Giải đáp ứng phó thảm họa

Cách đảm bảo an toàn trong hỏa hoạn sau động đất

Phần 1: 90% nạn nhân động đất Kanto 1923 là do hỏa hoạn

Năm 2014, Ủy ban Nghiên cứu Động đất của chính phủ Nhật Bản cho biết có 70% khả năng xảy ra động đất lớn ở Tokyo trong 30 năm tới. Trong trường hợp xảy ra động đất ở thành phố lớn thì sẽ có hỏa hoạn.

Chính quyền thủ đô Tokyo ước tính trong trường hợp xảy ra động đất lớn, chỉ tính riêng tại Tokyo sẽ có khoảng 112.000 tòa nhà có thể gặp hỏa hoạn. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài về làm thế nào để đảm bảo an toàn trong hỏa hoạn sau động đất.

Trong trận đại động đất Kanto ngày 1/9/1923, có khoảng 105.000 người thiệt mạng hoặc mất tích. Có khoảng 92.000 người, tức khoảng 90 phần trăm nạn nhân, được cho là thiệt mạng do hỏa hoạn.

Thời kỳ đó khí gas và dầu hỏa chưa phổ biến nên tại thời điểm trận động đất xảy ra vào khoảng trưa thứ Bảy, người dân đang nấu cơm bằng than củi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ hỏa hoạn bùng lên đồng thời. Ngoài ra, có một cơn bão trên Biển Nhật Bản, khiến gió nam thổi mạnh tại Tokyo và làm đám cháy lan rộng. 

Bên cạnh đó, các nhân viên cứu hỏa không thể dập tắt đám cháy vì trận động đất đã phá hủy mạng lưới cấp nước của thành phố. Một nguyên nhân khác là do nhà ở Tokyo nằm sát nhau và đều làm bằng gỗ, khiến ngọn lửa lan nhanh. Người dân đi sơ tán cũng mang theo đồ đạc dễ bén lửa, dẫn đến ngọn lửa lan rộng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/6/2023).

Phần 2: Hậu quả khủng khiếp của hỏa hoạn sau trận động đất Hanshin-Awaji 1995

Vào ngày 17/1/1995, xảy ra trận đại động đất đầu tiên trong lịch sử quan trắc ghi nhận chấn độ 7, cao nhất trên thang chấn độ từ 0 đến 7 của Nhật Bản. Trong số 6.434 nạn nhân, không ít người đã thiệt mạng do mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập hay trong biển lửa. Trận động đất gây ra khoảng 290 đám cháy, phá hủy hoàn toàn hơn 7.000 tòa nhà.

Đặc điểm nổi bật nhất của những đám cháy này là xảy ra đồng thời ở nhiều địa điểm. Các tòa nhà bị sập dễ dàng bắt lửa, khiến ngọn lửa bùng phát gần như khắp nơi. Do tắc nghẽn giao thông cũng như các đống đổ nát chặn đường, nên đội cứu hỏa gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nơi có cháy. Cư dân địa phương và đội cứu hỏa tình nguyện đã cố gắng hết sức để dập lửa. Tuy nhiên, không có đủ nước để chữa cháy vì nguồn cung bị cắt do động đất. Ngọn lửa bùng lên dữ dội trong đêm. Phải đến ba ngày sau mới dập tắt được toàn bộ các đám cháy.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/6/2023).

Phần 3: Ước tính thiệt hại hỏa hoạn sau động đất lớn ở Tokyo

Chính phủ dự đoán rằng 1 trận động đất lớn có thể khiến số người thiệt mạng lên tới 23.000 người, đồng thời cũng sẽ gây thiệt hại kinh tế lên đến 95 nghìn tỷ yên (khoảng 680 triệu đôla).

Nếu Tokyo động đất mạnh thì hỏa hoạn lớn sẽ lập tức xảy ra. Theo ước tính mà chính quyền thủ đô Tokyo công bố vào tháng 5/2022, nếu 1 trận động đất mạnh (M) 7,3 xảy ra vào chiều tối mùa đông và nếu gió thổi khoảng 29km/giờ, thì sẽ có khoảng 112.000 ngôi nhà ở Tokyo bị cháy.  

Cũng theo ước tính, số người thiệt mạng do động đất sẽ là 6.148 người, trong đó 2.482 người (khoảng hơn 40%) thiệt mạng vì hỏa hoạn. Dự đoán rằng hỏa hoạn có thể không lan rộng ở những khu vực có nhiều nhà bê-tông cao tầng nằm phía trong tuyến đường sắt Yamanote chạy quanh trung tâm Tokyo. Tuy nhiên ở phía đông và phía tây của tuyến này, nhiều tòa nhà sẽ gặp hỏa hoạn do vô số khu dân cư quanh đó có nhà làm bằng gỗ.  

