Giải đáp ứng phó thảm họa

Cảnh báo đặc biệt

Phần 1: Cảnh báo đặc biệt là gì?

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đưa ra cảnh báo đặc biệt khi có nhiều khả năng sẽ xảy ra hoặc đã xảy ra thảm họa nghiêm trọng. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về “cảnh báo đặc biệt”, ví dụ như sự khác nhau giữa “cảnh báo đặc biệt” và “cảnh báo”, cũng như khi nào các cảnh báo này được ban hành.

Cơ quan Khí tượng đưa ra cảnh báo đặc biệt để thông báo cho người dân về khả năng xảy ra thảm họa do hiện tượng tự nhiên. Liên quan tới điều kiện thời tiết, cơ quan có 6 loại cảnh báo đặc biệt là mưa lớn, bão, nước dâng do bão, sóng cao, tuyết lớn và bão tuyết. Cảnh báo đặc biệt kêu gọi người dân sẵn sàng ứng phó với hiện tượng bất thường dự kiến ở mức nghiêm trọng hơn nhiều so với mức “cảnh báo”. Nhiều khả năng các thảm họa nghiêm trọng đã xảy ra vào thời điểm cảnh báo đặc biệt được ban hành.

Khu vực được áp dụng cảnh báo đặc biệt là nơi đối mặt với mối đe dọa thảm họa nghiêm trọng ở mức có thể chỉ xảy ra một lần trong hàng thập kỷ và nhiều người chưa từng trải qua. Người dân trong khu vực như vậy nên cảnh giác cao độ để tự bảo vệ tính mạng.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 15/9/2022).

Phần 2: Bối cảnh ra đời Hệ thống Cảnh báo Đặc biệt

Cơ quan Khí tượng áp dụng Hệ thống Cảnh báo Đặc biệt do nhận thấy rằng hệ thống cảnh báo cũ không thực sự hiệu quả. Trong các thảm họa lớn trước đây, mặc dù các loại cảnh báo như cảnh báo về mưa lớn hay sạt lở đất được đưa ra nhiều lần, thì vẫn có trường hợp khó kêu gọi người dân đi sơ tán cũng như ngăn chặn thiệt hại do thiên tai. Một cơn bão hồi tháng 9 năm 2011 đổ bộ vào bán đảo Kii miền Tây Nhật Bản, khiến hơn 90 người thiệt mạng mặc dù trước đó Cơ quan Khí tượng đã đưa ra cảnh báo về những thảm họa nghiêm trọng.

Trong thảm họa động đất và sóng thần lớn ở phía Đông và Đông Bắc Nhật Bản hồi tháng 3 năm 2011, cơ quan trên cũng đưa ra cảnh báo về sóng thần lớn, tuy nhiên không hẳn hiệu quả trong việc kêu gọi người dân nhanh chóng sơ tán. Sau đó, cơ quan này đã sửa đổi luật liên quan vào năm 2013 để đưa vào sử dụng Hệ thống Cảnh báo Đặc biệt với mục đích cảnh báo trước các thảm họa nghiêm trọng một cách dễ hiểu và kêu gọi mọi người tự bảo vệ mình.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 16/9/2022).

