Giải đáp ứng phó thảm họa

Những việc cần làm khi bị cúp nước

(1) Khóa van chính

Tại Nhật Bản, nguồn nước máy sạch luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, người dân phải đối mặt với nhiều bất tiện khi động đất hoặc thiên tai gây ra tình trạng mất nước. NHK giới thiệu loạt bài cung cấp thông tin về cách xử lý khi mất nước.

Khi xảy ra tình trạng mất nước, bước đầu tiên cần thực hiện là khóa van chính. Việc này sẽ giúp ngăn nước bùn chảy vào đường ống trong nhà. Trong các đợt thiên tai trước đây đã từng có trường hợp nước bùn chảy vào đường ống trong nhà khiến nhà vệ sinh hay máy đun nước nóng bị hỏng.

Tại các hộ gia đình, van nước chính thường được lắp bên cạnh đồng hồ nước, được đặt trong khuôn viên nhà, bên trong một hộp có nắp che bằng nhựa hoặc kim loại.

Đồng hồ nước của chung cư và các căn hộ nhỏ cho thuê có thể nằm ở những vị trí khác nhau. Đối với các khu chung cư, đồng hồ nước thường được lắp trong một hộp kín cạnh cửa ra vào của mỗi căn hộ.

Trong các khu căn hộ nhỏ cho thuê, đồng hồ nước có thể được lắp đặt cạnh mỗi căn hộ, hoặc ở ngoài hành lang hay khu vực chung. Đồng hồ nước của nhiều căn hộ có thể nằm cùng 1 chỗ, do đó cần kiểm tra số phòng xem có đúng là đồng hồ của nhà mình không trước khi khóa van.

Để khóa van, cần xoay van theo chiều kim đồng hồ, còn mở van theo chiều ngược lại. Ngoài ra có thể khóa thêm van nước nhà vệ sinh, máy nước nóng và máy giặt để đảm bảo an toàn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/5/2024)

(2) Nhà vệ sinh

Khi đường ống nước thải bị vỡ do động đất và các nguyên nhân khác, nước thải có thể trào ngược sau khi xả bồn cầu. Nếu không chắc chắn liệu có thể sử dụng nhà vệ sinh hay không, chúng ta nên trao đổi về tình trạng hệ thống thoát nước với thợ sửa ống nước hoặc hiệp hội quản lý nhà cho thuê.

Khi không chắc có thể xả nước bồn cầu hay không hoặc thấy nước bị cắt, chúng ta nên sử dụng bồn cầu khẩn cấp. Nếu không có loại bồn cầu này, chúng ta có thể tạm chế một bộ dụng cụ đơn giản có thể dùng để đi vệ sinh.

Sau đây là cách làm. Trước hết, dùng túi ni-lông cỡ lớn bịt bồn cầu lại. Bọc thêm một túi ni-lông nữa để làm thành hai lớp. Sau đó, đặt bỉm, miếng lót vệ sinh cho thú cưng hoặc bất kỳ vật thấm nước nào vào giữa. Nếu không có bồn cầu, hãy làm một chiếc hộp bằng tấm bìa cứng dày và chắc chắn, rồi cắt một lỗ ở giữa mặt trên của hộp. Chúng ta cũng có thể dùng xô để thay thế. Tuy nhiên không nên ngồi trực tiếp lên xô hoặc hộp bìa cứng để tránh vỡ sụp.

Chúng ta cũng có thể vò nát báo thay cho bỉm và miếng lót vệ sinh thú cưng. Tuy vậy, báo ít thấm nước hơn, do đó kém vệ sinh hơn và cần được thay thường xuyên. Khi vứt bỏ bộ dụng cụ này, hãy buộc kín và vứt theo hướng dẫn xử lý rác thải của chính quyền nơi mình sinh sống.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/5/2024)

(3) Nên mang gì đến trạm cấp nước

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị bình đựng nước có miệng rộng. Do vòi của xe cấp nước to hơn so với vòi nước thông thường, nên bạn có thể tiết kiệm được thời gian lấy nước và nước không bị chảy ra ngoài nếu có bình đựng nước miệng rộng.

Trước khi đến điểm cấp nước, bạn cũng nên tính trước về việc sẽ mang bình chứa đầy nước về nhà thế nào, do bình càng chứa nhiều nước thì sẽ càng nặng hơn. Nếu phải đi bộ về nhà thì bạn nên mang theo ba lô, túi có quai hoặc xe đẩy để không bị đau lưng. Nếu dùng ba lô thì bạn nên cho một túi nhựa to vào trong. Hãy đảm bảo thắt chặt miệng túi sau khi lấy đầy nước. Nếu muốn cảm thấy an toàn hơn nữa thì bạn nên dùng 2 túi nhựa lồng vào nhau.