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/6/2023).

Phần 4: Hỏa hoạn bùng phát đồng thời sau động đất

Theo dự đoán của chính phủ Nhật Bản, một trận động đất mạnh khoảng 7 độ magnitude xảy ra ở Tokyo và vùng lân cận sẽ gây ra khoảng 2.000 đám cháy bùng phát đồng thời tại các khu dân cư. Trong số này sẽ có khoảng 600 đám cháy không thể dập tắt được và lan ra thành các vụ hỏa hoạn lớn.

Các vụ hỏa hoạn như vậy đặc biệt dễ xảy ra ở những khu vực có nhà bằng gỗ xây dựng dày đặc. Đường đi ở các khu này thường nhỏ hẹp, dễ khiến đám cháy lan sang các căn hộ lân cận.

Tại Tokyo, những khu vực có nhà gỗ sát nhau được xây dựng xung quanh trung tâm thành phố chiếm tổng diện tích 13.000 ha. Sở cứu hỏa Tokyo tiến hành mô phỏng để tìm hiểu xem hỏa hoạn bùng phát từ một ngôi nhà sẽ lan sang những căn nhà khác như thế nào tại một khu dân cư ở quận Suginami, nơi tập trung rất nhiều nhà gỗ. Kết quả cho thấy nếu không được dập tắt từ đầu, đám cháy có thể lan sang 13.000 ngôi nhà trong 76 giờ sau khi bùng phát.

Trong một nghiên cứu của Đại học Tokyo, những ngôi nhà có thể bị hư hại từ cùng một đám cháy được gọi là “Khu nhà cùng chung số phận khi có hỏa hoạn”. Nghiên cứu này cho thấy ở thủ đô của Nhật Bản có 70 khu vực như vậy, trong đó mỗi khu có ít nhất 3.000 căn nhà.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/6/2023).

Phần 5: Bão lửa là gì?

Bão lửa là một loại xoáy lửa xuất hiện sau khi có hỏa hoạn. Có hai loại, xoáy lửa có và không có ngọn lửa.

Các xoáy lửa có ngọn lửa có lúc có thể cao tới hơn 200 mét, dẫn đến một cơn lốc xoáy lửa khổng lồ với những cơn gió dữ dội có thể nhổ bật nhà cửa, thổi bay người, và thậm chí có thể đốt cháy toàn bộ khu vực có hỏa hoạn. Bão lửa có thể làm tàn lửa phân tán trên một khu vực rộng lớn, khiến đám cháy mở rộng đến cả những nơi vốn không bị hỏa hoạn từ ban đầu. 

Các xoáy lửa không có ngọn lửa cũng nguy hiểm và có thể gây thiệt hại nghiêm trọng. Loại xoáy này có thể phát triển thành một cơn lốc xoáy màu đen, bởi những cơn gió mạnh của nó hút theo cát bụi và khói.

Sau các đám cháy lớn, bão lửa được cho là sinh ra do ảnh hưởng giữa dòng khí hướng lên trên và gió ở xung quanh. Khi có đám cháy lớn xảy ra thì có khả năng xảy ra cơn bão lửa giống như cơn lốc xoáy đen ở phía luồng gió đi xuống. Loại bão lửa này có thể gây thương vong lớn đối với con người vì người ta không dễ dàng phát hiện ra hiện tượng này đang đến gần, đặc biệt là vào ban đêm khi tối trời.

Bão lửa di chuyển không giống như các đám cháy thông thường vì vậy rất khó dự báo chúng sẽ đi theo hướng nào. 

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/6/2023).

Phần 6: Lốc xoáy lửa có thể gây thiệt hại lớn

Có quan sát thấy lốc xoáy lửa lớn sau trận đại động đất ở đông bắc Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011. Ở thành phố Kesennuma thuộc tỉnh Miyagi, khi lực lượng cứu hỏa đang dập lửa sau động đất thì một ngọn lửa khổng lồ bất ngờ bùng lên.

Một lính cứu hỏa nói rằng các đồ vật bốc cháy tạo thành vòng xoáy và cuốn lên cao, giống như một con rắn to đang từ từ cuộn mình hướng lên trời.

Sau đó, các chuyên gia nhận định rằng đó là lốc xoáy lửa cao 230 mét và rộng 130 mét.

Trong Đại động đất Kanto năm 1923, có 38.000 người, tương đương khoảng 40% nạn nhân của hỏa hoạn sau trận động đất, được cho là đã thiệt mạng trong lốc xoáy lửa. Trong 34 tiếng đồng hồ kể từ sau khi trận động đất xảy ra được 1 tiếng, ghi nhận 110 lốc xoáy lửa ở Tokyo và 30 lốc xoáy lửa ở Yokohama. Có trường hợp, lốc lửa di chuyển hơn 2 km, cuốn bay người, xe và đồ gỗ trên không trung.