Phần 3: Tiêu chí đưa ra cảnh báo đặc biệt

Trước hết, câu hỏi đặt ra là tình huống nào sẽ kích hoạt cảnh báo đặc biệt, mà giới chức nói rằng sẽ được đưa ra khi nguy cơ xảy ra thảm họa nghiêm trọng là rất cao? Cảnh báo đặc biệt được đưa ra đối với một khu vực khi có dự báo đang hoặc sẽ xảy ra “một hiện tượng 50 năm mới có một lần” tại khu vực đó. Một trong những điều kiện thời tiết trước đây làm kích hoạt việc đưa ra cảnh báo đặc biệt có thể kể đến là hiện tượng sóng thần quy mô lớn xảy ra sau thảm họa động đất lớn Đông Nhật Bản hồi năm 2011. Thảm họa kép này đã khiến hơn 18.000 người thiệt mạng hoặc mất tích. Một điều kiện thời tiết thứ hai trong quá khứ dẫn đến việc kích hoạt cảnh báo đặt biệt có thể kể đến là cơn bão “Isewan” 1959, gây ra triều cường ở mức cao nhất ở Nhật Bản vào thời điểm đó và khiến hơn 5.000 người thiệt mạng hoặc mất tích. Thứ ba có thể kể đến là hiện tượng mưa lớn do mưa bão 2019 gây ra, gây ngập lụt trên diện rộng ở Đông Nhật Bản và khiến hơn 100 người thiệt mạng hoặc mất tích. Trong số những thảm họa buộc giới chức phải đưa ra cảnh báo đặc biệt, nhiều thảm họa đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng ở Nhật.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 19/9/2022).

Phần 4: Sơ tán trước khi cảnh báo đặc biệt được ban hành

Trong trường hợp mưa lớn và cảnh báo đặc biệt được ban hành, thì khả năng cao là thảm họa sẽ xảy ra, và đặt người dân vào tình thế nguy hiểm. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta phải sơ tán trước khi cảnh báo đặc biệt được ban hành.

Các thông tin sơ tán liên quan đến mưa lớn và cảnh báo thời tiết được chia theo thang 5 cấp. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo cấp độ 5, mức cao nhất trong thang đo.

Khi có cảnh báo cấp 3 về mưa lớn hoặc lũ lụt, người cao tuổi hoặc người khuyết tật được khuyến nghị sơ tán. Khi có cảnh báo cấp độ 4, tất cả những người đang ở nơi có nguy cơ cao phải sơ tán ngay.

Cấp độ 5 bao gồm thông tin nước sông tràn bờ có thể gây lũ lụt và cảnh báo đặc biệt. Khi đó, thảm họa có thể đã xảy ra và chúng ta có thể gặp khó khăn khi di chuyển đến các địa điểm sơ tán. Chúng ta nên thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình, chẳng hạn như di chuyển tới những nơi cao từ tầng 2 trở lên. Trong trường hợp ở gần núi, chúng ta nên di chuyển tới các phòng ở xa các mỏm đất đá.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 20/9/2022).

Phần 5: Những điều cần chuẩn bị và đề phòng

Khi có thảm họa thì việc chuẩn bị trước cũng quan trọng như việc khẩn trương sơ tán. Nếu nắm rõ có thể xảy ra thảm họa gì ở khu vực mình sống và biết địa điểm lánh nạn an toàn ở đâu thì sẽ giúp rất nhiều khi cần hành động. Bản đồ cảnh báo rủi ro của chính quyền địa phương cũng rất hữu ích trong việc tìm kiếm thông tin. Cũng có thể nhận được thông tin cần thiết và kịp thời nếu cài đặt các ứng dụng thông tin thảm họa trên điện thoại.

Một lời khuyên nữa là chúng ta không nên mất cảnh giác kể cả khi đã qua đỉnh bão và khi cảnh báo đặc biệt đã được hạ xuống thành cảnh báo. Vào tháng 10/2019, nhiều con sông vẫn tiếp tục tràn bờ dù cảnh báo đặc biệt về mưa lớn do bão Hagibis gây ra đã được dỡ bỏ. Một số người rời nơi lánh nạn để đi về nhà thì nước lại dâng lên và nhà lại bị ngập.

Cơ quan Khí tượng và Bộ Đất đai và Giao thông đã rút ra kinh nghiệm bằng cách thông báo “cảnh báo đặc biệt đã được hạ xuống cảnh báo” chứ không nói rằng “cảnh báo đặc biệt đã được dỡ bỏ”. Giới chức kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác với các con sông tràn bờ và những hiểm họa khác kể cả khi đã dỡ bỏ cảnh báo đặc biệt.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/9/2022).