Giải đáp ứng phó thảm họa

“Phase-free” trong ứng phó thảm họa

Phần 1: “Phase-free” là gì?

Trong loạt bài về ứng phó thảm họa lần này, chúng tôi nói về sản phẩm và cơ sở vật chất được phát triển theo khái niệm “phase-free”, tiếng Anh nghĩa là không phân biệt thời điểm bình thường hay thời điểm khẩn cấp. Đây là ý tưởng nhằm sử dụng đồ dùng hằng ngày cả trong tình huống khẩn cấp.

Trong những năm gần đây, khái niệm “phase-free” ngày càng được quan tâm.

Một ví dụ điển hình là “tích trữ cuốn chiếu”, nghĩa là khi mua thực phẩm và đồ dùng hằng ngày thì chúng ta nên mua nhiều hơn 1 chút để có cái sử dụng ngay trong trường hợp có thảm họa.

Một ví dụ nữa là những vật dụng dã ngoại để leo núi hoặc cắm trại cũng có thể được xem là đồ dùng “phase-free” vì sẽ được dùng đến ở những nơi không có điện và gas khi bị thảm họa.

Khảo sát do 1 công ty tư nhân thực hiện cho thấy có khoảng 40% hộ gia đình ở Nhật không hề tích trữ đồ dùng đề phòng thiên tai.
Phó giáo sư Hada Yasunori của Đại học Yamanashi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị đồ dùng một cách hợp lý để làm sao vừa có thể dùng hằng ngày, lại vừa có thể sử dụng khi có thảm họa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/6/2023).

Phần 2: Chuẩn bị cho thảm họa bằng “tích trữ cuốn chiếu”

Trong trận động đất Kumamoto năm 2016, phải mất 15 ngày thì nguồn điện, khí đốt và nước mới được khôi phục ở các khu vực bị ảnh hưởng. Chính phủ Nhật Bản khuyến cáo mọi người nên tích trữ các nhu yếu phẩm đủ dùng trong vòng một tuần để chuẩn bị cho thảm họa lớn. Tuy nhiên, việc này khá khó khăn do số lượng vật phẩm nhiều và một số vật phẩm có thể hết hạn. Biện pháp “tích trữ cuốn chiếu” là nhằm giải quyết vấn đề này.

Theo biện pháp này, khi đi mua sắm, người dân nên mua thực phẩm nhiều hơn một chút so với lượng cần dùng cho bản thân và gia đình. Nên sử dụng những vật phẩm hết hạn trước, và ngay sau đó mua bổ sung để thay thế. Tích trữ cuốn chiếu là một vòng lặp của việc mua, tích trữ và sử dụng.

Bạn sẽ có thể giữ lượng thực phẩm tích trữ vừa đủ bằng cách sử dụng những thực phẩm đã tích trữ mỗi ngày. Đảm bảo rằng bạn luôn có rau, trái cây, nước uống và lương thực. Lý do là bởi trong thảm họa, sẽ khó có thể có được vitamin và chất khoáng. Sẽ không thể biết trước bao giờ thì mới có viện trợ trong trường hợp có thảm họa lớn. Tích trữ cuốn chiếu là một cách hiệu quả để đảm bảo bạn có thể sinh tồn mà không cần hỗ trợ trong vòng 1 tuần.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/6/2023).

Phần 3: Các vấn đề cần lưu ý khi dự trữ đồ cần thiết

Khi một cơn bão đổ bộ vào tỉnh Chiba vào năm 2019, gió mạnh đã làm đổ nhiều cột điện, gây mất điện đối với 640.000 hộ gia đình. Người dân đã phải chịu mất điện trong một thời gian cho đến khi điện được phục hồi.

Tuy nhiên, sau đó, người ta phát hiện ra rằng hơn một nửa trong số 250 máy phát điện được chính quyền tỉnh lưu trữ để chuẩn bị cho thiên tai đã không được sử dụng. Những máy phát điện này được lưu trữ để cho thuê trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của các đô thị, nhưng chính quyền địa phương không nắm được sự tồn tại của những máy phát điện này.

Một trường hợp tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Shizuoka. Một cơn bão nhiệt đới với lượng mưa kỷ lục trong năm 2022 khiến khoảng 63.000 hộ gia đình bị cắt đứt nguồn cung cấp nước trong gần hai tuần. Các xe tải nước được cử đến để cung cấp cho dân chúng nhưng sau đó người ta phát hiện ra rằng một bể nước dự trữ cho các trường hợp khẩn cấp đã không được sử dụng vì cư dân không được biết về bể nước này.

