Giải đáp an toàn cuộc sống

Nhiễm vi-rút herpangina và RS tăng đột biến

Phần 1: Herpangina là gì?

Herpangina gây sốt và mụn nước trong miệng, trong khi vi-rút RS gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh như sốt và ho. Hôm nay, chúng tôi tập trung vào herpangina.

Các đợt bùng phát herpangina tăng vào mùa hè. Trẻ em dưới 5 tuổi dễ bị ảnh hưởng. Ngoài việc bị sốt ra, bệnh nhân có xu hướng bị phồng rộp trong miệng và đau họng. Cần đặc biệt thận trọng về tình trạng mất nước vì bệnh nhân đôi khi cảm thấy khó ăn uống vì đau. Một số người có thể bị đột ngột sốt vượt quá 38 độ C.

Năm nay, tốc độ nhiễm herpangina nhanh hơn bình thường. Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm cho biết số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh herpangina tại khoảng 3.000 phòng khám nhi trên cả nước là 22.980 người trong tuần tính đến ngày 9 tháng 7. Như vậy trung bình mỗi phòng khám có 7,32 bệnh nhân, cao hơn so với mức 6,48 bệnh nhân trong tuần trước đó và là mức cao nhất trong 10 năm qua.

Tính theo khu vực, thì ở tỉnh Miyagi là cao nhất với số trung bình mỗi phòng khám 23,2 bệnh nhân. 8 tỉnh có số bệnh nhân trung bình trên mỗi phòng khám là trên 10 người. 27 tỉnh có số bệnh nhân trung bình là 6 người, tức vượt qua mức cảnh báo.

Các chuyên gia đang kêu gọi mọi người đảm bảo thực hiện các biện pháp cơ bản chống nhiễm trùng, ví dụ như rửa tay.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/7/2023).

Phần 2: Vi-rút RS là gì?

Tiếp theo loạt bài về 2 bệnh truyền nhiễm đang lây lan ở trẻ em là herpangina và bệnh do vi-rút hợp bào hô hấp (RS) gây ra, hôm nay chúng tôi tập trung vào vi-rút RS.

Vi-rút RS chủ yếu lây nhiễm ở trẻ em, gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh, ví dụ như sốt và ho. Nếu nhiễm bệnh, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi và trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể bị viêm phổi và chuyển nặng.

Theo Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm, trong tuần tính đến ngày 9/7, ghi nhận 10.613 bệnh nhân tại khoảng 3.000 phòng khám nhi trên toàn quốc. Như vậy, trung bình mỗi phòng khám có 3,38 bệnh nhân, tăng so với con số 3,17 của tuần trước đó.

Số bệnh nhân năm nay tăng sớm hơn mọi năm và lây lan nhanh hơn nhiều so với năm ngoái.

Các chuyên gia đang kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm cơ bản như rửa tay.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/7/2023).

Phần 3: Nguyên nhân của việc gia tăng là gì?

Số bệnh nhân nhiễm vi-rút herpangina và RS tăng nhanh sau khi chính phủ Nhật Bản hạ cấp bệnh COVID-19 vào ngày 8 tháng 5, coi căn bệnh này cùng loại với cúm mùa.

Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm cho biết số bệnh nhân nhiễm vi-rút herpangina và RS do khoảng 3.000 phòng khám nhi khoa trên khắp Nhật Bản báo cáo đã tăng trong tuần tính đến hết ngày 28 tháng 5 so với tuần trước khi hạ cấp COVID-19. Ở mỗi phòng khám, tỷ lệ tăng herpangina là 5 lần và RS tăng gấp 2 lần.

Số bệnh nhân bị cúm, thường chỉ tăng trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3, nay cũng tăng nhanh.

Giáo sư Hamada Atsuo của Đại học Y Tokyo là chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm. Ông nói rằng trong ba năm xảy ra đại dịch COVID-19 đã không có sự bùng phát lớn về các bệnh truyền nhiễm do việc đi lại quốc tế của người dân giảm và việc áp dụng các biện pháp chống lây nhiễm nghiêm ngặt. Ông nói điều này có thể đã khiến hệ thống miễn dịch của mọi người suy yếu đáng kể.

