Giải đáp ứng phó thảm họa

Chuẩn bị đồ cần thiết phòng xảy ra thảm họa

(phần 1)

Chuẩn bị những đồ dùng cần thiết phòng khi xảy ra thảm họa là việc làm cần thiết. Mặc dù biết điều này nhưng không ít người sẽ tự hỏi vậy sẽ phải chuẩn bị những gì và số lượng ra sao. Trong loạt bài nói về việc tích trữ đồ dùng cần thiết, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những mặt hàng nào cần tích trữ và làm sao để tích trữ có hiệu quả mà không tốn nhiều công sức.

Các chuyên gia thảm họa đã nói rằng, biện pháp “tích trữ luân phiên” của Nhật Bản là cách tích trữ hay nhất để phòng khi có thảm họa xảy ra.

Cách làm này là thường xuyên tích trữ một số loại đồ thực phẩm có thời hạn sử dụng dài, ví dụ như đồ uống và thực phẩm cũng như những đồ thường dụng khác. Khi những đồ vật này sắp hết hạn sử dụng thì chúng ta hãy dùng những thứ đó, mua đồ mới thay vào.

Những loại đồ tích trữ quan trọng là nước và thực phẩm.

Chúng ta cần tích trữ đồ dùng khẩn cấp cho ít nhất 3 ngày, tuy nhiên nếu được chúng ta nên tích trữ ít nhất phần 1 tuần.

Việc tích trữ nước và thực phẩm cũng như những đồ dùng cần thiết khác đủ cho một tuần là khá khó nhưng biện pháp “tích trữ luân phiên” có thể giúp chúng ta làm được điều này.

Đối với nước uống và nấu ăn, mỗi người cần ít nhất 3 lít một ngày và cần phải trữ ít nhất đủ dùng trong 3 ngày.

Ví dụ, nhà có 2 người lớn, thì nếu chuẩn bị mỗi người 3 lít nước thì ta nhân 3 với 2 và nhân 3 ngày và như vậy ta cần 18 lít nước.

Chúng ta cũng có thể tích trữ các loại đồ uống khác, ví dụ như trà, nước ngọt, cùng với nước uống.

Gần đây, tại Nhật Bản có bán các sản phẩm nước uống thường có hạn sử dụng từ 5 đến 10 năm. Chúng ta có thể mua tích trữ các sản phẩm này kết hợp với các loại nước đóng chai thông thường.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/4/2022).

(phần 2)

Phần 2 giới thiệu các loại thực phẩm nên tích trữ. Chúng tôi sẽ gợi ý cách kết hợp với những thực phẩm chúng ta thường dùng hằng ngày để đảm bảo được đủ lượng cần thiết. Tuy nhiên, việc nấu nướng có thể gặp khó khăn khi xảy ra trường hợp khẩn cấp, các bạn nên chuẩn bị trước những loại đồ ăn đặc biệt có thể nấu mà không cần dùng đến lửa.

Những thực phẩm tiện dụng thường ngày nên chuẩn bị trước là các loại mỳ ăn liền hoặc mỳ khô, cơm ăn liền hay thức ăn nấu sẵn như cà-ri. Ngoài ra còn có đồ đóng hộp, sinh tố rau và các loại hoa quả để được lâu.

Một số thực phẩm khẩn cấp có thể tích trữ sẵn như gạo alpha-mai, loại gạo chỉ cần đổ nước vào là có thể ăn được luôn, hoặc các loại đồ ăn có dụng cụ hâm nóng đi kèm không cần dùng đến bếp, và các loại đồ ăn vặt như bánh mỳ, bánh quy.

Khi gặp tình huống khẩn cấp, mọi người thường có xu hướng dùng đồ ăn có hàm lượng carbohydrate cao. Vì vậy, việc chuẩn bị thực phẩm đóng hộp và sinh tố rau là rất cần thiết để các bạn có đủ dưỡng chất từ thịt cá và rau xanh.

