Giải đáp ứng phó thảm họa

11 từ khóa sinh tồn

Phần 1: Chú ý “Tiêu chuẩn chống chịu động đất cũ”

Trận động đất lớn xảy ra ở tỉnh Kumamoto, tây nam Nhật Bản, từ ngày 14 đến 16 tháng 4 năm 2016 phá hủy và gây thiệt hại cho khoảng 200.000 nhà cửa, trực tiếp và gián tiếp cướp đi sinh mạng của 276 người. Trong loạt bài này, chúng ta cùng nhìn lại kinh nghiệm rút ra sau thảm họa ở Kumamoto với 11 từ khóa sinh tồn. Bài hôm nay nói về kiến trúc nhà cửa được xây dựng theo tiêu chuẩn chống chịu động đất cũ.

Vào thời điểm xảy ra động đất, thị trấn Mashiki ở tỉnh Kumamoto đã hứng chịu 2 rung chấn mạnh với chấn độ 7 theo thang đo từ 0-7 của Nhật Bản. Ở trung tâm thị trấn, 30% nhà cửa sập đổ là xây dựng theo tiêu chuẩn chống chịu động đất cũ, được áp dụng tới tận năm 1981. Theo quy định, tiêu chuẩn đưa ra nhằm để đảm bảo nhà cửa có thể chịu được cường độ động đất nhất định.

Động đất đã làm cho 50 người trực tiếp thiệt mạng, trong đó có người bị nhà sập đè lên. Giáo sư Ushiyama Motoyuki thuộc Đại học Shizuoka đã tìm hiểu về những trường hợp này và thấy rằng có ít nhất 13 người được cho là đã đi sơ tán hôm 14/4 nhưng lại quay về nhà hôm 16/4 để rồi thiệt mạng.

Sau khi có động đất mạnh, nếu đang sống trong những ngôi nhà gỗ đã cũ thì không được về nhà ngay mà nên tìm chỗ trú ẩn. Ngoài ra, qua dịch vụ kiểm tra chống chịu động đất, có thể biết được khả năng chịu động đất của ngôi nhà mà mình đang ở. Nhiều chính quyền địa phương có hỗ trợ cho việc kiểm tra này, cũng như việc cải tạo nhà cửa để chịu được động đất.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/5/2023).

Phần 2: Trú ẩn trong xe và ngoài trời

Trong loạt động đất ở tỉnh Kumamoto, nhiều dư chấn tiếp tục xảy ra sau tiền chấn và động đất chính. Điều này khiến các tòa nhà bị hư hại nặng hơn và người dân buộc phải trú ẩn trong xe hoặc các địa điểm ngoài trời ở gần nhà. Một số người chọn ngủ trong xe vì nhiều lý do liên quan tới gia đình, thú nuôi, v.v…

Hai tuần sau động đất, NHK đã khảo sát 100 người trú ẩn trong xe. Theo đó, 69 người trả lời khảo sát cho biết họ chọn cách này vì sợ về nhà khi vẫn còn dư chấn, và 67 người nói rằng nhà bị hư hại nên không thể quay về.

Thời gian trú ẩn ngoài trời kéo dài là một đặc điểm của động đất ở Kumamoto. Nhiều người trú ẩn trong xe gặp vấn đề về sức khỏe, ví dụ như “hội chứng hạng phổ thông”, một số thậm chí tử vong.

Điều quan trọng là chúng ta tính tới khả năng trú ẩn trong xe hoặc các địa điểm ngoài trời gần nhà để chuẩn bị đồ dùng cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/5/2023).

Phần 3: Hội chứng hạng ghế phổ thông

Bất động trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng hạng ghế phổ thông, xảy ra khi cục máu đông hình thành ở chân và di chuyển đến phổi, gây tắc nghẽn mạch máu.

Trong hai tháng kể từ ngày 14/4 khi trận động đất đầu tiên xảy ra ở Kumamoto, có 51 người đã phải nhập viện do hội chứng này. Trong đó có 42 người lánh nạn và ngủ trong ô tô. Tất cả đều bị tức ngực hoặc khó chịu khi ra khỏi xe.

