Giải đáp ứng phó thảm họa

Cảnh giác trước ngập lụt ở đô thị

(1) Hiện tượng ngập lụt ở đô thị

Trong loạt bài này, chúng tôi xin giới thiệu về hiện tượng ngập lụt ở đô thị. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên trong những năm gần đây, trong bối cảnh mưa lớn khiến lượng mưa cao hơn dự kiến. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và những điều cần lưu ý về hiện tượng này.

Hiện tượng ngập lụt thường được gắn với việc mưa lớn khiến nước sông dâng hoặc vỡ đê. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất.

Các khu vực đô thị thường được bê tông hóa, dẫn đến việc sau mưa lớn, nước mưa rất khó thoát được và chỉ có thể chảy xuống các mương nước hoặc hệ thống cống ngầm. Tuy nhiên, nếu xảy ra mưa rào lớn trong thời gian ngắn, không thể thoát nước đủ nhanh khiến nước mưa tràn ra từ các miệng cống, gây ra hiện tượng ngập lụt ở đô thị.

Quá trình đô thị hóa khiến cho những khu vực chưa từng bị ngập trước đây cũng có thể sẽ bị ngập.

Bộ đất đai Nhật Bản cho biết, trong số tất cả các tòa nhà bị ngập lụt trong 10 năm tính đến năm 2018, chỉ có 36% là do nước sông dâng. Có 210.000 tòa nhà, tương đương 64%, bị ngập do hiện tượng ngập lụt đô thị.

Khí hậu bất thường trong những năm gần đây đã gây mưa lớn hơn và làm tăng nguy cơ ngập lụt đô thị. Số trận mưa có tổng lượng mưa từ 50 mm/giờ trở lên đã tăng khoảng 1,5 lần trong thập kỷ tính từ năm 2013, so với thập kỷ tính từ năm 1976.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 30/6/2023)

(2) Nguyên nhân gây ra ngập lụt đô thị

Một trong những nguyên nhân của hiện tượng ngập lụt ở đô thị là do dòng chảy bị chậm lại trên các sông hoặc kênh nhỏ. Vào tháng 8 năm 2022, lượng mưa kỷ lục khiến nhiều kênh tràn bờ, làm ngập khoảng 450 nhà dân ở thị trấn Ajigasawa của tỉnh Aomori. Nguyên nhân ngập lụt được cho là do dòng chảy của kênh bị chậm lại, khó có thể dẫn nước vào các con sông gần đó vốn cũng đang có nước dâng cao.

Trường hợp khu dân cư nằm dưới mực nước sông, phải có công trình bơm nước để thoát nước mưa ra sông. Trước đây, một số khu vực đô thị đã xảy ra ngập lụt do các công trình thoát nước không hoạt động vì bị ngập trong mưa lớn.

Những ví dụ trên cho thấy ngập lụt xảy ra không chỉ ở khu vực đô thị mà còn có thể ở bất cứ đâu, nếu dòng chảy của kênh rạch bị tắc nghẽn hoặc hệ thống bơm thoát nước ngừng hoạt động.

Giám đốc viện thông tin thuộc Quỹ Truyền thông Tích hợp Sông và Lưu vực, ông Ikeuchi Koji, cảnh báo rằng nước tại các con kênh và sông nhỏ có xu hướng dâng nhanh hơn các sông lớn. Do vậy, phản ứng nhanh chóng là điều cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/7/2023)

(3) Hiểu rõ về nguy cơ ngập lụt

Đầu tiên, công cụ hiệu quả để nắm rõ thông tin về khả năng xảy ra ngập lụt chính là bản đồ nguy cơ. Có 1 loại bản đồ cảnh báo về ngập lụt, dựa trên giả định đê bị vỡ hoặc sông tràn bờ.

