Giải đáp an toàn cuộc sống

Cách chuẩn bị nhà cửa đề phòng động đất

Phần 1: Tăng cường khả năng chống động đất

Ngày 1/9 đánh dấu tròn 100 năm ngày xảy ra trận Đại động đất Kanto khiến hơn 100.000 người thiệt mạng.

Tại Nhật Bản, dự báo một trận siêu động đất sẽ xảy ra hoặc tại rãnh Nankai, ngoài khơi duyên hải Thái Bình Dương của Nhật Bản, hoặc ngay bên dưới thủ đô Tokyo. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách để chuẩn bị nhà cửa đề phòng động đất. Trong bài đầu tiên, chúng tôi xin giới thiệu các tiêu chuẩn chống động đất cho công trình.

Tiêu chuẩn chống động đất cấp quốc gia của Nhật Bản được sửa đổi sau các trận động đất lớn.

Vào năm 1981, tiêu chuẩn chống động đất được sửa đổi, yêu cầu các tòa nhà phải chịu được động đất có chấn độ từ 6 độ trở lên trên thang đo chấn độ từ 0 đến 7 của Nhật Bản.

Vào năm 1995, trận động đất Hanshin-Awaji đã tàn phá tỉnh Hyogo, miền tây Nhật Bản. Đa phần các công trình bị sập trong trận động đất này được xây dựa trên tiêu chuẩn cũ trước khi sửa đổi luật. Bên cạnh đó, 80% số nạn nhân tử vong là do bị vùi lấp khi sập nhà, hoặc do đồ nội thất đè. Năm 2000, luật tiếp tục được sửa đổi để cải tiến phương thức cố định trụ nhà.

Năm 2016, hai trận động đất có độ lớn 7 magnitude đã xảy ra tại tỉnh Kumamoto, phía tây Nhật Bản. Sau khi xảy ra động đất, một ủy ban quốc gia được thành lập để điều tra nguyên nhân các công trình bị sập. Theo kết quả điều tra, chỉ có 2% số công trình dựa trên tiêu chuẩn mới nhất bị sập, còn trong số các công trình xây dựng trước khi sửa đổi luật năm 1981, tỉ lệ này lên tới 30%. Điều này cho thấy việc sửa đổi tiêu chuẩn chống động đất khiến các công trình trở nên an toàn hơn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/9/2023).

Phần 2: Đánh giá khả năng chống động đất của ngôi nhà

Chúng ta có thể tìm hiểu xem nhà của mình có gặp rủi ro hay không bằng cách tiến hành kiểm tra để đánh giá. Việc đánh giá do các công ty chuyên nghiệp tiến hành sẽ bao gồm cả kiểm tra bằng hình ảnh và âm thanh. Nhân viên kiểm tra sẽ gõ vào tường nhà để xác định xem các bức tường có lỏng lẻo hay có bất kỳ vết nứt nào có thể ảnh hưởng đến khả năng chống động đất hay không. Họ cũng sẽ đánh giá các cột và sàn xem có nghiêng không và kiểm tra xem có bị ảnh hưởng của mối mọt hay nền móng có bị hỏng hay không.

Ngoài ra còn có các trang web trực tuyến để chúng ta có thể xin tư vấn về việc có cần thực hiện các biện pháp chống động đất hay không bằng cách trả lời 10 câu hỏi. Hiệp hội Phòng chống Thiên tai Xây dựng Nhật Bản có một bài trắc nghiệm đánh giá bằng tiếng Anh trên trang web của mình.

Nếu chúng ta định gia cố nhà thì chi phí cho một ngôi nhà trung bình được cho là lên tới khoảng 1 triệu hoặc 1,5 triệu yên. Trong các tòa nhà tập thể hoặc chung cư, phải có thỏa thuận giữa chủ sở hữu căn hộ với đơn vị quản lý thì mới có thể thực hiện việc gia cố. Một số chính quyền địa phương có sẵn hệ thống để trợ cấp một phần chi phí gia cố nhà chống động đất vì vậy hãy xác nhận với địa phương nơi mình sinh sống nhé.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/9/2023).

Phần 3: Ngăn đồ đạc rơi đổ

Ngay cả khi nhà cửa chịu được động đất thì vẫn có rủi ro bị đồ đạc trong nhà rơi đổ vào người. Trong trường hợp xảy ra động đất ở ngay Tokyo, ước tính sẽ có hơn 200 người thiệt mạng do bị đồ đạc rơi đổ vào người.

Một biện pháp phòng ngừa hiệu quả là sử dụng chốt kim loại hình chữ L để cố định đồ đạc vào tường. Ở Nhật Bản, thanh chống cũng được sử dụng rộng rãi. Có thể điều chỉnh kéo dài hoặc thu ngắn thanh lại cho vừa khoảng cách giữa đồ đạc và trần nhà. Thanh kéo dài có thể chống đồ đạc rơi đổ.

