuổi trở đi là trẻ bắt đầu được tiêm chủng. Tất cả các lần tiêm chủng sẽ được ghi lại trong sổ tay. Khi cho trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo và vào tiểu học, phụ huynh sẽ phải nộp thông tin về lịch sử tiêm chủng của trẻ. Vì thế, phụ huynh cần cất giữ cẩn thận sổ tay để tra cứu khi cần.

Ngoài ra, sổ tay theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được phát kèm với phiếu hỗ trợ khám thai. Khi đi khám, nộp phiếu hỗ trợ thì khi thanh toán cơ sở y tế sẽ tự động trừ một phần chi phí. Mỗi phiếu dùng cho 1 lần khám, nhưng sẽ được phát cả tập phiếu luôn ngay từ đầu.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/11/2023)

(4) Khám thai định kỳ

Từ khi mang thai tới lúc sinh nở, phụ nữ ở Nhật Bản sẽ được khám thai định kỳ tại các bệnh viện hoặc phòng khám. Nhân viên y tế sẽ kiểm tra xem trong khi mang thai, cơ thể của thai phụ có thay đổi nào không, liệu thai nhi có phát triển suôn sẻ hay không và liệu thai phụ hoặc thai nhi có mắc bệnh hoặc bất thường gì không.

Họ sẽ lưu những dữ liệu kiểm tra này trong cuốn Sổ tay Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, tiếng Nhật là “boshi-techo”, để khi cần thì tham khảo và đảm bảo việc sinh nở an toàn. Cuốn sổ này có những thông tin về thay đổi cân nặng của mẹ, huyết áp, kết quả xét nghiệm máu và hình ảnh siêu âm. Các bác sĩ hoặc nữ hộ sinh đôi khi đưa ra lời khuyên cho các thai phụ về dinh dưỡng hoặc cân nặng của họ và tư vấn cho họ.

Không đi khám thai trước khi sinh có thể gây ra rủi ro lớn, bởi các nhân viên y tế phụ trách việc sinh đẻ sẽ không thể biết được quá trình mang thai như thế nào. Một số bệnh viện sẽ không tiếp nhận những thai phụ không được khám thai.

Kể từ khi bắt đầu mang thai có tới lúc sinh, có khoảng 14 lần khám thai. Một phần chi phí của việc khám thai sẽ được chính phủ trợ cấp. Hãy nhớ mang theo những vé trợ cấp và boshi-techo do chính quyền địa phương cấp mỗi khi đi khám thai.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/11/2023)

(5) Trợ cấp một lần khi sinh con

Ở Nhật Bản, chi phí sinh nở trung bình sẽ vào khoảng 500.000 yên. Nếu sản phụ có tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh. Sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết, bảo hiểm sẽ thay sản phụ trực tiếp thanh toán các chi phí cho bệnh viện, do đó sản phụ không cần phải chuẩn bị trước một khoản tiền lớn, mà chỉ cần thanh toán phần không được bảo hiểm chi trả. Nếu tổng hóa đơn sau khi sinh thấp hơn 500.000 yên, sản phụ có thể nộp hồ sơ để nhận phần chênh lệch. Chi tiết về các thủ tục cần thiết được cung cấp tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, những người đã tự thanh toán mọi chi phí y tế khi sinh con sẽ vẫn được nhận khoản trợ cấp một lần này.

Ngoài ra, sau khi nộp giấy thông báo mang thai và thông báo sinh con cho chính quyền địa phương, sản phụ cũng sẽ nhận được trợ cấp 50.000 yên dưới hình thức phiếu hỗ trợ phụ nữ mang thai. Vui lòng liên hệ với chính quyền địa phương để biết thêm chi tiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/11/2023)

(6) Lớp học tiền sản

Các lớp học tiền sản do chính quyền và bệnh viện hỗ trợ, hướng dẫn các thai phụ về quá trình sinh và nuôi con. Đây cũng là nơi để các thai phụ giao lưu với nhau. Một số chính quyền và bệnh viện địa phương có lớp tiền sản cho cả thai phụ và bạn đời cùng tham gia.

Các lớp tiền sản hướng dẫn thai phụ cách quản lý sức khỏe và dinh dưỡng trong thai kỳ, cũng như cách thay bỉm và tắm cho trẻ sơ sinh. Các lớp học cũng cung cấp thông tin về các hội nhóm chuyên về chăm sóc trẻ em. Nếu cần phiên dịch hoặc hỗ trợ bằng tiếng nước ngoài, thai phụ có thể liên lạc với các bên hỗ trợ tổ chức lớp học.

Một số tổ chức phi lợi nhuận có các lớp học tiền sản dành riêng cho thai phụ mang quốc tịch nước ngoài. Tổ chức Mother’s Tree Japan có lớp học trực tuyến bằng 7 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Nepal, tiếng Myanmar, tiếng Thái, tiếng Anh và tiếng Trung. Các bạn có thể truy cập vào trang web của tổ chức để biết thêm chi tiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/11/2023)

(7) Nhập viện và sinh con

Ở Nhật Bản, sản phụ phải ở lại bệnh viện khoảng 5 ngày khi sinh em bé. Các bệnh viện thường thông báo cho những sản phụ sắp sinh danh sách các vật dụng cần đem theo trước khi đi sinh, do đó hãy đảm bảo chuẩn bị đầy đủ. Một số vật dụng cần thiết bao gồm sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em (boshi-techo), thẻ bảo hiểm y tế và thẻ đăng ký bệnh nhân của bệnh viện nơi sản phụ đến sinh con. Ngoài ra, các sản phụ cũng có thể tải trước ứng dụng dịch thuật. Việc chuẩn bị sẵn sàng sẽ giúp sản phụ yên tâm hơn khi chuyển dạ. Bên cạnh đó, cũng nên xem trước cách di chuyển đến bệnh viện. Cuối cùng, cần kiểm tra trước xem người thân và gia đình có được cùng vào phòng sinh hay không do không phải bệnh viện nào ở Nhật cũng cho phép điều này.

Khi em bé chào đời, bệnh viện sẽ tiến hành một loạt kiểm tra sức khỏe cho trẻ sơ sinh. Cần đăng ký trước nếu gia đình muốn khám sàng lọc thính giác cho trẻ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/11/2023)