Giải đáp an toàn cuộc sống

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa hè

Phần 1: Ngộ độc do vi khuẩn

Từ mùa mưa đến hết mùa hè, khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, cần đặc biệt chú ý đề phòng ngộ độc thực phẩm. Trong loạt bài này, chúng ta cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và cách phòng ngừa. Hôm nay, chúng tôi tập trung nói về ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, thường xảy ra trong mùa hè.

Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng từ tháng 5 đến tháng 8. Bộ y tế Nhật Bản cho biết đã có 962 trường hợp ngộ độc thực phẩm trong năm 2022.

Có 3 loại ngộ độc thực phẩm: loại thứ nhất là do vi-rút bao gồm cả norovirus; loại thứ 2 là do vi khuẩn như tụ cầu vàng; loại thứ 3 là do ký sinh trùng như giun ký sinh anisakis. Trong 3 loại trên thì ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn là phổ biến nhất trong những tháng hè.

Vi khuẩn salmonella thường được phát hiện trong trứng và vi khuẩn campylobacter trong thịt là 2 loại phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn campylobacter sinh sôi nảy nở từ tháng 5 đến hết hè và thịt gà sống thường là nguồn lây nhiễm.

Tụ cầu vàng là vi khuẩn có trên da của người bình thường khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu không rửa tay kỹ, không sát khuẩn hoặc khi tay bị nứt nẻ hoặc mưng mủ khiến tụ cầu vàng xâm nhập thì sẽ có nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Vì vậy, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa khi xử lý thực phẩm, đặc biệt là vào mùa hè, khi vi khuẩn có thể dễ dàng sinh sôi.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/7/2023).

Phần 2: Ba mẹo phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Theo bộ y tế, 3 mẹo sau đây sẽ giúp chúng ta phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn.

Thứ nhất là không để thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, bằng cách rửa tay, thực phẩm và đồ dùng kỹ càng khi nấu ăn.

Thứ hai là ngăn vi khuẩn trên thức ăn sinh sôi. Chúng ta nên tránh để thức ăn ở nhiệt độ phòng, mà nên bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Nên ăn ngay sau khi nấu và cho phần thừa vào tủ lạnh để vi khuẩn không sinh sôi.

Thứ ba là khử khuẩn thức ăn và đồ dùng nấu ăn. Chúng ta nên nấu chín kỹ sao cho nhiệt độ ở trong thực phẩm đạt ít nhất 75 độ C trong ít nhất 1 phút.

Các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm rất dễ thực hiện, nên hãy thực hành các mẹo nói trên để bảo vệ gia đình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/7/2023).

Phần 3: Nguyên nhân của việc gia tăng là gì?

Một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm là rửa tay.

Một thí nghiệm đã được tiến hành để xem trước khi chúng ta rửa thì bàn tay bẩn như thế nào. Bàn tay được phủ chất huỳnh quang có thể phản ứng với chất bẩn. Dưới ánh đèn cực tím, lòng bàn tay, mu bàn tay và kẽ móng tay đều rất sáng, có nghĩa đây là phần rất bẩn. Đặc biệt là lòng bàn tay, do chạm vào nhiều thứ nên cực kỳ bẩn.

Để rửa sạch chất bẩn như vậy và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, dưới đây là cách rửa tay theo lời khuyên của các trung tâm y tế công cộng.

Đầu tiên, bạn nên rửa sạch bụi bẩn tổng thể bằng nước.

Sau đó, xoa xà phòng lên khắp bàn tay, chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay cũng như các ngón tay của tay kia và ngược lại.

Tiếp theo, chà kẽ móng, vùng dưới móng tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.

Cuối cùng, xoa cổ tay rồi xả kỹ dưới vòi nước.

Trong thí nghiệm, mặc dù tay được rửa theo cách trên, nhưng vẫn còn chất bẩn đọng lại ở kẽ móng tay cũng như trong các nếp nhăn trên lòng bàn tay. Vì vậy, các trung tâm y tế công cộng khuyến cáo nên rửa tay hai lần.

Hãy cố gắng ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm bằng cách rửa tay đúng cách.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/7/2023).