Theo tin tức, cũng đã có nhiều trạm cấp nước dành cho người đi xe ô tô. Bạn chỉ cần lái xe đến trạm sẽ có nhân viên hỗ trợ đổ nước vào bình.

Bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin về địa điểm và thời gian cấp nước của các trạm trên các trang web liên quan của chính quyền địa phương.

Ở trạm cấp nước, bạn nên làm theo chỉ dẫn của nhân viên phụ trách.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/5/2024)

(4) Chăm sóc trẻ em

Các chuyên gia khuyên mọi người nên tắm cho trẻ sơ sinh hàng ngày vì da của trẻ có tốc độ trao đổi chất cao, dễ tiết ra nhiều mồ hôi và chất nhờn. Khi không có nước, việc tắm cho trẻ cũng trở nên khó khăn hơn. Trong trường hợp này, dùng xà phòng tắm dạng bọt cũng có hiệu quả. Thông thường, cần ít nhất khoảng 10 lít nước để tắm sạch sẽ cho trẻ. Tuy nhiên, khi nguồn nước sạch bị hạn chế, có thể dùng một ít nước lấy từ các trạm cấp nước rồi vệ sinh phần mông, đầu, cổ và mặt cho trẻ, chứ không cần tắm hết cả người.

Trước hết, đặt trẻ nằm trên một tấm trải không thấm nước hoặc khăn tắm. Tiếp theo, tắm sơ bằng nước ấm rồi dùng xà phòng vệ sinh các bộ phận nói trên, sau đó tráng lại bằng nước sạch cho hết xà phòng. Cuối cùng, lau khô rồi thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ để phòng ngừa các bệnh về da hoặc nổi mẩn ngứa.

Tiếp theo là cách pha sữa cho trẻ khi không có nhiều nước. Nếu không vệ sinh được bình sữa thì có thể dùng cốc giấy mà vẫn đảm bảo sức khoẻ. Trước hết, sát khuẩn tay bằng cồn và đun sôi nước, chẳng hạn bằng bếp di động. Cho một ít nước sôi vào bình giữ nhiệt, còn một ít cho vào cốc rồi để nguội. Cho nước nóng vào khoảng 1/3 cốc giấy, rồi cho sữa bột vào hòa tan, sau đó thêm nước đã để nguội vào. Nên pha nhiều sữa hơn bình thường một chút vì trẻ dễ làm rớt sữa ra ngoài khi uống bằng cốc.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/5/2024)

(5) Đề phòng nước thải trào ngược

Trong trường hợp xảy ra lũ lụt, bên cạnh việc bị mất nước thì cũng cần chú ý đến hiện tượng nước thải trào ngược. Hiện tượng này xảy ra khi ngôi nhà bị ngập, dẫn đến nước trong đường ống cống chảy ngược. Khi nước thải chảy ngược vào bồn tắm, bồn vệ sinh hay máy giặt thì việc dọn dẹp trở nên rất khó khăn. Vi khuẩn và vi-rút có thể gây bệnh, và kể cả đã dọn thì mùi hôi có thể đọng lại lâu.

Để đề phòng nước thải trào ngược, bạn có thể sử dụng túi nước làm từ túi nhựa lớn đựng rác, có sẵn trong nhà. Hãy lồng 2 túi nhựa vào nhau và đổ nước đầy một nửa. Sau đó hãy ép hết không khí ra ngoài và buộc chặt. Để đề phòng bồn cầu trào ngược, hãy bọc bồn cầu bằng một túi nhựa không, rồi để túi nước lên trên. Đây là phương pháp được chính phủ và chính quyền địa phương khuyên dùng.

Khi có quan ngại về lũ lụt thì cần chuẩn bị ứng phó càng sớm càng tốt. Nếu bạn nghe thấy tiếng sủi bọt từ nhà vệ sinh hoặc ngửi thấy mùi hôi thì hãy đặc biệt lưu ý vì đó là lúc có nguy cơ xảy ra nước thải trào ngược. Bên cạnh bồn vệ sinh thì bạn cũng cần chú ý đến ống thải trong nhà. Hãy đặt túi nước lên trên đường ống nước thải của bồn rửa mặt, máy giặt, bồn rửa ở bếp và các nơi khác để đề phòng nước thải trào ngược.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 24/5/2024)