Giải đáp ứng phó thảm họa

Công tác chuẩn bị khi bão đang đến gần

Cần làm gì trong 2-3 ngày trước khi bão đến gần?

Khi mùa mưa bão đã bắt đầu ở Nhật Bản, đài chúng tôi cung cấp cho quý vị và các bạn loạt bài về những việc cần làm để bảo vệ tính mạng trong mùa mưa bão kèm theo mưa lớn và gió mạnh. Trước hết, chúng ta sẽ cùng nhìn lại sự tàn phá và thương vong mà Bão Hagibis hồi năm 2019 đã gây ra để có thể đưa ra khuyến nghị về cách thức ứng phó cần thiết. Trong bài mở đầu này, chúng tôi tập trung vào những công tác chuẩn bị trong khoảng 2-3 ngày trước khi bão ập tới.

Khi Bão Hagibis xảy ra, 79 người đã thiệt mạng do bị nước lũ cuốn trôi, ngập lụt hoặc do những thảm họa liên quan đến lở bùn. Trong số đó, 52 người sinh sống ở những khu vực được coi là những khu vực nguy hiểm trong bản đồ nguy cơ. Các địa phương thường đưa ra bản đồ nguy cơ trong đó chỉ rõ những địa điểm được coi là nguy hiểm khi xảy ra thảm họa. Bản đồ nguy cơ ở khu vực lân cận nơi bạn sinh sống có thể được đăng trên các trang mạng của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trước đây, khi bão ập tới, các trang mạng này thường rơi vào tình trạng truy cập quá tải nên bạn không thể truy cập được để kiểm tra bản đồ nguy cơ. Vì vậy, bạn cần truy cập trước và in ra bản đồ nguy cơ để nắm được thông tin cần thiết.

Rủi ro thường hiện hữu ở mọi nơi, không riêng gì những nơi bị coi là có nhiều nguy hiểm. Khi Bão Hagibis xảy ra, 17 người thiệt mạng ở những khu vực không bị coi là nguy hiểm. Trong đó, 13 người thiệt mạng ở những khu vực trũng thấp, tức là những khu vực có thể bị ngập lụt khi nước sông dâng cao do mưa lớn. Vì vậy, cần kiểm tra độ cao ngôi nhà của bạn so với đê hoặc cầu bắc qua sông gần đó. Nếu nhà bạn ngang bằng với đê hoặc cầu gần đó thì có thể bị ngập lụt trong mùa mưa bão.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/9/2022).

Cần làm gì trong 2-3 ngày trước khi bão đến gần (2)?

NHK cung cấp cho quý vị và các bạn loạt bài về những việc cần làm để bảo vệ tính mạng trong mùa mưa bão kèm theo mưa lớn và gió mạnh. Trong phần tiếp theo, chúng tôi nói về những điều có thể chuẩn bị trước khi bão tới gần 2 đến 3 ngày.

Đầu tiên, chúng ta nên dự trữ thức ăn và nước uống đủ cho 3 ngày trở lên. Thực phẩm dành cho trường hợp khẩn cấp thường có hàm lượng carbohydrat (chất bột) cao, do vậy ta nên dự trữ cả thực phẩm như thịt cá đóng hộp và nước ép rau củ để đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Bên cạnh việc dự trữ nước, chúng ta cũng có thể cân nhắc các loại đồ uống khác như trà và nước ngọt, cũng như các loại nước đóng chai có hạn sử dụng từ 5 đến 10 năm. Những gia đình có trẻ nhỏ được khuyến nghị dự trữ thực phẩm cho trẻ và sữa dạng nước không cần pha hoặc hâm nóng.

Ngoài ra, chúng ta cần xác nhận hoạt động của đèn pin và đài thu thanh cầm tay. Các bạn có thể tải xuống nhiều loại ứng dụng điện thoại thông minh để nhận thông tin liên quan đến thảm họa. Chúng ta cũng nên chuẩn bị sạc điện thoại chạy bằng pin tiểu, do tại các điểm lánh nạn thường xảy ra tình trạng người dân phải xếp hàng để sạc điện thoại vì không có đủ ổ cắm điện.

Cuối cùng, người dân cũng được khuyến nghị cất vào trong nhà những đồ đạc ngoài trời như giá cắm ô hay sào phơi quần áo, để tránh trường hợp những đồ vật như vậy bị gió mạnh cuốn đi làm người khác bị thương.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/9/2022).

Cần chuẩn bị thế nào 1 ngày trước khi bão đến?

Khi bão đến, tàu điện có thể bị dừng. Có thể sẽ có thông tin về cảnh báo và sơ tán khi mưa, gió tăng lên. Vì vậy, điều cần thiết là thu thập thông tin.

Cần kiểm tra thông tin mới nhất từ Cơ quan Khí tượng và chính quyền địa phương. Nên chủ động thu thập thông tin bằng các ứng dụng đề phòng thảm họa và tin tức phát sóng thời tiết trên truyền hình, sử dụng phím “d” trên điều khiển TV.