Như vậy chúng ta thấy trong những trường hợp nói trên, các cơ sở và thiết bị được lưu trữ tại địa phương cho các mục đích khẩn cấp lại trở nên vô dụng vì người dân không biết về sự tồn tại của chúng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/6/2023).

Phần 4: Hàng hóa kiêm thực phẩm cho người sơ tán

Thực phẩm dự trữ đề phòng khẩn cấp khi hết hạn ghi trên bao bì thì cần thay bằng thực phẩm mới hơn. Trong một số trường hợp, chúng bị bỏ đi mà không được sử dụng. Tuy nhiên, nếu thay thế thường xuyên và lúc nào cũng có thể dùng ngay thì sẽ dễ dàng sử dụng khi xảy ra thảm họa.

Xuất phát từ cách nghĩ này, trạm dừng nghỉ ven đường “Kurukuru Naruto” ở tỉnh Tokushima áp dụng một hệ thống độc đáo. Kể từ khi khai trương vào tháng 4 năm 2022, cơ sở du lịch này bán đặc sản địa phương và hải sản tươi sống và thu hút nhiều du khách. Hàng hóa bày bán ở đây sẽ trở thành thực phẩm cho những người sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Cơ sở này đã áp dụng khái niệm “phase-free” và chủ động dự trữ thêm thực phẩm, trừ thực phẩm dễ hỏng.

Khu vực mua sắm rộng rãi, có thể dự trữ lượng hàng đủ cung cấp cho khoảng 1.000 người sơ tán trong 3 ngày.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 23/6/2023).

Phần 5: Chuẩn bị cơ sở hấp dẫn có thể được sử dụng làm nơi sơ tán

Hiện nay, nhiều loại sản phẩm và cơ sở mới đang được phát triển theo khái niệm “Phase-free”, tiếng Anh nghĩa là không phân biệt thời điểm bình thường hay thời điểm khẩn cấp. Hôm nay, chúng ta cùng xem xét một cơ sở du lịch hấp dẫn có thể được sử dụng làm nơi sơ tán trong trường hợp thảm họa.

Công viên trên sân thượng của một cơ sở du lịch ở tỉnh Tokushima được thiết kế để tiếp nhận người sơ tán trong trường hợp có sóng thần xảy ra. Trường hợp một trận động đất lớn xảy ra dọc theo Rãnh Nankai ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản thì tại cơ sở nằm cách bờ biển khoảng 6 km này, nước có thể dâng cao tới 3 mét.

Khu vực sân thượng này được mở cửa cho công chúng 24/7, không phụ thuộc vào giờ làm việc của cơ sở.

Một đường dốc trồng cỏ được lắp đặt để dẫn lên tầng thượng. Bình thường mọi người có thể vui vẻ trượt từ trên tầng thượng xuống nhưng trong trường hợp khẩn cấp, các phương tiện giao thông có thể sử dụng đường dốc này để tiếp cận địa điểm sơ tán.

Mục đích của công viên này là thu hút mọi người đến vui chơi. Những dụng cụ vui chơi ở đây được thiết kế vui mắt để mọi người có thể chụp ảnh kỷ niệm. Chính quyền địa phương hy vọng rằng người dân sẽ quen thuộc với địa điểm này và nhớ rằng có thể sơ tán tới đây trong trường hợp khẩn cấp.

Các cộng đồng địa phương trên khắp Nhật Bản đang vận hành các cơ sở du lịch tương tự. Những địa điểm này đã tỏ ra hữu ích trong trận đại động đất và sóng thần năm 2011 ở đông bắc Nhật Bản vì ở đó có bãi đậu xe rộng rãi, nguồn cung cấp nước và thực phẩm và nhà vệ sinh. Các chính quyền địa phương đang nỗ lực cải tiến những cơ sở này để có ích hơn trong trường hợp xảy ra thảm họa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/6/2023).

Phần 6: Khách sạn “phase-free”

Đây là khách sạn có phòng làm bằng container ở tỉnh Chiba phục vụ khách đi ô tô đến tỉnh công tác. Tuy nhiên khi xảy ra thảm họa, phòng khách sạn có thể được đưa đến khu vực bị ảnh hưởng để dùng làm nơi lánh nạn hoặc cơ sở y tế dã chiến. Trong phòng có bàn và buồng tắm lắp đặt hoàn chỉnh, giống hệt với phòng khách sạn bình thường. Tuy vậy, phòng được làm bằng container chở hàng và có bánh xe ở dưới, giống 1 ngôi nhà di động nên có thể dễ dàng dùng xe tải kéo đi bất cứ chỗ nào.

