Giải đáp an toàn cuộc sống

Gia tăng ca cúm và sốt viêm kết mạc họng

Phần 1: Số ca cúm tăng vọt

Năm nay ở Nhật Bản có sự gia tăng bất thường về số ca mắc cúm và sốt do viêm kết mạc họng (PCF), một bệnh truyền nhiễm lây lan chủ yếu ở trẻ em. Trong loạt bài này, NHK sẽ cung cấp thông tin mới nhất về tình hình lây nhiễm cũng như các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Hằng năm ở Nhật Bản, cúm mùa thông thường bắt đầu trong tầm từ tháng 12 đến tháng 3. Tuy nhiên năm nay số ca mắc trên toàn quốc đã bắt đầu gia tăng vào tháng 9.

Theo Viện quốc gia về bệnh truyền nhiễm và 1 số cơ quan khác cho biết, khoảng 5.000 cơ sở y tế trên toàn quốc báo cáo có tổng cộng 35.021 ca mắc cúm trong thời gian 7 ngày tính đến ngày 24/9.
Các cơ quan y tế cho biết khi số ca mắc tại mỗi cơ sở y tế vượt quá 10 thì họ cho rằng tình trạng lây nhiễm đã đến “mức khuyến cáo”. Mức độ lây nhiễm hiện nay cho thấy có thể sẽ có 1 đợt bùng phát mạnh trong 4 tuần tới.

Tính theo khu vực, tỉnh Okinawa ở phía nam đã báo cáo số ca mắc cúm tại mỗi cơ sở là hơn 22 người bệnh, tiếp theo là Chiba với hơn 15 và Ehime với trên 14 người một chút.

Cùng thời điểm, tổng cộng 9 tỉnh trong đó có Tokyo báo cáo số ca nhiễm vượt trên mức khuyến cáo 10 người bệnh tại mỗi cơ sở. Tính trên toàn quốc, tỷ lệ mắc cúm trung bình ở mỗi cơ sở là 7,09 người.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/10/2023).

Phần 2: Vắc-xin phòng cúm

Nhiều cơ sở y tế bắt đầu tiêm vắc-xin phòng cúm vào đầu tháng 10. Hội nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Họ cho biết chưa xảy ra bùng phát cúm trên quy mô lớn tại Nhật Bản kể từ năm 2020. Đây là nguyên nhân khiến lượng kháng thể giảm sút ở nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi, dẫn đến việc đây là 2 đối tượng dễ bị nhiễm cúm. Hiệp hội cũng cảnh báo rằng năm nay, cúm sẽ lây lan không chỉ trong khoảng thời gian thông thường mà có thể vượt ra ngoài khung thời gian này và trên diện rộng hơn. Họ cũng cho biết cúm cũng có thể lây lan đồng thời với vi-rút corona.

Bộ y tế cho biết có thể tiêm đồng thời vắc-xin ngừa corona và phòng cúm, và hiệu quả của 2 loại vắc-xin hầu như không thay đổi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/10/2023).

Phần 3: Các ca sốt viêm kết mạc-họng tăng vọt

PCF là một bệnh nhiễm vi-rút thường gặp ở trẻ em. Các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt cao và viêm kết mạc. Viện Quốc gia về các Bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản cho biết trong mấy tuần gần đây, số ca nhiễm đã lên tới mức cao nhất trong 10 năm qua.

Khoảng 3.000 phòng khám nhi khoa trên toàn quốc đã báo cáo tổng số 4.126 ca bệnh trong thời gian 7 ngày, tính đến ngày 24 tháng 9. Con số này đã giảm 413 ca so với một tuần trước đó, nhưng vẫn ở mức cao. Giới chức y tế cho biết khi số lượng bệnh nhân tại mỗi phòng khám vượt quá 3 ca thì số ca nhiễm bệnh được coi là đã lên đến “mức cảnh báo”. Tính theo khu vực, thì Fukuoka có 4,44 bệnh nhân trên mỗi phòng khám – con số lớn nhất – tiếp theo là Okinawa với 3,61 ca.

Ông Taniguchi Kiyosu, giám đốc Bệnh viện Quốc gia Mie và là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết loại vi-rút này được cho là đã lây lan trong kỳ nghỉ hè và số ca nhiễm bệnh tăng mạnh khi các em đi học trở lại. Ông nói rằng đợt bùng phát có thể tiếp tục trong thời gian trước mắt.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/10/2023).

Phần 4: Cơ chế lây lan và cách phòng ngừa PCF

Sốt do viêm kết mạc họng có thể lây truyền qua việc hít phải giọt bắn trong không khí khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Ta cũng có thể nhiễm bệnh khi bàn tay hoặc ngón tay tiếp xúc với vi-rút, sau đó vi-rút xâm nhập vào miệng. Vi-rút gây sốt do viêm kết mạc họng có khả năng lây nhiễm cao và có thể lây truyền khi dùng chung khăn với người nhiễm bệnh. Nếu có ổ dịch ở khu vực lân cận, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nếu bị nhiễm, quan trọng là phải thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn vi-rút lây lan. Trong đó, có các biện pháp như rửa tay, sát khuẩn và vệ sinh sạch sẽ sau khi đi đại tiện, vì vi-rút có thể lây lan qua phân.

Theo ông Taniguchi Kiyosu, Viện trưởng Bệnh viện Quốc gia Mie và là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người nhiễm bệnh nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng như nôn và đau đầu dữ dội hoặc khi không thể ăn uống.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/10/2023).

Phần 5: Lời khuyên của chuyên gia

Ông Taniguchi Kiyosu, giám đốc Bệnh viện Quốc gia Mie và là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết trước khi mọi người thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm vi-rút corona thì thường các loại vi-rút khác nhau lần lượt hoành hành. Tuy nhiên, năm nay có nhiều loại vi-rút đồng thời lây lan. Ông cho biết có sự thay đổi rõ ràng trong mô hình bùng phát các bệnh truyền nhiễm.

Về các biện pháp phòng bệnh mà mọi người có thể thực hiện tại nhà, ông Taniguchi khuyên mọi người nên ngủ đủ, ăn uống điều độ và chú ý đúng mức đến tình trạng sức khỏe của mình. Ông nói thêm rằng mọi người cũng nên rửa tay kỹ lưỡng và đeo khẩu trang, đồng thời khi cảm thấy không khỏe, nên nghỉ học hoặc không đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo. Nếu có sẵn vắc-xin, ông Taniguchi khuyên nên tiêm phòng vì vắc-xin có thể làm giảm các triệu chứng ngay cả khi bị nhiễm bệnh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/10/2023).