Để ngăn ngừa huyết khối, điều quan trọng là phải đi dạo, vận động nhẹ và giãn cơ, cũng như xoa bóp chân và uống nước thường xuyên. Ngoài ra, cũng có thể dùng tất nén chống giãn tĩnh mạch.

Trong trường hợp ngủ trên ô tô, sử dụng bìa các-tông làm giường cũng sẽ giúp ích rất nhiều. Trước hết, ngả ghế ô tô. Sau đó, dùng bìa các-tông đặt lên những chỗ trống hoặc chỗ không bằng phẳng sao cho có thể nằm duỗi thẳng chân.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/5/2023).

Phần 4: Tiêu chuẩn Sphere

Hai năm sau trận động đất ở Kumamoto, NHK đã thực hiện khảo sát đối với 211 trường hợp tử vong sau động đất vì các vấn đề sức khỏe và các nguyên nhân khác liên quan đến thảm họa này.

Thông tin do các địa phương cung cấp cho thấy ít nhất 95 người trong số những trường hợp tử vong trên đã ngủ tại các trung tâm sơ tán hoặc trong ô tô. Một số người sống sót sau trận động đất ở Kumamoto cho biết các trung tâm sơ tán quá đông và mọi người phải ngủ gần nhau. Họ cũng mô tả tình hình như địa ngục trần gian.

Trên thực tế, các tiêu chuẩn cung cấp nơi lánh nạn khẩn cấp đã được nêu trong bộ tiêu chuẩn Sphere. Đây là bộ tiêu chuẩn do Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức phi chính phủ xây dựng hơn 20 năm trước sau cuộc khủng hoảng người tị nạn Rwanda.

Ví dụ, theo bộ tiêu chuẩn này, nơi sơ tán phải đảm bảo không gian sống tối thiểu 3,5 mét vuông cho mỗi người. Về vấn đề nhà vệ sinh, các tiêu chuẩn quy định phải có tối thiểu một nhà vệ sinh cho 20 người và tỷ lệ nhà vệ sinh nữ so với nhà vệ sinh nam nên là 3:1, do phụ nữ thường cần sử dụng nhà vệ sinh lâu hơn.

Nỗ lực giúp nơi sơ tán thoải mái hơn, dựa trên các tiêu chuẩn như trên, sẽ giúp cứu sống nhiều người trong trường hợp xảy ra thảm họa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/5/2023).

Phần 5: Tin đồn thất thiệt

Ngay sau trận động đất năm 2016, trên Twitter có lan truyền thông tin về một con sư tử bị xổng từ vườn thú thành phố Kumamoto, khiến người dân quanh đó vô cùng hoảng sợ. Người đăng tin giả này sau đó đã bị bắt. Những trường hợp lan truyền tin giả sau thảm họa gây hoang mang như vậy cũng không phải là hiếm.

Phó giáo sư Sekiya Naoya của Đại học Tokyo cho biết ông tin rằng có 3 yếu tố kết hợp dẫn đến việc lan truyền tin đồn thất thiệt. Thứ nhất là “sự bất an” khi không biết rõ điều gì đang xảy ra, thứ hai là “cảm giác tức giận” vì không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ kết thúc và thứ ba là “thiện ý” truyền đạt thông tin có thể hữu ích cho người khác.

Ông Sekiya lưu ý rằng thông tin sai sự thật có thể dẫn đến chết người. Do vậy, khi xảy ra thảm họa, mọi người nên bình tĩnh kiểm chứng thông tin lan truyền ở những nơi như mạng xã hội. Ông nói rằng điều quan trọng là mọi người xử lý thông tin một cách thích hợp, chẳng hạn như không vội vã lan truyền cũng như làm theo các thông tin này.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/5/2023).

Phần 6: Dư chấn

Trong động đất ở Kumamoto, rung chấn lớn đầu tiên xuất hiện hôm 14 tháng 4, rồi 28 tiếng sau, tức là vào ngày 16 tháng 4, lại xảy ra rung chấn khác còn lớn hơn. Hai trận động đất mạnh liên tiếp đã gây ra thiệt hại nặng nề bởi các tòa nhà trụ vững được sau trận động đất đầu tiên đã bị đổ ngay trong trận tiếp theo.

