Giải đáp ứng phó thảm họa

Sơ tán người nước ngoài trong thảm họa

Phần 1: Người nước ngoài chiếm 2% tổng dân số Nhật Bản

Khi thảm họa xảy ra, người nước ngoài sống ở Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng vì họ phải đối mặt với nhiều rủi ro do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Làm thế nào để tất cả mọi người đều có thể vượt qua thiên tai ở Nhật Bản? Trong loạt bài này, chúng tôi tập trung vào một số biện pháp đã học hỏi từ nhiều thảm họa khác nhau trên khắp Nhật Bản.

Hiện ở Nhật Bản có khoảng 3 triệu người nước ngoài đang sinh sống, không kể khách du lịch ngắn hạn. Điều này có nghĩa là cứ 50 người thì có 1 người nước ngoài, chiếm khoảng 2% tổng dân số Nhật Bản.

Về quốc tịch và khu vực sinh sống tại Nhật Bản thì Trung Quốc có số người lớn nhất, tiếp theo là Việt Nam đứng thứ 2. Ngày càng có nhiều người Việt Nam đến Nhật Bản tham gia các chương trình thực tập kỹ năng để học các kỹ năng, kỹ thuật trong ngành sản xuất và nông nghiệp. Người Hàn Quốc đứng thứ 3, Philippines đứng thứ 4 và Brazil đứng thứ 5.

Bà Dương Tử, người Trung Quốc, thuộc Viện Đa dạng Con người Nhật Bản, đã đến thăm một số khu vực bị thảm họa, kể cả khu vực bị ảnh hưởng của động đất lớn tại tỉnh Kumamoto vào năm 2016. Nghiên cứu của bà tập trung vào tình hình của người nước ngoài bị ảnh hưởng của thiên tai.

Bà Dương cho biết mặc dù cụm từ “người nước ngoài” được sử dụng chung cho tất cả các công dân nước ngoài ở Nhật nhưng mỗi người nước ngoài đều có ngôn ngữ và phong tục riêng vì thế điều quan trọng là cả người Nhật và người nước ngoài đều cần hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau khi có thảm họa xảy ra. Bà Dương nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp hỗ trợ tương ứng với sự đa dạng của ngôn ngữ và các nền văn hóa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 14/3/2023).

Phần 2: Rào cản ngôn ngữ với người nước ngoài

Khi thảm họa xảy ra, người nước ngoài sống ở Nhật Bản có thể gặp khó khăn do khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Làm thế nào để vượt qua thảm họa? Phần 2 nói về trường hợp một người đàn ông Pakistan gặp phải động đất lớn khi mới đến Nhật Bản.

Đó là anh Sheeraz S. Khan, 1 người Hồi giáo Pakistan sống ở thành phố Kumamoto, tây nam Nhật Bản. Đó là ngày 14 tháng 4 năm 2016, đúng 1 tháng sau khi chuyển tới đây ở thì anh Khan gặp trận động đất chấn độ 7 trên thang đo từ 0 đến 7 của Nhật. Anh Khan cho rằng sẽ nguy hiểm nếu ở bên trong nên đã cùng với những người khác chạy đến sơ tán ở công viên gần 1 nhà thờ Hồi giáo. Lúc đó là buổi tối và trời mưa.

Anh Khan và nhiều người khác gặp vấn đề rào cản ngôn ngữ.

Anh nhớ lại “Có 1 số nhân viên đi xe tới và nói với chúng tôi điều gì đó nhưng tôi không thể hiểu họ nói gì. Chúng tôi đã phải ở công viên suốt đêm”.

Cuối cùng thì anh Khan và những người kia cũng đến được nơi sơ tán nhưng lại gặp 1 trở ngại khác về đồ ăn. Người Hồi giáo dùng đồ ăn halal theo tiêu chuẩn riêng của họ. Thức ăn halal đều phải đúng theo quy định của luật Hồi giáo. Anh Khan cho biết anh không dám ăn gì vì không rõ về nguyên liệu. Anh đã hỏi nhân viên ở đó nhưng họ nói là không biết vì đang trong tình trạng khẩn cấp.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/3/2023).