Có một số điểm chú ý để sử dụng hiệu quả thanh chống. Khi lắp, hãy nhớ áp sát tường để thanh không bị rơi ra khi có rung lắc, cũng như cố định thanh thật chặt vào trần nhà. Dùng thanh chống có thể cố định đồ đạc mà không cần đục lỗ trên tường. Thanh chống như thế này có bán tại các cửa hàng như home center – siêu thị lớn bán đồ gia dụng và đồ sửa chữa tân trang nhà cửa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/9/2023).

Phần 4: Cách sắp xếp đồ đạc

Trước hết, việc kê chắc đồ đạc trong nhà để sẵn sàng ứng phó với động đất là cần thiết. Đồ đạc nên được kê vững chắc ở vị trí an toàn để nếu như có đổ thì cũng không gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, chỉ kê chắc đồ đạc thôi thì cũng chưa đủ nếu xảy ra động đất mạnh với nhiều dư chấn sau đó. Ví dụ, nếu đồ đạc kê ở gần cửa mà bị đổ thì sẽ không mở được cửa. Vì vậy, cần đợi cho đến khi hết hẳn động đất rồi mới sắp xếp lại đồ đạc để tránh tiếp tục bị đổ.

Cũng cần phải chú ý đến các tấm kính. Trước khi đi ngủ nên kéo rèm lại để nếu kính vỡ thì cũng không văng ra khắp phòng.

Đi chân trần cũng rất nguy hiểm nếu đồ đạc bị văng ra. Để tránh bị thương, nên để sẵn 1 đôi giày trong phòng ngủ để có thể xỏ ngay khi cần.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/9/2023).

Phần 5: Khu bếp

Bà Kunizaki Nobue, chuyên gia về cách chuẩn bị nhà cửa phòng chống thảm họa, chỉ ra rằng khu bếp là nơi nguy hiểm nhất trong nhà khi xảy ra một trận động đất lớn. Ví dụ, lò vi sóng có thể nặng tới gần 20 kg, nên bà khuyên nên đặt lò trên tấm chống trượt để lò không bị đổ.

Bà cũng cho biết điều quan trọng hơn nữa là không để các cửa tủ bếp và ngăn kéo bật mở, để đồ đạc bên trong không bị văng ra ngoài. Ngăn kéo bật mở cũng có thể chặn đường thoát hiểm. Vì thế, bà Kunizaki sử dụng các vật dụng vốn dùng để đề phòng trẻ bị kẹt tay ở ngăn kéo. Người dùng chỉ có thể mở ngăn kéo khi ấn vào phần nhất định trên vật dụng này, nên ngăn kéo sẽ không bị bật ra khi có động đất. Đối với cửa tủ lạnh, bà sử dụng khóa nhựa, có thể mua với giá chưa tới 1.000 yên, tương đương chỉ vài đôla Mỹ.

Bà Kunizaki khuyên chúng ta để dành một phần tiền nhất định mỗi tháng, ví dụ như khoảng 3.000 yên, tức khoảng 20 đôla, để mua các vật dụng giúp chuẩn bị nhà cửa đề phòng động đất. Bà nói rằng chúng ta có thể chọn một nội dung cho mỗi tháng, ví dụ như tháng này tập trung ngăn kính vỡ rồi tháng sau tập trung vào việc cố định đồ đạc. Theo bà, điều quan trọng là dần dần áp dụng các biện pháp đề phòng động đất, bắt đầu với những điều có thể thực hiện.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/9/2023).

Phần 6: Tìm hiểu về nền móng nhà

Nếu một trận động đất có tâm chấn ngay tại Tokyo thì có thể xảy ra rung chấn lên tới 7 độ, là mức cao nhất trên thang rung chấn Nhật Bản. Rung lắc dữ dội có thể mạnh hơn nếu nhà cửa được xây trên nền đất yếu.

Ông Senna Shigeki là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc gia về khoa học trái đất và tái thiết sau thảm họa. Ông nghiên cứu mối liên hệ giữa mức độ thiệt hại và tình trạng nền đất sau trận động đất Kumamoto năm 2016. Ông nhận thấy mặc dù có nhiều nhà của bị đổ, tại một số khu vực hầu hết nhà cửa vẫn nguyên vẹn. Khi xem xét nguyên nhân của sự khác biệt này, ông phát hiện ra rằng nền đất yếu gần bề mặt khiến rung chấn bị khuếch đại và gây thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Ông Senna và cộng sự cũng phát hiện ra rằng có một số địa điểm có nền đất yếu ở vùng Kanto, trong và xung quanh Tokyo. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch mở rộng khảo sát sang các khu vực khác.

Chính quyền một số địa phương đã công bố bản đồ có thông tin về các khu vực dễ bị rung lắc. Người dân nên tham khảo bản đồ này để củng cố các biện pháp chống động đất tại nhà mình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/9/2023).