Ngoài ra, chính quyền các nơi ở Nhật Bản đang thực hiện việc lập bản đồ nguy cơ chỉ tập trung vào ngập lụt ở đô thị. Bản đồ này sẽ cho biết khu vực có thể xảy ra ngập lụt khi hệ thống thoát nước bị tắc, đồng thời thông báo những nơi cần phải sơ tán và 1 số thông tin khác.

Điều quan trọng là phải nắm rõ thiệt hại từng xảy ra trước đây do ngập lụt trên những bản đồ này.

Giám đốc viện thông tin thuộc Quỹ Truyền thông Tích hợp Sông và Lưu vực, ông Ikeuchi Koji, chỉ ra 3 cách đánh giá nguy cơ ngập lụt ở những địa phương không có bản đồ nguy cơ.

Thứ nhất, cần hiểu rằng địa hình bằng phẳng dọc sông là đồng bằng đất bồi nên rất dễ ngập lụt. Thứ hai là cần phải tìm hiểu thông tin về thiệt hại đã từng xảy ra do ngập lụt. Và cuối cùng là sử dụng bản đồ nguy cơ ngập lụt của chính quyền địa phương.

Ông Ikeuchi cảnh báo rằng, nơi nào có nguy cơ sông tràn bờ thì nơi đó cũng có nguy cơ bị ngập lụt đô thị.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/7/2023)

(4) Những điều cần lưu ý

Khi xảy ra hiện tượng ngập lụt ở đô thị, các khu tầng hầm, khu mua sắm và bãi đỗ xe ngầm sẽ nhanh chóng bị ngập. Người dân có thể gặp khó khăn khi sơ tán do không thể mở cửa vì áp lực nước hoặc do nước chảy xiết ở cầu thang.

Người dân cũng sẽ gặp khó khăn trong việc leo cầu thang ngược dòng nước do áp lực nước ở độ sâu 50cm là khoảng 100kg. Trẻ em sẽ khó có thể mở cửa nếu mực nước bên ngoài là 10cm, còn đối với người lớn là 30cm.

Đã có một số trường hợp tử vong khi bị kẹt do ngập lụt đô thị. Câu hỏi đặt ra là cần làm gì khi xảy ra hiện tượng này.

Điều quan trọng nhất là phải sơ tán sớm. Tùy thuộc vào tình hình, việc sơ tán lên những tầng cao hơn cũng rất quan trọng. Nếu các con đường xung quanh tòa nhà đều bị ngập, về cơ bản thì bạn nên sơ tán lên tầng 2 hoặc những tầng cao hơn của một tòa nhà vững chắc. Nên có một chỗ trú an toàn cho đến khi xác nhận được rằng mưa đã ngừng hoặc nước đã rút.

Khi ở dưới lòng đất, bạn sẽ không thể quan sát biến chuyển của thời tiết. Nếu có mưa lớn, bạn cần thường xuyên kiểm tra thông báo thời tiết, cũng như rời khỏi các khu vực ngầm nếu cảm thấy lo lắng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/7/2023)

(5) Rủi ro có thể gặp phải khi lái xe

Khi lũ lụt xảy ra ở các khu vực đô thị, chúng ta nên đặc biệt cẩn thận với những đoạn đường hầm, đường đi qua phía dưới đường cao tốc hoặc đường sắt. Những con đường như vậy thường ở vùng trũng thấp, vì vậy nước nhanh chóng chảy vào đó và tích tụ lại. Đã có nhiều vụ tai nạn khi ô tô bị chìm dưới nước tại những nơi như vậy. Trên một con đường ngập nước, nếu mực nước cao đến 30 cm thì có thể xâm nhập vào bên trong xe khiến động cơ ngừng hoạt động. Trong tình huống như vậy, có thể cửa xe không thể mở được do áp lực nước, hoặc do vấn đề hệ thống điện mà không thể mở được cửa sổ.

Khi trời mưa lớn, ta nên tránh đường hầm và sử dụng các tuyến đường khác thay thế. Chúng ta cũng nên chuẩn bị một chiếc búa nhọn trong xe để phá vỡ cửa sổ trong trường hợp xe bị ngập.