Sau này, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã gọi động đất xảy ra trước là “tiền động đất” và động đất ngay sau đó là “động đất chính”. Cũng sau động đất ở Kumamoto, cơ quan khí tượng không còn sử dụng từ “dư chấn” để cảnh báo về động đất có thể xảy ra ngay sau động đất lớn.

Lý do là vì từ “dư chấn” khiến mọi người lầm tưởng rằng động đất xảy ra sau sẽ nhẹ hơn. Thay vào đó, sau khi xảy ra một trận động đất lớn, cơ quan khí tượng quyết định đưa ra thông tin cảnh báo ví dụ như “Động đất lớn tương đương có thể sẽ xảy ra trong vòng khoảng một tuần.”

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/5/2023).

Phần 7: Sơ tán bệnh nhân nội trú

Sau trận động đất ở Kumamoto, nhiều bệnh viện bị thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và điện nước, khiến nhiều bệnh nhân nội trú phải chuyển đến các cơ sở y tế khác.

Tính đến tháng 3/2023, có tổng cộng 46 bệnh nhân được ghi nhận là tử vong liên quan đến thảm họa trong trận động đất ở Kumamoto. Các ca tử vong hoặc bị chấn thương trong quá trình chuyển đến các bệnh viện khác, hoặc do bệnh viện gặp sự cố.

Trong số này có em Miyazaki Karin, 4 tuổi. Tại thời điểm xảy ra động đất, em đang điều trị tại Bệnh viện Thành phố Kumamoto. Lúc đó, em vừa mới trải qua một ca phẫu thuật điều trị bệnh tim bẩm sinh và cần nghỉ ngơi tuyệt đối.

Tuy nhiên, bệnh viện nói trên không thể tiếp tục hoạt động sau khi các tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng. Em Karin được chuyển đến một bệnh viện khác ở tỉnh Fukuoka cách đó 100km. Em qua đời năm ngày sau khi chuyển viện.

Tại thời điểm xảy ra động đất ở Kumamoto, có nhiều bệnh viện không đạt tiêu chuẩn về phòng ngừa động đất, trong đó có cả Bệnh viện Thành phố Kumamoto. Các cơ sở y tế cần phải có các biện pháp phòng ngừa động đất nhằm đảm bảo có thể tiếp tục hoạt động ngay cả khi có thiên tai.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 10/5/2023).

Phần 8: Phay đứt gãy hạng S đang hoạt động

Trận động đất Kumamoto là do sự dịch chuyển trong các phay đứt gãy hoạt động Futagawa và Hinagu gây ra. Tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2023, có 31 phay đứt gãy hoạt động được phân vào hạng “S” tại Nhật Bản và là những địa điểm được cho là có nhiều khả năng xảy ra động đất nhất.

Các phay đứt gãy đang hoạt động được định nghĩa là phay đứt gãy trên đất liền ở Nhật Bản hoặc ở vùng nước gần đó và đã được các nghiên cứu địa chất xác nhận đã nhiều lần dịch chuyển và gây ra động đất. Tâm chấn của một trận động đất do phay đứt gãy gây ra tương đối nông. Vì vậy, nếu một cơn rung chấn như vậy xảy ra trong đất liền, nó sẽ gây ra thiệt hại to lớn, như chúng ta đã chứng kiến trong trận động đất Kumamoto và động đất Hanshin-Awaji năm 1995.

Phần phía nam của phay đứt gãy Hinagu không dịch chuyển trong trận động đất Kumamoto và được xếp hạng “S”. Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy rằng nó có thể gây ra một trận động đất có thể có chấn độ 7 trên thang từ 0 đến 7 của Nhật Bản. Người dân trong khu vực này nên sẵn sàng bởi vì sau động đất, có thể xảy ra sóng thần ở biển Yatsushirokai gần đó.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/5/2023).

Phần 9: Đất đắp nền

Sau trận động đất ở Kumamoto, có nhận định rằng nhà cửa bị hư hại nặng nề thường nằm ở những nơi có nền đất đắp hoặc móng nhà không vững chắc. Có những nơi, phần nền đất đắp bị sập xuống. Điều này không có nghĩa là tất cả các khu vực như vậy đều nguy hiểm, nhưng trong các thảm họa trước đây cũng đã có ghi nhận nguy cơ từ đất đắp nền như thế này.