Cũng cần lưu ý là trong tình huống khẩn cấp, sẽ rất khó để mua được sữa, thức ăn trẻ em và đồ ăn cho người bị dị ứng. Do vậy việc tích trữ đủ lượng thức ăn cho trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính và bị dị ứng là rất quan trọng.

Các chuyên gia khuyên rằng nên tích trữ đủ thức ăn trong 2 tuần vì thường sau một thảm họa lớn, nguồn cung hàng hóa sẽ bị gián đoạn.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/5/2022).

(phần 3)

Khi xảy ra thảm họa, nguồn nước có thể bị gián đoạn trong một thời gian. Trong trường hợp đó, chúng ta thậm chí còn không thể xả nước bồn cầu. Vì thế, chúng ta cần tích trữ nước, không chỉ để uống và để nấu ăn mà còn để sử dụng cho sinh hoạt. Một cách là tích trữ nước trong bồn tắm chứ không xả ngay sau khi sử dụng. Tuy nhiên, các gia đình có con nhỏ cần cẩn thận vì trẻ nhỏ có thể ngã vào bồn tắm và bị đuối nước.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên tích trữ các đồ dùng có thể sử dụng mà không cần nước, ví dụ như toilet khẩn cấp, xà phòng gội đầu không cần nước, giấy lau ướt và màng bọc thực phẩm bằng ni-lông, có thể dùng để bọc bát đĩa khi ăn rồi vứt đi sau khi dùng để không cần rửa bát đĩa.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/5/2022).

(phần 4)

Trong phần 4, chúng tôi tập trung vào các biện pháp phòng khi mất điện. Không có điện có nghĩa là không có ánh sáng. Ngoài ra, nếu không có điện, ta sẽ không thể bật tivi hay sử dụng điện thoại thông minh nên rất khó để nắm bắt thông tin.

Nên chuẩn bị sẵn một số thiết bị chiếu sáng như đèn pin loại nhỏ, đèn pin đội đầu, đèn có dây đeo trên cổ và đèn pin loại lớn (để chiếu sáng trong nhà). Đèn pin sử dụng bóng đèn LED tiện lợi hơn khi phải sơ tán trong thời gian dài vì dùng được lâu hơn bóng đèn sợi đốt.

Để cập nhật tin tức, nên chuẩn bị máy thu thanh cầm tay và bộ sạc điện thoại thông minh chạy bằng pin khô hoặc năng lượng mặt trời. Trong thảm họa lớn, khôi phục gas là mất nhiều thời gian nhất trong các dịch vụ tiện ích cơ bản. Vì vậy, điều quan trọng là phải chuẩn bị sẵn bếp ga du lịch và các dụng cụ nấu nướng để có thể nấu đồ ăn nóng. Khi sử dụng bếp gas du lịch để nấu ăn, mỗi người cần khoảng 6 bình gas cho một tuần.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/5/2022).

(phần 5)

Trong phần 5, chúng tôi tập trung vào những vật dụng thường ngày hữu ích khi phải sống nhiều ngày ở các cơ sở sơ tán.

Các bạn nên chuẩn bị thêm cho túi đồ khẩn cấp của mình, nhất là những đồ dùng khó chia sẻ với người khác. Các bạn có thể tham khảo danh sách sau đây.

– Bàn chải đánh răng, nước súc miệng
– Kính mắt, kính áp tròng, dung dịch rửa kính áp tròng
– Toilet di động, giấy vệ sinh, băng vệ sinh phụ nữ
– Quần tất (rất hữu ích để ngăn ngừa hội chứng huyết khối tĩnh mạch)
– Đồ che mắt, nút lỗ tai
– Túi đựng rác (cũng có thể được dùng làm áo mưa tạm thời và để đi vệ sinh)
– Dép dùng một lần
– Quạt giấy, khăn lạnh (dùng cho mùa hè)
– Miếng giữ nhiệt, găng tay (dùng cho mùa đông)

Việc chuẩn bị nhiều thứ cùng một lúc là rất khó, nhưng thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy điều quan trọng là phải có thói quen dự trữ thêm đồ dùng cần thiết.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/5/2022).