Một số thành phố đã công bố vị trí của các địa điểm bị ngập trong quá khứ và những đường hầm nguy hiểm, kêu gọi mọi người chú ý. Chúng ta nên kiểm tra trang web của các thành phố nơi mình sống hoặc khi đi làm hoặc đi học.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/7/2023)

(6) Tránh mắc kẹt trong gầm cầu đường

Thành phố Suzuka, tỉnh Mie, đã ký hợp đồng với tổ dân cư tự quản trên địa bàn, ủy thác cho tổ dân cư giám sát gầm cầu đường và báo cho thành phố khi có sự cố hay tai nạn. Nếu phát hiện ngập nước, tổ tự quản sẽ tạm thời chặn lối vào và đợi giới chức thành phố đến. Có 14 gầm cầu đường được giám sát theo hợp đồng như thế này. Giới chức thành phố cho biết sự tham gia của người dân giúp kịp thời phát hiện sự cố và nắm bắt tình hình.

Tiếp theo, xin giới thiệu một thiết bị tự động chặn lối vào gầm cầu đường khi bị ngập nước để ngăn xe cộ qua lại. Một nhà sản xuất thiết bị an toàn giao thông ở thành phố Amagasaki, tỉnh Hyogo, chế tạo hệ thống rào chắn như phao tự động. Theo đó, khi cảm biến phát hiện có nước ngập thì hệ thống tự động bơm không khí cho phao hình trụ căng phồng lên, chặn phía trước gầm cầu đường để ngăn người và xe đi vào. Phao mềm nên ngay cả khi người đi bộ hoặc phương tiện va vào cũng không bị thương. Tính đến cuối tháng 3 năm 2023, thiết bị này đã được sử dụng tại khoảng 160 địa điểm trên cả nước.

Khi có mưa lớn, chúng ta hãy tránh đi vào gầm cầu đường để bảo toàn tính mạng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/7/2023)

(7) Ngăn chặn thiệt hại do ngập lụt ở đô thị

Tại các đô thị có nhiều đường nhựa, đã xảy ra nhiều trường hợp nước mưa làm ngập công trình thoát nước. Ở Tokyo đông dân cư, các biện pháp đang được thực hiện để ngăn chặn thiệt hại do ngập lụt kiểu này.

Ví dụ, ở quận Suginami có một cơ sở dưới lòng đất để đối phó với mưa lớn. Đó là hồ điều tiết ngầm của Sông Kanda/Đường vành đai số 7, nằm ở độ sâu 43 mét dưới lòng đất. Đây là đường hầm khổng lồ có đường kính 12,5 mét và dài 4,5 km. Một số con sông chính ở thủ đô giao với đường hầm này trên mặt đất, trong đó có sông Kanda chảy qua trung tâm Tokyo và từng nhiều lần bị tràn bờ. Khi nước sông dâng lên quá một mức nhất định, nước sẽ được hút xuống hồ điều tiết, nhờ đó ngăn được thiệt hại trên mặt đất. Hồ điều tiết ngầm này có sức chứa tương đương với 1.800 bể bơi dài 25 mét.

Ngoài cơ sở như thế này còn có những công viên, sân tennis và sân trường được xây dựng với nền thấp hơn mặt đất để sử dụng làm hồ chứa nước trong trường hợp lũ lụt.

Ngoài ra, chính quyền Thủ đô Tokyo có kế hoạch từ nay đến giữa những năm 2040 sẽ lắp đặt cửa chớp ở lối vào ga tàu điện ngầm để ngăn nước tràn vào đường hầm. Kinh phí cho dự án này dự kiến khoảng 30 tỷ yên, công tác xây dựng đã bắt đầu ở một số khu vực.

Các khu vực đô thị dễ bị ngập lụt, khi có dự báo mưa lớn cần sớm thực hiện các biện pháp phòng tránh.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/7/2023)