Phần 3: Đoàn thể địa phương hỗ trợ người nước ngoài

Người nước ngoài sống ở Nhật Bản làm thế nào để vượt qua thảm họa? Trong phần 3, chúng tôi nói về một tổ chức giao lưu đã hỗ trợ người nước ngoài trên địa bàn như thế nào.

Vào tháng 4/2016, động đất mạnh xảy ra ở tỉnh Kumamoto, có khoảng 4.500 người thuộc nhiều quốc tịch sống trong thành phố Kumamoto đã bị ảnh hưởng. Trong đó, có người Pakistan, người Trung Quốc, Hàn Quốc và Philippines.

Tổ chức Xúc tiến Giao lưu Quốc tế Kumamoto đã giúp đỡ cư dân nước ngoài. Được sự ủy thác của thành phố, tổ chức đảm nhận việc tư vấn cho cư dân nước ngoài về các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Văn phòng của tổ chức đặt tại Trung tâm Giao lưu Quốc tế Thành phố Kumamoto, nơi được chỉ định là cơ sở hỗ trợ người nước ngoài khi có thảm họa.

Ông Yagi Hiromitsu, người đứng đầu ban thư ký vào thời điểm đó, đã ngay lập tức hành động để trung tâm trở thành điểm sơ tán có thể đáp ứng đa ngôn ngữ và văn hóa. Ông Yagi cho biết ông đã đi hỏi mọi người xem có gặp khó khăn gì về ngôn ngữ hay các vấn đề khác không, cũng như có cần hỗ trợ phù hợp với nền văn hóa của họ hay không.

Có tới 140 người sơ tán ở trung tâm, bao gồm cả người Nhật và người nước ngoài. Trung tâm dán thông báo bằng các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung về các thông tin như giờ giấc bữa ăn, phương tiện đi lại, v.v.

Trung tâm cũng đáp ứng nhu cầu chế độ ăn uống khác nhau tùy theo tôn giáo và văn hóa. Ông Yagi cho biết việc giải thích về nguyên liệu thực phẩm giúp mọi người phần nào yên tâm.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/3/2023).

Phần 4: Cuộc sống ở nơi sơ tán

NHK giới thiệu loạt bài về việc người nước ngoài sống ở Nhật Bản vượt qua thảm họa như thế nào. Trong phần 4, chúng ta cùng tìm hiểu về cuộc sống của người nước ngoài ở nơi sơ tán.

Trận động đất xảy ra vào tháng 4/2016 ở tỉnh Kumamoto đã tàn phá nhiều khu vực và khiến giao thông bị gián đoạn. Không phải cư dân người nước ngoài nào cũng đến được các điểm sơ tán chỉ định có hỗ trợ người nước ngoài khi xảy ra thiên tai. Giới chức địa phương phải chia thành các nhóm và tìm kiếm xung quanh các điểm sơ tán.

Bà Yang Jun, cư dân sống ở Kumamoto 30 năm đã hỗ trợ người Trung Quốc ở nơi sơ tán. Bà cũng chuyên tư vấn bằng tiếng Trung tại Tổ chức Quốc tế Kumamoto. Khi đến các điểm sơ tán, bà nhận thấy người nước ngoài dường như bị cô lập giữa các nhóm người Nhật.

Bà Yang kể lại rằng: “khi hỏi thăm người nước ngoài ở nơi sơ tán bằng tiếng mẹ đẻ, ngay cả những người đã sống ở Nhật nhiều năm cũng trông có vẻ nhẹ nhõm hơn. Thậm chí một số người đã khóc”.

Bất đồng ngôn ngữ thường kéo theo nhiều vấn đề khác nhau. Tại một điểm sơ tán, một số người Nhật Bản phàn nàn rằng một người nước ngoài đang lấy nhiều đồ cứu trợ hơn mức cần thiết. Bà Yang đã trò chuyện và phát hiện ra rằng người này lấy đồ cho một thành viên khác trong gia đình thường vắng mặt vào ban ngày. Bà đã giải thích cho những người khác và mọi hiểu lầm được giải quyết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 17/3/2023).