Giải đáp an toàn cuộc sống

Cách cứu người khỏi bị tai nạn liên quan đến nước

Phần 1: Thống kê toàn quốc

Hàng năm vào mùa hè, các tai nạn liên quan đến nước xảy ra trên biển và trên sông. Trong loạt bài này, chúng ta cùng xem xét lý do tại sao những tai nạn như vậy lại xảy ra và các biện pháp an toàn để ngăn ngừa tai nạn ở trong hoặc xung quanh khu vực sông biển.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cho biết vào năm 2022 đã có 727 người đã thiệt mạng hoặc bị mất tích do tai nạn liên quan đến nước. Trong đó có 228 người, chiếm 30% các vụ tai nạn, là xảy ra trong các tháng 7 và tháng 8. Con số này nhiều hơn 16 người so với cùng kỳ năm 2021.

Khoảng 50% các vụ tai nạn này xảy ra trên biển và 40% xảy ra ở sông. Trong mùa hè, tỷ lệ tai nạn liên quan đến nước tại các dòng sông cao hơn 10 điểm so với mức trung bình hàng năm.

Hơn nữa, khi xem xét bối cảnh liên quan tới những vụ tai nạn này, thì con số cao nhất là khi mọi người đang chơi dưới nước, tiếp theo là câu cá hoặc bắt cá và bơi lội.

Cảnh sát kêu gọi mọi người tránh xa nơi có dòng chảy mạnh và những khu vực có nước sâu ở biển và sông.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/8/2023).

Phần 2: Nguy cơ tiềm ẩn ở các con song

Mùa hè năm nay ở Nhật Bản đã xảy ra nhiều tai nạn sông nước. Tháng trước khi vừa bắt đầu kỳ nghỉ hè, đã có 3 học sinh cấp 1 ở tỉnh Fukuoka bị tai nạn đuối nước. Vào ngày 3/8, 1 học sinh tiểu học cũng gặp tai nạn tương tự ở 1 con sông thuộc tỉnh Kanagawa.

Ở khu vực sông thì chúng ta cần thận trọng với những chỗ nước sâu bất thình lình. Dù cho nước sông chảy có vẻ chậm và không có gì nguy hiểm thì vẫn có thể có chỗ đột ngột sâu. Cũng cần hết sức cảnh giác với những chỗ nước trong có thể nhìn thấy đáy. Khúc xạ ánh sáng có thể khiến nước sông trông nông hơn thực tế. Nếu mất cảnh giác có thể sẽ bị rơi vào chỗ nước sâu và gặp đuối nước.

Ở những nơi lòng sông có sỏi mịn, có thể dễ bị trượt chân và sẽ khó để trở lại chỗ nước nông.

Vì vậy đừng bao giờ cho rằng sẽ luôn an toàn hoặc mất cảnh giác ở khu vực sông nước, đồng thời cần luôn phải chú ý đến những hiểm họa có thể xảy ra.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/8/2023).

Phần 3: Mẹo phòng chống đuối nước

Giáo sư Saitoh Hidetoshi thuộc Khoa sau đại học của Đại học Công nghệ Nagaoka, đồng thời là chủ tịch Hội nghiên cứu về Cứu nạn và Sinh tồn liên quan tới nước, cho biết các tai nạn ở sông thường xảy ra ngay sau khi tới nơi và ngay trước khi rời sông. Đặc biệt, trẻ em dễ trở nên phấn khích khi mới tới nơi và thường một mình xuống sông, từ đó bất ngờ lọt phải vùng nước sâu và bắt đầu đuối nước. Các tai nạn cũng có thể xảy ra khi chúng ta chuẩn bị đi về. Trong một số trường hợp, cha mẹ bận dọn dẹp đồ đạc và không để ý thấy con đang gặp nguy hiểm.
Đuối nước ở sông có thể xảy ra chỉ trong vài giây, nên giáo sư Saitoh cảnh báo rằng chỉ để mắt tới trẻ nhỏ thôi là chưa đủ. Giáo sư khuyên cha mẹ nên chơi cùng con ở dưới nước. Cha mẹ cũng nên ở gần con để kịp thời cứu giúp nếu con bắt đầu đuối nước. Để đảm bảo an toàn, giáo sư cho biết nên “chơi ở vùng nước nông tới đầu gối” và “mặc áo cứu hộ để phòng ngừa”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/8/2023).

