Giải đáp an toàn cuộc sống

Đề phòng gấu tấn công

(1)  Ngày càng nhiều khu vực có gấu tấn công

Theo số liệu do NHK tổng hợp, đã có ít nhất 180 người bị thương hoặc thiệt mạng trong các vụ gấu tấn công xảy ra từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay. Đây là con số kỷ lục, cao hơn cả số liệu của cả năm được ghi nhận cách đây 3 năm là 158 nạn nhân.

Vào ngày 17/10, người ta phát hiện một cụ bà 79 tuổi thiệt mạng trong khuôn viên nhà ở thành phố Toyama. Cụ được cho là đã bị 1 con gấu tấn công do có các vết chân gấu ở gần đó.

Vào ngày 20/10, 1 cụ bà cùng với chồng, cả hai đều khoảng 70 tuổi, đi hái nấm ở vùng núi Hachimantai, tỉnh Iwate thì bị gấu tấn công và cụ bà đã thiệt mạng. Thậm chí gấu cũng đã xuất hiện ở ngoại ô Tokyo, như thành phố Machida.

Một chuyên gia cho biết nguyên nhân gấu xuất hiện gia tăng có thể do trên núi thiếu thức ăn. Giáo sư Koike Shinsuke thuộc khoa cao học Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo cho biết vào thời gian này gấu chủ yếu ăn quả sồi nhưng do năm nay không có nhiều nên chúng phải tìm kiếm thức ăn ở những nơi người dân sinh sống, điều hiếm khi xảy ra.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/11/2023)

(2)  Các biện pháp đề phòng

Để đề phòng thiệt hại do gấu, điều quan trọng là không để gấu đến gần khu có người ở. Việc gấu xuất hiện ở khu dân cư có khả năng là để tìm thức ăn.

Gấu đặc biệt thích các loại hoa quả và hạt như quả hồng và hạt dẻ. Vậy nên bước đầu tiên cần làm là hãy thu hoạch quả và hạt chín càng sớm càng tốt. Nếu không thể ăn hết thì hãy xử lý phần hoa quả hoặc hạt thừa làm sao để gấu không tìm thấy.

Không nên để thức ăn thừa hoặc đồ ăn cho thú cưng ở bên ngoài. Theo các chuyên gia, các loại đồ ăn có mùi nồng sẽ thu hút gấu, vì thế cần phải xử lý sao cho không để mùi thức ăn tỏa ra ngoài.

Bên cạnh đó, cần phải loại bỏ những nơi mà gấu có thể ẩn nấp như bụi cây.

Trong một số trường hợp, gấu có thể trở nên hoảng loạn khi đi lạc vào khu dân cư và có thể xâm nhập vào nhà. Vì lý do này, bạn nên khóa cửa hoặc nhà kho cẩn thận.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/11/2023)

(3)  Phải làm gì nếu gặp phải gấu

Giáo sư Sato Yoshikazu của Đại học Rakuno Gakuen đưa ra lời khuyên như sau.

Nếu bạn nhìn thấy một con gấu gần mình, trước tiên hãy dừng lại, sau đó vừa quan sát gấu vừa từ từ lùi lại để giữ khoảng cách với gấu.

Nếu bạn có bình xịt chống gấu bên mình, hãy chuẩn bị sẵn để có thể nhanh chóng sử dụng. Những loại thuốc xịt này có chứa thành phần kích thích trong ớt cay, vì vậy sẽ có hiệu quả ngay nếu ta xịt vào mắt, mũi và miệng của gấu. Giữ bình xịt cách xa bản thân để không bị dính chất xịt vào người.

Nếu một con gấu lao về phía bạn thì trong hầu hết các trường hợp, nó chỉ đe dọa chứ không có ý định thực sự tấn công con người. Trường hợp gấu đã lao vào người thì cơ hội sống sót sẽ tăng nếu ta không chống cự và giữ tư thế tự vệ. Hãy nằm úp mặt xuống đất để bảo vệ phần bụng của mình. Cổ là nơi dễ bị tổn thương nhất, vì vậy hãy đan hai bàn tay lại để che cổ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/11/2023)

(4)  Khi đang đi xe đạp

Giáo sư Sato Yoshikazu của Đại học Rakuno Gakuen đưa ra lời khuyên như sau.

Giống như khi đi bộ, nếu nhìn thấy một con gấu ở gần, trước tiên hãy dừng lại, sau đó từ từ lùi lại và quay đầu xe, đồng thời vẫn quan sát con gấu.

Nguyên tắc vàng là giữ bình tĩnh và giữ khoảng cách. Vội vàng bỏ chạy là rất nguy hiểm, vì gấu có thói quen đuổi theo những đối tượng bỏ chạy. Gấu được cho là có thể chạy với tốc độ tức thời lên tới khoảng 50 km/h.

Vì xe đạp là phương tiện có thể đi nhanh và không gây nhiều tiếng động nên cả người đi xe đạp và gấu có thể bất ngờ đến gần nhau mà không biết. Chúng ta nên lưu ý khả năng này khi đi xe đạp gần môi trường sống của gấu.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/11/2023)

(5)  Phải làm gì nếu gặp gấu khi đang đi xe hơi

Thường thì gấu không chủ động tấn công một chiếc xe có người ở bên trong. Giáo sư Sato Yoshikazu của Đại học Rakuno Gakuen, cũng đưa ra lời khuyên sau đây.

Đừng cho rằng đang ngồi trên xe là an toàn mà tiến gần con gấu. Hãy đóng cửa sổ lại. Đừng bước ra khỏi xe để chụp ảnh vì điều này rất nguy hiểm.

Đừng bấm còi xe để chọc gấu. Nếu thấy ở bên đường có gấu đang ăn và không di chuyển, hãy từ từ lái xe lướt qua. Nếu thấy gấu định băng qua đường, hãy đợi cho đến khi gấu đi qua và chỉ lái xe đi sau khi xác nhận rằng việc đó là an toàn. Thường thì gấu bắt đầu ngủ đông vào tháng 12, nhưng người ta cho rằng năm nay thời điểm ngủ đông có thể muộn hơn vì thời tiết ấm áp kéo dài. Mọi người nên duy trì cảnh giác cho đến khi gấu bắt đầu ngủ đông.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/11/2023)