Cần có các biện pháp đề phòng vì lốc xoáy lửa có thể gây ra thương vong lớn ở các đô thị đông đúc như Tokyo.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/6/2023).

Phần 7: Làm thế nào để đối phó với bão lửa

Ông Shinohara Masahiko, một nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Hỏa hoạn và Thảm họa Quốc gia cho biết chúng ta hầu như chưa biết nhiều về cơ chế của bão lửa. Chính vì vậy mà hiện chưa thiết lập được biện pháp nào cả. Nhưng dựa vào những số liệu cũng như lời kể của những người đã từng trải qua kinh nghiệm trong quá khứ, ông đưa ra những lời khuyên sau đây.

– Không đến gần các khu vực có hỏa hoạn lan rộng vì ở những nơi đó có khả năng xảy ra các trận bão lửa lớn có sức gió mạnh.

– Không đến phía luồng lửa đi xuống vì đó là nơi có khả năng xảy ra lốc xoáy khói đen.

– Hãy cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo có khả năng bão lửa sắp xảy ra. Những dấu hiệu bao gồm bầu trời tối, đầy bụi bẩn và khói xoáy lên trong không khí và âm thanh dữ dội giống như khi có mưa lớn.

– Khi thấy mình ở gần có các xoáy lửa nhưng không có ngọn lửa và trông giống như khói đen, hãy chạy vào lánh nạn tại những tòa nhà vững chắc có kết cấu bê tông cốt thép và tránh xa cửa sổ kính hoặc ẩn náu đằng sau một tòa nhà và cuộn mình lại, hai tay ôm đầu gối. Đừng đứng gần xe hơi, nhà kho và cột điện vì xoáy lửa có thể thổi bay những vật này.  

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/6/2023).

Phần 8: Ứng phó khi có cháy đồng thời

Giáo sư Murosaki Yoshiteru của Đại học Hyogo là một chuyên gia về quản lý thảm họa. Giáo sư cho biết mọi người nên nhận thức rằng cháy đồng thời ở khu vực đô thị khác với cháy thông thường. Ông nói ngay sau một trận động đất lớn, rất khó xác định vị trí của đám cháy. Trong tình huống như vậy, mọi người không xác định được cần chạy theo hướng nào, nên không thể hành động nhanh chóng.

Cần cảnh giác ngay cả khi đám cháy dường như ở xa, vì cũng có thể ngọn lửa đang lan ngay bên trong những ngôi nhà xung quanh mà trông có vẻ như còn nguyên vẹn.

Ngoài hỏa hoạn, có những yếu tố khác có thể khiến việc sơ tán trở nên khó khăn. Ở những khu vực có mật độ nhà gỗ cao và lối đi hẹp, nếu có nhiều nhà cửa bị sập thì sẽ khó di chuyển. Nhiều người sẽ đổ xô đến một vài con đường có thể đi qua, gây ra sự hoảng loạn. Để tránh tình trạng hỗn loạn như vậy, nên khẩn trương đi đến địa điểm sơ tán theo quy định.

Có một điều cần ghi nhớ: “Nếu nhìn thấy 2 cột khói trở lên từ cách xa khoảng 500 mét, nên bắt đầu sơ tán”.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/6/2023).

Phần 9: Nơi sơ tán khi có cháy đồng thời

Ở Nhật Bản, có 2 loại địa điểm được chính quyền quy định là nơi cư dân có thể sơ tán, đó là các khu sơ tán và điểm sơ tán mở. 

Các khu sơ tán là những tòa nhà mà người dân có thể lưu trú nếu không thể ở nhà do thảm họa. Phòng thể chất của trường tiểu học và trung học, hoặc các trung tâm cộng đồng thường được chọn làm khu sơ tán.

Các điểm sơ tán mở là nơi người dân có thể tới trú ẩn khi gặp nguy hiểm đến tính mạng sắp xảy ra. Công viên lớn và khu vực bờ sông thường được chọn là các điểm sơ tán mở.

Để bảo vệ bản thân khi xảy ra hỏa hoạn đồng thời, về nguyên tắc chúng ta nên chạy tới điểm sơ tán mở. Tại các địa điểm ngoài trời quy mô lớn như vậy, chúng ta có thể tránh xa những đám cháy đang lan rộng và tự bảo vệ mình khỏi bức xạ nhiệt tỏa ra từ hỏa hoạn.

Bạn có thể gặp nguy hiểm nếu sơ tán tới sân trường học hoặc địa điểm ngoài trời có quy mô tương tự. Những địa điểm này không đủ rộng để bảo vệ bạn khỏi đám cháy đang lây lan ở gần, bởi bạn có thể hít phải khí nóng từ bức xạ nhiệt trong thời gian dài.