Khi có lệnh sơ tán của chính quyền địa phương thì đó là lúc phải rời đi. Đừng cho rằng vẫn còn an toàn mà phải hành động ngay lập tức. Quan trọng nhất là phải sơ tán sớm trước khi tình hình xung quanh xấu đi. Xe ô tô cũng có thể bị nước cuốn trôi nếu mưa lớn làm cho nước sông tràn bờ.

Những người cần nhiều thời gian để sơ tán, ví dụ như người già và người khuyết tật, cần phải rời đi ngay sau khi có lệnh sơ tán. Cũng nên để ý xem có ai sống xung quanh cần được giúp đỡ hay không.

Nếu ở nhà, hãy ngủ ở từ tầng 2 trở lên. Trong cơn bão Hagibis năm 2019, có 12 trong 21 người đã thiệt mạng tại nhà do nước lũ vì đã ngủ ở tầng 1. Nếu ở tầng cao hơn thì điều đó đã không xảy ra.

Với người già thì sẽ khó di chuyển lên tầng 2 hoặc các tầng cao khi nước tràn vào nhà và đồ đạc nổi trên mặt nước. Nên ngủ ở phòng từ tầng 2 trở lên và càng cách xa các vách núi hoặc các sườn dốc càng tốt, vì việc đi sơ tán trời tối có thể sẽ mất thêm thời gian hơn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/9/2022).

Khi bão đến gần khu vực sinh sống

Trong phần tiếp theo của loạt bài về tổn thất và bài học từ bão Hagibis năm 2019, chúng tôi sẽ nói về những hành động bạn nên thực hiện khi cơn bão đến gần khu vực sinh sống.

Khi một cơn bão đang đến gần, sẽ có mưa và gió mạnh hơn, còn một số con đường có thể bị ngập lụt. Chính quyền có thể đã đưa ra các cảnh báo đặc biệt, và thậm chí có khả năng nhà bị ngập nước và nhiều khu vực bị sạt lở. Việc ra ngoài trong tình hình này là rất nguy hiểm. Trong số 92 nạn nhân của cơn bão Hagibis năm 2019, có 57 người thiệt mạng ở ngoài trời. Họ ra ngoài vì nhiều lý do. Một số người có thể đã sống sót nếu ở trong nhà. Cần nhớ rằng việc ra ngoài sau khi mưa và gió mạnh lên là rất nguy hiểm.

Việc đi sơ tán bằng ô tô cũng rất nguy hiểm. Trong số 57 người thiệt mạng ở ngoài trời trong cơn bão Hagibis, có 23 người, tương đương gần 50%, tử vong trong xe ô tô. Một số xe đã bị cuốn trôi hoặc rơi vào hố cống vì nước khiến lái xe không thể nhìn thấy mặt đường. Xe hơi có thể dễ dàng bị cuốn đi ngay cả khi nước có vẻ không sâu. Bạn nên tránh lái xe trong các khu vực ngập nước.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/9/2022).

Khi bão đến gần khu vực sinh sống(2)

Khi cơn bão Hagibis xảy ra năm 2019, đã có 13 người thiệt mạng khi trên đường đi làm hoặc trở về nhà. Trong số 13 người bị tử vong khi đang ở bên ngoài này thì có tới khoảng 25% người đang ở bên ngoài do công việc. Số nạn nhân như vậy đặc biệt cao ở những khu vực nông thôn nơi mọi người thường tự lái xe đi làm.

Giáo sư Ushiyama Motoyuki thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục về Thiên tai, trường Đại học Shizuoka, đã phân tích về những thiệt hại do cơn bão này gây ra. Ông cho biết điều quan trọng là khi thời tiết có nhiều rủi ro như vậy thì các công ty không để cho nhân viên về nhà hoặc buộc nhân viên phải đi làm. Ông cũng khuyên người đi làm cần suy nghĩ kỹ để quyết định chỉ đi làm hoặc về nhà khi thấy an toàn.

Giáo sư Ushiyama khuyên chúng ta khi tình hình ở bên ngoài nguy hiểm thì nếu ở trong nhà, hãy chuyển sang phòng cách xa các mỏm đất hoặc sườn núi hoặc ở phòng từ tầng 2 trở lên. Hoặc nếu bên cạnh nhà có tòa nhà vững chắc hơn thì nên chuyển tới đó và di chuyển lên tầng cao. Nếu trường hợp khó đi lánh nạn được thì hãy tìm một địa điểm càng an toàn càng tốt để tăng khả năng sinh tồn cho chính mình.

Để có thể tự bảo vệ tính mạng khi có bão, điều quan trọng là phải nắm bắt trước những mối nguy hiểm và chuẩn bị đối phó. Nhưng cơn bão Hagibis đã cho chúng ta thấy thiên nhiên luôn khó lường được hết. Vì vậy điều sống còn là phải tích cực tìm hiểu địa hình xung quanh nơi mình sinh sống. Có thể bạn nghĩ nếu có bão nhà mình chắc cũng không sao. Nhưng hãy tập cách suy nghĩ tới trường hợp xấu nhất, ví dụ nếu nước sông cạnh nhà bị tràn bờ hoặc mỏm núi bị sụp đổ thì sẽ ra sao.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 9/9/2022).