Giáo sư Hamada cũng cho biết việc nới lỏng đeo khẩu trang và các quy định khác với việc phân loại lại COVID-19 đã khiến các bệnh truyền nhiễm lây lan dễ dàng hơn và đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/7/2023).

Phần 4: Tình hình các cơ sở y tế

Một phòng khám ở quận Kita ở Tokyo ghi nhận số ca lây nhiễm herpangina và vi-rút RS trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay cao gấp 4 đến 5 lần so với trung bình của cùng kỳ năm ngoái. Phòng khám cho biết thường xuyên có bệnh nhân và một số trường hợp phải đợi cho người khác hủy hẹn thì mới được khám.

Trong tháng 6 thì một phòng khám khác ở quận Suginami lại thiếu bộ xét nghiệm vi-rút RS. Nhiều thời điểm phòng khám chỉ xét nghiệm được cho những trường hợp có nguy cơ cao chuyển nặng, ví dụ như trẻ sơ sinh.

Các hiệu thuốc trên địa bàn quận có rất ít thuốc ho và thuốc kháng sinh vì việc vận chuyển 1 số loại đã bị ngừng hoặc bị hạn chế.

Ngày càng có nhiều bệnh nhân chuyển nặng và phải nhập viện. Tại 1 bệnh viện chủ yếu chăm sóc trẻ sơ sinh ở quận Setagaya, cho đến tháng 5 thì số bệnh nhi nhiễm vi-rút RS là chưa đến 10 trẻ. Nhưng đến cuối tháng 6 thì con số đã tăng vọt lên hơn 40. Có bé mới chỉ 2 tuần tuổi đã phải nhập viện. Một bác sĩ của bệnh viện nói rằng số lượng bệnh nhân đã tăng nhanh tới mức ngày càng khó để có thể cung cấp chăm sóc y tế cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/7/2023).

Phần 5: Điều trị herpangina

Ông Ogimi Chikara thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển Trẻ em chuyên điều trị cho trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm. Ông cho biết herpangina là một loại vi-rút cảm lạnh. Không có thuốc đặc trị và trong hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ tự khỏi.

Khi chăm sóc trẻ nhiễm vi-rút này tại nhà, nếu trẻ có thể ăn uống ở mức nhất định, tỉnh táo và không nôn thường xuyên, thì chúng ta chỉ cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt hoặc giảm đau một cách phù hợp. Điều quan trọng là đảm bảo rằng dù trẻ có bị đau miệng hay đau họng thì ít nhất trẻ cũng phải uống đủ nước để không bị mất nước. Các triệu chứng có thể kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn trong một số trường hợp.

Để ngăn nhiễm herpangina, ông nói rằng điều quan trọng là tuân thủ các quy tắc cơ bản về ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm, ví dụ như rửa tay sạch sẽ và đeo khẩu trang.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/7/2023).

Phần 6: Điều trị vi-rút RS

Ông Ogimi Chikara thuộc Trung tâm Quốc gia về Phát triển và Sức khỏe Trẻ em chuyên điều trị các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ. Ông cảnh báo sau khi bị nhiễm vi-rút, nếu trẻ em xuất hiện các triệu chứng như khó thở hoặc không ăn uống được thì cần nhanh chóng đưa các em nhập viện. Ông khuyến cáo người giám hộ liên hệ để được hỗ trợ y tế khi thấy trẻ có các triệu chứng như vậy.

Theo ông Ogimi, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị để điều trị nhiễm vi-rút RS. Về cơ bản, các bác sĩ chỉ có thể điều trị các triệu chứng bằng cách tăng cường oxy hoặc hỗ trợ hô hấp.

Ông cho biết vi-rút RS chủ yếu lây truyền qua đường tiếp xúc vật lý. Chẳng hạn, một người có thể nhiễm vi-rút nếu đưa tay lên mũi hoặc miệng sau khi chạm vào nắm cửa hay đồ chơi dính chất dịch chứa vi-rút. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay kỹ cũng như đeo khẩu trang nếu có thể.

Ông Ogimi cũng cho biết các gia đình có con nhỏ cần cố gắng để không mang vi-rút từ bên ngoài về nhà bằng cách thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/7/2023).