Hãy kiểm tra các bản đồ ứng phó thảm họa và thông tin liên quan do chính quyền địa phương cung cấp, cũng như nắm rõ các khu sơ tán và điểm sơ tán mở ở khu vực mình sinh sống.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/6/2023).

Phần 10: Không nên cố gắng về nhà sau động đất lớn

Thông thường sẽ có rất đông người ở trung tâm Tokyo vào ban ngày vì tại đây có nhiều văn phòng và nơi làm việc. Khi có động đất vào ban ngày, nhiều người sẽ đổ ra đường để về nhà. Chẳng hạn, trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản năm 2011 xảy ra vào chiều thứ Sáu. Khi đó, tàu điện ở Tokyo đã dừng hoạt động, còn hầu hết điện thoại mất tín hiệu. Ước tính ở vùng Thủ đô Tokyo, khoảng 5,15 triệu người phải đi bộ về nhà.

Tuy nhiên, hành động này có thể khiến gia tăng thiệt hại của hỏa hoạn sau động đất. Ban chuyên gia của chính phủ dự đoán nếu có động đất ở Tokyo, các đám cháy sẽ xảy ra theo vòng tròn xung quanh trung tâm Tokyo. Nhiều tòa nhà ở khu vực trung tâm xây bằng bê tông nên có khả năng chống cháy. Do đó, các chuyên gia cho rằng tại đây sẽ có ít đám cháy lớn. Tuy nhiên, khi những người ở trung tâm bắt đầu tỏa ra các hướng để về nhà, họ có thể gặp phải các đám cháy trên đường đi. Chính phủ khuyến cáo nếu đang ở trong các công trình kiên cố ở trung tâm Tokyo hoặc những nơi khác, người dân nên ở yên tại chỗ thay vì mạo hiểm đi về nhà.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/6/2023).

Phần 11: Phòng chống cháy nổ liên quan đến điện

Hỏa hoạn liên quan đến điện gây ra thiệt hại lớn trong các trận đại động đất. Trong đại động đất Hanshin-Awaji hồi tháng 1 năm 1995, 60% các vụ hỏa hoạn là có liên quan đến điện.

Hơn một nửa số vụ hỏa hoạn trong đại động đất Đông Nhật Bản năm 2011 cũng có nguyên nhân tương tự.

Ví dụ, rung chấn lớn có thể làm đồ đạc di chuyển và tiếp xúc với lò sưởi điện, sau đó bắt lửa. Dây điện bị hỏng cũng có thể phát ra tia lửa điện khi có điện trở lại. Nếu hỏa hoạn xảy ra khi không có ai ở nhà, có thể gây thiệt hại lớn cho những căn nhà xung quanh.

Để phòng ngừa cháy nổ do điện, chúng ta nên làm như sau:

– Khi có rung chấn mạnh, cần nhanh chóng tắt các thiết bị điện và rút phích cắm.
– Ngắt cầu dao chính khi đi sơ tán.
– Lắp đặt cầu chì có cảm biến động đất, để có thể tự động ngắt điện khi có rung nhất ở mức độ nhất định.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/6/2023).

Phần 12: Hạn chế thiệt hại nhờ dập lửa sớm

Nếu có thể dập lửa sớm thì sẽ hạn chế thiệt hại rất nhiều. Khi xảy ra động đất lớn, xe cứu hỏa có thể không tiếp cận được nơi có hỏa hoạn và nguồn cung nước cũng có khả năng bị gián đoạn.
Có ba điểm cần lưu ý khi xử lý giai đoạn đầu của đám cháy ở trong nhà.
Đầu tiên, đảm bảo an toàn của bản thân là ưu tiên hàng đầu trong động đất. Ngay cả khi có đồ đạc bắt lửa nhưng ngọn lửa nhỏ, thì chúng ta có thể chờ rung chấn giảm bớt rồi mới dập lửa.
Thứ hai, hãy kêu to để cảnh báo hỏa hoạn cho những người ở gần đó cũng như kêu gọi giúp đỡ.
Thứ ba, hãy tự lượng sức mình khi tự dập lửa. Nếu trần nhà bắt lửa thì ngọn lửa sẽ lan rất nhanh. Do đó, khi ngọn lửa bốc cao ngang tầm mắt, hãy ngừng dập lửa và chạy ra khỏi đó ngay lập tức.
Chúng ta nên học cách sử dụng bình chữa cháy, một vật dụng cực kỳ quan trọng để dập lửa ngay từ đầu.
Giáo sư Nakabayashi Itsuki của Đại học Thành phố Tokyo là chuyên gia về phòng chống thảm họa đô thị. Ông nói ai cũng cần nỗ lực ngăn chặn hỏa hoạn. Nhờ đó, số đám chảy xảy ra đồng thời sau động đất sẽ giảm đi.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/6/2023).