Phần 4: Các biện pháp đề phòng trong bếp

Nên cọ sạch bồn rửa ở bếp sau khi nấu ăn do có thể có vết bẩn và vi khuẩn. Không nên dùng miếng mút rửa bát để cọ bồn. Hãy sử dụng nước tẩy rửa nhà bếp có chứa chất hoạt động bề mặt để loại bỏ vết bẩn trên bồn sạch sẽ. Việc thường xuyên khử trùng mút rửa bằng nước nóng hoặc chất tẩy rửa cũng rất quan trọng do vi khuẩn có thể dễ dàng sinh sôi trên mút ẩm. Nếu sử dụng thớt trong thời gian dài thì vi khuẩn hoặc vết bẩn có thể xuất hiện ở các khe trên thớt. Một cách hiệu quả để phòng chống ngộ độc là rửa thớt bằng chất tẩy rửa, và sát trùng bằng dung dịch sát khuẩn có chứa clo hoặc bằng nước sôi.

Một quan chức thuộc trung tâm y tế công cộng thành phố Hachioji cho biết điều quan trọng để tránh ngộ độc thực phẩm là ngăn vi khuẩn sinh sôi. Theo quan chức này thì mọi người nên rửa tay, khử trùng dụng cụ nấu ăn, cũng như tránh để thức ăn bên ngoài và nên ăn ngay sau khi nấu, đặc biệt là vào mùa hè.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/7/2023).

Phần 5: Đề phòng nấm mốc

Mặc dù nấm mốc không phải là nguyên nhân được chính thức công nhận gây ra ngộ độc thực phẩm nhưng đề phòng vẫn là điều cần thiết. Bào tử và sợi nấm mốc luôn tồn tại trong không khí và sẽ lập tức sinh sôi nảy nở khi tiếp xúc với thức ăn hoặc môi trường phát triển thuận lợi. Một số loại nấm mốc còn có thể sản sinh ra chất độc.

Mặc dù tinh bột và đường là môi trường ưa thích nhưng nấm mốc vẫn sinh sản được trong hầu hết các loại thức ăn. Nhiều người cho rằng vẫn có thể ăn những thức ăn chỉ hơi bị mốc một chút ở bên ngoài. Tuy nhiên, nấm mốc có thể đã chui sâu vào trong thức ăn nên ăn vào sẽ không an toàn. Vì vậy, nên loại bỏ hết những thức ăn như vậy dù mới chỉ chớm mốc.

Theo Ủy ban An toàn thực phẩm của Nhật Bản thì thức ăn phải luôn được giữ ở nơi có nhiệt độ, độ ẩm thấp và để ở trong hộp đựng kín không khí. Lý do phải làm như vậy là vì nhiệt độ lý tưởng mà nấm mốc có thể sinh sôi là từ 20 đến 25 độ C và môi trường ẩm cũng là điều kiện thuận lợi của nấm mốc. Ngoài ra thì đa số nấm mốc đều cần có ô xy để phát triển. Vì thế cho nên cần phải tránh tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc để từ đó phòng tránh được ngộ độc thực phẩm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 18/7/2023).

Phần 6: Số ca ngộ độc thực phẩm có thể gia tăng

Bộ y tế cho biết trong năm 2021 có 717 ca ngộ độc thực phẩm, thấp nhất kể từ năm 1996. Cũng theo giới chức thì tổng số bệnh nhân trong năm ngoái là 6.856 ca, thấp nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1952.

Theo các chuyên gia, việc số ca ngộ độc thực phẩm trong những năm gần đây giảm là do các cơ sở ăn uống đóng cửa trong đại dịch vi-rút corona, khiến người dân hạn chế ăn ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về việc số ca ngộ độc có thể tăng trở lại sau khi phân loại lại COVID-19 vào nhóm 5, cùng nhóm với cúm mùa. Việc phân loại lại có thể khiến nhiều người đi ăn ngoài hơn, và ít quan tâm hơn đến vệ sinh an toàn thực phẩm và sát khuẩn.

Giáo sư Igimi Shizunobu thuộc Đại học Nông nghiệp Tokyo là chuyên gia về vấn đề này. Ông cho biết ngộ độc thực phẩm thường xuyên xảy ra ở nhà hàng và các cơ sở ăn uống. Ông bày tỏ quan ngại về khả năng số ca ngộ độc sẽ gia tăng, và điều quan trọng là các chủ nhà hàng, quán ăn cần phải xem xét cách để đảm bảo an toàn thực phẩm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/7/2023).