Phần 4: Các nguy cơ trên bãi biển

Khi đi biển, có rất nhiều mối nguy hiểm mà chúng ta cần lưu tâm, chẳng hạn như các vùng nước sâu và sóng cao đột ngột. Đặc biệt cần chú ý đến các dòng chảy xa bờ, là dòng nước mạnh chảy hướng từ bờ ra biển. Các dòng nước này có thể chảy với tốc độ hơn 2m mỗi giây, do đó rất khó để bơi ngược dòng. Dòng chảy xa bờ thường xuất hiện ở các vùng nước nông trải dài, là nơi thường có nhiều gia đình tắm biển. Tuy nhiên, các dòng chảy này có thể là mối nguy hiểm vì khó phát hiện được bằng mắt thường. Chủ tịch Saitoh Hidetoshi của hiệp hội nghiên cứu cứu hộ và sinh tồn dưới nước cho biết: “Chúng tôi mong mọi người sẽ hỏi nhân viên cứu hộ ở bãi biển xem những khu vực nào có thể nguy hiểm khi xuống bơi, cũng như nên bơi ở các khu vực có nhân viên cứu hộ trực”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/8/2023).

Phần 5: Ngăn ngừa tai nạn trên biển

Trong phần này, chúng tôi xin giới thiệu hướng dẫn của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản về đảm bảo an toàn phòng tránh các tai nạn ở biển.

Hướng dẫn được trình bày theo lịch trình đi du lịch biển.

Trước khi đi thì mọi người nên thông báo cho gia đình về địa điểm và thời gian quay về. Đừng đi biển một mình.

Trên đường đi, mọi người nên đảm bảo luôn có phương tiện liên lạc, ví dụ như việc để điện thoại trong túi chống nước. Hãy chọn các bãi biển có khu vực bơi chỉ định và có lực lượng cứu hộ tuần tra.

Khi xuống nước, đừng bơi một mình. Hãy đeo thêm dép đi biển, áo phao hoặc các vật có thể nổi lên mặt nước. Đảm bảo có thể trạng tốt và thường xuyên nghỉ hồi sức.

Khi xuống nước, mọi người không nên bơi khi đang hoảng loạn. Hãy hô hoán để người xung quanh có thể đến giúp. Hãy bám chắc vào các vật thể nổi xung quanh, giữ cơ thể nổi trên mặt nước ở tư thế thoải mái và đợi lực lượng cứu hộ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/8/2023).

Phần 6: Đừng cố lấy đồ vật bị cuốn trôi

Tại Nhật Bản, có nhiều trường hợp gặp tai nạn khi cố gắng bơi theo để lấy lại đồ vật bị cuốn trôi ở sông hoặc biển, và số lượng các trường hợp này không có dấu hiệu giảm xuống.

Tổ chức Sông ngòi phân tích các tai nạn trên sông trong hơn 20 năm qua. Kết quả cho thấy phần lớn các vụ tai nạn là các em nhỏ hoặc học sinh tiểu học cố gắng bơi theo để lấy lại bóng hoặc dép, dẫn đến đuối nước.

Người đứng đầu Hội Cứu hộ Trên biển Nhật Bản, Tohyama Atsushi, đã tham gia cứu hộ cùng với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản nhiều năm. Ông cho rằng việc người dân bơi theo để lấy lại đồ vật, ví dụ như dép, là rất nguy hiểm, do mọi người sẽ chỉ chú ý đến đồ vật đó mà không chú ý đến môi trường xung quanh như mức nước sâu và dòng chảy. Theo ông thì để phòng tránh tai nạn, điều quan trọng là mọi người cần đi dép hoặc giày đi biển khó bị rơi ra. Ông cũng cho biết khi đi chơi ở sông thì người giám hộ hoặc người lớn cần đứng ở hạ lưu để có thể cứu hộ trẻ nếu có sự cố. Còn khi đi ở biển thì cần đứng xa bờ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/8/2023).

Phần 7: Gọi ngay cứu hộ khi có đuối nước

Đã từng có nhiều trường hợp mà mọi người xuống nước để cố cứu người bị đuối nước. Theo giáo sư Saitoh Hidetoshi, Khoa sau đại học thuộc Đại học Công nghệ Nagaoka kiêm chủ tịch Hội nghiên cứu sinh tồn và cứu nạn dưới nước, thực tế thì sẽ rất khó để 1 người không được đào tạo chuyên biệt có thể cứu người dưới nước nếu không có sự chuẩn bị.

Vì vậy, nếu phát hiện đuối nước, việc cần làm là gọi điện thoại cứu hộ khẩn cấp, ví dụ như 118 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản hoặc 119 của sở cứu hỏa cứu thương.

Mọi người nên tìm cách để cho người gặp nạn bình tĩnh và tập trung thở. Đừng hỏi những câu hỏi buộc người đuối nước phải trả lời để tránh làm gián đoạn nhịp thở của họ. Ngược lại, sẽ hiệu quả nếu nói ngắn gọn, ví dụ như hãy cố gắng nổi và chờ cứu hộ hoặc trấn an người gặp nạn rằng sẽ không sao vì lực lượng cứu hộ đang đến.

Để phòng ngừa tai nạn liên quan đến nước, điều quan trọng là nhận biết trước hiểm họa, đồng thời khi xảy ra tình huống khẩn cấp thì cần phải bình tĩnh và có hành động phù hợp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/8/2023).