Đơn vị quản lý khách sạn này trước đây là công ty sản xuất container và kinh doanh dịch vụ cho thuê container để chứa đồ. Sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, quản lý khách sạn nhận thấy rằng ở nơi lánh nạn rất thiếu không gian riêng tư nên đã bắt đầu dùng container làm chỗ ở tạm thời cho người lánh nạn. Sau đó, ý tưởng được chuyển thành kinh doanh khách sạn.

Hiện nay, công ty này quản lý các khách sạn container tại 60 địa điểm ở khắp Nhật Bản. Trong thời gian đại dịch vi-rút corona, khách sạn được cho các địa phương thuê làm địa điểm xét nghiệm PCR hoặc làm chỗ nghỉ ngơi cho nhân viên y tế. Công ty đồng ý ưu tiên cho chính quyền ở 108 địa phương thuê khách sạn container trong trường hợp xảy ra thảm họa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/6/2023).

Phần 7: Đồ dùng ứng phó thảm họa

Gần đây có nhiều sản phẩm theo khái niệm “phase-free” đang được phát triển.

Một ví dụ là cốc giấy đa năng có đánh dấu thang đo. Khi sơ tán, cốc này sẽ có ích cho người muốn uống thuốc hoặc pha sữa bột cho trẻ em.

Các sản phẩm khác bao gồm bút bi sử dụng mực áp suất, có thể viết khi hướng lên trên và viết trên giấy ẩm.

Một món đồ khác là ba-lô có gắn sẵn còi ở khóa dây đeo vai. Trong trường hợp khẩn cấp, người dùng có thể dùng còi để tạo ra âm thanh lớn lan rộng.

Và cuối cùng, khăn furoshiki hình vuông thường được dùng để gói đồ cũng rất hữu ích trong trường hợp xảy ra thảm họa. Khăn có thể được gấp lại thành túi nhỏ đeo ở thắt lưng để đựng đồ có giá trị, và dùng để trùm đầu hay che miệng khi có bụi. Ta cũng có thể dùng khăn thay cho địu trẻ em hoặc trải ra để ngồi khi sàn nhà lạnh. Loại khăn này nên được cầm theo mọi lúc vì chúng rất gọn nhẹ.

Những vật dụng này không nên được cất đi cho đến khi có thảm họa. Chúng ta nên sử dụng chúng hằng ngày để có thể dùng chúng lập tức khi xảy ra thảm họa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/6/2023).

Phần 8: Trường học “phase-free”

Một số trường học ở Nhật Bản bắt đầu triển khai mô hình “phase-free” vào các lớp học. Trong số này có một trường tiểu học ở thành phố Naruto thuộc tỉnh Tokushima, miền Tây Nhật Bản. Trong tiết thể dục ở trường, học sinh tập luyện cách tránh các chướng ngại vật là những quả bóng màu đỏ khi đi thăng bằng trên thanh ngang. Khi giáo viên hỏi điều gì sẽ xảy ra khi các em giẫm phải những thứ nguy hiểm rơi xuống khi xảy ra động đất, một học sinh trả lời: “Có thể sẽ bị đứt chân và chảy máu”. Một em khác nói: “Em có thể bị thương”. Việc tập luyện như vậy có thể giúp các em nhận thức được nên làm gì khi xảy ra thảm họa thiên nhiên.

Trong tiết toán, các em được học cách so sánh tốc độ của sóng thần với tốc độ chạy của đà điểu và hươu cao cổ. Sau khi tính toán, các em sẽ biết được rằng sóng thần di chuyển với tốc độ 10 m/giây, nghĩa là chỉ mất 5 giây để di chuyển được 50 m. Học sinh sẽ nhận ra rằng sau khi sóng thần ập đến mới bắt đầu sơ tán là quá muộn do các em biết mất bao lâu để chạy 50 m trong tiết thể dục. Bằng cách này, học sinh có thể biết được sóng thần di chuyển nhanh như thế nào.

Tất cả các trường mẫu giáo, tiểu học và trường cấp 2 ở thành phố Naruto đều đưa khái niệm “phase-free” vào chương trình giảng dạy.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/6/2023).