Ngoài ra, nền đất không vững chắc có thể khiến rung lắc mạnh hơn. Ta hãy hình dung đất giống như thạch, khi có rung lắc, thạch mềm sẽ rung chuyển rõ hơn so với thạch cứng. Tương tự như vậy, rung lắc sẽ khuếch đại ở nơi có nền móng yếu, do đó gây ra nhiều thiệt hại hơn.

Cũng đã có nhận định rằng móng yếu, phức tạp nằm sâu dưới lòng đất có thể là nguyên nhân gây ra thiệt hại nặng nề ở trung tâm Thị trấn Mashiki ở Kumamoto.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/5/2023).

Phần 10: Kế hoạch Duy trì Hoạt động Kinh doanh – BCP

Hôm nay, chúng ta tập trung vào BCP (viết tắt cụm từ trong tiếng Anh Business Continuity Plan), có nghĩa là Kế hoạch Duy trì Hoạt động Kinh doanh.

Trận động đất Kumamoto đã ảnh hưởng tới các công ty, kể cả những công ty liên kết với Sony và nhiều nhà máy chế tạo bán dẫn khác tập trung trong tỉnh. Điều này dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung chất bán dẫn trên toàn Nhật Bản.

Tác động từ một phản ứng dây chuyền như vậy cũng đã gây ra vấn đề tương tự khi trận động đất lớn xảy ra tại vùng Tohoku của Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011. Tầm quan trọng của BCP cũng đã được thảo luận vào thời điểm đó.

BCP là một kế hoạch đề ra phương pháp hoặc khuôn khổ đảm bảo cho các công ty tiếp tục những hoạt động chính của họ ngay cả trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai hoặc bùng phát bệnh truyền nhiễm. Nếu hoạt động kinh doanh của họ bị gián đoạn, kế hoạch này sẽ tạo điều kiện để họ khởi động lại công việc kinh doanh trong thời gian ngắn nhất có thể. Không giống như một kế hoạch phòng chống thiên tai nhằm mục đích cứu người dân, mục đích của một BCP là để đảm bảo việc tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Các trận động đất ở Kumamoto đã một lần nữa cho thấy việc cần thiết phải soạn thảo một Kế hoạch Duy trì Hoạt động Kinh doanh – BCP.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/5/2023).

Phần 11: Phân loại cuộc gọi

Trong các trận động đất ở Kumamoto, sở cứu hỏa cứu thương thành phố đã phải liên tiếp nhận điện thoại ngay sau động đất. Trong thời gian xảy ra trận động đất đầu tiên hôm 14/4 và trận động đất lớn sau đó hôm 16/4, sở cứu hỏa cứu thương đã nhận được tổng cộng 2.800 cuộc điện thoại, tức là gấp 10 lần so với bình thường.

Tuy nhiên, 60% trong số đó, nghĩa là khoảng 1.700 cuộc không phải là gọi cứu hộ hay cấp cứu mà đó chỉ là những trường hợp không có gì cấp bách. Nhiều người gọi đến sở cứu hỏa cứu thương chỉ để báo mất điện hoặc hỏi nơi sơ tán.

Do không thể đáp ứng được hết các cuộc gọi nên sở cứu hỏa cứu thương chỉ còn cách cử lực lượng làm nhiệm vụ theo tình huống ưu tiên. Sau khi rút kinh nghiệm, đồng thời để có thể ứng phó với động đất lớn sau này, sở cứu hỏa cứu thương thành phố Kumamoto trở thành đơn vị đầu tiên ở Nhật Bản soạn thảo hướng dẫn quy trình phân loại để xác định xem đâu là cuộc gọi khẩn cấp.

Người dân cũng cần cân nhắc xem có thực sự khẩn cấp không rồi hãy gọi cứu hộ. Để lực lượng cứu hộ có thể đến được nơi cần thiết, nên hạn chế gọi điện cho sở cứu hỏa cứu thương sau khi xảy ra thảm họa, nếu không có gì thực sự khẩn cấp, ví dụ như hỏi về dịch vụ tiện ích.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/5/2023).